NỘI TÔI: NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

28 Tháng Năm 20192:50 CH(Xem: 2201)

NỘI TÔI: NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
bé viết 3

Nội tôi là con một vị phú nông giàu có của vựa lúa Thái Bình, nội được ông cố bán cả một nhà chứa lúa gởi lên Hà Nội theo Tây học. Ra trường, nhờ sự thông minh, tính cẩn trọng và nhất là viết chữ rất đẹp, nội được cụ Bảng nhỡn Nguyễn Can Mộng nhận làm thư ký. Cụ Bảng nhỡn giữ chức Đốc học tỉnh Nam Định, khi về hưu cụ dạy môn Hán văn tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Nội sắp xếp bài dạy để cụ lên lớp và hiệu đính lại các bài viết chuyên về văn chương Trung Hoa và văn cổ Việt Nam của cụ để gởi đến các tạp chí Nam Phong, Đông Dương.

Nội là người thanh lịch, trang phục màu sắc tương xứng từ áo quần đến cravate, giày. Nội đi làm bằng xe đạp martin được lau chùi bóng loáng. Cuối tuần, nội cùng các bạn đồng sự đánh tổ tôm hay đi hát cô đầu. Cuộc sống thời thanh xuân của nội thật phong lưu, hào sảng.

Năm 1954, nội và đại gia đình vào Nam. Ông cố nghĩ mình đã già lại tiếc của nên ở lại, bị đấu tố vì tội địa chủ, chịu cảnh chia ly đến lúc mất không nhìn được vợ con.

Vào Nam, nội làm Tổng giám thị của một ngôi trường lớn thuộc giáo hội Phật giáo. Cái uy của nội khiến học sinh không dám vi phạm nội quy của trường. Nội am hiểu Phật pháp, có lần nội trong ban tổ chức cuộc thi Phật học của Miền Trung dành cho cư sĩ tại gia

Con cháu trong nhà sống nề nếp: chăm chỉ học hành, không được cười đùa lả lơi hay đứng hàng rào nói chuyện vọng qua với hàng xóm… Bà nội chờ nghe tiếng xe của nội qua con ngõ dẫn vào xóm, mới đặt nồi nước lên nấu canh hay để chảo thật nóng xào rau. Khi nội rửa tay chân, mặt mũi xong thì thức ăn vừa chín tới. Nội đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo.

Năm 1975, nội trở thành người thất nghiệp, tha phương lần thứ hai, khai khẩn đất tận vùng Lan Hanh - Di Linh; lập nghiệp trong khu rừng già trên cao nguyên Lâm Viên. Hai người con lớn của nội đi tù cải tạo, cô chú nhỏ hơn bỏ học ra đời mưu sinh. Bà nội chịu khổ cùng nội chừng hơn năm thì mất bởi cơn sốt rét ác tính của vùng đất mới khai phá. Nội thương tiếc người bạn đời chia bùi sẻ ngọt bằng một trận đau thừa sống thiếu chết sau lễ 49 ngày của bà nội.

Mảnh đất mà nội ra công khai phá bị trưng dụng, trong cái rủi có cái may, nội và gia đình trở lại thành phố. Từ đó, nội trở về làm công việc mà ngày xưa “sĩ phu Bắc Hà “ không bao giờ nghĩ đến, bởi chỉ dành riêng cho phụ nữ : trông nom con cháu, coi nhà và nấu cơm.

Ban ngày nhà vắng vẻ, người lớn đi làm, kẻ chạy chợ; đến trưa hoặc tối mịt mới về nhà. Nội ở nhà trông chừng đám cháu nội, ngoại non chục đứa.

Lên chừng bốn tuổi, lần lượt đứa này nối tiếp đứa kia, nội dạy vỡ lòng cho cháu, đến khi vào lớp một mới để tự học. Lớp học của nội trải dài hơn mười năm; mỗi năm chừng 2,3 học sinh, khi đông nhất là 5 trẻ.

Trẻ trong nhà tới tuổi học, mẹ của nó làm một mâm xôi, trái cây để nội khấn làm lễ khai tâm cầu mong học hành tấn tới. Mẹ trẻ chuẩn bị thêm 2 cuốn vở, cây bút chì, cây bút mực và gói mực màu tím,

Nội pha mực với nước lạnh vào bình mực bằng nhựa có chiếc phểu hình chữ V để không bị đổ. Cây bút mực có chiếc quản bằng gỗ, phần đầu có miếng thiếc để gắn ngòi bút. Nội để dành một hộp bút ngòi lá tre có nét đậm nhạt và chuốt bút chì nhọn bằng con dao nhỏ. Phần mình, nội có cây bút nguyên tử màu đỏ để viết mẫu; sau này khi mắt hơi mờ, nội lấy cọng chổi vót nhọn để khi viết có nét đậm nét thanh.

Nội không theo chương trình sách giáo khoa mà dạy theo cách nội học khi còn nhỏ. Nội viết vào vở tập đọc, từng bài chừng 4,5 chữ theo thứ tự của bảng chữ cái. Hết phần chữ, nội cho ghép vần đơn giản: ba, bà,bá, bả, bã, bạ…đến vần đôi: bàn, hoa…vần ba; lịch xịch…Dạy hết vần, nội cho học những bài thuộc lòng dạy đạo làm con trong nhà, làm người ngoài xã hội, vệ sinh thường thức, kỹ năng sống hằng ngày. Cách đọc cổ điển hiệu nghiệm giúp chúng tôi viết chính tả ít sai,

Nội ghi nét sổ dọc, sổ ngang vào vở tập viết. Ban đầu cháu đồ theo chữ của nội, khi nào cứng tay mới qua viết chì đến viết mực. Nội dạy viết  chữ i, t  trước mới tới chữ o, a. Chữ viết mẫu ở hàng trên cùng, phía trong nội chấm đánh dấu để trẻ nhìn theo viết. Phần dưới trang vở nội dạy chữ số,

Công việc của giáo viên lớp 1 tưởng chừng đơn giản nhưng vô vàn khó khăn với nội tôi: bậc trí thức thời vua chúa, công chức đĩnh đạc của nền tự do, nay đã gần 70 tuổi, tay bắt đầu run, mắt mờ và đám cháu lau chau thì tìm mọi cách để câu giờ, trốn học.

Buổi sáng, sau thời khóa tụng Kinh Pháp Hoa, nội ăn sáng, thưởng thức tách trà nóng và rít vài hơi thuốc lào nơi chiếc bàn gỗ nhỏ đặt ở góc phòng khách. Bên cạnh là chiếc bàn hình chữ nhật để tiếp khách và cũng để làm bàn học cho chúng tôi.

Đám trẻ con ăn cơm rưới chút xì dầu, đôi khi có vài tóp mỡ, thỉnh thoảng được thay mì gói, ổ bánh mì hay gói xôi. Ăn xong, chúng ngồi vào bàn học. Những chiếc ghế gỗ có lưng tựa bọc nệm đồng bộ với bàn được cất sát tường thay vào những chiếc ghế đẩu

Buổi học thường bắt đầu bằng tập đọc. Giọng nội sang sảng, nhấn nhá phụ âm, vần khó đọc. Bởi thế khi vào trường, chúng tôi tập đọc với các âm chuẩn của người miền Bắc. Nội đọc trước, cháu đọc theo đến khi thuộc mới thôi. Hôm sau trước khi học bài mới, nội ôn lại từ bài đầu. Nhờ sự kiên trì của nội, chúng tôi mau biết mặt chữ.

Đến phần viết, nội cúi người xuống, cầm tay cháu giữ nét cho cứng. Mái tóc nội dài, bạc phơ trên mái đầu xanh tóc tơ. Để cháu chú ý viết, không bị phân tâm, nội dạy:

-Hất lên xổ xuống, hất lên, chấm một cái (viết chữ i)

-Hất lên, xổ xuống, hất lên, gạch ngang (Viết chữ t)

Cháu vừa viết vừa đọc. nội ung dung ngồi nhìn. Tới gần trưa, nội sẽ để chúng tôi tự học. Nội ra quét sân, xuống bếp đặt nồi cơm, thỉnh thoảng lại nói vọng lên nhắc chúng tôi viết bài. Con đường luồn từ phòng khách xuống bếp, nội đi lên xuống không biết bao lần.

Nội nằm lòng câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nên đặc biệt thương anh Ba con bác cả. Phần vì anh là cháu đích tôn, phần nội cảm thương cho anh lên tới 8 tuổi mới biết được mặt cha.  

Anh Ba nghịch ngợm ít khi bị nội la. Chúng tôi lỡ đổ mực hay làm gì sai, năn nỉ anh nhận tội giùm, nội rầy sơ rồi bỏ qua. Trên đầu tủ chè, nội gác chiếc roi mây và một thanh tre dùng để rang đậu phụng mà chúng tôi gọi: roi một thành ba, bởi phía dưới thanh tre được tách ra làm 3 nhánh. Cây roi để răn đe chứ ít khi phải dùng đến

Lớp học lau chau không nề nếp bởi trẻ chưa đến 6 tuổi. Đứa ngồi nghiêm học; kẻ vừa viết vừa thè lưỡi, nước mũi thò lò chảy gần tới miệng, mặt mũi tay chân lem nhem màu mực tím. Thỉnh thoảng chúng lại câu giờ:

-Nội ơi! Cháu mắc đi vệ sinh.

Thế là cả bọn xuống bếp, chui vào đống mùn cưa lục cà rốt cho ngựa ăn. Củ nào còn nguyên cho vào miệng nhai. Nội chờ mãi, quát to, chúng mới chạy lên, vướng chiếc màn sáo gỗ kêu lanh canh.

Nhiều hôm, trẻ nhỏ ngồi bàn cầu không vừa mông nên có chiếc bô để ngoài. Vắng bóng mẹ, lại gọi:

-Nội ơi, cháu ị xong rồi.

Nội tất tả lau dọn cho cháu. Đôi lúc anh cả Ba cao giọng:

-Ị xong rồi thì ăn đi.

Thế là đứa nhỏ khóc lóc, giận dỗi, làm ồn cả nhà.

Khi chúng tôi vào lớp 1, nội trả về với cô giáo. Mỗi đầu năm, nội tiễn chân cháu đến trường rồi quay về. Cuối năm, nội chờ từ đầu ngõ, mặt nội tươi cười vì cháu sáng dạ ôm phần thưởng trên tay. Nội không chịu vào trường dự lễ:

-Họ đọc diễn văn dài, ông nghe phát mệt.

Năm 2000, nội đau rất nặng, chung quanh nội không có đám cháu cũng là học trò năm xưa bởi chúng định cư xứ người hay về Sai gòn học. Đầu hè, nội về cõi Phật trong sự tiếc thương của mọi người. Cuối hè, đứa cháu ngoại mà nội khổ công rèn cho bớt ngọng nghịu, đứng trước mộ phần của nội:

-Ông ngoại ơi! Con đậu đại học rồi nè.

Rồi châm lửa đốt tờ báo in kết quả đậu vào trường đại học Bách Khoa và trường Kinh Tế. Làn khói trắng bay lên cao mường tượng có nụ cười của nội.

Trong tủ sách gia đình có một cuốn sổ đóng từ những quyển tập học vỡ lòng mà nội viết mẫu. Đã gần 40 năm, giấy đổi màu vàng, mực đã phai, nhưng vẫn còn nét chữ nội cứng cáp viết bài học thuộc lòng dạy đạo làm con trong nhà, làm người ngoài xã hội, vệ sinh thường thức, kỹ năng sống hằng ngày

Mặt trời vừa thức dậy

Anh chàng gà đã gáy

Ngủ trưa thật là tồi

Nên em vùng thức dậy

 

Nghiêng mình tập thể dục

Theo đúng như lời thầy

Tập luôn mười lăm phút

Rồi rửa mặt, đánh răng

 

Chải đầu, mặc quần áo

Xong xuôi rồi bảy giờ

Chào mẹ cha đi học

Kẻo tụi bạn đứng chờ

20.3.2019

Phạm Mai Hương

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn