NẺO VỀ THƠ ẤU

17 Tháng Tám 20183:39 CH(Xem: 3083)

NẺO VỀ THƠ ẤU
            Con đường ấy dẫn về quê hương thơ ấu của tôi. Ở đó, tôi nhìn thấy một đứa trẻ là tôi ngày nào, chưa đủ lớn để bước đi dễ dàng từ thanh traverse này sang thanh khác , nên cứ phải bước thấp bước cao dẫm cả lên lớp đá và nghe âm thanh những bước chân của mình vang lên không đều nhau. Ở đó, mờ mịt nơi cuối chân trời là đường về mái nhà xưa dưới lòng thung lũng...xa mờ...tít tắp...
            Quê hương thơ ấu của tôi nằm trải dài theo con đường sắt phát xuất từ ga xe lửa, phía bên kia là một địa hình cao hơn, chập chùng những rặng thông già. Vùng đất trũng với những ruộng rau, những mái nhà, những mảnh vườn con con, những hàng dậu hoa xinh xinh, những con dốc nhỏ nối liền nhau như một mối dây thân ái giữa những con người hiền hòa thì nằm ở giữa, chảy len lỏi trong đó một dòng suối không bao giờ cạn. Dòng suối này là nơi dân cư nơi tôi sống dùng làm cảnh đẹp trước nhà, làm bến giặt bên ghềnh đá, dùng nước tưới cây... Rồi đôi khi trong những đợt nước về còn là nơi tình cờ thu hoạch được cả cá, lươn, hay lúc nước cạn thì bắt ốc bắt cua...với tiếng reo vui rộn rã...
            Nơi đó, tôi lớn dần lên và nhận ra tình yêu quê hương của mình bắt đầu từ đấy...
            Tôi yêu những buổi trưa nằm dỗ giấc mơ màng trong tay mẹ, nghe từ xóm trong vang lên tiếng rao nhẹ nhàng của cô hàng nước gánh rong:
            - Ai ăn bông cỏ hông?
            Hay tiếng rao chè như tiếng hát của bà Bảy:
            - Ai ăn bánh lọt bà ba nước dừa đường cát hông?
            Chỉ nghe rao thôi đã thấy ngọt ngào mát lịm rồi! Sáng sớm thì có "bà Xẩm", một bà Tàu thấp bé đi qua ngõ với tiếng rao trầm:
            - Bánh mì cà phê! (Với hương vị đặc biệt của "cà phê bà Xẩm" lâu lắm mẹ mới gọi một lần.)
            Hoặc một tiếng "Phở!" duy nhất nhưng âm thanh được nâng lên vài nốt của ông Năm rồi sau này thêm ông Bối, mà đặc trưng của cả hai ông là đôi gánh nghi ngút khói (và thơm phức!) bốc ra từ nồi nước dùng đặt trên bếp lửa hồng khi hai ông gánh lên dốc đá.
            Tôi thích "mì nóng mì giòn" của chú bán bánh mì chở cái bao ủ kín bánh mì nóng hổi trên chiếc xe đạp hơn, vì mùi thơm quyến rũ của những ổ bánh mì nóng giòn khi bẻ ra và chấm vào ly sữa nóng.
            Hàng quà đi qua từ xóm trên xuống xóm dưới và đều là người trong khóm Hồng Lạc của tôi, cứ giữa buổi mới xuất hiện, không cần nghe rao nhưng nếu bỗng nhiên có tiếng đặt gánh xuống trước nhà là tôi lại thấy lòng khấp khởi vui phải kể đến thím Hai đậu hũ, bà Diêu bánh bèo và bà cụ Sách bánh cuốn. Món quà nào cũng ngon và hấp dẫn đến nỗi cứ ăn rồi lại mong đến lần sau mẹ mời vào ngõ. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ vóc dáng và giọng nói đặc biệt của từng người (và hầu như, cả mùi nước đường thơm phức hương gừng của món đậu hũ, mùi tôm chấy thẫm màu gạch thấm nước mắm vừa ngọt vừa mặn của món bánh bèo, và mùi hành mỡ quyến rũ của món bánh cuốn chấm nước mắm chanh...)
            Khóm Hồng Lạc của tôi với đặc điểm về vị trí và địa hình như thế gần như rất thuận tiện cho việc quen biết nhau của mọi người. Ai cũng có thể biết ông Cư sếp ga,thím Sáu, bác Mười Bánh Tráng, bác Năm Ca mà tên của các con bác là một loạt các nước trên thế giới, ông bà Tư Nệm, chú thím Dần mà tên các con hình như cũng chính là 'tuổi ta" của mỗi người, thầy giáo Tập nổi tiếng nghiêm khắc dạy học ở "trường làng" mà đứa trẻ nào dù không học chỉ nghe tiếng thầy thôi đã sợ, bác Lạc, chú thím Viễn, Cô Tư nữ hộ sinh người đỡ cả hai đứa em tôi ra khỏi lòng mẹ ngay tại nhà để tôi được hạnh phúc nghe em mình "cất tiếng khóc chào đời"... Vì quen biết và thân tình nên cứ tự nhiên phân vai, ai lớn tuổi hơn bố mình thì gọi bác, trẻ hơn thì gọi chú, cô... Thế nên cứ ra khỏi nhà là chào hỏi bằng ngôn ngữ đó. Ở gần xóm tôi hơn một chút thì có gia đình chú Quyến chú Kin là anh em ruột. Chếch lên một chút thì có cậu mợ Nội em của thím Viễn ở cư xá Địa Dư bên kia đường rầy. Cao tuổi và ai cũng kính là Bà Cụ Lứa mẹ của chú Ba, người đã lập một cái am lớn để thờ cúng mà ai đi qua cũng e dè vì vẻ thiêng liêng nơi đó. Ngay xóm tôi thì toàn "chú thím" cả, vì ai cũng trẻ hơn bố tôi nhưng ở "xóm trong" thì lại toàn là "bác". Tôi nhớ các bác các chú sau một ngày đi làm hay sang trò chuyện với bố mẹ tôi về đủ chuyện trên đời. Nhờ họ mà tôi nghe được những "niềm đau" của người dân dưới thời Pháp thuộc, biết được những mẩu chuyện lịch sử sống động từ những chứng nhân và nạn nhân của nạn đói 45, lại nghe được cả tên những tác phẩm văn chương và những nhà văn Việt Nam nổi tiếng... Ngôn ngữ của họ, thân tình mà lịch sự. Câu chuyện từng tối cứ thế diễn tiến trong một không khí hiền hòa nhẹ nhàng kẻ nói người nghe, dù nhiều khi rất sôi nổi hào hứng nhưng chẳng bao giờ có cảnh cùng tranh nhau mà nói, cho đến khi có người đứng lên "Xin phép bác em về đi ngủ mai còn đi làm sớm" thì các chú các bác mới tuần tự ra về, và lúc đó bình trà trong giỏ ấm nhà tôi cũng đã cạn.
            Buổi mai ở quê tôi, nhờ hoạt động của nhà ga và những chuyến xe lửa chạy trong ngày nên gắn liền với tiếng còi hụ sớm báo giờ cho công nhân đến sở. Bọn học trò chúng tôi cũng theo tiếng còi mà chuẩn bị đến trường. Tùy theo vị trí nhà ở mà học trò đi theo từng lối khác nhau dẫn đến trường Phan Chu Trinh, ngôi trường nhỏ xinh nằm trong một khuôn viên rộng lớn, có hàng khuynh diệp cao vút bên rào phía cổng vào, phía sau là bãi cỏ rộng có hàng rào ngăn cách với đường xe lửa. Ở phía Phạm Hồng Thái thì đi qua garage Martinet, qua con đường đất dài rồi rẽ xuống một con dốc nào đó (có nhiều con dốc ở những đoạn khác nhau), băng qua đường xe lửa rồi vào lối mòn ra đường Nguyễn Du. Còn ở phía ga dọc xuống thì cứ thế đi theo đường sắt một đoạn dài trước khi lên dốc cạnh nhà-số-8 Nguyễn Du, hoặc đi thêm một đoạn nữa rồi qua đám đất trống rộng lớn trước khi ra tới đường. Đường Nguyễn Du trở thành nơi tụ hội của hai ngả, dẫn đến trường nằm sát đường Trần Quý Cáp.
            Vào cái thuở mà thiên nhiên còn hoang sơ ấy chúng tôi đi qua rất nhiều bờ bụi trước lúc đến trường, nên những cây lá chua, những trái mua, những quả mâm xôi và cả những bông cỏ tranh còn nằm trong bẹ lá cũng trở thành những "món quà thiên nhiên hấp dẫn" mà chỉ đứa nào nhanh chân và nhanh mắt mới có cơ hội "thu hoạch" trước. Học sinh buổi sáng thì còn vội vàng cho kịp giờ chứ buổi chiều thì chỉ cần đi sớm một chút là có thể vừa đi vừa hái... Nhưng phải nói đến một điều thú vị là, vào những giờ không có chuyến xe lửa nào đi qua, chúng tôi hay tranh nhau chạy qua những thanh traverse. Nhiều người "khéo chân" còn đi thật nhanh dọc theo thanh sắt dài, vừa đi vừa dang tay giữ thăng bằng hoặc nắm tay nhau mà bước. Rồi cùng thi nhau chạy trên bờ mương thoát nước xây bằng xi măng đến tận gần "Cầu Chui" mới leo lên mấy mô đất cao dưới gốc những cây thông thật lớn để sang trường. (Mấy cây thông này, đặc biệt là cây thông đôi được truyền tụng là "có ma", nên dù trời có nắng to thế mấy cũng ít ai dám ngồi lại dưới cái bóng mát rợp của chúng mà nghe gió vi vu thổi!)
            Con đường Nguyễn Du của chúng tôi chạy song song với đường xe lửa chỉ rộn ràng lên trong giờ học sinh đi học và về, còn suốt ngày nó nằm u trầm bên những ngôi biệt thự của các giáo sư người Pháp. Con đường đã dệt nên những câu thơ đầu đời của tôi, vì tình yêu êm đềm tôi dành cho con đường mình đi học. Tôi đã la cà một mình trên những bãi cỏ hoang, hạnh phúc mỉm cười vì song song với bước mình đi có con bướm vàng nho nhỏ cứ bay dập dìu bên cạnh. Nhưng vui nhất là năm cuối cùng bậc tiểu học,hầu như hôm nào các bạn lớp tôi cũng đi từ đầu khóm xuống để rủ nhau đi học. Cứ qua mỗi nhà thì nhóm bạn lại đông thêm, để rồi đến cuối khóm là nhà tôi thì tổng số học sinh lớp tôi ở Hồng Lạc đã góp mặt đầy đủ. Tôi thích cái tiếng gọi thân thương "Vân ơi đi học!" và những giọng nói cười của các bạn mình quá sức! Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ loáng thoáng những khuôn mặt bạn bè khi đó và hình như trên con đường sắt hun hút này tôi vẫn còn nghe âm vang những tiếng chân ngày ấy bước rộn ràng làm cho những viên đá va vào đường sắt...
            Nhưng nói đến sự thân thương của xóm làng ngày ấy thì không được quên mẹ tôi và những bà bạn của mẹ. Tuy chúng tôi đã rời Xóm Ga từ khi tôi chưa tròn hai tuổi, nhưng cứ lâu lâu thím Sáu là người đã cho bố mẹ thuê nhà lại đi bộ từ đầu đến cuối khóm để thăm chúng tôi. Chuyện vui chuyện buồn trong cuộc sống của thím đều được thím kể cho mẹ tôi nghe như "trút cả nỗi niềm". Thím gọi bố mẹ tôi là "bác Hai", và ngộ một điều là các con của thím cũng quý bố mẹ tôi như người thân, lâu lâu lại thấy một chị hay một anh ghé thăm, chuyện trò thân thiết. Và hình như lần nào gia đình thím chào ra về cũng bằng những tiếng cười thoải mái.
            Khách ở đầu khóm hay đến thăm còn có bác Cai, hàng tuần đi thăm nom các gia đình và hầu như lần nào cũng ghé thăm mẹ tôi làm cho mẹ rất cảm động.
            Ngày ấy các bà mẹ chưa phải ra ngoài bôn ba kiếm sống nhiều như sau này nếu ông bố đã có thể lo cho gia đình, nên mẹ tôi và các bà thường ở nhà chăm sóc nhà cửa và con cái. Nhà nào có thêm một ít đất thì bà mẹ chăm thêm cái vườn, như mẹ tôi. Những mảnh đất và những mái nhà nằm gần nhau tạo nên một mối liên lạc rất dễ thương giữa các bà. Tôi nhớ cái cảnh gần đến bữa trưa bỗng có bà hàng xóm từ bên kia hàng dậu bước sang:
            - Tôi hái nắm rau thơm nghe bác!
            Nhiều khi hái xong, đi qua giàn su lại hái thêm vài quả  về luộc chấm mắm trứng. Chuyện chia sẻ như vậy cứ như là nếp sống của mọi người, nên từ muỗng mỡ đến chén nước mắm cứ cần là hàng xóm có thể chạy qua nhà nhau .Gặp lúc khó khăn, nhà này đến nhà kia vay gạo, lúc nào đong được lại bưng qua trả, lại là dịp để các bà ngồi nói chuyện gia đình. Tôi nhớ lần nhỏ em ốm nặng phải đi bệnh viện. Trong lúc chờ bố đi đón taxi thím Huấn thím Tý ở xóm ngoài xúm xít bên cạnh giường, lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện. Thím Tý móc túi đưa ngay cho mẹ 5000:
            - Bác cầm lấy lo cho cháu, lúc nào có hãy đưa lại cho em.
 Lúc đó đang túng tiền, tôi thấy mẹ cảm động ứa nước mắt.
            Vui nhất trong xóm phải nhớ thím Khôi, bà bạn rất thân của mẹ.Thím trẻ hơn mẹ tôi nhiều và có lẽ là xinh đẹp nhất xóm. Thím là người năng động, lúc nào cũng làm việc hăng say và cuộc sống luôn luôn tươm tất. Thím hay ghé chơi nên biết con chó nhà tôi nuôi lúc đó rất tinh khôn, hầu như nó nhớ được tên mọi người trong nhà và dù rất dữ nó cũng biết ngoan ngoãn vâng lời chủ. Thế là thỉnh thoảng đi qua xóm trong, ngang khoảng nhà tôi thím cất tiếng gọi mẹ tôi rõ to cho con chó chạy ào ra sủa um lên và "xấu hổ" cúp đuôi chạy vào vì chẳng thấy ai, thế là xóm trong được một trận cười cùng với thím. Sau này nhà thím chuyển đi, chúng tôi hầu như không còn liên lạc với nhau được nữa.
            Cạnh nhà chú thím Khôi là chú thím Vạn mà từ bé chúng tôi hay gọi thím là cô Lý. Tôi nhớ thím hay cùng mấy thím giặt hộ quần áo cho tôi mỗi lần ra hồ giặt mà gặp nhau, vì khi đó tôi còn bé.Thân tình đến nỗi, khi tất cả các nhà đều di tản, các chú thím đến giao cho bố mẹ tôi: "Hai bác ở lại thì trông nhà hộ chúng em", nên bố cứ đi quanh từ xóm trên xuống xóm dưới qua con dốc nhỏ để trông chừng.
            Tôi yêu sự gắn bó trong làng xóm, yêu làn khói nấu cơm chiều lan nhẹ trên từng mái bếp, yêu tiếng hát ru con buồn buồn của một bà mẹ nào đó từ xóm trong vọng ra, yêu không khí thiêng liêng của những ngày đầu năm mới khi mà sau tiếng pháo rộn rã đón giao thừa thì không gian trở nên tĩnh mịch, ai nấy thận trọng từng lời ăn tiếng nói, không dám gây tiếng động lớn sợ làm phiền nhau, và rồi trong ba-ngày-xuân láng giềng lại kéo nhau đi chúc Tết từ nhà này sang nhà khác. Những người dân xóm tôi tuy chỉ là giai cấp lao động nghèo, (thỉnh thoảng mới có người thuộc thành phần trí thức như chú Huấn chú Vạn làm việc văn phòng), nhưng các ông bố đều là những người có uy tín với cộng đồng, các bà mẹ ở nhà làm nội trợ nhưng cũng dạy được con cái biết lễ độ với người trên, biết tôn kính thầy cô khi đi học, biết tôn trọng của cải thuộc người khác (đến nỗi vườn mận của bác Năm Đương chĩa cành ra ngoài đường mà cũng chẳng đứa nào hái trộm), biết giúp cha mẹ việc nhà và biết giữ ý tứ không làm phiền hà đến xóm giềng nên chẳng ai chẻ củi vào sáng sớm sợ làm kinh động sự yên tĩnh buổi mai... Nề nếp êm đềm ấy lan tỏa khắp mọi nhà, thỉnh thoảng có ông chồng nào vũ phu với vợ con thì gần như bị cả xóm ngấm ngầm lên án làm cho ông ta cũng tự biết ngượng với mọi người.
            Cái thời thơ ấu mà tôi cứ loanh quanh trên những con đường trong xóm, dọc theo dòng suối hay đi theo con đường xe lửa lên phía nhà ga, qua sân nhà thím Viễn, bác Lạc để mua hàng cho mẹ ở quán cô Tư rồi trở về, hồn nhiên nhảy qua những thanh sắt ấy đã xa lắm rồi. Tôi bây giờ là một bà cụ không còn tin mình có thể bước đi dễ dàng trên con đường ấy nữa. Đã bao nhiêu năm rồi tôi không đi trên đoạn đường này, không trở về xóm cũ. Đã bao nhiêu đổi thay diễn ra trên vùng đất thân yêu ấy, những người xưa đã qua đời, những cảnh vật không còn như cũ ở ngay cả nơi tôi đã lớn lên. Con đường sắt này cũng không còn giống như ngày nào. Nhưng cái cơ xưởng kia, cái két nước đứng sững trên cao kia cứ như những chứng nhân của mọi đổi dời, vừa lặng yên vừa buồn bã...
            Tôi nhìn sững vào bức ảnh. Cuộc sống vẫn tiếp diễn giữa những hoang tàn và thay đổi. Tôi nhìn sững vào ký ức của mình, để nhớ mình đã có một tuổi thơ ở đó, nơi cuối chân trời mờ xa kia... Một tuổi thơ bình yên và hạnh phúc.
29.3.2018
Như Luân
__._,_.___
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn