BỐ VÀ HÒN NON BỘ * Phạm Mai Hương

29 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 20846)
BỐ VÀ HÒN NON BỘ


hon-non-bo_2-large-contentĐỉnh Lâm Viên dưới trời xanh lồng lộng
Dáng hình ba che bóng mát đời con

Lúc nhỏ ông nội cho bố học chữ để đủ trí sống với đời. Nhưng rủi thay cho số phận của bố. Thời thế thay đổi, cuộc đời của bố cũng sang trang theo số phận của đất nước. Cuộc sống lao lực bắt đầu bám theo bố từ đấy và kéo dài một thời gian khá lâu, cả lúc trước khi bố mẹ có 2 chị em tôi. Để nuôi chị em tôi ăn học, bố phải làm nhiều nghề khác nhau. Buồn thay, công việc dành cho bố chẳng cần phải dùng đến chữ nghĩa, mà chỉ cần có sức khoẻ, và chỉ cần sức khoẻ mà thôi. Vì cuộc sống, vì gia đình nên bố nghiến răng mà làm việc. Làm việc mà cay đắng biết chắc rằng “mâm chiếu trên” thường không bao giờ dành cho người lao lực. Bởi thế lúc nào bố cũng mong muốn chị em tôi học hành giỏi giang và thành đạt bằng người.

Khi tôi lên lớp 9, bố có một nghề khác: chạy xe thồ. Đúng hơn đây là một công việc hơn là một nghề bởi bản thân nó thật đơn giản: chỉ cần sắm một chiếc xe gắn máy, dựng ở ngã tư đường, ai cần đi đâu, bố chở đến đó, tuỳ theo quãng đường dài ngắn mà tính tiền. Bố thường đợi khách ở bùng binh chợ. Bước đầu ra nghề, bố cũng gặp khó khăn, sau rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Bề ngoài bố khắc khổ, lại đứng tuổi. Bù lại tính bố rất cẩn thận, vui vẻ xởi lởi với mọi người…Đôi lúc nhường nhịn cả với đám thanh niên loi choi, hỗn hào. Nhưng hoá ra đó lại là ưu điểm đáng tin cậy đối với khách đi xe: ngồi sau lưng bố, khách thật sự an tâm hơn các bác tài thanh niên ham phóng nhanh, lạng lách giành khách. Thành ra bố có nhiều khách hơn ai hết.

Năm chị về Sài gòn học đại học, tôi vào cấp ba. Trường khá xa, đi học lại phải mặc áo dài, đi xe đạp bất tiện nên hàng ngày bố đưa đón tôi đi học. Đây là thời kỳ hạnh phúc nhất của tôi bên bố. Buổi sáng sương mù Dalat ướt đẫm áo bố và cả tóc tôi. Hôm nào trời mưa tôi lại núp dưới áo poncho, nép sau tấm lưng vững chãi của bố thật yên tâm và ấm áp làm sao. Trên đường đi, bố thường kể cho tôi nghe đủ mọi chuyện trên đời: từ thuở ấu thơ sống êm đềm bên ông bà nội và gia đình, đến ngày bố bỡ ngỡ mà lòng háo hức bước chân vào đời, rồi chuyện bạn bè cùng sống chết bên nhau trong cuộc chiến tranh, chuyện công việc của bố ngày xưa… Bố kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện như muốn quay về sống với những kỷ niệm xưa dù chỉ là ít phút thôi. Nhưng tôi biết mỗi câu chuyện kể ấy là một bài học mà bố dành cho tôi về đối nhân xử thế, về đạo đức tình cảm với mọi người…

Trường tôi học là trường chuyên của tỉnh, nơi hội tụ của các học sinh giỏi. Đa phần học sinh ở trường đều là gia đình khá giả giàu có, có chức có quyền. Mỗi trưa tới giờ tan học, bước ra cổng trường tôi chạnh lòng nhìn bóng bố với chiếc xe thồ khiêm tốn, lẻ loi bên cạnh giàn xe đắt tiền xung quanh. Từ đó nung nấu trong tôi một niềm khát khao vươn lên trong học tập, quyết tâm cố gắng không để bố buồn. Tôi chỉ muốn rằng hàng ngày trước cổng trường chờ con, bố có quyền tự hào với bố mẹ các bạn giàu có của tôi là con mình cũng học giỏi như ai. Năm tôi lên lớp 11, con đường đến trường đã được xới tung lên để làm lại. Thế là trên đường đi đón tôi, bố lại âm thầm nhặt nhạnh những viên đá hoa cương có hình thù lạ lẫm về nhà. Có viên đá tựa như người mẹ đang bồng con, có hòn đá như chú chó ngồi giữ nhà. Thỉnh thoảng bố dừng xe lại để tôi xuống nhặt. Có hôm vừa bước ra cổng, bố vui vẻ khoe với tôi một hòn đá có dáng thiền sư mà bố mới nhặt được để đưa vào “bộ sưu tập” của mình. Ngày qua ngày, đống đá của bố nhặt nhạnh lớn dần theo năm tháng, và cũng là ngày tôi rời xa bố mẹ vào Sài gòn học đại học.

Còn lại ở quê nhà, mỗi chiều đi làm về, bố lặng lẽ chồng hòn đá này lên hòn đá kia thành núi non trùng điệp, khúc khuỷu; có đường mòn vòng khe núi qua vách đá dựng cheo leo. Tảng đá thiền sư dạo nào trầm mặc ném xuống hồ nước đẹp như bài thơ của ông ngoại:

Nguyện xin làm tượng đá

Vạn kỷ đứng nguyên sơ

Ngày sau ai qua đó

Khắc vào một tiếng thơ

Mẹ tìm trong tủ đồ chơi của chị, lấy những món quà sinh nhật nho nhỏ ngày xưa của chị để bố gắn thêm vào hòn non bộ: bên này rặng núi dưới tàng cây đa cổ thụ là vài chú tiểu vung quyền, múa dao ngộ nghĩnh. Cạnh chùa Thiên Mụ, một ngư ông trầm tư câu cá. Trước ngôi nhà sàn là chú tiều phu đang gánh nước, thấp thoáng trên thác nước vài chú hạc trắng mảnh mai như mây trời. Xa xa dựa vào hòn đá khuất trong đám cỏ xanh, con sơn dương mang tuổi chị ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Hôm gắn được một giàn bơm nước giả làm giòng suối chảy, tối đến, bố bật đèn ngoài sân ngồi ngắm say mê hòn non bộ như muốn tìm một phút giây bình yên, êm ả để quên đi những khó khăn vất vả trong cuộc sống hàng ngày…Nhiều đêm, nhớ chị em tôi, bố lững thững ra trước nhà, ngồi bên hòn non bộ lặng lẽ ngắm từng viên đá, cành cây. Cậu tôi một lần lên thăm đã nói với bố sao hòn non bộ gì mà nhỏ bé, chật chội vậy. Bố chỉ ừ à cho qua chuyện: ừ làm cho vui vậy mà. 

Nhưng với tôi, dù đang cách xa nhà đến ba trăm cây số, sống và học tập ở một thành phố hiện đại, sôi động đến choáng ngợp… Mỗi lần nhớ nhà, nghĩ đến bố thì hòn non bộ lại hiện lên trong tâm trí tôi như một đỉnh Thái Sơn cao vòi vọi, sừng sững đứng giữa trời. Im lặng mà cương quyết. Khiêm tốn mà hiên ngang. Chỉ để mạch đời tuôn trào không ngừng nghỉ, và cây đời mãi mãi xanh tươi.

Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn