Nguyễn- Đức- Quang HÁT GIÃ-TỪ ĐÀ-LẠT * Nguyễn-Quang-Tuyến

18 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 74416)

Nguyễn- Đức- Quang

HÁT GIÃ-TỪ ĐÀ-LẠT

(Đêm mùng 6 Tết Canh Dần , 2010 ở Đà Lạt)

 

 ndq_p_3-content 

 

 Nguyễn-Đức-Quang hát tại 33 Pham-Ngọc-Thạch Dalat  

Bây giờ thì tấm thân xác mang tên chàng nhạc sĩ tài hoa của xứ sở sương mù không còn nữa. “Cái thân xác ấy” nó đã đến từ đâu? Nay nó đi về đâu? Trong lòng tôi - quờ quạng tay vào hư không chẳng thấy cái xác thân ấy- mà mình thì thấy như “sờ sờ” ra đó, vẫn như còn nóng hổi, vẫn như còn nụ cười ngạo nghễ của người bạn thân thương Nguyễn Đức Quang ôm cây guitare thùng,mắt nhắm lại , nhã từng từ :” Về đây nhéhồn như còn đang quanh quất ngoài sân đợitới ngày chia cách,chim về núi sâu, ta về cõi sầu …”

Lần cuối quay về Đà Lạt, là khoản thời gian dài trước và sau Tết Canh Dần năm 2010, Quang đã cùng gia đình ,các con làm một chuyến viễn du từ Bắc Chí Nam đất nước, như có một dự báo “đi để vĩnh biệt thân thương”. Sau khi người vợ yêu quý Minh - Thông mất, chuyến về này Quang muốn một lần đưa các con về nối kết chúng với đời sống quê hương. Quang muốn muốn lãng du khắp mọi miền đất nước với một quả tim đập rời rạc, đập lùng bùng, đến đâu cũng với tâm trạng viếng thăm và vĩnh biệt: vừa háo hức, vừa u buồn .

Và tết ấy (2010) Quang ăn Tết ở Đà Lạt, Quang lang thang với tôi mọi nơi để “chạm lòng mình” và nâng niu “từng kỷ niệm” như một dự báo. Chúng tôi như những ngày tháng trẻ tuổi của năm I năm II Khoá đầu Trường Chính Trị Kinh Doanh, chúng tôi đi giữa Đà Lạt mà “không thấy phố, không thấy nhà”… chỉ thấy con tim ngày ấy, chỉ thấy mấy ổ bánh mình baguette Vĩnh Chấn, cả bọn ngồi trước rạp hát Hòa- Bình nhai rôm rốp cười nói rôm rả với bao mơ ước tương lai…

Có hai ông già lẩm cẩm tuổi cận 70, ngơ ngơ ngác ngác trước bao thay đổi của Dalat hôm nay, ngồi đây mà nhớ những người bạn cũ ngày ấy nay đâu? Các bạn tôi ơi: đâu rồi Trần - Đại, Nguyễn- Lập- Chí, Lê- Kim- Lợi, Trương- duy- Hào, Nguyễn- Khải… Đâu rồi La- Vang, Thạch- Trúc, Kim- Lan, Phùng- Bích- Sơn, Thiên- Thơ, Ngoc -Sương, Mai-kim-Đĩnh… cứ nhắc đến từng người là như vở òa ra biết bao là kỉ niệm, như thấy dáng dấp từng nguời đi qua phố xưa .. .

Như cuốn phim cũ đứt khúc, chắp nối… có hai ông già “ mắt lão không vầy cũng đỏ hoe “ quanh quẩn một góc phố Dalat buổi chiều đông ấy? Có ai biết gì đâu? Có ai biết gì không? Sóng gió của biển cả đâu có lớn bằng sóng gió câm nín xót xa trong lòng mấy con ốc dật dờ bên bờ hốc đá biển khơi!!

Tôi không nghĩ Nguyễn Đức Quang là một nghệ sĩ lớn trong nền âm nhạc nước nhà, và cũng không phải Quang quá tài hoa để chúng ta xem như một thần tượng, một nghệ sĩ lớn. Nguyễn Đức Quang không muốn là như thế, và với chúng ta Quang lớn hơn và sâu sắc hơn như thế .

Với Đà Lạt, Nguyễn Đức Quang là người của Đà Lạt, là sản phẩm thuần túy Đà Lạt. Anh sống và trưởng thành ở Dalat từ thời trung học, đến đại học, gắn bó với người yêu là vợ anh hôm nay cũng là người Dalat… tất cả là của Đà Lạt ,và âm nhạc của anh cũng là sản phẩm mang tính Đà Lạt. Tôi không mườn tượng được toàn bộ đời sống của anh , sinh hoạt văn nghệ của anh và bạn bè có thể tách rời khỏi Đà Lạt. Thành phố ấy, môi trường sống ấy, là nơi chốn để có Nguyễn Đức Quang, như là Quang hôm nay.

Với bạn bè đầy chất nghệ sĩ của anh ở Đà Lạt như Hoàng- Kim -Châu, Đinh –Gia- Lập, Trần- Trọng -Thảo, Hoàng –Thái- Lĩnh, Nguyễn- Quốc –Văn ,Phương-Oanh… cùng với Quang là một tập thể gắn bó. Họ tạo dựng nên sự nghiệp âm nhạc, họ cùng vui chơi và tình cảm của họ với nhau là chỗ êm ấm để trở về khi những bi kịch của xã hội vồ dập; những hiểm họa, tai ương rình rập. Nguyễn Đức Quang và bạn bè vượt lên tất cả, bay cao hơn, bay gần lòng người hơn, gần bạn bè hơn. Anh và bạn bè vốn là người Đà Lạt, thấm đẵm tâm hồn Đà Lạt, nên Dalat luôn luôn là chổ trở về cuả các Anh sau những nhọc nhằn, mỏi mệt.

Tôi đưa Quang đến thăm trường trung học Trần- Hưng -Đạo, nơi đây 50 năm xưa chúng tôi cùng ngồi học một mái trường; mọi sự đã đổi thay nhiều. Người ta không muốn và không cho phép giữ một chút gì của quá khứ, làm như rằng người ta hiện hữu và có mặt mà chẳng cần chút gì của quá khứ. Cũng rừng thông cũ, cũng lối đi xưa, cũng gò đồi cao thấp, nhưng “ngõ cũ lâu đài” giờ đây tê tái trong câm nín, yên ắng đến lạnh người. Đâu rồi những thầy xưa? Cô giáo cũ? Bạn bè ngày nào? Quang ngậm ngùi “sóng sau xô sóng trước, bãi bể nương dâu.. cậu Tuyến có cố giữ ba chữ THD bên bệ hàng rào, cũng chỉ là một chút lay lắc khói sương”. Ừ nhỉ, thật cũng chỉ là một chút lay lắt khói sương, giữa trời hoang nắng bàng bạc hoàng hôn của Đà Lạt.

Chợt xót xa nhớ câu” Lạc hà dữ cô lộ tề phi”, tuổi già ru trong cô đơn giữa bao la, bàng bạc sương chiều, ráng đỏ Dalat sao mà nó giống hình ảnh cánh chim nhạn lẻ loi thẳng cánh bay về vô cùng…

Tôi cùng Quang vào thăm khu vườn Đà Lạt xưa” của tôi, tôi gom góp công sức đã 25 năm qua- nơi ấy tôi trồng đủ các loài cây “Đà Lạt ngày ấy” như mimosa, violet, anh đào, phù dung, penseé, tím Huế, tầm xuân, thiên lý, tường vi… Quang như lặng đi trước hương sắc ngày xưa ấy. Tết này lạnh nhiều, cả vườn tôi, hoa anh đào Dalat rực rỡ, màu hồng chập chờn dưới mặt hồ cau mày trong gió lạnh.. Người bạn thân của tôi và Quang là nhà văn Lê Thiệp ở Mỹ gởi cho tôi hơn hai trăm gốc anh đào Nhật ở Washington, tôi chỉ cho Quang thấy hàng cây chăm bón kỹ mà lớp búp hoa như đám ong ruồi, lông tơ mơn mởn mà chẳng chịu nở. Hoa búp cứ khô héo dần, chẳng thấy nở hoa. Quang cười “Cậu và thằng Thiệp thật là ngây thơ. Khí lạnh Đà Lạt làm sao đủ độ kết nhựa cho anh đào giống Mỹ nở sau mùa đông tuyết lạnh ở Washington” Cây vẫn tốt, lá vẫn xanh mà sao hoa cứ ngập ngừng, héo hắt, chẳng chịu nở một nụ cười” “đào hòa y cựu tiếu đông phong”? Tôi vẫn tin sẽ có lúc những cây anh đào xứ ấy sẽ quen dần và nở đầy hoa dưới mây trời Đà Lạt.

Trước khi Quang từ giã Đà Lạt, từ giã những người bạn thân để lên đường, Quang tổ chức một đêm Quang hát những bản nhạc sáng tác sau này, sau năm 1995. Đã hơn 50 năm, đã hơn nửa đời người, tôi nghe lại bạn tôi hát, bạn tôi trầm buồn nhắc lại những đoạn đường đã đi, những nơi đã hát… nói như một dòng nước mắt chảy xuôi, đoạn sau của một thời du ca rực rỡ.

Đêm ấy mùng 6 Tết ,ngày 19/02/2011, tôi nghe Quang hát và sau đó Quang rời Dalat và ra đi vĩnh viễn ngày 27/03/2011 tai Hoa- Kỳ. Đêm ấy, đứa con Dalat hát lời vĩnh biệt Dalat, miền đất thương yêu nhất của chàng.

Chàng nghẹn ngào hứa với Dalat sẽ về đây nhé và cũng từ đó chàng : “..con thuyền viễn dương cũng vừa lên đường”

Đêm nhạc ấy Quang lấy tên là “Về đây nhé”, Quang mơ ước về Đà Lạt sống những ngày cuối đời. Quang thiết tha nhìn từng gốc cây, ngọn cỏ của ngày xưa, Quang chậm từng bước đi từ cổng nhà 33 Camette, xuống căn nhà em Vinh mới cho xây lại, đó là nơi căn gác gỗ tụ tập anh em du ca ngày nào. Tôi còn nhớ năm 1967, Quang mời tôi và Trần-Trọng-Thức đến dự một buổi thảo luận nhóm của khóa I trường Quản Trị Kinh Doanh, trong đó có Minh-Thông vợ Quang sau này, là một thành viên trong nhóm. Căn gác gỗ ở góc vườn, tách hẳn sinh hoạt của ông bà Cụ thân sinh Quang, đó là cái nôi ru cho chàng nghệ sĩ tài hoa trưởng thành.

Đêm ấy, trăng non trời cao và tối.. vài ngôi sao thưa xanh xao nhấp nháy trên đỉnh núi Bà như thổn thức cho giấc cô liêu. Tôi đi chầm chậm trên con đường vắng đến nhà Quang, trên đồi nhà thờ Domaine de Marie lặng lẽ lắng nghe các ngôi sao trở mình – tôi thích cây thông như chiếc dù trước cổng nhà Quang. Có lẽ đã hơn trăm năm cây thông sần sùi vẫn đứng đó nhìn lớp lớp phế hưng .

Mùng sáu Tết, trời Đà Lạt giá lạnh, góc trời phía Cam Ly một mảnh lưỡi liềm xanh xao, hao gầy trong gió vun vút . Nguyễn Đức Quang ngồi lặng lẽ, cùng bạn bè trên sàn gỗ. Có vợ chồng Hoàng Thái Lĩnh – Chi Minh. Có vợ chồng Đoàn Chim và con cháu, có vợ chồng gia chủ Nguyễn Đức Vinh và vợ Phạm- thị- Sen cùng hai con trai Vinh là Hiển và Độ ; Có các bạn trẻ chơi guitare classique, bạn của Vinh là :Phạm Hải , Tuấn ,Thi ..và Hoàng Lâm …gần hai chục người vây quanh nhau trên sàn gác gỗ …

Gác xếp gỗ tuyềnh toàng ngày xưa nay được em Quang xây dựng thành một ngôi nhà gỗ, lát sàn gỗ, đẹp ấm cúng và nền nả nét xưa. Chúng tôi cùng Quang ngồi trên sàn gỗ ở tầng gác, ngoài khung cửa kính là thành phố Đà Lạt dưới lung lũng Phan Đình Phùng lao xao ánh đèn, bên kia triền đồi, chùa Linh- Sơn trang nghiêm trầm tư. Mọi người nói thật khẽ, như nghe cả tiếng đập của nhịp tim, như nghe cả một thời rộn rã đầy sức sống của thuở du ca đang được ủ lại dưới vẻ đăm chiêu trầm lắng của Quang.

Quang ngồi yên một góc trong vòng tròn của bạn bè, thân hữu. Tiếng guitare cổ điển của Tuấn, Thi nhả khúc …Phan Hải khởi đầu với tiếng đàn tinh khôi bài “Ly champagne ngọt ngào” do chính Hải sáng tác.

Lâu lắm tôi mới thấy một hình ảnh Dalat rất xưa quay về. Đà Lạt rất xưa và rất mong manh đã vỡ tan lâu rồi, nay tôi mới gặp lại không có chút điệu đàng, không có chút ồn ào khoe mẽ, không có người khác, không làm bộ hờ hững suy tư trong khi mặt đanh lại các tính toán bon chen… cởi bỏ mọi thứ y phục mới khoác vào trong vài chục năm qua, giờ đây, nơi này, trước những người bạn trẻ Đà Lạt, tôi đã gặp lại Đà Lạt ngày nào. Tôi còn nhớ khung cảnh thế này Đà Lạt ngày xưa: một đêm giá buốt trước sân phòng trọ của Trương-duy-Hào, bên cạnh đống lửa nho nhỏ, gần ba mươi sinh viên trẻ chúng tôi vây quanh Pham- Duy, Đỗ- Long- Vân và thầy Lý- Chánh -Trung để nghe Phạm- Duy vừa đàn guitare, vừa hát Tâm Ca. Cũng khung cảnh thế này, chúng tôi ngồi vây quanh Trịnh Công Sơn ở nhà số 7 Trần- Bình- Trọng, nhà Chị Thanh-Sâm hoặc ở Dòng Chúa Cứu Thế để nghe những bản nhạc mới sáng tác của Trịnh- Công- Sơn… Biết bao lần, biết bao nơi, khi thì ở Sân cù, khi ở trại thanh niên thiện chí, khi ở ĐamPao, lúc ở Suối Thông A… tất cả chợt như gần gũi. Giờ đây không còn người nào, không còn ai, không còn công danh sự nghiệp, chỉ còn tiếng đàn, từng giọt ,từng giọt rót vào thân phận con người…lúc này ,sau bao năm tháng bương chãi tơi tả trên đường đời. Trở về với Dalat, trở về nghe tiếng guitare thùng rơi rụng trong đêm vắng sao mà thanh thoát và êm đềm đến vậy!

Đã lâu lắm rồi, tôi mới được nghe lại- đúng là từng giọt âm thanh rơi xuống khoản yên-ắng nghiêm cẩn. Âm thanh, âm nhạc ở Đà Lạt, nghe khác hẳn ở nhiều nơi, hình như không gian tinh khiết xen lẫn với môi trường tĩnh lặng không có những tạp âm đan chen, từng giọt, từng giọt, nhả ra thánh thoát như nỉ non tình tự, như sự giải bày chậm rãi , cho đến khi đã ngừng mà cả phòng vẫn ngẩn ngơ lặng im, như chết lịm… như có tiếng gió thở qua khe cửa sổ, như có tiếng va chạm rất khẽ của một bàn tay đang khẻ nắm một bàn tay…

Nguyễn-đức-Quang , ôm đàn ngồi trên ghế cao khẻ khàng tâm sự :”Có lẽ bạn bè quanh tôi hỏi vậy chứ NDQ đi qua xứ người bao năm có còn tiếp tục sự nghiệp ca hát … Từ 75 đến 95 , hơn 20 năm quần quật nợ áo cơm, lu bu làm báo, quần quật kiếm sống …Năm 95 lần đầu tiên nhận lời mời qua Úc hát lại những bản nhạc xưa Trầm Ca, Du ca.Hơn 20 năm đã qua đi, lần đầu tiên tôi trinh bày một đêm nhạc với hơn 800 thính giả, một đêm thành công ngoài dự liệu.Chuyến đi ấy tôi đi hát cả 3 bang ở Úc, đều thành công. Sau đó các năm 99-2000-2001, tôi đi Uc, Âu Châu, Mỹ … vẫn hát du-ca, và vẫn nhiều thính giả trẻ đón nghe . Năm 2003 , tôi một lần nữa qua Úc, thấy mình vẫn hát những bài du ca cũ thì quê quá, nên tôi sáng tác một số bài mới . Từ ấy đến nay, tôi đi khắp nơi, trên cả 14 tiểu bang của Mỹ, hát cả du-ca cũ và các sáng tác mới trên 60 buổi trình diển. Vẫn chỉ 1 mình với 1 cây guitare ôm cả đêm trình diển. ..Mình tự hỏi vậy mình đã già chưa ? và tự nghĩ mình vẫn chưa già …

…Hôm nay ,tôi thử sức hát mấy bài .Tôi hát, trước tiên bài về đây nhé. Tôi ước mơ trở về đây ,về Dalat, với trái tim của mình, về mà không ai ngăn cấm, không ai ra lệnh phải đi chổ khác … “

Quang cúi đầu trên cung đàn, mắt nhắm –y hệt hình ảnh ngày xưa – miệng như cười và giọng chùng xuống và cao vút lên với ca-từ “về đây nhé !!” .. tôi tưởng như nghe lời nguyện cầu nức nở, lời rú lên của tù-trưởng một bộ lạc hoang sơ …xin đất trời cho mang lửa đến nhân gian …

 << Về đây nhé, người em phong ba, đã quên ân tình xưa

 Về đây nhé, tựa trăng sao khuya quen một mái nhà

 Những ngày thao thức ,đêm nối mong chờ,

 Thấy lòng nô nức như sắp sang bờ

 Hồn còn như quanh quất ngoài sân đợi, cơn mộng cũ

 ……………

 Về đây nhé, thèm nghe tiếng chân, bước êm như nụ hôn

 Về đây nhé, con thuyền viễn dương cũng vừa lên đường

 …về đây ta nuôi tiếp mộng xưa, một chốn nào …>>

Quang búng mạnh 6 dây đàn,mặt ngẫng lên, nét gãy khúc như một bức tượng đồng rỉ.Không gian khán phòng như chùng xuống, dù một tiếng vổ tay hay lời khen ngợi đều dư thừa. Tôi cảm thấy như Dalat phủ xuống ôm chầm đôi vai gầy của Quang.Mãnh đất nào từ khước những đứa con lưu lạc nơi xa trở về; mảnh đất nào không dung chứa hết ngàn vạn khổ đau, oan khiên, của các con mình lưu lạc tứ xứ ? Hãy về đi, về đây nhé :” Dẫu sớm hồng phai, dẫu chiều xanh úa, cứ hoan ca…”

Nhìn Quang như gục xuống sau bài hát với cảm xúc mãnh liệt, tôi ái ngại cho con tim của bạn mình!!

Quang xa Dalat, Quang da diết nhớ thành phố này,thành phố có bạn bè, có quá khứ,có người mình yêu …nó là nôi, là tả lót , là hương sửa của một thời trai trẻ. Nếu bản nhạc về đây nhé như một lời ước hẹn, thì “Tình tôi con dốc nhỏ “ mới chính là tình cảm tha thiết gắn bó với Dalat. Những ai sống ở Dalat , yêu thành phố này thì sẽ thấy như những đôi bàn tay quấn quýt của các đôi tình nhân thế nào thì những con dốc nhỏ quấn quýt với người yêu Dalat thế ấy. Dalat là một không gian xanh kết nối bởi bao con dốc nhỏ, với mỗi người, mỗi con dốc là một sử-thi tình cảm của riêng mình. Từng phiến đá lát đường, từng mảng rêu xanh trên con dốc nhỏ là cả bao kỉ niệm, bao vui buồn … Anh phải yêu người yêu anh đến thế nào mới cảm được nổi u -sầu của nàng thoáng gợn trong một ánh nhìn xa xăm …Anh phải yêu, phải nhớ Dalat đến da diết thế nào, để mà anh nhớ về Dalat là anh nhớ “Tình tôi con dốc nhỏ “. Nghe bản nhạc này của Quang, tôi càng thấy bạn tôi yêu Dalat biết bao. Mỗi con dốc gói bao ước mơ, bao yêu thương, bao buồn vương trong bao mối tình ngây thơ, khờ khạo ngày mới lớn…

Quang nói :” Năm 2006 tôi viết bài “Tình tôi con dốc nhỏ “ dành cho thành phố thân thương Dalat của tôi. Nhớ quá Dalat của tôi, bởi :” Nay tôi ở rất xa một con đường

Nói đến đây, tôi thấy như Quang nhìn Vinh, cậu em trai bé nhỏ của mình ngày nào mình vẫn dắt tay đi qua từng con dốc nhỏ; như Quang nhìn ra ngoài cửa sổ, ngoài trời đêm hun hút gió tê buốt, trên khung trời đầy sao như thấy Minh-Thông đang lắng nghe tình anh:” Em bước cạnh thôi có chi mà ấm lạ, mưa mãi tình ơi tim tôi nhóm lửa thật rồi “,

Tôi nghe Quang hát từng lời…và trước mắt tôi là những con dốc, là thời trai trẻ ở phố núi:

 Nơi tôi ở rất gần một con đường

 Con dốc nhỏ đắm mình giữa mù sương

 Thành phố âm u nhìn con dốc đứng

 Nhà cũ vây quanh tường vôi nứt rạn

 Khung cửa lầu cao có em ánh đèn sáng

 Con dốc nhỏ thích tôi người đứng chờ

 Trông ngây dại giữa chiều nắng , chiều mưa

 …………..

 Hàng xóm chung quanh nhìn tôi cố gượng

 Con dốc nhìn tôi , bước đi bằng vết thương

 Nay tôi ở rất xa một con đường

Với hai bản nhạc trên, với đêm giả biệt này, Quang đã nói hết lòng mình với Dalat. Tôi thấy như Quang buồn hơn vui, dù nụ cười luôn không tắt trên môi, từ sâu thẳm tôi như thấy Dalat đang run run từ giả Quang .

Đêm ấy Quang hát bốn bài, trong nội dung bài viết này tôi chỉ trích dẩn hai bài về Dalat, Quang hát nhiều cảm xúc nên có vẻ mệt; xen giửa Quang là sự góp mặt của các cây guitarist trẻ bạn của Nguyễn-Đức-Vinh, em Quang. Vinh nối chí Anh , có trình bày các bài do mình sáng tác. Bản nhạc “ Nợ” của Vinh là một bản nhạc xuất sắc (Vinh phổ thơ Cao-Bá-Hưng )

Nửa khuya tôi từ giả Quang và đêm ca nhạc, lên xe về Saigon để sáng mai đi làm. Mảnh trăng non đã khuất núi, bầu trời xanh và cao thăm thẳm đầy những sao,Quang đưa tôi đến bậc thềm nhà, cây anh-đào cạnh cổng hàng xóm vẫn còn lác đác vài cánh hoa tím tái. Đó là giây phút cuối cùng tôi vĩnh biệt Quang, hai chúng tôi vẫn ngở có lúc còn gặp lại nhau.

Quang luôn ước mơ có ngày sẽ trở về, có ngày sẽ về Đà Lạt. Sẽ ôm mảnh đất này đẫm trong nước mắt yêu thương, sẽ nằm mãi, nằm mãi tan rã ra , để trở thành cỏ xanh, thành hoa đỏ. Thành hơi thở tái tê lạnh của nơi này.

Quang là người của bạn bè, của xã hội, Quang muốn về Đà Lạt đế ngất ngư lịm chết trong vòng tay thân hữu, trong vòng nguyệt quế lung linh của kỷ niệm, của tuổi biết yêu và đã yêu thật đắm say. Quang mong ước trở về trên từng con dốc nhỏ, dắt tay cậu em thơ đi lại như ngày nào…

Quang muốn để bao vinh quang, danh tiếng, gán cho mình vào một góc và ở đó chính thời gian sẽ tắm gội để chỉ còn giữ lại những giá trị gì mà thời gian không gặm nhấm được. Quang muốn mình thênh thang, trần trụi với một quả tim ngây ngất yêu thương đi trở về Đà Lạt, trở về thánh địa của tuổi trai trẻ ngày nào. Xin đi lại từ đầu, không đi vội về sau!

Đà Lạt ơi, Nguyễn-Đức- Quang muốn “về đây nhé” mà nào có với tới được giấc mơ cuối đời, Quang muốn “Vế đây nhé” mà quả tim mong manh của chàng đã ngừng đập mất rồi !!. Trước khi Quang có thể về úp mặt khóc như chưa bao giờ được khóc; vì có hạnh phúc nào hơn là tan hòa từng tế bào sống của mình trên mảnh đất Dalat mà mình yêu thương.

“Về đây nhé “là một lời hẹn ước, là một ước mơ cuối đời của Quang với Đà Lạt.

Biết đâu Quang đã về? vì trên bầu trời đêm thăm thẳm, Đà Lạt đã có thêm một vì sao nho nhỏ, xanh xao nhấp nháy như thầm kêu: “ Dalạt ơi tôi đã về”. Biết đâu được? có lẽ nào một người yêu Dalạt như Quang mà bỗng dưng mất hút, tan biến trong vô cùng thăm thẳm mà chẳng có một dấu hiệu nào trở về? Quang đã hẹn với Dalat “Về đây nhé" , nên Quang đã và sẽ trở về dù chỉ là một dấu hiệu hiển linh: chút nháy sáng của một vì sao xa xăm trên lưng chừng trời đêm Dalat …

 Nguyễn-Quang-Tuyến

 (15/05/2011)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn