Trường Bùi Thị Xuân và Các Cô Giáo Cũ

18 Tháng Tư 20203:14 CH(Xem: 4412)
Trường Bùi Thị Xuân và Các Cô Giáo Cũ 
 
 
Lần thăm Cộng đoàn Công giáo Việt Nam của Tiểu bang Vermont dịp hè qua, gặp lại em Nguyễn Khắc Lộc, thứ nam của cô Nguyễn Thị Quýt -giám học và giáo sư Anh văn trường Bùi Thị Xuân ngày trước. Do đều là người thâm niên với Đalạt nên cùng nhắc nhớ bao kỳ niệm, gia đình cô Quýt dạo ấy cư ngụ trong cư xá gần trường, nên em Lộc có nhiều chuyện kể cho chị học trò xưa về quý thầy cô đồng nghiệp của mẫu thân. Cả một khung trời thơ mộng được gợi nhớ..
 
 co Than Thi Hong va hoat canh duyen que   img965  Co Phuong Thu va co Hong cung hs chup nam 1969  
 
.. Nhớ các cô giáo thuở ấy còn rất trẻ, chỉ hơn bọn học trò khoảng trên dưới 10 tuổi thôi.  Nhớ cô hiệu trưởng Đinh Lệ Minh dáng mệnh phụ sang đẹp, tóc bới cao gọn và miệng cười tươi như một đóa hoa xuân. Nhớ cô Bùi Ấu Lăng nhỏ nhắn, thật giản dị với làn da tươi sáng, không hề dùng một chút phấn son. Cô Bạch Yến duyên dáng, tóc cuốn cong bồng bềnh xõa quá vai, cô thường diện áo dài mầu tươi sắc thắm kèm đôi hoa tai hợp thời trang tôn vẻ thanh tân. Mấy mươi năm sau, lần gặp gỡ tại San Jose vừa qua, khi nghe học trò ngày nao tỉ tê “..Cô ơi, hồi đi học mỗi lần thấy cô qua lại trên sân là em cứ ao ước sao mai kia được đẹp như cô..” khiến cô bật cười giòn giã.. Nhớ cô Khoa Nghi hiện ở Montréal, qua mấy mươi năm vẫn giữ nguyên vẹn tính vui vẻ lạc quan. Cô Nghi là thông gia của thầy Bách và cô Bích hiền hòa, đã nhiều lần đến tỉnh bang Québec của Xứ lạnh tình nồng này thăm con cháu. Nhớ hai cô Kim Phượng và cô Phương Thu thân tình, nhiều tài hoa văn nghệ, nay cư ngụ ở thủ đô Ottawa.. Và những hình ảnh khả ái của các cô Bích Khuê, cô Thanh Tâm, cô Cẩm Qùy, cô Bảo Trâm, cô Luông, cô Mai.. thong dong qua lại thả dáng trên sân trường rực hồng nắng cao nguyên.
 
                  IMG_3005      scan0002
                            * Năm 1966, học trò lớp Đệ Tam ban C trên sân trường 
 
Nhớ các thầy Xuyên, thầy Diệm, thầy Thắng..  Và thầy Lương Mậu Dũng, ở trọ trên đầu dốc Adran khu cư xá Ty Ngân Khố, năm đệ nhị và đệ nhất hai học trò Huyền “bé” và Huyền Anh do cùng xóm trên xóm dưới với thầy nên thường gặp chào thầy.  Mấy chục năm sau, một lần về Sài Gòn được gặp thăm vị thầy dậy môn toán ngày cũ và cô Hoa Mai, thật vui và quý hoá.  Và kể sao cho hết những hình ảnh mà qua bao năm tháng tuổi học trò đã ghi đậm sâu trong kỷ ức. Khi nhắc đến cô Thân Thị Hồng thì hai chị em nhìn nhau, lắc đầu ngậm ngùi. Em Lộc bảo nếu cô Hồng không nóng lòng lên tầu vượt biên mà nán ở lại thêm như gia đình cô hiệu trưởng Lệ Minh, thì..!  Chao ôi, mấy ai biết được chữ ngờ.!    

               IMG_2998       co Than Thi Hong va hs lop 12  
                     *Cô hiệu trưởng Đinh Lệ Minh và lớp Đệ Nhất ban C,                              * Cô Thân Thị Hồng cùng lớp 12
            với các nam sinh từ nhiều trường khác vào học chung để thi tú tài 
                                            
Hôm về Sài Gòn mừng Xuân Canh Tý, được một cô em kết nghĩa BTX tặng tờ đặc san Hoa Tâm -do các em cựu học sinh được cô Bùi Ấu Lăng khuyến khích biên soạn, để đều đặn phát hành từ nhiều năm qua. Cô em Thục ngày mới rời trường tiểu học vào lớp đệ thất BTX, mà đã biết đứng chờ trước cửa lớp mong làm quen với chị lớn học ban C rồi.. Để qua biết bao dời đổi và biến chuyển của cuộc đời, hai chị em luôn được gặp nhau mỗi lần cánh cò trở về Sàigòn thành phố tuổi thơ, sau cuộc di cư lìa đất Bắc của đại gia đình. Thật ngậm ngùi khi xem Hoa Tâm cho đăng lại cáo phó cũ, với tin các em cựu học sinh làm lễ giỗ tưởng nhớ cô Thân Thị Hồng cùng 5 con nhỏ, theo chuyến ra khơi trên con thuyền định mệnh, đã cùng tử nạn trên sóng nước cuồng nộ ven bờ Biển Đông xứ người. 
 
 *Dưới đây là trích đoạn, từ một bài viết nhiều năm trước, 
 
  Đà Lạt, trường xưa và các cô giáo cũ,
 
“... Trong muôn ngàn kỷ niệm ngọc ngà của một đời người được ân cần giữ gìn trong ngăn tủ ký ức, khung trời Đalạt và những năm tháng tuổi học trò luôn được chúng tôi yêu quý, để theo từng cơ duyên mà cùng nhau khơi trải ra với biết bao cảm xúcĐalạt luôn là một niềm riêng sâu thẳm trong tâm tư của bao người đã từng sống, từng buồn vui giữa thành phố cao nguyên những tháng ngày yên bình cũ.  Nhớ những sáng óng ả nắng vàng trên hàng anh đào hồng rực mầu hoa mỗi dịp lễ Giáng Sinh, cho giáo đường khởi sắc với cây thông xanh chăng đèn kết hoa, lung linh dây kim tuyến và muôn ánh đèn mầu bên máng cỏ Hài Đồng.  ..Em vẫn nhớ những hàng cây nến trắng, Và nụ cười Mẹ Thiên Chúa hiển linh..
Nhớ buổi bình minh có mặt trời dần soi tia lóng lánh trên những hạt sương run rẩy đọng trên đầu cành ngọn cỏ. Nhớ những sáng bừng nắng, nhớ cơn mưa bụi buổi chiều li li nhạt nhoà giăng phủ trên triền miên đồi cao, dưới thung lũng thấp ngát xanh mầu ruộng vườn rau cỏ. Và ôi chao, sao mà quên được bao cơn mưa dầm. Mưa cao nguyên triền miên dai dẳng ngày qua ngày như bất tận. Mưa chập chùng làm chậm bước chân học trò, đẫm ướt vạt áo dài trắng áo len xanh trên những con dốc quanh co dẫn ra phố chợ, mưa phủ mặt hồ gợn nước lăn tăn rơi giọt vắn giọt dài.. Mưa lê thê những buổi ôm tập vở ngập ngừng trên vỉa hè đọng nước, đường trơn.
                  IMG_2980     scan0004   
 
Chúng tôi vào lớp đệ tam ban C. Năm học diễn tiến nhẹ nhàng bởi.. chả cần siêng năng nhiều, vì chưa có kỳ thi tú tài để phải thâu đêm chăm lo bài vở, nhất là học ban C không có nhiều tính toán hay công thức lý hoá vốn là.. sở đoản. Thư viện trên đường Yersin thường là nơi chúng tôi dừng bước xem, đọc mê mẩn. Nhiều khi rủ nhau mang thơ truyện lên đồi cù, hay ngồi đọc dưới gốc thông già trên vườn hoa sân cỏ Hôtel Palace, nhìn xuống hồ Xuân Hương nơi nhà Thủy Tạ lung linh soi ánh nước.  Ngày ôm sách vở đến trường các cô giáo luôn được bọn học trò chúng tôi quý mến, nhiều cô còn rất trẻ lại mới tốt nghiệp, buổi dậy đầu tiên bước vào lớp trước mấy chục cặp mắt nhìn lên, nhiều cô rất bỡ ngỡ do bọn học trò tuy ngoan và lễ phép, nhưng do đông và ồn ào, lại hay xì xào bàn tán khiến lắm thầy cô mới ngoài đôi mươi khá.. khớp cái thuở ban đầu.

                             IMG_2979       scan0003  
                                        * Cô Bùi Ấu Lăng và cô Thân Thị Hồng cùng các học trò lớp Đệ tam ban C, 1966
 
Khi nhớ về 3 năm theo học ban C, hình ảnh hai cô Bùi Ấu Lăng là giáo sư môn văn, và cô Thân Thị Hồng dậy Anh ngữ, luôn là niềm luyến nhớ nhất trong các kỷ niệm học trò của chúng tôi, do hai cô đều là giáo sư hướng dẫn nên có thời gian gần cận để biết khá rõ học trò. Một lần về Sàigòn đến thăm cô giáo Bùi Ấu Lăng quý mến qua mấy chục năm xa trường, và tần ngần .. Biết bao năm rồi và trong ngàn vạn học trò, chắc cô không còn nhớ em đâu.. Để nghe cô giáo cười vang: Ơ hay, sao mà cô quên hai chị em luôn góp mặt trong các chương trình văn nghệ và đặc san của trường được!  Cô còn giữ trong album mấy tấm ảnh chụp chung với em hôm ăn đầy tháng em Thế Bảo đấy..  Ôi cô giáo như dòng suối mát trong lòng bọn học trò chúng em, từ ngày nao cho đến tận bây giờ.
Cô Thân Thị Hồng dịu dàng, giọng nhỏ nhẹ dáng cao gầy, trông cô mong manh như một cành liễu ven hồ. Do từng đi tu nghiệp bên Mỹ nên cô là cả một vùng trời đầy hiểu biết xa rộng cho bọn học trò ở tuổi chỉ biết quanh quẩn trong nhà ngoài ngõ chúng tôi. Những giờ học với cô thật thoải mái, cô chú ý việc chỉnh sửa cách phát âm của nhóm chọn Pháp văn là ngoại ngữ chính ban C. Nhớ một lần qua cư xá chỗ cô ở với các con còn rất bé, tôi xuýt xoa bảo ôi sao mà các em bé xinh xắn quá, trông chúng như búp bê với hai má căng hồng, mắt long lanh to tròn. Cô cười rạng rỡ bảo là các em giống thầy lắm, mà thầy thì đang tu nghiệp và làm việc bên Mỹ, như phu quân của cô hiệu trường Lệ Minh vậy.  Do biết nhà tôi gần bưu điện nên rất đều đặn cô gọi riêng, đưa lá thư dán tem sẵn gởi cho thầy, nhờ tôi bỏ ngay vào thùng trên đường về.  Một thời gian sau, tình cờ thấy cô và thầy Chương cùng 3 em bé bên hàng hoa trên phố Hoà Bình.. Đến chào, cô ngời ngời hạnh phúc bảo thầy mới từ Mỹ về thăm gia đình. Thầy Chương gật gù cười khi cô kể đây là em học trò vẫn giúp cô bỏ thư gởi cho thầy. Còn nhớ như được in sâu trong tâm trí hình ảnh đẹp lung linh của gia đình thầy cô trong nắng vàng Đalạt, thầy Chương tay dắt một em, tay kia âu yếm ôm bé gái nhỏ hơn và gọi bé là người đẹp Bùi Thị Xuân của thầy..  Cho đến năm học cuối trước khi rời trường, thỉnh thoảng thấy dáng dấp liêu xiêu gầy của cô trên sân rộng, tôi thường đến chào, nhưng việc bỏ thư gởi thầy Chương thì cô nhờ một học trò lớp cô đang hướng dẫn, nhà ở gần ngôi thánh đường có ngọn tháp cao và con gà trống sắt, đối diện Ty Bưu Điện.
 
     
IMG_3001  BTX 3  IMG_3002   
                                       *Cô Thân Thị Hồng và các học trò trong buổi picnic giữa rừng thông
 
Mộng mơ và vòng tay học trò vốn nhỏ bé giữa dòng đời chao đảo.. Để Đalạt trở thành hoài niệm. Đalạt có bao giờ không là một góc trời dấu yêu, một nỗi niềm được ủ yên trong ngăn tủ ký ức của những ai đã thốt lời tạ từ, bỏ Đalạt và một thuở luyến thương còn đong đầy trên môi mắt, bỏ những gốc thông già và buổi chiều vương nắng đồi xanh, bỏ lại tất cả để ra đi trong bồi hồi một buổi nào. Đã thành cổ tích. Bởi mầu xanh của tương lai và hạnh phúc luôn nằm trong tầm tay người, ở phía trước. 
 
Sau tháng 4 năm 1975, nhiều bạn bè chúng tôi lạc nhau trong một khoảng thời gian thật lâu, có khi dài đến vài mươi chục năm.. Để  khi có tin nhau hay được gặp lại qua những buổi họp mặt thân tình, các kỳ Đại hội trường xưa đông đảo, đã cùng bồi hồi nhắc nhớ bao chuyện xưa người cũ, cả cảnh kẻ còn người mất.  
 
        IMG_3032      IMG_3031                                  IMG_3025    IMG_3034                IMG_3033    IMG_3029

Nhớ lại một buổi chiều mùa đông xứ lạnh, người bạn thân ngày xưa Đalạt gọi viễn liên từ một tiểu bang nước Mỹ, sau vài câu thăm nhau, chị hỏi tôi còn nhớ cô Thân Thị Hồng, chồng là thầy Chương tu nghiệp bên Mỹ và 5 em bé con thầy cô không..? Tôi cười vui và bảo lần gặp cuối cùng năm 1969, nhớ cô và thầy chỉ có 3 em thôi.. Nhưng sao cơ, có tin gì hở..? Chị ngập ngừng một chút rồi kể vội.. Chuyện xảy ra khá lâu rồi nhưng mình mới biết, là cô Hồng do quá nóng lòng sau nhiều năm xa cách nên đã
 dẫn 5 con theo tầu vượt biên kiểu bán chính thức.. Khi đến gần đảo hay bờ bến nào của Mã Lai gì đó, thì chiếc thuyền gỗ to cũ chở đầy đến hơn hai trăm người bị xua đuổi, do dân và chính quyền xứ này đã chán ngán với cảnh thuyền tỵ nạn đến liên tục, khi họ không có điều kiện hay phương tiện gì nhiều để giúp đỡ, gây xáo trộn và phiền hà quá sức rồi, buộc họ dùng biện pháp mạnh để các cường quốc và cơ quan nhân đạo quốc tế phải lên tiếng.. Hôm ấy trời bỗng dưng nổi giông lớn, gió quần quật thổi mạnh tốc sóng lên cao, chiếc thuyền khốn khổ chòng chành trên sóng dữ rồi bị xô đẩy, va chạm vào ghềnh đá vỡ tan tành, cuốn trôi những con người bạc phận, khi ánh sáng hy vọng chỉ vừa loé lên rồi tắt ngấm.. Thật là buồn và thương tâm quá..!
    
                                BTX 1          IMG_2999
                                           Để tưởng nhớ đến toàn thể gia đình Giáo sư Thân Thị Hồng
 
Ở đầu dây bên này tôi rùng mình, bàng hoàng và không sao cầm được nước mắt. Cho cô, cho các em, cho chuyến tầu đầy oan nghiệt ấy. Bao kỷ niệm xưa từ tiềm thức dần rõ nét trở về, có rạng ngời gia đình thầy cô một buổi sáng Đalạt rực nắng vàng, có ánh mắt cô nồng nàn nhìn thầy, có những em bé mũm mĩm hai má đỏ au xinh như thiên thần, có người chồng và cha thường niên sống thật xa gia đình vợ con êm ả, đang ngập tràn trong hạnh phúc.. Rồi sóng nổi rồi gió gào, có tiếng kêu thất thanh, có đám đông điên cuồng hoảng loạn, có bà mẹ trẻ dang vòng tay gầy sợ hãi chở che 5 đứa con thơ.. Có tuyệt vọng.. Có Thần Chết vung tay, có nước sâu biển thẳm cướp đi lũ lượt phận người.. Tất cả như một đoạn phim ngắn nhưng quá hãi hùng, ngập đầy bi thảm.  Những hình ảnh này đã ám ảnh tôi trong suốt một thời gian dài.
 
Bao tháng năm dần trôi theo dòng đời tuôn chầy.. Một mùa hè, gia đình tôi mang các con qua Florida là vùng biển xanh cát trắng đẹp nhất nước Mỹ, cho bọn trẻ vui chơi trong Magic Kingdom Walt Disney World, Epcot Theme Park.. làm mê mẩn từ người lớn đến trẻ nhỏ.  Một tối, anh chị bạn đi chung rủ chúng tôi đến thăm người chị họ, đã may mắn có cuộc vượt biên khá êm xuôi để sang Mỹ từ vài năm nay. Trên xe, được nghe kể là người chị họ này giỏi dang lắm, qua đây mới lập gia đình với một anh có hoàn cảnh éo le, là khi anh đang tu nghiệp và làm việc bên này thì xẩy ra Biến cố Tháng tư 1975.. Vợ anh trước là giáo sư tại Đalạt, khi cùng các con vượt biển đã không may gặp nạn, mất tích trên biển khơi..
Và thật ngỡ ngàng đến đau lòng khi gặp lại thầy Chương năm nào. Thầy không nhận ra tôi là cô học trò nhỏ gởi thư hộ ngày xa xưa Đalạt, chỉ là một khách lạ đến từ Canada. Và suốt buổi tối, khi người phụ nữ khả ái bên thầy vui vẻ trò chuyện cùng mọi người, thì thầy Chương chỉ là cái bóng của chính mình, hai vai xuôi phiền muộn, ngồi âm thầm trên ghế, thật yên lặng, thỉnh thoảng buông vài lời ngắn gọn.. Và tôi bởi không quên nên rất xót xa trong lòng.  Để đêm hôm ấy, hình ảnh người đàn ông buồn bã với cặp mắt đong đầy u uẩn.. Rồi cô Hồng dáng mảnh liêu xiêu giọng Huế dịu dàng, những em bé bụ bẫm xinh tươi reo cười trong nắng sớm.. Biết bao kỷ niệm từ các ngăn tủ ký ức chợt bung mở ùa ập kéo về, làm tôi thao thức đến sáng.
 
.. Nhiều năm sau tình cờ gặp trên phố chợ, đứng trò chuyện vui vẻ với chị bạn cùng chung chuyến qua Florida dạo trước.  Khi chia tay chị bỗng nói vội vàng ...Ah.. Anh người Đà Lạt lập gia đình với bà chị họ bên Orlando mà bọn mình từng đến thăm, anh vừa mất cách đây không lâu. 
  
*Nhiều hình ảnh ngày xưa Bùi Thị Xuân được gởi tặng từ Giáo sư Lương Mậu Dũng. Xin cảm ơn thầy.
 
* Huyền Anh, BTX 69
 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn