Điếu văn tiễn biệt Thầy Phan Văn Ngọ

10 Tháng Tám 201510:39 CH(Xem: 5649)

Điếu văn tiễn biệt Thầy Phan Văn Ngọ

hoa-hong 5


Thầy Phan Văn Ngọ sinh năm 1930 (Canh Ngọ), nguyên quán là làng Đông Lao, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay  thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Trước năm 1954, thầy theo học khóa huấn luyện viên thể dục thể thao (khóa Lê Lợi). Rời miền Bắc sau hiệp định Genève, nhiệm sở đầu tiên của thầy là Ty Thanh Niên tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Trong vòng 10 năm, thầy vừa là huấn luyện viên, vừa phụ trách phong trào thể dục thể thao tại địa phương.

Năm 1964, thầy được chuyển về tỉnh Tuyên Đức, nhưng thay vì tiếp tục công tác tại Ty Thanh Niên, thầy xin chuyển ngành và trở thành giáo sư dạy môn thể dục tại Trường Trung học Trần Hưng Đạo – Đà Lạt. Vào lúc đó, trường nằm trên một ngọn đồi thông cạnh một hồ nước nhỏ xinh đẹp mang tên Vạn Kiếp – một địa danh gắn liền với những chiến công của vị tướng lừng danh cuối thế kỷ 13. Đây cũng  là ngôi trường trung học công lập duy nhất dành cho nam sinh tại thành phố cao nguyên này.

Chính tại nơi đây, thầy bắt đầu cuộc đời dạy học – nghề nghiệp cao quý mà thầy theo đuổi cho đến cuối đời. Gia đình thầy cư trú tại căn nhà số 21 của khu cư xá trường Trần Hưng Đạo. Ngoài việc dạy môn thể dục tại trường Trần Hưng Đạo, thầy còn là một võ sư môn Aikido và là ông bầu đội bóng đá của nhà trường. Nhiều thế hệ học sinh của trường vẫn còn lưu giữ ký ức về những kỳ niên lễ hàng năm, với những buổi cắm trại được tổ chức trong khung cảnh thơ mộng dưới những rặng thông bên bờ hồ Vạn Kiếp - trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thầy. Ngoài việc dạy học tại trường Trần Hưng Đạo, thầy còn tham gia dạy môn thể dục tại một số cơ sở giáo dục khác trong thành phố - trong đó có trường trung học tư thục Bồ Đề và trường nữ trung học Bùi Thị Xuân – trường công lập duy nhất dành cho nữ sinh tại Đà Lạt.

Sự gắn bó của thầy với ngôi trường Trần Hưng Đạo chỉ kéo dài được hơn mười năm. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, trường Trần Hưng Đạo bị xóa sổ, thầy vẫn tiếp tục dạy học tại trường trung học Bùi Thị Xuân mãi cho đến khi nghỉ hưu vào đầu thập niên 1990.

Nhiều điều không may mắn đã đến với thầy trong những thập niên cuối đời. Phải đảm đương một gánh nặng gia đình với 7 người con (3 trai, 4 gái), sau 1975 người con trai lớn lâm vào vòng lao lý suốt hàng chục năm, tiếp đó một người con trai khác qua đời vì bệnh, thầy lại phải nuôi dưỡng thêm một đứa cháu nhỏ côi cút. Cuộc sống khó khăn khiến thầy phải bán nhà và rời khỏi khu cư xá nhiều kỷ niệm với rất nhiều luyến tiếc. Trong những ngày cuối đời, thầy phải sống trong một căn nhà mà số phận của nó rất bấp bênh vì không ổn định về mặt quy hoạch.

Vào năm cuối đời, khi biết tin mình mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo thì cũng là lúc người con trai út của thầy lâm bạo bệnh. Thầy đã phải cố vượt qua nỗi đau của tâm hồn khi con trai lìa đời trong lúc bản thân vẫn đang phải chịu đựng cơn đau của thể xác.

Nhưng điều đặc biệt cảm động là đúng vào lúc thầy và gia đình rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, những cựu học sinh của hai trường Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân ở cả trong và ngoài nước đã phát động quyên góp để giúp đỡ thầy và gia đình. Những món quà quý giá đó tuy không thật to lớn nhưng đã giúp thầy có được sự vững tâm đối diện với căn bệnh nan y trong những ngày cuối đời.

Trên trang web Anh Đào của Hội cựu học sinh Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo tại hải ngoại, vẫn còn lưu giữ các tin tức về cuộc quyên góp của các cựu học sinh do chị Đào Thị An – một cựu nữ sinh trường Bùi Thị Xuân khóa 1963 hiện đang cư trú tại thành phố Houston (bang Texas) phát động. Mặc dù không được biết thầy vì đã rời trường trước khi thầy chuyển đến Đà Lạt, chị An đã tích cực vận động quyên góp, thăm hỏi thầy qua điện thoại trong những ngày thầy đang nằm bệnh viện tại Sài Gòn, bởi vì chị quan niệm rằng “đã là học sinh Bùi Thị Xuân/Trần Hưng Đạo thì ai cũng là Thầy Cô của mình cả.” Chúng ta rất xúc động khi nhìn thấy tấm ảnh chụp thầy đang ngồi trên giường bệnh, cố nắn nót viết một bức thư ngắn để cảm ơn các bạn đồng nghiệp và các cựu học sinh ở bên kia đại dương.

Ngoài ra, còn phải kể đến những đóng góp của các đồng nghiệp và cựu học sinh tại quốc nội, từ đóng góp về vật chất cho đến sự thăm nom, an ủi về tinh thần đối với thầy và gia đình. Nếu là một nhà văn, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, ghi chép và viết lại những tình tiết của câu chuyện cảm động này - một câu chuyện thật sự tiêu biểu cho tình cảm thầy trò tốt đẹp của chúng ta.

Có lẽ cũng nhờ những tình cảm ấm áp đó – món quà vô giá mà quãng đời dạy học đã trao tặng vào lúc cuối đời, thầy đã vững tâm đương đầu với bạo bệnh, đối diện với cái chết. Sau khi bình tĩnh dặn dò những điều cần thiết với các con, thầy đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 16 giờ 45 ngày 6 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 22-6 năm Ất Mùi), hưởng thọ 86 tuổi.

Kính thưa các thầy cô và các bạn,

Khi một con người nằm xuống, đó là lúc chúng ta có thể nhìn lại và tổng kết một cuộc đời. Cuộc đời của thầy Phan Văn Ngọ là cuộc đời của một người thầy giáo suốt đời tận tụy với học sinh, sống một cuộc sống thanh bạch, vì vậy của cải để lại không có bao nhiêu. Thế nhưng, di sản quý nhất của một người thầy là gì nếu không phải là những ký ức đẹp đẽ còn lại trong tâm trí của những người học trò đã từng học với mình? Hiểu theo nghĩa đó, tất cả những tình cảm tốt đẹp mà các cựu học sinh đã đem lại cho thầy Phan Văn Ngọ trong những ngày cuối đời cũng chính là sự đền đáp xứng đáng đối với những gì thầy đã tận tụy đóng góp trong suốt quãng đời dạy học của mình.

Ngày hôm nay, cùng với thân bằng quyến thuộc của thầy, tất cả chúng ta – những bạn đồng nghiệp và những cựu học sinh của thầy (và cả những người tuy không học thầy nhưng nói như chị An “đã là học sinh Bùi Thị Xuân/Trần Hưng Đạo thì ai cũng là thầy cô của mình cả”), tất cả chúng ta hãy dành một phút mặc niệm để tiễn đưa thầy lần cuối. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho hương linh của thầy được siêu sinh Tịnh độ.

Đà Lạt ngày 10-8-2015

MAI THÁI LĨNH (HOÀNG THÁI LĨNH) – THĐ 1964

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn