Hoàng Đế Napoléon I
Nếu người xưa có câu "Nhất tướng công thành vạn cốt khô", hay qua tác giả Mai Thảo "Ta thấy hình ta những miếu đền. Tượng thờ nghìn bệ những công viên.. Ta thấy tên ta những bảng đường. Đời ta, sử chép cả ngàn chương.." thì thật như dành riêng tặng cho cuộc đời binh nghiệp và công danh của Napoléon Bonaparte, 1769-1821. Và nếu cuộc đời vĩ nhân được viết cả ngàn chương, thì hoàng đế Napoléon I là nhân vật lịch sử được vinh danh và bàn luận đến nhiều nhất thế giới, từ thuở hào hùng sang buổi hoàng hôn hiu hắt trên đảo vắng Saint Helena. Theo một viện khảo cứu Pháp, không một ngày nào trôi qua mà thiếu những bài báo, sách truyện, chương trình truyền thông, luận án, tiêu đề, nghiên cứu.. đề cập đến Napoléon. Người Pháp gọi tên ông là Empereur, và chỉ muốn nêu danh bao thắng lợi một thời mang vinh hiển cho nước Pháp qua những thành tựu huy hoàng của Le Premier Empereur des Français.
Hậu thế ghi nhớ tài năng và công sức của Napoléon để cải tổ một nước Pháp qua thời các hoàng tộc vốn quá đầy rẫy bất công, cùng bao biến động làm chao đảo xã hội Pháp với cuộc Cách mạng 1789. Từ khi còn là một sĩ quan trẻ, Napoléon luôn cho rằng tình trạng chung của cả nước Pháp vốn như cát biển bị xô đẩy theo thủy triều, muốn chỉnh đốn cần đặt để nhiều khối đá làm nền chống chắn vững vàng.. Để khi có đầy đủ uy quyền, Napoléon đã đích thân chỉ huy việc thay đổi cơ cấu hành chính quốc gia, chỉ định nhiều hội đồng quản trị nhằm bình định những xáo trộn không ngơi sau 10 năm lật đổ triều vua Louis XVI. Cả hợp tác cùng các luật gia thay chiếc cán cân công lý cũ bằng nhiều đạo luật mang công bình cho từ giới trưởng giả, hoàng tộc đến sĩ nông công thương, mà bộ Dân Luật /Code civil 1804, hay Code Napoléon đã là cột trụ vững vàng nhất của nền Công lý Pháp quốc, nhằm bảo vệ quyền tự do và phúc lợi của mỗi công dân, bảo vệ gia đình qua các luật về tài sản, khế ước, điền trạch.. -đã là kim chỉ nam cho nhiều xứ sở trời Âu, và dù có ít nhiều thay đổi qua bao năm tháng nhưng Bộ luật Napoléon vẫn được áp dụng và nghiên cứu trên nhiều quốc gia ngày nay. Napoléon còn cho cải tiến ngành giáo dục, thành lập Banque de France, cùng giúp phát triển nền kinh tế và thương mại. Nước Pháp được hành chính hóa, chia thành nhiều départements dưới quyền quản trị của các préfets có nhiều thẩm quyền. Napoléon ổn định tình hình ngoại giao qua những hiệp ước ký kết cùng các hoàng gia lân bang, cả mời gọi trở về nhiều lớp người đã ra đi lúc tình hình hỗn loạn, cũng như thương lượng với giới thân thuộc của vương quyền cũ trong tinh thần tốt đẹp chung cho nền tảng mới.
Qua bao công trình và sự nghiệp vĩ đại, sử sách Pháp vẫn xem Napoléon như nhà lãnh tụ thuộc một cõi riêng, không thể so sánh với bất kỳ một vĩ nhân khác. Mang niềm kiêu hãnh về tài lãnh đạo và khả năng quân sự xuất chúng, nhưng do độc đoán nên Napoléon dần thu gom tất cả quyền lực trong tay, để từ quyết định này sang phán quyết khác, đã làm thay đổi dòng lịch sử nước nhà, và cả chính ngôi hoàng đế.. Nhưng làm sao trách được một tài nhân lỗi lạc với bao thành đạt chiến trường, nhất là khi những cải tổ hành chính và dân sự đã mang lại công bằng cho đa số dân nghèo, vốn quá thua thiệt từ nhiều thế kỷ.. Với sự bén nhậy thiên phú, từ hơn 200 năm trước, sau khi đọc quyển thuật chuyện Travel Journal của Lord George Macartney -đại sứ trời Âu đầu tiên trên đất Trung Hoa, kể về khoảng thời gian dài được hoàng gia Anh gởi sang trình ủy nhiệm thư giao hảo cùng vua Qianlong, cả có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa, tập tục, khả năng.. của sắc dân đông đúc dòng giống da vàng trên nhiều thành phố của đất nước thênh thang rộng này.. Napoléon nhìn ngay ra viễn ảnh của một Trung Hoa trong tương lai, và trước những hiềm khích có thể xẩy ra giữa hai nước, đã phán "Laissez donc la Chine dormir, car lorsque la Chine s'éveillera le monde entier tremblera" -Hãy để cho Trung Hoa yên ngủ, vì khi Trung Hoa bừng tỉnh toàn thế giới sẽ run sợ. *Thế kỷ 21 đã và đang cho toàn thế giới -nhất là nước Việt ta, biết thế nào là sức mạnh của sự thăng tiến vượt bực trên nhiều phương diện và những đại hiểm họa có thể đến từ Trung Quốc.
Trích dịch từ: herodote.net & Encyclopedia Universalis: Như ở Á châu, các vua chúa trời Âu thuở trước cũng tự cho là thiên tử, thay quyền trời cao cai trị dân gian. Đầu thế kỷ IV, thời huy hoàng của Roma, nhiều tín ngưỡng thuộc Đa Thần giáo được truyền bá khắp nơi, nhất là trên Asia Minor. Thiên Chúa giáo đã qua thời bị khủng bố và có số tín đồ đến khoảng 10% dân số La Mã và quanh vùng, nhưng gồm nhiều nhánh và nhóm rời rạc với các tổ chức riêng biệt, bởi nhiều bất đồng trong cách chuyển đạt các tín điều nền tảng.. Hoàng đế Constantin I vừa thống nhất một Đế chế La Mã rộng bao la, đã nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, bèn nắm thời cơ dành cho các tín đồ nhiều dễ dãi.. Vào năm 325 Constantin cho mở cuộc hội nghị các giám mục Concile de Nicée -tỉnh Iznik, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, để cùng hiệp lực soạn thảo nhằm thuần nhất các tín điều dưới một chỉ đạo. Constantin cũng khuyến khích bổ túc thêm phần Chúa Jesus "consubtanciel au Père" /Con đồng thể thánh chất như Cha, mang nghĩa Một Chúa Ba Ngôi /Trinité.. Và phong Thiên Chúa giáo thành quốc đạo, chính Constantin cũng chịu phép rửa tội nhưng rất muộn màng -chỉ trước giờ lâm chung, do mong được tha thứ mọi tội lỗi thế gian (Constantin I, Le Grand được biết như một hoàng đế vô cùng tán ác, do ông khởi xướng nhiều chiến trận, tàn sát những người không theo quốc đạo, cả ra lịnh tử hình hoàng hậu lẫn con trai..). Dù có mục đích chính trị nhưng sách lược của Constantin đã làm thay đổi dòng lịch sử, giúp Thiên Chúa giáo thăng tiến để Công giáo, Tin Lành và Chính Thống giáo có hơn 2 tỉ tín đồ ngày nay. Theo thời cuộc, từ bao thế kỷ qua, sau Constantin còn có nhiều hoàng gia và lắm nhà cầm quyền đã và đang mượn danh nghĩa tôn giáo, đem dùng dưới nhiều chiêu bài chính trị, gây biết bao chiến tranh và chết chóc.
La Mã hùng mạnh đến cuối thể kỷ V, nhuộm gần hết Âu châu dưới mầu cờ đế chế. Thiên Chúa giáo càng được bành trướng sâu rộng theo làn sóng chinh phục. Nước Pháp do tầm quan trọng nên được xem như Trưởng Nữ của Giáo hội /Fille Ainée de l'Église de Rome, các vị hồng y luôn được hoàng gia trọng vọng như nhà lãnh đạo tinh thần và cố vấn chính trị, nhận nhiều chức vụ cùng bổng lộc. Với Napoléon, khi còn mang danh nghĩa Le Premier Consul, đã thấy cần thay đổi nên qua một thỏa ước ký kết chung /Concordat 1801, buộc ngài Giáo hoàng Pio VII phải nhường nhiều bước, như chỉ Napoléon mới có toàn quyền bổ nhiệm chức vụ hồng y, và Thiên Chúa giáo là tôn giáo của nhiều người Pháp, chứ không còn là quốc đạo. Ngài Pio VII phải đồng tình với chính thể Cộng Hòa và hoàn trả những của cải quý giá mà hàng giáo phẩm thu thập được trong cuộc Cách mạng 1789. Ngoài ra, các giám mục do được bổ nhiệm và nhận lương từ chính quyền Pháp, nay được xem như công chức và có thể bị sa thải. Nhất là số lượng giáo phận phải giảm bớt đi một nửa..
Thành công và danh vọng lên đến chót đỉnh, Napoléon thắng thế trên mọi đấu trường, từ chiến tuyến đến quyền lực quốc gia. Được các đảng phái và thân binh khuyến khích việc thiết lập nên một triều đại mới nhằm bảo vệ chặt chẽ hơn các cơ cấu của nền cộng hòa, nhất là để gia truyền quyền lực. Napoléon sau khi nhận tước vị Premier Consul, sang đến uy quyền độc vị Le Premier Consul de France giữ vô hạn định.. Và Thượng nghị viện Pháp đã phê chuẩn một đạo luật trao tất cả quyền lực quốc gia cho Napoléon điều khiển. Do tính khí kiêu hãnh nên ngày 2/12/1804 khi Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế, thay vì chọn thánh đường trang trọng tại tỉnh Reims như các vị vua Pháp từ nhiều thế kỷ qua, với sự tuyên phong của ngài giáo hoàng đương nhiệm đến từ Roma, thì Napoléon lại chỉ định hành lễ tại Vương cung thánh đường Notre-Dame de Paris. Và nếu thông lệ là các giáo hoàng đội vương miện tấn phong cho tân vương và tân hoàng hậu, thì Napoléon Bonaparte đã tự đặt vòng miện hoàng đế, bởi vinh hiển này chỉ do chính Napoléon tạo dựng. Và tân hoàng đế cũng tự tay đội vương miện hoàng hậu cho phu nhân Joséphine, trước sự chứng kiến và công bố hoàng danh Napoléon I, Premier Empereur des Français của ngài Giáo hoàng Pio VII.
* Le Sacre de Napoléon, Musée du Louvre
Napoleone di Buonaparte sinh năm 1769, thuộc một gia tộc gốc Ý sống tại đảo Corse trên vùng biển Méditerranée -do Pháp chinh phục được từ nước Cộng hòa Genova. Ngay từ nhỏ Napoléon đã tỏ ra là một cậu bé sáng dạ, can đảm và rất hiếu học. Chưa đầy 10 tuổi Napoléon rời hòn đảo xinh tươi mang danh L'Ile de beauté sang lục địa Pháp, khi chỉ biết nói tiếng Ý-Corse.. Nhưng chỉ vài tháng sau cậu đã thành thạo Pháp ngữ như các bạn, và nhờ vào chức vụ nghị sĩ thân thiết với giới trưởng giả Versailles của thân phụ, cậu được học bổng vào trường quân sự danh tiếng École royale militaire de Brienne-le-Château. Qua 5 năm trau dồi không chỉ về quân sự mà cả văn và triết học, toán học.. đã hun đúc thêm cốt cách của cậu học trò được thầy và bạn đánh giá là có nhiều khả năng vượt trội trong các phán đoán mau lẹ, chính sác qua những buổi học tập về thế trận. Sau khi ra trường Napoléon gia nhập quân chủng pháo binh ở tuổi 15 với cấp bậc thiếu úy.
Khi cuộc Cách mạng 1789 bùng nổ, trung úy Bonaparte 20 tuổi được giao trách nhiệm trấn áp những đám đông nông dân đói khổ, nhân cơ hội rủ nhau đi cướp bóc, đập phá các dinh thự và biệt điện thủ đô. Tài chỉ huy xuất sắc của Napoléon đã được cấp trên ghi nhận và thường tuyên dương, để Napoléon được lên cấp bậc đại úy 2 năm sau. Năm 1792 Napoléon trở về thăm lại một đảo Corse đang sôi động, do dân chúng hoặc theo hoàng gia Anh, hoặc tổ chức các cuộc vùng dậy chống chính quyền Paris, vốn đang phải phó với nhiều nhiều biến động sau cuộc bãi bỏ vương quyền. Napoléon được bầu là chỉ huy trưởng Lực lượng tiên phong của nhóm người tình nguyện chiến đấu đảo Corse, lại kiêm luôn chức Ủy viên chính phủ trung ương. Từ những nhiệm vụ lãnh đạo mới Napoléon càng chứng tỏ thêm được các khả năng trí tuệ lỗi lạc tiềm ẩn.
Tháng 2 năm 1793 "..người Pháp lần đầu tiên -và cũng là lần duy nhất chặt đầu vua của họ, Louis XVI.." khiến dân chúng nhiều tỉnh thành bất bình, tổ chức lắm cuộc nổi loạn. Riêng tại Toulon, nhóm bảo hoàng chiếm giữ thành phố, đi cầu viện rồi trao Toulon cho quân đội nước Anh, đang hợp tác với Tây Ban Nha, khi cả hai cường quốc đều trong thời cực thịnh, tung hoành mở mang bờ cõi nước nhà trên khắp các đại dương và biển rộng. Được bổ nhiệm trong cuộc dẹp loạn Toulon, Napoléon gây nhiều bất ngờ khi mạnh dạn chê trách cùng bất tuân lệnh từ nhiều cấp tướng tá chỉ huy, rồi liên lạc với giới có thẩm quyền cao hơn ở Paris để trình bầy thế trận theo chiến lược riêng.. Và Napoléon đã đem thiên tài quân sự để điều binh bố trận.. Dẫn đến việc vây bắt được vị tướng tài ba mà hoàng gia Anh rất trọng dụng và từng gởi đi chinh chiến trên khắp phương trời là Charles O'Hara, khiến quân lính cường quốc phải tháo chạy, để lại trận địa hơn 4000 xác đồng đội cùng 6 chiến thuyền tan nát.. Và nhóm chống đối ở thành Toulon cũng phải buông súng đầu hàng. Napoléon đến tham dự trận Toulon mang cấp bậc đại úy, chỉ không đầy 4 tháng sau, khi rời thành phố được giải vây, trên vai người chiến sĩ 24 tuổi đem đại thắng đã rạng ngời galon thiếu tướng /général. Lịch sử chiến trường Pháp luôn nhắc nhớ sự kiện thăng thưởng 4 cấp bậc trong vòng 4 tháng này.
Cuộc giải phóng thành Toulon là chiến trận đầu tiên mà Napoléon chỉ huy trong đời binh nghiệp. Để từ chức vụ thiếu tướng năm 1793, qua từng bước đã nhanh chóng dẫn đến công thành danh toại, L'Aigle /Đại bàng Napoléon đã chiến thắng vẻ vang 44 đại trận, cùng thắng cả 13 trận đụng độ nhỏ, chỉ thua tổng cộng 5 trận địa, và 2 hải chiến -với vương quốc Anh vốn luôn làm chủ tình hình trên mặt biển qua truyền thống vẻ vang từ nhiều thế kỷ. Và nếu Napoléon có những chiến thắng như 12 trên 13 trận với Ý làm rung chuyển đất bằng, để nước Pháp hãnh diện qua chiếc vương miện xưng vương của Napoléon, Vua nước Ý -Roi d'Italie năm 1805, cả toàn thắng Ai Cập, hoặc khiến máu nhuộm Âu châu với Đức, Anh, Tây Ban Nha, Áo, Phổ, Ba Lan, Nga.. Và nếu có những chiến cuộc và làm đổi thay thời thế như trận Austerlitz lẫy lừng được ghi danh qua nhiều đền đài và hình tượng trên thủ đô như Khải hoàn môn, tháp Vendôme.. Thì dù ít oi nhưng 7 thất bại cũng gây nhiều tổn thất cho Pháp, và dù mang quân đi chinh phạt nhưng việc mở mang bờ cõi nước nhà không mấy khả quan. Nhất là sau khi xưng danh hoàng đế với luật định cha truyền con nối, Napoléon đã tỏ rõ tính kiêu ngạo và độc tài, tạo ra một hoàng cung với giới trưởng giả giầu sang mới và những ban thưởng bè phái, lại cho giảm bớt quyền của Quốc hội, hay dẹp tan các mầm mống chống đối bằng một tổ chức công an mạnh bạo, cả thu hẹp quyền tự do.. Khiến dân Pháp sau khi hạ bệ vua quan bất công qua cuộc Cách mạng 1789, lại thấy được thay bằng một ngài hoàng đế và nền quân chủ chuyên chế.
Những cuộc chinh chiến mang danh guerres napoléonniennes -trong suốt thời huy hoàng của le petit caporal lên đến chót đỉnh danh vọng, từ 1800-1815 đã xé nát lục địa Âu châu. Dù đến từ tham vọng cá nhân phủ trên khắp các xứ sở viễn chinh của Napoléon, hay là câu trả lời vũ bão của thiên tài quân sự cho những gây hấn của các hoàng gia cận kề, hoặc những Liên minh chống Pháp.. Nhưng các chiến cuộc đã lấy đi sinh mạng của cả hai triệu người, mà hơn 400,000 là quân dân Pháp, khiến Napoléon trở thành nạn nhân của mỗi thất bại, dù nhỏ bé so với thành đạt. Napoléon bị áp lực phải chiến thắng trên mọi trận địa và lãnh vực, là niềm kỳ vọng của quân dân Pháp, nhất là của chính ông.. Các bại chiến nặng nề, như Trafalgar dưới tay đô đốc Horatio Nelson -vị anh hùng vĩ đại nhất lịch sử quân lực hoàng gia Anh, người đã dậy các sĩ quan trẻ của ông "You must hate a Frenchman as you hate the devil", hay với cuộc chiếm cứ 6 năm trên Tây Ban Nha, hoặc qua Liên hiệp giữa Nga và các nước thua cuộc để chống Pháp tại Leipzig và Moskova, với những tổn thất kinh hoàng cho cả hai bên, nhất là khi quân lính napoléonniens ngã chết như rạ ngoài đồng vì bị cô lập trong đói rét mùa đông xứ Nga, đã làm lung lay La Grande Armée và ngôi báu của hoàng đế Napoléon I.
Nằm giữa Place Vendôme, ngọn tháp hình cột bằng đồng xanh cao 44 thước, đường kính 3.6 thước được thiết dựng năm 1810 để vinh danh chiến thắng Austerlitz, với tượng Napoléon trong trang phục oai phong như hoàng đế César, do lấy theo kiểu dạng của cột bằng đá cẩm thạch trắng tôn vinh đại đế Trajan đặt tại Roma từ đầu thế kỷ II. Khắp thân cột được lắp với 425 miếng đồng khắc chạm các cảnh chiến trận, được nấu chẩy từ hàng trăm súng ca-nông tịch thu của Nga và Áo.
Năm 1814 Liên minh các nước Anh, Nga, Áo, Phổ ào ạt tấn công vào Pháp qua nhiều ngõ, do biết Napoléon đang ở thế yếu vì chưa đủ thời gian để đào tạo sĩ quan và binh lính qua những tổn thất quá nặng nề, lại làm mất lòng tin nơi dân chúng. Ngày 31-3-1814, Liên minh lần thứ 6 chống Pháp thắng thế trên các thành phố và với trận Marmont, đã hùng tiến vào Paris... Để L'Aigle /Đại bàng Napoléon đắng cay với thảm họa. Bị Thượng nghị viện truất quyền, Napoléon phải ký thỏa ước thoái vị tại Fontainbleau. Anh quốc và Pháp lấy quyết định đưa Napoléon sang hòn đảo nhỏ Elbe thuộc Pháp trên biển Méditerranée, cách ven bờ nước Ý 15 cây số.
Chỉ còn mang tước vị Hoàng đế đảo Elbe, 224 km2, 13.400 dân, và luôn bị canh chừng cẩn mật ngày đêm, Napoléon sống với một số thân thuộc, dùng thời giờ chỉ dẫn dân cư canh tân đảo, mở rộng đường sá, phát triển kinh tế, chỉnh đốn các luật lệ.. nhưng cũng ngấm ngầm nhiều tính toán. Để 10 tháng sau ngày lên đảo, Napoléon thoát khỏi Elbe trở về Pháp. Quân đội được lịnh trấn giữ, nhưng lại cùng đồng lòng đứng sau lưng vị lãnh đạo cũ. Napoléon tái chiếm vương quyền dễ dàng từ tay vua Louis XVIII để lên ngôi hoàng đế lần thứ hai. Và đây là khởi đầu cho "Giai đoạn 100 ngày" sắp tới, quyết định vĩnh viễn binh nghiệp và vương phận danh nhân.
Thêm một lần nữa Liên minh Âu châu, chỉ huy bởi tướng Wellington của hoàng gia Anh với số binh lính đông gấp đôi quân đội Napoléon, cùng nhau quyết chí trả mối thù chung của những lần thất trận, nhất là với hào khí của một năm trước Liên minh đã khiến hoàng đế Pháp phải bỏ nước ra đi. Và Napoléon đã dùng tất cả tài lực cùng mưu trí cho cuộc chiến mà ông biết là định mệnh cuộc đời.. Để thắng được vài trận đụng độ sơ khởi. Nhưng L'Aigle đã mỏi cánh, quân đội sa sút, thêm vài sai lầm chiến thuật.. Và cuộc chiến bại tại Waterloo ngày 18-6-1815 là phát súng cuối cùng kết liễu tất cả những ước vọng tha thiết nhất của cuộc đời danh tướng, và là ngày tàn của Empire napoléonien, dẫn đến việc hoàng đế phải thoái vị lần thứ hai. Liên minh thắng trận mang Napoléon sang nước Anh để lấy quyết định chung.. Rồi đem cựu hoàng lên chiến thuyền Northumberland, để sau hơn 2 tháng lênh đênh, ngày 15-10-1885 Napoléon đặt bước lên bờ biển của Saint Helena, bị giam lỏng trên hòn đảo vắng nằm lẻ loi giữa mênh mang sóng nước Đại Tây dương.
Saint Helena thuộc hoàng gia Anh là một đảo có nguồn gốc từ núi lửa, ở vạn dặm xa Âu châu, cách bờ đất gần nhất châu Phi hơn 2000km. Người Anh chỉ định cho Napoléon và nhóm tùy tùng trung thành vùng đất chênh vênh và biệt lập Longwood, cao 540 mét hơn mặt biển nên quanh năm nghe vọng tiếng gió hú sóng gào, ở trong một trang trại được sửa sang lại thành nhiều gian nhỏ. Hoàng gia Anh cũng biệt phái đến hơn 3000 người, từ binh lính đến các sĩ quan và gia đình đến đảo St Helena sinh sống, cả cho một tầu chiến vòng quanh nhằm mục đích liên tục canh chừng danh nhân biệt xứ rất đặc biệt này.
Napoléon có cuộc sống buồn tẻ trong một phạm vi hạn định, gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn thường nhật, bị cô lập không thể giao tiếp hay nhận dễ dàng tin thư thân quyến. Phải chịu đựng ẩm thấp giá buốt mùa đông, cái nóng điên người vào hạ do sự trù dập của tổng trấn đảo là Sir Hudson Lowe -đã theo đúng lời chỉ dậy của đô đốc Nelson "You must hate a Frenchman as you hate the devil". Napoléon giữ thói quen luôn mặc quân phục, đọc rất nhiều sách và tài liệu, viết hồi ký Le Mémorial de Sainte-Hélène, khu vườn nhỏ trồng hoa và rau đậu cũng là niềm vui nhỏ giúp bớt suy tư..
Ngày tháng dần qua, Napoléon sống mòn mỏi như chiếc bóng của chính mình.. Sau gần 6 năm trên đảo St Helena, sức khỏe Napoléon có nhiều triệu chứng xấu, mà một y sĩ định bệnh là từ gan, có thể ung thư gan, nhưng không cho chữa trị nào tương xứng. Napoléon bắt đầu làm chúc thư, ghi lại những dặn dò và mong muốn. Để đến lúc, sau một tuần lễ nửa mê nửa tỉnh trong đớn đau thể xác, những tiếng thì thầm thống khổ cuối cùng của L'Aigle, Đại bàng gẫy cánh là France.. Armée.. Joséphine... *Napoléon Bonaparte trút tàn hơi, qua đời vào buổi chiều ngày 5-5-1821 ở tuổi 52.
Quan tài Napoléon được hạ xuống giữa một mảnh đất của La vallée du Géranium gần một mạch nước, nơi ông vẫn lần bước hiu quạnh giữa rừng thông xanh bạt ngàn và đã nêu ước vọng này, nếu không thể mang thi hài về Pháp. Nấm mộ không có được tấm bia ghi tên tuổi, bởi lòng căm thù dai dẳng của ông tổng trấn Lowe. Nước Pháp nhiều năm sau được sang nhượng từ Anh quốc phần đất vài mươi mẫu trên đảo Saint Helena, nơi Empereur đã sống những năm cuối đời, gồm trang trại Longwood House và khu thung lũng phần mộ được thay tên bằng La Vallée du Tombeau, gọi chung là Domaines français de Sainte-Hélène.
* Hải đảo Saint Helena
Hoàng gia Anh chiếm St Helena từ nhiều thế kỷ trước, dành làm trạm ghé cho những thương thuyền từ Á châu hay Ấn Độ qua Âu châu, cả xây nhà tù giam tội phạm quan trọng thời thuộc địa. Ngày nay St Helena có số dân 4250, sống rải rác khắp 122 km2 đồi núi xanh tươi, mà chỉ 864 người chọn thủ đô Jamestown -một thung lũng hẹp dài 1,5km giữa 2 sườn núi cao, khó cho sự tiếp nhận sóng truyền hình hay internet. St Helena không có phi trường, cả không hải cảng, thuyền lớn phải thả neo từ xa rồi dùng những canô nhỏ vào bờ, thỉnh thoảng mới có thuyền tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân cư. Số lượng khách viếng chỉ được vài ngàn mỗi năm vào mùa xuân khi đôi lần có chiếc du thuyền to ghé đến, cho mọi người khám phá đảo xa, thăm ngôi mộ trống, khu đồi Longwood và dẫy nhà lưu giữ một số kỷ vật của danh nhân đã đi vào lịch sử và huyền thoại Pháp. Bởi chính tên tuổi của Empereur đã đặt hòn đảo nhỏ này lên bản đồ thế giới, vì chỉ cần nói Sainte-Hélène hay Saint Helena là chắc chắn bất cứ người Pháp nào, hay ai khác có chút kiến thức đều thốt lên "Napoléon!".
Khách viếng vẫn xuýt xoa trước khí hậu trong lành thánh thót tiếng chim ca, thiên nhiên bát ngát, rừng xanh bên núi đồi cao biển rộng, thành phố và xóm làng nơi nơi đều toát vẻ an bình, nhưng cũng ít nhiều ngạc nhiên trước sự cô lập của hải đảo thuộc hàng lẻ loi nhất trên đại dương này. Thăm St Helena không dễ dàng, như chính gia đình chúng tôi đã.. nếm mùi vài năm trước. Do rất yêu thích và đánh giá cao lịch sử cùng văn hóa Pháp, nên thật thích thú với cơ hội hy hữu khi du thuyền tiến gần St Helena cho thấy khe núi hẹp, ghềnh đá cao và thấp thoáng những ngôi nhà của đảo vắng, cả bờ đá với một dẫy dài xe chờ khách.. -Và chấm hết!! khi thuyền trưởng từ loa báo tin là rất tiếc, chuyến thăm đảo không thành vì biển động sóng to đập vào sườn đá, có thể gây nguy hiểm cho tenders khi mang khách vào bờ. -Thật là vỡ mộng lành. Lại nghe bà bạn người Pháp âu sầu: chúng tôi chọn chuyến hải trình này bởi là cách duy nhất đến thăm nơi ở lúc cuối đời và thấm thía hơn cho nghịch cảnh của Empereur, nay thật công đổ biển! Một ông từ London thở dài: anh bà con tôi sống trên đảo này hơn chục năm nay, đây là cơ hội hiếm hoi cho chúng tôi gặp nhau, mà..!
Bởi "Where there's a will, is a way" nên cánh cò được dịp thảnh thơi bay bổng cả ngày trên Saint Helena. Để nhìn sóng cuốn bạc đầu từ ghềnh đá của những buổi hiu quạnh hoàng hôn Napoléon. Rồi tự hỏi không biết Empereur nghĩ gì khi phóng mắt nhìn ra xa vời vợi đại dương. Có thấy mình như một cây thông lặng lẽ đứng giữa trời cao đất vắng thầm kêu lên niềm tuyệt vọng ? Có nhớ về một quá khứ lẫy lừng vang danh thiên địa, những ngời ngời danh vọng hay khi bóng tối phủ đầy ? Có quên không những bãi chiến trường và vạn triệu nghiệp người bạc phận ? Hay nhớ.. và nhớ, để ghi lại trong tâm trí một di sản nào phi vật chất.
Khách thăm St Helena được thú vị biết thêm về hải đảo, như dân đa số đến từ Anh quốc, chắc thuộc dạng ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao, nên mới chọn chốn thanh nhàn xa cát bụi và hỗn độn thị thành, cả không màng biết đến bao xáo động thế gian. Dân đảo được hưởng khoản tiền xa xứ, làm việc với mức lương cao, có trang trại riêng hay từ mọi thu nhập mà không phải đóng thuế -như ở trên nhiều hải đảo lẻ loi khác, chinh phục từ những thế kỷ xưa mà hoàng gia Anh phải gìn giữ, dù chỉ có vài chục cư dân. Do đôi ba lần một năm mới có dịp đón đông khách đến nên dân đảo vắng hân hoan như trẩy hội, bao nhiêu xe to nhỏ được trưng dụng mang ra bến ríu rít chào mời. Hàng quán souvenirs và bánh trái quà nhà bầy biện trên các khu khách viếng, hay trên con đường chính của Jamestown có thánh đường Saint James, thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa nho nhỏ, vài ba hàng quán, hotel.. Khách được mời lên xe đủ cỡ và kiểu dạng, vòng quanh thăm phong cảnh đồi rộng núi cao và chập chùng thung lũng, rất ngoạn mục. Ghé Plantation House là nhà ông toàn quyền, trên sân cỏ xanh có 4 cụ rùa, mà một cụ mang trên chiếc mai sần sùi của 182 tuổi trần thế. Khách nào còn sức lực thì có Jacob's Ladder, 280 thước cao và 699 bậc để thử lần bước leo trèo, đến tận Ladder Hill Fort và High Knoll Fort xây bằng những tảng đá tạc nên còn tồn tại vững vàng.
* Hotel Les Invalides de Paris là một quần thể nhiều dẫy nhà cao tầng rất bề thế nằm trong một khuôn viên thênh thang rộng, trên quận 7 gần khu vực St-Germain-des-Prés và các dinh thự nổi danh nhất thủ đô như École Militaire, Musée d'Orsay, Le Grand Palais et Le Petit Palais, Tháp Eiffel.. Mặt tiền phía Bắc được tô điểm với một khoảng sân hoa cỏ xanh tươi rộng 32.888m2, hướng ra sông Seine nơi nằm thanh thoát cây cầu Alexandre III. Được khởi công xây dựng năm 1671 từ lịnh Louis XIV, Le Roi Soleil vị vua vĩ đại nhất của hoàng triều Pháp, nhằm chăm sóc thương phế binh quân đội hoàng gia, Điện Invalides có thể tiếp nhận đến hơn 4000 người qua các khu bịnh viện, trại điều dưỡng.. Cả dùng làm Viện bảo tàng Lịch sử Vũ khí, Bảo tàng Pháo binh.. Được dành riêng một khu vực làm tu viện với thánh đường Saint-Louis, một tuyệt tác của kiểu thiết kế bán cổ điển, có mái vòm cao 107 thước tô phết nhiều lớp vàng ròng chói ngời, là điểm lộng lẫy gây chú ý nhất Paris những ngày rực nắng. Qua thời Napoléon, Empereur đã nhiều lần đặt bước đến thăm thương binh và lấy quyết định dùng toàn phần khu vực đẹp nhất của Điện Invalides này, để làm phần mộ vinh danh những anh hùng lẫy lừng nhất của hoàng triều.
Trong chúc thư Napoléon đã để lại ước vọng "Tôi mong muốn rằng nắm tro tàn của tôi được an nghỉ bên ven bờ sông Seine, giữa lòng dân tộc Pháp mà tôi đã vô cùng yêu quý". Qua nhiều thỉnh cầu của hoàng gia Pháp, nhưng mãi 19 năm sau khi Napoléon qua đời Anh quốc mới chấp thuận trao trả hài cốt của cựu hoàng. Vua Louis-Philippe cho hoàng tử François-Ferdinant cầm đầu một phái đoàn gồm các quan tướng và nhân vật có trọng trách trong chính quyền, những người hầu cận đã chăm sóc Empereur đến giây phút cuối, cùng nhiều binh lính, các trẻ nhỏ hát thánh lễ, linh mục, bác sĩ.. theo chiến thuyền Belle-Poule, được trang trọng sửa soạn với cờ hiệu và trướng sắc vương triều, trên boong tầu phủ vải nhung đen thêu chỉ bạc với một phòng táng và 4 tượng chim đại bàng phết vàng chầu ở 4 góc, cho cuộc rước linh cửu cựu hoàng về với quê hương và dân tộc.
Tại Vallée du Tombeau, sau gần suốt đêm cho việc cải táng dưới cơn mưa lạnh ngày 15-10-1840, đúng 19 năm sau khi Empereur đặt chân lên đảo St Helena sống chuỗi ngày biệt xứ, chiếc hòm lớn chứa 3 chiếc khác, bằng chì và các loại gỗ quý được mang lên khỏi lòng đất, cẩn thận mở ra.. Để nhóm người đón rước không ai cầm được nước mắt, nhiều thân cận cũ bật khóc thổn thức.. Thi hài Napoléon I, Premier Empereur de France hầu như còn nguyên vẹn nằm thanh thản trên vải lụa. Đường nét khuôn mặt bình an, trên cằm thấy lấm chấm dấu râu, lông mi vẫn còn trên đôi mắt nhắm. Hai bàn tay trắng xanh với những ngón tay và móng dài, cánh tay trái đặt lên hông, quân phục mầu xanh và những huân chương vẫn giữ tươi mầu sắc trên lồng ngực danh tướng.. Sau cuộc nhận diện, chiếc hòm cũ được niêm khóa lại và đặt trong 6 chiếc hòm khác bằng kim khí và gỗ hiếm được trân trọng mang theo, phủ lên một tấm thảm nhung thêu chim đại bàng đội vương miện hoàng đế với chỉ vàng lộng lẫy. Và toàn bộ khối nặng đến 1200 kilô này được vận chuyển bởi 43 pháo binh trên một xe tang phủ vải đen, kéo bởi 4 con ngựa cũng được choàng vải đen.. Để lần từng bước dốc khó khăn trên những lối mòn xuống bờ biển, giữa tiếng kèn trống quân nhạc, tiếng trẻ đoàn hát thánh ca và đại bác nổ vang trời đón tiếp trọng thể từ chiến thuyền Pháp.. Linh cữu Napoléon khi đến hải cảng Le Havre được chuyển lên một thuyền nhỏ, để theo dòng nước sông Seine, mà khi qua từng thành phố luôn thấy tấp nập người đứng chào kính hai ven bờ. Thuyền về đến Paris ngày 14-12-1840.
Với tất cả những huy hoàng và tôn vinh cao trọng nhất mà nước Pháp có thể mang ra trao tặng, cuộc rước linh cữu Empereur từ bến sông về đến Điện Invalide thật làm ngợp trời thủ đô, với hằng hà sa số những đám đông lũ lượt chen chân, cả ngồi đầy kín trên những mái nhà và cửa sổ, leo trèo lên kèo cột để nhìn đoàn kiệu rước với nhiều xúc động lẫn tò mò, dười trời giá rét căm căm -10 độ âm như Paris ít khi nào có. Cỗ xe mang linh cữu Empereur là một kiệt tác, rất lộng lẫy đã cùng đoàn xe tang trang trọng diễn qua giữa khung vòm của Khải Hoàn Môn, vinh danh trận đại thắng Austerlitz do chính Napoléon chỉ thị thiết kế. Tiếp tục chầm chậm tiến giữa tiếng reo chào trên đại lộ mỹ miều Champs-Élysées, băng ngang Place de la Concorde.. để dừng lại trên Les Invalides, biệt điện dành để tôn vinh danh tướng được vua Louis-Philippe chỉ thị để đón rước vị hoàng đế đầu tiên của nước Pháp. Tiếng kèn trống rộn rã, tiếng đại bác nổ dồn, hàng hàng lớp lớp quân lính của đủ mọi binh chủng đã dàn chào trước sân rộng. Vua Louis-Philippe và toàn thể hoàng triều cùng đầy đủ các cấp chỉ huy đã đợi sẵn trong thánh đường Saint-Louis.
Dưới nóc vòm chói ngời, giữa trung tâm căn phòng hình tròn rộng mở là một quách bằng đá đỏ quý hiếm quartzite dành đựng quan tài của Empereur, đặt trên một bục 2 tầng tạc bằng đá granite xanh. Hoàng đế Napoléon I đã về an nghỉ trên nước Pháp, ven bờ sông Seine, giữa lòng dân tộc Pháp mà ông vô cùng yêu quý. Để huyền thoại Napoléon sống mãi trong lòng người và theo lịch sử nước nhà.
**
Cuộc đời danh nhân với hàng ngàn vạn trang sử sách.. Được tóm tắt qua bài gom góp nhỏ hẹp này, nhất định mang nhiều thiếu sót và sơ xuất. Bài viết lấy cảm hứng nhân dịp nước Pháp kỷ niệm 200 năm sau ngày 15-10-1815, khi Empereur đặt chân lên đảo Saint Helena sống đời biệt xứ. Một phái đoàn thuộc Câu lạc bộ Những người yêu mến Hoàng Đế Napoléon đã đặc biệt tổ chức một chuyến hải hành tưởng niệm đến Sainte-Hélène. Thăm ghềnh đá xưa. Viếng căn nhà Longwood và nấm mộ trống của hoàng đế. Lần bước xót thương trên vài lối mòn, nơi đã từng ghi dấu chân danh tướng. Tâm trạng vĩ nhân được Victor Hugo, đệ nhất văn hào nước Pháp chuyển đạt qua bài thơ:
Waterloo ! Waterloo ! morne plaine !
Comme une onde qui bout dans une urne trop pleine..
D'un côté c'est l'Europe, et de l'autre la France !
Choc sanglant ! des héros Dieu trompait l'espérance,
O, Waterloo ! je pleure, et je m'arrête, hélas !
Waterloo, ce plateau funèbre et solitaire..
Napoléon les vit s'écouler comme un fleuve..
Levant les mains au ciel, il dit : - Mes soldats morts,
Moi vaincu ! mon empire est brisé comme verre.
Moi vaincu ! mon empire est brisé comme verre.
Est-ce le châtiment cette fois, Dieu sévère ?
Alors parmi les cris, les rumeurs, le canon,
Il entendit la voix qui lui répondait : non !
*Victor HUGO (1802-1885: Châtiments)
*Huyền Anh - BTX69
Gửi ý kiến của bạn