Những bức tranh của Việt Nam

30 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 10259)

Những bức tranh của Việt Nam được thế giới trả giá bạc tỷ


Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam có thể tự hào với những bức tranh đậm chất dân tộc đã từng được thế giới trả giá hàng chục tỷ...
 
Chân dung họa sĩ Lê Phổ
Chân dung họa sĩ Lê Phổ

Tranh của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)
Họa sĩ Lê Phổ (sinh ngày 02 tháng 08 năm 1907, mất ngày 12 tháng 12 năm 2001) là họa sĩ bậc thầy Việt Nam và trên thế giới theo trường phái hậu ấn tượng với nhiều tác phẩm đắt giá. Trong suốt cuộc đời của mình, dù định cư tại Pháp từ năm 1937 và từ đó không còn về thăm lại Việt Nam, họa sĩ Lê Phổ luôn nhắc về những tình cảm sâu đậm của mình với quê hương, đất nước. Trong tranh của ông, những đặc trưng về Việt Nam, Á Đông được thể hiện qua nét vẽ những người phụ nữ hoà mình với tự nhiên và trẻ thơ. Vào tháng 9 năm 1993, khi tuổi đã cao, họa sĩ Lê Phổ bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng bằng một «món quà» là 20 bức tranh lựa chọn rất cẩn thận để biếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Có thể nói trong số các họa sĩ Việt Nam, hiếm có họa sĩ nào như Lê Phổ để lại một gia tài nhiều tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế. Tại các phiên đấu giá tranh của nhà đấu giá Sotheby's tại Hongkong, tranh của Lê Phổ có một vị trí đáng nể so với tranh của các họa sĩ khác ở châu Á. Vào tháng 4 năm 2012, tại Hồng Kông bức tranh “Bức màn tím” (Le Rideau Mauve) đã được bán với mức giá kỷ lục 7.9 tỷ đồng, và trở thành mức giá cao nhất từng được trả tại một cuộc đấu giá cho một tác phẩm từ một nghệ sĩ Việt Nam.

Bức tranh Bức màn tím được bán với mức giá kỷ lục 7.9 tỷ đồng.
Bức tranh Bức màn tím được bán với mức giá kỷ lục 7.9 tỷ đồng.

Trước đó vào năm 2009 tại nhà đấu giá Sotheby’s Singapore, bức tranh “Hoài cố hương” của Lê Phổ cũng đã được mua với giá cao khoảng 4.7 tỷ đồng.
Bức tranh Hoài cố hương vẽ năm 1938 có giá 4.7 tỷ đồng.
Bức tranh Hoài cố hương vẽ năm 1938 có giá 4.7 tỷ đồng.

Cùng năm đó bức tranh sơn mài Phong cảnh Bắc Kỳ của ông cũng đã vượt giá sàn một cách bất ngờ và được mua với giá 5.6 tỷ đồng. Theo Sotheby’s, đây là một bức sơn mài đặc biệt hiếm của Lê Phổ bởi ông vốn chuyên về tranh lụa và sơn dầu. Hãng đánh giá đây là tác phẩm “kết hợp tinh thần của nghệ thuật sơn dầu với chất liệu sơn mài Việt Nam, tác giả đã tạo nên một tác phẩm tuyệt đẹp, thể hiện chiều sâu không gian của phong cảnh. Mọi yếu tố trong tranh cũng đậm chất Việt Nam từ con sông, ngọn núi đến ruộng lúa”.


Tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh
Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, bậc thầy về tranh lụa Việt Nam.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, bậc thầy về tranh lụa Việt Nam.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một danh họa trong nghệ thuật tranh lụa. Ông là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh đã được mời tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại một số trường học, trong đó có Trường Bưởi và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1955). Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này.
Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tháng 5/2013, tác phẩm mang tên “Người bán gạo” (La Marchand de Riz) sáng tác năm 1932 của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được bán với mức giá kỷ lục 8.3 tỷ đồng (390 nghìn USD) tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong. Ban đầu nó chỉ được định mức 80 USD do một thực tập sinh của Christie’s ở trụ sở London đánh giá nhầm rằng đây là tranh của một nghệ sỹ Trung Quốc không ký tên. Sau khi được gửi tới châu Á, các chuyên gia ở đây nhận ra chữ ký đằng sau tấm toan thuộc về họa sĩ Phan Chánh và xác định lại được giá trị đích thực của bức tranh này.

Bức tranh “Người bán gạo” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh
Bức tranh “Người bán gạo” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh


Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ
Chân dung họa sĩ Mai Trung thứ chụp năm 1942
Chân dung họa sĩ Mai Trung thứ chụp năm 1942

Mai Trung Thứ hay Mai Thứ (1906-1980) là một hoạ sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam.
Đề tài yêu thích của ông là về phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây.
Đầu tháng 10/2010, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hong Kong, đại diện của nhà bán đấu giá Sotheby's đã tổ chức phiên bán đấu giá những tác phẩm hội họa hiện đại và đương đại Đông Nam Á trong đó có các tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt Nam. Trong số này có 5 bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ. Mới đây hồi tháng 5, bức tranh lụa có tên “Gathering at the Pavilion” đã được bán tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong với giá 2.7 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 4, hãng Sotheby’s Hong Kong cũng đã bán 1 tác phẩm tranh lụa khác có tên “Mẹ và các con” (Fille et garcon avec maman) của ông với giá 1.4 tỷ đồng. Ngoài ra còn rất nhiều các tác phẩm khác của ông đang được hãng rao bán với giá cao.

Hai tác phẩm tranh lụa được bán với giá cao của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Hai tác phẩm tranh lụa được bán với giá cao của họa sĩ Mai Trung Thứ.
Hai tác phẩm tranh lụa được bán với giá cao của họa sĩ Mai Trung Thứ.


Nguồn: Internet
__._,_.___
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn