Quan hệ Mỹ - Nhật vào kỷ nguyên mới và "Phải cho Trung Quốc thấy họ không sở hữu biển Đông"
Quan hệ Mỹ - Nhật vào kỷ nguyên mới
29/04/2015 21:39
Trung Quốc cảnh báo quan hệ liên minh Mỹ - Nhật không được làm tổn hại lợi ích của nước này
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 28-4 nhất trí đưa quan hệ song phương bước vào kỷ nguyên mới tại cuộc hội đàm cấp cao ở Nhà Trắng.
Hợp tác an ninh là một trong những nội dung nghị sự chính. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đều bày tỏ lo ngại về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Obama, Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác nhằm xử lý tốt hơn các thách thức chung, từ tranh chấp hàng hải đến an ninh mạng.
Nhân dịp này, ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định những cam kết của Washington về việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có cả quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh đang đòi chủ quyền. Không những thế, tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Obama còn cáo buộc Trung Quốc “phô diễn sức mạnh” trong tranh chấp với các nước láng giềng tại biển Đông.
Đúng như dự báo của nhiều người, không có bất kỳ đột phá nào đối với vấn đề đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phát biểu sau cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật chỉ nói chung chung rằng 2 bên đã đạt được những tiến triển đáng kể dù vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua để hoàn tất đàm phán về TPP. Việc 2 nước tìm được tiếng nói chung về TPP đóng vai trò sống còn đối với bất kỳ thỏa thuận lớn hơn nào giữa 12 nước đang cùng đàm phán.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Nhà Trắng hôm 28-4
Ảnh: AP
Dù chỉ trích tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh nhưng Washington và Tokyo dường như không muốn đẩy quan hệ với nước này vào thế đối đầu. Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của ông Obama, theo đó không nên xem văn kiện hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật mới được cập nhật là nhằm vào Trung Quốc.
“Chúng tôi nghĩ rằng không nên xem quan hệ liên minh Mỹ - Nhật mạnh mẽ là một sự khiêu khích. Tuy nhiên, điều chúng tôi phải làm là đưa Trung Quốc và các nước khác đi chung con đường duy trì trật tự và hòa bình ở khu vực” - ông Obama tuyên bố. Nhà lãnh đạo này còn lập luận chính Bắc Kinh được “hưởng lợi” từ sự hiện diện của Washington ở châu Á.
Không những thế, 2 ông Obama và Abe tuyên bố sự ra đời của TPP không phải là mối đe dọa với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định không phản đối Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu dù kêu gọi tổ chức này phải có những tiêu chuẩn và sự minh bạch cao.
Phản ứng của Trung Quốc ngay sau đó cho thấy nước này không yên tâm trước những trấn an của ông Obama. Theo báo China Daily hôm 29-4, Bắc Kinh cảnh báo liên minh Mỹ - Nhật không được gây tổn hại đến lợi ích của họ hoặc làm xáo trộn châu Á - Thái Bình Dương.
Sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, ông Abe có bài phát biểu được dư luận đặc biệt quan tâm trước lưỡng viện quốc hội Mỹ trong ngày 29-4 (giờ Washington). Dù vậy, báo The Wall Street Journal nhận định địa điểm này có thể không thân thiện như Nhà Trắng bởi nhiều nghị sĩ đang gây sức ép để ông Abe chính thức xin lỗi về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. “Sự thù địch” cũng có thể đến từ không ít nghị sĩ Đảng Dân chủ đang phản đối mạnh mẽ TPP.
“Hòn đá tảng” của hòa bình và an ninh
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Nhật, 2 nước nhất trí mở rộng liên minh song phương ra quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài châu Á - Thái Bình Dương, đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh và thúc đẩy thương mại tự do tại khu vực này. Tuyên bố chung cũng đánh giá quan hệ liên minh Mỹ - Nhật là “hòn đá tảng” của hòa bình và an ninh tại khu vực, đồng thời cam kết tăng cường bắt tay đối phó các mối đe dọa mới và gia tăng sức mạnh răn đe về quân sự.
Hoàng Phương
Nhật Bản: "Phải cho Trung Quốc thấy họ không sở hữu biển Đông"
30/04/2015 10:01
(NLĐO) – Reuters dẫn nguồn tin từ Mỹ và Nhật Bản cho biết Tokyo đang xem xét tham gia tuần tra chung trên biển Đông với Washington nhằm phản ứng lại sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực.
Kế hoạch của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cân nhắc giữa lúc nước này và đồng minh quân sự Mỹ công bố hướng dẫn quốc phòng mới trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Shinzo Abe. Kế hoạch cho thấy Tokyo muốn tăng cường vai trò an ninh của mình ngoài việc chỉ bảo vệ các hòn đảo trong lãnh thổ.
Nguồn tin từ Nhật Bản cho biết Tokyo có khả năng tham gia tuần tra chung với Washington trên biển Đông hoặc luân phiên tuần tra biển Đông từ đảo Okinawa nằm ở rìa biển Hoa Đông. Nếu điều này xảy ra, Nhật Bản có thể làm Trung Quốc mếch lòng.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng ở Tokyo lo ngại Bắc Kinh sẽ áp đặt quyền lực lên tuyến hàng hải quan trọng trị giá 5 ngàn tỉ USD/năm một khi Nhật Bản chỉ khoanh tay đứng nhìn. “Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy rằng họ không phải là chủ sở hữu của biển Đông” – một quan chức Nhật Bản giấu tên nói.
Máy bay FA-18 Hornet của Hải quân Mỹ tập trận trên biển. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, nguồn tin từ phía Mỹ cho biết nếu Nhật Bản điều máy bay tuần tra trên biển Đông, Tokyo sẽ đề nghị Philippines cho phép sử dụng các căn cứ không quân dưới dạng các bài tập cứu trợ thiên tai và hoạt động liên kết đào tạo khác. Theo đó, máy bay Nhật Bản có thể hoạt động “dài hơi” hơn .
Một nguồn tin quân sự Philippines tiết lộ do Manila không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác quân sự nào với Tokyo nên hiện tại, Nhật Bản chưa thể sử dụng các căn cứ không quân của nước này trong khi tàu Mỹ có thể cập cảng Philippines để tiếp liệu và sửa chữa khẩn cấp nhờ vào hiệp ước quân sự giữa 2 bên. Tuy nhiên, những đề nghị đầu tiên có thể được đưa ra khi Thủ tướng Abe gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng 6 tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida từ chối trả lời kế hoạch tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông. Cả hai nói rằng điều này phụ thuộc vào luật pháp Nhật Bản và cần sự tư vấn của các nước trong khu vực.
Sau cuộc hội đàm với ông Abe ngày 28-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ - Nhật chia sẻ mối lo ngại về hành động cải tạo đất của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời cam kết bảo đảm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế. Cũng theo ông, hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới giữa 2 nước sẽ tạo điều kiện cho Nhật nắm vai trò quan trọng hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 29-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khuyến cáo Mỹ và Nhật Bản “không nên làm phức tạp thêm tình hình” và khẳng định họ “không có phận sự tại biển Đông”.
Ông Hồng còn lên tiếng cáo buộc Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác đang cải tạo, xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Ông Hồng ngang ngược tuyên bố: “Trong một thời gian dài, Philippines, Việt Nam và các nước khác đã xây dựng sân bay và cơ sở hạ tầng cố định khác, thậm chí triển khai tên lửa và thiết bị quân sự trên các hòn đảo của Trung Quốc”.
Ân hận nhưng không xin lỗi
Ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 29-4 (giờ địa phương). Ông bày tỏ "sự hối lỗi" trước quá khứ quân phiệt của Nhật, khẳng định sẽ không ngoảnh mặt trước những đau thương mà nước này gây ra cũng như sẽ góp phần vào sự phát triển châu Á.
Tuy nhiên, ông Abe không đưa ra lời xin lỗi - vì Nhật Bản đã gây chiến, bao gồm nạn bắt hàng ngàn phụ nữ châu Á "mua vui" cho binh lính Nhật - như những người tiền nhiệm. Trong số những người nghe ông Abe phát biểu có bà Lee Yong-soo, một trong số hàng ngàn phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật. Bà được nghị sĩ Dân chủ Mike Honda, một người chỉ trích ông Abe dữ dội, mời đến.
Đặt qua một bên những vấn đề lịch sử, thủ tướng Nhật khuyến khích các nghị sĩ Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Mỹ và Nhật Bản phải dẫn đầu để xây dựng một thị trường tự do, năng động, bền vững và công bằng. Chúng ta có thể phát tán các giá trị chung - sự tuân thủ luật pháp, dân chủ và tư do - ra khắp thế giới. Đó chính xác là những gì TPP hướng tới" - ông phát biểu.
P.Nghĩa (Theo Reuters)
Gửi ý kiến của bạn