Đời lính, anh em và ngày giổ mẹ.

27 Tháng Giêng 20164:23 CH(Xem: 5412)

Đời lính, anh em và ngày giổ mẹ.

Trần Ngọc Toàn

Vào năm thứ ba, ở trường Võ Bị, khi được chính thức thông báo Không Quân sẽ lấy 30 tân Sĩ quan tốt nghiệp, tôi liền ghi danh để đựơc khám sức khỏe tại Tân Sơn Nhất. Lúc ấy, Liên đoàn Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) với ba khóa học cơ hữu  về tham dự cuộc diên hành lớn, nhân ngày 26 tháng 10, tại Sài Gòn. Tôi có người anh ruột, do bất mãn gia đình, bỏ nhà đăng vào lính Thủy Quân Lục Chiến ở Nha Trang. Lúc ấy, còn gọi là Tiểu đoàn 1 Đổ Bộ, hậu cứ ở Nha Trang. Anh bỏ nhà đi khi đang học lớp Đệ Tứ của trường trung học công lập Quang Trung tại Đà Lạt. Anh em tôi bị mất mẹ sớm, phải ở với bà dì ghẻ, cha lại thường đi xa, không hề dòm ngó đến con. Cảnh nhọc nhằn và bị chèn ép đưa đẩy người anh rời bỏ gia đình, đi biệt về quê Ngọai ở Nha Trang. Gia đình bên Ngoại rất giàu tình thương nhưng lại sống nghèo khó trong xóm dừa bên sông Cái, nên chẳng ai đùm bọc được người anh. Cuối cùng, trong lúc túng quẩn, anh đã cùng vài bạn trẻ đi hoang , từ Đà Lạt, đầu quân vào Tiểu đoàn 1 Đổ bộ, ở Cầu Đá , Nha Trang. Tình hình chiến trận, vào những năm 1959, 1960 chưa có gì đáng kể, ngòai những hoạt động du kích của Việt Cộng. Riêng phần tôi cố bám theo học cho đến khi thi đậu Tú Tài là nhào ngay vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, với chương trình học 4 năm. Tôi vẩn giữ liên lạc với anh tôi, qua thư từ và được biết lúc này, anh đã được chuyển về dạy học , ở trường Tiểu học, trong Trại Gia binh. Lúc còn đi học, anh là một học sinh giỏi nhưng tính lãng mạn và ngông nghênh vì thiếu sự chăm sóc của người cha. Mẹ mất khi anh lên 11 tuổi đã tạo một vết thương tinh thần. Anh luôn tự tìm cho mình một lối thoát mà không ai chỉ dẩn. Những là thư của anh gởi cho tôi từ KBC 3333  luôn mang những câu văn mơ mộng và lơ lửng như người ở giửa tầng mây. Dù tôi biết anh đã sống trong Trại Lính, với số lương ít ỏi và quần áo trận rằn ri cấp phát hàng 6 tháng nhưng tôi chưa làm đuợc gì để giúp anh. Tôi luôn canh cánh bên lòng sẽ thực hiên ước nguyện.

Sau tuần lễ diển hành tại Sài Gòn, tôi được lọt qua vòng khám sức khỏe ở Tân Sơn Nhất. Về lại trường Võ Bị, ngày nào tôi cũng mơ tưởng đến nếp sống của một Phi công hào hùng. Nghe nói Khóa của tôi qua Không Quân sẽ được đưa qua Mỹ học lái Trực Thăng. Lòng tôi vui sướng, mừng rơn như đang bay bổng. Tôi còn mơ tưởng có ngày ghé về Đà Lạt, với bộ đồ bay màu xám và khẩu súng Ru lô lủng lẳng bên dây đạn, dạo phố Hoà Bình. Vào thời gian này, thỉnh thoảng ở phố Đà Lạt cũng xuất hiện những nhóm người mặc đồ bay. Họ đuợc đãi ngộ ít ngày tươi mát sau những lúc căng thẳng ngoài chiến trường. Lúc ấy, Không Quân có một biệt thự nghỉ mát trên đường Cô Giang.

Vào mùa Quân sự năm thứ ba, Khóa 16 của tôi được lên máy bay vận tải C123, ở Phi trường Cam Ly, về Nha Trang để dự khóa ngắn ngày Rừng Núii Sình Lầy, tại Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân,  Dục Mỹ. Do thời tiết, các chuyến bay đến Nha Trang qúa trể nên không thể lên xe đi Ninh Hoà, cả Khóa đựơc cho tạm trú ở Hậu cứ Tiểu đoàn 1 Đổ Bộ, về sau là TQLC. Khi bạn bè lo thu xếp chổ ngủ, tôi mừng quá, tức tốc đi tìm gặp anh tôi. Người Thượng sĩ già Quản lý Câu Lạc Bộ cho biết anh tôi vừa được gọi ra trình diện Tiều đoàn đang hành quân trên Ban Mê Thuột. Ông Thượng sĩ gầy nhom với gương mặt đầy vết nhăn sương gió, ân cần hỏi: “Chuẩn uý là gì của anh Hiệp? Tôi vội vả nói tôi còn là SVSQ không phải Chuẩn Uý và là em ruột của anh Hiệp” Ông nói: “Hiệp nó rất dễ thương nhưng tính ngang bướng. Nghe nói nó cự nự gì đó nên bị đổi ra tác chiến.” Tôi lúng túng không biết làm thế nào. Mải một lúc sau, tôi nhìn thẳng vào hai mắt vị Thượng sĩ, hỏi:”Anh tôi còn nợ gì với Câu Lạc Bộ không?” Ông trả lời nhanh gọn: “Hai trăm mấy”. Ông Thượng sĩ quay ra ngăn hộc quay tính tiền, lất ra cuốn tập vở nhàu nát, rồi dở dở từng trang tìm kiếm. Lúc sau, ông đưa ra trước mặt tôi trang giấy mở đầy con số. Tôi nhận ra ngay nét chử quen thuộc của anh mình.” Đấy số ghi nợ do chú ấy viết” Không nói gì, Tôi móc ví lấy ra đếm đủ số tiền, rồi trao tay cho ông và nói:” Tôi trả món nợ này cho anh tôi. Nhờ Thượng sĩ ghi nhận vào sổ giùm. Ông Thượng sĩ nhìn tôi như muốn trấn an: “Cậu yên chí.Tôi xem Hiệp như em của tôi.  Khi nào nó về tôi sẽ nói cho nó biết”.

Rồi tôi chìm sâu trong mấy tuần lễ lặn hụp trong Căn cứ Sình Lầy, ngày đêm ở Dục Mỹ. Ngày trở về Đà Lạt, bọn tôi đen thui với nắng gió Ninh Hoà. Lần này, tôi đổi ý không muốn đi Không Quân nửa. Tôi muốn về Thủy Quân Lục Chiến để có cơ hội giúp cho người anh khốn khổ của mình. Chấm dứt mùa Quân sự, vừa bước qua niên học thứ tư, với việc xuất trại đựơc mặc thường phục, vào tháng 12 năm 1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lệnh đồng loạt mãn khóa, từ Khóa 16 Đà Lạt, Khóa 12 Thủ Đức và Khóa 3 Đồng Đế Nha Trang, do nhu cầu chiến trường. Binh chủng TQLC không cho người lên Đà Lạt tuyển chọn và cho biết họ chỉ lấy có 10 tân SQ. Khó mà tranh chân vào Binh chủng này sau khi Thủ khoa Bùi Quyền tình nguyện về Nhảy Dù và Á Khoa Nguyễn Xuân Phúc chọn TQLC. Nhưng rồi tôi cũng lọt được về TQLC, nhường chổ Không Quân cho bạn cùng khóa là Lâm Quang Đằng.Chúng tôi hăng hái lao đầu xuống núi, đến khắp các Quân Binh chủng.

Mải đến tháng 9 năm 1964, lúc đang nắm quyền Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 TQLC, khi hành quân từ Bến Tre trở về hậu cứ Vũng Tàu, đơn vị tôi đuợc  lệnh dừng chuyến xe chuyển vận, vào tạm trú ở Hậu cứ Tiểu đoàn 1 TQLC, tại Thủ Đức, khi vị chỉ huy đi nhận lệnh ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Lúc này Hậu cứ của TĐ 1 TQLC đã chuyển từ Nha Trang về Thủ Đức. Tôi vội tìm thăm anh tôi, nay đã trở lại nghề dạy học ở trường Tiểu học Gia Binh TQLC. Sau khi hỏi quanh không ra, tôi vào ngay Câu Lạc Bộ đơn vị. Bất ngờ tôi gặp ngay lại vị Thượng sĩ ngày xưa. Ông lắp bắp :” Chào Thiếu Úy. Để tôi nhờ ngưới tìm chú Hiệp cho. Mới nhậu nhẹt lúc chiều nay.” Tôi gọi một chai bia 33. Đêm hậu cứ ở đơn vị tác chiến vắng lặng với đèn mù mờ. Ở một góc CLB, mấy người lính từng bị thương, phục vụ tại Hậu cứ đang kế cà bên đống vỏ chai Con Cọp ngổn ngang. Chợt người anh của tôi tứ bóng tối bước vào, mỉm cười nhìn tôi, nói: “Chú có biết ngày hôm nay là ngày giổ Má không?” Rồi anh quay sang đám đông, nói lớn: “Đây là em ruột của tôi ở Tiểu Đoàn 4. Thiếu Úy”. Tôi nhìn anh, hỏi “Anh uống gì không?” Anh khoác tay nói: “Nhậu từ chiều đến giờ”. Tôi nói thêm như xin lỗi “Hành quân mải miết, bù đầu nên quên mất ngày giổ của Má.” Anh Hiệp nói: “Hồi chiều tôi có nhờ Thượng sĩ Tính dọn một bàn ở góc Câu Lạc Bộ, rổi đặt tấm hình của Má lên để cúng. Sơ sài thôi.” Rồi như sực nhớ điểu gì, anh tiếp lời “À chú nhớ Thượng sĩ Tính hả. Ông có kể hồi còn ở Nha Trang chú có trả tiền nợ cho tôi”. Tôi còn nhiều điều muốn hỏi thăm anh nhân chuyến gặp nhưng bổng người lính mang máy Truyền tin chạy vào, nói lớn “Sao Mai. Sao Mai (Danh hiệu ĐĐT) Đại Bàng gọi Sao Mai lên họp gấp” Chẳng đặng đừng, tôi vội đứng dậy, móc ví lấy một xấp tiền mặt cầm tay đưa cho anh Hiệp” Anh cầm đở để tiêu dùng” Tôi quay lưng theo chân người Hạ sĩ. Nỗi xúc động trào dâng trong lòng.

Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng vẩn giữ nét mặt bình thản khi Tôi bước vào phòng họp. Các Đại đội trưởng đã đông đủ. Thiếu tá Nho nói với giọng mệt mỏi: “Tôi vừa được lệnh của Lữ Đoàn sáng mai di chuyển lên ngả ba Tam Hiệp, nhận lệnh hành quân của Quân Đoàn. Các ông trở vể kiểm điểm lại quân số và sẳn sàng di chuyển vào lúc 5 giờ sáng. Chỉ có vậy thôi.” Tôi bối rối vì biết chắc đám lính đã có một số dông ra Thủ Đức. Sáng sớm hôm sau, Đại đội gồm 140 người kiểm điểm lên xe chỉ được 112. Đoàn xe chạy xuyên qua chợ Thủ Đức lên Xa lộ Biên Hoà. Không rỏ từ đâu, đám lính TQLC nhào ra mặt đường đón nhảy lên xe, tỉnh như không. Từ ngã tư Xa Lộ Biên Hòa, Quân Cảnh dẩn đường cho đoàn xe chạy xuyên qua thành phố Sài Gòn, qua ngả tư Hiền Vương và Trần Quốc Toản. Đám lính trên xe reo hò tở mở khiến người hai bên đường nhìn theo bở ngở. Mãi đến chiều, Tiểu đoàn dừng lại ở một sân Vận động của tĩnh Hậu Nghĩa. Sau lưng là Đồng Tháp Mười cỏ lát cao ngút ngàn. Được lệnh đóng quân qua đêm. Tờ mờ sáng hôm sau, đơn vị được Trực thăng bốc thả vào một khu rừng mía mênh mông trải sát biên giới Việt Miên. Ở đây, muốn phân biệt biên giới cứ nhìn theo cây Thốt Nốt là đặc sản của Miên. Tin tình báo cho biết VIệt Cộng với quân số và vũ khí xâm nhập từ Miền Bắc vào, lên đến cấp Sư đoàn, đã liên tục quấy rối, từ Tây Ninh qua Hậu Nghĩa. Trong tuần qua, chúng đã đánh phá tan hai Đồn Địa Phương Quân, nằm bảo vệ trục tĩnh lộ từ Hậu Nghĩa đi qua Đồng Tháp Muời đến Trảng Bàng, Tây Ninh. Chúng dự định đánh chiến tĩnh Hậu Nghĩa gây tiếng vang cho cái gọi là Mật Trận Giải Phóng Miền Nam. Với quân số thiếu hụt, tôi buộc phải bỏ bớt đơn vị Súng Nặng, thêm bộ binh chiến đấu.
 
Từ trên trực thăng nhìn xuống cánh đồng Mía xanh ngắt, lòng tôi tự dưng chùng xuống. Nhớ đêm hôm trước ở Hậu cứ TĐ1 chưa kịp chuyện trò gì với người anh, lại còn quên cả ngày giổ mẹ. Phía dưới đất tình hình có vẻ yên tĩnh. Rừng cây mía khuất đầu người che kín cả tầm quan sát chung quanh. Nền đất đen được vun bồi để trồng trọt vẩn còn trơn trợt. Theo lệnh, đơn vị phải mở đường, càn quét địch suốt từ Hậu Nghĩa, qua Đồng Tháp đến Tha La Xóm Đạo, Trảng Bàng. Chưa thấy dấu hiệu gì của Việt Cộng. Khi trời ngả bóng chiều, đơn vị tiến đến con tĩnh lộ trải đá. Lính tráng mệt mỏi. ơ hờ bước đi với ba lộ nặng trĩu trên lưng và khẩu súng quàng giây lủng lẳng trước ngực. Xóm làng dân phía trước lưa thưa mấy nóc nhà. Không một bóng người. Nắng đã tắt. Ai cũng mang ý nghĩ đêm nay sẽ dừng quân ở xóm nhỏ bên đường. Tự nhiên cả đơn vị đổ lên mặt đường. Hai bên ruộng lúa đã ngập nước. Không ai muốn phá hại mùa màng. Nhưng linh tính cho biết nguy hiểm gần kề, tôi cho lệnh một toán lính tiến nhanh lên phía trước trinh sát. Đơn vị tạm dừng quân. Đám lính mệt mỏi ngồi xuống bên vệ đuờng. Tôi tiến lên với Tiểu đội biệt kích và Truyển tin.Vào đúng lúc tổ trinh sát vừa chạm đầu ngỏ, tiếng súng AK nổ lên chát chúa. Lính tự động dàn hàng ngang xung phong. Khí thế ào ạt. Hạ sĩ Tú mang máy Truyền tin hổn hển chạy theo “Sao Mai . Đại Bàng muốn biết tình hình. “Cứ nói mình chạm địch”.
Vừa dứt câu nói, tôi bổng thấy người lao đao vì bị một sức lực đẩy mạnh vào vai trái. Theo phản xạ, tôi đưa tay lên sờ vào phần trên ngực. Máu ấm đã ướt cả bàn tay. Chạy thêm vài bước, tôi ngã xuống sống soài. Ngưới lính hốt hoảng nhào xuống đở: “Sao Mai trúng đạn rồi”. Đám lính chen vào xem. Tôi la lên “Nhào lên đi!”
Nhờ hai Đại đội phía sau đánh gọng kềm, Tiểu đoàn nhanh chóng chiếm mục tiêu. Tôi được khiêng lên năm trên chiếc Băng ca chờ Trực thăng tản thương. Người lính Cận vệ Binh 1 Sơn chạy đến quỳ xuống, nói lặp bặp” Sao Mai có sao không?” Rồi anh tiếp “Sáng sớm nay, khi Tiểu đoàn di chuyển, anh ruột của Sao Mai có chạy theo đưa cho em một tấm hình. Ảnh nói gởi cho Sao Mai tấm hình của Má Sao Mai. Tôi bàng hoàng ngẩng nhìn lên. Đó là bức ảnh của mẹ tôi chụp lúc bà lấy thẻ căn cước. Gương mặt trái soan xinh xắn và đôi mắt đen láy. Một lọn tóc quăn tự nhiên, buông thỏng xuống một bên vầng trán. Mẹ tôi đột ngột qua đời khi tôi mới lên 9 tuổi. Tôi với tay cầm lấy bức ảnh rồi áp vào phía bên ngực không bị thương. Lòng cảm thấy ấm lại và rưng rưng nổi niềm nhung nhớ. Mẹ tôi luôn theo bên tôi che chở.

Trần Ngọc Toàn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn