100 Năm Tin Lành Đến Việt Nam * Mục sư Nguyễn Thỉ (THĐ 1964)

30 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 20442)

100 Năm Truyền Thông

100 Năm Tin Lành Đến Việt Nam

cma-large-content

 

Năm 2011 đánh dấu 100 năm ngày Tin Lành truyền đến Việt Nam. Các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (The Christian & Missionary Alliance) đặt chân đến Đà Nẵng vào Mùa Hè năm 1911. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã được khai sinh và phát triển từ đó, đến nay là đúng một thế kỷ. Tại Việt Nam đã có những lễ hội kỷ niệm tại Đà Nẵng, Hà Nội và Saigon. Tại thủ đô tỵ nạn Miền Nam California, Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam được tổ chức vào ngày thứ Bảy, 2/7 tại Crystal Cathedral, Garden Grove.

Kỷ niệm 100 Năm Tin Lành đến Việt Nam là thời điểm để cùng một lúc, chúng ta nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai. 100 năm trước, khi các giáo sĩ tiền phong đến Việt Nam, họ di chuyển bằng tàu thủy và phải mất hơn một tháng mới đến nơi. Khoảng thời gian đó ngày nay là 15 tiếng đồng hồ! Phương tiện truyền thông nhanh nhất lúc bấy giờ là điện tín, sử dụng tín hiệu Morse để truyền đi cho nên nội dung phải sử dụng những từ ngắn gọn. Hội Truyền Giáo đã dùng chữ parousia từ chỉ về ngày Chúa tái lâm trong tiếng Hy-lạp để làm địa chỉ ngắn gọn khi sử dụng điện tín trong nhiều năm. Hôm nay, chúng ta có thể theo dõi trọn chương trình kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam trực tiếp từ Đà Nẵng với hình ảnh và âm thanh cùng một lúc với con dân Chúa tại quê nhà.

Khi sứ đồ Phao-lô đi truyền giáo trong thế kỷ thứ nhất, thế giới lúc bấy giờ có một ngôn ngữ thông dụng chung, đó là tiếng Hy-lạp phổ thông, ngôn ngữ của Thánh Kinh Tân Ước. Ông đã có thể sử dụng ngôn ngữ đó để truyền giảng khắp nơi. Khi các giáo sĩ đem Tin Lành đến Việt Nam, hàng rào ngôn ngữ là thách thức lớn nhất phải vượt qua. Việt Nam lúc bấy giờ bắt đầu sử dụng chữ quốc ngữ nhưng chữ Hán và chữ Nôm vẫn còn thông dụng. Các giáo sĩ phải học tiếng, trước đó còn phải học tiếng Pháp nữa vì ảnh hưởng của Pháp lúc bấy giờ.

Làm thế nào để truyền đạt Phúc Âm? Cần phải có sách vở. Trong ơn thần hựu của Thiên Chúa, một trong các giáo sĩ đầu tiên là ông bà Cadman: ông là chủ nhà in chuyên nghiệp, bà là một học giả. Ông bà đã dịch các sách Phúc Âm ra tiếng Việt nhưng phải in sách tại Trung Quốc. Năm 1920 mới có nhà in Tin Lành tại Hà Nội, phát hành các sách trong Kinh Thánh, truyền đạo đơn và các sách báo khác. Năm 1926, bản Kinh Thánh tiếng Việt được hoàn tất với sự cộng tác của nhà văn Phan Khôi. Với Thánh Kinh, Phúc Âm được truyền bá trước hết qua cá nhân chứng đạo, sau đó là các chương trình giảng tại nhà thờ. Các nhà thờ Tin Lành trong nhiều năm được gọi là nhà giảng: nơi rao giảng Lời Chúa. Người giảng Lời Chúa là thầy giảng và bục đứng giảng là tòa giảng.

Tùy theo hoàn cảnh địa lý, đối tượng và nhu cầu, nhiều phương tiện truyền thông khác đã được sử dụng để truyền giảng Phúc Âm. Sông rạch chằng chịt của miền châu thổ sông Cửu Long là nơi tàu Tin Lành hoạt động. Miền Trung thì có các xe truyền giảng lưu hành. Những nơi khác có người ra đi bán các sách đạo cho người ta đọc. Những buổi truyền giảng lộ thiên trong các lều trại với sức chứa từ 500 đến 1,000 người cũng được sử dụng từ năm 1957 đến năm 1975. Các chương trình chiếu phim Cơ-đốc được sử dụng trong các trại lính, bệnh viện, nhà tù.

Năm 1945, đài phát thanh Viễn Đông FEBC được thành lập tại Manila. Năm năm sau, các chương trình tiếng Việt cũng đã được phát đi từ đài nầy và Tin Lành cứu rỗi đã đến với nhiều gia đình khắp nơi trên đất nước cho đến ngày nay. Khi vô tuyến truyền hình xuất hiện tại Việt Nam trong những thập niên 60, Hội Thánh cũng chập chững bước vào lãnh vực truyền thông nầy.

100 năm Tin Lành đến Việt Nam cũng là 100 năm tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, từ di chuyển bằng tàu thủy đến jumbo jet, từ in ấn bằng lối xếp chữ cho đến hôm nay bất cứ ai có một máy điện toán cũng có thể tự xuất bản sách cho mình. Phương tiện giao thông và truyền thông nhanh chóng đem con người lại gần nhau hơn. Thế giới rộng lớn đã trở thành một ngôi làng nhỏ bé, ngôi làng trái đất (global village). Thời đại chúng ta được gọi là thời đại tin học (age of information). Vũ Hoàng Chương đã có lần viết: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.” Tuy nhiên, trên phương diện truyền thông, tôi không nghĩ như vậy. Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào thời kỳ nầy với những phương tiện truyền thông tuyệt vời. Mỗi chúng ta đều có thể lấy trong túi mình ra một cái cell phone. Chúng ta làm gì với chiếc điện thoại di động nầy? Chẳng những nói chuyện, nhưng còn text, còn chat, surf the Web, nhận email, tìm tiệm ăn, nghe nhạc, nghe đọc Kinh Thánh…

Các bạn trẻ ngày nay quen thuộc với những từ như: Blog, Tweeter, Facebook, YouTube… Họ nói chuyện với nhau, truyền đạt cho nhau những thông tin không như chúng ta ngày trước. Đây là khí giới lợi hại cho các cuộc tranh đấu chính trị, tuyên truyền, kinh tế, đạo đức và cả vô đạo đức nữa! Nhưng chúng ta đã làm gì? Tổ chức Campus Crusade for Christ cho biết họ đã thiết lập những website có quá nhiều người vào, cần có người trả lời email cho những người tìm hiểu. Hơn 6 triệu người cho biết họ yêu chuộng Trang Facebook của Liên Hiệp Thánh Kinh nhiều hơn những người vào trang của Lady Gaga, thần tượng âm nhạc của giới trẻ. Cuộn phim Jesus về cuộc đời của Chúa Giê-xu được chuyển âm trên 1,000 thứ tiếng với 6 tỷ lần xem trên 229 quốc gia. E-card, email được chuyền cho nhau đọc với tốc độ nhanh chóng. Mỗi Chúa Nhật, tôi giảng cho vài trăm người ở Orange County nhưng hàng ngàn người khác cũng có thể nghe qua Internet, truyền hình, truyền thanh. Việc rao giảng Phúc Âm ngày nay được kiểm kê bằng con số hits: bao nhiêu người vào trang Web mỗi ngày.

Đạo của Chúa phải được truyền khắp nơi trên trái đất để làm chứng cho muôn dân trước khi Chúa trở lại. 100 năm đã qua, phương tiện truyền thông thay đổi nhưng Phúc Âm của Chúa không thay đổi. Vấn đề của chúng ta là trung tín. Kỷ niệm 100 năm, quyết tâm của chúng ta là làm 100 lần lớn hơn, mạnh hơn, hữu hiệu hơn với quyền năng của Chúa Thánh Linh trong những phương tiện tuyệt vời Thiên Chúa đã cung cấp.

Đạo của Chúa đã được loan truyền khắp thế giới La-mã chỉ trong vòng mấy mươi năm trong thế kỷ thứ nhất nhờ những con đường giao thông người La-mã xây dựng, những thuyền bè người La-mã cung cấp, nhờ ngôn ngữ của văn minh Hy-lạp. Thế kỷ 21 nầy với những phương tiện giao thông, truyền thông vượt bực, chúng ta đã làm gì với công tác phổ biến Tin Mừng? Nếu Chúa Giê-xu chưa trở lại, 100 năm đến sẽ là 100 năm muôn vạn lần hơn trong công tác mở rộng và xây dựng Nước Trời.

Mục sư Nguyễn Thỉ

(THĐ 1964)


 

100_nam_tl_024-large-content100_nam_tl_025-large-content100_nam_tl_045-large-content100_nam_tl_034-large-content

 

100_nam_tl_053-large-content100_nam_tl_118-large-content100_nam_tl_106-large-content100_nam_tl_094-large-content100_nam_tl_122-large-content100_nam_tl_121-large-content100_nam_tl_120-large-content100_nam_tl_079-large-content

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn