SYRIA, Syrian Arab Republic
Tin tức thời sự dạo này đã
cho mọi người thấy cuộc nội chiến nghiệt ngã, mang
tang tóc cùng tan tành đổ nát trên Syria đã lên tới mức
độ kinh hoàng. Từ hơn 2 năm nay đã có trên 110.000 dân
và quân tử nạn, phế nhân nhiều vô tả. Gần 5 triệu
người phải bỏ tỉnh làng đôn đáo thoát chạy tìm chốn
nương thân, hơn 2 triệu người khác di tản sang các nước
láng giềng vốn cũng luôn có lắm khó khăn, sống lây lất
trong các trại tập trung giữa cảnh màn trời chiếu đất,
cầm cự qua ngày với chút khẩu phần ngũ cốc nấu đặc,
để rồi cứ mòn mõi trông chờ một điều gì không
tưởng..
Gần đây, cả thế giới đều phẫn nộ lên án cuộc
thảm sát bằng hơi độc hơn ngàn người, trong đó có
lắm trẻ nhỏ. Hình ảnh xem thật đau lòng, các em được
bọc vải trắng để nằm hàng dài trên sàn đất, gương
mặt thiên thần xinh ngoan như trong giấc ngủ.. Và theo
tập tục ả-rạp sẽ được để vậy xuống hố, phủ
đắp thẳng lên hình hài bé bỏng nấm đất quê hương
đầy hận thù và xáo trộn của các em.
Gia đình Huyền Anh đã có
một chuyến du lịch đặc biệt tìm hiểu về văn hóa,
lịch sử và nhất là thăm viếng các di tích cùng đền
đài nhiều thiên niên kỷ còn tồn tại được của 3
nước Lebanon, Jordan, Syria. Hướng dẫn đoàn 14 người
là một giáo sư môn khảo cổ của viện Đại học
Québec, professeur Michel Fortin đã có nhiều đề luận và
khám phá được đăng trong các mục chuyên ngành. Trong 3
tuần lễ của chuyến đi, 10 ngày được dành cho Syria là
xứ sở có bề dầy lịch sử quan trọng nhất trên vùng
Trung Đông.
Xem
lại albums, nhiều địa danh cùng bao cảnh sắc
vẫn còn rõ nét trong ký ức. Nào những Damascus, Latakia,
Aleppo, Ugarit, Safita, Hama, Homs, Apamea, Krak des Chevaliers.. với những
đền đài, kỳ quan huy hoàng là chứng tích của nền văn
minh rực rỡ ngày cũ. Rồi hình ảnh các thành thị
đông đúc, các làng thôn với dân tình còn vất vả trăm
điều cùng phải luôn nỗ lực mưu sinh, tuy dưới chế độ
độc tài nhưng chưa có cảnh tơi bời nồi da xáo thịt..
Nay qua màn truyền hình chỉ thấy tang thương đến
rợn người, chỉ nghe bom nổ đạn bay và tiếng
người kêu gào tuyệt vọng. Bao nhiêu nhà cửa phố xá,
thành quách đền đài là những kho tàng văn hóa vô giá ở
nhiều nơi chốn đã thăm viếng, luôn nằm trong vùng kỷ
niệm phong phú, nay thấy một số đã thành những đống gạch đổ và tro bụi giữa cảnh giới hoang
tàn.
Huyền
Anh giới thiệu qua bài du ký hôm nay hình ảnh đất nước Syria, mà chỉ hơn 2 năm trước, còn mở rộng biên thùy chào mời du khách đến thăm những di tích hào hùng của nhiều nền văn hóa cao đỉnh đã kéo dài trong dòng lịch sử vẻ vang của tổ quốc. Và để thấy rằng những cơn cuồng vọng, của tập đoàn hay cá nhân, từ ngàn xưa đến ngàn sau, hay vào thời đại tiến hóa ngày nay của chúng ta, chỉ là những cơn bão tố
phủ lấp mặt trời, dù khi qua đi đã để lại bao thảm cảnh và lắm chua xót
khôn nguôi theo những mảnh sáng tối của vạn trang sử sách. Nhưng mặt trời thì vẫn luôn huy hoàng chói sáng trên cao.
Đến
thế kỷ thứ 19, nước Cộng hòa Ả-Rạp Syria vẫn còn
mang tên Bilad al-Cham, và ở một thời điểm
lịch sử cũ đã bao gồm các nước Libanon, Jordan,
Palestin. Ngày nay Syria có diện tích 186.475 km2 với
22.6 triệu dân, nằm trên miền Cận đông vùng Tây Á,
cạnh nhiều nước bạn và ven Địa Trung
Hải. Syria mang niềm hãnh diện đã từng là "Cái
nôi của nền văn minh và tiến hóa của nhân loại",
là nơi phát xuất ra những mẫu tự đầu tiên và đầy
đủ nhất với 30 nét chạm khắc theo dạng cuneiform
signs of Ugaritic alphabet trên những tấm bảng bằng
đất sét tươi rồi đem nung cứng, mà theo các sử gia, có khoảng 3500 năm tuổi. Rồi từ đấy, theo thời gian đã
được chỉnh sửa để hoàn thành một mẫu tự duy nhất
dùng cho tất cả các nước vùng Trung Đông của Khối
Arab, quy tụ 22 xứ sở và đều thống nhất xử dụng
chung một dạng chữ viết, tuy tiếng nói và cách phát âm,
tùy thuộc vào địa phương và từng quốc gia nên đều
khác biệt.
Syria luôn là miếng mồi ngon do có địa thế thuận
lợi với bình nguyên, núi đồi, sa mạc và bờ biển Địa Trung Hải, cho những cuộc xâm lăng, chiếm hữu bởi các đế quốc hùng mạnh như Sumer, Ai-cập, Assyria, Babylonia.. Và
vào những thiên niên kỷ sau bởi Persia, Hy-lạp với đại đế Alexander, rồi qua đế chế La Mã đến tận thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Kế tiếp lại bị thống trị bởi Mongolia, rồi sang vương quốc Ottoman Turks từ năm 1516
đến tận cuộc Thế chiến thứ nhất 1918. Sau đó bản Hiệp ước riêng giữa Anh-Pháp
đã đặt Syria dưới ảnh hưởng của Pháp.. Để sau nhiều xáo trộn, năm 1946 nước Pháp phải trả độc lập cho Syria. Năm 1958, hai nước Syria và Ai Cập cùng nhau họp thành một quốc gia mang tên The United Arab Republic với
tổng thống Gamal Nasser người Ai Cập. Nhưng chỉ sau vài năm, các tướng lãnh trong một cuộc đảo chính đã mang đến sự
ly khai, cho đảng Arab Socialist Ba'ath nắm quyền nước Syria Cộng hòa Nghị viện. Sau, do tình trạng chính trị bất ổn mang đến nhiều cuộc chính biến cùng thanh trừng gây khủng hoảng trầm trọng, chính quyền đã
cho ra đạo luật đặc biệt Khẩn Cấp rất phi dân chủ, ngưng việc áp dụng hiến pháp đối với dân chúng khi không cần thiết.
Từ
năm 1970 tổng thống Hafez al-Assad và một số nhỏ thân thuộc nắm giữ mọi
quyền hành tối thượng. Con trai trưởng của ông là Bassel được xem như người kế vị, nhưng theo người địa phương hướng dẫn đoàn- cậu cả Bassel vốn tính hung
hãn lại ham chơi đã tử nạn trong một cuộc đua xe Ferrari với bạn bè năm
1994. Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad lúc ấy đã tốt nghiệp bác sĩ và đang theo học ngành chuyên khoa tại London, được đưa ngay về nước rồi được phong tặng nhiều chức phẩm cùng các danh vị cao quý, chờ ngày nối nghiệp cha. Và Bashar al-Assad "lên ngôi" năm 2000, thêm luôn nhiệm
kỳ sau với số phiếu ủng hộ lên đến gần 98%. Tổng thống Bashar đang làm
nhức nhối cả thế giới với cuộc nội chiến thảm khốc và cách dùng hơi độc
làm vũ khí của quân đội dưới quyền.
Ngoài
cuộc nội chiến tranh dành quyền lợi chính trị, Syria ngày nay như một số quốc gia Arab khác -không kể những vương quốc dầu hỏa có các vị vua được hấp thụ nền văn minh, khoa học của các trường đại học quốc tế, đã đem áp dụng nhiều cải cách làm thăng hoa đất nước- là một xứ sở vô cùng phức tạp do sự đa dạng của dân tình, với những kỳ thị cùng nhiều quan điểm khác biệt giữa các bộ tộc, của nhiều giống dân cư ngụ từ ngàn xưa như Arab Alawites, Arab Sunnis, Arab Christians, Armenians, Assyrians, Druzes, Kurds, Turks.. Rồi do sự
bất đồng sâu xa giữa các nhánh đạo Hồi từ ngày giáo chủ Muhammad qua đời, gây chia rẽ và biết bao cuộc xung đột đẫm máu, giết hại lẫn nhau để
bảo vệ "chánh đạo" một cách
vô cùng cực đoan, cuồng tín.
Thủ
đô Damascus được thành lập từ nhiều thiên niên kỷ
trước công nguyên,
từ một ốc đảo nằm trên những con đường thông
thương quan trọng đã trở thành thủ đô của nhiều đế
chế huy hoàng trong lịch sử Syria, và cũng là một trong những
thành phố có dân cư ngụ liên tục lâu dài nhất đến
tận ngày nay như Vânârasi bên Ấn Độ và Jericho của
Israel. Trong kinh thánh Tân Ước Damascus được nhắc đến
nhiều lần, quan trọng nhất là đoạn một một viên chức
người Do Thái trên Saul of Tarsus đã chỉ huy nhiều cuộc
bắt bớ, tàn sát các tín hữu của Giáo hội Sơ khai..
Sau đó nhờ ân sủng đặc biệt, và đức tin đã
biến đổi Saul of Tarsus thành môn đồ Paul, người hăng
say truyền giáo nhất trong các môn đệ của Chúa Jésus,
dẫn đến việc bị hành hình. Kinh thánh Tân Ước
gồm 27 sách của nhiều tác giả, những sách thư của sứ
đồ Paul đã chiếm đến 7 phần.
Những đổi thay qua bao thời cuộc đã cho Syria cùng Damascus tiếp nhận nhiều nền văn minh và văn hóa khác biệt, qua những kỳ tích lịch sử là nhiều đền đài vĩ đại vẫn còn khá vững vàng,
khiến Syria luôn mang niềm hãnh diện lớn lao với các nước bạn chung quanh. Với sự xâm chiếm của quân binh đạo Hồi vào thế kỷ thứ 7, Damascus
đã trở thành thủ đô của vương quốc Umayyad, một đế chế mênh mang rộng từ Tây Ban Nha sang đến nước Nga cạnh vùng biên giới Trung Hoa, đây là thời điểm rất huy hoàng rực rỡ của lịch sử nước nhà.
Thủ đô Damascus
rất đông đúc, ồn ào hỗn độn với những cao ốc và
dinh thự thật tân tiến, phố thị trung tâm có những đại
lộ và các cửa hàng, khách sạn rất sang trọng lịch lãm. Phụ nữ Syria đến tuổi trưởng thành đều vào nền
nếp theo tập tục, họ ăn mặc rất cẩn thận, phủ kín
mít với áo thụng và che hết cả tóc tai vai cổ với
khăn choàng hijab, tay chân cũng được bao bọc kỹ với găng
và vớ. Nhiều phụ nữ dùng cả áo trùm niqab che toàn bộ, không để.. lộ thiên một tí nào, vốn là biểu hiệu sự
khiêm nhu và tuân phục tuyệt đối lời Thượng đế
Allah truyền xuống qua sứ giả Muhammad.
Không xa trung tâm là các khu dân cư và
phố cổ với những ngõ ngách ngang dọc xô bồ. Dẫy chợ lồng độc đáo shouk/Grand bazar chia ra hàng ngàn cửa hàng tấp nập người mua kẻ bán đủ thứ đặc sản thật ồn ào sôi động. Khu ẩm thực nồng
nàn mùi hương gia vị đặc trưng của các món ăn ả-rạp, dùng rất nhiều thịt dê và cừu, mỡ màng lênh láng. Có một bữa tối, khi món ra-gu được dọn ra mời, những người bạn Québecois trong nhóm đã.. rụng rời khi thấy nguyên một chú cừu non hầm mềm nằm thoải mái trên mâm, còn nguyên cả đầu, hai mắt tròn xoe, hàm răng vẩu trắng hếu! Người ả-rạp thường dùng
tay phải để làm những việc.. thanh tao, như thò tay vào mâm chung, bốc bốc vo vo gọn gàng rồi.. tung thức ăn vào miệng. Nhóm Québecois chỉ cười
trừ kính nhi viễn chi với món cừu hầm, làm ông xếp nhìn khách lắc đầu
chán nản "Inch'Allah"!
Nhóm du khách đến từ Québec được thăm nhiều di tích lịch sử, các nhà văn hóa và viện bảo tàng của thủ đô đều chất chứa muôn vạn cổ vật hiếm quý nhiều
thiên niên tuổi. Được nghe giải thích về danh thế các vị anh hùng đã làm nên Syria ngày nay. Viếng đền thờ thật to rộng với cách thiết kế khéo léo tinh vi từng chi tiết Umayyad, The Great
Mosque of
Damascus, ngày cũ có tên Basilica of Saint John the Baptist. Đây
là một trong những đền Hồi giáo lớn và xưa cổ nhất thế giới, được xây năm 634 với tất cả những tinh hoa của nghệ thuật mulsuman ngay sau khi Damascus bị đạo quân của giáo chủ Muhammad xâm chiếm. Người muslims xem đền Umayadd là thánh địa quan trọng thứ 4 của Islam, sau
Mecca, Medina
và Al-Aqsa tại Jerusalem. Các đền thờ đạo Hồi thường rất trống trải, do
thánh chỉ là không được dùng bất kỳ hình vẽ hay tượng vật nào, dù chỉ là minh họa biểu hiệu để chiêm bái. Trong đền Umayyad đặc biệt có một lăng mộ trang trọng dành cho Saint John the Baptist|/ hay thánh Yahya
theo Hồi giáo, là một trong những thiên sứ của Thượng đế Allah, như các ngài Abraham, Elijah, Moses, Jesus, Muhammad.. Theo sách thánh, Saint Jean là
vị đã làm lễ rửa tội cho người thanh niên Jésus trên sông Jordain cùng báo Tin Mừng là Chúa Cứu Rỗi đã đến, khi thấy tầng trời rộng mở, vầng Thánh Linh sáng ngời tỏa xuống và tiếng vang rền "Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" - khởi đầu cho việc rao giảng đạo giáo đức Chúa Trời của Chúa Ngôi Hai.
Nhiều năm sau, vua Hérode Antipas trong cơn ngông cuồng để làm vui lòng phu nhân Hérodiade cùng cô
con gái Salomé của bà, đã ra lịnh chém đầu Jean le Baptiste, cho
để trên khay giữa buổi tiệc. Theo niềm tin của người Hồi giáo, chiếc đầu của sứ giả Yahya/Saint-Jean Baptiste đã được chôn giấu kỹ để rồi nhiều thế kỷ sau, được cải táng đem về nơi đền Umayyad này. Tại đây cũng
có
phần mộ của Saladin, vị sultan đầu tiên đã thiết lập nên triều đại Ayyub của lịch sử Syria-Ai
Cập. Saladin cũng là người hùng đã đẩy lùi nhiều trận thánh chiến Thập Tự Chinh lẫy lừng nhất, và được các địch thủ Anh, Pháp, La Mã khiếp sợ cùng nể phục vì tài thao lược xuất chúng. Saladin sáng ngời trong sử sách, luôn được tôn sùng vì tài đức song toàn từ nhiều thế kỷ nay trên khắp vùng Trung Đông.
Aleppo, với Ugarit cùng
các vùng phụ cận với số dân gần 5 triệu là thành phố
lớn nhất Syria, sau thủ đô Damascus. Aleppo cũng là một
trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới, dưới
đế chế Ottoman có tầm quan trọng gần như Constantinopolis và Cairo. Aleppo đã bị Alexander đại
đế chinh phục vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Ngày nay Aleppo rất gọn gàng, xinh tươi với những
kiến trúc đặc thù do mang nhiều ảnh hưởng lịch sử
và văn hóa của nhiều dòng giống dân đến cư ngụ đông
đúc từ nhiều ngàn năm trước. Khu trung tâm thành phố được
tổ chức UNESCO bảo trì và cho danh tặng Di sản Văn hóa
Thế giới. Những bảng đất sét nung Ugaritic
alphabet được
tìm thấy ở đây. Aleppo có dẫy thành trì được xây
dựng từ thế kỷ thứ 12 còn giữ được vững vàng kiên
cố, do đã từng là hoàng cung của thời vẻ vang cũ.
Palmyra nằm
ven sông Euphrates cách thủ đô Damascus khoảng hơn 200km, từ
thời xa xưa là điểm dừng chân của các đoàn người
rong ruổi trên lưng lạc đà chuyên chở những kiện hàng
hóa cho việc bán buôn đổi chác. Palmyra có những đền
đài huy hoàng lộng lẫy như đền Bêl, Nebo, Baal-Shamin và
được danh tặng là Nàng
dâu của sa mạc/ Bride
of the Desert,
được nhắc nhiều trong Kinh thánh Cựu Ước. Palmyra do
chính vua Salomon of Judea, là hoàng tử nối ngôi vua cha
David cho khởi công xây dựng khoảng 1000 năm trước Công
nguyên. Gần 1000 năm sau, hoàng đế La Mã Hadrianus đến
giám sát Palmyra, và do quá thích thú trước những đền
đài rực rỡ và cảnh sắc tráng lệ của Palmyra, bèn cho đổi
tên thành Palmyra-Hadriana. Palmyra một thời được cai
trị bởi nữ vương Septimia Zenobia, bà chống đối chính
quyền La Mã, xưng vương quốc độc lập, cả cho quân
đi chiếm đoạt nhiều thành phố thuộc La Mã. Huy
hoàng được một thời gian trước khi hoàng đế Aurelian cho quân sang dành lại phần giang sơn gấm vóc cùng bắt nữ chúa Zenobia mang về The
Eternal City Roma trị
tội phản loạn.
Apamea,
đông đúc cư dân từ thời paleolitic sang đến thời đồ đồng/bronze age và đã được khởi sắc với những đền đài vĩ đại từ nhiều ngàn năm trước. Nay Apamea là một địa điểm khảo cổ rất quan trọng với nhiều tàn tích thành lũy, cung điện mà một số được xây dựng vào thời huy hoàng của La Mã,
cũng như mang nhiều ảnh hưởng các cường quốc Hy Lạp, Byzantine với những cột đá thật to cao vững vàng chạm khắc rất công phu, khéo léo.
Gần
thủ đô Damascus có ngôi làng hiền hòa Maaloula,
nơi sinh sống của khoảng hơn 3000 dân đa số theo một
nhánh nhỏ của Thiên Chúa giáo. Maaloula cũng là thành phố
duy nhất trên vùng Trung Đông có những người còn xử
dụng được tiếng Aramaic/Araméen, là ngôn ngữ rất thông
dụng trên phần đất Israel ngày cũ, chính Chúa Jésus cũng chỉ nói tiếng Araméen. Một trong những câu sau cùng
của ngài trên thập giá là "Eli.. Eli.. lama sabachthani
?"/ Cha.. Cha.. sao cha lại bỏ con?
Trong
cuộc nội chiến xứ Syria, qua tin tức thấy Maaloula bị
binh lính Al-Nostra của nhóm phản quân djihadist chiếm cứ,
và bộ binh của quân đội tổng thống Bachar
al-Assad đã pháo kích, rồi từng đoàn phi cơ bay lượn
thả bom tung cát bụi mù mịt, phủ kín vùng thung lũng
thoai thoải có những mái nhà yên ổn bên đồi xanh cây
cỏ ngày nào..
Krak des Chevaliers là
một lâu đài chiến lũy xây dựng từ thế kỷ 11 và kéo dài hơn một trăm năm
sau. Được xem như mẫu mực cho các thành trì vào những thế hệ kế tiếp với nét đa dạng của các kiểu medieval, byzantin và ả-rab. Krak des Chevaliers là một thành trì bất bại, do không dễ dàng cho địch quân xâm chiếm dù qua lắm binh đao và các cuộc Thập Tự Chinh quan trọng. Được danh tặng là Chiến đài kỳ quan vĩ đại và đẹp nhất thế giới, Krak des
Chevaliers luôn là địa điểm thăm viếng hàng đầu của du khách đến Syria.
Vậy mà qua truyền thông, mọi người được biết kỳ quan hơn ngàn năm tuổi này được dùng làm nơi ẩn tránh của nhóm chống đối trong cuộc nội chiến đang sôi động, và bị hứng chịu nhiều trận không tạc. Bom đạn đã làm sụp đổ nhiều mảnh tường hào của Le Krak des Chevaliers...
Gửi ý kiến của bạn