CÁC THẦY CÔ GIÁO TRƯỜNG BÙI THỊ XUÂN CỦA TÔI

12 Tháng Hai 201810:55 SA(Xem: 5626)
Em xin chuyển đến thày cô và các anh chị bài viết của chi. Bùi Thúy Nga (em cô Ấu Lăng) về các thày cô kính yêu của trường Bùi thị Xuân ngày xưa. Cám on chị Nga đã cho phép em gửi đến các bạn bè. Cám ơn chị rất nhiều đã vẽ lại các hình ảnh cô thày yêu dấu cũ.
 
Cám ơn mái trường Bùi thị Xuân Đà lạt và các vị giáo sư khả kính, các đàn chị và bạn bè quá sức dễ thương và tình nghĩa. Cám ơn một môi trường quá lành mạnh để từ đó ... chúng em được nên người.


---------------------------------------------------------
Bài viết của chị Bùi Thúy Nga - BTX 64-71
---------------------------------------------------------
 
CÁC THẦY CÔ GIÁO TRƯỜNG BÙI THỊ XUÂN CỦA TÔI
 dalat-truongbuithixuan
Tôi học ở trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt 3 năm ( 1967-1970 ) . Trước đó tôi học tiểu học và trung học đệ nhất cấp ở Huế . Khi lên Đà lạt, tôi rất ngạc nhiên khi thấy trường Bùi Thị Xuân rất nhiều giáo sư người Huế, cứ có cảm tưởng như mình vẫn còn đang học ở ngôi trường nữ trung học nổi tiếng Đồng Khánh ở Huế. Nghe chị tôi , cô Ấu Lăng, giải thích tôi mới biết các sinh viên đại học sư phạm Huế khi tốt nghiệp, nhất là đậu cao, nhất nhì, được quyền chọn nhiệm sở và hay chọn Đà Lạt.
 
Tuy chỉ học ở trường 3 năm, từ đệ tam C đến đệ Nhất C, tôi lại có may mắn biết nhiều thầy cô tại trường và cũng được các thầy cô biết đến vì tôi là học trò của các thầy cô, làm trưởng lớp, trưởng ban học tập của trường ( chuyên tổ chức những buổi thuyết trình trong hội trường của trường ), viết và đọc lời giới thiệu các tiết mục văn nghệ cuối năm và … ở chung nhà với chị Ấu Lăng của tôi, người hay được các bạn đồng nghiệp trong trường đến chơi, trò chuyện.
 
Các thầy cô, từ các cô hiệu trưởng, giám học, tổng giám thị, các thầy cô dạy và không trực tiếp dạy tôi, đến các cô trong ban giám thị ở văn phòng, tất cả đều là những nhà mô phạm đáng kính , mẫu mực, những người đã truyền đạt kiến thức cho tôi để bước vào đời, đã nêu những tấm gương sáng về đạo đức cho tôi noi theo, đã truyền lửa nhiệt huyết và tình yêu thương cho tôi để tiếp nối bước đi của các thầy cô sau này.
 
Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày tôi không còn được là đứa học trò nhỏ của các thầy cô nữa, nhưng những kỷ niệm về các thầy cô trong những năm tháng gấm hoa ấy vẫn còn lóng lánh trong tôi như những giọt sương trong vắt, ngọc ngà …

***
Cô hiệu trưởng Lệ Minh gây ấn tượng cho tôi ngay từ khi mới gặp Cô. Cô cao, đẹp, sang trọng và đằm thắm. Hằng ngày Cô lái xe traction đen đến trường, rất lịch lãm. Cô có nụ cười rất đẹp và hiền. Cô vừa xa vừa gần. Đủ xa để học trò phải tôn kính một vị hiệu trưởng. Đủ gần để chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của một nhà giáo đối với đám trẻ cần được dạy dỗ bảo ban.
Chúng tôi rất hãnh diện khi thấy cô hiệu trưởng của mình tự tin, lịch sự , bình đẳng đón tiếp phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục đến thăm trường, hay ông bà tỉnh trưởng đến dự lễ phát thưởng . Những bài diễn văn của Cô không bao giờ dài dòng sáo rỗng, luôn khiến cử tọa phải nghe từng câu, từng chữ.
Tôi nhớ có lần trong hội trường, Cô giáo huấn tất cả nữ sinh về cách đi đứng, hành xử. Cô la rầy những bạn vì đi trễ mà phải chui hàng rào đi tắt vào trường. Cô bảo : “ Con gái thì phải đường quang minh chính đại mà đi ! Không thể ‘ đi ngang về tắt ‘ như thế được !!! “
 
Cô cũng dành thời giờ dự một số buổi thuyết trình của học sinh chiều thứ Bảy. Một buổi có đề tài “ Nữ sinh trong thời buổi tiết kiệm hiện nay” của lớp Nhị B. Cuối buổi, Cô nêu ý kiến với tư cách là một khán giả. Cô bảo : “ Dù là thời nào một người con gái lý tưởng cũng cần có lòng. ( Cô cười rồi nói tiếp ) Không phải là có ruột ! Mà là có một tấm lòng ! “
Lớp Nhị C của chúng tôi tổ chức một buổi văn nghệ. Cô có đến dự và đã khiến chúng tôi vui biết bao khi nhận xét: “ Một lớp mà làm được nguyên một buổi văn nghệ như thế này là cũng ghê lắm chứ ! “ Và sau đó, những buổi văn nghệ tất niên của trường là tôi được giao nhiệm vụ viết và đứng trong cánh gà đọc lời giới thiệu !
Tôi cũng đã được chứng kiến Cô nói chuyện với thầy An, phu quân của Cô, dịu dàng, nể trọng mà đầy yêu thương. Tôi cũng được biết 5 em Nhật Anh, Nhật Thanh, Nhật Phương, Nhật Phong, Châu Thi, con Cô. Các em đều dễ thương và giỏi. Cô đúng là mẫu người phụ nữ thành công ngoài xã hội và cũng là người vợ người mẹ đúng mực, chu toàn.
 
Cô giám học Nguyễn Thị Quýt lại là người thầy tôi không thể nào quên. Cô làm giám học ( giống như hiệu phó chuyên môn sau này ), nhưng Cô cũng nhận dạy một lớp duy nhất. May mắn cho Tam C và Nhị C của chúng tôi là được Cô chọn để dạy Anh Văn sinh ngữ 2 trong hai năm liền. Cô đi du học ở Mỹ về , và với kinh nghiệm giảng dạy, Cô đã là người “ khai sáng” cho tôi môn tiếng Anh, đã truyền cho tôi lòng say mê đối với môn học và khiến tôi dám “ liều mình” ghi tên học ban Anh Văn khi lên đại học mặc dù sinh ngữ chính của tôi là tiếng Pháp.
Phương pháp sư phạm của Cô thật tuyệt vời. Cô giảng bài thật rõ ràng, dễ hiểu. Cô cho áp dụng mẫu câu, thực hành nhiều nên học trò của Cô ai cũng nắm được nguyên tắc và làm đúng. Đặc biệt đối với những bạn còn nhút nhát hoặc chưa vững thì Cô dò bài liên tục. Mỗi tuần 3 lần gặp Cô, lần nào các bạn ấy cũng được Cô gọi lên bảng, không hỏi về từ vựng thì cũng là mẫu câu. Vì thế các bạn luôn phải ở “ tư thế sẵn sàng” và vì thế cũng tiến bộ nhanh hơn. Trong khi các bạn lên bảng thì cả lớp cũng phải trả bài bằng cách ghi ra vào nháp câu trả lời của mình. Cô đi quanh lớp kiểm tra nên không ai dám không học bài cũ. Hai tiếng đồng hồ học Cô thật vui , thoải mái và hiệu quả. Thường cuối buổi học tôi hay cảm thấy tiếc vì thời gian trôi qua nhanh quá, còn muốn được học thêm.
Ngày tốt nghiệp đại học, tôi có học bổng Fulbright và được trường đại học UCLA ( University of California Los Angeles ) nhận vào học chương trình Master of American Literature, tôi đã có dịp gặp Cô ở Sài Gòn. Với tất cả lòng tri ân , tôi đã nói với Cô nhờ có Cô tôi mới đạt được ước mơ đó. Cô đã vuốt vuốt ngực, quay sang mỉm cười với chị tôi và nói : “ Nghe mà mát cả dạ !!! “ Ôi, cô giáo của tôi !!!
Điều tôi ân hận nhất là cho đến nay tôi vẫn không liên lạc lại được với Cô. Hỏi thăm địa chỉ e- mail của Cô thì không ai biết.
 
Cô tổng giám thị Minh Tâm, nhưng mọi người gọi Cô là Cô Thắng theo tên của Thầy.
Cô là người phụ nữ đất Hà Thành thanh lịch, nên nhìn Cô cực kỳ quý phái. Giọng nói của Cô cũng thật hay. Trong 2 buổi nhạc hội của trường tổ chức tại rạp hát Hòa Bình năm học 1968-1969, Cô cùng với cô Ấu Lăng đọc lời giới thiệu các tiết mục, giọng hai cô truyền cảm và hay biết bao !
Vì là tổng giám thị nên học trò tự nhiên cứ thấy sợ Cô, chứ thật sự Cô rất hiền và chắc không phải “ nghiêm trị” ai !
Thầy Cô có 3 cô con gái tên rất hay: Hoài Hương, Hiền Hòa, Hân Hoan. Các em học rất giỏi. Em trai Tạ Lê Lợi là tiến sĩ. Có tết năm nào trên truyền hình có một phóng sự về gia đình Thầy Cô.
Cách đây 8 năm tôi có đến thăm Thầy Cô sau bao nhiêu năm rời xa Đà Lạt. Thầy Cô vẫn hoạt bát, vui tươi và vẫn dành tình thương mến cho đứa học trò, sinh viên như ngày nào.
 
Ba năm học ở trường, tôi có 3 vị giáo sư hướng dẫn : cô Thu Cúc lớp Tam C, cô Kim Luông lớp Nhị C và thầy Duy Diệm lớp Nhất C.
Cô Thu Cúc dạy tôi môn Việt Văn . Cô đúng là một cô gái Huế, kín đáo , sâu sắc, dịu dàng. Học Cô, tôi tăng niềm thích thú đọc sách lên nhiều lắm, mặc dù từ trước đó tôi đã đọc hết sách Tự Lực Văn Đoàn của chị Ấu Lăng tôi từ khi còn nhỏ rồi . Năm đệ Tam tôi bắt đầu đọc những quyển khó của ông Lê Tuyên, thầy dạy chị tôi ở đại học sư phạm Huế, của giáo sư triết Nguyễn Văn Trung, của Phạm Công Thiện…Đọc Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời của Mai Thảo, đọc Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Hạnh, Nẻo Về Của Ý của Nhất Hạnh…Đọc để chỗ nào không hiểu thì lại lên hỏi Cô !
Trong giờ dạy, Cô hay đặt câu hỏi, nêu vấn đề để học trò tranh luận và giải quyết.
Cuối năm gần tết hay sắp nghỉ hè, Cô cùng cô Thanh Lam dẫn cả lớp tôi lên đồi Cù chơi. Cô đã từng đi hướng đạo nên Cô bày nhiều trò chơi vui lắm.
May mắn cho tôi là qua một người bạn, tôi có địa chỉ e- mail của Cô để vẫn còn liên lạc và năm ngoái còn được đến thăm Cô khi Cô về Sài Gòn. Cô vẫn gầy nhưng Cô không già. Cô còn gửi cho tôi mấy tấm hình Cô chụp ở Đồng Khánh khi Cô về thăm lại trường vì Cô biết tôi cũng đã học ở đấy.
Cô vẫn còn viết văn và làm thơ. Cô cũng đã gửi cho tôi những dòng thư với bao nhiêu trăn trở !
 
Cô Kim Luông dạy tôi Sử Địa trong 2 năm đệ Tam và đệ Nhị. Cô hướng dẫn tôi năm đệ Nhị. Lúc đó Cô còn rất trẻ và rất đẹp. ( Sao các cô giáo ở Bùi Thị Xuân của tôi nhiều người đẹp thế ! ) Tôi còn nhớ ở phòng trọ của Cô có bức tranh thầy Nguyễn Lập Chí vẽ theo một tấm ảnh nhỏ của Cô, giống và đẹp đến nỗi khi nào đến tôi cũng phải ngẩn ngơ ngắm !
 
Năm Cô hướng dẫn, lớp chúng tôi nổi hứng gồng mình làm 2 buổi văn nghệ dưới hội trường của trường. Chỉ một mình lớp Nhị C của chúng tôi thôi mà đầy đủ hết các tiết mục ca, múa , nhạc, hoạt cảnh, kịch …. Thầy Chí giúp Cô và lớp tôi nhiều trong việc thuê ban nhạc, trang trí phông màn . Buổi sáng dành cho các em đệ nhất cấp vì các em học buổi chiều. Buổi chiều để mời các thầy cô và dành cho các bạn đệ nhị cấp. Khách bên ngoài cũng có thể mua vé vào xem.
Khi chương trình bắt đầu, giáo sư hướng dẫn của chúng tôi có vài lời chào mừng khán giả. Có vị khán giả là khách ở bên ngoài đến dự ngạc nhiên hỏi : “ Ai vậy? Cô giáo đó hả ? Cô giáo mà sao đẹp dữ vậy? “ Chúng tôi vừa buồn cười vừa hãnh diện vô cùng !!!
Khi giảng bài trong lớp, Cô hay có thói quen vừa nói vừa viết lên bảng những chi tiết quan trọng. Cô dùng những mũi tên để nối các chi tiết với nhau. Hết bài giàng thì bảng cũng kín chữ Cô viết.
Cô còn trẻ nhưng tính Cô lại điềm tĩnh lạ lùng. Có những việc chắc chắn sẽ làm người khác nổi giận lôi đình vì cảm thấy bị xúc phạm hoặc tổn thương nhưng Cô thì không. Cô giải quyết các việc rồi mới quay lại câu chuyện, và cũng không đề cập trực tiếp, Cô chỉ từ tốn bảo : “ Đã lớn rồi thì phải chịu trách nhiệm về lời nói cuả mình, đừng nói năng lung tung ! “ Tôi nghĩ người học trò có lỗi sẽ giật mình ân hận. Còn tôi thì cảm phục Cô vô cùng.
Giáo sư hướng dẫn lớp đệ Nhất C của chúng tôi là thầy Nguyễn Duy Diệm. Thầy dạy môn Triết. Thật ra Triết có nhiều phân môn. Thầy dạy chúng tôi Siêu Hình Học và Luận Lý Học. Cô Phi Loan dạy chúng tôi Tâm Lý Học.
Lên lớp đệ Nhất, cùng với môn Triết, chúng tôi cảm thấy mình “ người lớn” , bắt đầu nói đến Schopenhauer, Heidegger, Neitzsche, vong thân, hiện sinh, siêu thực… , bắt đầu biết đến Tam đoạn luận của Aristote…
Thầy đã hướng dẫn chúng tôi đến với môn học mới mẻ mà không dễ dàng này.
Cuối năm gần Tết, trường cho cắm trại qua đêm. Thầy đã cùng lớp chúng tôi thức gần suốt đêm, ngồi thành vòng tròn chơi trò kể chuyện tiếp nối, mỗi người một câu, và còn được Thầy cho phép cùng bàn luận về … tình yêu nữa. ( Chúng tôi thấy mình lớn hẳn lên và “ ghê gớm “ lắm !!! ).
Đến hè, sau khi thi xong Tú Tài 2 và đang chờ kết quả, Thầy lại gọi cả lớp đến Chi Lăng họp mặt cả ngày tại một biệt thự của bạn Thầy. Lớp đón thầy Xuyên và thầy Uyên đến chơi. Các bạn lại đàn hát ngâm thơ… Một kỷ niệm khó quên.
Thầy còn cùng với mấy người bạn mở một hiệu sách tên là Nhân Văn ở số 70 Duy Tân. Hiệu sách toàn những sách trí thức, nhìn trang nhã và tĩnh lặng. Chúng tôi rất thích đến đấy
Cô Phi Loan dạy tôi Triết năm đệ Nhất, môn Tâm Lý , nhưng tôi đã được học Cô từ đệ Tam khi Cô dạy tôi Giáo Dục Công Dân. Cô là người Sài Gòn, nhưng theo Cô kể thì Cô học Triết ở đại học Đà Lạt. Cô chiếm được cảm tình của đám học trò chúng tôi vì sự chân tình vui vẻ của Cô. Cô cởi mở, chúng tôi vì thế cũng gẩn gũi với Cô. Khi hết bài và còn vài phút, Cô lại kể cho lớp nghe những truyện tiếng Anh Cô đã đọc. Chúng tôi say sưa nghe Cô kể Little Women và nhất là Tales of Two Cities của Charles Dickens. Lên đệ Nhất thì Cô không còn thời gian để kể chuyện nữa. Cô dặn chúng tôi khi làm luận Triết phải chặt chẽ, mạch lạc, không được “ bay bướm”. : “ Bay bướm là bay luôn đấy !!! “
Sau 1975 tôi không được gặp Cô nữa và về sau nghe tin Cô đã mất . Tôi bàng hoàng tiếc thương cô giáo rất dễ thương và là người cũng đã thương đứa học trò này.
 
Đối với một học sinh ban C, ngoài môn Việt Văn và Triết, sinh ngữ là môn học cực kỳ quan trọng . Lên đệ Tam là chúng tôi được học sinh ngữ 2. Sinh ngữ chính 8 giờ/tuần, 6 giờ với giáo sư Việt và 2 giờ với giáo sư bản ngữ. Sinh ngữ 2 cũng 6 giờ/ tuần. Vì thế ngày nào tôi cũng học tiếng Pháp và tiếng Anh.
Và các thầy cô dạy sinh ngữ là những người để lại những dấu ấn sâu sắc cho tôi.
Cô giáo Pháp Văn đầu tiên tôi gặp ở trường là cô Bảo Trâm. Cùng với cô Bích Khuê, bạn thân của cô, trong mắt tôi, hai cô là biểu tượng của “ dân trường Tây”, rất đẹp, rất mốt, và rất tây ! Cô Bảo Trâm của tôi lại rất giỏi nữa. Khi còn đi học Cô đứng đầu lớp. Sau khi dạy chúng tôi, Cô đi du học ở Đức và cũng nhất lớp ! Cô nói tiếng Pháp rất hay, tôi cứ tự hỏi đến bao giờ mình mới được một phần như thế ! Cô muốn học trò của Cô giỏi nên Cô yêu cầu rất cao, bắt học bài làm bài liên tục. Cô hay bắt chúng tôi làm luận tiếng Pháp, cho chúng tôi những tài liệu ngoài sách Mauger để tăng vốn từ vựng, để câu văn sống động hơn chứ không phải lúc nào cũng chỉ “ Il y a… “ nhàm chán.
Ngày Cô nói lời chia tay với lớp , tôi về nhà khóc mãi. Những khi Cô lên lại Đà lạt thăm nhà, tôi đến thăm Cô, được Cô cho quả mận trong vườn nhà Cô, đem về nhà để mãi trên kệ bàn học, cho đến khi khô héo mới đành bỏ đi ! Cô viết thư trả lời tôi khi Cô còn ở Sài Gòn và khi Cô đã sang Đức . Mỗi lần nhận được thư Cô, lòng tôi như mở hội, chân đi không chạm đất. Tôi đã cố đi tìm bản nguyên tác tiếng Pháp Le Petit Prince của Saint Exupéry để đọc theo lời giới thiệu của Cô dù lúc đó ở Đà Lạt rất khó có sách gốc. Lần cuối tôi được gặp Cô là khi tôi đã lên đại học, sau đó Cô qua Thụy Sĩ và tôi không còn tin tức của Cô nữa.
 
Cô Bảo Trâm nghỉ dạy, có nghĩa là lớp tôi sẽ có một giáo sư khác dạy thay. Sau một thời gian hồi hộp chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng biết giáo sư mới là ai.
1/ Vẫn còn thương nhớ cô Bảo Trâm, tôi “ gồng mình” lên chờ vị giáo sư mới với ít thiện cảm dù chưa biết là ai. Trong tôi , vô tình đã hình thành định kiến đây là người thay thế cô giáo của mình.
2/ Đến khi biết là một thầy giáo sẽ dạy mình, tôi lại càng không thích, vì từ khi còn nhỏ tôi đã thích các cô giáo hơn.
3/ Ngày đầu tiên bước vào lớp, Thầy để cho cả lớp một ấn tượng là Thầy rất khó tính và lạnh lùng.
4/ Buổi học đầu, Thầy cho lớp tôi làm một bài khảo sát để biết trình độ. Bài không dễ và chúng tôi “ sợ” Thầy nên làm bài tệ hơn mọi khi.
5/ Trong đề bài, có một câu hỏi Thầy yêu cầu chia động từ ở thì F.A.
Tôi đứng lên hỏi Thầy F.A. là chữ viết tắt của chữ gì. ( Hỏi bằng tiếng Pháp vì từ khi học cô Trâm, cô đã bắt chúng tôi phải nói tiếng Pháp tối đa trong lớp ). Thầy trả lời nhanh và tôi thì đang “ hoảng loạn” nên không kịp nghe ra Thầy nói F.A là gì. Thế là tôi bỏ câu đó, mất 2 điểm vì thật ra F.A. là thì Futur Antérieur, dễ chứ không khó !
Đến buổi học sau lúc trả và sửa bài, Thầy chê cả lớp tôi kém khủng khiếp. Tôi càng buồn và càng không thích Thầy.
Nhưng dần dần , mọi thứ đều thay đổi. Hóa ra là chúng tôi may mắn được học một giáo sư rất giỏi, rất hiền, rất thương học trò.
Thầy là Thầy Xuyên !
Thời gian đầu học Thầy ở Tam C, chúng tôi không biết Thầy là người Bắc, Trung hay Nam vì Thầy không bao giờ nói tiếng Việt ! Phải đợi đến khi Thầy đọc tên học trò , chúng tôi mới biết và về sau mới biết Thầy là “ dân Đà Lạt “.
Có những lần trường đưa ra thông báo , Thầy bảo tôi- trưởng lớp – tóm tắt nội dung và trình bày cho Thầy nghe bằng tiếng Pháp. Tôi đã phải cố gắng “ vận dụng hết vốn liếng “ để hoàn thành nhiệm vụ ! Có lẽ nhờ những “ thử thách “ như thế nên tôi tiến bộ rõ rệt khi học Thầy.
Những giờ học với Thầy rất vui và đáng nhớ. Tất cả lớp, dù khá hay còn yếu đều thích học Thầy vì không khí thoải mái ( nhưng vẫn rất trật tự ) và Thầy có những câu hỏi khác nhau dành cho những học trò với trình độ khác nhau.
Sau này khi đã ra đời rất lâu, gặp lại được Thầy, cùng Thầy nói chuyện ngày xưa, Thầy giải thích rằng lúc mới vào lớp Thầy làm mặt khó, “ thiết lập kỷ kuật sắt” để học sinh sợ , sau đó từ từ nới lỏng thì sẽ vui và học được. Thầy nói đó là giáo học pháp sư huynh Pierre Nghiêm ở đại học Đà Lạt đã truyền dạy cho sinh viên sư phạm như thế.
Tôi thích nhất là những giờ học văn chương Pháp với Thầy. Thầy có đầu óc phân tích sâu sắc và có tâm hồn nghệ sĩ ( Thầy vẽ tranh rất đẹp ) nên Thầy đã hướng dẫn chúng tôi đến với nền văn chương Pháp đồ sộ và càng khắc sâu tình yêu tôi vốn có dành cho văn học Pháp. Khi lên đệ Nhất C , lớp tôi lại được học Thầy một lần nữa ! Với chương trình Mauger 4 , một quyển sách dày cộm về văn chương, thầy trò lớp tôi lại càng có dịp tìm hiểu sâu về nét đẹp của ngôn ngữ và văn chương Pháp. Ngoài bài trong sách giáo khoa, Thầy còn giao cho chúng tôi thuyết trình về các tác giả và tác phẩm. Chúng tôi đọc Lettres de Mon Moulin của Alphonse Daudet, Une Vie của Guy de Maupassant, Vol de Nuit của Saint Ex… Chúng tôi học thơ của Paul Verlaine, Arthur Rimbaud, học khảo luận của Jean- Jacques Rousseau…
Tôi nhớ học kỳ II năm đệ Nhất, trong phần thi vấn đáp, thay vì bốc thăm một bài và trả lời câu hỏi của Thầy như trong học kỳ I, chúng tôi được giao thuyết trình. Mỗi người tự chọn một truyện ngắn, một tác phẩm của một tác giả trong chương trình đã học, chuẩn bị và lên nói trước lớp.
Có lẽ các bạn tôi quá thích câu chuyện lãng mạn của chàng chăn cừu cô đơn trên núi, thầm yêu cô chủ nhỏ . Cho đến một hôm cô chủ nhỏ lên trang trại tiếp tế và không về được, ban đêm chàng mục đồng cùng cô ngồi trên cỏ, nhìn lên trời ngắm các vì sao. Chàng kể cho nàng tên các chòm sao, rồi cuối cùng cảm thấy có một vì sao nhỏ, mong manh, lạc lối về, vừa ngả đầu ngủ thiếp trên vai chàng …
Thế là các bạn đua nhau chọn Les Étoiles của Alphonse Daudet !
Một bạn, hai bạn, rồi khi đến bạn thứ ba lên và giới thiệu đề tài ( chúng tôi không phải báo trước đề tài với Thầy ) thì Thầy phải giơ hai tay lên đầu hàng ( dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp ): “ Trời ơi ! Lại Les Étoiles !!! Tôi đến chết vì Các Vì Sao của các em mất thôi !!! “ …Cả lớp được một dịp cười nghiêng ngả !!!
Năm lớp đệ Nhị C, tôi học tiếng Pháp với cô Bích và thầy Tính.
Cô Bích dạy chúng tôi rất căn bản và nói chuyện văn chương Pháp cũng rất hay. Cô dạy chúng tôi những tác phẩm của Chateaubriand, hình tượng của trường phái lãng mạn Pháp. Cô kể về Les Misérables của Victor Hugo, cô dạy Le Lac của Lamartine…
Tôi nhớ nhất là câu Cô nói về những bài luận Pháp Văn lớp tôi viết: “ Bài của các em viết thì không có gì để sửa cả ! Nhưng mà đó không phải là tiếng Pháp ! Ce n’est pas Français !”
Lời Cô nói làm tôi càng ra sức trau dồi tiếng Pháp, đọc nhiều sách hơn để có văn phong Pháp !
Sang học kỳ II của năm học đó thì lớp tôi học thầy Tính. Thầy rất nghiêm túc và chữ Thầy rất đẹp.
Thầy ra bài dịch Pháp- Việt cho chúng tôi làm và tôi vẫn nhớ câu nói nửa đùa nửa thật của Thầy:
“ Dịch làm sao cho tôi đọc mà tôi hiểu được , chứ đừng để tôi đọc tiếng Việt mà tôi không hiểu ! “
Sau này khi đi làm , có khi gặp những văn bản hay những lời hướng dẫn sử dụng sản phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, tôi phải đi tìm bản gốc tiếng Anh , tiếng Pháp đọc lại để hiểu thật sự nội dung là gì. Những khi đó tôi cứ nhớ đến lời Thầy, cười thầm và thấy Thầy của mình chí lý quá !!!
Khi tôi đi dạy sau 1975 thì Thầy lên Sở Giáo Dục phụ trách môn ngoại ngữ vì Thầy giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Tôi lại được gặp Thầy vào mùa hè khi về tập huấn chuyên môn hoặc khi Thầy về trường trong đoàn thanh tra.
Khi tôi đổi lên Đà Lạt và được quay về dạy lại ở ngôi trường xưa Bùi Thị Xuân của mình, tình cờ tôi lại là cô giáo của Mỹ Trang , con gái Thầy. Một lần trên đường về nhà , gần trường Trần Hưng Đạo xưa, tôi gặp cô Mỵ Đuông, phu nhân của Thầy. Khi biết tôi sắp dạy Mỹ Trang, Cô đã rất vui và nói với tôi: “ Ô, thế thì mừng quá ! Mừng quá ! “ Tôi đã cảm động vô cùng và càm thấy hạnh phúc như mình lại vừa nhận thêm một phần thưởng nữa khi được thầy cô giáo của mình tin tưởng giao cho dạy con của Thầy Cô.
 
Giáo sư dạy Anh Văn cho tôi , ngoài cô Quýt Giám Học dạy tôi năm đệ Tam và đệ Nhị, còn có 2 cô Chi Điền và Nghĩa dạy tôi học kỳ I và II năm đệ nhất C.
Trước khi học cô Điền, tôi đã được nghe các chị lớp trên hoặc các bạn lớp khác nói rằng Cô rất khó tính. Khi vào lớp, tôi cũng hơi sợ và lo lắng. Đúng là Cô có nóng tính và mỗi khi nghe Cô la các bạn khác , tôi cũng sợ, tim đập thình thịch.
Nhưng học Cô một thời gian thì tôi hiểu Cô yêu cầu cao ở học trò và không chấp nhận những “ sai lệch“ nên hay la học trò thôi. Cô là người có tinh thần trách nhiệm rất cao, làm gì cũng muốn đến nơi đến chốn.
Về sau này, khi tôi quay về trường dạy, thuộc tổ ngoại ngữ Anh do Cô làm tổ trưởng, tôi càng thấy rõ điều đó. Cô dạy học trò với tất cả nhiệt tình, tâm huyết ; Cô coi các giáo viên trẻ trong tổ như em, như con cháu , sẵn sàng giúp đỡ bảo ban. Cô lại rất vui tính và thông minh dí dỏm, làm mọi người cười thoải mái. Và với riêng tôi, Cô vẫn thương như hồi tôi còn là đứa học trò nhỏ của Cô. Đã không biết bao nhiêu buổi trưa phải ở lại trường dạy hay họp buổi chiều, tôi được Cô gọi lại nhà Cô ăn cơm với Cô. Cô cũng chia xẻ, tâm sự với tôi nên tôi hiểu, gần và thương Cô hơn.
Sang học kỳ II, cô Nghĩa dạy thay cô Điền. Cô Nghĩa còn rất trẻ. Tôi nghe nói Cô vừa mới tốt nghiệp thủ khoa ở đại học sư phạm Huế. Nhìn Cô như học trò vì Cô hay mặc áo dài trắng, áo len đen, tóc xõa dài quá vai một tí, tay lại còn xách chiếc cặp thay vì túi như các cô giáo khác . Những giờ học với Cô thật dễ thương, nhẹ nhàng, thoải mái. Tuy mới ra trường nhưng Cô dạy hay, cho chúng tôi làm nhiều đề thi cho quen .
Những ngày cuối năm học cuối ở trường, tôi cứ có tâm trạng bâng khuâng của đứa học trò sắp đánh mất những tháng ngày đẹp nhất của đời mình. Tôi có một quyển lưu bút , xin các thầy cô ghi lại vài dòng cho tôi , gọi là “ còn một chút gì để nhớ “ . Có một buổi chiều tôi đi sang trường, tìm đến lớp cô Nghĩa đang dạy, đưa cho Cô quyển lưu bút. Cô nói tôi chờ một chút ngoài hành lang. Một lát sau Cô ra đưa trả lại cho tôi. Khi xuống đến sân trường, mở ra , tôi rưng rưng muốn khóc khi thấy Cô chép cho tôi bài hát “ To Sir With Love “ trong phim cùng tên của Sydney Poitier . Khúc hát của một cô bé học trò hát tặng thầy giáo ngày chia xa, cũng như tâm trạng của tôi lúc đó, khi sắp xa trường, xa thầy cô mãi mãi !
Ở trường , cứ đến giờ sinh ngữ là lớp tôi tách làm hai, học ở hai phòng khác nhau, với hai giáo sư khác nhau. Lớp Pháp Văn của tôi giữ sổ đầu bài trong giờ đầu. Sau đó tôi cầm sổ qua lớp bên kia để giáo sư bên lớp Anh Văn ghi. Vì thế tôi được biết thêm những thầy cô khác . Tôi biết cô Văn Thị Mai ( cũng là hàng xóm của chị Ấu Lăng tôi và phu nhân của thầy Cao Hữu Hanh, giáo sư Anh Văn nổi tiếng của trường Trần Hưng Đạo, cô Thân Thị Hồng ( Cô đi học ở Mỹ về và sau này là hiệu trưởng ), cô Trần Thị Huệ ( Cô còn tốt nghiệp Nhạc Viện Sài Gòn khoa piano và đã có một buổi trình diễn piano cho toàn trường … sau khi tôi đã ra trường và vì thế cứ tiếc mãi ! ), cô Nông thị Chuyên ( Cô học ở Úc về và khi tôi đã xuống Sài Gòn , tình cờ lại cùng dạy với Cô ở trường Ngoại Ngữ Sài Gòn một thời gian trước khi Cô xuất ngoại ), cô Kim Phượng ( em cô Phương Thu – cô hiệu trưởng cuối của trường trước 1975 và là giáo sư Văn Học Sử Anh và Xã Hội Anh của tôi ở đại học Đà Lạt mà tôi đã có dịp kể trong một bài viết khác - ) Và không thể không nhắc đến cô Thu Tâm. Cô là bạn học với chị Ấu Lăng từ hồi ở Đồng Khánh , Huế. Cô hát rất hay và ở trong ban văn nghệ của trường. Mỗi khi trường tổ chức văn nghệ hay có buổi phát thanh trên đài phát thanh Đà Lạt nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng , Cô đều có mặt. Và tôi cũng hay ở đó vì hoặc là tôi đọc lời giới thiệu tiết mục văn nghệ, hoặc đọc bài viết của chính mình để tưởng niệm Hai Bà trên đài. Cô hát chung với mấy chị Mỳ, Hồng Mai, Kim Tuyến … Sau năm 1975 Cô và tôi lại gặp nhau ở trường Thăng Long và Cô trở thành “ Chị Ba” của tổ ngoại ngữ ở đó. Khó ai có thể quên giọng hát cao vút của Cô với “ Bóng cây Kơ Nia” !
Ban C cũng học Sử- Địa nhiều, những môn học thật thú vị nhưng cũng đòi hỏi trí nhớ.
Năm đệ Tam và đệ Nhị, cô Kim Luông dạy chúng tôi.
Lên lớp đệ Nhất, tôi học cô Nguyệt Châu một thời gian ngắn rồi sau đó học thầy Huỳnh Văn Uyên.
Cô Châu đẹp và rất có duyên. Ngồi học ở bàn đầu nên tôi cứ được ngắm Cô mãi !
Năm đó lớp tôi có 3 bạn nam từ bên Trần Hưng Đạo chuyển sang. Có lẽ Cô quen dạy học trò con gái ngoan ngoãn , nhu mỳ rồi nên Cô không thích cách các nam sinh học giờ Cô lắm. Tôi nhớ có lần Cô gọi một bạn nam lên bảng. Bạn ấy cũng có học bài nên cũng trả lời được tuy cũng chưa hoàn hảo lắm. Sau khi “ bị truy bài” xong, bạn ấy bước xuống khỏi bục, đặt tay lên tim như muốn nói “ Hú hồn ! “ làm cả lớp cười rầm lên. Cô cũng phải phì cười ! Nhưng có hôm Cô gọi một bạn nam khác trả bài Sử. Bạn ấy nói thẳng luôn: “ Thưa Cô, em không học bài ! “ Thế là lãnh một con zéro đi về chỗ. Qua tuần sau bạn ấy lại bị gọi lên bảng, cũng giờ Sử. Đứng im một chút, bạn ấy nói thật với Cô: “ Tuần trước em trả bài Sử rồi nên tuần này em chỉ học bài Địa . “ Lại một con số không nữa và đi về chỗ !!!
Tuy sau đó không còn dạy lớp tôi nữa, Cô vẫn nhớ tôi. Có lần gặp Cô dưới văn phòng, Cô mỉm cười với tôi và bảo: “ Cứ thấy cầm chemise chạy trong sân hoài ! “ Đó là một lời khen nên tôi rất sung sướng. ( Hồi đó trong kỳ thi lục cá nguyệt ( học kỳ), học sinh nào được điểm cao nhất lớp bài thi của môn nào thì được vinh dự thu bài làm của cả lớp về thống kê điểm, xếp thứ hạng cho môn đó và tổng hợp thành danh sách , ghi vào 2 tờ bìa lớn , gọi là chemise, bao ở ngoài , đưa trình giáo sư bộ môn ký và đem nộp cho văn phòng lưu. Đến cuối năm , trong lễ phát phần thưởng, học sinh được đọc tên, loại phần thưởng – danh dự, ưu hạng…- kèm theo câu “ Với … lần xướng danh “. Có nghĩa là học sinh đó có bao nhiêu môn được xếp hạng cao từ 1 đến 5 trong 2 kỳ thi học kỳ. Thường có 8 lần xướng danh là cao nhất vì có 8 môn ).
Thầy Uyên dạy lớp chúng tôi sau khi cô Châu chuyển giao. Thầy dạy Sử nhưng nghe hay như dạy Văn ! Chúng tôi say mê nghe Thầy kể chuyện Kinh Kha , với câu thơ nổi tiếng bên dòng sông Dịch:
Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về
Thầy ngâm thơ tuyệt vời, thổi sáo, đàn tranh hay da diết !!!
Thầy hay đùa, la bọn tôi : “ Không giống ai !!! “
Lúc đó các bạn tôi trong lớp đang tuổi tự thấy mình là người lớn, đang muốn khẳng định mình nên hay la lên phản kháng: “ Cần gì phải giống ai , Thầy? “ Thầy bảo : “ Không giống ai khổ lắm, lạc lõng , bơ vơ !!! “ Tôi nghe Thầy nói, nghĩ đến Cao Bá Quát , và mơ hồ hình như Thầy có lý ! Lớn lên , tôi càng thấy ý nghĩa của hai chữ “ hòa đồng “ !
 
Ngoài các môn xã hội, ban C chúng tôi cũng vẫn học các môn khoa học tự nhiên, Toán, Lý- Hóa, Vạn Vật ( hồi đó gọi là Vạn Vật vì chương trình không chỉ về các sinh vật như sau này ).
Mỗi tuần chỉ có 1 giờ nên nhẹ nhàng chứ không áp lực như hồi học đệ Ngũ, đệ Tứ. Tôi chưa bao giờ xem đây là những môn phụ vì từ nhỏ đã quen học đều các môn và lại thêm biết rất rõ rằng đây là những môn sẽ giúp một học sinh ban C đậu cao trong kỳ thi Tú Tài vì dễ đạt 18, 19 điểm trên 20. Các môn chính của ban C như Việt Văn, Triết, Pháp Văn hệ số cao ( 4 hoặc 5 ), nhưng để có được 16/20 điểm không dễ chút nào !
Vì thế tôi vẫn học rất nghiêm chỉnh các môn này và vẫn được các thầy dạy nhớ tên, biết đến.
Thầy Lương Mậu Dũng dạy Toán tôi năm đệ Nhị. Thầy hiền, giọng Thầy rất trầm. Thầy lại là huynh trưởng hướng đạo nên những khi trường đi cắm trại, Thầy luôn nằm trong ban tổ chức và tổ chức rất hay. Những bài hát bên lửa trại do Thầy bắt nhịp, những trò chơi trên đồi Cù do Thầy điều khiển là những ký ức không quên của nữ sinh Bùi Thị Xuân. Thầy lại còn làm thơ hay nữa ! Thật là một ngạc nhiên cho đám học trò của Thầy !
Nhắc đến thầy Dũng thì không thể không nhắc đến cô Hoa Mai ! Cô không dạy tôi vì khi Cô về trường , tôi đã sắp ra trường. Nhưng Cô hay sang chơi với chị Ấu Lăng của tôi. Chị tôi cũng dẫn tôi sang phòng trọ của Cô trong dãy nhà phía sau nhà cô Cẩm Anh. Hồi đó cô Hoa Mai còn trẻ lắm, Cô có một cái áo màu hồng, tay phồng rất đẹp, kiểu lạ làm tôi ngắm mãi. Ba của Cô lại là bạn của bố tôi ở Khu Công Chánh nên bố tôi cũng hay hỏi thăm Cô. Bố tôi nói ba của Cô cao cờ lắm, đã từng được giải. Về sau khi bố tôi về Sài Gòn, hai cụ vẫn còn đánh cờ với nhau !
Lên lớp đệ Nhất, tôi học Toán với thầy Võ Quang Nghĩa. Nhìn Thầy trầm lặng, khép kín, nhưng Thầy dạy hay và hiền. Thầy cũng biết tôi cố gắng học Toán nên trong bài thi học kỳ, Thầy phê những câu để khuyến khích như: “ Bài làm gần như hoàn hảo “, làm tôi cũng “ nức lòng binh sĩ” ghê lắm !!!
Ngày tôi đi thi môn Toán trong kỳ Tú Tài II , vị giám thị ( đến từ trường khác, tỉnh khác ) đi ngang qua chỗ tôi đang làm bài, nhìn vào bài của tôi một lúc và hỏi : “ Ban C mà sao làm toán khá quá vậy ? “ và thầy giám thị 2, khi tôi lên nộp bài, đã xem nhanh đáp số của tôi và gật gù : “ Đúng rồi ! “ . Tôi rất mừng và ước gì gặp được Thầy của mình để kể cho Thầy nghe . Chắc Thầy cũng mỉm cười hài lòng vì đứa học trò ban C này của Thầy đã không làm Thầy phải “mất mặt “ !
Sau 1975 Thầy làm hiệu trưởng Bùi Thị Xuân . Tôi còn được gặp Thầy trong những kỳ chấm thi tốt nghiệp trung học mà Thầy làm chủ tịch hội đồng . Sau đó một thời gian , khi tôi đã xa Đà Lạt, nghe tin Thầy mất, tôi rất buồn vì Thầy chưa già mà đã ra đi và tôi không đến viếng Thầy được.
 
Thầy Trịnh Viết Bách dạy tôi Lý- Hóa hai năm đệ Tam và đệ Nhị. Thầy cũng là phu quân cô Bích dạy chúng tôi Pháp Văn. Thầy dạy rất rõ ràng, dễ hiểu. Thầy lại vui tính nên trong giờ học, lớp chúng tôi hay có những tiếng cười thoải mái, quên bớt mệt nhọc. Thầy cao lớn, nên thầy Diệm hướng dẫn lớp đệ Nhất của chúng tôi kể rằng trong 8 tuần các thầy phải đi tập quân sự, trong đơn vị, mỗi khi sắp hàng Thầy Bách luôn đứng đầu, còn thầy Diệm đứng cuối ! Mỗi khi chạy , nhảy, hay từ dưới giao thông hào nhảy lên mặt đất , Thầy đều nhanh nhất, giỏi nhất !
Lên đệ Nhất, tôi học Lý-Hóa với thầy Nguyễn Hữu Hiền. Chị Ấu Lăng tôi nói Thầy tốt nghiệp thủ khoa toàn khóa ở đại học sư phạm Huế ( cũng giống như danh dự toàn trường ở bậc trung học ). Thầy giỏi lại rất có tài : hát hay, đàn giỏi, biết cả thổi sáo.Thầy cũng giỏi cả ngoại ngữ, hát các bản nhạc Anh- Pháp rất siêu !
Lần gần đây nhất tôi gặp Thầy là trong ngày giỗ lần thứ 4 hay thứ 5 của chị Ấu Lăng, cách đây chắc 2 năm. Tôi hỏi Thầy sao không thấy Thầy già đi chút nào. Vẫn vui tính như ngày xưa, Thầy nói ngay: “ Ngu gì mà già !!! Mà nếu Trời có kêu thì đừng có dạ ! Nói là Je suis absent ! “ Ôi, Thầy tôi !!!
Môn Vạn Vật tuy phải học bài và nhớ nhiều nhưng tôi rất thích vì kiến thức học được từ môn học này rất rộng. Năm đệ Tam , buổi đầu chúng tôi học cô Chanh, Sau đó chuyển sang cô Ngọc Diệu. Cô Diệu dạy chúng tôi hai năm đệ Tam và đệ Nhị. Cô Diệu cũng có nét đặc trưng của một cô gái Huế , nhẹ nhàng, dịu dàng.
Năm đệ Nhất tôi học thầy Phạm Chánh Bình. Thầy đúng là một nhà mô phạm, điềm tĩnh, đĩnh đạc, mực thước. Thầy truyền đạt kiến thức cho chúng tôi chính xác, khoa học, chắc chắn.
Ngày chị Lăng tôi mất cũng là ngày Thầy mất !!! Thật buồn !!!
Trí nhớ của tôi thuộc dạng hình ảnh, nên những năm tôi học ở trường, với sự bảo ban, dìu dắt của các thầy cô kính yêu cứ diễn ra trong tâm trí tôi như những thước phim sống động. Cho đến hôm nay tôi vẫn như còn nghe từng giọng nói, tiếng cười, còn thấy từng ánh mắt , dáng đứng, thế ngồi của từng thầy cô.
 
Có những thầy cô tôi không được trực tiếp là học trò nhưng qua những sinh hoạt đa dạng của trường, trong những hoàn cảnh này hay điều kiện khác, tôi vẫn được tiếp xúc và đến nay vẫn không thể nào quên.
Thầy Ngô Hiệp là “ cây đa cây đề” Lý-Hóa của trường. Thầy chuyên dạy ban A-B nên tôi không được là học trò của Thầy. Nhưng khi tôi về trường dạy ( 1981 ) thì vẫn được gặp Thầy ở đấy. Thầy là tổ trường tổ Lý kiêm Thư ký hội đồng. Trong các buổi họp, Thầy là người được cả hội đồng tôn trọng vì năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, vì Thầy là người thẳng thắn, luôn đưa ra những ý kiến đúng đắn, thậm chí góp ý trực tiếp cho hiệu trưởng sửa sai nữa ! Những năm sau này gặp Thầy trong những buổi họp mặt BTX hay trong tang lễ của chị Ấu Lăng tôi, mái tóc Thầy đã bạc như cước nhưng Thầy vẫn tinh anh, minh mẫn, vẫn ân cần hỏi han , làm tôi cảm động biết bao !
Một “cặp đôi hoàn hảo “ nổi tiếng ở trường là cô Bạch Yến, cô Quảng dạy Toán. Hai cô là bạn thân của nhau, luôn đi cùng nhau. Hai cô còn rất khéo léo nên đảm nhận luôn việc dạy nữ công gia chánh cho đám học trò con gái trong trường. Cô Quảng đã may bộ quần áo đỏ cho Thầy Bách mặc khi làm Ông Già Noel đu dây từ trên trần của sân khấu nhà trường xuống phát quà cho các cháu con các giáo sư .
Cô Yến đẹp, rất khéo ăn nói và rất vui tính . Có lần trong buổi liên hoan cuối năm tại lớp học ở nhà Cô, cô bốc thăm một câu hỏi tên Cô, Cô đã trả lời : “ Em tên là…Én “ làm em Papi con trai đầu lòng của Cô cười ngặt nghẽo !!!
 
Thầy Lục dạy Văn ( và cũng là nhà văn Yên My nổi tiếng ); thầy Cầu dạy Pháp Văn ( sau khi ra trường , tôi còn tình cờ được gặp Thầy một lần ở bưu điện, Thầy có chỉ cho tôi một quyển tạp chí tiếng Pháp để đặt mua dài hạn ); cô Châu Bảo nhỏ nhắn, vui vẻ ; cô Cẩm Trang với khuôn mặt phúc hậu, em cô Lệ Minh; cô Hiền Tâm dạy tiếng Pháp thích làm thơ; cô Cẩm Quỳ dạy vẽ với nét mặt rất đẹp, rất duyên , tác giả mẫu huy hiệu của trường; cô Hồng Khuê dạy Vạn Vật, thần tượng của học sinh ban A, cũng rất đẹp. ( Tôi còn nhớ Cô kẹp tóc hóa trang cho Minh Thi bạn tôi đóng kịch Mắc Lưới, cô dặn một cô nữa cũng cùng làm tóc cho Thi : “ Kẹp tóc cho chắc vô. Người này hay lắc đầu lắm ! “ )
Các cô ở văn phòng như cô Huy ( phu nhân thầy Hiệp ), cô Huyên, cô Bích, cô Tường Vân… đều hiền, mẫu mực . Đặc biệt cô Tường Vân đã để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên. Cô phụ trách lớp tôi nên tôi hay xuống văn phòng gặp Cô về sổ sách, giấy tờ, học bạ, hồ sơ thi… Cô dễ thương, nhẹ nhàng. Cô còn, theo lời đề nghị của cô Ấu Lăng dạy Việt Văn chúng tôi năm ấy, dẫn cô Lăng và cả lớp đệ Nhị của tôi đến thăm dịch giả Bảo Sơn, chồng cũ của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, ở báo Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Nhờ mối quen biết với gia đình dịch giả, Cô đã giúp lớp tôi có một buổi ngoại khóa văn học bổ ích và thân tình ấm cúng . Trong buổi nhạc hội của trường ngoài nhà hát Hòa Bình, có tiết mục múa Thiên Thai rất đặc sắc : ánh trăng xanh huyền ảo chiếu xuống màu áo trắng của hai tiên nữ thướt tha, khúc nhạc du dương của Văn Cao với tiếng hát xuất thần của Thái Thanh… Cô đứng bên cạnh tôi và nói với tôi điều tôi đang suy nghĩ: “ Khung cảnh đó, vũ điệu đó, với khúc nhạc đó, tiếng hát đó , lại thêm lời giới thiệu đó, giọng đọc đó … !!! “
***
Đã 50 năm kể từ khi tôi bước chân vào ngôi trường nữ trung học màu vôi hồng trên ngọn đồi đất đỏ. Đã gần nửa thế kỷ kể từ khi tôi ra khỏi trường , nơi đã in dấu bao nhiêu kỷ niệm đẹp như thơ, êm như mơ.
Các thầy cô giáo kính yêu của tôi nay đều đã xa tôi, không tử biệt cũng là sinh ly !
Nhưng có một điều chắc chắn : tôi không bao giờ quên những năm tháng học trò hạnh phúc đó, cũng như hình ảnh các thầy cô luôn tồn tại trong tâm tưởng tôi, như trong lời chào giã từ cử tọa của tôi với tư cách trưởng ban học tập trong buổi thuyết trình cuối cùng ở trường năm 1970 : “ Xin cho gửi đến quý vị lời chào cuối cùng của những đứa con sắp rời xa ngôi trường mẹ ! Hình ảnh của quý vị trong hội trường này, trong những buổi họp mặt này sẽ là một phần không thể thiếu trong hành trang yêu thương chúng em sẽ đem theo trong những tháng ngày sắp tới ! “
Hôm đó mắt tôi đã cay, các bạn tôi đã khóc, và tôi đã thấy mình tan chảy trong ánh mắt và những cái nắm tay , vỗ vai đầy thương yêu, bịn rịn của các thầy cô dành cho tôi khi tôi rời bục micro chào giã biệt.
Hôm nay tôi viết những dòng ký ức này , như một lời tri ân một lần nữa đến các thầy cô khả kính , và như một hoài niệm về ngôi trường yêu dấu đã rất xa…

Tháng 2/2018 – Xuân Mậu Tuất đã rất gần.
Bùi Thúy Nga - BTX 64-71
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn