República Dominicana
The Caribbean Sea,
Người dân hai xứ Hoa Kỳ và Canada sống bên miền đông Bắc Mỹ hướng ra Đại Tây Dương, thật may mắn được hóa công tặng cho vùng biển Caribbean cận kề. Canada vốn nằm trên vùng cao phương bắc, che chắn từ miền đông sang tây, suốt hơn 4000km của dẫy biên thùy thiên nhiên, cho Mỹ tránh được những cơn gió buốt lạnh từ phương bắc thổi về, để lãnh thổ thênh thang rộng và trù phú Hiệp Chủng Quốc luôn phát triển thuận lợi từ ngày lập nước, thành cường quốc đứng đầu thế giới hiện nay. Và Canada to rộng hạng nhì địa cầu (sau Nga, trước Mỹ) với 35.4 triệu dân, chỉ biết.. nhỏ nhẹ nhận mình là Xứ lạnh tình nồng!
Biển Caribbean nằm không xa Florida, trải dọc ngang từ đảo Cuba xuống tận Nam Mỹ. Người dân Hoa Kỳ và Canada vùng bờ biển phía đông rất yêu chuộng vùng biển xanh nước ấm Caribbean -nhất là những ai thuộc dạng snowbird lẩn tránh mùa đông dài. Như từ Montréal chỉ cần 1 chuyến bay vài giờ là đã đặt chân đến một thế giới nồng nàn khác, chẳng cần phải mỏi cánh cò bay đi muôn phương cho nào những Maldives, Seychelles, Fiji, Tahihi, Bali, Indian Sea.. để tìm chốn thiên đường hạ giới !
Biển Caribbean rộng hơn 2.7 triệu km2 với 38 đảo xinh tươi, độc lập hay thuộc Anh, Pháp, Mỹ, Netherlands. Được chia thành 2 phần, phía trên Greater Antilles gồm 5 quần đảo với nhiều đảo lớn như Cuba, Hispaniola, Puerto Rico, Jamaica, Cayman Islands. Lesser Antilles thuộc miền nam biển cả, tô điểm bởi những nét chấm phá xinh tươi là 33 đảo trên vùng nước trong xanh nhiệt đới, mà hình ảnh những hàng dừa rũ bóng trên bãi cát dài trắng tinh khôi dập dình sóng nhỏ, luôn quyến rũ khách muôn phương. Du khách cũng thích thú với sắc thái độc đáo, là một pha trộn giữa dân bản tộc, hay thuộc dòng giống nô lệ và dân cai trị xưa, cùng nền văn hóa đa dạng qua những thành lũy, đền tháp, thánh đường, phố xá, cửa nhà kiểu colonial duyên dáng, được thành lập và còn vững vàng sau ngày Cristoforo Colombo qua 4 chuyến hải hành khám phá Tân Thế Giới, đã tìm ra nhiều miền đất lạ và ghi dấu ấn chiếm hữu, dành chủ quyền cho vương quốc Tây Ban Nha, trên những hải đảo mà các trang sử cũ cho biết có dấu tích của giống dân da sậm Taino và Arawak, đến từ Venezuela từ hơn 1500 năm trước.
*Thủ đô Santo Domingo. Parque Colón, tượng vinh danh Cristoforo Colombo và ngôi giáo đường cổ kính nhất châu Mỹ
*Sau hơn 2 tháng phải đối phó với lắm khó khăn trên Đại Tây dương cũng như cùng thủy thủ đoàn.. Một đảo nhỏ chợt hiện ra theo tiếng kêu Tierra.. Tierra.. Cristoforo Colombo vui mừng trước khám phá đầu tiên, đặt bước lên ngọn đảo thấp thoáng nhiều mái nhà dân bản địa. Ông dựng cờ, ghi vào văn bản cùng đặt tên đảo là San Salvador. Tiếp đến, Colombo cũng tìm ra Cuba và nhiều đảo của Bahamas. Ngày 6/12/1492 Colombo phát hiện thêm một đảo khác, to rộng như Cuba, lại rất xinh tươi màu mỡ khiến ông phải thốt lời khen tặng là "Viên ngọc quý của biển Caribbean" -từ Caniba/Caribe mang nghĩa: chiến sĩ, cùng dành cho hải đảo viền quanh bởi những bờ biển nước trong xanh vờn bãi cát mịn trắng ngần, nhiều núi đồi thung lũng mượt mà, cây cỏ hoa lá tốt tươi, ríu rít tiếng chim kêu và thú lạ này tên La Isla Espagñola, hay Hispaniola -dù đảo mang tên Ayiti và đang có đông đúc thổ dân vui sống, an lành.
* República Dominicana,
Nước Cộng Hòa Dominicana có khoảng 10 triệu dân, rộng 48.442km2, chiếm đến 2/3 tổng số diện tích chung của đảo Hispaniola, phần còn lại thuộc quốc gia Haiti -Ayiti xưa. Từ thế kỷ VII nhiều nhóm dân của lục địa Nam Mỹ ngày nay đã cùng nhau đóng thuyền bè, theo sóng nước tìm những phần đất khả dĩ hơn để sinh sống. Trên vùng biển xanh nước ấm nơi đây, hải đảo vốn nhiều lại điểm tô bởi lắm núi đồi, sông hồ và đất đai thênh thang tươi tốt, đã được các đoàn người bỏ làng thôn ra đi dừng tay chèo lái. Họ cùng nhau khai hoang, gieo mầm đậu hột, nuôi gia súc, xây cất nhà chòi, chung sống. Sau cuộc khám phá dành đất mới của Cristoforo Colombo cho Tây Ban Nha, sang đến các hoàng gia hùng mạnh khác như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Netherlands cũng mau cho tiến quân tranh dành, khiến dân tình và cuộc sống của nhiều sắc dân lục địa Tân Thế Giới và trên các hải đảo bị chao đảo qua lắm áp bức, bóc lột, cả tàn sát đến mức kinh hoàng gần như diệt chủng. Nhất là bị lây chứng bệnh dịch sởi đỏ khủng khiếp, vốn đã lấy đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân trời Âu, nhiều hơn cả gươm đao và súng đạn.
* Puerto Plata, cổ thành ven biển rộng
Trên Hispaniola, nhiều nhà cửa, phố chợ, thánh đường, trường sở.. được xây dựng từ chuyến trở lại vào năm sau của Colombo, cùng với 1300 dân quân chỉ huy bởi nhà thám hiểm Bartolomeo Colombo, em trai Cristofore -để hoàng gia Tây Ban Nha đưa một số đông dân sang định cư, cho Santo Domingo là thành phố Âu châu đầu tiên trên Tân thế giới. Theo cam kết của hoàng gia dành cho mỗi thành công, Cristoforo được phong vương Hispaniola, con trai ông là Diego Colombo nhận chức phó vương thuộc địa. Bartolomeo góp công xây thêm thành trì Nueva Isabela ven biển, dễ dàng cho việc đào xới nhiều mỏ vàng sâu trong đất liền, cùng chuyên chở bao chiến tích cùng của cải thu góm của dân bản tộc về cho vương quyền nữ hoàng Isabella The Catholic -đã tài trợ những chuyến khám phá Tân Thế Giới của Colombo.
* Santo Domingo. Nueva Isabela, các dinh phủ của thành phố cổ nhất Tân Thế giới
Như nhiều xứ sở trên lục địa Châu Mỹ Latin, nước Cộng Hòa Dominicana (vẫn được gọi ngắn gọn là La Dominicaine, Dominican, Dominicana) có dòng lịch sử dài đăng đẳng những khó khăn, do phải liên tiếp đối phó và gánh chịu biết bao xâm lấn, bạo lực của bọn cướp biển, hay qua nhiều cuộc nổi loạn chống trả nền cai trị độc đoán, vô nhân. Giữa 3 thế kỷ bị đô hộ bởi Tây Ban Nha, đảo Hispaniola bị chia làm 2 do Tây Ban Nha thua trận, phải nhường cho Pháp 1/3 diện tích đảo thuộc phía tây qua Thỏa hiệp Ryswick 1697 -Pháp đặt thuộc địa mới tên Haiti /Ayiti cũ. Tây Ban Nha dùng tên Santo Domingo -như thủ đô. Năm 1795 Tây Ban Nha mất luôn phần đất rộng phía đông vào tay hoàng gia Pháp.
Dinh thự được xây dựng bởi Diego Colombo năm 1512, làm cơ quan hành chính và biệt điện. Nay là viện Bảo tàng Lịch sử
Theo thời cuộc cùng bao chống trả với Tây Ban Nha, Pháp, Haiti của các anh hùng dân tộc, giúp sức bởi nhóm dân nô lệ Phi châu bị bắt cóc sang làm việc khổ ải trong các đồn điền bạt ngàn trồng mía và cây thuốc lá, Dominicana dành được độc lập năm 1809 để thiết lập nền Cộng hòa đầu tiên.. Nhưng vận nước còn quá mong manh nên vẫn phải bấp bênh với biết bao những mất, còn.. Nhất là giai đoạn Haiti vững vàng quân sự trong tay Pháp, tiếp tục dùng vũ lực sát nhập Dominicana, khiến dân chúng phải sống trong nghèo khó cùng lắm rối loạn, xung đột sắc tộc.. Đến năm 1844, tuy lần nữa dành lại độc lập, nhưng suốt trong vòng 72 năm kế tiếp, đất nước liên tiếp trực diện với vô vàn khó khăn, cả qua sự trở lại tái chiếm của Tây Ban Nha, từ 1861-1865.
Hoa Kỳ chiếm đóng Dominicana từ 1916 đến 1924, cả giúp tổ chức bầu cử cho Horacio Vásquez Lajara làm tổng thống qua 6 năm khá an bình.. Nhưng cuộc đảo chính năm 1930 của Rafael Leonidas Trujillo khiến đất nước lại rơi vào vũng sâu khăn khó, khi Trujillo bạo quyền tham nhũng, thống lĩnh để cai trị không một đối thủ -mãi đến khi bị ám sát 30 năm sau. Trujillo cho thay tên thủ đô Santo Domingo thành Ciudad Trujillo, vung tay thu góm tất cả tài nguyên, cướp đoạt hầu hết đất đai mầu mỡ của dân cho thân quyến.. Chế độ Trujillo khiến dân chúng thường nhật sống trong âu lo đói khổ, được đánh dấu bằng mọi thủ đoạn, từ bắt bớ đến dùng đòn tra tấn, đàn áp và thanh trừng máu lửa. Trujillo cũng ra lịnh thảm sát khoảng 15.000 người Haiti năm 1937, chỉ vì họ quá nghèo khó phải sang làm việc trên các đồn điền của Dominicana, gây 1 số phiền phức nhỏ. Đến năm 1960, Tổ chức các nước châu Mỹ /OAS mới ra lệnh trừng phạt ngoại giao cùng tiếp sức với nhiều nhóm tranh đấu.. Cuộc nội chiến tang thương kết thúc qua sự can thiệp vũ lực của Hoa Kỳ với sự đặt để Joaquin Balaguer năm 1966.. Năm 1978, Democratic Republic Dominican chuyển thể sang chế độ Dân chủ Đại diện /Representative Democracy, quyền hạn quốc gia được phân chia giữa ban điều hành độc lập, tư pháp và lập pháp.
Kinh tế Dominicana dựa vào nền nông nghiệp, công nghiệp đa dạng, dịch vụ và kỹ nghệ đa năng. Nguồn ngoại tệ cũng đến từ hơn 1.6 tỉ dollars Mỹ, do dân hải ngoại hàng năm gởi về giúp thân nhân. Riêng ngành du lịch chiếm đến 65% GDP. Những năm qua cho thấy GDP nominal của Dominicana lên được gần 90 tỉ, GDP per capita $8.300/đầu người, lạm phát chỉ ở mức 1.4%. *Theo Wikipedia.
Từ những năm 1990, nhiều nhà đầu tư đã thấy rõ tiềm năng của hải đảo -mà Cristoforo Colombo đã hết lời ca tụng như một viên ngọc quý. Dominicana sở hữu nét tươi đẹp với nhiều trăm cây số bờ biển rũ bóng dừa xanh cát trắng của những Bavaro, Punta-Cana, Samana, La Romana, Puerto Plata.. Khí hậu nhiệt đới thật lý tưởng, trung bình từ từ 24C đến 28C, dễ dàng thu hút khách đến quanh năm. Và đảo quốc còn được tô điểm bởi nhiều sông hồ, rừng nhiệt đới, thảo nguyên, cao nguyên, ngọn núi Pico Duarte cao nhất và hồ Enriquillo rộng nhất vùng biển Caribbean, cho khách xa thêm nhiều chọn lựa.
Theo nhu cầu du lịch, từ khám phá hải đảo đến tắm biển hay thư giãn, ngày càng tăng trưởng của mọi tầng lớp dân trên khắp thế giới, nên nhiều hotels, resorts, villas rất thanh lịch trong khu vực riêng biệt, hay cả lắm dạng phổ thông cho từng sở thích, đã được tưng từng xây cất ven những bãi biển đẹp nhất đảo quốc. Khách được chiều đãi với lắm dịch vụ cao cấp, sân golf cỏ mượt mà, nhiều môn thể thao, giải trí..
Ngày nay nước Cộng Hòa Dominicana là hải đảo được ưa chuộng, đông du khách nhất trên vùng biển xinh đẹp Caribbean. Nhiều thành phố và xóm làng cũng được xây dựng, rộng mở với các trung tâm thương mại, hàng quán, dịch vụ.. giúp người dân có đời sống ngày càng cải thiện. Khách xa không chỉ biết Dominicana qua những bãi biển "đẹp nhất trên đời" như Colombo từng khen ngợi, mà còn tìm đến nhiều làng chài, xóm nhỏ, đồng quê thanh bình, vùng núi thơ mộng, rừng xanh nguyên vẹn, thiên nhiên tinh khôi để tận hưởng nữa.
Dominicana mời chào khách thăm qua nhiều món hàng thủ công khéo léo, những chai rượu Rhum sóng sánh ngây ngất thơm mùi mật mía, hay loại ngọc đá semi-précieuse Larimar xanh, là tuyệt sản hầm mỏ chỉ có tại Dominicana và Italy. Cả ngọc hổ phách /amber -chất nhựa tiết ra từ thân cây rồi hóa thạch qua nhiều triệu năm, đôi khi chứa cả các loại muỗi mòng, cỏ, lá..
Cigars của Dominicana rất nổi danh, tuy không được quảng cáo giống Cuba bởi các nhà lãnh tụ.. kinh điển như Fidel Castro hay Ernesto Che Guevara, với 2 ngón tay hững hờ kẹp, miệng ngậm hút say sưa, rồi phê chất nhựa thuốc, đê mê thổi ra từng làn khói trắng mang mùi cay nồng đặc biệt.
Người da trắng chiếm 16%, da đen 11%. Mầu da bánh mật rất bắt mắt của 73% dân số là một pha trộn giữa sắc dân bản địa hay nô lệ Phi châu cùng dòng giống dân Tây Ban Nha, hoặc Pháp đến định cư theo thời điểm thuộc địa.
Ngày nay sự chênh lệch giữa giàu và nghèo xem khá rõ rệt, những hậu duệ của sắc dân da trắng có đời sống vững vàng, khá giả trong cán cân xã hội. Tín đồ Thiên Chúa giáo Roma chiếm 57%, Tin lành 23%.. Khoảng 65% dân sống trong những tỉnh làng nhỏ hay ở vùng quê, ruộng đồng. Một số khá đông dân đảo quốc đã chọn cách ra đi vì lý do kinh tế, nhiều nhất trên nước Mỹ và Tây Ban Nha.
Khách thăm Dominicana ven biển đẹp hay giữa phố phường đông vui vang điệu nhạc merengue và bachata vẫn khen người dân hải đảo thân thiện, tươi vui. Không hiếm hoi khi gặp gỡ người da trắng từ nhiều xứ sở đến đây lập gia đình và lập nghiệp. Môn thể thao được ưa thích nhất xứ là baseball, trong khi bóng đá football được chơi nhiều bởi nhiều đội banh nữ.
Mọi người vẫn biết đến nước Haiti -chia chung đảo Hispaniola với Dominicana, như một quốc gia rất kém may mắn. Không chỉ được xem như xứ sở nghèo đói nhất châu Mỹ, Haiti còn phải gánh chịu bao trận cuồng phong, động đất lớn. Chưa kể tình trạng xã hội bất ổn, công an cảnh sát chuyên hiếp đáp dân lành, các ông chính trị gia hay tổng thống bao năm qua thi nhau tham nhũng, mạnh bạo vơ vét, từ tài nguyên ít oi đến viện trợ khổng lồ, rồi biến đâu mất dạng! Ước mơ lớn nhất của người dân bình dị Haiti là định cư tại nước ngoài. Với số dân khoảng 10 triệu, hiện nay có hơn 2 triệu người Haiti sinh sống nơi hải ngoại như Canada, và đa phần ở Mỹ -đến 1.2 triệu -mà cộng đồng Haiti ở New York có hơn 600.000 người. Lại còn hơn nửa triệu người cùng đinh, trôi dạt sang nước láng giềng Dominicana, nhưng họ rất bị kỳ thị, không được chấp nhận nên sống vất vưởng, bán buôn vặt vãnh hay làm thuê chặt chuối, đốn mía cực nhọc trong những đồn điền đầy ruồi muỗi, bò cạp, rắn độc với số lương ít oi, lại luôn bị hăm he, xua đuổi.
* Dinh Tổng Thống
Thủ đô Santo Domingo luôn hãnh diện còn giữ được nhiều di tích lịch sử, mang dấu ấn Tây Ban Nha từ hơn 5 thế kỷ trước như thành trì, viện đại học, nhà thương, giáo đường kiểu gothic đầu tiên trên miền Tân Thế Giới. Theo thời buổi rộng mở, chính quyền có nhiều nỗ lực khuếch trương các tiềm năng đa dạng, cũng như làm thay đổi bộ mặt thủ đô qua nhiều kiến trúc tân tiến. Nhưng nét duyên của các khu phố cũ, đông đúc cư dân mới thực sự lưu gót khách xa.
Puerto Plata -thành phố lớn có hải cảng quan trọng, và nhiều bãi biển đẹp trên các khu vực rất chọn lọc dành riêng cho từng dẫy hotels, resorts thanh lịch. Phố thị rất gọn xinh với ngôi giáo đường xưa ngay trung tâm, nhiều viện bảo tàng nhỏ, nhà cửa sơn mầu vui mắt, thành lũy vững vàng và bức tường đá cổ hướng ra biển rộng từ nhiều thế kỷ qua.
Một chuyến xe thăm mang khách đến Cabarete và Sosua, hai làng nhỏ ven bờ biển cát vàng mầu mật mía, được xem là hút khách "ba lô" nhất Dominicana.
Người ta đến đây để kết bạn bè dễ dãi, thuê phòng ở dài hạn, kề cà ly bia bên hàng quán vỉa hè san sát thi nhau mời mọc đặc sản đia phương, hải sản tôm cá, gà bò nướng lửa than thơm lừng.. Sóng biển dập dình ngay cạnh, không khí luôn thật ồn ào náo nhiệt, tiếng đàn hát, ca nhạc mở hết cỡ ngày đêm.. Và thật ngạc nhiên khi thấy có cả dịch vụ xe ôm !
Boca Chica ven biển rực rỡ nắng vàng, thuộc miền bắc đảo quốc, chỉ cách Santo Domingo 30km, rất tiện cho khách vui bên biển xanh, cùng dễ dàng qua lại thăm viếng các vết tích còn giữ được của thủ phủ Tây Ban Nha đầu tiên trên Tân thế giới.
Gần Boca Chica có khu công viên thiên nhiên được bảo tồn. Nơi đây khoảng 1500 năm cũ là vùng đất sinh sống của sắc dân da sậm đầu tiên Taino đến từ lục địa, rồi theo các thời điểm chiếm cứ, họ bị tàn sát, làng thôn thành hoang phế.. Sau này được khám phá ra kỳ quan thiên nhiên Los Tres Ojos /Ba Mắt thu hút khách nhất Dominicana. Một động đá thênh thang rộng và thật đặc biệt, đa phần sụt sâu trong lòng đất, chứa Ba Mắt là 3 hồ nước lạnh giá, có nguồn từ những dòng mạch nước ngầm, bao quanh bởi chi chít nhũ đá và măng đá. Các hồ Ba Mắt đều có độ sâu và mầu sắc khác lạ, vàng, xanh dương hay xanh lá cây, khi nước hồ chứa lưu huỳnh, nước ngọt hay nước mặn. Động vật sống trong hồ Ba Mắt cũng rất đa dạng như cá, rùa, tôm và từng đàn dơi treo mình lủng lẳng trên vách đá. Có những chiếc thuyền nhỏ kéo bằng dây thừng đưa khách thăm ngắm cả 3 hồ. Khung cảnh đẹp lạ của kỳ quan làm mọi người vô cùng thích thú.
*** *** ***
Gửi ý kiến của bạn