Đà Lạt – Trường Xưa

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 148729)
ĐÀ LẠT - TRƯỜNG XƯA

THỤY MIÊN

 Cầm chiếc huy hiệu Bùi Thị Xuân trên tay, tôi bần thần nhìn ra ngoài trời ... Qua biết bao nhiêu là đổi đời ... biết bao mất mát ... không hiểu tại sao tôi có thể giữ được cái huy hiệu và tấm bảng tên cho đến bây giờ ... Mùa Thu lại trở về, lần thứ mười trên xứ người. Mười lần lá vàng lá đỏ rơi ngập đường cũng là mùa hoa Mimosa lại xuất hiện trong các hàng hoa, vàng rực rỡ trong chợ, cũng rực rỡ trong lòng tôi một màu hoa khó quên của xứ sương mù Đà Lạt. Lần thứ mười lại nhớ thiết tha những mùa tựu trường năm xưa ... Nhớ ngôi trường nằm trên đồi lộng gió mà mỗi mùa mưa gió rít gào ngoài khung cửa lớp, những hàng cây khuynh diệp ngả nghiêng xào xạc đập vào cửa kính ... cùng với tiếng giảng bài của Thầy Cô đều đều, tạo nên một điệu nhạc, đưa tâm hồn bọn học trò con gái chúng tôi bâng khuâng rồi lang thang bay bổng ra ngoài khung cửa lớp. Nhớ đến Thầy Cô, bạn bè, nhớ thuở còn là học trò, môn học tôi ghét nhất và vì vậy dốt nhất – đó là môn Toán! Khó khăn e ghét! Mà Ông Trời chơi khăm! Cô giáo dạy Toán của chúng tôi là cả một trời tương phản! Cô Bạch Yến, mỗi lần Cô uyển chuyển bước vào là cả một trời thơ theo Cô vào lớp học, với nụ cười tươi duyên dáng, mái tóc bồng bềnh ngang vai, với tà áo tím cùng với giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của Cô gái Huế đã đưa Cô lên làm thần tượng của bọn con gái Đệ Tam, để chúng tôi mơ ... sẽ trở thành Cô Giáo ! Riêng tôi thì nụ cười của Cô đã theo tôi biết bao nhiêu năm sau này, để tôi mơ thành Cô giáo dạy Toán! Tới giờ học của Cô chúng tôi lúc nào cũng sửa soạn áo quần từ hôm trước, dù làm biếng cách mấy cũng phải ráng ủi chiếc áo dài cẩn thận, từ cổ áo cho đến mấy nếp tà áo, kiểm sóat lại hàng nút có thiếu không ... Nghe Cô dọa sẽ bắt cởi áo len ra để khám áo dài, đứa nào cũng hoảng hồn! Bởi Cô biết thừa học trò xứ lạnh quanh năm trùm cái áo len bên ngoài áo dài nên lười lĩnh, chỉ ủi hai cái vạt áo cho thẳng cho đẹp và o bế kỹ càng cái quần dài (dĩ nhiên rồi ! Chứ lỡ có mấy cái đuôi xuất hiện đằng sau thì sao !), còn ở phần trên thì để nhăn nhúm, thậm chí mấy cái nút đứt cũng lười khâu lại, chỉ lấy kim băng gài tạm! Mà đâu phải tạm một ngày! Tạm dài dài ấy chứ! Vì lời dọa của Cô Bạch Yến mà chúng tôi cẩn thận hơn được một chút! (Mà chỉ đàng hoàng giờ Cô Bạch Yến thôi nhé, chứ các gìờ khác mà bất thần có ai cắc cớ vạch áo len của chúng tôi lên, thì chắc sẽ chói mắt vì kim băng!). Cô Bạch Yến thì không dọa suông đâu! Cô dịu dàng vậy đó, nhưng nghiêm lắm; lười làm bài, học bài là Cô cho lãnh “trứng” mang về nhà mệt nghỉ! Khi nụ cười không có trên môi Cô nữa thì“hãy coi chừng!”
(Các bạn tôi ơi! Đọc đến đây, xin đừng giận tôi đã đem cái “Bí mật đời con gái” ra mà phơi trải như thế này nhé! Và các vị cựu Trần Hưng Đạo đã lỡ “trồng cây si” trước trường chúng tôi hồi đó, chắc hẳn sẽ giật mình và cũng sẽ cám ơn tôi đã “bật mí” tí ti về thần tượng của các bạn chứ hả? Nưung dù sao đi nữa, thì “Ván cũng đã đóng thuyền rồi” phải không các bạn?).
 Và tôi lại nhớ đến Cô Thu Tâm - dạy cái môn học mà tôi thích: “Anh Văn”. Thích môn học nên thích luôn Cô giáo! Không đẹp lắm nhưng dáng dấp nhỏ nhắn dễ thương, cử chỉ duyên dáng trẻ trung. Cô nói chuyện rất dí dỏm... Tôi cũng chẳng hiểu tại sao chúng tôi thích Cô! Có lẽ Cô còn trẻ và gần gũi với học trò, với giọng Huế dịu dàng, cũng áo dài tím, cũng khăn quàng tím của những ngày mưa Đà Lạt đã làm cho giờ Anh Văn của chúng tôi thi vị hơn, sôi động hơn và lại một lần nữa, làm cho Cô học trò Đệ Nhị mơ làm Cô giáo dạy ... Anh Văn! Tôi cũng không nhớ tại sao mà bọn học trò lại ghép đôi Cô với Thầy Hiền - dạy môn Lý Hóa - cũng người Huế. Đó là niềm vui của bọn học trò quỷ quái mà, đúng hay không chẳng cần biết! Nhưng khi Cô Thu Tâm có vẻ không vui, bọn học trò thì thào: “Chắc Thầy – Cô giận nhau(?). Có hôm giờ Cô, Thầy Hiền vừa đi ngang, Cô đi ra, cả bọn nhào ra rình rập nghe nghe ngóng hai bên cửa, có đứa la lên: “Thầy đưa thư cho Cô bay ơi! Chà, chắc là thư tình!!!”. Cô vừa đi vào vừa mở ra coi không để ý đến bọn học trò quái quỷ đang theo dõi Cô từng chút, vừa thì thầm to nhỏ, rúc rích cười với nhau (thật ra đó chỉ là tờ giấy đánh máy gì đó, nhưng với bọn học trò thì muốn biến nó ra thành thứ khác...!Không có gì lạ!).
Hình như cảm thấy có một sự im lặng bất thường nên Cô ngẩng lên ngạc nhiên ... Vậy là nhao nhao: “Cô ơi ! Thầy viết cái gì vậy Cô? Thư tình phải không Cô?”.
 Vậy đó! Trắng trợn, sỗ sàng chẳng kiêng nể gì cả ... Bởi vì Cô Tâm của chúng tôi hiền khô ...Cô chỉ đỏ mặt cười, mắng chúng tôi nói bậy!
 Chỉ đỏ mặt cười, mắng chúng tôi nói bậy! Thầy Hiền thì cũng hiền khô như Cô Tâm. Hiền như tên của Thầy vậy! Dáng dấp cao ráo đẹp trai lại hay đùa giỡn với học trò. Thầy còn độc thân nên một hôm trời nắng đẹp, Thầy đứng giảng bài trên bảng, có cái gì phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh di chuyển theo mỗi bước chân của Thầy, tôi ngồi bàn thứ hai nên cũng như các bạn khác ở mấy dãy bàn đầu, nhận ra một chiếc kim băng ở dưới gấu quần của Thầy ... sút chỉ, nhưng chắc Thầy vội, lấy kim gài tạm, gài không khéo mới ra nông nỗi...! Cả bọn cười khúc khích, cố nhịn lại càng không thể nhịn được, bởi lúc ấy Thầy đang dạy đến “Tia Khúc Xạ - Tia Phản Xạ của mặt trời” !!!. Còn bằng chứng nào hay hơn thế nữa, phải không các bạn? Trời cũng đang toét miệng ra mà cười chứ đừng nói là chúng tôi! Thầy ngớ ra, quay lại la: “Các chị chép bài đi!”. Cả bọn lại cười dữ hơn vì Thầy chẳng biết gì cả! La mấy lần không được, Thầy đỏ mặt. Có đứa nghêu ngao: “Quần anh sứt chỉ đường tà… vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu! Quần anh sứt chỉ đã lâu… sao Anh không mượn Cô Tâm khâu dùm !!!”.
 Có hôm trời nóng, đang dạy, Thầy cởi áo len, áo sơ mi cũng rách một đường nhỏ bên hông, mở ra theo với mọi cử động của Thầy! Vậy là cười, cười nghiêng ngửa, mà Thầy thì ngớ ra chẳng hay biết chuyện gì cả! Cái vô tư của Thầy khiến cho bọn học trò càng thấy tội nghiệp, càng thấy tức cười! Quái đản thay cho lũ học trò, tội nghiệp thì tội nghiệp, nhưng mà cười thì vẫn cứ cười cho khoái cái miệng! Ôi chao! Cái gì cũng cười! Hình như hồi ấy chúng tôit hiếu cười hay sao ấy (?!).
Hay - dở gì, vui - buồn gì cũng cười, nên tôi cũng khó quên Cô giáo dạy Anh Văn năm Đệ Nhất của chúng tôi! Cô Chi Điền. Mỗi lần xếp hàng vô lớp, Cô đi trước, chúng tôi hàng haitheo sau, đứa nào cũng lén đo chiều cao với Cô! Và ... hình như Cô ... thấp nhất! Rồi cười khúc kha khúc khích với nhau, Cô im lặng vì không phải ở trong lớp! Giờ học của Cô là những trận cười không dứt! Bởi Cô hay la mắng bằng giọng Huế với những lời lẽ chua ngoa, đanh đá, chỉ càng khơi cho chúng tôi những trận cười đứt ruột! Không cười sao được khi mà chúng tôi chép bài, Cô thường đi quanh nhìn vào vở từng đứa! Cô tới gần đứa nào thì đứa đó tim nhảy lạc mất mấy nhịp, khi mà chúng tôi đã lớp 12, Cô còn cầm lăm lăm cây thước trong tay, bất thần gõ một cái lên bàn của đứa nào đó, làm giật nẩy cả người, kèm theo câu: “Nì, viết lách cho đàng hoàng, thước kẻ mô không gạch? Lại gạch tay? Con gái con lứa phải viết cho đàng hoàng ngay ngắn chớ, ẩu tả không được !”.
 Vô phước cho những đứa ngồi đầu bàn, Cô hay đi luồn lách vào giữa các hàng ghế hai bên tường để kiểm soát vở từng đứa. Các Thầy Cô khác thì không bao giờ đi vào phía bên tường như Cô Chi Điền ... Đó là thói quen? Có hôm Cô đứng ngay một góc bàn nào đó la lên: “Bàn ghế chi mà cái ra cái vô như xây sòng tứ sắc rứa? Con gái chi mà lạ! Để rứa mà coi được à? Cácem không biết sắp xếp lại cho đàng hoàng à? Thiệt lạ ... không ra cái chi hết !”.
 Bị la như vậy mà có đứa nào buồn đâu, bụm miệng lại mà cười, tiếng cười không thoát ra được tai Cô: “Nì… nì… cái chi mà ồn ào rứa, còn hơn cái Chợ Đông Ba nữa! Con gái con lứa chi mà cứ nhăn răng ra cười, thiệt dị quá !”.
 Lạ kỳ! Cô càng tức tối, thì bọn học trò chúng tôi lại càng tức cười, bởi dáng điệu và những câu la mắng của Cô cứ như những viên bi rơi trúng vào huyệt cười của chúng tôi vậy!
Người thì nhỏ xíu mà sao phổi Cô tốt quá vậy hả bây? Tĩnh mạch, động mạch phổi của Cô chắc phải làm việc ngày đêm?! Chúng tôi thì thào với nhau và lại cười! Cô dạy lớp nào làng he tiếng sang sảng từ cuối dãy ... Hình như bữa nào không la mắng học trò thì Cô về nhà ăn cơm không ngon hay sao ấy ?!
 Cô để kiểu tóc demi garcon, ngắn cũn cỡn, tóc Cô lại thưa ít, khi Cô viết bài trên bảng, gió hiu hiu thổi, tóc Cô cứ dựng lên hết, tiếng rúc rích cười lại nổi lên, càng lúc càng to ... Cô quay lại, nhăn mặt: “Cái chi mà cười hoài rứa không biết nữa?! Con gái chi mà vô duyên! Các em không thấy cứ cười hoài như rứa giống mấy con khỉ trong Sở Thú à ... ?”.
 Cô lại dậm chân khi thấy tiếng rúc rích không giảm khi Cô quay lên bảng: “Răng mà tui khổ rứa không biết nữa! Mỗi lần dạy lớp ni, là tóc tai tui hắn dựng đứng lên hết rứa!”.
Ôi! Trận cười lại vỡ ra như nước tràn bờ không ngăn nổi! Cười nghiêng ngửa! Tóc tai Cô lúc nào lại chẳng dựng đứng mà đổ thừa mình chứ! Cô tức tối dọa cho “Zero” hết cả lớp, dọa cấm túc! Trời có sập bây giờ thì cũng kệ! Cười xong đã! (Dọa vậy thôi, chứ mấy khi mà Cô cho“ Zero “, lại chẳng bao giờ cho cấm túc!).
Có hôm Cô kêu từng đứa đứng lên đọc, đầu bàn là trưởng lớp ngồi ngay cửa, chưa hết câu, Cô la lên: “Repeed!”. Đọc lại! Cô vẫn không bằng lòng, bắt lập lại...Cô lại la: “ Đọc chi mà kỳ lạ rứa không biết nữa! Học mấy trăm lần...“With out! Cô chỉ ra cửa! Vân tần ngần nhìn Cô : “ Tui nói em không hiểu răng? Ra cửa !”.
Vân đỏ mặt đi ra cửa, đến phiên Cúc ngồi kế, rồi lần lượt hết cả bàn đầu, mỗi đứa đọc sai chữ nào đó tôi cũng chẳng còn nhớ. Bàn thứ hai của tôi bắt đầu run lên, loay hoay cúi tìm đôi dép đã tuột ra khỏi chân ... Ngọc mô? Làm chi lâu rứa hè? Rồi con nhỏ cũng bị đuổi ra ngoài ... Tim tôi đập thình thình! Tôi nhớ lúc ấy đã cố van vái Phật Trời, nhưng chẳng có ai cứu nổi tôi.Đọc chưa dứt câu, đã nghe tiếng “Repeed” củaCô. Có cái gì trong cổ mà tôi nuốt mãi không trôi, phải lấy hết sức bình sinh để đọc lại. “Oclock!”. O...c...l...oc....k! Đọc tréo bản họng rứa mà cũng đọc được! R...e...pe...ed !
 Bình thường thì cả lớp đã ào ào tiếng cười, nhưng hôm nay, một con bướm bay vào đây cũng sẽ nghe tiếng đập cánh (?!). Tôi chẳng còn hồn vía nào với tiếng hét của Cô ... Cuối cùng, cũng phải ra cửa. Vì vậy, tôi không thể nào quên cái chữ “Oclock”, và mãi đến bây giờ tôi cũng chẳng biết tôi đọc sai ở chỗ nào? Dù đã lập lại 2, 3 lần theo Cô! Ra ngoài nhập bọn với năm đứa kia, chẳng đứa nào có vẻ buồn rầu gì, lại còn cười cợt hỏi nhau đọc sai chữ gì ? Tiếp thêm hai đứa nữa, vậy là hết hai bàn đầu ... Chúng tôi kéo nhau xuống sân, ra sau Trường ngồi lại tán dóc với nhau dưới mấy cây khuynh diệp, cười đùa như chẳng có gì xảy ra, để chờ các “nạn nhân” mới ...
 Nhưng chỉ đến đó rồi ngưng ... và ngưng thật lâu ... Cô cho một đứa xuống tìm, chúng tôi không chịu lên, xúi nó nói với Cô rằng không tìm ra bọn tôi. Hân không dám ...
 Bây giờ, tôi không biết Cô Chi Điền đang ở đâu? Góc trời nào? Nhưng nếu mà “vô phước” cho tôi, Cô có đọc phải bài này thì ... xin Cô cũng làm phước ... mở lượng hải hà mà tha lỗi cho em nghe Cô!
 Viết lại những kỷ niệm khó quên của một thời làm học trò ..., trong đó không thể nào thiếu vắng hình bóng các Thầy Cô được, vì vậy quý Thầy Cô hãy thông cảm mà xí xóa bỏ qua cho em nhé! nếu có đìều gì không vừa ý!
 Bài đã quá dài, nếu kể tiếp nữa thì chắc phải nguyên cả một cuốn sách ...
 “Trên không có những đám mây bàng bạc ...lòng tôi lại nao nao sửa soạn áo quần, sách vở cho con tôi đi đến Trường ...

THỤY MIÊN
(THÁNG 9 – 2000)
(FRANCE – TROYES)



img1
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn