Món Ăn Dĩ Vãng
Vu The Thanh.
Còn một chút gì để nhớ để thương!!!
Chỉ là hình minh họa thôi. Làm sao có thể chụp được dĩ vãng…
Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì “những người muôn năm cũ”. Họ là phần ký ức nhỏ trong một khoảng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó.
Xe cháo huyết…đêm
Mùa đông năm 1975, Sài Gòn lạnh khủng khiếp, lòng người cũng...lạnh. Chiều xuống là… nhậu. Còn biết làm gì lúc đó bây giờ? Nuối tiếc quá khứ, hoang mang với hiện tại và nghi ngờ ở tương lai. Vô vài xị với bè bạn cho ngấm mùi đời. Nửa đêm lửng lơ đạp xe về nhà, táp vô xe cháo huyết gần trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng (bây giờ là Lê Văn Sỹ). Chủ quán, một ông già Tàu, không biết nấu cháo kiểu gì, mà ngon kinh khủng…
Cháo huyết ngon, ngon từ cháo tới huyết. Cháo ngọt thịt và huyết mềm và dai, với vài khoanh chào cháo quẩy mỏng dính, cho ớt bằm thiệt cay, ấm lòng say xỉn. Hình như cháo huyết này được nấu với tôm khô và mực khô, cháo đã ngon, mà sao miếng huyết vừa dai vừa mềm thế!
Ông già Tàu tính kỹ, kích thước tô cháo nhỏ xíu, cháo múc chỉ tới nửa tô. Phải ăn tới 5 tô mới tạm đủ… Hôm nào hẻo, kêu một tô, cho ớt thiệt cay, uống nhiều trà đá, cũng đỡ vã.
Mười năm sau, ông già Tàu không bán nữa, để xe cháo lại cho vợ chồng người con trai. Thằng con vẫn nhận ra khách quen, bàn tay múc cháo của nó nhuần nhuyễn như ông già, vẫn “cháo nửa tô”, đúng chuẩn!
Rồi mười năm sau nữa, vật đổi sao dời… xây cất nhiều, cảnh đổi thay, chẳng biết xe cháo trôi dạt về đâu…
Năm nay Sài Gòn lạnh, lạnh bất thường. Mỗi tối, tôi vẫn đi bộ qua con đường cũ, đôi khi nhớ ông già Tàu, nhớ “cháo nửa tô”, nhớ ớt cay che khuất cơn đói, nhớ cả tâm trạng của thằng say xỉn lỡ cỡ…
Tôi có thể nói mà không lưỡng lự, cháo huyết ở đó ngon, chắc chắn ngon nhất đời…
Quán cháo lòng … chiều
Gọi là quán cho bảnh, chứ đó chỉ là cái sạp, ngó xéo sang chợ Đa Kao ở đường Nguyễn Huy Tự. Quán chỉ bán buổi chiều, từ 2 giờ đến 5 giờ là vãn.
Bà chủ quán trạc 35, chưa chồng, chảnh… Khách chiều bả, chưa thấy bả chiều khách bao giờ. Mặt lạnh, dễ quạu, ít cười. Ít không có nghĩa là không, thỉnh thoảng cũng thấy cười với…đàn ông.
Cháo lòng là phải đủ bộ: huyết, tim, gan, phèo, phổi… Huyết không có gì đặc biệt, thua xa cháo huyết đêm của ông già Tàu, nhưng tim gan phèo phổi, bả cắt nhát nào ra nhát nấy, to và dày. Dồi làm mới …tuyệt! Khúc dồi to như ống nước, và chỉ nhồi thịt, không biết bả làm cách nào mà chiên giòn, ăn đã không chịu được, nhất là những khúc đầu dồi. Khách thích, muốn mua dồi về nhậu, không bán! Mua cháo và dồi, cũng không bán! Chảnh thế đó!
Cháo hầm xương, nên ngọt, nhưng hậu vị không dai dẳng như cháo huyết hầm tôm khô mực khô nói trên. Cháo lòng ăn với hành củ tím thái mỏng, ngâm dấm, ớt bằm…
Cháo ngon, nhưng hơi đắt, tới 4 đồng/ tô. Lương tôi hồi đó 73 đồng, trừ tiền gạo, nhu yếu phẩm này nọ, còn chừng 35 đồng, làm sao đủ… nhậu cho cả tháng đây?
Tiêu chuẩn tháng, gạo (13kg), đường (500 gr), bột ngọt (50gr), thịt mỡ (600gr)... mang về nộp cho bà già gọi là…trả hiếu (để tối về còn có cơm nguội lục ăn). Còn mấy thứ khác thẩy ra chợ trời tuốt. Thuốc lá đen (3 gói), đẩy ra lấy thuốc rê hút. Sữa hộp, làm phòng lab nên Nhà nước “bồi dưỡng độc hại” mỗi tháng 1 hộp. May quá bà già tôi không biết uống sữa, nên sữa cũng chạy ra chợ trời luôn… Đẩy “hàng” ra chợ trời hồi đó cũng dễ, có bà bán thuốc lá ngồi trước cổng cơ quan (đối diện chợ Đa Kao) thu gom…đắt rẻ một chút, thôi kệ, hơi đâu trả giá…
Tô cháo lòng 4 đồng là xa xí phẩm. Thèm, nhiều khi thèm, xuân thu nhị kỳ mới dám rớ tới. Hồi đó thèm đủ thứ, thèm thịt, thèm cá, thèm chả lụa, thèm phở, thèm điếu thuốc thơm… Coi như trên đời không có protein. Bỏ hết! Nhịn hết! Nhưng nhịn rượu, thì không. Mỗi tối, không ngồi bên quán cóc, không đong đưa vài ly rượu, không san qua xẻ lại nỗi lòng với mấy thằng bạn, người đi kẻ ở, tù tội chín phương, lừa vàng mất bạc, tình người điên đảo... Không ngấm qua men rượu, không nói được ra lời, làm sao ngủ được, sức đâu mà chịu nổi những bế tắc trước mắt, những giả dối của ngày mai khi bước chân vào cơ quan…
Lương kỹ sư hồi đó đại khái là vậy. Thời hậu chiến, người ta cho rằng, trong ba dòng thác cách mạng, thì cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Thứ then chốt này được “ưu đãi” đại khái như thế, còn sống sao thì tùy. Mỗi năm ôm một đề tài nghiên cứu, sáng chiều mặc áo blouse, nghía qua nghía lại mấy cái ống nghiệm, becher, burette…tối về đi “cảo” xích lô kiếm tiền… nhậu. Thường thì tôi đi dạy luyện thi đại học nhiều hơn. Hồi đó chưa có…lò, nên chỉ dạy kèm, dạy nhóm. Học trò đa phần là con cán bộ từ rừng, trình độ quá yếu, dạy phải hạ thấp, hạ thấp nữa, căn bản của căn bản. Vậy mà tụi nó đậu, đậu Y Dược hẳn hòi. Có vài em rất giỏi, nhưng lại rớt. Học tài thi phận, cái phận lý lịch buồn từ trong nhà ra tới ngoài đời. Mấy em bây giờ ở đâu?
Viết tới đây bỗng dưng khựng lại. Đang nói tới cháo lòng heo, sao lại quay sang nói lòng…người thế này?
Quán cháo lòng nằm ngay trước cửa cơ quan tôi, coi như chòm xóm, vậy mà lâu lâu cũng phải “hót” bả một chút mới được việc. Bà chủ chảnh, nhưng cũng có khi dễ chịu. Cuối tháng lãnh lương, cỡ 2 giờ chiều, đang dọn hàng còn ít khách, tôi ra quán gạ bả:
-Chị cười, sao tôi thấy ngồ ngộ…
-Ngộ cái gì?
-Ngộ là đẹp đó, chẳng lẽ tui nói huych toẹt ra. Chị coi được mắt, làm đồ mồi ngon, sao giờ chưa chịu lấy chồng? Thằng nào phụ chị, đâu chị nói tui nghe thử, tui đá cho nó mấy cái…
Thế là bả xả ra hàng chùm hàng loạt, nào là bả đào hoa thế nào, nào là thằng nào thầm yêu trộm nhớ mà bả không chịu...bla…bla….
Khách tới đông, tôi xin kiếu vô làm việc lại, nhưng không quên dặn nhỏ bà chủ “Hôm nay tui lãnh lương, đãi mấy thằng bạn nhậu. Tui quảng cáo món dồi chiên của chị quá xá. Chị bán cho tui một tô, không lấy cháo, chỉ lấy lòng và dồi, càng nhiều đầu dồi càng tốt. Cho vào bao nylon, lát về tui lấy…”. Chất lượng hàng hóa hôm đó, ngon rẻ đẹp bền (bền là lần sau mua cũng khuyến mãi như thế), vượt trên mức mong đợi.
Lắm khi tôi tự hỏi, phịa đại một câu, vô thưởng vô phạt, làm người khác sướng, mà mình cũng có lợi, có phải là hành vi…đạo đức? Thế giới này cả ngàn nhánh khổ rồi. Giây phút nào buồn? Giây phút nào vui đây?
Năm 84, tôi chuyển chỗ làm khác, chỉ thỉnh thoảng mới ghé quán cháo lòng Đa Kao. Giữa thập niên 90, trở lại quán cũ, thì người khác ngồi bán. Nghe nói, bà chủ cũ chơi đề, vỡ hụi hay sao đó, đã bỏ đi xa rồi...
Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì “những người muôn năm cũ”. Họ là phần ký ức nhỏ trong một khoảng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó.
Lúc đầu định viết “Món ăn dĩ vãng”, viết hết đủ món, viết một lần cho xong, nhưng mới viết tới cháo huyết cháo lòng đã thấy dài, đã thấy mỏi tay. Rồi tôi sẽ viết tiếp nếu còn người muốn…đọc. Mà dù không còn người đọc, tôi cũng viết. Viết để trả nợ quá khứ, một quá khứ chẳng đâu vào đâu.
Còn gỏi khô bò, còn sò lông, còn bia lên cơn, còn rượu Cây Lý… Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần…tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này.
Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá!
Vũ Thế Thành