Côte d'Ivoire

02 Tháng Hai 201611:37 SA(Xem: 4806)


République de Côte d’Ivoire  -  Nước Cộng Hoà Bờ Biển Ngà
 
 
  img-8016   IMG_7964     IMG_7969

Nằm ven bờ Tây của Atlantic gần Liberia, Mali, Guinea, Burkina Faso -nước Cộng hoà Côte d'Ivoire /Ivory Coast có diện tích 322.463 km2, 25.4 triệu dân với thủ đô hành chánh Yamoussoukro và một chính phủ theo thể chế Multyparty Republic.  Thành phố cảng lớn, đông cư dân và quan trọng nhất nước là Abidjan. Ngôn ngữ chính dùng tiếng Pháp, nhưng như các quốc gia khác trên lục địa, đa số dân chúng chỉ quen nói thổ ngữ của bộ tộc cha ông và tiếng créole.  Đạo Hồi có số tín hữu đông nhất với hơn 40%, Thiên Chúa giáo 33% và một số theo tín ngưỡng cổ truyền thờ đa thần, linh vật, hiện tượng thiên nhiên, siêu phàm..

IMG_8132    IMG_8072    IMG_8042


Từ nhiều thế kỷ, Côte d'Ivoire đã là một vùng đất rộng với nhiều bộ tộc nhỏ như Gyaaman, Kong Empire, Baoulé và hai tiểu vương quốc. Vào thời kỳ bị trị bởi nhiều cường quốc, hay cả dưới thời đô hộ của Pháp từ 1895 đến 1960, các bộ tộc này vẫn cố duy trì sự khác biệt để tự chủ, và nhờ sự hoà hoãn nên luôn được chính quyền bảo hộ để yên, xem họ như một phần quan trọng của nền văn hoá cổ truyền và đặc thù phải gìn giữ, cho nhiều phần đất của Côte d'Ivoire ngày nay có sắc thái còn rất nguyên bản cũ.  Bờ Biển Ngà lại được thiên nhiên ban tặng lắm vùng biển cát vàng, bao ghềnh đá cao ngoạn mục, cả nhiều lagoon xinh tươi rất được ưa chuộng.

 
IMG_8120    IMG_8117  IMG_8106

Côte d'Ivoire sau ngày độc lập đã bầu lên vị tổng thống đầu tiên Félix Houphouet-Boigny. Ông theo Tây học, là chính trị gia rất pro-western, đã biến Bờ Biển Ngà thành một quốc gia độc đảng.  Vào thời Pháp thuộc thủ đô được đặt tại Bassan, nhưng sau một trận dịch sốt vàng da kinh hoàng làm thiệt mạng vô số dân năm 1896, người Pháp cho dời thủ đô về Abidjan vốn chỉ là một làng chài nhỏ, cả lập thêm thủ phủ Bingerville kế bên dành riêng cho dân Pháp sống trên thuộc địa, gồm những khu nhà khang trang, phố sá xinh đẹp.. Nay là cơ ngơi của dân quyền thế, người xứ ngoài, cả đặt nhiều tòa đại sứ của các cường quốc khiến du khách vẫn tấm tắc khen vẻ xinh tươi khi có dịp ghé chân. Sau nhiều năm tại chức, tổng thống Houphouet-Boigny cho thiết lập thủ đô hành chánh mới tại Yamoussoukro, nơi ông sinh trưởng. 


IMG_8163   IMG_8031   IMG_8044
 
Côte d'Ivoire có nhiều tài nguyên thiên nhiên như mỏ kim cương, manganèse, sắt.. Dân chúng 70% sống về nghề nông, đứng hàng đầu thế giới về xuất cảng hạt cacao, mía, café Côte d'Ivoire có phẩm chất tốt rất được ưa thích khắp nơi. Ngành công nghiệp như sản xuất các thành phẩm bằng gỗ quý, hàng da thuộc, vải sợi, hoá chất, kỹ nghệ đóng tầu khá khả quan.. Những mỏ giếng dầu ngoài khơi cũng giúp Côte d'Ivoire có thêm ngoại tệ, nhưng tất cả mọi cố gắng trên các lĩnh vực cũng chưa đủ để giúp đất nước tiến triển như mong chờ, hay cho dân tình một mức sống tương đối khá..

  
IMG_8069    IMG_8068    IMG_8064
      
Sau nhiệm kỳ kỷ lục của tổng thống Houphouet-Boigny -qua 35 năm cầm quyền cho đến khi ông qua đời vì tuổi tác, ông Laurent Gbagbo thắng cử quyền lãnh đạo Côte d'Ivoire, và do nhiều lần phải đối diện với lắm cuộc đảo chánh bất thành, tổng thống mới đã cho ban hành nhiều quân luật gắt gao nhằm thắt chặt quyền kiểm soát trên toàn quốc..

Thành phố Abidjan,

IMG_8176   IMG_8169   IMG_8178
       
Thăm dân cho biết sự tình:  Abidjan to rộng nhất nước, là thủ đô kinh tế của Côte d'Ivoire và cũng là thành phố nói tiếng Pháp quan trọng nhất vùng Tây Phi, với số dân khoảng 5 triệu -tương đương 20% tổng số của cả nước. Abidjan cũng được xem như khúc quanh thông thương văn hoá của nhiều nước còn mang ảnh hưởng Pháp quanh vùng.  Abidjan có mức tiến khá nhanh chóng, được đô thị hoá với lắm kiến trúc mới mẻ, đường sá cầu cống nhiều nơi rất rộng đẹp, lắm khu thương mại tân tiến.. Cả được gọi là "Paris of Africa" do một số quartiers mang dáng vẻ của Kinh Thành ánh sáng, được giữ gìn từ thời các ông Tây thuộc địa. 


IMG_8016   IMG_8164   IMG_8089   

Thấy nhiều cơ sở thương mại, buildings cao tầng, ngân hàng.. của đông đảo các nhà đầu tư Pháp cũng như của nhiều đất nước giầu mạnh trên thế giới, do đa số các nước châu Phi chưa có nền kỹ nghệ vững vàng, tài nguyên tuy dồi dào nhưng thiếu phương tiện khai thác, nên luôn là một thị trường nhiều triển vọng.  Nước Pháp khá thành công trong việc xuất cảng hàng hóa như xe hơi, máy móc đa dạng, kỹ thuật tiên tiến, cả gởi nhiều chuyên gia các ngành nghề trên lục địa châu Phi, nhất là luôn giữ liên hệ cùng cho nhiều trợ giúp đến các thuộc địa cũ. Nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng hay chọn Abidjan là nơi đặt bản doanh nhằm mở rộng và khuếch trương các tiềm lực.

IMG_8079    IMG_8005    IMG_8000

Thánh đường Saint-Paul có thiết kế từ ý tưởng của một kiến trúc sư Ý, rất phá cách do hoàn toàn khác xa kiểu dạng trang trọng thường thấy. Vào mùa Giáng Sinh, một cây thông điện khổng lồ được dựng lên tô điểm phố phường cho thấy tính chất cởi mở của Côte d'Ivoire, một nước với đa số dân theo Hồi giáo -hay là theo thời buổi tiêu thụ này, lễ Giáng Sinh dưới mắt nhiều người chỉ là một dịp vui họp mặt và trao đổi quà cáp !
La Pyramide, một kiến trúc "must see" khác của thành phố cảng, vốn là một toà chung cư, từ nhiều năm trước được xem như có kiểu cách rất táo bạo do lấy hình dáng từ cổ mộ Ai Cập.

IMG_8120    IMG_8103    IMG_8029

Theo xe ra xa thủ đô, thăm khu bán hàng tiểu công nghệ -nơi mà các chuyến tours hay mang khách ra chọn hàng souvenirs đầy mầu sắc bản địa.  Đi xa hơn nữa, thấy đời sống dân tình còn quá nhiều khăn khó như trên các xứ vừa thăm qua. Giới tiểu thương thật đông đảo, họ tảo tần bán buôn vặt vãnh kiếm sống qua ngày. Dọc hai bên con đường quốc lộ nối những tỉnh thành, thấy toàn nhà tranh vách đất và đủ loại mặt hàng bán buôn, người người vất vả dưới nắng nóng như thiêu. Qua các khu "ổ chuột", chỉ thấy nheo nhóc những người già héo hắt bên lũ trẻ nhỏ èo ọt suy dinh dưỡng.. Thật đến chạnh lòng.


IMG_8023    IMG_8057    IMG_8047    

Nhớ buổi sáng hôm ấy, sau khi vòng vo thăm các khu phố tân tiến của Abidjan với nhiều buildings cao đẹp là bề nổi của thành phố, đã cùng ông bà bạn mới người New York yêu cầu cậu tài xế cho thăm khu phố chợ của dân bản địa. Xe kẹt cứng giữa đám đông ngột nghẹt, lăn bánh như rùa bò hơn 30 phút qua con đường khu họp chợ.. Để bà đầm Mỹ cứ tay ôm mặt tay nén ngực kêu "Oh.. Gods, Oh.. My God..".  Do bên ngoài, chung quanh là một hỗn độn đến khó tả. Người và người chen chúc đông như kiến, la hò rao bán buôn đủ loại mặt hàng. Và những đống rác. Rác đầy rẫy ngổn ngang bốc mùi nặng nồng dưới nắng nóng hừng hực. Người và rác sống cạnh bên nhau một cách rất bình thường. 

 
IMG_8036    IMG_8033    IMG_8041   

Thấy bà khách rõ ràng bị "sốc" và lẩm bẩm kêu trời, cậu tài xế cất giọng bùi ngùi: Mong quý vị thông cảm cho dân tình xứ tôi khi đang thăm viếng một trong những đất nước rất tiêu biểu của Phi châu, chỉ có khác là chúng tôi không phải gánh những cuộc nội chiến máu lửa mà thôi. Các 
cơ quan chức năng ngoài vài khu phố lớn thì ít khi quan tâm đến tình trạng vệ sinh hay nhu cầu của dân, chúng tôi đều phải tự lực lo toan đủ mọi thứ với chút khả năng nhỏ nhoi của mình. Tôi đã học xong đại học đấy mà chỉ thấy những cánh cửa khép khi đi xin việc, do không có khả năng chạy chọt hay lo lót nổi.. Tôi đã từng nghĩ là thân phận dân tình trên lục địa này không biết tại sao mà phải chịu lắm nghiệt ngã đến thế!!  Như quý vị biết đấy, từ bao thế kỷ trước người da trắng đến đây gây ra bao thảm cảnh, họ ngang nhiên chiếm cứ, rồi súng ống tranh dành nhau phần đất tiên tổ của chúng tôi. Họ ruồng bắt dân trên bao bộ lạc đem bán buôn như những con vật, mang đi làm nô lệ khắp các phương trời. Bao nhiêu thế hệ đã mất cội nguồn, mất tất cả, chỉ còn nỗi tủi hận trong tim.. Rồi cho đến khi dành được độc lập, những đảng phái và quốc nạn tham nhũng đã làm ung nhọt nước nhà.. Cứ như vậy, bao năm qua rồi cũng chỉ là những vòng lẩn quẩn, khiến dân tình chúng tôi, lục địa chúng tôi phải gánh chịu quá nhiều thua thiệt, bất công. Tại vì sao, quý vị có thể giúp tôi giải thích được không ? Và hình như chúng tôi khó tìm ra một thứ ánh sáng rạng rỡ nào cho tương lai thì phải..!!
IMG_8081   IMG_8160   IMG_8151
IMG_8094  IMG_8135  IMG_8167
 
Huyền Anh BTX-69
 
 
******
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn