CHUYẾN ĐI MÙA XUÂN * Phong Châu

05 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 157615)

CHUYẾN ĐI MÙA XUÂN  

hkc_cdmx_aa-large-content

  Đâù tháng tư. Mùa xuân đến. Chúng tôi rủ nhau làm một chuyến đi chơi mùa xuân 16 ngày đến Nhật Bản, Đài Loan và Đại Hàn với mục đích là xem thắng cảnh, thứ đến là để quan sát đời sống xã hội ở các xứ ấy ra sao vì những quốc gia ấy nằm trong hệ thống các quốc gia theo thể chế dân chủ, mặc dù Đài Loan không còn tư cách là một quốc gia nữa mà chỉ là một đảo quốc kể từ khi Mỹ bắt tay với Trung cộng đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Về phương diện kinh tế thì Đài Loan là một xứ phát triển dựa trên mô thức của các nền kinh tế tây phương và có nền tảng sinh hoạt chính trị theo chính sách Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên được Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng mang ra áp dụng trên đảo quốc này. Đại Hàn (Nam Hàn) là quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh và phát triển vượt bực chỉ sau Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế xếp hàng thứ hai thế giới chỉ chưa đầy hai thập niên kể từ khi đầu hàng đồng minh tháng 8 năm 1945.

 Nhóm chúng tôi gồm có bốn cặp đều là dân Dà Lạt. Houston có ba cặp và từ California có một cặp. Chúng tôi hẹn nhau tại phi trường Los Angeles để cùng đáp chuyến bay của hãng Asiana cuả Đại Hàn bay đi Tokyo là trạm dừng chân viếng cảnh đầu tiên.

hkc_cdmx_1-large-contenthkc_cdmx_2-large-contenthkc_cdmx_3-large-content

 Bốn Cặp Tại Phi Trường Los Angeles Trời Mưa Thì Mặc Trời Mưa…

Không may cho chúng tôi là những ngày đầu tháng tư vẫn còn mưa nên nhiều ngày chúng tôi phải che dù đi dưới mưa ngắm cảnh. Nghĩ lại, âu đó cũng là điều thú vị mà ít du khách gặp phải vì thường tháng tư là tháng bắt đầu mùa xuân hoa đào nở. Chúng tôi đi tour theo đoàn 50 người, đa số người từ California. Từ ngày đầu cho đến ngày cuối, nhóm chúng tôi là nhóm sinh hoạt vui nhộn và được chú ý và ngưỡng mộ đối với những người cùng đi. Họ gọi chúng tôi là nhóm Đà Lạt. Chúng tôi được hướng dẫn đi thăm nhiều thắng cảnh và nơi nào cũng có hoa anh đào đang nở. Phải nói là hoa anh đào tuyệt đẹp dù trời đang mưa hay có nắng. Xe chạy trong các thành phố hay từ thành phố này sang thành phố khác, đâu đâu cũng thấy hoa anh đaò. Anh đào trên những công viên. Anh đào ngập tràn trong vườn thượng uyển, quanh hoàng cung. Anh đào nở rộ quanh các cổ thành. Anh đào bao phủ trên những mái đền thần đạo. Anh đào trang điểm cho những ngôi chùa u tịch đã đi vào lịch sử ngàn năm của xứ mặt trời. Anh đào rơi rụng theo những ngọn gió mưa sa trên “con đường triết học ”. Anh đào vướng gót chân và bay bay theo những cánh kimono của các thiếu nữ che dù e ấp dưới cơn mưa chiều ở cổ thành trầm mặc. Những đền đài đá tảng gắn liền với tên tưổi của những tướng quân thời lập quốc. Những hào rảnh quanh co còn ghi dấu những trận thư hùng thời xưng vương xưng bá của các lãnh chúa. Những dấu tích của nền phong kiến vương quyền còn ghi đầy trên những vách đá của thành quách rêu phong. Dĩ vãng của một dân tộc có một huyền sử hào hùng cũng như thời cận đại mà vị hoàng đế mỗi ngày phải đến cúi đầu chào kẻ chiến thắng để rồi từ đó cả một dân tộc quyết nắm tay nhau vươn lên để trở thành một cường quốc dân chủ mà những truyền thống tập tục và những đức tính ưu việt của dân tộc không bị bào mòn bởi những tiến bộ của khoa học hay những ảnh hưởng văn hóa phương tây dồn dập ùa đến như những cơn sóng thần tsunami của thế kỷ thứ hai mươi hai mốt. 

hkc_cdmx_4-large-content

 Dưới Những Cơn Mưa Tầm Tã Người Dân Nhật Vẫn Xếp Hàng Vòng Vòng Cả Cây Số…

Những ngày đầu chúng tôi được đưa đi thăm thành phố Tokyo, thủ đô và trung tâm sinh hoạt kinh tế tài chánh, nơi có tượng Phật cao nhất thế giới (120 mét), thăm Minh Trị Thần Cung, ngôi đền của Minh Trị Thiên Hoàng, người đã duy tân nước Nhật trong thế kỷ thứ 19, thăm đền Asakura linh thiêng của Tokyo. Phố Ginza sầm uất, thăm hoàng cung là nơi cư trú của hoàng gia Nhật Bản, thăm vườn ngự uyển Shinjiku rồi đến Kamakura ngắm tượng Đại Phật bằng đồng, đi vòng vòng thăm những con phố của người Tàu ơ Yokohama. Hôm sau trên đường đi đến núi Phú Sĩ, nhìn ra ngoài cửa kính xe, thấy thấp thoáng ngọn núi có tuyết trắng trên đỉnh lúc ẩn lúc hiện sau những tàng cây, những đồng ruộng nhà cửa. Từ sáng đến chiều ngày này nắng đẹp, bầu trời xanh trong, gió mát rượi. Chắc là để bù đắp cho ngày đầu mưa ướt át phải che dù ngoạn cảnh ngắm hoa. Nghe kể chuyện vào mùa xuân, dân chúng Nhật kéo nhau lên cho được trên ngọn núi Phú Sĩ (cao 12,388 feet) mà truyền thuyết dân gian Nhật tin rằng trong đời người, trước khi chết phải có một lần leo lên cho đến tận đỉnh để thấy Thần, thấy Tổ - Tiên - Ông - Bà. Có người phải đi hằng mấy ngày mới lên được tới đỉnh. Cha mẹ già thì thường được con cháu cho ngồi trong những chiếc gùi để cõng lên núi. Người Nhật tin rằng phải có mặt trên đỉnh núi trước khi mặt trời mọc mới mong thấy được những vị Thần và gặp được các đấng Tổ - Tiên – Ông - Bà. Còn nhớ lõm bõm mấy câu thơ của thiền sư Tây Hành khi cảm nhận vẻ đẹp huyền bí của núi Phú Sĩ... “ Gió cuốn lên, mây mờ trên đỉnh Fuji… không biết về nơi đâu xa xăm…ai biết về đâu nhỉ…cùng với lòng tôi lang thang…” …“Trên cánh đồng Trời nếu không có gió để thổi tan mây mù thì trăng không thể vượt lên triền núi cao…”. Đứng trên đồi của một ngôi chùa ở Owakunadi say sưa nhìn núi Phú Sĩ dưới bầu trời xanh như một vưu vật vừa hoành tráng vừa trang nghiêm huyền bí dãi dầu mưa nắng với thời gian để un đúc quyền lực siêu nhiên ban phát cho dân Nhật Bản cái hào khí sáng ngời của chữ “ đạo ”.

hkc_cdmx_5-large-contenthkc_cdmx_6-large-contenthkc_cdmx_7-large-content

 Dạo Phố Đêm Ăn Quà… Bốn Cô Nàng Bốn Quả Trứng Luộc Nai Vàng Trong Rừng hoa Anh Đào

 Ngày kế chúng tôi đi thăm bảo tàng Toyota tại thành phố Nagoya. Đây là cơ hội cho chúng tôi biết về người đã chế tạo loại xe mà giờ đây có mặt khắp trên quả địa cầu. Đó là ông Sakichi Toyoda (1867-1930) nhà phát minh và kỷ nghệ gia hàng đầu của Nhật. Hãng xe Toyota là hậu thân của một xưởng dệt cũng do chính ông Sakichi Toyoda làm chủ và rất thành công trong ngành này. Hiện hãng dệt vẫn còn hoạt động để cung cấp trực tiếp các mặt hàng phụ liệu như thảm nệm…cho Toyota. Xe Toyota đã có mặt cả hàng trăm năm kể từ ngày xuất hiện những chiếc xe thô sơ đầu tiên. Với óc sáng tạo và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, Sakichi Toyoda đã biến hiệu xe Toyota trở thành một trong vài nhản hiệu xe được xếp hàng đầu thế giới, đã liên tục cải tiến và đứng vững trải qua ba thế hệ làm chủ. Người đang trông coi hãng hiện là cháu nội của ông Sakichi Toyoda, con của Kiichiro Toyoda. Đó là Shoichiro Toyoda. Chúng tôi được các nhân viên bảo tàng hướng dẫn đi xem hình ảnh và hiện vật của xưởng dệt, kể cả khu vườn trồng bông vải, các khu thao tác và trưng bày các mẩu mả và các kiểu xe Toyota từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến những máy móc lắp ráp tự động rất tinh vi, xem khu vực trưng bày xe đủ các kiểu dáng. Trong một góc trưng bày, chúng tôi thấy có một chiếc xe Toyota tặng cho thế vận hội mùa hè 1998 tại tiểu bang Georgia để rước đuốc thế vận.

hkc_cdmx_8-large-contenthkc_cdmx_9-large-contenthkc_cdmx_10-large-content

 Buổi trưa chúng tôi ghé thăm khu vực Hakone xưa là núi lửa và thưởng thức món trứng luộc từ suối nước nóng 100 độ. Sau khi thăm công viên Hòa Bình Heiwa – Koen là cả một rừng hoa anh đào , chúng tôi đến ngôi đền thần đạo Tanada thờ thần Linga và Doni (Dân Nhật thờ đa thần) là nơi cầu xin cho những phụ nữ hiếm muộn. Trời về chiều có gió nhẹ, có vài cặp nam nữ mặt nghiêm trang thành khẩn đến đền thần cầu xin có con. Nhiều thiếu nữ cùng đi với cha mẹ đến đền cầu tự. Lại có những người đàn ông lớn tuổi dắt con dâu đến đền cầu xin cho được có cháu nội. Bên trong đền người ta dùng một cây gỗ đường kính khoảng 12 inches, dài khoảng 60 inches đẽo thành “……” của người đàn ông để thờ. Những phụ nữ thành tâm vào đền khấn nguyện và dùng tay xoa vào đầu “cây gỗ” để mong có được một mụn con.

hkc_cdmx_13-large-contenthkc_cdmx_11-large-contenthkc_cdmx_12-large-content

 Đền Cầu Tự Xem Các Loại Động Cơ Xe Toyota Xe Rước Đuốc TVH 1998 

Cống xa lộ được thiết kế hoàn toàn theo kiểu Mỹ. Đặc biệt, Nagoya có một phi trường nổi trên biển mà vào năm 2005 phi trường này bị lún, người ta phải dùng kỹ thuật đặc biệt để đội cả phi trường lên như cũ. Từ Nagoya đến cố đô Nara thăm chùa Đông Đại (Todaiji) và vườn nai Nara vào một buổi chiều thoảng gió. Từng đàn nai hăm hở đi xin thức ăn từ tay những du khách.

 Khi đến Kyoto, cố đô nghìn năm của Nhật nổi tiếng thế giới với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, chúng tôi đi thăm Kim Các Tự (Golden Pavilion). Đây là ngôi cổ tự nổi tiếng được xây dựng vào năm 1397, trải qua nhiều triều đại tranh chấp thư hùng thời lãnh chúa tướng quân, được cơ quan văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc công nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới vào năm 1994. Chùa có tên Nhật là Rokuon-ji Temple. Vào năm 1950 Kim Các Tự bị đốt cháy do một người bị bệnh tâm thần, lại có một nguồn tin cho rằng người đàn ông này sở dĩ đốt chùa là vì bất mãn khi thấy dân Nhật đói khổ sau đệ nhị thế chiến. Sau đó Kim Các Tự được trùng tu và giữ đúng kiểu dáng như trước, cũng có ba tầng, hai tầng trên được mạ vàng, soi bóng xuống mặt hồ trong xanh cùng lá hoa cây cỏ bao quanh thay đổi màu sắc theo mùa tạo thành một thắng cảnh kỳ thú đã thu hút hằng trăm nghìn du khách khắp nơi đến viếng mỗi năm. Du khách chỉ đi vòng vòng quanh chùa để ngắm chứ không vào bên trong. Hơn nữa, cũng không có ai ở trong chùa. Có một cuốn sách được viết vào năm 1956 do nhà văn được đề nghị giải Nobel văn chương 1970 là Yuko Mishima với tựa đề “The Temple Of The Golden Pavilion”, cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt dưới tựa đề “Hỏa Thiêu Kim Các Tự” khoảng năm 1972-1973 tại Sài Gòn.

hkc_cdmx_14-large-contenthkc_cdmx_15-large-content

Kim Các Tự Trong Ngày Mưa Với Hàng Ngàn Du Khách Viếng Thăm

 Lại không may cho đoàn chúng tôi, ngày thăm Kim Các Tự lại là một ngày mưa bão, bầu trời u ám đầy mây, có một chút gió lạnh thổi thốc vào mặt du khách từ mọi hướng đổ về Kim Các Tự. Áo mưa và dù che đủ màu sắc tạo thành một bức tranh di động. Rời Kim Các Tự, đoàn chúng tôi được đưa đến xem show trình diễn Kimono. Bên ngoài trời vẫn tiếp tục mưa gió nhưng bên trong một thương xá chuyên bán y phục cổ truyền Nhật Bản, chúng tôi được xem những màn trình diễn đẹp mắt về những bộ trang phục cổ truyền kín đáo của phụ nữ Nhật. Khi buổi trình diễn chấm dứt, trời vẫn còn mưa. Chúng tôi lại tiếp tục che dù ra đi…

hkc_chmx_7-large-contenthkc_chmx_6-large-contenthkc_chmx_5-large-contenthkc_chmx_4-large-contenthkc_chmx_3-large-contenthkc_chmx_1-large-contenthkc_cdmx_17-large-contenthkc_cdmx_16-large-content


Arashi – Yama với những cây trúc cao vời vợi che khuất cả bầu trời, đoàn du khách Việt Nam chân bước trên con đường nhỏ đẫm nước mưa, tay cầm dù, mắt ngắm nhìn rừng trúc mênh mông một màu xanh thẫm. Trúc oằn ngọn che cả mây mù trên cao và mưa càng lúc càng nặng hạt rơi trên mặt những chiếc dù mong manh không làm cho du khách khỏi ướt áo và thấm lạnh. Từ rừng trúc trở ra du khách bắt gặp hình ảnh của những ngưòi phu kéo xe đang khom lưng kéo chiếc xe lên một con dốc cao, trên xe là một cặp trai gái hay vài cụ già trên đường về nhờ xe để chạy thoát cơn mưa. Nhớ vào thập niên 60, phim “Người Kéo Xe” của Nhật được chiếu ở Việt Nam. Kẻ viết bài này được xem tại rạp Ngọc Hiệp Đà Lạt. Phim hay gây xúc động. Đọc đường hai bên phố xá, trong đám đông thỉnh thoảng thấy vài cô gái Nhật trong những bộ kimono bước bước từng bước ngắn trên con đường ướt mưa. Trước khi về khách sạn nghỉ ngơi, người hướng dẫn đưa chúng tôi đến viếng cảnh Thiên Long Tự - Thần Cung Bình An được xây để kỷ niệm một ngàn năm Kyoto.

hkc_chmx_8-large-contenthkc_chmx_9-large-contenthkc_chmx_10-large-content

 Hoa Đào Rơi Khắp Lối Rừng Trúc Mênh Mông Người Phu Xe

 Có một con đường dài khoảng chừng ba bốn ki lô mét được mệnh danh là “Con Đường Triết Học”. Chung quanh khoảng đường này có nhiều chùa, đặc biệt có ngôi chùa bạc – Ngân Các Tự, cũng là nơi du khách viếng thăm đông đảo. Nghe kể rằng trên đoạn đường này các nhà sư thường hay đi bộ để trầm tư, người dân sống quanh vùng đặt cho tên “Con Đường Triết Học” là do vậy. Nhớ lại câu nói của nhà toán học và triết gia người Pháp đầu thế kỷ thứ mười bảy là Pascal: “Những người đàn ông sợ vợ sẽ trở thành triết gia”. Cũng may, kẻ viết bài này không có chút hy vọng nào để trở thành triết gia. Không biết các nhà sư bây giờ có còn đi bộ để trầm tư mặc tưởng nữa hay không? Đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, chẳng còn vẻ gì là “triết học” cả mà toàn là du khách tới lui, xe cộ tấp nập, hàng quán chào mời đông vui. Nhưng nói cho công bằng, đó là một đoạn đường đẹp, có hoa anh đào rơi rụng lả tả khắp nơi.

hkc_chmx_11-large-contenthkc_chmx_13-large-contenthkc_chmx_12-large-content

 Cũng tại kinh thành cũ Kyoto, sáng hôm sau chúng tôi viếng Thanh Thủy Tự nơi thờ Phật Quán Thế Âm trên đồi Âm Vũ Sơn. Chùa nằm trên đồi, có nước từ một con suối trên núi cao chảy xuống trong vắt được gọi là nước thiêng. Tương truyền vào thế kỷ thứ XIV, một chàng Samurai có người vợ sanh nở khó khăn nên nhờ đến sự giúp đỡ của một nhà sư. Nhà sư mách đến dòng nước suối Quán Thế Âm để lấy nước uống. Sau đó người vợ của chàng Samurai sanh được một đứa con trai khỏe mạnh nên sau đó chàng Samurai đã giúp xây ngôi chùa đặt tên là Thanh Thủy Tự nổi tiếng này. Nét đặc biệt của Thanh Thủy Tự là sân chùa nằm dưới một vực sâu được chống đỡ toàn bằng cột gỗ, vì thế, từ sân chùa nhìn lên, người ta thấy như chùa được xây trên mây… Đứng ở sân chùa, ta có thể nhìn thấy toàn cảnh của cổ thành Kyoto. Rời Thanh Thủy Tự, chúng tôi xuống khu phố sầm uất Gion. Trời vẫ tiếp tục mưa và mưa… 

hkc_chmx_14-large-contenthkc_chmx_15-large-contenthkc_chmx_16-large-contenthkc_chmx_17-large-content

 Hai Du Khách Việt Vừa Uống Nước Thiêng Thanh Thủy Tự Làm Quen Ở Phố Gion

 Ngày kế của chuyến du lịch tại Nhật, chúng tôi đến thăm lâu đài nổi tiếng có tên Hemeji, được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Hemeji Castle là một kiến trúc tuyệt đẹp và toàn mỹ bằng gỗ lớn nhất trong số những kiến trúc cùng loại tại Nhật Bản. Phần nền móng chống đỡ, các tòa tháp, tường vách và hào rảnh quanh lâu đài được gìn giữ ở mức toàn hảo trên 400 năm. Chủ nhân đầu tiên của lâu đài khởi công xây dựng là Hashiba Hideyoshi vào năm 1581. Chủ thứ hai, Ikeda Terumasa, xây dựng lại vào năm 1601 và công việc hoàn tất vào năm 1609. Người chủ kế tiếp là gia đình Honda Tadamasa vào năm 1617. Ông này sửa sang cho lâu đài trở nên kiên cố hơn nhằm chống trả sự xâm nhập của những người bên ngoài. Hemeji Castle là quốc bảo của Nhật. Trong trận thế chiến thứ hai, cổ thành bị hư hại rất nặng nên được xây dựng lạ năm 1950 với tổn phí 500 triệu yen. Cổ thành được phủ màu trắng và mang hình dáng của một Con Cò.

hkc_chmx_18-large-contenthkc_chmx_19-large-contenthkc_chmx20-large-content

 Đi thăm cổ thành phải mất cả ngày nhưng chúng tôi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” cho biết vậy thôi. Hoa anh đào nở quanh lâu đài làm tăng vẻ đẹp của mùa xuân đất trời hòa quyện với vẻ đẹp hoành tráng do bàn tay con người dựng nên. 

 Kobe – thành phố được cả thế giới nhắc đến trong những năm cuối của thế kỷ 20. Đó là trận động đất xảy ra vào ngày 17 tháng giêng – 1995 khiến cho 6434 người chết và thành phố bị hủy hoại 100%. Sự kiện thứ hai, không biết có ai quan tâm đến như tôi hay không? Đó là chuyện “ bò Kobe”. Chuyện thứ nhất. Trên đường từ Kyoto đi Osaka, chúng tôi ghé thành phố Kobe thăm trung tâm phòng chống thiên tai, trong đó chúng tôi được xem tất cả hành ảnh và những đoạn phim về cảnh đang xảy ra trận động đất với sức tàn phá kinh hoàng. Nhật Bản là quốc gia có biển bọc chung quanh nên phải chịu mọi thiên tai thảm khốc đến từ thiên nhiên. Vụ động đất tháng giêng năm 1995 vẫn còn ám ảnh người dân thành phố Kobe và họ sẵn sàng nhận chịu và chống trả những thảm họa từ trời. Cứ nhìn vào những gì đã xảy sau vụ động đất ở Kobe hay mới đây là sóng thần tsunami đánh vào vùng Tohoku ngày 7 tháng tư - 2011 giết chết 15, 883 người và làm hỏng nhà máy điện chạy bằng nguyên tử tại Fukuchima mới thấy sức chịu đựng và lòng can đảm của dân chúng Nhât Bản làm cho cả loài người phải cúi đầu khâm phục. Hiện nay Kobe là một thành phối hoàn toàn mới, được xây dựng trên những hoang tàn đổ nát. Từ đường sá cầu cống, nhà cửa…đều được kiết trúc theo lối tân kỳ. Đặc biệt, hệ thống xa lộ cầu cống đướng sá điện nước phải thực hiện ngay và hoàn tất chỉ trong vòng một năm.

hkc_chmx22-large-contenthkc_chmx21-large-contenthkc_chmx3-large-content

Đã Đến Nhật Mà Không Thưởng Thức Món Thịt Bò Kobe Thì Sẽ Mất Một Phần Hương Vị Của Chuyến Đi

 Bây giờ nói đến chuyện thứ hai của Kobe. Trong tờ hướng dẫn du lịch tour Nhật Bản có cho biết là du khách sẽ ghé thăm thành phố Kobe và không quên đề nghị du khách thưởng thức món thị bò nổi tiếng này với giá tối thiểu là US$ 90.00. Ngon hay không thì chưa ăn chưa biết nhưng nhìn thấy bảng giá đã thấy “đau bụng” lắm. Đến khi vào nhà hàng “ Bistro Kobe Brand” thì dùng dằng nửa ở nửa đi. Đi thì cũng tiếc ở thì cũng đau” (Xin lỗi Cụ Nguyễn Du). Cuối cùng thì cả gánh hát Đà Lạt chúng tôi cũng vào xơi cho được món bò Kobe. Một ngụm rượu vang đỏ uống vào sau khi chầm chậm nhai miếng thịt tự tay mình cắt mới cảm nhận được thế nào là bò Kobe. Thịt mềm có vị thơm đặc biệt, không cần phải nhai mạnh như nhai những miếng steak từng ăn ở các quán steak house ở Mỹ. Chỉ cần nhai nhẹ, thực khách cũng cảm thấy được miếng thịt trong miệng tan ra và ngấm sâu vào lưỡi rồi trôi xuống thực quản. Thịt vô đến bao tử rồi mà mũi vẫn còn nghe mùi thơm của từng thớ thịt mềm nhuyển. Bước ra khỏi nhà hàng ai cũng tấm tắc khen ngon. Giá cả của một đĩa bò Kobe được tính tùy theo cân lượng thực khách yêu cầu. Một hai ba… trăm gram tùy ý. Nhân đây cũng xin bàn tới chuyện bò Kobe ngoài nước Nhật. Cá nhân kẻ viết bài này trong khoảng thời gian gần đây có nghe nói đến món bò Kobe từ nhiều người – dĩ nhiên là người Việt Nam ta. Trước hết là nghe khen bò Kobe ngon lắm và mắc lắm. Chẳng biết ngon như thế nào và mắc mỏ ra sao. Nghe chơi vậy thôi rồi bỏ qua. Sau đó lại nghe nói ở Việt Nam có tiệm phở bò Kobe với giá gần triệu đồng một tô. Tôi không tin có người dám nhập bò Kobe để nấu phở. Dĩ nhiên cũng đã có những ngài đại gia “bất chánh” hoặc các anh chị cán bộ kiêm nghề “hiếp dân” kéo nhau đến ăn “phở hàng hiệu” để khoe mình bảnh hơn đám dân nghèo. Một thời gian sau, tôi lại nghe mục đọc báo trong nước của một đài phát thanh hải ngoại đưa tin là Việt Nam tuyên bố là chưa bao giờ nhập cảng bò Kobe! Thế đó! Bị bịp cả lũ… Riêng tại thành phố Houston này cũng có một tiệm “phở bò Kobe” nằm trên con đường buôn bán sầm uất của người Á Châu. Có người kể cho tôi nghe là mỗi tô phở bò Kobe giá ba bốn chục đô la. Tôi cũng không dám tin rằng có người dám nhập thịt từ Nhật về nấu phở bán cho dân ta ăn chơi. Tôi tìm trên internet thì thấy như thế này: 18 oz filet mignon của bò Kobe giá $ 489.00; 12 oz giá $ 299.00; Kobe beef eye from $ 199.00; Kobe Wagyu beef from Japan 32 oz giá $ 399.00…Lại có Kobe beef of Texas 12 oz giá $ 139.00…Kobe beef Club $ 1,439 vân vân và vân vân. Đọc sơ qua giá cả trên cũng đủ xây xẩm mặt mày. Kobe ơi! Chào mi và miễn gặp lại nhá! Dạo đi Las Vegas với mấy cặp Đà Lạt vô tiệm buffet trong sòng bài cũng có món bò Kobe, ăn một lát nhưng mùi vị khác hẳn với mùi vị của Bistro Kobe Brand. Dĩ nhiên bò được nấu theo gôut Mỹ nhưng không biết có phải là thịt bò Kobe thứ thiệt hay không? Mình đã bị lừa rồi cũng nên…

hkc_chmx24-large-contenthkc_chmx25-large-contenthkc_chmx26-large-content

 Osaka là thành phố lớn đứng hàng thứ ba của Nhật sau Kyoto và Yokohama. Tại đây chúng tôi đến xem Osaka Castle Museum, khởi thủy được xây dựng vào năm 1496 bởi một tu sĩ Phật giáo theo môn phái Joudoshinshu (?) và ngôi đền được gọi dưới cái tên Osaka Hoganji. Đến năm 1580 thuộc về tay của Nobunaga Oda. Đền bị cháy rụi do việc tranh giành quyền lực lẫn nhau. Khi Nobunaga Oda chết, đền thuộc quyền sở hữu của tướng quân Hideyoshi Hashiba (Toyotomi). Vị tướng quân này nắm hết quyền lực trong tay và cho xây dựng lại ngôi đền trên khu đất cũ của Osaka Hongaji. Sau khi Toyotomi chết, quyền lực chính trị về tay Tokugawas và đền bị sụp đổ trong “trận chiến mùa hè” năm 1615. Dưới sự chỉ huy của vị tướng quân mới là Hidetada; Osaka Castle được tái thiết vào năm 1620. Khi đền được giao cho hoàng gia Nhật thì nơi đây do quân đội xử dụng.Trong cuộc đệ nhị thế chiến đền bị tàn phá nặng nề do phi cơ đồng minh oanh tạc

 Trước khi ra phố ăn uống và mua sắm kỷ vật, chúng tôi dừng chân ghé thăm một công viên, nơi có chôn hộp chứa “Expo 70 Time Capsule”. Hai công ty Panasonic Corporation và Maichini Newspapers hợp tác để thực hiện dự án thế kỷ này vào năm 1968 để chào mừng Osaka Expo 70. Hộp được chôn ngay cạnh Osaka Castle Museum, gồm hai phần. Phần dưới được giữ trong vòng 5,000 năm. Phần trên được mở ra lần đầu tiên năm 2000 và cứ 100 năm được mở một lần. Trong hộp chứa có 2,098 đồ vật là kết quả những thành tựu trong mọi lãnh vực của Nhật Bản. Đây là di sản của tổ tiên để lại cho các thế hệ sau năm nghìn năm.

hkc_chmx27-large-contenthkc_chmx28-large-contenthkc_chmx29-large-content

 Mời Các Bạn Vô Đây Hát Karaoke…

 Chuyến Đi Mùa Xuân đã trải qua hai phần ba thời gian tại Nhật. Phần còn lại ở Đài Loan và Đại Hàn sẽ viết ở phần hai. Để kết thúc phần trên đất Nhật, kẻ viết bài xin có thêm đôi điều. Trước hết là suốt trong thời gian ở Nhật, mưa nhiều hơn nắng. Đi đến đâu cũng thấy dù và dù. Tuy trời mưa nhưng anh đào vẫn nở rộ dưới bầu trời u ám. Được nhìn tận mắt những cảnh đẹp thiên nhiên, xem đền đài chùa chiền miếu mạo, những di tích lịch sử, được thưởng thức các món ăn đặc trưng của Nhật đặc biệt là các món shushi, táo Fuji, hạt dẻ và khoai luộc, thịt bò Kobe, uống rượu đào, sake hâm nóng…và ba lần tắm nước suối “ôn tuyền”, xem show trình diễn kimono…Chuyến đi rất vui. Nhưng có một chuyện rất buồn cho người viết là: Khi đi trong các khu phố Nhật, thấy các bãi dựng xe đạp, quan sát kỹ thấy xe nào cũng khóa lại. Hỏi ra mới biết, trước đây xe đạp không bao giờ “bị khóa” nhưng kể từ khi có số đông đảo du học sinh từ Việt Nam sang Nhật học, cán bộ từ Việt Nam sang công tác thì cả ngàn chiếc xe đạp không cánh mà bay xuống tàu để du lịch sang Việt Nam…

hkc_chmx_30-large-contenthkc_chmx_31-large-contenthkc_chmx_32-large-content

 Một chút suy nghĩ về Nhật Bản và Việt Nam. Ai cũng biết Nhật Bản là nước thua trận, đầu hàng vô điều kiện sau khi lãnh hai trái bom nguyên tử vào tháng 8 - 1945. Mỗi ngày, hoàng đế Nhật phải đến chào trình diện kẻ đại diện cho bên thắng trận thắng lúc đó là tướng Douglas MacArthur. Cả nhà vua lẫn thần dân phải nuốt hận chịu nhục để rồi cùng nắm tay vươn lên xây dựng nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì chỉ sau hai mươi năm (1945-1965) và vẫn vững mạnh cho đến ngày nay. Việt Nam từ tháng tư 1975 tự cho mình là kẻ chiến thắng. Nay đã gần một nửa thế kỷ, có ai dám lên tiếng so sánh nền kinh tế giữa Nhật và Việt Nam hay không? Thưa rằng có: Nước “ thắng Mỹ ”ngửa tay xin đủ mọi thứ viện trợ từ một nước đã “thua Mỹ”. Đó là chưa kể đến các lãnh vực khác như chính trị, xã hội, giáo dục,y tế, giao thông…Tại sao???

 Phong Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn