Chú Bình
Bùi đình phùng
(LTS: Trung Học Lê Lợi nằm trong quận Di Linh thuộc tỉnh Lâm Dồng, cách Dalat 80 cây số. Các Giáo Sư Đặng Vũ Hoãn, Phan Văn Kha của Trần Hưng Đạo lần lượt được bổ nhiệm về làm Hiệu Trưởng trước GS Bùi Vãn Bình. Kế sân trường là đồi sim, với hoa sim tím.)
Ngồi hằng giờ trước lăng mộ của chú tại Di Linh, mắt tôi cay sè tê dại, oán trách tạo hóa phũ phàng, vùi dập không thương tiếc một gia đình đầm ấm, hạnh phúc…Tôi gào thét, nguyền rủa định mệnh khắt khe. Tôi phóng lên đồi trúc mênh mông, mà trước đây chú đã cố công vun trồng. Tiếng rì rào của rừng trúc, lúc to, lúc nhỏ, như tiếng thì thào, nửa hờn trách, nửa thương yêu, vang vọng từ một cõi hư vô, xô đẩy tôi nằm vật trên nền lá vàng úa đầy ắp. Cơn mê bồng bềnh, ẩn hiện, lúc mờ nhạt, khi rõ nét, lôi tôi về dĩ vãng xa xăm…
“ Hai chú cháu đua nhau phóng xe đạp từ trại di cư Thanh Bình để xem ai có thể tới trường trung học Phan thanh Giản Đà Nẵng mau hơn. Cuối cùng, chú Bình bao giờ cũng tới sớm hơn tôi. Tôi phụng phịu, dỗi hờn, dù biết rằng mình nhỏ con, yếu đuối hơn chú.
Di cư vô Nam năm 1954, gia đình chú và gia đình tôi cùng ngụ tại trại di cư Thanh Bình Đà Nẵng. Những căn nhà lợp tôn, hàng hàng lớp lớp, được chính phủ vội vàng dựng lên trên nền cát nóng mênh mông quanh vùng bờ biển Thanh Bình, để đón đồng bào từ Bắc vô Nam, tị nạn Cộng Sản. Chú sống chung với mẹ và cô em gái út. Sáu anh chị khác của chú đã vào Sài Gòn, từ các chuyến tầu Ville de HaiPhong, tầu Há Mồm, hoạc máy bay sớm hơn. Tại Đà Nẵng, chú học hơn tôi một lớp. So với những học sinh trung học thời đó, chú và một số học sinh có vẻ lớn tuổi hơn so với tuổi trung bình của những học sinh đồng trang lứa. Hồi đó, ở Đà Nẵng, từ trường công lập tới tư thục, chỉ dậy hết bậc trung học đệ nhất cấp (từ đệ thất tới đệ tứ). Mới định cư nơi vùng cát nắng chưa được hai năm, mẹ chú đã ra đi trong giấc ngủ thiên thu. Đêm hôm ấy, chính cô Phượng, cô em gái chú đang nằm ngủ trong vòng tay ôm ấp của mẹ mình, mà đâu có hay chuyện gì xảy ra. Cho tới khi đánh thức mẹ dạy, cô Phượng mới rõ mẹ mình đã vĩnh viễn bỏ cô hồi nào không hay. Sinh thời, mẹ chú có phong thái thật khoan thai, nhàn hạ. Bà có vóc dáng cao lớn, xinh đẹp, da dẻ trắng hồng, trông thật khác xa với các bà mẹ Việt Nam bình thường hồi đó. Bởi vậy, chính chú, các chị, em gái, anh trai của chú, ai cũng cao lớn, trông phảng phất nét đẹp tây phương. Bố của chú đã mất ở ngoài Bắc, nên tôi không rõ vóc dáng ra sao. Đậu xong trung học đệ nhất cấp, chú di chuyển vào Sài Gòn để tiếp tục học nốt Tú Tài 1 và 2. Khi chú học lớp đệ nhất, gia đình chúng tôi cũng di chuyển vào SàiGòn, ngụ tại đường Bà Hạt. Chú đã về ở chung với chúng tôi, học lớp đệ nhất trường Chu văn An. Sau khi đậu tú tài hai, chú học đại học sư phạm ban triết tại Đà Lạt. Những ngày cuối tuần, chú cùng bạn bè lang thang cả hàng trăm vòng quanh khu Hòa Bình. Có khi cả đám lại ngồi nhâm nhi cà phê nóng hổi, thả khói thuốc liên tu bất tận tại quán Mekong hàng mấy tiếng đồng hồ. Tha hồ cho chú cùng bạn bè chiêm ngưỡng, thèm thuồng các em Couvent des Oiseaux, Yersin, nữ sinh viên…lượn lờ quanh phố như những con bướm phô hương sắc. Chiều đến, cả đám lại kéo nhau vào mấy bàn billard trên đường Minh Mạng, thi đấu nhau, so tài cao thấp thật hào hứng, vui nhộn. Hồi ấy, chú thật mê billard. Những lần thắng trận, chú hí hửng nhả khói thuốc thơm ba con mèo hiệu Craven A, chính gốc Anh Quốc vương giả. Ngay cả trong giấc ngủ, chú cũng nằm mơ, đi những đường banh gom bi tuyệt hảo, mà đối thủ phải le lưỡi khâm phục. Ngoài ra, chú cũng là thành viên trong đội banh bóng chuyền của viện đại học Đà Lạt, thi tài cao thấp với các viện đại học khác, trong toàn quốc. Chú là người thật năng động, tham gia mọi sinh hoạt xã hội và mê âm nhạc. Món đàn chú thích nhất là chơi guitar cổ điển. Những bản nhạc bất hủ, thông dụng như La Paloma, La Cumparsita, Fantasia...mà chú đã cố gắng luyện tập, nhưng tập hoài, chú cũng không sao vừa ý được. Tuy vậy, những âm thanh bất hủ ấy cũng phần nào ru hồn chú lâng lâng, thanh thản, khi một mình chú ngồi cô đơn với cây guitar, trên ngọn đồi thơ mộng của viện đại học Đà Lạt xinh xắn, thanh bình, mát rượi.
Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, chú được bổ nhiệm về Cần Thơ, dạy môn triết tại trường Trung học công lập Phan thanh Giản. Hồi ấy, dù bề ngoài, người ta không phân biệt Bắc, Nam. Nhưng trong thực tế, tệ nạn ấy vẫn âm ỉ, nhiều lúc bùng phát thật mãnh liệt, ngay cả trong giới giáo chức. Mặc cảm tự tôn của giới trí thức miền Nam, coi người Bắc di cư như một thứ công dân ăn bám, một loại công dân hạng hai trong xã hội, ăn sâu, bám rễ trong lòng một số người. Ngay tại trường trung học, nơi chú dạy, một giáo sư “Bắc di cư” cũng đã bị nhóm giáo sư địa phương khinh rẻ, coi thường, và luôn luôn tạo ra xung khắc. Nhóm giáo sư ấy, còn thuê côn đồ hành hung giáo sư “Bắc di cư” nữa. Cũng may, có chú Bình can thiệp kịp thời, đánh tung đám côn đồ ấy, nên giáo sư kia chỉ bị thương nhẹ. Chú dám một mình chống chỏi với đám côn đồ địa phương, vì chú to con, lại được truyền dạy võ nghệ từ mấy ông anh ruột, trước năm 1954, nằm trong nhóm Công giáo, lập chiến khu chống Việt Minh ở Phát Diệm, dưới sự lãnh đạo của đức cha Lê Hữu Từ. Chuyện không hay xảy ra tại một ngôi trường khá lớn tại lục tỉnh đã vang dội tới Nha Trung Học. Tại đây, chú nhận được lời khuyên là nên xin di chuyển tới một nhiệm sở khác. Bởi lẽ, ở đâu cũng có cảnh “giang sơn nào, anh hùng đó”, “vi tẩu là thượng sách”.
Chẳng còn gì phải lưu luyến, chú và người bạn bị hành hung, đã được bộ giáo dục bổ nhiệm về một ngôi trường mới. Riêng chú đã nhận chuyển về một tỉnh lỵ xa xôi, hẻo lánh. Đó là quận Di Linh, với trường trung học Lê Lợi, vươn mình trên những ngọn đồi thấp, kế bên quốc lộ hai mươi, cách xa Đà Lạt khoảng tám mươi cây số. Tuy là một quận lỵ nhỏ bé, thuộc tỉnh Lâm Đồng, với dân cư thưa thớt, nhưng ấm áp tình người, ngập tràn tình thương. Nơi đây, chỉ có một trường trung học công lập duy nhất mà không có trường trung học tư thục nào. Những đồn điền cà phê, rộng hàng mấy trăm mẫu của người Pháp, hòa hợp với một số đồn điền cà phê của người mình, cùng một số vườn trà mênh mông xanh ngát, tạo cho Quận Di Linh một nét tươi mát, êm ả, như một thành phố hoa mộng Âu Tây. Ông hiệu trưởng của trường là ông Phan văn Kha, một thầy giáo còn trẻ, đẹp trai, rất thanh lịch. Hồi ấy, dù trường Lê Lợi thuộc quận Di Linh, nhưng trên tư cách lại là trường tỉnh. Các học sinh nằm trong tỉnh Lâm Đồng, như trường Nông Lâm Súc, trường tư công giáo, muốn lấy điểm thi thể dục, các em phải tới trường Lê Lợi Di Linh để thi. Sở dĩ chuyện ấy xảy ra, vì trước đây, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Di Linh chính là một tỉnh và trường Trung học công lập Lê Lợi Di Linh xuất hiện lâu đời nhất trong tỉnh Lâm Đồng. Vài năm sau, một số giáo sư trường Lê Lợi Di Linh như thầy Tô đức Hạnh và thầy Nguyễn văn Luận được đưa về tỉnh Lâm Đồng, điều khiển ngôi trường công lập mới mẻ nhất của tỉnh này. Hai năm sau, chú được đề cử làm hiệu trưởng trường Lê Lợi, thay thế thầy hiệu trưởng Kha đã được thuyên chuyển về một nhiệm sở khác. Chính vùng hiu quạnh này, chú đã an hưởng, hạnh phúc, phát triển cuộc sống bình thường của một giáo chức đầy lương tâm, đem lại niềm sinh khí, đầy thương yêu cho các học trò của mình. Hai lớp đệ nhất được mở ra để các em không cần phải rời xa gia đình, lên mãi Đà Lạt hoạc Saigòn để tiếp tục công việc đèn sách, tạo dựng tương lai rộng mở. Trong trường, chú xét xử rất công bình với các em, không phân biệt giầu nghèo, học lực. Nhưng chú thiên về an ủi, khuyến khích các em, hơn là hình phạt. Ngoài giờ học, chú luôn luôn hòa nhập vời các em trong các buổi đi chơi ngoài trời, như tại sông Trao, thăm viếng trại cùi…Chú cũng tham gia trong đội đá banh, những trận đánh bóng chuyền, hoạc đánh đàn, hò hát chung với các em, như người bạn, người anh, chứ không phải là ông thầy nghiêm khắc, xa rời các em. Tình thương yêu giữa thầy trò trở thành thân thiết như anh em, bạn bè…Những thời giờ rảnh rỗi, hay ngày chủ nhật, chú thường rủ một số giáo sư tới căn cư xá của các em học sinh người Thượng để thăm hỏi, quan sát nơi ăn chốn ở, cùng tìm hiểu thêm về những nhu cầu nào các em cần đến, hầu tường trình cho các cấp liên hệ để xin giúp đỡ. Đôi khi, chú, cùng một số thầy lại đi thăm hỏi những phụ huynh học sinh, tìm hiểu những nguyện vọng, ý kiến của họ, hầu biết cách sửa đổi khuyết điểm, gia tăng uy tín của trường. Vài năm sau, một hội trường mới mẻ được xây dựng trên ngọn đồi thấp, thường dùng làm sân đá banh, để các em có nơi sinh hoạt văn nghệ, giải trí…Thành phần giáo sư cũng gia tăng đông đảo, nhờ cách cư xử bình dân, hòa đồng, chịu chơi của ông hiệu trưởng độc thân to lớn, đẹp trai Bùi văn Bình. Uy tín của chú cũng vang dội tới tận thành phố cao nguyên Đà Lạt, nên một số sinh viên viện đại học Đà Lạt, cũng rủ nhau nộp đơn xin vế quận Di Linh dạy học. Cư xá giáo sư nhỏ bé, khiêm tốn nghèo nàn, nơi chú trú ngụ, trước đây vắng vẻ, giờ này tấp nập giáo sư vào ra. Hình ảnh nhộn nhịp ấy, như tạo thêm sinh khí cho ngôi trường, phấn khởi các em học sinh chất phác, hiền lành về thành phần hùng hậu của giáo sư, mà bấy lâu nay trường luôn luôn thiếu thốn…
Dù Di Linh là quận lỵ nhỏ bé, nhưng lại thật hiền hòa, nên chú đã nhận nơi đây làm vùng đất định cư mãi mãi của mình, chỉ đằng sau nơi chôn nhau cắt rốn là Ninh Bình miền Bắc Việt Nam. Những mối tình cũng nẩy nở giữa chú và một số nữ sinh của trường. Mối tình của chú với học trò mình cũng thật công khai. Khi chú tới nhà em nào, luôn luôn có sự hiện diện của gia đình, chứ không phải là những thứ tình cảm lén lút, hoa mộng, ướt át giữa đôi trai gái đang yêu. Chính tôi, người cháu thân cận nhất của chú, lại là người trao những chùm hoa tình yêu nhắn gửi của chú cho họ. Đa số, phụ huynh của người đẹp thường rất bằng lòng và ưng ý chú. Nhưng còn đối tượng trực tiếp thì sao? Hầu như các em còn quá trẻ, luôn nghĩ tới những gì mơ mộng, xa rời thực tế. Tôi thấy chú chưa đạt được “hoàng tử của lòng em”, nên luôn luôn thất bại. Phải chi chú bạo dạn, học đòi tình yêu lãng mạn hoặc tấn công trực diện vào đối thủ, chú đã chẳng thất bại chua cay. Sách lược chinh phục người đẹp của chú áp dụng lại quá xưa cũ, lỗi thời, vì luôn luôn đi vòng ngoài, qua trung gian cha mẹ của người đẹp, chưa tạo được những kỷ niệm ngọt ngào, xót xa của tình yêu, nên chú đã không thành công. Thành quả, nếu có, chẳng qua chỉ đóng khung trong chữ “kính” lạnh lẽo, xa lạ, mà không là chữ “yêu” ấm áp, dịu ngọt. Ngay cả mối tình của chú với một người đẹp tại khu cư xá công chức bên tòa tỉnh Đà Lạt, do người thân của chúng tôi giới thiệu, chú cũng để vuột bay. Cô nữ sinh xinh xắn, dong dỏng cao, sóng bước với chú bên bờ hồ Xuân Hương lạnh buốt, trông thật xứng đôi, vừa lứa. Tôi đã thật vất vả, bao lần lựa hoa, thay chú trao tặng hoa cho người đẹp, mà rồi trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Cuối cùng, chú cũng tìm được bến đậu. Cô học trò Trần thị Nhơn năm nào của trường Lê Lợi đã trở thành bà thím thân yêu của tôi. Hơn một năm sau, chú được Bộ Giáo Dục thăng thưởng, lên tới chức Thanh Tra Trung Học, nhiệm sở ngay tại thủ đô Sài Gòn. Sự ra đi của chú, làm toàn thể học sinh buồn ngơ ngẩn, cũng như phụ huynh học sinh luyến tiếc. Thời gian chú phục vụ tại quận lỵ nhỏ bé này cũng kéo dài gần chín năm. Một thời gian khá lâu so với các hiệu trưởng khác.
Về thủ đô Saigòn, chú phải làm quen với môi trường mới. Nơi đây, đầy bon chen, ganh đua, cũng như có rất nhiều cơ hội thăng tiến, làm giầu, chứ không còn hiền hòa, êm ả, thắm đượm đầy thương yêu, tình người như ở Di Linh. Chú thím thuê một căn nhà thuộc quận Năm Sài Gòn. Ngoài công việc làm ở Nha Thanh Tra, chú còn thêm giờ dạy môn triết tại một vài trường tư thục ở thủ đô. Riêng thím, nhờ người thân giúp đỡ, đã có vốn, mở một sạp bán quần áo tại chợ An Đông. Với tài nhanh nhẹn, tháo vát, công việc kinh doanh của thím rất phát triển, khách hàng vào ra sạp hàng của thím khá đông đảo. Chú thím đã có cơ hội dành dụm được một số vốn khá lớn, chuẩn bị mua nhà riêng cho mình. Một tin vui, tạo thêm sinh khí cho gia đình chú thím. Em trai Kinh Kha ra đời, bụ bẫm, trắng trẻo, thật dễ thương, gắn bó thêm tình yêu keo sơn gia đình chú thím. Nhưng lại tạo ra nan giải, vì cả hai chú thím đều phải bươn trải ngoài đời, không người chăm sóc em bé. Em gái thím, đành từ giã Di Linh, về Sài Gòn trông nom, săn sóc bé Kinh Kha. Sẵn đà, hai năm sau, thím lại hạ sinh thêm em bé nữa. Nhưng rủi ro thay, lần này, vừa mới lọt lòng mẹ, em bé đã lìa cõi thế. Chúng tôi, cùng cả gia đình chú thím sụt sùi, gạt lệ, tiễn đưa em bé trong chiếc quan tài nhỏ xíu, chỉ bằng hai chiếc hộp đựng giầy, chôn sâu trong lòng đất nghĩa trang lạnh lẽo.
Sau vài năm xa cách trường Lê Lợi, chú Bình, lại có dịp trở về ngôi trường thân yêu vào khoảng đầu năm 1975. Lần này, chú trở về trường, không phải vì nhớ thương ngôi trường cũ hay ôn lại những kỷ niệm ngọt bùi của một giáo chức, mà là đóng vai một quan tòa. Nghe đâu, có vụ lộn xộn, kiện cáo giữa một số giáo sư với ông hiệu trưởng hiện thời là thầy Võ văn Điểm. Chú đại diện Ban Thanh Tra Bộ Giáo Dục, về trường để điều tra, xem xét thực hư như thế nào. Nhân dịp này, chú cháu tôi lại có cơ hội gặp nhau tại Di Linh và chú tạm nghỉ nơi nhà chúng tôi. Sở dĩ chú cháu tôi được hội ngộ, vì sau thời gian phục vụ trong quân đội, với chức vụ sĩ quan văn hóa tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, tôi được biệt phái về dậy học tại trường Lê Lợi Di Linh năm 1972. Chuyện không hay xảy ra nơi ngôi trường cũ thân yêu, như một vết thương xé nát tâm can chú. Chú phải cắn răng điều tra, hỏi han hết người này tới người kia, từ thầy giáo cho tới phụ huynh, nhân viên…Cả gần tuần lễ, đóng vai một thanh tra lạnh lùng, đáng ghét cho đúng vai trò, bổn phận của mình, chú đã âm thầm rơi lệ, buồn thay cho một vùng đất hiền hòa, mênh mông tình thương, tình người. Giờ đây, nơi này, quận lỵ nhỏ bé Di Linh lại dậy sóng, như bất cứ vùng đất bon chen, cấu xé lẫn nhau của một xã hội ích kỷ, tham lam…
Chuyện lộn xộn nơi quận lỵ bé nhỏ còn trong vòng điều tra, chưa giải quyết, tình hình đất nước lại thật sôi sục. Cộng quân chiếm đánh Ban Mê Thuột, rồi dần dà vài tháng sau, chiếm hết miền Nam trù phú, thân yêu. Gia đình chú thím Bình, dắt nhau bồng bế ra sông Bạch Đằng, leo đại lên được một chiếc tầu lớn, vượt sông Lòng Tảo ra Vũng Tầu, vượt khơi, tới hải phận quốc tế. Nơi đây, các tầu chiến Mỹ và một số tầu buôn lớn đang thả neo, chờ vớt người Việt tị nạn Cộng Sản. May mắn thay, cả gia đình chú leo lên được chiếc tầu lớn Đại Dương, vượt biển cả mênh mông, đưa cả gia đình chú cùng hàng ngàn dân Việt tới đảo Guam Phi Luật Tân lánh nạn. Một thời gian sau, gia đình chú được định cư ở Mỹ, thuộc tiểu bang New Jersey. Nghỉ ngơi vài tháng, chú xin vào làm nhân viên lao công cho một trường trung học, với số lương thật khiêm nhường. Hơn một năm sau, thím sinh hạ em gái Melinda. Nhưng việc sinh đẻ của thím rất khó khăn, vì bác sĩ khám phá ra thím bị bệnh tiểu đường khá nặng. Và cũng chính vì bệnh ấy mà thím đã mất đi em bé hồi còn ở Việt Nam, khi vừa mới lọt lòng mẹ, mà thím đâu có hay. Bác sĩ cũng khuyến cáo thím nên cắt bỏ buồng trứng, tránh chuyện mang thai, dễ gây nguy hiểm cho tính mạng khi sanh đẻ. Không vui vẻ gì trước định mệnh khắt khe, vì không còn đường sinh sản, nhưng cả hai chú thím đành chịu.
Nhận được tin chúng tôi, cùng một số thầy như Nguyễn đăng Quý, Phạm bá Đức, Nguyễn văn Khoáng đều tụ tập nơi vùng nắng ấm California, chú rất vui mừng. Hơn nữa, tất cả các thầy đang tung tăng sống lại thời sinh viên, cắp sách tới trường California State University Long Beach. Tin tức sốt dẻo ấy của các bạn cũ, như khích động thêm cho chú thím, sớm rời bỏ vùng đất lạnh buốt bé nhỏ, không bạn bè, để xuôi về miền Nam California, hầu gặp được người thân quen, cùng cố gắng tạo dựng một tương lai mới. Về tới miền Nam California nắng ấm, chú học nghề chuyên viên( technician) điện. Sau sáu tháng học nghề, chú được nhận vào làm tại hãng Rockwell. Thím cũng được nhận vào hãng này, với nghề chạy máy (Operator). Chú thím thuê căn apartment hai phòng ngủ tại thị xã Costa Mesa để đi làm cho gần. Hơn hai năm chí thú đi cầy, chú thím đã để dành được một số vốn, đủ để đặt cọc, mua một căn nhà ba phòng ngủ, vùng Santa Ana. Trong thời gian này, chú là người đầu tiên khởi xướng, vận động thành lập hội đồng hương Di Linh tại hải ngoại. Mùa hè năm sau, hội đồng hương Di Linh được thành lập với sự tham gia khá đông đảo của bà con Di Linh cùng một số thầy cô.
Riêng với thím, vì làm việc vào ca đêm, nên ban ngày, thím học thêm ngành chụp ảnh. Trời ban cho thím có óc nghệ thuật siêu việt, nên chỉ gần một năm theo ngành nhiếp ảnh, thím đã có những bức ảnh nghệ thuật nổi danh, tuyệt vời, nhất là những bức ảnh về chân dung. Hai năm sau, nhờ tiếng tăm của mình, thím đã mở một studio chụp ảnh trên đường Bolsa. Biệt hiệu Vy Vy Trần của thím, trên những bức ảnh nghệ thuật, được một số nhiếp ảnh gia nổi tiếng khen ngợi, luôn luôn nhắc nhở tới. Thím còn hăng say, truyền bá nghệ thuật nhiếp ảnh, bằng cách mở những lớp chụp ảnh tại studio của mình, kèm theo những buổi săn ảnh ngoài trời. Sau đó, thím lại thành lập hội nhiếp ảnh Việt Nam tại hải ngoại. Phong trào chụp ảnh của người Việt tại quận Cam, do thím khơi động, trào dâng, bùng phát thật mãnh liệt, lôi kéo cả hàng trăm người tham gia. Thập niên chín mươi và hai ngàn, khu Little Saigòn phát triển mạnh, mọi dịch vụ liên quan tới người Việt nở rộ. Với danh tiếng sẵn có, studio chụp hình của thím luôn luôn bận rộn, nhất là chụp hình đám cưới. Cô dâu, chú rể nào cũng mong muốn, được đôi mắt phù thủy của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Vy Vy Trần, ghi lại những bức ảnh tân hôn xinh đẹp, để đời…Hơn hai chục năm cần cù làm việc, chú thím đã khôn ngoan đầu tư vào địa ốc. Số nhà chú thím tậu được cũng lên tới năm căn nhà. Chưa kể căn nhà chú thím xây dựng ở Di Linh, cách xa quận khoảng bẩy, tám cây số. Từ năm hai ngàn, ngành điện tử đi xuống, các hãng vùng Irvine cho nhân viên nghỉ việc rất nhiều. Chú xui xẻo, bị cho về vườn. Nhưng không sao, thím vẫn làm ở hãng Rockwell, bảo đảm có nơi mua bảo hiểm sức khỏe cho toàn gia đình. Hơn nữa công việc chụp hình của thím rất bận rộn, nên chú có thể giúp thím trông coi tiệm, cùng phụ thím làm rất nhiều công việc mà thím cần. Vì quá chú tâm, dồn hết thời gian vào việc kiếm tiền, đầu tư địa ốc, chú thím đã sao lãng tới con cái. Về tới nhà, thím chỉ còn vài tiếng đồng hồ, lăn ra ngủ, cho đủ sức kiếm tiền vào ngày mai. Ngay cả những ngày lễ lớn, như Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, tết Dương Lịch, tết Âm Lịch..., thím cũng chẳng rảnh phút nào để chơi đùa, chia sẻ với con cái. Về phần chú, từ ngày mất việc, chỉ còn là cái bóng mờ trong gia đình, bị thím sai đâu đánh đó. Chú còn đâu thú vui uống cà phê đắng, cười đùa tiếu lâm với bạn bè, cùng phì phào điếu thuốc thơm, thả hồn mơ mộng theo hơi khói thuốc bay bổng, hình tròn vo, nối đuôi nhau, tan dần theo gió. May mắn lắm, mỗi năm, chỉ có một lần, chú mới được gặp thân hữu Di Linh tâm sự, cười đùa thoải mái…Chính chú, khi gặp tôi, thường mỉa mai, nói đùa:” Người ngoài chỉ biết tới thím Vy Vy Trần, chứ đâu ai biết tới chú họ Bùi này nữa. Chắc chú phải đổi họ Trần, cho mình thơm lây.” Câu nói mỉa mai, đùa cợt ấy của chú, làm tôi cay đắng, ngậm ngùi. Và cũng vì mê man kiếm tiền, nên chú thím đã tình cờ bỏ rơi con cái. Con trai lớn là Kinh Kha, đã bỏ trường, khi đang học lớp mười hai. Còn em gái Melinda, khá hơn, vẫn tiếp tục học ở trường college, nhưng không biết học được tới đâu. Tuy vậy, con gái bao giờ cũng nặng tình cảm, nên Melinda, thèm được sự săn sóc, an ủi của mẹ. Chính Hứa thị Đào, người bạn thân cận nhất của thím đã từng tâm sự với chúng tôi rằng, em Melinda trong một dịp Noel, đã mong muốn mẹ của em ở nhà ít thời gian để mừng Chúa Giáng Sinh chung với em. Nhưng thím đã trả lời lạnh lùng, thẳng thừng:” cho em nó ít tiền là xong, bày vẽ chúc mừng, bóc quà này nọ, chỉ bày đặt. Mình chả có rảnh thời giờ với nó đâu”. Thím đâu biết rằng con gái mình rất cần tình thương, vuốt ve, chứ không phải chỉ vòi tiền bạc cha mẹ. Chính thái độ đối xử tàn nhẫn ấy của thím đã đẩy con cái rời xa thím, xa gia đình. Lạc lõng, cô đơn trong gia đình, dĩ nhiên, con cái phải đi tìm chia sẻ, cảm thông, thương yêu, hơi ấm ở một nơi khác.
Đàng sau hào hoang chói lọi của sự nghiệp và tiền bạc, là bóng tối ghê rợn của bệnh tật đang âm ỉ, nhưng đục khoét thật mãnh liệt tới cơ thể của cả chú lẫn thím. Chú mắc bệnh đau gan khá trầm trọng. Căn bệnh tiểu đường của thím, nhen nhúm từ hồi ở Việt Nam, dù được điều trị ở Mỹ, vẫn không chút thuyên giảm, mà ngày càng nặng hơn. Nhiều lần tới studio thăm chú thím, tôi thấy cả hai người đều dùng thuốc Bắc, không dùng thuốc tây. Tôi không biết, chú thím đã suy nghĩ gì, mà lại tin tưởng tuyệt đối vào dược thảo. Kết quả phũ phàng là năm 2004, chú ngả bệnh nặng. Vào nhà thương cấp cứu, may mắn thay, chú đã hồi phục. Vài tháng sau, chú đã tham dự được cuộc họp mặt của hội đồng hương Di Linh, tại phòng hội của nhà thờ Tin Lành đường Bolsa. Trên gương mặt còn lộ vẻ xanh xao, chú đã nửa đùa, nửa thật:”tôi tưởng đã về với Chúa, không ngờ giờ này còn gặp được các thân hữu Di Linh”. Ai cũng nghĩ rắng chú đã tai qua, nạn khỏi. Nào hay, kỳ họp hội đồng hương Di Linh năm ấy là lần hội ngộ cuối cùng của chú. Chú đã về thăm quê hương, ngụ tại căn nhà lý tưởng của chú tại Di Linh. Với hy vọng được an hưởng tuổi già nơi vùng đất đầy kỷ niêm êm đềm, gặp gỡ, hàn huyên với học trò cũ, nhưng chú đã ngả bệnh nặng. Nhân dịp này, các học trò cũ đã thay phiên nhau săn sóc thuốc thang, đút cháo cho chú, như đền ơn dạy dỗ, thương yêu năm nào của thầy mình…Với hơi thở mệt nhọc, nhưng nét mặt thật tỉnh táo và lộ vẻ đầy hân hoan, chú đã đưa cả hai bàn tay gầy gò của mình cho các học trò nắm lấy. Chú thì thào, tâm sự:
-Thầy cám ơn các em, đã bỏ công săn sóc thầy thật chu đáo. Chính các em đã biến giấc mơ của thầy thành sự thật. Đó là thầy sẽ được yên nghỉ vĩnh viễn trong lòng đất thân thương Di Linh, cũng như sẽ được về với thượng đế trong vòng tay đầy yêu thương và trìu mến của các học trò mình. Thầy thật quá sung sướng, hạnh phúc, ít ai ở hải ngoại có thể hưởng được diễm phúc ấy.
Nghe lời tâm sự của chú, tất cả các học trò hiện diện đều ứa nước mắt, ôm chầm lấy chú mếu máo, thương thay cho vị thầy khả ái, sẽ sớm rời bỏ họ ra đi.
Trong cơn hấp hối, chú mong muốn được nhìn lại cậu con trai lần chót, nhưng cậu ấy vẫn vắng bóng, cùng la rầy người nhà đi tìm:”đừng làm phiền”. Ôi, thật đau lòng và mỉa mai cho con cái ở xứ sở văn minh Hoa Kỳ. Một tuần sau, chú rời bỏ trần thế, trong sự nuối tiếc, khóc thương của người thân quen. Hàng hàng, lớp lớp học trò cũ nối đuôi nhau, sụt sùi, gạt lệ, tiễn đưa vị thầy khả kính, đáng yêu của họ, về yên nghỉ trong lòng đất quê hương, nằm ngay trong khu đồi trúc phía sau nhà thầy.
Định mệnh thật khắt khe, đã cướp đi người chồng, người cha của một gia đình hiền lành, cần cù làm việc. Hơn một năm sau, tới lượt thím cũng bị cơn đau tim hành hạ, mất hết trí nhớ, không còn biết gì, được săn sóc nơi nhà thương đường Washington, thị xã Santa Ana. Thật đớn đau thay, dù còn sống, mà coi như thím đã trở thành người vô tri. Như chưa thỏa mãn cơn thịnh nộ, thượng đế còn giáng thêm một đòn sấm sét ghê gớm nữa là cướp đi em Kinh Kha, con trai lớn của chú thím vào năm 2012, khi vừa tròn lứa tuổi bốn mươi. Cuối cùng, gia đình hiền hòa của chú thím đã sụp đổ, mất gần hết, chỉ còn lại cô con gái út Melinda mà thôi.
Tôi mơ mơ, màng màng, thấp thoáng thấy hình bóng trắng như bông của chú mờ nhạt, đứng trên ngọn trúc, vẫy tay chào tôi. Tôi chập choạng phóng tới gần chú, hai tay chới với về phía trước, miệng la bai bải:
-Chú, chú…, đợi cháu với chú ơi! “
Tôi giật mình thức giấc, toát mồ hôi lạnh, khi có người lay vai tôi, hỏi han thân thiết:
-Thầy, thầy có sao không? Tụi em thấy thầy la hét vang trời, nên ùa nhau kéo tới hỏi thăm thầy.
-Cám ơn các em, tôi không sao. Nghĩ ngợi nhiều quá tới gia đình thầy Bình, nên tôi đã chìm trong giấc mộng kinh hoàng mà thôi.
Rời khỏi Di Linh, tôi thẫn thờ, chán nản, cảm thương cho số phận bạc phước, ngắn ngủi, tan nát của gia đình chú thím Bình hay cho chính thân phận bọt bèo, cát bụi của con người…
Bùi đình Phùng
California 2013