Mạ tôi – Ghen với nàng Thơ * Phạm Mai Hương

10 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 4684)

Mạ tôi – Ghen với nàng Thơ.
 

Ngày xưa, nhà ông ngoại tôi ở bên cạnh dòng sông An Cựu nước đục mưa trong. Bà ngoại vốn lanh lợi nên mở quán tạp hóa, ngoài bán cho người dân trong làng còn bán cả lính trong đồn của Tây. Cuối tháng bà cầm sổ lên đồn tính tiền. Chẳng bao lâu, nhà ngoại có tiếng khá giả trong làng. Ông ngoại bèn xây nhà lại bằng gạch nhưng chỉ cho lợp bằng lá tranh. Ông ôn tồn giải thích:

-Nhà lợp ngói là nhà giàu. Mình có ba đứa con gái. Những người tài giỏi, nhân đức mà nghèo, họ không dám hỏi con gái mình. Như vậy không hay.

Nhờ vậy mà ba tôi, một học sinh nghèo, chân đi guốc mộc, mặc áo dài thâm:

 Chiếc áo dài đen cậu cho con mặc

 Cũ từ lâu nên vạt rách vai sờn

 Mẹ khâu nhíp từng đường kim mũi chỉ

 Lòng thương con chầm vá ấm thân con..

Vượt qua nhiều cậu Phán mặc Âu phục, mang giày Tây, bỗng lộc cao lọt vào mắt xanh của mạ tôi, một cô gái xinh đẹp bán hàng xén ở chợ Đông Ba. Ngày ấy dáng người mạ tôi nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn, trán cao, đôi mắt sâu có màu xanh biêng biếc, con mắt như biết nói, chiếc mũi hài hoà với khuôn mặt, duyên dáng nhất khi mẹ cười hay nói, một lúm đồng tiền in sâu trên má. Mạ tôi quả là tặng phẩm trời ban cho ba tôi 

Gieo nhân lành gặt quả ngọt. Ba người rể của ông ngoại đều là người hiền lành, chịu khó làm ăn nên thành đạt và thương yêu vợ con hết mực. Sau khi rời Huế, ba tôi vào Dalat, ông trở thành người đứng đầu một cơ quan trong tỉnh. Ty Thông Tin của ông có một ban nhạc phát thanh trên đài truyền thanh và đi hát khắp nơi. Ban nhạc có các ca sĩ sau này thành danh như Thanh Tuyền, Ngọc Minh…hay giọng nói ngọt ngào của xướng ngôn viên của Hồng Quế từng làm ấm bao trái tim những người lính...

Tính tình ba tôi hiền lành, dung dị nên được nhiều người yêu mến mộ về tài năng lẫn đạo đức. Cuộc sống của ông thi vị. Trời phú cho ông tài làm thơ, ông có thể làm thơ bằng tiếng Việt, Hán, Pháp và Anh. Ông nổi tiếng về thơ Đường bởi cách dùng từ và giữ đúng niêm luật. Mỗi ngày ông nhận nhiều lá thư từ khắp nơi gởi về họa thơ hay kết bạn tri âm. Nhóm thi tập Trà Sơn của ông thỉnh thoảng vẫn cùng nhau xướng họa với đầy đủ tiếng ngâm thơ, tiếng sáo , tiếng đàn… Mạ tôi học chưa qua tiểu học nên đối với thơ ca bà đứng ngoài lề cỗ vũ, không được cùng ba tôi xướng họa và được dự với tư cách người lo cơm nước cho các cuộc vui.

Tính Ba tôi không ưa trăng gió nhưng ông cũng được lắm người để ý, thậm chí có người còn muốn làm lẻ dù biết ông đã có vợ. Mạ tôi tin chồng nhưng luôn cảnh giác. Bài học kinh nghiệm nhất với bà là chú tôi, một người yêu thương và chiều vợ nhất mực. Thế mà khi chú mất có đến hai người đàn bà bụng mang dạ chửa đến xin để tang.

Một hôm, từ cơ quan, ba tôi mang về chiếc thùng carton đựng đầy giấy tờ và để trên đầu tủ riêng của mình. Chiếc tủ gỗ cao hơn 2 mét , gồm 2 cánh , một bên đựng đồ veste, một bên đựng quần áo ở nhà và vật dụng linh tinh.

Mạ tôi với sự nhanh nhạy trời cho và mạ tôi cảm nhận có gì không bình thường khi ông không cho ai chạm vào chiếc tủ nhất là lũ con nhỏ mà chúng thường chui vào đó chơi trốn tìm. Một buổi trưa, chờ ba tôi đi làm, bà sai cậu con thứ 10 trèo lên lấy chiếc thùng carton xuống. Cu cậu tròn như quả bóng lăn, hí hửng hoàn thành nhiệm vụ vì được thưởng mấy đồng ăn kẹo. Mạ tôi lục trong đám giấy tờ tìm ra những lá thư viết mực tím, chữ tròn, nội dung ướt át vừa trao đổi về cách làm thơ nhưng cũng lồng tình cảm riêng tư. Sau đó mạ tôi sai con đem chiếc thùng lên trả lại chỗ cũ.

Buổi tối, ba tôi có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Mạ tôi đặt một lá thư vào giữa trang ông đọc dở và giả vờ ngủ lắng nghe. Như bị điện giật, ba tôi hung hắng ho. Ông ngồi dậy lấy thùng giấy xuống kiểm tra nhưng chưa phát hiện điều gì lạ. Ông suy nghĩ đến mất ngủ thì hôm sau cũng lại lá thư màu tím, chữ tròn khác xuất hiện. Cuối cùng, ông phải giải thích mãi đó chỉ là những người bạn thơ và đem tất cả ra đốt, mạ tôi mới chịu từ bỏ những lá thư kia. Từ đó về sau, những lá thư màu tím được gởi qua nhà bác Trác, bạn của ba tôi trước khi chuyển lại cho ông

Chừng hơn hai chục năm sau khi cậu em của tôi, chú nhóc năm nào trèo lên đầu tủ lấy tập thơ đã lập gia đình. Một buổi sáng em tôi về thăm nhà. Lúc ấy ba tôi đang nổi trận lôi đình, chưa bao giờ ông giận đến như vậy. Ba tôi thấy con, mặt hầm hầm:

-Con coi, mạ làm như ri mà được.

Ba tôi có một cuốn sổ rất đẹp khổ 30x40, bọc da dày, tờ giấy màu ngà tinh tế. Ông thích lắm, ông bỏ nhiều thời gian lựa nhũng bài thơ hay nhất của mình để chép vào. Mạ tôi dòm chừng, bà thấy ông vừa làm việc vừa cười tủm tỉm nên chờ ông đi vắng bà lại mở ra đọc.

Em tôi nhìn trang thơ mà ba tôi trân trọng viết, một đường gạch ngang bằng bút nguyên tử mạnh hằn sâu sang tờ bên kia, và ba chữ : Đồ phản bội nét chữ ngả nghiêng đè lên trên bài thơ

Em,

Cô nhân tình nhỏ bé

Sống bên nhau chung thuỷ mấy năm rồi

Choàng cổ tay anh

em không ngừng thỏ thẻ

Đếm bước thời gian lặng lẽ đi qua một lần không trở lại

……

Đứa em trai nhìn khuôn mặt biết lỗi của mạ vừa thương vừa buồn cười, nói nhỏ:

-Thôi mạ đi chợ đi. Để đó cho con. Ba viết bài thơ nói về chiếc đồng hồ thôi mà

Và nó làm nguôi cơn giận của ba tôi bằng cách tỉ mỉ xén tờ giấy không thấy vết cắt, cặm cụi chép lại bài thơ.


Từ đó mạ tôi biết mình không thể thắng lại Nàng Thơ và cả những cô gái biết làm thơ. Bà giận không để tâm đến thơ của ba tôi nữa, cả bài ngày xưa ông chinh phục bà

..Vẫn nhành huệ trắng đẹp thanh cao

Vẫn mảnh mai bóng lá trúc đào

Vẫn cả mùa xuân hoa bướm dựng

Mùa xuân như ý mộng xôn xao…

Cả bài thơ lúc bà lặn lội nuôi con cùng chồng.

…Khi chim mẹ về tổ

Tha mồi mớm chim non

Em cũng vừa tan chợ

Kiếm gạo tiền nuôi con…


Mạ tôi, năm nay đã gần 90 tuổi, mạ vẫn còn khỏe mạnh, tuy trí óc hay quên nhưng nếu con cháu ghẹo:

-Bà ngoại đọc bài thơ ngày xưa đi ngoại.

Ánh mắt mạ tôi sáng lên, vẫn nụ cười có lúm đồng tiền, với giọng Huế nhè nhẹ của người xa xứ từ lâu, mạ tôi ngân nga

 …Tôi đã hàng ngày bước đến đây

 Phận hèn không dám ngắm trời mây

 Đò qua một chuyến tơ duyên bén

 Của khách sang thuyền dạ tỉnh say…

Tha thiết hơn nữa

 ..Cố muốn quên đi những muộn sầu

 Tơ lòng dẹp bớt nỗi tê đau

 Than ôi! Đang sống trong tình ái

 Một vết thương lòng rỉ quá sâu…

 

- Bài thơ hay ghê . Ông ngoại làm tặng bà ngoại phải không.

- Đâu có, bài thơ ni là của mấy anh học trò lén bỏ dưới kệ hàng của bà ngoại khi bà ngoại bán ở chợ Đông Ba.

Khi người ta giận, thì ngàn bài thơ của nhà thơ lừng danh cũng không bằng vần thơ của anh học trò ,

Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn