Những mùa xuân lạc xứ
Thiền Viện Đại Đăng
1. Nếu chọn một số tròn để ghi lên cột mốc thời gian của
những mùa xuân lạc xứ, xa nhà thì tôi sẽ đề số 35/30 trên cột mốc năm nay. Con
số đó là dấu chỉ của dòng thời gian nhớ nhớ, quên quên: 35 năm sống trên quê mẹ
và 30 năm sống ở quê người. Ở tuổi về hưu, một người sống gần trọn đời giữa hai
thế giới. Người ấy sẽ là ai ở giữa mùa xuân?Tôi tự vẽ chân dung mình. Người trong gương, ông là ai thế?! Dưới mái tóc muối
tiêu - muối nhiều tiêu ít - đó là khuôn mặt góc cạnh pha nếp nhăn của một ông
già châu Á. 30 năm ở Mỹ, ông đã đổi thức ăn, thức uống, thức dùng. Những bữa ăn
ít dần mắm muối tương cà. Những bữa uống nhạt dần hơi men rượu gạo làng Chuồn,
nếp than Đồng Tháp. Những đồ dùng từ tứ xứ tinh tươm. Nhưng nhìn kỹ ông hôm
nay, ông vẫn là một ông già của xóm Bàu, xóm Kên, xóm Cụt làng Liễu Hạ. Đã mấy
chục năm rồi ông không còn mặc áo tơi đi trong mưa lạnh rát mặt của mùa đông xứ
Huế.
Ông ngỡ như đã quên những bếp củi than, lồng ấp mùa đông; quên cái quạt mo
phành phạch mùa hè; quên tiếng ve đất và tiếng chim cu gáy buồn buồn gọi nhớ
cuối thu. Nhưng sao ông vẫn nhớ nhà, nhớ luống cải vàng của mẹ trồng, nhớ nhà
thờ họ, nhớ cổng chùa làng, nhớ mái đình xưa đầy hương khói. Nhớ quặn mình muốn
khóc như trẻ thơ khi mỗi năm tết về. Nhớ mẹ.
Thì ra người ta chỉ già theo nhân dáng, nhưng không già trong tình tự quê
hương. Tự xét hoàn cảnh riêng mình và các bạn cùng trang lứa và hoàn cảnh, tôi
khó mà không đồng tình với nhà tâm lý học cừ khôi hàng đầu của Mỹ là Erik
Erickson khi ông nói về sự hình thành bản sắc của mỗi con người đã hoàn thiện
và chấm dứt hoàn toàn trong 30 năm đầu của một đời người: 10 năm đầu cho bản
sắc tuổi thanh xuân, 10 năm tiếp theo cho bản sắc tình cảm, tư tưởng và 10 năm
sau cho bản sắc văn hóa.
Một người sinh ra và trưởng thành trên một vùng đất nào đó tới 30 tuổi thì dẫu
muốn hay không họ đã hoàn toàn thuộc về nơi đó. Một “Erickson thi sĩ” Việt Nam
là Chế Lan Viên đã viết: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa
tâm hồn. Tâm hồn là cách gọi khác của một gốc rễ vô hình đã nằm trong góc khuất
của mỗi người.
2. Sự phát triển tâm lý ngỡ như nghịch chiều nhưng lại là một hiện thực của
tuổi già nơi xứ lạ. Tuổi về hưu như một bãi sa bồi đã qua nhiều cơn sóng gió.
Những bụi cát phù sa lắng xuống. Đá sỏi hiện nguyên hình và nhận ra nhau. Đó là
lúc tuổi già lắng lòng nhớ quê xưa và những khuôn mặt thân yêu ngày cũ. Nơi xứ
người, nếu nguồn tình cảm này vắng bóng thì làm sao có được những phố Tàu, phố
Nhật, phố Việt, phố Đại Hàn tại nhiều thành phố lớn trên các xứ Âu Mỹ đã tự
phát từ buổi di dân ban đầu cho đến ngày nay.
Có một sinh viên Việt Nam trên 30 tuổi, qua Mỹ du học, kết hôn, ở lại. Sau năm
năm ở Mỹ, anh được vào quốc tịch Mỹ và cũng là năm anh tốt nghiệp cao học xã
hội tại Đại học Sac State. Một lần, sau giờ học về quan niệm bản sắc cá nhân
của Erickson, anh hỏi: “Em vừa được vào quốc tịch Mỹ và muốn làm đơn xin từ bỏ
quốc tịch Việt Nam. Xin thầy giúp ý kiến”. Tôi góp ý: “Em và tôi đều rời đất
nước ở lứa tuổi khi bản sắc nòi giống của cá nhân mình đã được xác lập. Bản sắc
nòi giống đã biến thành tâm hồn. Người ta có thể chuyển hóa nhưng không thể từ
bỏ được tâm hồn. Thủ tục và tên gọi chỉ là nhãn hiệu bên ngoài chai nước mắm,
chẳng có gì quan trọng”.
Mấy lần về thăm quê, bạn bè thân tình hỏi tới: “Ở Tây, ở Mỹ lâu vậy mà bạn có
bị lai căng, mất gốc gì không?”. Tôi đùa mà rất thật: “Lai rai thì có nhưng lai
căng, lai giống thì không!”. Lai rai... thì có vô số chuyện để bàn. Cái lai đầu
tiên là tiếng “Dạ” và “Không”. Trước một câu hỏi: “Ông không thích mắm ruốc
à?”, Mỹ trả lời: “Không, tôi không thích”. Việt trả lời: “Dạ (vâng), tôi không
thích”, hay ngắn hơn: “Dạ không”. Dịch ra tiếng Mỹ là “Yes no!”. Người Mỹ la
làng, cho rằng tiếng Việt là không rõ ràng giữa có và không.
Thật ra vì họ chưa hiểu rõ ràng về cái suối nguồn văn hóa bao la trong một câu
trả lời ngắn gọn “Dạ” trước là để bày tỏ mối quan hệ với đối tượng đang hỏi,
rồi mới tới phần sau là ý kiến của riêng mình. Đó là một sự biểu hiện giao tình
giữa người với ta, giữa cá nhân mình với bà con làng trên xóm dưới. Trong lúc
người Mỹ với văn hóa đậm tính cá nhân, họ xác định ngay ý kiến riêng của mình
từ tiếng “Không” phủ nhận đầu tiên.
3. Khi tiếp cận một nền văn hóa mới, người ta mới thấy được những viên sỏi
thường ngày trên đất nước của mình có khi lại là những hạt quý trên xứ người:
đó là tiếng cười. Cười là một thứ ngôn ngữ không lời cao cấp nhất của văn hóa
mà mình vô tình coi nhẹ nó như nắm xôi thằng Bờm. Xa xứ rồi, nếp cười hiện lên
như một tiếng vọng nhắc nhở cội nguồn.
Người Việt đã trưởng thành trên quê hương khi tới xứ người có thể nói lưu loát
và hùng biện những chuyện triết lý, văn chương, kỹ thuật bằng tiếng Tây, tiếng
Mỹ, nhưng lại rất ít người có khả năng chuyển tải qua lại những “thông điệp
cười” thống khoái trong tương quan sinh hoạt với người nước ngoài. Khó mà chia
sẻ, hiểu hết được cái tinh túy trong ngôn ngữ cười của một dân tộc.
Đã gần 30 năm, thường xuyên làm việc và sinh hoạt trong thế giới người Mỹ,
nhưng tôi cũng như hầu hết bạn bè cùng lứa hay một người bạn tuổi đã 70, du học
Mỹ từ năm 1958 ở tuổi 20, vẫn bị lạc xa tít mù khơi trong những câu chuyện khôi
hài (joke) của người Mỹ và có lẽ cũng là trường hợp ngược lại khi chúng tôi cố
chia sẻ với người Mỹ chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai Tú Xuất rút từ
trong kho tiếu lâm xứ mình.
Tết ở xứ người chỉ khơi sâu thêm nỗi nhớ quê nhà. Tuổi càng cao, nỗi nhớ càng
thấm thía mà rất tự nhiên như cảm xúc lá rụng về cội. Nhớ quê hương là nhớ
tiếng cười ngoài sân, đầu ngõ của người thân, bạn bè. Vì cười nó khó khăn và
cao quý đến như thế nên xin được ghi thêm một chữ quan trọng lên cột mốc mùa
xuân 35/30: Cười!
Nguồn Tuổi trẻ
Thiền Viện Đại Đăng
2/15/2010