República de Panamá
Hai lục địa Bắc và Nam Mỹ rộng thênh thang trù phú được nối liền bởi dải eo đất Trung Mỹ -ngắn và nhỏ lửng lơ giữa hai đại dương Atlantic và Pacific, do chiều ngang có nơi chỉ được trên dưới 80 km. Trung Mỹ gồm 7 xứ sở nhỏ hẹp mà đa số còn nghèo, riêng República de Panamá với 75.420 km2 và 3.66 triệu dân, may mắn có được đất nước xinh tươi, khí hậu và môi trường tốt đẹp, ít thiên tai hay bão tố, dân trí tiến bộ với mức sống khá cao, kinh tế tăng trưởng đều, thuộc hàng đầu trên các xứ châu Mỹ La-tinh. Như nhiều quốc gia nhỏ trời Âu: Na Uy, Đan mạch, Thụy Điển, Luxembourg.. Panama không thiết lập quân đội vũ trang, dành ngân quỹ để lo cho nước nhà, bảo tồn môi trường phần đất Panama có nhiều sông hồ và lắm khu rừng xanh sinh thái.
Panama phát triển tốt nhờ dòng kênh đào Panama dài 77 cây số, là thành quả xuất sắc đem lại lợi nhuận đến 45% GDP /Tổng sản lượng quốc gia. Một thí dụ: khi chiếc du thuyền lịch lãm Norwegian Pearl chở khách thăm xuyên qua kênh đào, phải trả phí tổn US$375.000. Panama Canal được xem là công trình kiến trúc vĩ đại nhất, là kỳ quan xây dựng dời đổi thiên nhiên quan trọng hàng đầu của thế kỷ XX. Cùng với kênh đào, Panama còn có nhiều dịch vụ tiên tiến về kinh tế và thương mại chất lượng cao, cho thêm 30% GDP qua các tư vụ ngân hàng, ngành bảo hiểm, thành phố Colon với Duty free trade zone thu hoạch 14 tỉ dollars hàng năm. Hải cảng tân tiến phồn thịnh dành nhiều ưu đãi về hàng hải với luật thuế thấp và điều kiện bảo hiểm thuận lợi, khiến nhiều công ty thương thuyền và du thuyền đều có môn bài đăng ký chính thức tại Panama. Thành công kinh tế giúp chỉ số thu thập bình quân đầu người đạt US$13.000, cao nhất so với các nước bạn quanh vùng.


Từ năm 1914, kênh đào Panam đã giúp đến hơn một triệu thuyền tầu và cargo chuyên chở trên 335 triệu tấn hàng hóa, thông thương qua lại giữa Atlantic và Pacific trong chỉ từ 6 đến 8 giờ, hai nước Mỹ và Trung Hoa là khách hàng quan trọng nhất -chiếm đến 1/3 tổng số lượng. Ngày 26/6 vừa qua Panama chính thức làm lễ khánh thành một khu vực mới được rộng mở thêm, cho kênh đào tăng trưởng gấp đôi khả năng phục vụ, nhất là các thương thuyền ngày càng khổng lồ. Sau 11 năm thi công giữa bao khăn khó, dùng trí óc và tay người điều khiển máy móc của hơn 30.000 nhân viên miệt mài, để san bằng núi đồi, xoay chuyển sông nước, đào hồ mênh mang rông, xây dựng thêm bao rãnh, reservoirs, channels, chambers, locks.. *Mục Youtube có giới thiệu công trình rất pharaonique này, khiến người xem chỉ biết xuýt xoa thán phục.

* Hình ảnh cuộc thi công của khu vực mới rộng mở. Từ Internet
Panama cũng nổi danh là thiên đường trốn thuế, một trong vài quốc gia như xứ ả-rạp Bahrain, hai đảo quốc Vanuatu & Nauru trên Pacific và xứ Liban, đã luôn cương quyết giữ bí mật danh sách các chủ nhân cùng tài khoản ngân hàng. Gần đây bùng nổ scandal Panama Papers với việc khám phá và công bố đến 11.5 triệu hồ sơ mật của một công ty luật đặt tại Panama City, chuyên cho dịch vụ qua nhiều văn phòng được tổ chức kín đáo khắp 4 phương trời, dùng đến hơn 200.000 công ty hộp thư, làm vỏ bọc nhằm tránh thuế hay giấu giếm cho những món tiền khổng lồ, được chuyển đi và quản lý tại nước ngoài, của rất nhiều nhân vật quan trọng và quan chức trong đủ mọi ngành nghề, các giai cấp lãnh đạo và cả nhiều nhân vật hoàng gia trên thế giới.



Ngôn ngữ chính dùng tiếng Tây Ban Nha, Anh ngữ được giảng dậy từ tiểu học, Panama dùng dollars Mỹ làm tiền tệ, như Ecuador và El Salvador. Với hơn 1.5 triệu cư dân thuộc nhiều dòng giống pha lẫn từ thời các conquistadors Tây Ban Nha, thủ đô Panama là phần đất của 2 nền văn hóa đông và tây, rất sống động, đầy tiềm năng trong chan hòa âm thanh và sắc mầu nhiệt đới, là thị trường hấp dẫn nhiều ngành công và tư nghiệp, thu hút dân nhập cư đến tìm cơ hội tốt từ khắp các phương trời, cho Panama City nhiều phong thái đối lập đầy thú vị.



Khu phố thương mại chính rất tân kỳ như thường thấy trên các thành phố lớn ở khắp nơi vào thời toàn cầu và thương mại hóa, biến cảnh sắc nhiều khu phố muôn phương giống nhau như một, tràn ngập cửa hàng và các thương hiệu quen mắt thuộc tên. Đường sá cầu cống cùng hạ tầng cơ sở Panama xem rất chu đáo, tấp nập xe cộ, khu phố chính của The most cosmopolitan capital in Central America văn minh sung túc gây ngạc nhiên, được khách thăm thích thú ví với Miami hay Dubai, qua hàng loạt cao ốc tân tiến mầu trắng thanh thoát, sáng ngời sắt thép và khung kính, nằm san sát nhau trên con đường chính hướng ra biển Caribbean. Thủ đô vẫn tiếp tục vươn cao vút trời xanh và lan rộng qua nhiều công trường xây cất khổng lồ.
Khu phố cổ Casco Viejo nằm ven một vịnh nhỏ, ngày xưa là nơi trú ẩn của bọn hải tặc hoành hành trên biển Caribbean, sau thành thủ phủ của các nhóm côn đồ và tội phạm, nay được chỉnh trang để trở thành chốn thu hút du khách nhất thủ đô, được UNESCO bảo trợ như một Di sản Văn hóa thế giới. Với những con đường nhỏ lát đá cuội tô điểm hai bên với những dẫy nhà được tân trang nhưng vẫn bảo tồn được dáng cổ, dùng làm hộ dân hay lắm cửa hàng thanh lịch, hotels, quán ăn, terrasse café bánh ngọt.. là chốn dừng chân thật thoải mái.



Khắp phố cổ có nhiều quảng trường xanh mát cây cành với fontaine róc rách tiếng nước reo và tượng đài danh nhân. Thấp thoáng thấy phế tích còn tồn tại của vài tòa nhà cổ có tuổi đời nhiều thế kỷ trên mầu gạch đá và những bức tường tróc lở, đang được tu chỉnh.. Hay như Catedral Metropolitan, một trong những giáo đường cổ kính và lớn nhất Trung Mỹ, với một façade đá xậm mầu rêu phong nằm giữa 2 tháp trắng tinh khôi, được khởi công năm 1688 để chỉ hoàn tất hơn 1 thế kỷ sau. Phía trong đang được sửa sang, có 67 cột trụ chống đỡ mái vòm trang trí với nhiều hình ảnh mỹ thuật và các khung kính cẩn muôn ngàn mảnh ghép rực rỡ sắc mầu.
* Trên phần đất Panama ngày nay ngành khảo cổ đã tìm ra vết dấu loài người từ hơn 12.000 năm cũ, họ sinh sống bằng cách hái hoa quả và săn thú. Khoảng 3000 năm trước Công nguyên, nghề nông và trồng trọt hoa mầu được phát triển.. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu đổ bộ lên lục địa Tân Thế Giới Mundus Novus vào năm 1510, sau 4 chuyến hải hành khám phá của Cristobal Colon với các hải đảo xinh tươi trên vùng biển cận kề -được đặt tên Hispaniola, thì vùng Panama đang là lãnh thổ của nhiều bộ lạc sống có tổ chức, với số dân đông đúc đến nhiều trăm ngàn hay hàng triệu. Sau khi thống lĩnh phần đất hẹp này, từ bờ Atlantic các nhà thám hiểm đã xuyên kênh rạch và sông hồ khám phá ra đại dương Pacific, cách nhau chưa đến 100 km.. Dẫn đến việc hoàng gia Tây Ban Nha cho dùng ngay đường nước thông thương thuận tiện, mang quân xâm chiếm nhiều phần đất ven Pacific, rồi tiến sâu mở rộng biên thùy thênh thang trong lục địa.. Mỗi lần chỉ với vài thuyền tầu cùng vài trăm binh lính dùng súng ống đạn dược nổ tung nhả khói lửa giết chóc tơi bời, các conquistadores dần thống trị và thảm sát biết bao triệu người dân trên vùng Tân Thế Giới, gây nên tang thương, tàn rụi đến thê thảm không gì kể xiết cho bao sắc dân bản địa, cùng xóa bỏ các nền văn hóa Aztèque, Maya và Inca, hay như dòng giống Olmèque với những di tích ghi nhận trí óc thông minh kiến tạo của họ từ 1200 năm trước Công nguyên. *www.JeSuisCultivé.com.
Sử liệu Tây Ban Nha ghi chép việc hoàng gia cùng với Tòa Thánh -vì quyền lợi của đời và đạo, đã cho phép quân lính giết chóc hay ruồng đuổi vào tận rừng sâu núi thẳm các bộ tộc dân chống đối, đốt phá mọi đền thờ và tháp cổ của "thứ tà giáo thờ tà thần ma quỷ", bắt số dân sống sót phải tùng phục người da trắng để biết văn minh tiến bộ, phải thay đổi cách ăn ở và chịu phép rửa tội tổ tông theo "đạo của vua phải là đạo của dân", mà dân chúng trời Âu đương thời vốn cũng đang gặp khốn khó qua các tòa án dị giáo Inquisition -nạn bách đạo đẫm máu dưới nhiều vương triều độc đoán. Trong những thư viết và hồ sơ gởi về hoàng gia xứ mẹ từ các nhà thám hiểm Tây Ban Nha, nhiều trang kể lại việc khám phá và chiếm đoạt mang về theo hàng loạt chiến thuyền nào vàng bạc chứa đầy hầm tầu ngập tràn lên đến tận boong, ê hề châu báu cùng đá quý, hạt trai đựng từng thúng.. của "những bộ tộc dân da mầu và ăn thịt người" trên miền đất Mundus Novus này. Để thành huyền thoại các kho tàng vàng ròng chói ngời chất cao như tháp qua từ ngữ "El Dorado!" và "C'est le Pérou!"
Trong cuộc tranh chấp các vùng đất mới, Tòa Thánh La Mã ưu tiên cho vương quyền Tây Ban Nha được phép thu phục và chiếm giữ đa số đất đai trên Mundus Novus, riêng Bồ Đào Nha được quyền tiến về châu Á để mở rộng biên thùy, sau nhờ thương lượng nên có thêm mênh mông rộng xứ Brazil ngày nay. Vương quốc Anh và nhiều hoàng gia Âu châu khác chỉ được vài phần đất nhỏ, gây nên tranh cãi và nhiều cuộc chiến dành đoạt lẫn của nhau. Panama nhiều lần bị Anh quốc tấn công phá hủy thành hào cùng cướp bóc rất nhiều vàng bạc châu báu chưa kịp xuyên Atlantic mang về mẫu quốc. Panama thuộc chủ quyền hoàng gia Tây Ban Nha từ năm 1538 đến 1821, mà tùy thời điểm đã bị sát nhập vào Colombia hay quản lý bởi vị toàn quyền đặt tại Pérou, do tầm quan trọng và sự giầu mạnh của đế chế Inca. Nhiều đợt nô lệ Phi châu dần được mang đến cho Panama thành một trung tâm phân phối, cả giữ những thân phận người cùng cực này trong các công trình xây cất thành lũy, hầm mỏ công trường, trang trại..





*Simon Bolivar, 1783-1830 "El Libertador de todas las Naciones en América". Người anh hùng vang danh lịch sử, được yêu kính qua hằng hà sa số tượng đài và tên đặt vinh danh khắp châu Mỹ La-tinh, do đã khởi công và góp sức trong việc dành độc lập cho nhiều đất nước trên Trung và Nam Mỹ.
Qua thế kỷ 19, những cuộc chiến tung trời Âu của hoàng đế Napoléon đã gây mất mát nhiều, không chỉ cho Pháp mà còn cho cả đồng minh, trận bại chiến thê thảm Trafalgar khiến hải quân hoàng gia Tây Ban Nha mất đi rất nhiều tầu chiến, làm việc qua lại với các thuộc địa trên Mundus Novus thành khăn khó, cả theo nhiều tranh chấp giữa các hoàng gia Âu châu, làm nẩy sinh mầm mống dành độc lập trên các thuộc địa vùng Tân Thế giới từ năm 1806. Trên Venezuela và New-Granada (Colombia) với El Libertador Simon Bolivar, hay Argentina cùng José de San Martin và Chile có Bernado O'Higgins, các người hùng cho công cuộc dành chủ quyền.. Để qua nhiều khó khăn cùng máu lửa, nền độc lập được thiết lập trên Ecuador rồi Colombia, Chile, Mexico năm 1810, sang đến Venezuela năm 1811 rồi những năm kế tiếp với Argentina, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Panama, Nicaragua, Peru..
Sau ngày thoát ách thuộc địa Panama gia nhập vào khối Gran Colombia, cùng với Venezuela và Ecuador. Nhưng chỉ vài năm sau Venezuela và Ecuador tách ra làm 2 nước độc lập. Riêng Colombia, Panama và một tỉnh bang của Nicaragua ngày nay họp chung thành Republic of New Granada, mà do lớn mạnh nên Colombia giữ vị thế mạnh... Sau nhiều bất bình quyền lợi giữa liên bang và nhóm tập trung quyền hành trung ương, Panama quyết chí ra khỏi liên bang New Granada qua nhiều đấu tranh máu lửa, nhất là trong Cuộc chiến 1000 ngày từ năm 1899. Và nước Mỹ, do đang đầu tư và có nhiều quyền lợi trong cuộc xây dựng kênh đào, đã ra tay giúp đỡ Panama rời khỏi Colombia năm 1903, trở thành República de Panamá.
Ngành du lịch giúp góp phần làm thăng tiến nền kinh tế, tuy không có được những bãi biển xanh cát trắng mịn màng như nhiều đảo quốc tạo thành từ san hô trên Caribbean Sea, nhưng khách thăm vẫn thích thú chọn Panama để nghỉ ngơi thư giãn trên nhiều hotels, resorts tốt tươi được tổ chức ven đôi bờ Atlantic và Pacific. Cùng phong thổ như Costa Rica là có nhiều ngọn núi lửa, sông hồ và thiên nhiên tuyệt vời, nên ngoài dòng kênh quốc bảo "One of The Seven Wonders of the Modern World", Panama luôn hãnh diện mời khách viếng nhiều khám phá kỳ thú qua dạng du lịch sinh thái trong những khu rừng nhiệt đới đầy kỳ hoa dị thảo, lắm thực vật và động vật hiếm, bao loài thú lạ như jaguar, puma, loài khỉ hú, con lù đù /sloth, tatous, tapir, nhiều giống chim muông, mà loài két /toucan đa sắc vẫn dùng để quảng cáo. Hơn nữa Panama còn gìn giữ được lắm thành lũy từ thời thuộc địa, cả duy trì được 7 bộ lạc bản tộc da đỏ xưa, mà nổi danh nhất là làng dân tộc Emberá, do khá gần Panama City nên thu hút đông khách viếng.
* Dân tộc Emberá: Từ thời xưa xứ Colombia có số dân bản tộc được ghi nhận lên đến 80 dòng giống. Trên Panama ngày nay bộ tộc Emberá có số dân khoảng 40.000, từ nguồn gốc Colombia pha lẫn với dân nô lệ Phi châu đào thoát khỏi cuộc sống quá cơ cực, trốn chạy trong những khu rừng hoang vu hiểm trở, hay theo sóng nước tìm các đảo hoang để tránh bị ruồng bắt. Dân tộc Emberá ưa dựng nhà cửa làng mạc sống tụ họp ven sông. Cho đến ngày nay một số vẫn giữ tập tục cũ, không màng đến văn minh tiến bộ nơi phố thị, sống quanh quẩn trong làng, sinh nhiều con, trồng trọt rau đậu chuối ngô đủ dùng cùng đánh bắt cá sông.. Khu làng dân tộc Parara Púru của thổ dân Emberá là một trong những nơi hiếm hoi tiếp đón du khách.
Thăm làng dân Emberá, khách phải dùng thuyền mộc của chính họ theo dòng sông dài tiến vào bản địa.. Và được đón tiếp rất nhiệt tình.



Người dân Emberá xem khỏe mạnh tròn trịa, đàn ông đóng khố, phụ nữ điệu đà với váy áo mầu sắc sặc sỡ, đầu quấn hoa tươi và đeo nhiều nữ trang tự tạo. Họ đãi khách bằng những loại hoa quả vườn nhà, cả món cá nướng bọc trong lá cây rừng.



* Đảo San Blas: Cách đây nhiều năm trong một chuyến du thuyền trên biển Caribbean, BTX-HA có dịp thăm đảo San Blas, nằm cách Panama 120 km. Là một quần đảo được quyền tự trị trong xứ Panama hòa đồng, San Blas có đến 378 đảo san hô lớn nhỏ trên diện tích biển 160 km2, mà chỉ 46 đảo có cư dân, đa số thuộc dòng giống da đỏ Kuna, với tổng số khoảng 50.000 người theo chế độ mẫu hệ, đặc biệt là họ rất nhỏ thó, nhiều người không cao quá 1m50.


Đảo rất nhỏ, dành riêng cho khách viếng vì khi vừa bước ra khỏi thuyền gỗ lên bờ đã thấy một đám trẻ nhỏ chạy đến bủa vây khách với một lô hàng thủ công trên tay, miệng reo hò "One dollar.. one dollar.." -cho khách đặt vui tên "Đảo one dollar". Loanh quanh tiến sâu vào trong, chỉ thấy những căn nhà chòi gỗ nhỏ lợp lá dừa, mọi vật dụng đều sơ sài đến mức tối thiểu. Nhiều nhóm phụ nữ mặc áo và váy mầu sắc rực rỡ ngồi thêu thùa và bầy bán hàng thủ công được đan kết bằng lá và lạt dừa (-những quả dừa tươi hay khô rất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày, thêm chút rau đậu và cá biển, như họ vẫn quen đánh bắt từ muôn thuở xưa). Mặt hàng được ưa thích nhất là áo vải dệt, túi xách, khăn bàn, áo gối thêu theo nghệ thuật cổ truyền "mola", thật tỉ mỉ và khéo léo với chỉ mầu đa sắc hình cảnh muông thú, chim chóc, rừng xanh, rất rõ nét và lạ mắt, thật đặc biệt nên vẫn được ví với những bức họa của Picasso! Mỗi cuộc thăm viếng hải đảo của thổ dân Kuna được xem như cho khách trở về khoảng 20 thế kỷ trước.



Vùng biển Caribbbean vốn nổi danh đẹp nhất thế giới với những đảo quốc độc lập, hay thuộc Pháp, Anh, Mỹ, Netherlands.. Và các đảo của San Blas là một thiên đường ecotourism cho dạng khách tìm của hiếm, yêu biển xanh nắng vàng và chốn thư giãn yên tĩnh bên các hotels, resorts cao cấp, nhỏ gọn được xây cất kín đáo trong khu riêng biệt, nhằm giữ trọn vẹn nét đẹp thiên nhiên và môi trường hoang sơ. Cách duy nhất đến đảo là dùng thuyền tầu lênh đênh trên mặt nước trong xanh như ngọc, tô điểm bởi 378 đảo cát trắng san hô mịn màng, mà có nhiều đảo riêng rất nhỏ, cho khách có thể ung dung qua lại mỗi ngày thăm vài đảo.. Quần đảo San Blas giữ vị thế hàng đầu ngành du lịch biển trên Trung Mỹ.

** ** ** ** **
*
Gửi ý kiến của bạn