Thư Gửi Các Bạn Mình – Số 10

31 Tháng Tám 201510:41 SA(Xem: 4159)

Thư Gửi Các Bạn Mình – Số 10


Các bạn mình thân mến,

Bây giờ là tháng Tám. Viết mấy chữ “Bây Giờ Là Tháng Tám” mình nghĩ đến việc như đang trả lời câu hỏi của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Nhạc sĩ Từ Công Phụng có viết bài hát “Bây Giờ Tháng Mấy” …  “…Rồi Hỡi Em…Anh Đi Tìm Mùa Thu….” vào năm 66 hay 67 gì đó. Dạo còn ở Việt Nam thỉnh mình thoảng có nghe lời bài hát ấy được pha chế như vầy: “Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em? Anh đi tìm nhà thương em nằm…”. Chao ôi! Lời hát pha chế rất gợi hình và vui. Chắc chắc nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng đã nghe được lời hát “phịa”này rồi. Ai trong chúng ta mà chẳng nghe rất nhiều lời ca được pha chế như trên lúc còn ở quê nhà. Hy vọng các bạn mình cười rồi bỏ qua chứ không trách mình viết nhăng viết cuội. Có thế thì mình  xin viết tiếp. Này nhé: Chắc chắc có nhiều bạn mình – gọi nôm na là dân Trần Hưng Đạo không biết nhạc sĩ Từ Công Phụng vốn là học trò trường Trần Hưng Đạo. Dĩ nhiên là các bạn cùng lớp với nhạc sĩ Từ Công Phụng đều phải biết, học cùng lớp với Nguyễn Đức Quang “du ca” tức là chính cống là dân Trần Hưng Đạo 1964 đó.

Trở về chuyện của tháng tám, trung tuần vừa rồi không hiểu cơ duyên nào (chuyện của trời ai mà hiểu được!) mà trời Houston bỗng có hai ngày mưa xối xả khiến cho nhiệt độ tuột một cái ào, từ 104 độ (độ nóng thực là 110) xuống còn 95-96 độ…rồi một tuần sau trời cũng ban cho một cơn mưa, giá trị bằng ba ngày múc nước tưới cỏ. Người người vui mừng. Cây cỏ cũng  mừng vui. Cơ quan thủy cục của thành phố tiết kiệm được rất nhiều thước khối nước, không cần phải kêu gọi dân chúng tiết kiệm nước như bên tiểu bang California. Mà cũng lạ! California là tiểu bang nổi tiếng là có khí hậu tốt, quanh năm mát mẻ, chim chóc kéo nhau về xây tổ khắp nơi, người người chọn làm nơi định cư vĩnh viễn, nhất là người Việt tị nạn của chúng ta, nơi mà hoa trái lúc nào cũng xanh tốt xum xuê mà lúc nào cũng nghe chính quyền tiểu bang lẫn các thành phố kêu thiếu nước và yêu cầu cư dân phải tiết kiệm tối đa. Tin mới nhất cho biết là mùa hè này, cư dân California buộc phải tiết kiệm nước đến 33.03 %. Tức là trước đây mỗi ngày được thoải mài tắm một lần từ đầu đến chân, chừ thì chỉ tắm khoảng 2/3 mà thôi, nghĩa là một ngày tắm từ ngực trở xuống, ngày kế thì tắm từ đầu gối trở lên. Thật tội nghiệp cho các bạn mình quá chừng! Thôi thì liệu mà dọn quách qua Texas ở cho xong, dù có nóng nực nhưng nước tắm rất thoải mái, tắm từ đầu đến chân, mỗi ngày mấy bận cũng OK. Được biết California dùng nước được mang về từ tiểu bang Colorado, nhiều lần sang thăm California thấy sân trước sân sau nhà của bạn bè đều có hoa trái tốt tươi, nhà nào cũng hoa hồng hoa quỳnh rực rở quanh năm và rất nhiêu cây ăn trái thấy mà ham, chả bù với cái thành phố nóng cháy này, mùa hè quên tưới một hai bữa là hoa lá và cây cỏ bắt đầu khô vàng. Mỗi lần bỏ nhà đi chơi một hai tuần thì y như rằng, lúc về hoa lá đều biến từ màu xanh sang màu vàng, tưới nước cả tuần cũng không thèm sống lại. Ở thành phố Riverside bên Cali nổi tiếng nóng mà cây bưởi cây cam có cả năm bảy trăm trái, còn ở các thành phố thuộc quận Cam thì khỏi nói, cây trái tốt và cho nhiều quả. Nhà một người bạn bên Cali có một khoảng đất nhỏ trước và sau nhà mà trồng đủ thứ, đến khi trái rộ chín phải hái mang đi cho người này người nọ, nào là nhản, xoài, ổi, cam, quýt, chuối, khế, mít, thanh long…Ở Việt Nam có thứ gì thì nhà anh có thứ đó, thấy mà phát mê, anh bạn này thường nói về đám cây cối chen chúc ở nhà mình một câu nghe rất vui là “bốn ngàn năm chen lấn”. Mỗi lần ghé thăm, anh chàng đều hái tặng một thùng trái cây trái mang về, lúc thì cam, lúc thì quýt, lúc khác thì thanh long… Chuyến sang cali thượng tuần tháng 8 vừa rồi, một anh bạn đồng hương Biên Hòa với bà xã có tặng cho một loại trái cây đặc biệt mà có lần các cháu nhà phải mua hai đô la một trái (xin nói cho rõ: ở Houston hai đô la một trái!). Các bạn mình có biết trái gì không? Chẳng gì xa lạ. Đó là trái “chanh dây” mà hồi xửa hồi xưa các bạn mình gọi là trái “mát mát”, dạo đó các bạn mình thường đạp xe vô khu rừng quanh thác Cam Ly hái cả bao cát mang về vừa nhâm nhi cái vị chua chua vừa ném vào nhau như một trò chơi vui. Ấy thế mà những năm gần đây, thiên hạ cứ đồn ầm lên là chanh dây ăn vô thì bổ đủ thứ…Mình không dám bỏ hai đô la để thỉnh về một quả chanh dây đâu! Ở Việt Nam và ngay ở Hoa Kỳ, thiên hạ đua nhau trồng chanh dây. Hôm ở Cali, cũng anh bạn người Biên Hòa mang cho hai bịch, mỗi bịch khoảng hai mươi trái và trái nào trái nấy bự hơn quả trứng vịt bóng loáng màu tím, anh này kể rằng anh đã bán được gần 200 pound, mỗi pound 3 dollars 50 cents. Có lẽ kẻ viết bài này phải đi buôn chanh dây mới được, mua từ Cali đem về Texas bán chẳng mấy lúc mà giàu to. Một buổi sáng ngồi uống cà phê ở tiệm Tip Top, anh bạn Biên Hòa kêu cho mỗi người một ly chanh dây để thưởng thức. Điều mà mình nhận ra là có phảng phấy mùi chua chua của trái “mát mát” ngày nào. Chỉ ngần ấy thôi, chứ trong ly nước ấy có pha nhiều đường mà những người thuộc thế hệ “ba cao” rất kỵ. Khi ghé thăm bạn hiền Phạm Bá Đức, nhìn ra sân sau cũng thấy có một giàn chanh dây xanh tốt, tò mò ra xem và cũng hái được năm bảy quả vừa
  
chanh dâythsapoche-300x300









chín tới. Đàng trước sân nhà lại có một cây “sa pô chê” đầy trái, cao chỉ hơn một thước, thấy mình trầm trồ khen, cầm lòng không đậu, Phạm Bá Đức vô nhà xách kéo ra cắt cho mình chục quả, cho đến khi đang ngồi viết thư này thì vừa đánh máy vừa nhâm nhi sa pô chê thơm phức. Hai tuần mới chín các bạn ạ. Cám ơn Phạm Bá Đức và hai anh bạn người Biên Hòa. Chuyến đi Cali đầu tháng 8 vừa rồi cũng có gặp Võ Thanh Xuân và chị Xuân Ninh (THĐ 63) cùng anh Nguyễn Đình Cường (GS Trần Hưng Đạo). Vì là chuyến đi “ăn theo” nên không thăm được nhiều bạn bè. Xin hẹn lần sau.

Các bạn mình thân mến

Ngày 5 tháng 8 mình theo xe của con để qua Cali bằng đường bộ, băng qua sa mạc các tiểu bang Texas, New Mexico và Arizona mới đến Cali. Đây là lần thứ ba mình đi bằng đường bộ. Tối ngày 6 đến thành phố Irvine, mở email ra đọc thì thấy tin thầy Phan Văn Ngọ đã từ trần sau một thời gian dài trị bệnh. Được biết Thầy Phan Văn Ngọ dạy môn thể dục tại trường Trần Hưng Đạo từ năm 1964, năm ấy mình đã rời trường. Được biết tiểu sử của Thầy qua bài điếu văn của bạn Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh – THĐ 1964) đọc trong tang lễ. Trước đó vài tháng khi nghe tin Thầy Phan Văn Ngọ bị bạo bệnh, mình đã nhớ ra ngay  khuôn mặt của Thầy và lục trong computer để kiếm ảnh cũ thì thấy Thầy có chụp  hình chung với một số bạn mình nhân buổi họp mặt một số cựu học sinh Trần Hưng Đạo. Hôm ấy cũng có Thầy Nguyễn Vĩnh Lạc đến dự. Thầy Phan Văn Ngọ tuy lớn tuổi nhưng mình thấy Thầy còn rất khỏe và vui vẻ trò chuyện với đám học trò bọn mình. Riêng Thầy Nguyễn Vĩnh Lạc, chắc nhiều bạn cùng lớp với mình đều biết, Thầy dạy môn Việt Văn năm đệ nhị. Điều đặc biệt nơi Thầy Nguyễn Vĩnh Lạc là lúc nào Thầy cũng nở nụ cười trên môi, giọng Thầy lúc trầm lúc bổng khi đọc những bài thơ của các tác giả Thầy đang dạy. Mình còn nhớ trong một giờ dạy môn cổ văn, Thầy giảng thêm về truyện “Nhị Độ Mai” (Hoa Mai Nở Hai Lần, không có trong chương trình học), Thầy có trích giảng một đoạn, sau đó Thầy hỏi: có em nào biết ngâm thơ hay không?. Mình biết ngâm thơ nên giơ tay và Thầy bảo lên bục ngâm đoạn thơ khoảng hơn mười câu cho các bạn cùng nghe. Hôm gặp Thầy trong buổi họp mặt, Thầy còn nhớ mình và nhắc lại chuyện xưa. Thầy đã ngoài 80 tuổi nhưng nhìn Thầy rất tráng kiện, giọng nói của Thầy vẫn sang sảng như ngày nào. Mình có hỏi thăm về sức khỏe của Thầy thì Thầy bảo..”cứ lạc quan mà sống thì khỏe thôi…”. Hôm sau mình có ghé thăm Thầy tại nhà ở đường Bùi Thị Xuân (gần trường Bùi Thị Xuân) nhưng Thầy đi vắng.


IMG_2161IMG_2548









Từ trái sang phải: Huỳnh Chùm, Nguyễn Quang Tuyến, Thầy Nguyễn Vĩnh Lạc, Hoàng Kim Châu, Thầy Phan Văn Ngọ, Nguyễn Thu và Đinh Gia Lập. Hình phải: Một buổi họp mặt tại nhà Huỳnh Chùm

 

Các bạn mình thân mến,

Thư này, nhân nói đến Thầy Phan Văn Ngọ dạy môn thể dục đã qua đời, mình cũng  xin nhắc tới hai vị Thầy đã từng dạy môn thể dục tại trường Trần Hưng Đạo để tỏ lòng biết ơn giống như lòng biết ơn đối với các Thầy Cô đã dạy chúng ta về văn hóa. Đó là Thầy Quyền Văn Long và Thầy Ngô Quang Nhân. Chắc các bạn mình còn nhớ, năm vào học lớp đệ thất trường Quang Trung (tiền thân của trường Bùi Thị Xuân) chúng ta được Thầy Quyền Văn Long dạy môn thể dục. Cho đến khi chuyển sang trường Trần Hưng Đạo, Thầy Quyền Văn Long cũng theo chúng ta. Thầy Quyền Văn Long người Bắc, to cao trắng trẻo, đẹp trai, hay cười. Lúc đó chỉ có một mình Thầy dạy môn thể dục nên không ai xuất thân từ Trần Hưng Đạo mà không biết Thầy Long. Lần giở xem mấy trang học bạ thì thấy có ghi Thầy Nguyễn Văn Lâm dạy môn thể dục vào những tháng của đệ nhi cá nguyệt của niên khóa 58-59 (lớp đệ ngũ). Không biết các bạn mình có nhớ hay không chứ riêng mình thì hoàn toàn không nhớ một tí gì về Thầy Nguyễn Văn Lâm, có lẽ Thầy dạy thế cho Thầy Quyền Văn Long trong một khoảng thời gian rất ngắn. Người thứ ba mình muốn nhắc đến là Thầy Ngô Quang Nhân dạy môn thể dục năm đệ tam. Thầy nguyên là giám thị của trường được điều động dạy thêm môn thể dục cho các bạn mình. Cũng như Thầy Quyền Văn Long, Thầy Ngô Quang Nhân cũng vui vẻ và tận tình với học trò. Đến năm học đệ nhị và đệ nhất, các bạn mình lại gặp Thầy Quyền Văn Long. Mình có vài điều muốn nhắc đến khi học môn thể dục với Thầy Quyền Văn Long và Thầy Ngô Quang Nhân. Đó là: Vì biết mình có tham gia sinh hoạt Hướng Đạo nên cả hai Thầy thường nhờ mình hướng dẫn cho các bạn trong lớp những trò chơi như học đánh Morse, tìm dấu đi đường và các trò chơi nhỏ, có lần Thầy Quyền Văn Long và giáo sư Nguyễn Hạnh Tâm (dạy môn toán) dắt cả lớp thi leo lên đỉnh núi Bà (Langbian) và toán của mình lên tới đỉnh núi trước các toán khác, được Thầy tặng cho một chiếc còi bằng kim loại màu trắng, thứ mà Thầy thường dùng để thổi tập họp học trò trong các giờ thể dục. Chưa hết, vào những năm dự thi trung học, tú tài I và tú tài  II, các bạn mình đều phải thi môn thể dục để có điểm dư cộng vào các môn thi. Tỷ như tổng cộng các môn thể dục (chạy 100 mét, 1,000 mét, ném tạ, nhảy xa, nhảy cao, leo dây…) của các bạn đạt được  17  thì các bạn mình sẽ được 7 điểm cộng vào với tổng số điểm của các môn thi viết. Điểm thể dục cũng không khó kiếm năm ba điểm các bạn mình nhỉ! Dạo ấy mình tuy gầy ốm nhưng môn thể dục cũng kiếm thêm được năm bảy điểm ngon ơ. Chắc chắn là Thầy Quyền Văn Long cho điểm các học trò của mình khá hơn là các vị huấn luyện viên thể dục thuộc Ty Thanh Niên Đalạt (Ty Thanh niên phụ trách tổ chức thi thể dục trong các kỳ thi trung học, tú tài I và II). Rất tiếc là mình không có ảnh của Thầy Quyền Văn Long và Thầy Ngô Quang Nhân cho các bạn xem. Dạo sau 1975 mình có gặp Thầy Quyền Văn Long tại Sài Gòn. Thầy ở trong khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật quận ba. Mình chào Thấy và hình như Thầy chẳng biết mình là ai nếu mình không nhắc là học trò Trần Hưng Đạo. Thầy Ngô Quang Nhân thì mình chưa bao giờ gặp lại. Để kết thúc thư này, cá nhân mình nhớ ơn đến Thầy Quyền Văn Long, Thầy Nguyễn Văn Lâm, Thầy Ngô Quang Nhân và cả Thầy Phan Văn Ngọ dù mình không được Thầy hướng dẫn một ngày nào.

Các bạn mình thân mến,

Trang trên có tấm ảnh ghi “một buổi họp mặt tại nhà Huỳnh Chùm”. Nếu có dịp mình sẽ viết về nhân vật này mà người dân Đalạt trước 1975 ít có ai mà không biết đến đương sự.

Hen các bạn mình thư sau

Phong Châu

 003


Trên đỉnh núi Langbian 1960. Các khuôn mặt của đệ tam A: Ngồi hàng sau: Trần Ngọc Giao, Phạm Văn Hào (Hào Mọi, VN), Hà Văn Sơn (Hà Xẻng, VN), Phạm Văn Ty, PA), Lê Văn Vấn (Vấn Lùn,?), Hoàng Kim Châu (Châu Đen, TX), Phạm Văn Đức (Đức Cống, Pháp), Nguyễn Văn Hiển (Hiển Trụ, CA, mất liên lạc). Hàng trước: GS Nguyễn Hạnh Tâm, Nguyễn Đức Tùng (Louisiana, mất liên lạc), Trần Đình Bút (Bút Cụ, TX), Nguyễn Văn Hay (Hay Cà Nà, VN), Đào Văn Bình (Đào Bìu, CA).

 

 


 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn