NGHĨA KHUYỀN

10 Tháng Ba 20196:17 CH(Xem: 2487)

NGHĨA KHUYỀN

Nghĩa khuyển

(Thương nhớ ba mạ, anh Thọ, Mai Chi. Thương tặng anh chị em và con cháu trong gia đình Phạm Gia)

Nghe tiếng xe của ba rẽ vào đầu đường Trần Nhật Duật, Ki Ki đứng trước nhà cách đó chừng 50 mét vểnh tai, vẫy đuôi, chạy một mạch qua 2 con dốc tới đầu cổng thì ba cũng vừa mở cửa xe bước xuống. KiKi nhảy cẩng lên quấn lấy chân, liếm tay ba. Ba nạt khẽ:

-Con khỉ. Thôi! Đi vô.

Kiki nghe lời, chạy trước cách ba chừng 2 mét. Buồn cười! Câu ba hay la mọi người: Con Khỉ! Dẫu trong hoàn cảnh này rành rành là một con chó.

Ba nuôi Kiki khi mới dọn về nhà ở đường Trần Nhật Duật để giữ nhà và để bớt trống vắng; bởi khi ba đi làm, mạ đi bán, ở nhà chỉ có bốn anh em. Không chỉ đối với ba mà chúng tôi đi học về, bước vào cổng đã thấy Ki ki ra đón, chồm lên người thiếu chút ngã xuống đất.

Kiki là giống chó ta, trong máu lai ít chó săn nên tính hiền lành có lẫn chút ma lanh. Kiki canh nhà rất kỹ, luẩn quẩn trong sân. Nó chỉ được phép ở nhà ngang, nhà bếp với sân; không được lên nhà trên có phòng ngủ và phòng khách. Buổi trưa nó lim dim ngủ trên thềm xi mặng trước cửa nhà,

Mỗi khi có người gánh hàng bán dạo vào xóm nhỏ gồm nhà tôi, chú Tư Cúp, O liên, bác Lợi, bà Đừng. Nó nhảy chồm ra sủa dọa, nếu thím Hai hay mạ la, nó quẩy đuôi chạy chỗ khác. Thuở đó, nước máy chưa vào đến xóm nhỏ nên Thím Tư Cúp ở phía sau, thuê O Con gánh nước mướn từ máy nước công cộng trước nhà ông Bồng để dùng. Vào sân chung, O đặt gánh nước xuống, Kiki sủa dọa làm oai. O Con nghe sủa mất hồn, theo phản xạ O lấy đòn gánh phang một cái đau điếng. KiKi tức lắm, nhảy chồm tới nhưng có mạ và thím Hai ngăn cản, nó tức tối kêu ăng ẳng bỏ đi. Những lần sau, O gánh nước vào, Kiki chỉ đứng xa nhìn tới, nó “quân tử” không tấn công người đang mang vác nặng. Một hôm, chú Tư Cúp tri hô:

-Không biết có ai tự tử mà để quần áo ở đây.

Đó là mảnh vườn trống bên trái nhà tôi, cây cối um tùm nên ít ai lai vãng. Nghe tiếng, mọi người chạy qua xem, O Con cũng len lỏi vào. Cả xóm đang bàn tán, Kiki lầm lũi luồn dưới chân người, táp vào đùi O Con một phát rõ đau. O Con la to, tru tréo. Cả xóm quay sang:

-Lấy con dao liếc qua, liếc lại cho khỏi làm độc

-Nặn hết máu ra

-Cái con chó nó thù dai. Nó khôn ghê, lừa lúc người ta không để ý.

Ban ngày, Kiki chơi thân thiện với đám trẻ con, hiền lành nhưng ban đêm nó mới lộ ra hình dáng của một con chó săn.

Đầu đường Hoàng Diệu và Trần Nhật Duật có quán ăn Ba Cao nổi tiếng chuyên bán cho Pháp với món thỏ sốt vang nổi tiếng. Trong nhà, bác Ba Cao có một dãy chuồng nuôi gà tây, ngỗng, thỏ, gà vịt…Chung quang nhà, ngoài hàng rào, bác trồng cây bông cẩn cao, thân dài đan kín dưới chân. Bằng cách nào đó, Kiki chui vào hàng rào cắn cổ con vịt, con gà không gây náo động, tha về để trước nhà. Những thanh niên thức khuya như anh Phó, anh Thắng, anh Vân. anh Việt, cậu Chín…đựợc bữa cháo no nê. Có khi, bác Ba lần theo vết máu đến cửa nhà bắt mạ phải đền.

Khi tôi học lớp 5 thì Kiki hơn 10 tuổi (nếu tuổi người gấp 10 lần tuổi chó thì Kiki đã ngoài 80). Kiki già nhiều, lông rụng không còn mướt, đôi mắt lờ đờ thường nằm im ngủ, không chạy nhanh xuống sân đón ba đi làm về. Một tối, cả nhà đang ngủ nên đóng cửa nhà trên ngăn với nhà dưới, KiKi lấy chân gại cửa nhưng không mở được, nó cắn cửa đến nổi chiếc răng rớt ra. Sáng ba dậy, KiKi nằm im mở mắt nhìn. Ba vỗ nhẹ vào đầu, Kiki tựa vào tay:

-Tội chưa, con muốn nhìn ba hả.

Ba vuốt đầu, ánh mắt Kiki thật buồn. Ba ngồi với nó một lúc lâu rồi mới đi làm. Đến trưa, Ki Ki chết, Lạc, Lâm, Quyền và đám trẻ con hàng xóm bỏ nó trong chiếc mền cũ, trèo lên đồi quan thuế phía sau, đào hố, đặt kiki xuống lấp đất, thắp nhang khấn vái. Tiếc thương một người bạn đã ra đi, ba làm bài thơ

Mười mấy năm Ki ở với ta

Ta xem như người bạn trong nhà

Ai quen kẻ lạ dò hơi tiếng

Cổng trước vườn sau giữ trộm tà

Oai dũng chẳng thua chi hổ báo

Nghĩa trung đâu kém với ngưu ma

Già nua Ki chết ta thương cảm

Giữa mấy vần thơ giọt lệ nhòa

          30.4.1964 (Thương Kiki )

 Sau năm 1975, Ông Ba Phở ở gần nhà dọn đi nơi khác, nể tình ba mạ nên có tặng một chú chó Phóc lông màu vàng, nhỏ xíu như một bình tích, Miệng chú chó bị móm, hàm dưới đưa ra nên lúc nào trông chú cũng như đang cười. Bù cho vóc dáng nhỏ bé của mình, Titi có một giọng sủa inh ỏi, vang xa và chói tai khiến người lạ vào nhà không biết đâu mà lần.

Titi thông minh và dễ thương đến kỳ lạ. Chú được chị Trang cưng như một đứa trẻ, mỗi lần từ Bồng Lai đi dạy về, chị tắm xong và đem nước hoa xịt vào người.

Thời bao cấp, buổi tối mạ thường phải xuống Lướt Gió để họp phụ nữ hay tổ dân phố. Cả hội trường đông nghịt, mạ vừa ngồi xuống ghế, Titi nhảy vào lòng, nằm yên đến hết buổi họp, cùng mạ về nhà

Một hôm, Cẩn và Sâm trốn nhà đến quán Hồng Ngọc đánh Pingpong, Titi đi theo. Titi chạy trước ra vẻ nhanh nhẹn, hai  anh em quay ngược lại nhảy vô phòng đóng cửa, khoái chí vì lừa chú chó nhỏ. Ai dè quay lưng thấy TiTi nghếch mặt nhìn, cái miệng móm sọm như cười chế giễu:

-Tưởng nhanh hơn à!

Nuôi được hơn 4 năm thì Titi bị bắt mất. Kẻ ăn trộm phải đưa đi xa, thật xa thì Titi mới không về được nhà

Tình thương dành cho chú khuyển được truyền trong gia tộc. Cẩn đặt tên con: Cún, Ki.

Ki là một thiếu nữ đẹp mạnh mẽ, biết võ Karate, quyền Anh, ấm ức muốn hạ đo ván người tài xế vô tình cắn chết con chó cưng của mình, nhưng cố ghìm lại, khóc nức nở đem chôn con chó.

Nhàn, vợ Lạc yêu chó nên vẽ truyền thần chú chó cưng sống động như thật

Ri, Su con của Chi, thích con chó Nhật lông xù, màu trắng, xin về để mẹ chăm. Dần dà lên 2 con, oái oăm thay là chó cái. Chó cái sinh con, chó con được nuôi lẩm chẩm đem cho, nhưng người ta chỉ lấy con đực. Cuối cùng Chi có đến 5 cô chó phải chăm.

Đàn chó là một gánh nặng, Chi không đi đâu xa được nhất là những lúc chó sinh. Mỗi năm chó sinh 2 lần mà lại có đến 5 con. Chi vốn tính hiền lành, ít than thở:

-Nuôi chi nhiều vậy, cho bớt đi.

-Cho có ai lấy đâu, toàn chó cái. Chó con là chó cái cho cũng khó, huống chi chó lớn

-Sao không đem đi xa rồi thả bớt đi

-Thôi! tội! Mà Ri đi làm xa. Gọi điện về hỏi thăm hoài. Cho đi, nó về không thấy, nó buồn.

Công chăm sóc, cho ăn, đỡ đẻ, nuôi chó con, tìm người cho, tốn của Chi nhiều thời gian và công sức. Lạc phụ phở King, thấy miếng thịt, mẫu xương thừa cho vào túi treo trước cổng nhà Chi dành riêng cho chó.

Khi Chi đau, đàn chó không người chăm sóc; cửa mở toang, chúng chạy ra đường, lông bết lại đổi màu vàng. Lúc em mất, đàn chó quanh quẩn bên quan tài đến ngày di quan.

Chi không còn, đám cháu côi cút thiếu người chăm sóc. Ri đi làm, thường xuyên ăn cơm bụi nhưng nồi cơm cho chó vẫn đầy

-Sao con không nấu cho con luôn.

-Thôi con đi làm rồi sẵn đâu ăn đó. Còn cơm chó nấu sẵn, sáng đổ cho ăn cả ngày.

-Con phải đi làm, không có thời gian chăm sóc cho chính mình, lại còn tiền mua gạo, thịt nữa. Sao con không cho bớt đi

-Tốn chút xíu mà. Mấy con chó này mẹ nuôi, giờ mẹ mất rồi, con không nỡ cho. Nhìn thấy nó là còn thấy mẹ, cứ tưởng như có mẹ trong nhà.

Mẹ thương nên nuôi chó giùm con. Con nuôi chó chỉ vì nhớ mẹ.!   

Phạm Mai Hương 28.2.2019

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn