THÔNG ĐIỆP THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (DEUS CARITAS EST) CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI

23 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 32457)

THÔNG ĐIỆP THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (DEUS CARITAS EST)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI

GỞI CÁC ĐỨC GIÁM MỤC 

CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

CÁC TU SĨ NAM NỮ

VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU VỀ ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO

DẪN NHẬP

1. “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”(1 Ga 4:16). Những lời này trích từ thư Thứ Nhất của Thánh Gioan diễn tả rất rõ ràng trọng tâm của đức tin Kitô: hình ảnh Thiên Chúa theo Kitô Giáo, hình ảnh con người và con đường của họ rút ra từ đó. Cũng trong thư này, Thánh Gioan cũng đưa ra một dạng tổng kết về đời sống Kitô Giáo: “Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.

Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa: người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Là Kitô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định. Phúc Âm Thánh Gioan mô tả biến cố này trong những từ sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì… được sống muôn đời.”(Ga 3:16). Khi nhìn nhận vị thế trung tâm của tình yêu, đức tin Kitô giữ lại phần nòng cốt của niềm tin Do Thái, đồng thời cho đức tin này một chiều sâu và một chiều rộng mới. Những tín hữu Do Thái Giáo nhiệt thành thường cầu nguyện hàng ngày với những lời trong sách Đệ Nhị Luật diễn tả trọng tâm cuộc sống của họ: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Chúa Giêsu đã kết hiệp vào một giáo huấn duy nhất lề luật mến Chúa và yêu người được tìm thấy trong sách Lê Vi “Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình”(Lv 19:18; x Mc 12:29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x Ga 4:10), tình yêu giờ đây không chỉ là một “giới răn”; nhưng là lời đáp trả cho hồng ân tình yêu qua đó Thiên Chúa gần gũi với chúng ta.

Trong một thế giới nơi danh thánh Thiên Chúa đôi khi lại được gán ghép với sự báo thù hay ngay cả nghĩa vụ phải căm ghét và bạo lực, điều nói trên vừa hợp thời vừa cụ thể. Vì thế, trong thông điệp đầu tiên của mình, tôi muốn đề cập đến tình yêu Thiên Chúa trao ban hào phóng trên chúng ta và đến lượt chúng ta phải thông truyền cho người khác. Về cơ bản, đó là điều mà hai phần chính của Thông Điệp này đề cập đến, và chúng liên hệ hỗ tương với nhau cách sâu xa. Phần đầu tiên có tính chất lý thuyết nhiều hơn vì tôi muốn lúc này đây – buổi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình – xác định rõ một số dữ kiện thiết yếu liên quan đến tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại cách huyền nhiệm và nhưng không, cùng với mối liên hệ nội tại giữa Tình Yêu đó và thực tại của tình yêu nhân loại. Phần thứ hai có tính chất cụ thể hơn vì nó bàn đến đến việc thực hành giới răn yêu thương tha nhân của Giáo Hội. Lý lẽ dẫn đến những hệ quả rộng lớn, nhưng một sự bàn cãi dài dòng sẽ đi quá phạm vi của Thông Điệp này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một số yếu tố căn bản để khơi dậy trong thế giới một năng động mới mẻ cho sự dấn thân của con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa.

PHẦN I

TÍNH ĐƠN NHẤT CỦA TÌNH YÊU TRONG TẠO VẬT VÀ TRONG LỊCH SỬ CỨU CHUỘC

Một vấn nạn ngôn ngữ

2. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là một vấn đề căn bản đối với cuộc sống và đặt ra những câu hỏi quan trọng: Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai. Khi suy tư về điều này, chúng ta lập tức thấy mình bị ngăn trở bởi một vấn nạn ngôn ngữ. Ngày nay, thuật ngữ “tình yêu” đã trở thành một trong những từ được dùng cũng như bị lạm dụng thường xuyên nhất, một từ chúng ta gán cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Dù Thông Điệp này sẽ bàn chủ yếu về nhận thức và thực hành của tình yêu trong Thánh Kinh và trong Truyền Thống của Giáo Hội, chúng ta không thể đơn giản bỏ qua không nói đến ý nghĩa của từ này trong các nền văn hóa khác nhau và trong ngôn ngữ thường dùng hiện nay.

Trước hết, chúng ta hãy bàn về phạm vi ngữ học rộng lớn của từ “tình yêu”: chúng ta nói về lòng yêu nước, yêu nghề, tình yêu bè bạn, sự yêu thích công việc, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu người và lòng mến Chúa. Tuy nhiên, giữa cơ man những ngữ nghĩa này, có một điều nổi bật lên: đó là tình yêu giữa một người nam và một người nữ, trong đó xác hồn được kết hiệp bất phân ly và mở ra cho nhân loại thấy thấp thoáng lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được. Tình yêu này có lẽ là kiểu mẫu của tình yêu; tất cả các dạng thức yêu thương khác tức khắc tỏ ra mờ nhạt khi so sánh với thứ tình yêu này. Vì thế, một vấn đề được nêu lên: có phải tất cả những dạng thức của tình yêu về cơ bản chỉ là một, cho nên tình yêu, trong những biểu thị đa dạng của nó, tối hậu chỉ là một thực tại duy nhất; hay đơn giản là chúng ta dùng một từ để chỉ định nhiều thực tại hoàn toàn khác biệt?

Eros” (“Tình ái”) và “Agape” (“tình bác ái”) – sự khác biệt và đồng nhất

3. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ, thứ tình không bị an bài trước và cũng chẳng bị bắt buộc, nhưng cách nào đó tự xảy đến trên con người, được gọi là eros (tình ái) trong tiếng Hy Lạp cổ. Chúng ta ghi nhận tức khắc nơi đây rằng Bản Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp nhắc đến từ eros chỉ hai lần, trong khi bản Tân Ước không hề dùng đến từ này: trong ba từ Hy Lạp nói về tình yêu là eros, philia (tình bằng hữu) và agape (tình bác ái), các tác giả Tân Ước thích dùng từ sau cùng hơn, là từ ít được dùng trong tiếng Hy Lạp. Từ philia, tình bằng hữu, được dùng với ý nghĩa sâu xa hơn trong Tin Mừng của Thánh Gioan để diễn tả quan hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Khuynh hướng tránh dùng từ eros, cùng với viễn ảnh của tình yêu được diễn tả qua từ agape, chắc chắn nói lên ra một điều gì đó mới mẻ và phân biệt trong nhận thức Kitô Giáo về tình yêu. Trong trào lưu chỉ trích Kitô Giáo, bắt đầu từ thời Triết Học Ánh Sáng và càng ngày càng quá khích, quan niệm của Kitô Giáo về tình yêu thường được xem là điều gì đó rất tiêu cực. Theo Friedrich Nietzsche, Kitô Giáo đã đầu độc từ eros, và về phần mình, trong khi không hoàn toàn từ bỏ từ này đã dần dà đưa nó xuống hàng thứ yếu. [1] Ở đây, triết gia Đức mô tả một quan niệm rất phổ biến: chẳng phải là Giáo Hội, với tất cả những lề luật và cấm đoán của mình, đang biến thứ quý nhất trong cuộc đời thành ra một điều cay đắng đó sao? Chẳng phải Giáo Hội đang thổi còi chặn lại khi niềm hoan lạc, một hồng ân do Tạo Hóa trù định, đang mang đến cho chúng ta một niềm hạnh phúc như một nếm thử nhất định về Thiên Chúa đó sao?

4. Nhưng có đúng thế không? Có thực Kitô Giáo đã hủy diệt từ eros? Chúng ta hãy hướng một cái nhìn về thế giới thời tiền Kitô Giáo. Văn hóa Hy Lạp – không khác gì những nền văn hóa khác – xem eros chủ yếu như một trạng thái say đắm, một tình trạng lý trí bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí” lôi kéo con người khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân của mình và cho phép con người, trong chính tiến trình bị say đắm bởi lực thần bí ấy, hưởng được một niềm hạnh phúc cao độ. Tất cả những quyền lực khác trên trời dưới đất đều tỏ ra là thứ yếu “Omnia vincit amor” (Tình yêu chinh phục mọi thứ) Người Trinh Nữ đã nói thế trong vở Bucolics – và chàng đáp lại “et nos cedamus amori ” – (cả chúng ta cũng hãy chịu khuất phục tình yêu). [2] Trong các tôn giáo, thái độ này tìm được thấy trong các giáo phái tôn thờ khả năng sinh sản, chẳng hạn như tục mại dâm “linh thiêng” nở rộ trong nhiều đền thờ. Eros, vì thế, được thờ như một thứ quyền năng thiêng liêng, đồng hàng với Thiên Chúa.

Cựu Ước mạnh mẽ chống lại thứ hình thái tôn giáo này, coi đó là tiêu biểu cho một cám dỗ mạnh mẽ chống lại đức tin độc thần, và chiến đấu chống lại nó như một hình thái sa đọa của tôn giáo. Tuy nhiên, Cựu Ước đã không hề loại bỏ eros đúng nghĩa; nhưng chỉ tuyên chiến đối với hình thái băng hoại của nó vì sự thần thánh hóa giả tạo eros thực ra tước đi mất thế giá của nó và khiến con người bị hạ giá. Thực vậy, những gái điếm trong các đền thờ, những người phải cúi đầu trước trạng thái say sưa thần bí này đã không được đối xử như con người và như những cá nhân, nhưng đơn giản được dùng như một phương tiện khơi dậy “cơn điên thần bí”: chẳng những không hề được coi là những nữ thần, họ là những con người trần tục bị lợi dụng. Thứ tình ái mất lý trí và bừa bãi không là một sự thăng hoa “xuất thần” hướng về Thiên Chúa, nhưng là một sự sa ngã, một bước thụt lùi của con người. Hiển nhiên. eros cần được uốn nắn và thanh luyện nếu nó muốn đem đến không chỉ niềm hoan lạc chóng qua, mà cả một nếm thử trước cho tột đỉnh cuộc sống chúng ta, của phúc thật mà toàn thể loài người trông đợi.

5. Có hai khía cạnh xuất hiện thật rõ rệt từ tổng kết chớp nhoáng về khái niệm eros xưa và nay này. Trước hết, có liên hệ nhất định giữa tình yêu và Thiên Chúa: tình yêu hứa hẹn sự vô biên, vĩnh hằng – một thực tại xa hơn và khác biệt hoàn toàn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng con đường đạt đến mục tiêu này không phải chỉ đơn thuần là tùng phục theo bản năng. Sự thanh luyện và thăng tiến trong sự trưởng thành là cần thiết; và những điều này cũng phải trải qua con đường từ bỏ mình. Không những không từ khước hay “đầu độc” eros, những điều này chữa lành nó và khôi phục lại sự cao cả đích thực của nó.

Điều này trước hết và trên hết là do bởi sự kiện con người được tạo dựng cả xác lẫn hồn. Con người thật sự là chính mình khi xác hồn được kết hiệp mật thiết; thách đố của eros có thể nói là thực sự được vượt qua khi sự kết hiệp này được đạt đến. Nếu một người chỉ mong được thanh thoát tinh thần và khước từ thể xác coi thân xác mình như gia sản của một động vật mà thôi, thì khi đó cả hồn lẫn xác đều đánh mất đi vị thế của chúng. Ngược lại, nếu người ấy từ khước phần hồn và coi trọng phần xác như thực tại duy nhất, người ấy cũng đánh mất đi sự cao trọng của mình. Triết gia theo chủ nghĩa hưởng lạc Gassendi thường chào Descartes với lời chào hóm hỉnh: “Hồn Ơi!” và Descartes thường đáp lại “Xác Ơi!”. [3] Khi yêu không chỉ có hồn yêu hay xác yêu mà thôi, song chính là con người, một nhân vị, một tạo vật hiệp nhất gồm cả thể xác và linh hồn. Chỉ khi nào cả hai chiều kích thật sự được kết hiệp, lúc đó con người mới đạt đến tầm vóc đúng mức của mình. Chỉ khi đó tình yêu – eros – mới có thể trưởng thành và đạt đến sự cao cả đích thật của nó.

Ngày nay, Kitô Giáo trong quá khứ thường bị chỉ trích là đối nghịch với thân xác; và cũng đúng là những khuynh hướng như thế đã từng xảy ra. Tuy nhiên, cái lối tôn sùng thân xác thời nay là lầm lạc. Eros, bị giản lược thành “tính dục” thuần tuý, đã trở nên một thứ hàng hóa, đơn giản là “đồ vật” mua bán, hay hơn thế nữa chính con người trở thành một thứ hàng hóa. Điều này khó mà là một sự đề cao của con người đối với thân xác. Trái lại, từ nay con người xem thân xác mình và tính dục của mình thuần tuý là phần chất thể của chính mình, được dùng và bị lợi dụng tùy ý. Con người cũng không coi thân xác là một nơi để thực thi quyền tự do của mình, nhưng chỉ như một thứ để cố làm cho thoải mái và vô hại. Ở đây, chúng ta thực sự phải đương đầu với sự hạ giá thân xác con người: thân xác không còn được hội nhập vào sự tự do hiện sinh tổng thể của chúng ta; cũng không còn là biểu hiệu sinh động của toàn thể con người chúng ta nữa, nhưng hầu như bị đóng khung hoàn toàn trong lãnh vực thuần tuý sinh lý. Thái độ có vẻ suy tôn thân xác như thế có thể nhanh chóng biến thành sự thù nghịch đối với thể xác. Niềm tin Kitô, ngược lại, luôn xem con người là một thể thống nhất gồm hai phần, một thực tại trong đó tinh thần và thể chất kết hiệp lại, và trong đó cả hồn lẫn xác được nâng lên một thế giá mới. Eros chân chính có khuynh hướng đưa con người hướng đến Thiên Chúa “trong sự ngất trí”, dẫn đưa chúng ta vượt qua chính mình; tuy nhiên chính vì lý do này, nó đòi hỏi con đường hướng thượng, từ bỏ, thanh luyện và chữa lành.

6. Một cách cụ thể, con đường hướng thượng và thanh luyện này đưa ta đến đâu? Tình yêu phải được cảm nhận thế nào để có thể hoàn toàn nhận ra hứa hẹn trần tục và thiêng liêng của nó? Ở đây, chúng ta có thể tìm ra một chỉ dẫn đầu tiên và quan trọng trong Sách Diễm Ca, một sách trong Cựu Ước rất quen thuộc với những nhà thần bí. Theo cách hiểu của nhiều người, những bài thơ trong sách này thoạt đầu là những bài tình ca, có lẽ dành cho một lễ cưới Do Thái và có dụng ý ca ngợi tình yêu hôn nhân. Trong bối cảnh này, điều đáng ghi nhận là trong suốt cuốn sách, có hai từ Hêbrơ đã được dùng để nói về “tình yêu”. Trước tiên là từ dodim, một dạng số nhiều nói lên một tình yêu không chắc chắn, chưa quyết định dứt khoát và còn đang kiếm tìm. Từ này rồi ra được thay bằng từ ahab, mà bản dịch Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp chuyển sang thành một từ đồng âm agape, mà như chúng ta thấy, trở nên thành ngữ tiêu biểu cho ý niệm tình yêu trong Thánh Kinh. Tương phản với một tình yêu chưa quyết, “đang tìm kiếm”, từ này diễn tả cảm nhận của một tình yêu trong đó có sự khám phá đích thực lẫn nhau, vượt qua tính chất ích kỷ bao trùm trước đó. Tình yêu giờ đây trở thành mối quan tâm và lo lắng cho người khác. Nó không còn là tìm kiếm chính mình, hay một mê say hạnh phúc; thay vào đó nó tìm kiếm điều thiện cho người mình yêu: nó trở thành sự từ bỏ chính mình và sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh nếu cần.

Đó là một phần trong sự vươn lên đến những cấp độ cao hơn của tình yêu, và trong sự thanh luyện bên trong mà tình yêu giờ đây đang tìm kiếm hầu trở nên một chọn lựa dứt khoát, trong một ý thức gồm hai mặt: cả tính độc quyền (chỉ một người cụ thể mà thôi) lẫn sự “vĩnh viễn”. Tình yêu bao gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn. Tình yêu thật sự là “một trạng thái ngây ngất”, không phải trong ý nghĩa của một thoáng mê say, nhưng hơn thế nó như là một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình, và như thế hướng đến sự khám phá đích thật chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”(Lc 17:33), như Chúa Giêsu đã nói trong suốt các sách Tin Mừng (x. Mt 10:39; 16:25; Mc 8:35; Lc 9:24; Ga 12:25). Trong những lời này, Chúa Giêsu vẽ ra con đường của chính Ngài, qua Thập Giá dẫn đến Phục Sinh: con đường của hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, để sinh nhiều hoa trái. Bắt đầu từ những chiều kích thâm sâu trong lễ hy sinh của Ngài và trong tình yêu đạt đến mức viên mãn sau đó, Ngài vẽ ra cho chúng ta thấy qua những lời này đâu là yếu tính của tình yêu và thực sự đâu là yếu tính của chính cuộc sống.

7. Luận lý nội tại của những suy tư sơ khởi có chút triết lý về yếu tính của tình yêu này dẫn đưa chúng ta đến trước thềm của niềm tin trong Thánh Kinh. Chúng ta bắt đầu đưa ra câu hỏi liệu rằng những ý nghĩa khác biệt, đôi khi ngay cả trái ngược với nhau, của từ “tình yêu” có nói lên điều gì đồng nhất sâu xa bên dưới, hay trái lại chúng mãi mãi không liên quan với nhau, và tồn tại song song với nhau. Đáng kể hơn, chúng ta đặt vấn đề không biết sứ điệp tình yêu mà Thánh Kinh và Truyền Thống Giáo Hội công bố cho chúng ta có những điểm nào chung với cảm nhận tình yêu thông thường của nhân loại, hay nó đối nghịch với cảm nhận này. Điều này lại đưa chúng ta đến sự xem xét hai từ nền tảng: eros, như là thuật ngữ để chỉ tình yêu “trần thế” và agape, chỉ tình yêu được đặt cơ sở và hình thành bởi đức tin. Hai ý niệm này thường được tương phản như tình yêu “nhận về” và tình yêu “cho đi”. Có những cách phân loại khác tương tự như vậy, chẳng hạn như sự phân biệt giữa tình yêu chiếm hữu và tình yêu vị tha (amor concupiscentiae – amor benevolentiae), đôi khi người ta cũng thêm vào trong cách phân loại này thứ tình yêu lợi dụng.

Trong bàn thảo triết học và thần học, những phân biệt này thường được đẩy xa đến độ hình thành nên một số đối nghịch rõ rệt giữa chúng: tình yêu cho đi hay vị tha – agape là kiểu tình yêu Kitô Giáo, trong khi tình yêu nhận về, chiếm hữu hay ham muốn là thứ tình không Kitô Giáo, và đặc biệt là tình yêu trong văn hóa Hy Lạp. Nếu đối nghịch này đi đến mức cực đoan, tinh thần Kitô Giáo sẽ bị bứng khỏi những liên hệ thiết yếu với hiện thực căn bản của loài người, và sẽ trở nên xa lìa với thế giới, có thể là đáng ngưỡng mộ đấy, nhưng dứt khoát tách ly khỏi cấu trúc phức hợp của cuộc sống con người. Tuy nhiên, erosagape – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời. Hai thứ tình này, trong những khía cạnh khác nhau của chúng, càng tìm được sự tương đồng thích đáng trong cùng một thực tại tình yêu thì bản chất thực sự của tình yêu càng thường được nhận ra rõ ràng. Dù cho eros lúc đầu chủ yếu là ham muốn và đòi hỏi, trước quyến rũ của hứa hẹn hạnh phúc được cận kề bên nhau, người ta càng ngày càng bớt chú ý đến chính mình, gia tăng tìm kiếm hạnh phúc cho người kia, lo lắng cho người yêu, cho đi chính mình và muốn “hiện diện” cho người kia. Yếu tố agape vì thế bước vào tình yêu, nếu không eros nghèo nàn và ngay cả đánh mất đi bản chất của chính nó. Mặt khác, người ta không thể chỉ sống bằng tình yêu vị tha, và cho đi. Ai muốn trao ra tình yêu thì cũng muốn được nhận lại tình yêu như một quà tặng. Chắc chắn, như Thiên Chúa nói với chúng ta, ta có thể trở thành nguồn mạch tuôn chảy những dòng nước hằng sống (x Ga 7:37-38). Nhưng để trở nên một nguồn mạch như thế, ta phải thường xuyên uống mãi từ nguồn nguyên thủy là Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ trái tim bị lưỡi đòng đâm thấu của Ngài tuôn đổ tình yêu của Thiên Chúa (x Ga 19:34).

Trong trình thuật cây thang của Tổ Phụ Giacóp, các Nghị Phụ của Giáo Hội thấy mối liên hệ không thể tách rời giữa tình yêu nhận về và tình yêu cho đi, giữa eros tìm kiếm Thiên Chúa và agape trao đi hồng ân nhận được, biểu trưng bằng nhiều cách khác nhau. Trong đoạn Thánh Kinh này, chúng ta đọc được Tổ Phụ Giacóp thấy như thế nào trong một giấc mơ: trên tảng đá dùng làm chỗ gối đầu của ngài, có một cái thang bắc lên trời, trên đó các thiên thần đang lên xuống (x. St 28:12; Ga 1:51). Một lối diễn dịch đánh động đặc biệt về thị kiến này được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đưa ra trong thông điệp Pastoral Rule (Quy tắc Mục Vụ). Ngài nói với chúng ta rằng người mục tử tốt lành phải đâm rễ trong chiêm niệm. Chỉ bằng cách đó, người mục tử mới có thể đặt lên vai mình những nhu cầu của tha nhân và coi đó là nhu cầu của mình: “per pietatis viscera in se infirmitatem caeterorum transferat ” .[ 4 ] Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô nói trong bối cảnh của Thánh Phaolô, người đã được nhấc lên cao với những mầu nhiệm cao cả nhất của Thiên Chúa, và từ đó, khi hạ xuống, ngài đã có thể trở nên tất cả cho mọi người (x. 2 Cor 12:2-4; 1 Cor 9:22). Ngài cũng chỉ ra gương của ông Môisê, người đã vào lều Tạm và cũng ở lại trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa để khi ra khỏi lều Tạm ông đã có thể phục phụ dân mình. “Trong [lều Tạm] ông đã được nhấc lên cao nhờ chiêm niệm, để khi ra ngoài ông hoàn toàn dâng mình cho việc trợ giúp những ai đau khổ: intus in contemplationem rapitur, foris infirmantium negotiis urgetur. ”[ 5 ]

8. Như thế chúng ta đã đi đến một đáp giải sơ khởi, dù còn đại cương, cho hai câu hỏi nêu ra ở trên. Về căn bản, “tình yêu” là một thực tại duy nhất nhưng với nhiều chiều kích khác nhau; ở những thời điểm khác nhau, chiều kích này có thể xuất hiện rõ hơn chiều kích khác. Tuy nhiên khi hai chiều kích hoàn toàn tách biệt khỏi nhau, hệ quả là một bức hí họa của tình yêu hay ít nhất cũng là một dạng thức nghèo nàn của tình yêu. Và chúng ta cũng đã thấy một cách tổng hợp, đức tin Thánh Kinh không hề dựng nên một vũ trụ song song, hay chống lại một hiện tượng thiết yếu của con người gọi là tình yêu, nhưng trái lại đức tin chấp nhận toàn thể con người; can thiệp vào cuộc tìm kiếm tình yêu của con người hầu thanh luyện tình yêu và mở ra những chiều kích mới cho tình yêu. Tính mới mẻ của đức tin Thánh Kinh biểu lộ chủ yếu ở hai yếu tố đáng được nêu bật: hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh của con người.

Nguồn: Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế

Posted on 6/7/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn