Madame Descroix
Mỗi lần nhớ lại những chuyện nghịch phá của đám nữ-sinh thời tôi học, hình dáng Madame Descroix lại trở về thật linh-hoạt trong trí nhớ tôi. Bà là nhà giáo người Pháp nguyên dạy ở trường Petit Lycée, được nhà trường mời sang phụ-trách trau-dồi phần thực-hành mỗi tuần một hoặc hai giờ cho một số lớp có sinh-ngữ chính Pháp-văn.
Madame Descroix có tầm vóc cao lớn của đa-số người đàn bà Tây-phương.Giọng nói bà oang-oang tự-nhiên và thái-độ chắc nịch, dáng đi mạnh-mẽ, lại thêm rất là kỷ-luật nên học-trò không mấy cảm thấy thoải-mái, thường đem bà ra nói chuyện vui cười. Không ít chị đã bị lên bảng “chào cờ” vì không làm bài tập. Không ít chị đã bị bà nói gằn giọng hoặc giậm chân bực vì không chịu uốn giọng đọc hoặc cong lưỡi phát âm đúng theo bà chỉ dạy, đã vậy còn khúc-khích cười. Khi bà phạt ai, bà vẽ một vòng tròn trên bục gỗ và bắt đứng vào đấy cho đến khi có phép bà mới được về chỗng ồi.
Mỗi lần bà giảng bài, cả lớp ngồi ngay ngắn,làm như nghiêm-trang chăm-chú nghe và nhìn lên bảng. Nhưng khi bà vừa quay lưng lại, mọi cặp mắt đều hướng từ đầu đến chân bà quan-sát. Lát nữa đây khi hết giờ sẽ là đề-tài để nói chuyện gẫu: nào là váy hơi bị lệch một bên, sao đôi vớ mỏng màu da lại có một đường sau bắp chân thấy hơi rõ, sao người cao mà còn đi giày cao gót, đi mạnh xầm-xầm v…v…
Trước buổi học kia, bỗng dưng đám nhất quỷ nhì ma nảy ra ý-nghĩ tinh-quái muốn tròng ghẹo bà. Một đứa đứng canh ở đầu hành-lang và chạy bay về lớp báo cho cả lớp biết là Madame Descroix đang bước đến lớp học. Lập tức hai cánh cửa lớp được đóng kín lại, màn cửa được kéo che kín để phía bên ngoài không nhìn thấy bên trong. Mỗi cửa vài đứa ra sức nắm chặt lắy quả nắm và trì kéo cửa lại khiến bên ngoài bà không thể nào xoay mở được. Lũ học-trò có thể đoán được là bà bực tức quay xuống văn-phòng để báo-cáo, và dĩ-nhiên là khi cô Tổng giám-thị theo lên lớp cùng với bà, cô chỉ cần xoay nhẹ quả nắm là cửa mở, lũ học-trò ngoan-ngoãn đứng lên chào khi bà bước vào như không biết gì cả. Khi cô Tổng giám-thị hỏi, đứa nào cũng làm như ngơ ngác không hiểu việc gì xảy ra. Cô chỉ còn cách xin-lỗi bà và nói chắc cái cửa bị kẹt. Thế nhưng hôm đó sau giờ học, cô hiệu-trưởng đến lớp.Cả lớp bị một màn dũa thê-thảm kèm với lời cảnh-cáo.
Lần khác, khi Madame Descroix đang dạy học, xe bà đậu trong sân ngay gần đấy. Vài đứa tinh nghịch mở cửa xe bà chui vào và đóng xầm lại, sau đó lại mở cửa khác chui ra, lần-lượt cứ như vịt.Khi bà nghe tiếng động bước ra xem, tất- cả bỏ chạy hết. Bà bực mình bước vào lớp, bên ngoài màn cũ lại diễn ra, bà bước ra, chúng laị chạy mất. Cứ như thế,nhưng bà không làm sao được vì không biết học-trò lớp nào. Sau cùng, bà phải gọi văn-phòng để báo-cáo, tụi học-trò quái chạy biến luôn. Buổi chào cờ đầu tuần sau đó, cô hiệu-trưởng laị phải lên tiếng giáo-huấn tất-cả nữ-sinh. Cô phải dùng mọi lời răn đe tối-đa, vừa nhẹ-nhàng vừa cứng rắn với đám học-trò của cô, với hy-vọng chúng thấm-thía được lời cô nói…
Sau một thời-gian dạy, trước mùa hè năm ấy chúng tôi được tin bà sẽ trở về Pháp. Tuổi trẻ vô-tư, cảm-giác ăn-năn như hiện trên gương mặt những tên phá phách.Bấy-giờ giữa bà và học trò thật sự có niềm quyến-luyến nhau. Sau khi bà rời trường, chúng-tôi không được nghe gì về bà từ đấy.
Một điều mà riêng bản-thân tôi không quên được là sự ngạc-nhiên và cảm-động khi tôi nhận được cuốn truyện “LeRossignol” (Con Chim Hoạ-mi, bản tiếng Pháp của Hans ChristianAndersen) nằm trong gói phần thưởng cuối năm của tôi với chữ viết của bà, tôi nghĩ là cũng có vài học-sinh khác được tặng như thế. Tôi đã nâng-niu và gìn-giữ cuốn truyện này trong nhiều năm vì đó là một khích-lệ đặc-biệt đối với tôi. Cuốn truyện nay tuy không còn, nhưng kỷ-niệm thời đi học cùng lòng kính-mến cũng như thương tiếc những nhà giáo tận-tụy như bà và những giáo-sư khác vẫn luôn được học-trò chúng tôi gìn-giữ và ấp-ủ mãi.
Ngọc Giang 62-69
Gửi ý kiến của bạn