MÙA THU LẠI VỀ
Theo lịch thì ngày 21 tháng 9 là ngày bắt đầu cho mùa thu gọi là thu phân. Thời tiết sang thu sẽ trở nên dễ chịu hơn, lá trên cây sắp sửa lìa cành sau mấy tháng hè gay gắt bám trụ trên cây hứng nắng và phải chịu đựng với cái nóng khắc nghiệt ở vài nơi như tiểu bang trung nam Hoa Kỳ này. Đó là tiểu bang Texas. Tại Hoa Kỳ và Canada có những nơi rừng lá đổi màu vào mùa thu, nghe kể rằng đẹp vô cùng, đặc biệt là ở các tiểu bang thuộc vùng đông bắc hoặc tây bắc nước Mỹ. Cũng ao ước đến đó xem lá đổi màu một lần cho biết với thiên hạ nhưng lần lữa mãi chưa có dịp đi cho đúng mùa. Có vài lần sang miền đông nhưng lại sái mùa lá thay màu. Trở lại với Texas, tại thành phố Houston này, tuy đã qua ngày thu phân nhưng thời tiết vẫn đứng yên tại chỗ, nghĩa là vẫn nóng và vẫn nắng. Ai đã từng đến Houston vào dịp hè chắc chắc đã cảm nhận được được cái nóng cái nắng ở đây. Mãi cho đến trung tuần tháng 10 thời tiết mới có phần giảm xuống một tí khiến cư dân Houston thở phào nhẹ nhõm vì sẽ hưởng được không khí mát dịu của mùa thu.
Mùa Thu Đầu Tiên. Tôi không biết phải viết gì để nói về mùa thu ở Houston mặc dầu đã ở tại thành phố này được hơn hai mươi năm kể từ ngày qua Mỹ đến giờ. Nhớ cái ngày vừa đặt chân đến Houston vào lúc nửa đêm hạ tuần tháng mười. Từ trên máy bay nhìn xuống, thấy choáng ngợp bởi một biển ánh sáng vạn hoa lung linh bên dưới cánh máy bay chẳng khác nào nhìn xuống một rổ kim cương sáng rực lóng lánh đủ màu. Bắt đầu với cuộc sống mới với hai bàn tay trắng ngơ ngác nơi xứ người khiến lòng chao đảo với bao nhiêu chuyện phải khởi đầu nên chẳng có thì giờ nghĩ đến mùa thu hay mùa đông gì cả. Cho đến khi thấy những quảng cáo cho ngày Lễ Tạ Ơn khắp nơi thì mới chợt hiểu rằng mình đã trải qua những ngày của mùa thu và đang là những ngày mùa đông lạnh như cắt. Một buổi tối cả nhà gồm vợ chồng con cái kéo nhau cuốc bộ đến chợ Kroger gần nhà để mua một chú gà tây và vài thứ rau quả gia vị nấu món ăn cho ngày Lễ Tạ Ơn, nấu theo kiểu Việt Nam. Gió quất vào người lạnh buốt, hai cái tai cứng như đá, hai hàm răng đánh bò cạp, miệng thở ra khói. Trên đường về, vợ chồng con cái nắm tay nhau mà chạy. Càng chạy cái lạnh nó càng đuổi theo cho đến khi lên khỏi cầu thang của dãy chung cư và vội vã mở cửa chui vào bên trong. Khi bắt gặp cái lạnh mùa đông thì mới biết mùa thu trên đất Mỹ đã biến đâu mất mà mình không hay biết.
Rừng Thu Thay Lá. Những năm sau dần dà quen với đời sống ở đây thì tôi mới bắt đầu nhận ra rằng nơi đây cũng có bốn mùa. Mùa xuân được báo hiệu bởi những mầm nụ non bám đầy trên các thân cây thân hoa. Mọi người lại bận rộn với việc mua các loại hoa về trồng ở sân trước sân sau. Thời tiết dễ chịu. Mùa hè bắt đầu vào cuối tháng sáu nhưng phải qua đến tháng bảy mới biết được thế nào là cái nóng của xứ cao bồi. Điều dễ nhận ra được về thời tiết ở đây là “mùa hè quá nóng và mùa đông quá lạnh”. Cứ vài ba năm lại có một mùa đông đổ tuyết vài ngày khiến cho những bông hoa cây trái chết cóng và không bao giờ xanh trở lại khi mùa xuân sang. Thỉnh thoảng cũng có tuyết rơi như là món quà hiếm quý của trời ban phát cho người dân xứ nóng. Còn mùa thu thì sao? Ở Texas nói chung và Houston nói riêng, cây lá trong mùa hè thường hay bị những cơn nắng hạn đốt cho đến chết cháy, cây khô mà lá cũng khô. Đến khi mùa thu sang thì lá khô trên cành lả tả rơi xuống làm bẩn công viên, bẩn cả sân nhà trước sau. Ở đây không bao giờ thấy có cái vụ lá thay màu đổi sắc như những tiểu bang đông bắc hoặc tây bắc Hoa Kỳ, ở Canada nghe nói mùa lá đổi màu cũng đẹp lắm. Thôi thì đành nói đến vài chuyện nghe được về lá mùa thu kẻo vài hôm nữa mùa đông lại kéo về…
Năm nào vào đầu mùa thu, bên Canada cũng có một cặp THĐ-BTX gọi hỏi: Năm nay anh chị có qua Canada coi lá đổi màu không? Đẹp lắm! Qua đây tụi em đưa đi coi… Câu trả lời nhiều lần vẫn là: Chưa được đâu! Tháng đó bận rồi…tuần đó bận rồi… Cứ thế…thời gian lặng lẽ trôi qua, nghe nói về lá rơi lá rụng lá đổi màu và trong trí vẫn thấy một rừng lá với các màu xanh đỏ tím vàng nâu lục chập chùng chồng chất lên nhau như những tấm thảm của thiên nhiên. Lá rơi vàng trên các con đường quanh co mòn lối. Rừng lá soi rọi đủ màu lên những giòng sông con suối, bãi bờ…rồi đàn nai ngơ ngác thơ thẩn trong rừng thu…cứ như là trong thơ Lưu Trọng Lư ngày nào. Hai vợ chồng Lê Hành và Kiều Túy Đa bên Canada năm nay không thèm gọi mời nữa mà chỉ gọi khoe…tụi em tuần tới sẽ đi chụp hình lá thay màu…đẹp lắm…
Bao
giờ ta được ngắm lá vàng
Ngắm trời mây nước lúc thu sang
Lắng nghe gió thoảng bên rừng vắng
Để thấy hồn mình nhớ miên man
Chuyện từ những người ở
Canada rủ rê là thế. Bây giờ thì chuyện gần quanh đây. Không phải là chuyện rủ
rê đi coi lá mà là báo tin và khoe đi coi lá. Số là thượng tuần tháng mười vừa qua, lúc thời
tiết có vài dấu hiệu báo cho biết là mùa thu sắp sang… thì vào một buổi sáng xấu
trời, có vài đám mây u ám trên cao và trong nhà thì có tiếng điện thoại reo…Alô…vị
nào đó? Ta đây! Ta là ai đó hỉ? Ta là ta chứ còn ai mà hỏi lôi thôi! Giọng nói
qua điện thoại nghe quen quen…Có chuyện gì xin nói cho nghe được không? Được chứ!
Báo cho ngươi biết là ta sắp đi xem lá thu thay màu ở miền đông bắc Hoa Kỳ đây…Lỗ
tai hơi lùng bùng…lại lá thu…lại thay màu đổi màu…Lại có kẻ chọc tức mình rồi
chứ chẳng chơi…Bao giờ đi hỉ?…Một tuần nữa…Coi lá ở đâu? Tận trên Boston lận…Hình
ảnh sắc thu màu lá lại hiện ra trước mắt…nhưng thôi…Chúc quý vị đi chơi đi coi
vui vẻ…khi nào về cho xem hình với nhá.
Thế đấy! Buồn năm phút. Đào Thị An với chồng là Đặng Đình Hiệp đã bay lên Boston để ráp với cặp Bùi Bích Liên - Nguyễn Đình Lộc. Ngoài ra còn có Phạm Hồng Hoa và Trần Thị Châu đã chờ sẵn trong các khu rừng ở Boston để rồi cùng nắm tay nhau dung dăng dung dẻ đi coi lá mùa thu. Tất cả quý vị nữ nhi trên đều xuất thân từ trường nữ trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Kẻ viết bài này không biết tả cảnh tả tình sao cho đúng nên chẳng dám nói gì thêm. Chỉ biết sau khi quý vị ấy đi coi lá về thì được nghe khen… đẹp…đẹp…đẹp…lắm…lắm…lắm…Nói giống như cà lăm để chọc tức quý vị ạ…Lại buồn thêm năm phút nữa…Điều đặc biệt hơn nữa là khi trở lại Houston, vợ chồng An Hiệp có rủ rê cặp Liên Lộc về Houston thăm bạn bè. Thế là vài cuộc vui nhỏ được bày ra.
Họp Mặt. Khi quý du khách đang nhở nha ngắm lá thu vàng xanh đỏ thì tại thành phố Houston cũng đã có bạn bè vốn cùng trường cùng quê ngày xửa ngày xưa lo chuẩn bị đón tiếp. Anh chị Nguyễn Đạm Thuyên - Nguyễn Thị Hường vốn ở rất gần nhà của kẻ này gọi điện thoại cho hay là ngày 22 tháng 10 hai cặp Liên Lộc và An Hiệp đáp xuống phi trường Houston và chiều hôm đó sẽ có một cuộc họp mặt bỏ túi tại nhà của anh chị để đón những người đi chơi về. Sướng thật! Ngoài hai vị gia chủ, hai cặp Liên Lộc An Hiệp còn có vợ chồng Nguyễn Vương Thái và vợ chồng Hoàng Kim Châu. Có thêm một người bạn “không quân” của anh Thuyên và anh Lộc là anh Thành cũng ở gần nhà anh Thuyên. Thức ăn do chị Hường nấu nướng với bia rượu đầy đủ. Ăn uống chuyện trò rôm rả suốt cả buổi. Đặc biệt ba chàng “không quân” một chàng “hải quân” và một chàng “thủy quân lục chiến” có dịp nhắc lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Việt Nam ngày xưa. Hết cuộc vui này đến cuộc vui khác. Ở Houston có gánh hát Củi Ngo được thành lập khi dự đại hội THĐ – BTX năm 2012 ở Nam California, sau được cải danh là Gia Đình Củi Ngo sinh hoạt cho đến nay, khi biết các bạn THĐ hoặc BTX ở xa đến thăm Houston thì liền rủ nhau họp mặt ăn uống ca hát vui chơi dù đông hay ít người. Sau ngày họp mặt tại nhà anh chị Nguyễn Đạm Thuyên, ngày kế tiếp gia đình Củi Ngo mời anh chị Lộc Liên đến dự bữa cơm thân mật tại nhà hàng Tây Đô với sự hiện diện của các anh chị Nguyễn Đạm Thuyên, một số thành viên của gia đình Củi Ngo: anh chị Trần Ngọc Toàn, anh chị Trương Văn Phước, anh chị Trần Văn Thái, anh chị Nguyễn Vương Thái, anh chị Đặng Đình Hiệp và anh chị Hoàng Kim Châu. Những mẩu chuyện đầy ắp kỷ niệm của thời học trò và những chuyện đời của những người đã bỏ lại đằng sau lưng quãng đường dài dĩ vãng của một thời Việt Nam chinh chiến, nay tạm dung trên xứ người mà mỗi lần gặp nhau thì hình như đang ngồi trên những chiếc nghế đá giữa lòng vườn Bích Câu ngắm hoa cỏ đang chìm dắm trong cõi sương mù, hoặc đang thơ thẩn quanh hồ nghe gió vi vi trên Đồi Cù. Những bước chân cứ lần theo mãi những con đưòng quanh co lên xuống đến tận hang củng ngõ hẽm của kỷ niệm êm đềm. Tình bạn tình đồng hương được trân quý qua từng lời nói, qua từng mẩu chuyện của ngày nào…thật khó quên.
Anh chị Lộc Liên cùng
ba cặp Hiệp An, Thái Thảo, Thuyên Hường sau đó đã lái xe chạy sang Lake Charles
thuộc lãnh thổ của Louisiana để kiếm mớ tiền đem về Texas để đãi bạn hiền.
Nhưng cuối cùng nghe kể rằng…vốn ra đi không bao giờ trở lại…Vì vậy cho nên anh
chị Hoàng Kim Châu nấu một nồi phở tái – đuôi - bò đặc biệt để đãi những người
đã có công góp vốn cho casino ở Lake Charles vốn bị cơn bão Katrina quét sạch
vào năm 2005. Cũng cần nhắc thêm một chuyện nữa xảy ra quanh bối cảnh vừa kể
trên. Số là hôm 16 tháng 10, kẻ viết bài này nhận một cú điện thoại. Thấy số điện
thoại lạ nên hỏi quý danh của người gọi. Thì ra chị Diệm Quỳnh ở San Antonio.
Chị có nhã ý mời vợ chồng kẻ này cùng với vợ chồng anh chị Lộc Liên, An Hiệp,
Thuyên Hường đến nhà chị chơi vài ở San Antonio sau khi anh chị Lộc Liên và An
Hiệp từ Boston trở về Houston. Ngày đi San Antonio dự định là ngày 27 tháng 10.
Từ Houston đi San Antonio lái xe hơn ba tiếng. Ngày 26 nhận điện thoại của chị
An cho biết hủy bỏ chuyến đi. Lý do: vợ chồng chị Diệm Quỳnh đi du lịch bên Phi
Châu, trong lúc đang đi bộ xuống một con dốc thì bị một người cưởi xe đạp tông
vào chị Diệm Quỳnh khiến chị bị gãy xương sườn. Chúng tôi có gọi điện thoại
thăm hỏi và được biết chị đang phục hồi sức khỏe. Trước khi trở về San José,
anh chị Lộc Liên đã đi thăm chị Diệm Quỳnh cùng với anh chị Thuyên Hường.
Hai Bài Thơ Mùa Thu . Lúc thi đậu vào năm thứ nhất trung học, tôi học tại trường trung học Quang Trung. Trường có cả nam sinh và lẫn nữ sinh. Chúng tôi bắt đầu học từng môn học với nhiều giáo sư dạy các môn học khác nhau. Môn Việt văn, tính từ năm đệ thất cho đến năm đệ nhị - năm đệ nhất không còn học Việt văn mà học triết, chúng tôi đã học với các vị giáo sư sau: những năm đệ nhất cấp học với các giáo sư Phạm Văn Đồng, Đỗ Xuân Hài và Đặng Vũ Hoãn. Những năm đệ nhị cấp học với các giáo sư Phan Văn Kha và Nguyễn Vĩnh Lạc.Tôi rất mê môn Việt văn và thường chăm chú nghe các giáo sư giảng bài. Mỗi giáo sư một lối giảng, một lối bình luận khác nhau. Thời gian ở đệ nhất cấp chúng tôi thường phải học thuộc lòng nhiều văn xuôi và văn vần (thơ) để đến giờ giáo sư gọi lên bảng trả bài. Tôi là một trong những học sinh chưa bao giờ “không thuộc bài”. Trong những giờ Việt văn, tôi vẫn thích các vị giáo sư bình giảng về các bài thơ tả mùa thu. Tôi không bao giờ quên được hai bài thơ ngắn nói về mùa thu đã được học và thích từ thuở đó. Bài thứ nhất là bài “Gió thu” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu …Trận gió thu phong rụng lá vàng. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Vàng bay mấy lá năm già nửa. Hờ hững ai xuôi thiếp phụ chàng. Trận gió thu phong rụng lá hồng. Lá bay tường bắc lá sang đông. Hồng bay mấy lá năm hồ hết. Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không. Bài thơ thứ hai là bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư cũng vượt thời gian, như một bức tranh thủy mạc mờ mờ ảo ảo…Em không nghe mùa thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực. Hình ảnh kẻ chinh phu. Trong lòng người cô phụ. Em không nghe mùa thu. Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô. Rất nhiều bài thơ viết về mùa thu mà tôi đã đọc và đã nghe. Những năm sống ở Mỹ, khi mùa thu đến, tôi vẫn thường nghe nhiều người nhắc đến mấy câu thơ…Trận gió thu sang rụng lá vàng. Lá bay hàng xóm lá bay sang hoặc…Em không nghe mùa thu. Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô… Cho đến bây giờ, giáo sư dạy Việt văn Phan Văn Kha vẫn là một trong những giáo sư tôi hâm mộ nhất vì dáng vẻ rất thư sinh của thầy cùng với phương pháp giảng bài hấp dẫn, thầy luôn có nụ cười rất tươi trong lúc kể những mẩu chuyện văn học thật dí dỏm…
Chuyện
Buồn Mùa Thu. Khi tôi viết bài này thì bóng dáng mùa
thu chưa hiện rõ nơi thành phố tôi ở. Vì bận nhiều công việc trong nhà ngoài
ngõ nên hôm nay ngồi gõ tiếp thì thấy mùa thu đã về tự lúc nào. Có gió lành lạnh,
có mưa lất phất và cũng có lá vàng rơi. Trước nhà tôi cũng có lá rơi đầy trên lối
đi nhỏ tuy không đẹp về màu sắc cũng như hình dáng như những cánh lá phong bên
miền đông bắc Hoa Kỳ. Những năm trước hễ cứ thấy lá rơi thì vài ba hôm tôi lại
lấy chổi quét gom bỏ vào thùng rác. Năm nay không thế, tôi cứ để cho lá rơi nhiều
trên lối đi và trên sân cỏ rồi thỉnh thoảng đến bên cửa sổ nhìn những đám lá
cũng có từ màu vàng đến màu nâu màu đỏ để tự an ủi mình là cũng được ngắm lá
mùa thu…
Vào giữa mùa thu này, trung tuần tháng mười nghe tin người anh của một một người bạn từ thuở trung học đã vĩnh viễn ra đi - anh Lê Công Vui, THĐ 1962, bào huynh của anh Lê Công Mừng. Vào tuổi thất thập, có những cuộc ra đi bất chợt, đi mà không bao giờ trở lại. Bỏ người thân, bỏ cả bạn bè. Chúc anh Vui hưởng cuộc đời bình yên mãi mãi, không lo toan, không buồn vui trần thế. Chưa hết. Đầu tháng 11 lại bất chợt nghe tin một người bạn thân từ thuở đệ thất Quang Trung, anh Nguyễn Hữu Nhu, một trong “tứ quái” của lớp chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn. Khi nghe tin Nguyễn Hữu Nhu mất, chúng tôi báo cho nhau hay là: “thằng Nhu Cai đã chết…”. Chúng tôi rất trân trọng cái nickname “Nhu Cai” với lòng thương mến vô cùng. Chúng tôi không thể gọi bằng một cái tên khác. Chúng tôi tin chắc, ở bên kia thế giới, bạn Nhu của chúng tôi sẽ mỉm cười khi nghe bạn bè gọi đúng tên mình. Nhu Cai, bạn hãy an nghỉ bình yên trong vòng tay thương yêu của Chúa. Bạn bè nhớ và yêu thương bạn lắm!
Củi Ngo Và Mùa Thu. Lần họp mặt hôm 17 tháng 11 của Gia Đình Củi Ngo có chủ đề “Mùa Thu”. Đây là lần họp mặt thứ tư kể từ khi thành lập hôm 9 tháng 3 – 2013. Vắng mặt hai cặp Hưng - Cúc và Phước - Hiệp nhưng hai chục người vẫn vui, vẫn đầy đủ các tiết mục. Đặc biệt phần văn nghệ, mọi người đều hát những bài về mùa thu như Hoài Thu, Mùa Thu Chết, Mùa Thu Không Trở Lại, Thu Sầu, Lá Đổ Muôn Chiều, Thu Hát Cho Người…qua cát giọng ca của các anh chị Trần Ngọc Toàn, Lê Thị Cẩm, Đặng Đình Hiệp, Huỳnh Văn Hiếu, Nguyễn Vương Thái, Ngô Ánh Minh, Nguyễn Thanh An…Giọng ca đặc biệt của anh Nguyễn Trí qua những bài ca cổ Miền Bắc khíến người nghe không chán. Lần này Nguyễn Thanh An và Nguyễn Mậu Lộc hướng dẫn các trò chơi vui khiến anh chị em cười nghiêng cười ngả. Vì lấy chủ đề mùa thu nên không thể thiếu phần THƠ. Bài “Nhớ Thu Đà Lạt” sáng tác của anh Trần Ngọc Toàn được anh Nguyễn Trí họa lại rất dí dỏm. Phần diễn ngâm do Hoàng Kim Châu phụ trách… “…Em choàng áo lạnh màu xanh. Nắng vàng tỏa nhẹ trên cành hoa mai. Hồ thu lặng tiếng thở dài. Sân Cù tha thướt áo ai bềnh bồng…TNT). Ngoài ra, Hoàng Kim Châu còn ngâm bài “Gió Thu” của Tản Đà và “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư. Đặc biệt bài thơ có tựa đề “Kỷ Niệm” của Cụ Phan Văn Dật là thân phụ của giáo sư Phan Văn Kha được anh Châu sưu tầm và ngâm cho anh chị em thưởng thức. Anh Châu nhắc lại việc giáo sư Phan Văn Kha kể về tủ sách của thân phụ mà giáo sư muốn đọc cũng phải làm phiếu để mượn. Được biết chị Đào Thị An cũng đã từng là học trò của giáo sư Phan Văn Kha. Thầy hiện đang sống tại quận ba Sài Gòn. Nhớ những năm sau tháng tư 75, tôi thường gặp thầy trong những lần họp các tổ dân phố và được biết hằng năm một số anh chị em cựu học sinh BTX-THĐ đều có gửi thư thăm Thầy... Sinh họat với anh chị em đã lâu nhưng dịp này mới biết Hoàng Kim Châu có giọng ngâm đã giấu bấy lâu nay. Thêm vào chương trình, Nguyễn Thị Thảo lần đầu tiên lên trước mặt mọi người để Đố Thơ. Hoan hô chị Thảo. Xin tiếp tục lần sau. Kế đến là mục bốc thăm nhận quà do các anh chị mang đến, coi như trao đổi quà cho nhau cũng tạo được niềm vui rất thân tình. Đặc biệt Hoàng Kim Châu tặng một món quà mà anh chị Thái Thảo là người may mắn trúng, đó là chiếc huy hiệu Đại Hội THĐ – BTX 2014 bằng kim loại. Chị Đào Thị An có tiết mục đấu giá bức ảnh ghép anh toàn bộ gia đình Củi Ngo trong những bộ trang phục Việt Nam. Anh chị Trần Văn Thái – Lê Thị Li đã trả giá cao để nhận bức ảnh đẹp này. Tiền đấu giá cho vào quỹ gia đình.
Phần nhì của chương trình là Mừng Sinh Nhật cho các anh chị Đào Trọng Hưng (tuổi con Dê – vắng mặt vì đi thăm mẹ ở San Francisco), Đào Thị An (tuổi con Dê), Hoàng Kim Châu (tuổi con Khỉ), Lê Thị Cẩm (tuổi con Mèo), Huỳnh Văn Hiếu (tuổi con Gà), Nguyễn Thanh An (tuổi con Cọp) và Nguyễn Quý Bính (tuổi con Heo). Ông Bầu Mười Châu điều hợp chương trình sinh hoạt Gia Đình Củi Ngo, đến màn Mừng Sinh Nhật lại càng sinh động và vui thêm. Hình các con giáp được cô em Ánh Minh tròng vào cổ sáu người và đội cho những chiếc nón rất lạ lẫm “không giống ai”. Bài hát Happy Birthday vang lên, những lời chúc mừng, tiếng nổ dòn từ chai rượu champagne và những miếng bánh ngọt ngào hương vị của tình bằng hữu đồng hương. Cuộc vui bắt đầu sau bữa ăn trưa như thường lệ, đến bảy giờ tối thì các trò chơi phải tạm ngưng để mọi người cùng nhau thưởng thức món phở đặc biệt do gia chủ Ánh Minh và Quý Bính khoản đãi. Những tô phở nóng thơm ngon đậm đà khó kiếm ở các quán phở trên đường Bellaire. Tiếp đến là phổ biến những tin tức nội bộ trong đó có mục “Gánh Hát” sẽ tập dượt lại hoạt cảnh lịch sử “Vang Lời Sông Núi” đã diễn ở Đại Hội BTX – THĐ tại California tháng 5 – 2012. Hoạt cảnh này sẽ được trình diễn tại Trại Họp Bạn Thế Giới Hướng Đạo Việt Nam tháng 6 – 2014 tại thành phố Houston do lời đề nghị của Hoàng Kim Châu nhằm mục đích: cho các em Hướng Đạo Sinh hiểu thêm một giai đoạn lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Anh chị em đều đồng tình và sẽ bắt đầu tập vào ngày 26 tháng 1 – 2014 cũng nhằm vào ngày 26 tháng chạp năm Quý Tỵ. Ngày này cũng là ngày họp mặt định kỳ của Gia Đình Củi Ngo tại nhà anh chị Trần Văn Thái – Lê Thị Li. Khi chia tay ra về vào lúc chín giờ đêm, bên ngoài đã nghe luồng gió lạnh từ hướng bắc thổi về. Những chiếc áo ấm mỏng đã được đem ra xử dụng.
Mùa Thu Đà Lạt. Mấy bữa nay nhiệt độ xuống thấp báo hiệu mùa Lễ Tạ Ơn sắp đến. Trên TV đã xuất hiện nhiều quảng cáo hàng hóa trong dịp mua sắm cho lễ lạc cuối năm. Cái lạnh khiến nhớ Đà Lạt đến ray rức. Gọi về Đà Lạt cho mấy người bạn, Đà Lạt cũng đang mưa đang lạnh. Được biết Đà Lạt vẫn buồn. Không phải cái buồn nên thơ của đất của trời, không phải cái buồn của cỏ cây hoa lá hồn nhiên thanh thản của sương mù giăng giăng núi biếc hay cái buồn của những giọt sương mai lãng đãng ven hồ…mà cái buồn dâng lên từ lòng người, những người của năm tháng cũ… xa xưa. Những mùa thu giờ chỉ là hoài niệm nhớ nhung. Những mùa thu cũ đã bị nhốt kín trong lòng. Những mùa thu mới mang mang buồn thảm…Những bạn bè của tôi chia sẻ mùa thu quê nhà là như thế… Cũng nhận được email của vài người bạn thăm hỏi rủ về thăm Đà Lạt. Không hứa hẹn gì. Có một email của một chị Bùi Thị Xuân, Nguyễn Cảnh Chi Minh, vợ của Mai Thái Lĩnh. Vợ chồng Lĩnh – Minh là bạn rất thân của chúng tôi mà riêng tôi và Lĩnh đã có với nhau không biết bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tháng cũ. Chi Minh cho biết… có thì giở rảnh rổi nên năm nay cầm cọ để vẽ. Chi Minh học vẽ với giáo sư Tôn Nữ Cẩm Quỳ từ những năm trung học và đã bốn mươi năm, những màu những cọ những giá vẽ tưởng chừng đã chìm sâu vào quên lãng. Giờ chợt nhớ và có chút thời gian nên cầm cọ chấm phá, đùa vui với những sắc màu. Qua email chúng tôi nhận được ba bức tranh vẻ bằng màu nước, ngày kế Chi Minh gửi thêm bức “Đồi Cù Đà Lạt” vẻ bằng màu Oil Pastel. Không đủ trình độ để bàn về hội họa nhưng khi xem “Đồi Cù Đà Lạt”, tôi có cảm tưởng mình đang đứng trên Đồi Cù vào một buổi sáng mùa thu có sương mù trắng xóa và từ phương đông, những tia nắng ấm đầu tiên rơi trên thảm cỏ xanh còn đọng sương mai. Một buổi mai hồng rực rỡ với xa xa là đỉnh của Langbian xanh biếc. Chi Minh nhắn: Nhìn tranh Đồi Cù” cho đỡ nhớ Đà Lạt. Cám ơn Chi Minh.
Phong Châu
Đồi Cù – Tranh của Nguyễn Cảnh Chi Minh
Colchique-NCCM Lan-NCCM Brisbane-NCCM