THÁC BẢN GIỐC - NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ * MAI THÁI LĨNH

15 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 15704)

THÁC BẢN GIỐC - NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ

(PHẢN BIỆN BÀI TRẢ LỜI CỦA ÔNG TRẦN CÔNG TRỤC[1])

Trước hết, tôi ghi nhận thiện ý của ông Trần Công Trục khi ông viết: “tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.”

Tuy nhiên, để có thể “thu hẹp khoảng cách” trong nhận thức của xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể dựa trên ý chí của từng cá nhân, từng nhóm người hay thậm chí dựa trên ý chí của một đảng chính trị - cho dù đảng đó đang nắm giữ bộ máy Nhà nước. Khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp và tạo nên sự đồng thuận một khi dựa trên quyền lợi chung của toàn dân tộc, và nhất là phải tôn trọng sự thật. Ngày nay, với phương tiện truyền thông có tính toàn cầu, không thể bưng bít sự thật hay tìm cách khuôn sự thật theo ý muốn của một cá nhân hay một nhóm người nào cả.

Về những bằng chứng lịch sử liên quan đến Thác Bản Giốc, tôi có một cách nhìn hoàn toàn khác với ông Trần Công Trục, bởi vì đối với đường biên giới Việt-Trung – vốn là một đường biên giới có lịch sử lâu đời và có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc ta, đất nước ta, không thể không đề cập đến phương diện lịch sử. Hơn thế nữa, những bằng chứng lịch sử đó có từ rất lâu - trước khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền trên toàn miền Bắc, thậm chí trước khi Đảng Cộng sản ra đời, vì thế không thể nói rằng đó là kết quả của “hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức” trong giai đoạn cuối thập niên 1970 – khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Chính vì lẽ đó, tôi đã giới thiệu lại các bài viết của ông Diệp Đình Huyên (tức Hàn Vĩnh Diệp) để chứng minh rằng “Thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam” từ rất lâu và suốt trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước vẫn còn hữu hảo, phía Trung Quốc không hề thắc mắc gì về “sự thật” này. Hơn thế nữa, nếu Việt Nam thật sự là một quốc gia dân chủ bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho mọi công dân thì sẽ có rất nhiều người noi gương ông Diệp Đình Huyên sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho “sự thật” đó.

Trong phạm vi của bài phản biện này, tôi tạm thời gác lại khía cạnh lịch sử của chủ đề “Thác Bản Giốc”, để tập trung bàn về những căn cứ pháp lý.

1) Tại sao các tài liệu liên quan đến Thác Bản Giốc và Cồn Pò Thoong không được mang đi đàm phán?

Ông Trần Công Trục viết: “Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý để hai bên tiến hành hoạch định biên giới.”

Như vậy, theo ông Trục, các tài liệu này không được sử dụng vì “không phải là bộ phận cấu thành của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.”

Thế nhưng, việc lấy hai công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 để làm cơ sở đàm phán trong vấn đề biên giới không phải là điều mới mẻ. Theo cuốn VĐBG (Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc)[2] thì vào năm 1977, để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán biên giới, phía Việt Nam đã đưa ra một “dự thảo hiệp định”[3], trong đó điều 1 có nội dung như sau:

[Điều 1] Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Các văn kiện biên giới đó gồm có: (1) Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (2) Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (3) Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”.

Nội dung này không có gì khác với “nguyên tắc chung” mà ông Trần Công Trục nêu ra.

Vấn đề đặt ra là : tại sao dựa vào điều khoản căn bản đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối thập niên 1970 vẫn có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định rằng phía Trung Quốc đã “vi phạm ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay.”?[4] Bất cứ ai đọc được điều này cũng có thể đặt câu hỏi: Bộ Ngoại giao Việt Nam vào thời kỳ đó đã căn cứ vào hệ thống bản đồ nào và những chứng cứ pháp lý nào để khẳng định Trung Quốc vi phạm đường biên giới?

Mặt khác, ông Trần Công Trục lại viết: “Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán.”

Điều này quả thật rất khó hiểu. Hãy lấy một ví dụ: các tài liệu chứng minh “vào năm 1976 Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong – một địa điểm hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam” thì cho dù vào năm 1979 hay vào năm 1999 cũng đều có giá trị như nhau chứ sao lại “chỉ có giá trị vào năm 1979” và đến thập niên 1990 lại “không thể mang đi đàm phán”?

Để hiểu rõ vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của các tài liệu mà tôi nêu ra trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc”:

- Tài liệu 1 về việc Trung Quốc đã “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc: đây chính là bằng chứng về việc Trung Quốc đã sửa chữa bản đồ, làm sai lạc vị trí của cột mốc 53; nói cách khác qua tài liệu này chúng ta được biết cột mốc 53 nằm ở vị trí khác chứ không phải nằm ở vị trí của cột mốc 835 (mới) hiện nay (xem bản đồ - hình 1 và hình 2):


gAAAABJRU5ErkJggg==

Hình 1 : Sơ đồ Thác Bản Giốc được phân chia lại


x+T1dysFEExMwAAAABJRU5ErkJggg==

Hình 2: Bản đồ khu vực Thác Bản Giốc hiện nay. Cột mốc 835 chính là vị trí mới của cột mốc 53

- Tài liệu (2) về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960: chứng minh vào thập niên 1960, cồn Pò Thoong hoàn toàn thuộc về Việt Nam;

- Tài liệu (3) về việc Trung Quốc đưa quân lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 : chứng minh Trung Quốc đã lấn chiếm cồn Pò Thoong bất hợp pháp, vì vậy việc chia cồn này theo công thức “1 phần 4 thuộc về Việt Nam, 3 phần 4 thuộc về Trung Quốc” là hoàn toàn bất hợp lý;

- Tài liệu (4) gồm hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980: cho phép xác định vị trí của các cột mốc cũng như đường biên giới một cách chính xác (xem bản đồ tại hình 3).