Đà lạt, Một Vẻ Đẹp Chỉ Còn Trong Nỗi Nhớ * Thiên Hương

17 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 56096)

Đà lạt, Một Vẻ Đẹp Chỉ Còn Trong Nỗi Nhớ …


Thiên Hương

dalat_3_2012_45-large-content












Đã hơn một năm rồi tôi chưa về Đà lạt.

Tuy nhiên vẫn đưọc xem rất nhiều các hình ảnh của Đà lạt do bạn bè hoặc gửi qua email, hoặc xem trên mạng, trên facebook.

Biết nói làm sao nhỉ, những hình ảnh đó hình như chụp một thành phố lạ, dù đó là nơi tôi đã sinh ra, đã lớn lên, vẫn nghĩ tới hàng ngày và hàng đêm vẫn có những giấc mơ trở về thành phố ấỵ

Lần trở về lần trước, khi máy bay gần đến Đà lạt, có vẻ như tôi đã mất dần cái cảm giác của một người con đi xa trở về thành phố cũ. 

Phi trường Liên Khương mới xây dựng thật xa lạ, không có một gương mặt thân quen nào trong hơn một trăm hành khách cùng chuyến. Ngày xưa lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng cuối tuần mấy anh em lại xuống chơi với chú tôi làm ở phi trường Liên Khương. Trong trí ức tuổi thơ, đó là một phi trường nhỏ, vắng vẻ, mấy anh em chạy chơi trên những bãi cỏ, những túi vải nhọn như những chiếc nón căng phồng bay theo chiều gió. Mấy anh em theo chú tôi lên đài kiểm soát, nhìn theo những chiếc bong bóng bay lớn thả đo độ gió. Bầu trời có lúc xanh, có lúc xám, có lúc có những cơn mưa, nhưng lúc nào cũng dịu dàng, êm ả. Phi trường ấy giờ đã đóng cửa, phi trường mới đã xây dựng, lớn, tối tân và đẹp hơn hẳn, như một lời nhắc nhở chua xót là khung trời ngày xưa đã thật sự khép lại, và những gì của tuổi thơ đã thật sự không còn nữa.

Bước vào nhà ga, lấy hành lý. Người của khách sạn đã chờ sẵn, lịch sự xách dùm hành lý, xin lỗi nói còn phải đợi thêm hai hành khách nữa.

Bước ra cửa, cái cảm giác mình thật sự là một du khách bỗng chợt làm tôi bàng hoàng. Con đường về thành phố cũng thật khang trang, một xa lộ rộng rãi với những hàng cây chưa cao lắm, chưa tới mùa hoa nên không có vẻ rực rỡ. Không khí đầu tháng giêng cũng không có vẻ lạnh. Hai bên đường nhà cửa san sát. Xe lăn bánh trên một con đường êm ái, phẳng phiu và sạch sẽ như đang đi đến một thành phố du lịch xa lạ nào đó, trong khi tôi đang hồi hộp trở về một thành phố dịu dàng và quen thuộc, trở về thăm mảnh đất yêu dấu của tuổi thơ. 

Hai người khách kia là một cặp vợ chồng trẻ cũng đến từ Úc. Tôi nghe người vợ khẽ nói với chồng ..."em thất vọng quá, thành phố có vẻ phát triển quá nhiều, quá nhiều kiến trúc mới, không có cái vẻ đẹp đơn sơ của cao nguyên như mình coi trong sách".

Khi biết tôi ở thành phố này từ nhỏ, họ hỏi ý tôi nên đi thăm nơi nào của Đà lạt. Tôi ngẩn người không biết trả lời thế nào. Chỉ biết khe khẽ nói "Cảnh vật Đà lạt giờ thay đổi rất nhiều, nhiều công trình xây dựng mới, nên tôi không rành lắm. Chắc các anh chị nên đến các nơi mà các công ty du lịch đã hướng dẫn. Họ có những thông tin cập nhật và biết nhiều hơn tôi. Với tôi, Đà lạt luôn đẹp vì nó là nơi tôi sinh ra, lớn lên. Tôi hay về đây vì ở đây, tôi có thể thăm mộ của ba mẹ tôi, có thể gặp lại bạn bè và những người thân quen, không vì mục đích du lịch. Đà lạt với tôi là khu rừng của kỷ niệm, là một thế giới ngọc ngà của tuổi nhỏ, là nơi của những giấc mơ và những nỗi nhớ”.

Tôi chỉ biết nói như thế vì thiệt tình, Đà lạt giờ còn đẹp không, làm sao tôi có thể nói khi đi trên những con phố thơ mộng của ngày xưa giờ chỉ nhấp nhô nhà cửa. Làm sao tôi có thể giới thiệu những kiến trúc vội vàng, thiếu cân xứng. Đi vào Thung lũng Tình Yêu, các đồi thông đã bị cắt xén và thấy lố nhố những quán xá xây dựng vội vàng, thô sơ. Các ngọn đồi thơ mộng giờ đầy nhà cửa, đủ kiểu, cao thấp nhập nhằng. Thành phố đã có rất nhiều những con đường mới, những phố xá mới, nhiều chung cư đang xây dựng ở khắp nơi. Hình ảnh những cây thông trở nên hiếm hoi lạ kỳ. Vậy đó, vậy mà khi nhắc tới, nghĩ tới Đà lạt, tôi vẫn luôn nghĩ đến cái tên luôn đi kèm với nó, thành phố ngàn thông!

Con đường về thành phố chỉ còn một khúc đèo ngắn ngủi thiếu vắng nhà cửa và còn chút bóng thông. Con đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trường Tộ hoàn toàn khác những gì trong trí nhớ. Đường sá đã mở rộng, các cây mai, cây đào đã thay thế bằng một loại cây lạ.

Về đến khách sạn, những cái gật đầu chào lịch sự và những nụ cười của các tiếp viên lại càng làm tôi thêm tủi thân. Biết làm sao khi tôi chỉ là một người khách, đúng nghĩa một người khách, sao có thể tìm thấy sự ấm áp thân quen qua những nụ cười tiếp đón khách sáo đó. Vào phòng, việc đầu tiên là mở cánh cửa sổ, căn phòng rộng nằm trên cao, xeo xéo là những cành thông la đà, vẫn con dốc thoai thoải với những bực thang dẫn xuống con đường phía dưới. Con đường đó, đã có những cây lớn thay thế những cây đào, cây mai nhỏ nhắn ngày xưa. Một thành phố ngập ngừng đang chờ tôi đi tìm kiếm lại những hình ảnh xa xưa ngày cũ. 

Tôi xuống lễ tân đề nghị đổi lại gian phòng nhìn ra hồ, vì ... đi bao nhiêu cây số tôi chỉ cốt khi mở cửa phòng ngủ nhìn ra lại thấy hồ Xuân hương, lại thấy nhà Thủy tạ, hai hình ảnh luôn nằm trong trí nhớ. 

Sau khi đổi phòng, mở cửa sổ nhìn ra, chiếc hồ dễ thương còn đó với căn nhà Thủy tạ xinh xinh. Nhìn bên tay phải thấy thiêu thiếu cái gì, ngôi nhà Cercle màu đỏ đã bị bứng từ lúc nào, để lại một khoảng trống buồn bơ vơ. Xa xa, những mảnh vàng loang lổ của những khoảng đất đang chuẩn bị xây cất lộ ra nham nhở trên những ngọn đồi xanh mướt. Ngọn tháp chuông của trường Lycée Yersin vẫn còn đó, lặng lẽ nhìn xuống những thay đổi của thành phố. Bên kia hồ, nhà hàng Thanh Thủy đã mở lớn với những dãy đèn và những chiếc xe đạp nước hình thiên nga. Và … trời ơi, ngôi nhà nhỏ của Hướng Đạo ngày xưa đã mất đi, thay vào đó là 2 con rồng bằng cây xanh nằm dài kỳ lạ.

Khu vườn rộng của khách sạn còn gom lại được phần nào những hình ảnh của ngày xưa cũ, một chút khí lạnh, một chút hương phấn thông ngây ngây nỗi nhớ. 

Buổi chiều bước xuống những bậc thang cao dẫn ra khỏi khách sạn, trời bắt đầu đổ mưa, bắt đầu lành lạnh, cái lạnh ẩm ướt của cao nguyên. Tôi bước lang thang dưới mưa, trên những con đường, những con dốc chẳng còn gì nét đẹp ngày xưa. Con dốc lên nhà thờ cũng khác hẳn, chỉ toàn nhà và hàng quán. Cầu Ông Đạo cũng khác đi, ấp Ánh sáng cũng đã thu dọn, những vườn rau đã mất đi. Đường lên đốc chợ lạ hoắc lạ hươ. Hai bên dốc chợ cũng toàn hàng quán. Những tiệm kem xinh xẻo ngày xưa đã lớn hẳn ra, nhô hẳn ra ngoài lề đường. Khu Hòa bình nhỏ lại, cũ kỹ. Cầu thang chợ, khu chợ trên, tất cả đều thay đổi. Khu đất trước mặt hông Khu Hoà Bình, trải ra rất nhiều những gian hàng bán quần áo cũ, gọi là gian hàng chứ thật ra chỉ là những đống quần áo đổ đầy trên những tấm bạt, phủ đầy trên đất. Những hàng bắp nướng, khoai luộc, bánh tráng, đậu phụng, những đứa bé bán rong vẫn tẩn mẩn công việc mưu sinh. Lại có cả những đám đông xúm quanh những chiếu cờ bạc. Cảnh tượng tấp nập và ồn ào thay cho cái gọn ghẽ, xinh xắn, nhẹ nhàng của ngày thơ bé. Biết làm sao khi dân số đã tăng trưởng, từ hơn 50 ngàn người lúc tôi ở đó nay lên đến hơn 200 ngàn[1]. Việc mở rộng thành phố cũng không theo một qui hoạch rõ ràng và hệ thống. Hễ có đất là phải có nhà, cây cối chặt ráo trọi để phục vụ cho nhu cầu nhà ở. Các rặng cây trên đường đã lui bước nhường cho những gian hàng quán xá. Nhu cầu kiếm sống đã bỏ qua hết các cảm quan về nghệ thuật. 

Bởi vậy, những con đường, những con dốc thơ mộng ngày xưa giờ chỉ còn là tác phẩm của sự xây dựng đô thị cẩu thả và nham nhở.

Vườn Bích Câu không còn nữa, bên cạnh đó là Vườn Hoa Thành phố Đà lạt. Lớn đấy, nhiều hoa cỏ đấy, nhưng mất đi cái duyên dáng đặc trưng của Đà lạt. 

Tôi đã ngồi sau lưng chiếc xe của cậu cháu, đi lại những nẻo đường hay đi thưở nhỏ. Dốc Cam Ly, cầu Bá Hộ Chúc, dốc Hải thượng, Duy Tân, dốc lên nhà thờ Con Gà, dốc Địa đư, khu Mả Thánh, trường Trần Hưng Đạo, khu Đại học, v.v... Đâu đâu cũng chỉ thấy nhà với cửa, con đuờng nhỏ phía sau trường sư phạm Hùng Vương băng qua khu Cô giang giờ là một chung cư lớn đang xây đựng. Những khu chợ nhỏ đã thay thế bằng những khu dân cư. Thật rất khó tìm lại được những hình ảnh, những cảnh trí của ngày xưa. Những bụi dã quỳ, dâm bụt giờ đã thay thế bởi những dãy hàng quán, nhà nghỉ, nhà ở với đủ loại cấu trúc khác nhau. Đà lạt đã thay đổi, thật sự thay đổi. 

Cái thay đổi không làm phiền những người dân thành phố khác đến đây du lịch nhưng làm những người trở về từ nước ngoài như tôi hụt hẫng. Biết nói làm sao khi rời bỏ cuộc sống bận bịu nơi xứ người, muốn trở về một chốn cũ dịu dàng và bình yên, tìm lại những hình ảnh dấu yêu ngày xưa để chỉ còn gặp lại một thành phố tạp lục và xô bồ. Chỉ khi đêm xuống, khi thành phố chìm hẳn vào sương, những con dốc mờ ảo che đi phần nào những kiến trúc mới, Đà lạt mới trở lại phần nào dáng vẻ xa xưa. Nhưng mùi phấn thông, mùi hoa cỏ cũng đã hoàn toàn bay mất, chỉ còn chút sương lạnh buốt rơi trên vai và chút nước mắt khô dần theo hơi ấm của những giờ phút gặp lại những bạn bè thời trung học.

Ngày xưa bốn lớp 12 gần hai trăm học sinh, giờ gặp lại chỉ vỏn vẹn dưới hai mươi đứa. Chúng tôi ngồi lại với nhau, nhìn nhau, kể lại những kỷ niệm học trò, gợi nhớ những khuôn mặt đã ở xa, đã khuất bóng. Bạn bè cũ gặp nhau, cùng nhau cười dỡn, cùng nhau thủ thỉ, cùng nhau nhau hát, và cũng có những lúc cùng nhau nước mắt rưng rưng… Thật may mắn là cái tình của người Đà lạt vẫn còn nồng đượm.

Tôi cũng lên khu Du sinh thăm mộ ba má tôi. Những ngọn thông trên đồi đã vắng bóng. Ngay cả cây cỏ cũng phải nhường chỗ cho con người. Các ngôi mộ đã mọc kín ở những khu gần đường, các mảnh đất nhỏ xíu cũng phủ kín bởi những tấm bia... Đất đai được tận dụng một cách tối đa, cho cả người sống lẫn người chết. Đường đi đến khu Du sinh cũng đầy quán xá. Trong thành phố, khó thể tìm ra được một con đường chỉ có những bụi cây, thấp thoáng vài căn nhà nhỏ ẩn hiện sau những dàn hoa điểm thoang thoảng chút đốm hồng hay tím.

Và như thế, nếu có ai hỏi tôi như hai người ngoại quốc đồng hành trong chuyến xe rời phi trường lần ấy, về những nơi nên đến thăm của Đà lạt, tôi cũng sẽ lại ngập ngừng như vậy. Với tôi, tôi trở về Đà lạt vì những kỷ niệm, vì bạn bè và để tìm lại hương vị ngọt ngào ngày xưa... Ừ, ngày xưa... Từ một lúc nào, ngày xưa ấy chỉ còn trong nỗi nhớ, thăm thẳm như màu tím của hoa đồng thảo[2], nhưng lúc nào nghĩ đến, trong tâm cũng óng ánh nụ vàng như đám dã qùy rực rỡ mùa đông... Còn vẻ đẹp của Đà lạt, thì hình như bây giờ trong tôi, Đà lạt chỉ còn đẹp trong nỗi nhớ, một nỗi nhớ rất mênh mông ...


Thiên Hương

Tháng 10 - 2012




[1] Click vào đây xem dân số Đà lạt

[2] Hoa violettes

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn