Ca dao khổ
Forget-Me-Not Dalat
Tôi gặp lại thầy trong buổi tiệc tiễn đưa thầy Dũng trở lại Việt Nam. Dáng thầy thật cao, thật nghệ sĩ, gương mặt rắn rỏi, đặc biệt đôi mắt thầy thật sâu...Tôi nghĩ, chỉ cần gặp thầy một lần, khó ai có thể quên đôi mắt sâu, cuốn hút của thầy. Tối nay, bên thầy là cô Nhã, người bạn đời thật dễ thương mà qua bao năm tháng vẫn giữ được thân hình thật thon thả, gương mặt vẫn trẻ trung như xưa... Trông thầy cô hạnh phúc làm sao!. Tôi luôn thấy thầy cô đều có nhau trong những buổi sinh hoạt.
Đà Lạt Bistro vào tối thứ bảy có nhạc sống, thật sống động. Phe bạn, phe ta thay phiên lên hát tưng bừng. Chúng tôi vui vẻ vỗ tay , hòa theo tiếng la “bis” “bis” vang dội. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức giọng ca trầm ấm của thầy. Giọng Thầy điêu luyện không khác gì một ca sĩ chuyên nghiệp. Từ lâu tôi biết thầy làm thơ, viết văn, viết nhạc và... bây giờ tôi lại càng ngưỡng mộ thầy hơn. Thầy không những viết văn thật hay, làm thơ có hồn, biết viết nhạc , mà còn có giọng ca quyến rũ đến vậy!!.
Buổi tiệc tan, sau khi xiết chặt tay thầy Dũng, rưng rưng nói lời giã biệt. Tôi quay qua thầy cô, cũng xin chào từ giã, hẹn gặp lại thầy cô trong một ngày gần đây khi Bùi Thị Xuân - Trần Hưng Đạo tổ chức họp mặt. Thầy chợt nói “Em đợi thầy một chút”. Thầy chạy nhanh ra chỗ đậu xe. Một lát, trở lại với một CD trên tay, trao cho tôi, Thầy nói : “Thầy gởi tặng em đó”. Thật bất ngờ, tôi vui lắm và chỉ biết nói lời cám ơn. Chờ xe thầy cô chuyển bánh, chúng tôi mới ra về. Để cho cô em làm tài xế, ngã mình trên nệm ghế êm ái, tôi nhắm mắt lim dim, để cho dòng nhạc của thầy bềnh bồng đưa tôi trở về với quê nhà yêu dấu, với Đà Lạt có người yêu đưa vào Thủy Tạ, với Nha Trang biển mặn, với lãng đãng những cuộc tình mất mát...Trong “Lặng Lẽ Rêu Phong” tôi cảm nhất là bài “Ca Dao Khổ”, bài ca của người bị phụ tình mang âm hưởng của dân ca Miền Bắc. Vào bài, Quỳnh Lan đã thay lời chàng trai lên tiếng trách móc:
“Tình tang, tang tính, tình tang, trách người con gái phủ phàng nghĩa xưa. Chút màu kỷ niệm còn lưa. Mà em nỡ vội đò đưa khác người ”.
Khi chàng trai buồn rầu phát hiện sự kiện không thủy chung của nàng, anh chỉ biết than thở với trời xanh:
“ Mình tôi ngậm đắng trời hay chăng trời?”. Than thở với trời, trách móc người tình “Trầu xanh công khó anh trồng.Sao em nỡ hái...? Sao em nỡ hái...? qua sông mời người.... “– Sao em nỡ hái”.
Lời hát vút cao với câu hỏi hàm ẩn câu trả lời. Những câu hát láy mới tuyệt vời làm sao!. Lời ca giản dị quá, mộc mạc quá , lại nữa giọng ca Quỳnh Lan buồn đến não lòng. Lần đầu tiên được nghe Quỳnh Lan ca. Cô có chất giọng thật đặc biệt, lắng, buồn, trầm...hơi thê thiết khi diễn đạt nhạc cuả thầy trong Ca Dao Khổ. Tôi thấy “thấm” làm sao. Tôi cảm thấy buồn, nỗi buồn của tác giả, tôi cảm thấy đau, cái đau “quặn lòng” chàng. Quỳnh Lan đã thay người bị phụ tình nói lên nỗi niềm cay đắng ấy.
“Ai xui con sáo...à ơi.. .một đêm vỗ cánh xa rời tình lang. À ơi...lệ nhỏ hai hàng. Tình tang ai thấu? đoạn tràng này chăng?...”
Thầy, em xin cám ơn thầy đã cho em những cảm xúc thật sâu, thật lắng, khi nghe nhạc thầy. Thầy đã cho em được sống lại những tháng ngày Đa Lạt .Thầy đã vẽ lại những bức tranh thật sống động cuả một quê hương đã rời xa của thầy, cuả em. Đêm nay, trong cái lạnh cuả một ngày chớm thu, trong tĩnh mịch của đêm vắng, nghe lại dĩa CD thầy tặng, em thấy thấm thía buồn, cái buồn của ca dao khổ, cái buồn rất lặng lẽ... rất rêu phong Thầy ạ. Em xin được cảm ơn Thầy. Cảm ơn Thầy nhiều lắm.
Forget-Me-Not Dalat