MẠ TÔI – MỖI MÙA XUÂN VỀ * Phạm Mai Hương

20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 12977)

MẠ TÔI – MỖI MÙA XUÂN VỀ

tet_11-large

Gia đình ông ngoại tôi ở làng An Hoà, nằm dọc theo quốc lộ số 1 khoảng 5,6 cây số và gần thành nội cố đô Huế. Về sau, ông ngoại chuyển về làng An Cựu, ngôi nhà nằm bên cạnh dòng sông “nắng đục mưa trong”. Ngày đó từ nhà nhìn ra thấy được bến nước với hàng tre xanh mướt.

Mạ đứng thứ năm trong gia đình có chín người con: sáu trai, ba gái. Trước năm 1975, ở ngoài Bắc, Cậu Tam là giáo viên trường Đại học Ngoại Thương – Hà Nội. Câu Bốn là thương bình với huân chương chống Pháp hạng 3. Ở miền Nam, cậu Lục là giáo viên anh văn trường Quốc Học Huế, cậu Tâm lên đến phó tỉnh Nha Trang, cậu Chín, tuy không thành đạt bằng nhưng kiến thức rộng, khoa ăn nói chẳng thua ai. Cậu Năm vốn ít học nhất nhưng là một người giàu có của vùng chài lưới Tam Hòa – Đà Nẵng.

Ba cô con gái của ông ngoại tính tình không giống nhau. Dì Mai bản tính hiền thục, suốt đời chỉ biết ẩn sau bóng chồng, sau khi dượng mất năm Mậu Thân, các anh chị chăm lo dì chu đáo . Dì Lan trẻ trung mãi với thời gian, dì không có con gái nên dượng Lợi và ba cậu con trai lúc nào cũng chìu chuộng dì, bông hồng duy nhất trong nhà. Mạ, tên thời con gái là Huệ, xinh nhất, bản lãnh nhất nên từ nhỏ mạ đã có ý thức sống tự lập rất sớm.

Ông ngoại đi lính cho Tây, bà ngoại ở nhà mở quán tạp hóa bán cho lính, ngoại bán đủ thứ từ gạo, nếp đến rượu. Các bà vợ lính đến mua rồi ký sổ, cuối tháng ngoại cầm sổ nợ lên đồn tính toán với cai, buôn bán dễ dàng mà không sợ bị quỵt nợ. Mạ là bản sao của ngoại, từ vóc dáng đến phong cách. Từ lúc còn nhỏ, mạ cùng dì Truyện giúp ngoại buôn bán. Rãnh rỗi, mạ và con gái trong xóm đến nhà các bà đầm học đan may.

 Bàn tay mạ đẹp đầy đặn, mạ đan thoăn thoát, bất kể kiểu đan nào dù khó đến đâu mạ lần mò đan cho bằng được. Có điều lạ, mạ là người nhanh nhẹn, dường như khó ngồi yên một chỗ thế mà đủ kiên trì đan từng mũi kim hình thành chiếc áo. Hình ảnh mạ cặm cụi với đôi kim đan lúc trưa hè hay đêm khuya in rất sâu trong tâm trí tôi. Cứ mỗi giữa năm, mạ bắt đầu đan, đến cuối năm đủ áo cho mười hai đứa con. Mùng một , bác Châu đến chúc Tết và chụp tấm ảnh đầu Xuân, anh em chúng tôi ngộ nghĩnh trong những chiếc áo len đồng phục gia đình không sợ lạc.

Chừng rằm tháng chạp, mạ bắt đầu làm mứt, mứt gừng dành cho ba tôi uống nước trà, mứt bí đao, mứt dừa, thích nhất là mứt carotte vì màu đỏ cam nổi bật . Khi mạ rim mứt, chúng tôi mới bắt đầu xúm xít bên cạnh, chờ vét đường sót đáy thau. Làm xong mạ trải ra mẹt, phơi trên mái nhà, chúng tôi chia nhau canh chừng người lớn, trèo lên ăn vụng, bao giờ cũng chọn mứt carotte trước, chỉ chừa lại mứt gừng vì cay. Mạ phải làm mấy lần và cuối cùng mẹ bỏ hủ cất vào tủ đề dành đãi khách.

Mạ còn làm bánh in bằng đậu xanh hoặc đậu trắng. Loại bánh này làm rất công phu: mạ ngâm đậu cho nở ra sau đó đem luộc, đổ nước đầy, để lửa riu riu không chêm thêm nước vì sợ sượng. Đậu chín bỏ vào trên rây, cà cho mịn. Sau đó, đổ đường vào sênh, mạ để lửa phải thật nhỏ, nồi bánh sôi bập bùng như chè đậu xanh đánh, tay phải khuầy đều. Khi bột quện thành cục, tay nắm không dính, mạ đổ vào khuôn in. Chiếc khuôn nhỏ bằng sắt hình chữ nhật, nắp có thanh sắt và mặt trong có hoa văn được gởi mua từ Huế. Mạ bỏ bột vào khuôn, lấy nắp ịn chặt, đẩy mạnh xuống để bánh ra khỏi khuôn, bánh phải có hoa văn sắt cạnh, không gãy góc mới đẹp, in xong để hôm sau mới gói. Mạ mua giấy bóng kính đủ màu sắc cắt thành hình vuông và gói những chiếc bánh in trong tờ giấy bóng kính trông đẹp và ăn rất ngon, ngậm vào miệng bánh tan dần như bánh rồng vàng Hải Dương nhưng không béo và có mùi thơm của đậu. Một ít bột, mạ viên tròn như hòn bi, đóng vào giấy bóng kính, quấn hai đầu lại, cắt tua gọi là bánh hạt sen.

Khoảng 25 tết, mạ vo gạo nếp, đồ đậu xanh và thịt mỡ để gói bánh, mạ chỉ gói vài đòn bánh tét để đãi khách, còn bao nhiêu nếp mạ gói toàn bánh ú, bánh có hình tam giác, to bằng bàn tay người lớn, hai cái bánh ú xếp thành một cặp như cái lồng đèn, mạ lấy lạt buộc chéo, chúng tôi cũng tập gói những cái bánh ú nhỏ hơn, dặn mạ khi luộc để lên trên. Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng của nồi bánh, chúng tôi vớt ra ăn trước. Bánh ú rất tiện cho trẻ con, đói bụng tự mình bóc lấy, mỗi đứa chỉ cần một cái là đủ.

Tết nay, mạ tôi bước vào tuổi gần 90, tuy sức khỏe không như trước nhưng mạ tôi cười vẫn duyên dáng để lộ lúm đồng tiền khi con cháu xúm quanh lì xì Tết, thích được đứa con hay cháu ngồi bên cắn đôi hạt dưa để mạ ăn lỏi bên trong, và vẫn còn thấy ngon miệng ăn miếng bánh tét chiên giòn.

Giờ người dân Dalat không còn thói quen đan áo mặc Tết, ít làm bánh mứt, và bánh chưng, bánh tét cũng chỉ là món tượng trưng của ngày Tết. Tuy vậy anh em chúng tôi mỗi lần họp mặt nhau ngày Xuân vẫn không quên nhắc lại chiếc áo len đồng phục thuở nào, cảnh trèo lên mái tôn ăn vụng mứt hoặc chiếc bánh ú đêm ba mươi.

Phạm Mai Hương

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn