BA TÔI: BÀI THƠ “ STOP AND GO “

17 Tháng Mười 20172:50 CH(Xem: 3071)


BA TÔI: BÀI THƠ “ STOP AND GO “

 
Chú Duy Việt- Huỳnh Chùm có dáng nghệ sĩ, râu tóc dài lãng tử. Chú làm thơ, vẽ tranh, đàn và viết thư pháp rất đẹp. Trước năm 75, chú là dân biểu của hội đồng tỉnh, nay chú mở quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng ( đường Tự Do cũ ); những người yêu thơ thường hẹn nhau ở đây. Trước hôm quán khai trương, ba tôi ngồi uống nước với thầy Nguyễn Đức Minh, bác Tâm Minh… mừng bác Phong Vũ về thăm quê nhà. Chú Duy Việt hỏi: 
 -Dalat là thành phố ngàn hoa nên tôi muốn đặt tên Quán Hoa; ý các anh nghĩ sao?
 
Mọi người bàn ra tán vào. 
 
Bác Phong Vũ lên tiếng :
-Con tôi ở Mỹ qua thăm, nó kể bên đó có một quán cà phê lấy tên “ Stop and go”.
 
Stop and go”! Thật đang ngạc nhiên, không ngờ ở đất nước lấy vật chất làm đầu lại có người tìm cái tên như lời nói của một thiền sư hay lấy ý trong câu hát: người đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn trời của Trinh Công Sơn 
 
Mỗi người lại mỗi ý 
 
Stop and go”. Như tiếng gọi: hãy dừng chân hỡi nguời lữ khách, uống tách cà phê nóng cho ấm lòng trước khi ra đi ngoài trời bão tuyết.
 
Stop and go”. Ta ở tạm cõi đời này vài giây, vài phút, vài ngày hay trăm năm và ra đi, về cõi hư vô
 
Stop and go”. Khi ngài Vô Não còn là tên cướp đã giết 999 người và tính kết liễu tánh mạng mẹ ruột cho đủ 1000 người thì Đức Phật xuất hiện. Ngài nghĩ đến việc giết Đức Phật thay cho mẹ nên cầm dao đuổi theo nhưng không sao đuổi kịp. Ngài kêu :
-Cù Đàm! Dừng lại.
Đức Phật từ tốn:
-Ta dừng lại từ lâu, còn ngươi sao không dừng
Câu nói khiến ngài giật mình, buông đao, quay về với chính mình, tự biết giải thoát và trở thành con của Phật·
 
Stop and go”. Dừng tâm ác lại. Ra đi. Đi về đâu. Ra đi như thế nào. Ra đi phải nhẹ nhàng, không vương vấn điều gì. Nhắm mắt buông tay nhẹ như hơi thở. 
 
Càng phân tích lại càng hay. 
 
Ba nói với chú Duy Việt :
-Cái tên nghe hay hay, có ý thiền. Duy Việt lấy tên đó đi. Sau này biết đâu thu hút được khách Tây Ba Lô.
 
Lúc ấy những người nước ngoài thích đi du lịch đến Việt Nam, Họ khoác túi sắc lên vai đi khắp nơi và được mọi người gọi chung là Tây Ba Lô chẳng kể mang quốc tịch gì. Chú Duy Việt gật đầu. Ba hứa:
-Vài ngày nữa tôi sẽ tặng anh bài thơ 
 
Ba nghĩ nhiều về cuộc đàm đạo và thấu hiểu nhiều điều bắt nguồn từ  ba chữ đơn giản ấy nên đặt bút viết :
       
 “Stop and go”. 
Trần gian là quán trọ
Tạo hóa lẽ huyền vi
Thế nhân là lữ khách
Dừng lại rồi ra đi
 
Bài thơ được nhiều người ưa thích; thầy Lê Trung Trang giáo sư trường Việt Anh sau này là thiền sư Viên Ngộ đã dịch lại bằng tiếng Anh; chú Duy Việt cho in trên chiếc áo Pull bán cho du khách quảng cáo cho quán cà phê của mình và Dalat nên bài thơ đi khắp nơi; có người còn đưa vào bài điếu văn tiễn biệt người mất. 
Một lần, chúng tôi bắt gặp một thanh niên cỡi trần, lưng xăm bài thơ ấy. Lạ thay, dù không quen biết nhưng cảm thấy thật gần gũi.
 
Bài thơ gắn bó với mỗi người trong gia đình. “ Dừng lại rồi ra đi” làm nhẹ lòng chúng tôi khi gặp những khúc mắc đời thường; tự nhủ: không sao đâu, mọi chuyện rồi cũng qua.
 
Ở tuổi 91, sức khỏe mạ yếu như ngọn đèn leo lét trước gió, chúng tôi ghẹo:
-Mạ có sợ chết không?
Mạ cười với má lúm đồng tiền, giọng Huế nhỏ nhẹ:
-Sợ chi! Trần gian là quán trọ mà con.
Rồi đọc lại từng câu dù trí nhớ đã trả về hư vô.
 
Ba mất, chúng tôi tạc trên một tấm đá lớn bài thơ với nét chữ của nhà thư pháp Song Nguyên đặt trên mộ; đứng ở đó nhìn thấy đỉnh núi Liang Biang. 87 năm ở trọ trần gian, ba là người lữ khách. Trải bao thăng trầm theo giòng lịch sử đất nước, mọi việc dường như chạm vào ba rồi qua đi, không làm ba chao đảo. Ba luôn xem mình là cọng khói rong chơi và về cõi vô vi như chiếc lá nhẹ chao nghiêng.
 
Bảy năm sau mạ mất, giữa những lẵng hoa, bức liễng, một bảng gỗ phúng điếu màu nâu in bài thơ Stop and go khiến chúng tôi xúc động vô cùng 
 
Thầy Minh An ở chùa Linh Sơn gợi nhớ:.. ý thơ của ba con nhẹ nhàng, ba con dùng từ thật tinh tế, có những chữ mà mình chỉ cảm nhận chứ không thể diễn đạt bằng lời. Ba con là một Phật tử nhưng sự hiểu biết và thấm nhuần về đạo còn hơn nhiều vị thầy. Cách sống và con người của ba con nói lên điều đó. Cả đời thầy chỉ chứng kiến có 2 cái chết thật thanh thản: một là lúc thầy còn nhỏ, đó là vị sư huynh của thấy và sau này là ba con. Họ buông hơi thở nhẹ nhàng, khó có người nào đạt được…” 
 
Phạm Mai Hương
14.10.2017
thumbnail?appId=YMailNorrin&pid=3
thumbnail?appId=YMailNorrin&pid=2
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn