Đà Lạt Thắng Cảnh Và Huyền Thoại Nguyễn Trọng

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 5230)

 

 Đà Lạt Thắng Cảnh
 

 Và Huyền Thoại

Nguyễn Trọng 

image071
 * Đây là Quê Hương thứ hai của tôi gần cửa Thần Phù và gần cố đô Hoa Lư

Có những biến cố bất ngờ trong đời sống hay có thể gọi được là những biến cố huyền thoại nó thay đổi cả một đời người và cả một sự nghiệp. Năm 1952 Trước hiệp định Genève chia đôi đất nước vào năm 1954, do một sự giới thiệu tình cờ và may mắn, tôi đã từ Hà Nội bay vào Đà Lạt, lúc đó nằm trong Hoàng Triều Cương Thổ của vua Bảo Đại .
Khi ấy tôi đang học đại học luật khoa ở Hà Nội, cùng ở chung một dẫy nhà hai tầng với một nữ sinh viên cùng trường là cô Marie, người Việt lai Pháp. Mỗi buổi sáng sớm hai chúng tôi thường gặp nhau trên sân thượng chung để tập thể dục . Một hôm cô Marie hỏi tôi :
- Ông có muốn vào ĐàLạt dạy học không ?
Tôi ngỡ ngàng hỏi lại cô :
- Vào Đà Lạt, và dạy cái gì ?
Cô đã có sẵn câu trả lời
- Dạy một trường Trung Học Việt Nam do hội phụ Huynh Học Sinh ở đó mới thành lập để người Việt học trường Việt thay vì phải học trường Pháp .
Sau khi tôi nhận lời thì cô điện thoại cho một người quen là ông chánh văn phòng vua Bảo Đại mới ra Hà Nội để tìm giáo sư cho trường trung học Việt Nam này . Lúc đó ở Đà Lạt chỉ có hai trường trung học dạy theo chương trình Pháp là trường Lycée Yersin và trường Couvent des Oiseaux do các nữ tu Công Giáo điều khiển . Học sinh đa số là con nhà khá giả, giàu sang phú quý từ các thành phố lớn về đây nội trú . Ông chánh văn phòng hỏi tôi mấy câu bằng tiếng Pháp và hỏi tôi nội dung về cuốn Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du .Tôi trả lới lưu loát và đầy đủ khiến ông hài lòng và cấp ngay cho tôi giấy thông hành để có thể đặt chân lên “Hoàng Triều Cương Thổ” là vùng đất người Pháp dành riêng cho vua Bảo Đại . Viêc tôi vào Đà Lạt dạy học giản dị và dễ hiểu như vậy , vì tôi không phải là con người của Hoàng Tộc, và cũng chẳng hề quen biết ông lớn nào ở đất nhà vua này .
Tôi chỉ là một con người bình dân như nhiều người khác .
Đà Lạt Mộng Và Mơ
Một anh bạn của tôi, ông Vũ Lục Thuỷ PhD .có bài viết sau đây về Đà Lạt, đăng trong Đặc San Bùi Thị Xuân là trường nữ trung học ở Đà Lạt mà tôi là giáo sư năm 1955.
Nói đến Đàlạt, người ta liên tưởng ngay đến một thành phố của thơ , của mộng, của hoa trái, của sương mờ, của núi rừng và của Tình Yêu .Vì Đà Lạt có hồ Than Thở, hồ Xuân Hương (Grand Lac), có những giống hoa lan nổi tiếng cùng loài hoa Anh Đào rực rỡ vào dịp Noel, Tết, những vườn cây trĩu quả bên cạnh những vườn rau xanh tươi bốn mùa, những rừng thông bao la lượn sóng cùng với núi cao đồi dốc, xen kẽ là những Suối Vàng, thác Cam Ly, Ankroet, DanTaLa, Prenn, Gougal, Pongour, Liên Khương, cùng thung lũng Tình yêu, rừng Ái Ân ...

Phong cảnh Đàlạt đầy vẻ thần tiên, nửa phần thiên nhiên, nửa phần nhân tạo ... Mỗi khi chiều tà, những làn sương mù bao phủ đồi xa núi gần khiến cảnh vật thực thực hư hư . Nhất là những đêm trăng mờ thì Đà Lạt như đắm chìm trong một thế giới huyền ảo, chỗ nào cũng thấy những thơ cùng mộng Khí hậu Đà Lạt lại ôn hoà, mùa Hè không nóng nực .mùa Đông không quá lạnh . Vì vậy hồi cuối thế kỷ XIX, ngay khi vừa tìm ra Đà Lạt, người ta nghĩ đến chuyện biến cải nơi đây thành một thành phố dưỡng bệnh và du lịch .

Khoảng hơn mấy chục năm trước, có người đã đề nghị, sau khi đất nước thanh bình, thủ đô Việt Nam nên đặt ở Đà Lạt ! Ngoài các lý do phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành . Đà Lạt tương đối ở vào trung tâm của ba miền Bắc, Trung Nam .Một khi Đà Lạt trở thành quốc đô, Sài Gòn vẫn giữ địa vị thủ phủ kinh tế toàn quốc. Hà Nội thủ đô Văn Hoá và cố đô Huế giữ nhiệm vụ của một trung tâm du lịch lớn nhất nước.
Trên đây là cảm nghĩ của ông bạn tôi về Đà Lạt. Nhưng còn cảm nghĩ của tôi khi mới chân ước chân ráo đến Đa Lạt thì sao? Khi còn ở Hà Nội, tôi biết rất ít về Đà Lạt, chỉ coi đây là một thành phố của người Pháp và Hoàng tộc, hay của người giàu có làm quan, có liên hẽ với người Pháp . Đà Lạt, theo tôi nghĩ rất ít liên hệ với các thành phố khác ở trong nước như Hà Nội, Huế, Hội An hay Nha Trang . Đà Lạt đứng riêng một góc trời Cao Nguyên, người dân ở đây không nghe tiếng súng nổ về đêm, không nghe tiếng pháo kích của Việt Cộng và cũng không nghe tiếng nổ vang trời của những trái bom từ phi cơ oanh tạc thả xuống. Tôi đã may mắn sống những năm khốc liệt nhất của chiến tranh 1952 – 1954 tại một thành phố yên tĩnh nhất nước . Chính vì vậy, trong khi các bạn tôi đều là “Trai thời loạn” hay “ Chàng Trai Nước Việt” thì tôi chỉ là một giáo sư nhỏ bé tại một trường trung học cũng bé nhỏ, không ai biết đến tên, và cũng chẳng ai muốn tìm hiểu ... Khi mới đặt chân đến Đà Lạt, tôi không quen biết một ai, và chẳng có ai quen biết tôi. Tôi nghe có một gia đình người Bắc ở đâu đây, gần nơi tôi dạy học, nên tìm đến làm quen, và xin ở trọ .Ông bà vui lòng tiếp nhận kẻ cùng quê và từ đó tôi được nghe tiếng Bắc hằng ngày. Sau trên một nửa thế kỷ, tôi không còn nhớ tên người con gái của ông bà chủ nhà tử tế này, nhưng tôi vẫn còn nhớ cô có một giọng nói rất đặc biệt, vừa ngọt ngào vừa quý phái nghe mãi không bao giờ chán.

Sau cùng, có một phụ huynh học sinh biết tôi không có nơi cư ngụ thường trực, nay ở đây, mai ở đó nên đã thu xếp cho tôi ở trong một ngôi biệt thự nhỏ, do một triệu phú bỏ hoang, nằm giữa một rừng thông cao, có lối đi trải đá dài hun hút, dẫn vào bên trong . Tôi ở đó một mình, không bạn bè, không người quen, thỉnh thoảng có vài học sinh đến thăm và cho những trái cây của Đà Lạt như mận Trại Hầm ăn rất ngon vừa chua vừa ngọt lịm cả người.
Chung quanh tôi toàn biệt thự sang trọng của người Pháp hay của những người Việt giàu có, tôi tự nhiên thấy mình nghèo, đã sống xa nhà để tìm kế mưu sinh, lại còn sống xa những mái nhà tranh có khói thổi cơm chiều toả lên cao vào những buổi chiều hoàng hôn nhạt nắng .Chẳng qua cũng Cũng chỉ vì tôi có tính mạo hiểm, muốn đi đây đi đó, muốn tự mình tìm hiểu cuộc đời, và không muốn cho ai hướng dẫn mình vào cuộc đời đó... Lúc ấy, tôi không biết việc mình vào Đà Lạt là khôn hay là dại.Tôi chỉ biết chắc một điều là thành phố này không có khói lửa chiến tranh, và mọi người đều sống trong thanh bình và thoải mái.
Tôi sống ở Đà Lạt năm năm, cho tới năm 1957 thì về Sài Gòn, sau đó làm việc ở hải ngoại. Tôi có thể nói năm năm ở thành phố thơ mộng này là thời gian đẹp nhất của cuộc đời thanh niên như tôi .
Tôi đã cố đào tạo nên một lớp học sinh lúc nào cũng hiên ngang hãnh diện mang tên trường mình là Quang Trung và sau đó là Bùi Thị Xuân. Cho đến tận ngày hôm nay tình thầy trò vẫn khắng khít và gần gũi như xưa, mỗi lần tôi về thành phố Sài Gòn Nhỏ ở Quận Cam (Orange County) Nam California, các ông bà cựu học sinh của tôi đều họp nhau tại nhà một cựu học sinh khác có khi vài chục người, ăn uống vui vẻ với ông Thầy cũ .
Các cựu học sinh của tôi, nay có người giàu có và giữ những chức vụ cao cấp trong xã hội Mỹ, nhưng lúc nào họ cũng lễ phép đối với "Thầy cũ". Khi đi ngang mặt tôi, mọi người đều cúi đầu, như khi còn học trường Quang Trung hay Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt cách nay trên nửa thế kỷ về trước.. Tôi rất vui mừng, không phải vì các ông bà cựu học sinh cúi đầu trước mặt tôi, mà tôi vui mừừng vì người Việt Nam chúng ta lúc nào cũng coi tình Thầy trò là cao quý, dù thời gian có trôi qua hay dù vị trí trong xã hội có đổi khác. Cử chỉ nầy mới thật là dân tộc tính .
Nếu trong số độc giả có một ông bà nào cựu học sinh của tôi ở Đà Lạt, thì hãy xin nhận nơi đây lời chào của ông thầy cũ nay đã đi gần hết cuộc đời

Nguồn gốc của Đà Lạt :

 Người có công khám phá vùng Tây Nguyên Việt Nam và từ đó mở đường cho việc thiết lập thành phố Đà Lạt không phải là người Việt Nam như trường hợp ông Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp tan nạn sứ quân, đã chọn Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) là Kinh Đô.
Người có công là Bác Sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943), cha ông là một nhà côn trùng học người Thụy Sĩ, còn Mẹ ông là người Pháp.Mặc dù tốt nghiệp bác sĩ y khoa, ông có lòng si mê thám hiểm, thích đi tới những chân trời xa lạ.Vì thế, ông xin làm bác sĩ cho một hãng vận tải đường biển để đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Toàn quyền ở Hà Nội thời đó là ông Paul Doumer, ông này muốn tìm một nơi khí hậu mát mẻ, có thể dùng làm nơi nghĩ dưỡng của người Pháp trên đất nước đô hộ, khỏi phải về tận nước Pháp xa xôi diệu vợi, vừa tốn tiền, vừa phải tốn hàng tháng lênh đênh trên biển cả.
Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều kiến trúc sư ngườì Pháp, toàn quyền Doumer quyết định xây dưng thành phố Đalạt thành thủ phủ của Đông Dương vào năm 1921. Ông cho tập trung vùng dân cư quanh các hồ (có tất cả tám hồ ở khu vực Đà Lạt), còn những vùng khác dành cho khu quân sự, bệnh viện, trường học, hành chính, nhà ở của người Âu, nhà ở của người Việt, nhà khu an dưỡng và khu chợ buôn bán.
Vào năm 1930, đã có 398 ngôi biệt thự đồ sộ bằng bê tông cốt sắt. Đến năm 1949, con số biệt thự lên tới gân một ngàn, không cái nào giống cái nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc độc đáo và tuyệt vời. Đặc điểm chung là biệt thự nào cũng cách nhau, có vườn hoa, có tầm nhìn xa ra vườn thông hay trông xuống các thung lũng dưới chân núi. Có một đặc điểm nữa của thành phố Đà Lạt là nơi đây không có biệt thự cao quá ba tầng lầu. Không phải vì chủ nhân của nó không có đủ phương tiện để xây cao như tại các thành phố khác mà không cho xây cao vì không muốn che khuất các rặng cây thông gió thổi rì rào, không xây cao vì không muốn che khuất những rặng núi chung quanh thành phố, đẹp nhất là ngọn núi Langbiang thơ mộng và đầy huyền thoại.

Truyền thuyết về Hồ Than Thở
image072
Bài này viết để đánh tan cái lầm tưởng vô tình hay hữu ý của một số người vẫn cho rằng Đà Lạt có cái đẹp, cái huyền bí, cái thơ mộng và duyên dáng hữu tình của một thành phố miền rừng núi nước Pháp. Không, không hoàn toàn đúng như vậy! Đà Lạt được khám phá do một người Thụy Sĩ lai Pháp là BS Alexandre Yersin vào năm 1893, cách nay mới 116 năm. Kể từ đó, Đà Lạt được nhà cầm quyền cai trị người Pháp chọn làm nơi nghỉ mát, du lịch và hưởng tuần trăng mật của người Pháp và của những người Việt có quốc tịch Pháp. Và, cũng kểtừ đó, Đà Lạt được dành ưu tiên cho những người Pháp tới tạm trú hay định cư, xây nhà theo kiểu Pháp, xây trường học dạy chương trình của “mẫu quốc”. Chính vì vậy mà người ta gọi Đà Lạt là một “Thành phố Paris ở Phương Đông”.
Dù cho đa số người cư ngụ ở Đà Lạt thời đó là người Pháp hay mang quốc tịch Pháp, dù cho chương trình giáo khoa ở Đà Lạt là chương trình của“mẫu quốc” và dù cho các ngôi nhà thời đó là biệt thự sang trọng của người Pháp thì ba hiện tượng nói trên không đủ để chứng minh rằng Đà Lạt là thành phố của người Pháp hay mang dấu ấn của một thành phố bên Pháp quốc. Trên thực tế, Đà Lạt chỉ bị ảnh hưởng quá sâu xa bởi văn hóa Pháp mà thôi.
Người viết bài này không sinh trưởng ở ĐàLạt nhưng đã ở Đà Lạt năm năm từ 1952-1957 trong ngành giáo dục lại cũng đã về thăm Đà Lạt hai lần trong mấy năm qua. Người viết có thể quả quyết rằng: Đà Lạt là lãnh thổ của người Việt Nam, về thiên nhiên, về rừng núi, về sắc tộc, về phong tục tập quán, về huyền thoại và cả về tôn giáo nữa.

Tình sử Hồ Than Thở

Đà Lạt có nhiều địa danh thơ mộng và huyền bí dễ thu hút lòng người, nhất là những người đi tìm sự yên lặng trong lòng để thả hồn về quá khứhay về tương lai... Một trong các địa danh hấp dẫn, đầy thơ mộng và huyền bí nói trên đó chính là Hồ Than Thở mà người Pháp gọi là Lac des Soupirs. Soupirs tiếng Pháp có nghĩa là tiếng thở dài. Gọi như vậy vì rừng thông chung quanh theo gió thổi, tạo thành những âm thanh rên rỉ hay tiếng thở dài của những người đau khổ hay thất tình...
Tên hồ Than Thở đã có từ lâu nhưng tình sử đau thương xảy ra gần hồ này mới có từ năm 1956, khi ấy người viết đang còn ở Đà Lạt. Nếu người viết nhớ không lầm thì cô giáo Lê Thị Thảo, người tình trong truyện, ở gần nhà người viết thuê trên đường Lò Gạch, cách chợ Đà Lạt không xa.
Theo sách “Đà Lạt, Danh Thắng và Huyền Thoại” và cũng theo nhiều người sinh trưởng ở Đà Lạt kể lại cho nghe thì hồ Than Thở mang một tình sử bi đát và thơ mộng như sau:
 Tâm, một thanh niên gốc Vĩnh Long, sinh viên trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đem lòng thương một thiếu nữ người địa phương, lúc đó là cô giáo tên Lê Thị Thảo. Mỗi ngày từ bãi tập về, Tâm thường ghé qua một ngôi nhà cạnh hồ Than Thở và đặt một lá thư tỏ tình dưới mái nhà tranh. Ngôi nhà này không phải là nơi cư ngụ của cô giáo Thảo, mà có khi chỉ là nơi dùng làm hộp thư bí mật của hai người yêu nhau mà thôi. Buổi chiều đi dạy về, cô Thảo thường đến hộp thư bên hồ để đọc thư chàng gửi, và cũng để gửi thư cho chàng, đặt nó vào hộp thư bí mật.
Rồi một buổi chiều, trong tiếng thông reo vi vút và cạnh hồ nước sóng gợn lăn tăn, Tâm và Thảo đã cùng nhau hứa hẹn nên duyên vợ chồng, chờ ngày chàng ra trường mới làm lễ cưới.
Gia đình Tâm biết được chuyện tình lãng mạn của hai người trẻ nên tỏ vẻ ngăn cấm.Tâm tốt nghiệp trường Võ Bị, đeo lon Thiếu Úy và được gửi ra chiến trường chiến đấu. Thảo vẫn ở Đà Lạt, ngày ngày đi dạy học, nhưng buổi chiều không còn tới ngôi nhà nhỏ gần hồ, mong nhận được thư Tâm dưới mái tranh nghèo. Tâm đã đi rồi và Thảo ở lại một mình, ngày đêm trông chờ. Mối tình của nàng và Tâm chẳng khác nào như hai ngọn núi Langbiang, trông rất gần mà xa...
Bỗng nàng nhận được tin sét đánh là Tâm đã tử trận ở chiến trường xa, xác không biết bây giờ ở đâu, và nàng có được đến nơi nhận xác chàng hay không vì gia đình Tâm chưa công nhận Thảo là con dâu tương lai. Thảo chỉ còn một niềm an ủi độc nhất là ra hồ Than Thở, chỗ hai người thường gặp nhau, để nhớ lại những giờ phút tình tự bên nhau. Rồi vào một buổi chiều buồn, khi hoàng hôn phủ mờ cảnh vật chung quanh, nàng đã gieo mình xuống hồ nước để giữ trọn tiết trinh với người yêu bên kia thế giới.
Xông pha ngoài chiến trường, Tâm không hề biết tin người yêu đã tự vận vì nàng tưởng chàng. đã anh dũng đền nợ nước, làm tròn nghĩa vụ “trai thời loạn”.
Chuyện sống chết trên chiến trường thường hay bị loan tin lầm lẫn, sống rồi chết đó, cũng như chết rồi sống lại. Bởi vậy mới có việc Tâm vẫn còn sống, chàng trở về Đà Lạt thăm người yêu như thường lệ thì hay tin nàng đã tự vẫn vì tưởng chàng đã ra người thiên cổ.
Chàng ra mộ nàng gần hồ Than Thở, than khóc một hồi lâu rồi lại trở về chiến trường, tiếp tục xông pha ngoài mặt trận. Trong một cuộc tử chiến với quân thù đông gấp 10 lần, chàng đã tử trận một cách oanh liệt. Theo lời trăn trối của chàng khi hấp hối, xác Tâm được đem về Đà Lạt để chôn bên cạnh người yêu chưa cưới. Ít lâu sau, gia đình Tâm, vốn không đồng ý với mối tình trẻ dại mong manh này, cải táng mộ chàng đem về chôn ở quê nhà là Vĩnh Long. Từ ngày đó, cô giáo Lê Thị Thảo nằm một mình gần hồ Than Thở, trong nấm mồ có ghi tên cô, ngày đêm nghe gió thổi vi vu trong rừng thông vắng...
image073
(Xem tiếp theo trang 20)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn