Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Nhà Cách Mạng Trần Văn Tuyên * BS Trần Vỹ & Nguyễn Quốc Khải

23 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 69680)

Thân Thế Và Sự Nghiệp Của

Nhà Cách Mạng Trần Văn Tuyên

 (1913 – 1976)

 

 

Trước ngày 30-4-1975, LS Tuyên dù có nhiều phương tiện để xuất ngoại đã chọn ở
lại và ông đã chết trong trại tù Hà Tây (Bắc Việt) hôm 26-10-1976. Luật sư Trần
Văn Tuyên có 7 người con hiện tất cả đều ở hải ngoại. Người con trưởng là LS
Trần Tử Huyền, cũng là nhà báo Linh Chi hiện ở vùng Bắc California. Trưởng nữ là
bà Trần Đạm Phương, được biết nhiều trong các cuộc tranh đấu cho nhân quyền Việt
Nam cũng như cho sự tự do của thân phụ lúc ông bị giam giữ tại Việt Nam. Ba
người con trai cuối, các ông Trần Tử Thanh, Trần Vọng Quốc (trên vùng Hoa Thịnh
Đốn) và Trần Tử Miễn (ở Pháp) đang theo hướng đi của thân phụ, hoạt động chính
trị và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Trọng Kim, chủ
nhiệm, chủ bút Ngày Nay cũng là người trong gia đình LS Tuyên, từng giúp ông
Tuyên trong việc liên lạc với báo chí ngoại quốc từ đầu thập niên 60 tới lúc mất
miền Nam.

Trong quá trình tranh đấu của dân tộc Việt-Nam chống ngoại xâm, chống độc tài,
phong kiến và bất công trong thời kỳ cận đại, có một nhà cách mạng trong hàng
ngũ quốc gia mà ít sách báo nói đến một cách đầy đủ đó là cố LS Trần Văn Tuyên
mà cách đây hơn một phần tư thế kỷ đã vĩnh viễn ra đi. Nhân ngày giỗ lần thứ 29
sắp tới, chúng ta nhắc lại thân thế và sự nghiệp của ông để tưởng nhớ đến một
người đã một đời tranh đấu cho dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đau thương
đầy máu và nước mắt của đất nước mà các thế lực ngoại bang từ thực dân, quân
phiệt, đến cộng sản quốc tế đã không ngừng xâu xé. Các cường quyền này đã lợi
dụng sự dại dột, nông cạn và chia rẽ của chúng ta để giết hại chính chúng ta, cả
ở hai miền Nam Bắc.

Hoạt Động Thanh Niên và Văn Hóa

tranvantuyen-large-content













DB Trần Văn Tuyên (giữa) phát biểu trong một cuộc biểu tình trước Quốc Hội
VNCH 

 
LS Trần-Văn-Tuyên sanh ngày 1.9.1913 tại Tuyên Quang, tốt nghiệp trường Bưởi tại
Hà-nội vào khoảng 1930. Ông là một học sinh xuất sắc thi đậu hai bằng trung học
và tú-tài cùng một năm. Trong thời gian học tại trường Bưởi, LS Tuyên đã đoạt
giải nhất về cuộc thi hùng biện tiếng Pháp dành cho các học sinh trên toàn
quốc. Lúc đầu LS Tuyên dự định học ngành Y-Khoa. Sau đó vì ngành này quá tốn kém, ông
chuyển qua học trường Đại-Học Luật Khoa tại Hà-Nội và tốt nghiệp cử nhân Luật
vào năm 1943. LS Tuyên tham gia phong-trào Hướng Đạo (H.Đ.) từ năm 1931. Ba năm
sau ông thành lập thiếu đoàn Đại La tại Hà-Nội. Ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ của
Việt-Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Hoa-Kỳ, đã gia nhập đơn vị này. LS Tuyên và ô. Diễm
từ đó đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Cuộc đời của hai người tiếp tục gắn bó với
nhau qua bao nhiêu biến-cố của đất nước trong năm thập niên kế tiếp. Vào năm
1945, LS Tuyên cùng với các ông Mai-Liệu, Phan Xuân Thiện, BS Nguyễn Tường Bách
[1] thành lập Quốc-Gia Thanh-Niên Đoàn để chống lại thực dân Pháp và chủ nghĩa
Cộng Sản. Ngoại trừ BS Nguyễn-Tường-Bách, những người lãnh đạo Quốc Gia Thanh
Niên Đoàn đều là các cựu huynh trưởng H.Đ. Vào ngày 12.6.1945, LS Tuyên giữ chức
giám-đốc trường Huấn-Luyện Đoàn Trưởng Thanh-Niên Xã-Hội Miền Bắc [2].
LS Trần-Văn-Tuyên là một trong những sáng lập viên của phong trào truyền bá quốc
ngữ và Hội Bình Dân Giáo-Dục vào thập niên 30 để giảm thiểu nạn mù chữ, nâng cao
trình độ văn hóa, ý thức dân chủ, hiểu biết về quyền công dân của một nước độc
lập, chống lại một nền giáo dục nô lệ mà “chế độ thực dân muốn giới hạn tối đa
cho một vài thành phần ân sủng” [3]. LS Tuyên là giáo-sư dậy về Việt Văn, Pháp
văn và toán tại trường trung học tư-thục Văn-Lang và Thăng-Long tại Hà-Nội cùng
với một số đồng nghiệp như các ông Võ-Nguyên-Giáp, Hoàng-Minh-Giám, Phan-Anh,
Phan-Mỹ và Đặng-Thai-Mai. LS Trần-Văn-Tuyên mở văn phòng luật sư tại Saigon cùng
với hai đồng nghiệp Vũ-Văn-Huyền và Nguyễn-Văn-Huệ vào năm 1957. Ông là một
trong những sáng lập viên vào năm 1958 của hội Bách-Khoa Tự-Điển cùng với các
ông Đào-Văn-Tập và Đào-Đăng-Vỹ. Nhóm này được mệnh danh là Nhóm Bách-Khoa
Tự-Điển Nguyễn Du. Ngoài việc hành nghề luật sư, LS Tuyên còn giảng dậy tại các
trường đại-học Đà-Lạt, Huế, Vạn-Hạnh, Chiến-Tranh Chính Trị và Cao Đẳng Quốc
Phòng từ năm 1965 trở về sau.

Tác phẩm văn chương đầu tay của LS Tuyên là cuốn tiểu thuyết “Hiu Quạnh” xuất
bản năm 1944. Sau đó là cuốn tiểu luận “Đế Quốc Đỏ” (1957), tùy bút “Tỉnh Mộng”
(1957), Hồi Ký Hội-Nghị Genève (1954, 1964), tiểu luận “Chánh Đảng” (1967), tập
truyện ngắn “Người Khách Lạ” (1968) [4]. Bản thảo “Khổng-Tử ” dịch từ tiếng
Trung-Hoa bị chính quyền của Tổng Thống Ngô-Đình-Diệm tịch thâu vào năm 1960 rồi
mất tích luôn. Ngoài ra LS Tuyên còn xuất bản hai cuốn sách “Lịch-Sử Việt-Nam”
(1964) và “Cách-Mạng Đi Về Đâu” (1967) nhưng không thấy ghi trong tạp khảo văn
hóa “Việt-Nam Gấm Hoa” của ô. Thái-Văn-Kiểm. Trong các năm 1967-1968, ông đã cho
đăng trên nhật báo Quyết-Tiến xuất bản tại Saigon nhiều bài nghiên-cứu về
tình-hình kinh-tế và chính-trị của hai miền Bắc và Nam rút từ tập khảo-luận nhan
đề “Vận-Mệnh Việt-Nam”. Rất tiếc là trong số sách đã xuất bản, gia đình của LS
Tuyên chỉ tìm lại được cuốn “Hồi-Ký Hiệp-Định Genève 1954″ và tập truyện ngắn
“Người Khách Lạ”. Lối hành văn của LS Tuyên trong các truyện ngắn này rất giản
dị, nội dung mộc mạc, nhưng luôn luôn bao hàm một triết lý về lòng người và tình
đời. Nếu tin rằng văn tức là người, thì khó mà hiểu được rằng qua bộ mặt nghiêm
nghị của LS Tuyên, chúng ta có thể tìm thấy được hai con người vừa đơn giản vừa
phức tạp. Đơn giản ở chỗ không đòi hỏi một đời sống vật chất xa hoa, nhưng quí
trọng sự hồn-nhiên trong sáng, tôn thờ di sản của tiền nhân, thiết tha yêu quê
hương dân tộc, phức tạp ở chỗ muốn có một cái gì tuyệt đối về tinh thần.
“Và ngày ngày, mỗi buổi chiều, tôi tới vườn Diên Hồng ngồi đợi khách.
Nhưng Cách Mạng! Anh còn đây hay đã đi đâu?”.
Đây là hai câu cuối cùng của truyện ngắn “Người Khách Lạ” [5], viết xong vào
ngày 30.10.1965, mở đầu cho tuyển tập mang cùng một nhan đề. LS Tuyên đi tìm một
người khách lạ mang tên là Cách-Mạng vào giữa thập niên 60. Người đó chỉ thấy
hiện lên trong giấc mơ, mà không đến với mình trong thực tại.
LS. Trần-Văn-Tuyên bắt đầu sự nghiệp bằng nghề ký giả. Cùng với ô.
Võ-Nguyên-Gíáp, LS Tuyên xuất bản tờ báo chui và in truyền đơn để chống lại chế
độ thực dân. Bà vợ đầu tiên của ông là bà Trần Thị Phúc [6] giúp chồng phát hành
tờ báo và đi giải truyền đơn trong thành phố Hà-Nội [7]. LS Tuyên là người chủ
xướng tờ báo Sao Trắng của Việt-Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) vào năm 1942. Sau này
ông còn là một ký giả cộng tác với nhiều tờ báo trong nước như Thời-Luận,
Chính-Luận, Quyết-Tiến, Đại Dân-Tộc, Tin Sáng, v.v. trong khoảng 1958-1975 dưới
nhiều bút hiệu khác nhau: Chính Nghiã, XYZ, Trần Côn, v.v. Trong thập niên 40,
LS Tuyên còn dùng bút hiệu Trần-Vĩnh-Phúc. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn rất thông
thạo một số ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng-Đông và tiếng Quan
Thoại. Ngoài các báo Việt ngữ, LS Tuyên còn viết bài cho một số báo Pháp là Le
Monde, l’Express, France – Asie, v.v.

Hoạt Động Chính Trị

Ô. Thái Văn Kiểm trong cuốn Việt-Nam Gấm Hoa đã viết trong bài Tưởng Niệm Liệt
Sĩ Trần-Văn-Tuyên như sau:
“LS Trần-Văn-Tuyên đã hiên ngang đi vào lịch sử bằng cửa lớn. Người đã nêu cao
tinh thần bất khuất của Nguyễn-Thái-Học. Người đã viết lịch sử với máu đỏ lòng
son”. “Với kinh nghiệm bản thân, ông thấu hiểu thế nào là nghèo khổ, đói khát,
thế nào là bất công xã hội, thế nào là áp bức, ngục tù. Vì những lý do đó mà ông
đã hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho Tự-Do, Dân-Chủ, Công Bằng Xã-Hội và An
Sinh cho dân tộc Việt-Nam” [8].

Giai Đoạn Chống Pháp

LS Tuyên bắt đầu sự nghiệp chính trị với sự gia nhập Việt-Nam Quốc Dân Đảng
(Việt Quốc) vào năm 1929 lúc 16 tuổi, một năm trước khi xẩy ra vụ khởi nghĩa
Yên-Bái. Ông tham gia cuộc tranh đấu dành độc lập cho đất nước cùng với những
nhà cách mạng như Nguyễn-Hải-Thần, Nguyễn-Tường-Tam, bị mật vụ Pháp bắt bỏ tù
vào năm 1943 vì tội phá rối trị an, hoạt động chính trị chống sự đô hộ của người
Pháp. LS Tuyên tham chính lần đầu tiên với chức vụ Tri Huyện Hải-Dương, Bắc Việt
vào năm 1944. Khi có vụ tổng khởi nghĩa vào năm 1945, chính cán bộ thuộc
Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh Hội (Việt-Minh) đã mật báo cho ông biết trước để
thoát khỏi một vụ mưu sát do Việt-Minh chủ-trương vì dân chúng trong huyện
Thanh-Miên, tỉnh Hải-Dương và những người cán-bộ này kính phục tài đức của ông.
Đến năm 1946, LS Tuyên tham gia chính-phủ liên hiệp do ô. Hồ-Chí-Minh làm Thủ
Tướng, với chức vụ Đổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao do ô. Nguyễn-Tường-Tam làm
Tổng-Trưởng. Một năm sau ông cùng với các lãnh tụ VNQDĐ khác như Nguyễn-Tường
Tam, Nguyễn Hải-Thần, Vũ Hồng Khanh,v.v. trốn qua Trung-Hoa vì Việt-Minh
chủ-trương liên kết với chính quyền thực dân Pháp để diệt trừ các phần tử
quốc-gia. Ô. Jean Sainteny, Cao-Ủy Lâm-Thời của chính-quyền thực dân Pháp thời
đó đã tiết lộ: “Hồ-Chí-Minh cần dựa vào sự giúp đỡ của nước Pháp một cách hiển
nhiên để củng cố địa vị và diệt trừ các đảng đối lập” [9]. Sau khi Việt-Minh rút
ra khỏi Hà-Nội, LS Tuyên trở về Việt-Nam năm 1948, tiếp tục tranh đấu dành độc
lập cho đất nước, tìm một giải pháp không cộng-sản cho một quốc-gia Việt-Nam.
Tiếp theo cuộc hội đàm giữa chính quyền thực dân Pháp và vua Bảo-Đại tại Vịnh Hạ
Long vào ngày 6.12.1947, LS Tuyên và ô. Lưu-Đức-Trung được vua Bảo-Đại lúc đó
đang lưu trú ở Hồng-Kông cử đi tiếp xúc với các nhân sĩ trong nước để thành lập
một chính-phủ quốc-gia. LS Tuyên giữ chức vụ Tổng-Trưởng Thông-Tin vào năm 1949
trong nội-các của Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, sau đó tham gia vào nội các
Trần-Văn-Hữu (1949-1951) với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ-Tướng. Khi tham gia
hội-nghị Pau để thương lượng với chính quyền Pháp trao trả chủ quyền cho
Việt-Nam, LS Tuyên đã quyết liệt phản đối sự vi phạm trắng trợn các thỏa ước
Pháp đã ký kết. LS Tuyên đã thẳng thắn nói với Cao-Ủy Pháp là Tướng De Lattre de
Tassigny rằng ông ta không có quyền can thiệp vào nội bộ Việt-Nam và yêu cầu ông
này rời khỏi phòng họp nội-các của chính-phủ Việt-Nam. Tướng De Lattre de
Tassigny tức giận ra lệnh trục xuất LS Tuyên ra khỏi Việt-Nam. LS Tuyên đã tuyên
bố:
“Không một người Pháp nào có quyền trục xuất một người Việt-Nam ra khỏi nước
Việt-Nam” [10].
Sau đó LS Tuyên rút ra khỏi nội các Trần-Văn-Hữu. Khi biết tin mật vụ Pháp đang
đi lùng bắt để trục xuất ra khỏi nước và lưu đầy đi qua Mã đảo (Madagascar), ông
trốn vào khu bưng biền Tây-Ninh, liên kết với các giáo phái Cao-Đài và các đảng
phái quốc-gia như Đại-Việt, VNQDĐ, Việt-Nam Phục-Quốc Hội, Dân-Xã Đảng và một số
các nhà trí-thức để lập một mặt trận liên kết chống lại cả Pháp lẫn Cộng-Sản.
Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia ra đời vào năm 1953. Năm sau, Mặt-Trận Liên-Minh
Tổ-Quốc, bao gồm cả hai lực lượng Hòa-Hảo và Bình-Xuyên, được thành-lập.
Bên Lề Hội Nghị Geneva
Năm 1954, sau khi Pháp thua trận Điện-Biên-Phủ, LS Trần-Văn-Tuyên được cử làm Ủy
Viên trong phái đoàn Quốc-Gia Việt-Nam (QGVN) tại hội Nghị Genève. Lúc đầu phái
đoàn QGVN do Ngoại Trưởng Nguyễn-Quốc-Định cầm đầu, sau đó là BS Trần-Văn-Đỗ.
Trong phái đoàn QGVN có hai cựu huynh trưởng H.Đ. là Trần-Văn-Tuyên và
Cung-Giũ-Nguyên. Ở bên trong phòng họp phái đoàn QGVN đã phản đối việc chia đôi
đất nước dù chỉ là tạm thời để chờ một cuộc tổng tuyển cử ở cả hai miền vào năm
1956. Ở bên ngoài, ô. Võ-Thành-Minh thổi sáo bên bờ hồ Leman kêu gọi chấm dứt
chiến tranh trên lãnh thổ Việt-Nam [11]. Ô. Võ-Thành-Minh đã một lần bị
Việt-Minh bắt vì bị nghi là gián-điệp khi ô. Võ-Thành-Minh đi xe đạp từ bắc vào
nam để kêu gọi hoà-bình. Nhờ sự can thiệp của hai bạn Hướng Đạo cũ là các ông
Hoàng-Đạo-Thúy và Tạ-Quang-Bửu, ô. Võ-Thành-Minh đã được thả ra. Chán Việt-Minh,
ô. Võ-Thành-Minh vượt tuyến qua sống trong vùng quốc-gia. Năm 1949 thất vọng với
phe quốc-gia, ô. Võ-Thành-Minh bỏ ra ngoại-quốc. Người ta được biết rằng các ông
Tạ-Quang-Bửu, Trần-Văn-Tuyên và Võ-Thành-Minh đã từng sinh-hoạt trong cùng
Tráng-Đoàn Lam-Sơn tại Hà-Nội. Ô. Võ-Thành-Minh tuyệt thực đòi hai phe Việt-Nam
phải đến gặp mình để hòa-giải. LS Tuyên đã đến thăm ô. Võ-Thành-Minh bên hồ
Leman, nhưng ô. Võ-Thành-Minh từ chối tiếp chuyện vì không có sự hiện diện của
phái đoàn Dân-Chủ Cộng-Hòa Việt-Nam (DCCHVN). Khi được tin đất nước Việt-Nam sắp
bị chia cắt, ô. Võ-Thành-Minh vào Trụ sở Vạn-Quốc định tự vẫn nhưng được cứu
thoát. Sau đó ô. Võ-Thành-Minh bị trục xuất ra khỏi Thụy Sĩ [12].
Hội Nghị Genève cũng là nơi chứng kiến một cuộc hội ngộ của hai cựu huynh trưởng
H.Đ. Việt-Nam một lần cuối cùng trong đời là LS Trần-Văn-Tuyên và KS
Tạ-Quang-Bửu. Thông thường, nhân-viên của hai phái đoàn Việt-Nam không muốn nhìn
mặt nhau. Tuy nhiên trong các phiên họp thâu hẹp của các Ủy-Ban Quân-Sự, các đại
biểu QGVN và DCCHVN đã lịch sự chào nhau. Riêng các ông Tuyên, Bửu và
Hoàng-Nguyên” [13]. có lẽ vì tình anh em Hướng Đạo cũ đã dám bắt tay nhau và
chào hỏi nhau dù rằng chỉ nói có một hai lời ” [14]. Ngồi đối diện nhau trong
bàn hội nghị vì chính-kiến khác biệt, tuy nhiên trong những phút riêng tư họ vẫn
trao đổi một vài câu chuyện với nhau. Ô. Bửu lúc đó là Thứ Trưởng Quốc-
Phòng của Chính-Phủ Cộng-Sản nói với LS Tuyên rằng “Anh Giáp (Tướng Võ Nguyên
Giáp) thường tâm sự với tôi là đời anh có một hối hận rất lớn đó là đã để cho
anh Tuyên vào Nam…” [15]. KS Bửu [16] lớn hơn LS Tuyên có ba tuổi. Một người
sinh ở Nghệ An. Người kia sinh ở Tuyên-Quang. Cả hai đều xuất thân từ hai hai
gia đình nho-giáo. Cả hai đều là học sinh xuất sắc, thông minh vượt bực. Cả hai
là huynh trưởng H.Đ. tham gia vào việc khai sinh và phát triển phong-trào giáo
dục thanh thiếu niên này từ thời kỳ phôi thai. Cả hai đã trở thành các vị đại
trí thức thời đó, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Cả hai cùng có một đời sống thanh
bạch dù cả hai dư phương tiện để sống xa hoa. Về phương diện nghề nghiệp, ô. Bửu
là một kỹ-sư điện, Ô. Tuyên trở thành luật-sư. Cả hai cùng giữ những chức vụ
quan-trọng trong guồng máy chính-quyền [17]. Cả hai cùng liêm chính và cương
trực, cùng yêu nước thương nòi, cùng làm cách mạng, nhưng mỗi người làm cách
mạng một cách khác nhau. Một người chọn con đường cách-mạng vô-sản chuyên-chính.
Người kia chọn con đuờng cách-mạng tư-sản với chủ trương “Dân-Tộc Độc-Lập,
Dân-Quyền Tự Do, Dân-Sinh Hạnh-Phúc”. Cả hai cùng tin rằng con đường của mình đi
sẽ mang lại cho đất nước một nền độc-lập, dân-chủ, tự-do và no ấm.
Hơn 20 năm sau Hội-Nghị Genève, LS Trần-Văn-Tuyên chết đột ngột vào ngày
26.10.1976 trong khi bị giam cầm bởi những người làm cách-mạng vô-sản. Một thập
niên về sau, KS Tạ-Quang-Bửu mất ngày 21.8.1986 trong hoàn cảnh nghèo khổ và bạc
đãi của chế độ vô-sản [18]. Chỉ bốn tháng sau đó, vào cuối năm 1986, ô.
Nguyễn-Văn-Linh Tổng-Bí-Thư của Đảng Cộng-Sản Việt-Nam (CSVN) phát động
chương-trình cải tổ kinh-tế “Đổi Mới”, mặc nhiên chấm dứt cuộc Cách-Mạng Vô-Sản,
nhằm ngăn chặn nạn đói đang làn tràn tại Việt-Nam và trở thành trầm-trọng vào
năm 1985, do sự thất bại của chính sách Nông-Trường Tập-Thể. Đất nước độc-lập,
Nam Bắc thống-nhất, nhưng đa số người dân Việt-Nam còn thiếu tự-do và hạnh-phúc.

Thời Đệ Nhất Cộng-Hòa

Hội nghị Genève chấm dứt. Trở về nước LS Tuyên thành lập Mặt Trận Quốc-Gia
Liên-Hiệp vào năm 1955 để vận động xây dựng một chế độ dân chủ thực sự cho miền
Nam. Ông là người đầu tiên vào năm 1958 kêu gọi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm dân chủ
hóa chính quyền, chống bất công xã-hội, thiết lập các quyền tự do căn bản (ngôn
luận, báo chí, lập hội,…). Trong những năm đầu sau khi về nước chấp chánh, ô.
Ngô-Đình-Diệm đã được lòng dân vì những tiến bộ đạt được trong các lãnh vực kinh
tế và xã hội. Trong những năm kế tiếp, chính sách thiếu sáng suốt của ông, sản
phẩm của một chế độ độc-tài và phong-kiến, đã đưa miền Nam Việt-Nam dần dần đến
chỗ suy sụp về mặt xã-hội, kinh-tế và xáo trộn về chính-trị. Được Tổng-Thống
Diệm mời vào làm Bộ Ngoại Giao sau khi BS Trần-Văn-Đỗ từ chức, nhưng LS Tuyên đã
khước từ vì quan niệm rằng mình không thể hợp tác với một quan lại của
triều-đình Huế mà lại truất phế vua. Ô. Diệm đã một lần được Vua Bảo-Đại định
mời lập chính-phủ vào thời 1945. Sau khi lực lượng viễn chinh Nhật vào ngày
9.3.1945 đảo chính Pháp, tấn công vào các nơi trú quân của Pháp, bắt nhốt các
binh-lính và các viên chức Pháp, Nhật buộc vua Bảo-Đại ly-khai chế-độ bảo-hộ của
Pháp và tuyên bố nước Việt-Nam độc-lập trong Khối Đại-Đông Á của Nhật. Ô.
Ngô-Đình- Diệm, một người thân Nhật, được chọn làm Thủ-Tướng. Nhưng vào phút
chót, Nhật đổi ý và chỉ định ô.Trần-Trọng-Kim, một sử gia, không biết về chính
trị, ra lập nội-các vì ô. Trần-Trọng-Kim ôn-hòa và dễ bảo hơn ô. Diệm [19]. Vào
năm 1954, được sự ủng-hộ của Hoa-Kỳ, ô. Diệm đã được Vua Bảo-Đại mời về nước
chấp chánh. Ngày 23.10.1955, qua một cuộc trưng cầu dân ý, ô. Diệm truất-phế vua
Bảo-Đại và lên làm Tổng-Thống.

Trong những năm 1955-58, tình trạng tài chánh của gia-đình rất eo hẹp, LS Tuyên
phải đi dậy học ở một số trường tư ở Saigon để mưu sinh như trường Hoàng-Việt,
Thăng-Long và Phước Truyền. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông bị công-an bắt
cóc đôi ba lần ngay ngoài đường phố. Có lần xe hơi của ông do tài xế lái, đang
trên đường đi đến trường học của các con, thì bị hai xe khác đi kèm ép sát hai
bên để bắt ngưng lại. Ông chỉ kịp nhắn lại với các con vài lời trước khi bị lôi
đi. Trong giữa thập niên 50 cho đến cuối năm 1963 tại “miền Nam Tự-Do” đã xẩy ra
những cảnh bắt cóc người giữa thanh thiên bạch nhật như vậy. Ô.
Nguyễn-Hữu-Chung, cựu Dân-Biểu trong khối Đối-Lập châm biếm : “Thời ô. Diệm, ô.
Nhu, con thằn lằn ban đêm không dám tắc lưỡi” [20]. Mặc dầu vậy, tháng 4.1959,
LS Tuyên cùng với 17 nhà chính trị độc-lập nổi tiếng của miền Nam như các ông
Lê-Ngọc-Chân, Trần-Văn-Đỗ, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Phan Khắc-Sửu,
Nguyễn-Bảo-Toàn, Trần-Văn-Văn, Nguyễn Lưu Viên họp tại khách sạn Caravelle,
Saigon thành lập nhóm Tự-Do Tiến-Bộ [21] và thảo ra một văn thư gửi cho
Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm để kêu gọi ông dân-chủ hóa guồng máy chính-trị của miền
Nam, thừa nhận đối lập, tôn-trọng dân quyền. Văn thư phản đối chính-sách độc-tài
đàn áp các đảng phái quốc gia đối lập của chính-phủ đương thời [22]. Vì lý do
đó, sau vụ đảo chánh hụt của Đại-Tá Nhẩy Dù Nguyễn-Chánh-Thi vào ngày
11.11.1960, LS Trần-Văn-Tuyên và nhóm Tự-Do Tiến-Bộ bị nghi ngờ dính líu vào vụ
đảo chánh và bị bắt giam. Một số bị đưa ra Côn Đảo, trong đó có cụ
Phan-Khắc-Sửu, một số bị giam tại Trại Võ-Tánh của Tổng-Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia,
trong đó có LS Tuyên [23].

Thời Đệ Nhị Cộng-Hòa

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, chính phủ của Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị lật đổ,
Chế-độ Đệ Nhất Cộng-Hòa chấm dứt. LS Tuyên được thả về. Trong những năm đầu của
nền Đệ Nhị Cộng-Hòa, với chức vụ Tổng-Thư-Ký, LS Tuyên tổ chức lại xứ bộ VNQDĐ
Miền Nam. Cùng trong năm đó LS Tuyên được bầu làm Chủ-Tịch Hội-Đồng Dân-Chính
(1963) và là một đại biểu trong Hội-Đồng Soạn Thảo Hiến-Pháp (1964). LS Tuyên
tham gia vào chính phủ dân sự cuối cùng của Miền Nam (1965) với chức vụ Phó Thủ
Tướng Đặc Trách về Kế Hoạch trong nội các của BS Phan-Huy-Quát với Tướng
Nguyễn-Văn-Thiệu làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Đây là chính-phủ dân-sự duy nhất
của miền Nam sau khi Tổng-Thống Diệm bị lật đổ. Chính-phủ của BS Quát được thành
lập trùng hợp với việc các toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bờ biển Đa -Nẵng vào
ngày 8.3.1965 mà không có sự thỏa thuận trước của chính-phủ Quát. LS Tuyên và
Thủ-Tướng Phan Huy Quát chủ trương chống lại việc mang quân Mỹ vào Việt-Nam nên
chỉ sau 4 tháng cầm quyền, nội các Phan-Huy-Quát bị phe quân nhân của Tướng
Nguyễn-Văn-Thiệu, với hậu thuẫn của Hoa-Kỳ, lật đổ vào tháng 6.1965 [24].
Trong thời gian ngắn ngủi làm Phó Thủ Tướng trong nội các Phan Huy Quát, LS
Tuyên đã công du qua 10 nước Phi Châu và Toà Thánh La-Mã. Phái đoàn Việt-Nam do
LS Tuyên lãnh đạo đã được đón tiếp trọng thể ở mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Joan Paul
VI đã không hạn chế giờ giấc để tiếp chuyện riêng với LS Tuyên. Tổng Thống
Houary Boumedienne của Algeria đã tuyên bố: “Tôi đang tiếp một chiến sĩ cách
mạng cùng chí hướng chống thực dân Pháp với tôi trước đây chứ không phải tiếp
một Phó Thủ-Tướng của một nước. Do đó sẽ không có vấn đề giới hạn giờ giấc và
nghi lễ.” Quốc Vương Haile Selassie của Ethiopia đã tiếp kiến LS Tuyên ba giờ
liền thay vì chỉ có 30 phút như đã dự tính trước. Sau chuyến công du trở về,
Phái đoàn Việt-Nam đã hoàn trả lại cho công quỹ gần 50 ngàn đô la [25].
Trong 11 năm cuối cùng của cuộc đời, LS Tuyên tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền
và dân quyền. Ông sáng lập và làm chủ-tịch Hội Quốc-Tế Bảo Vệ Nhân Quyền, chi
Nhánh Việt-Nam (1967). Cùng năm đó LS Tuyên tham gia vào Hội Luật-Gia Quốc-Tế có
trụ sở tại Genève. Ông còn làm Luật Sư Cố Vấn cho Tổng-Liên Đoàn Lao-Công
Việt-Nam. Năm 1971, LS Tuyên ra tranh cử chức Dân-Biểu quận 3, Saigon. Cuộc
tranh cử vào Hạ-Viện của ông trong thời Đệ-Nhị Cộng-Hòa cũng có nhiều điều đáng
nhớ. Dấu hiệu tranh cử của LS Tuyên là cây thông, một biểu tượng cho tính cương
trực và lòng yêu chuộng tự do. Bích-chương và truyền đơn tranh cử của LS Tuyên
chỉ vọn vẹn có dăm ba chữ. Ông tuyệt đối không chấp thuận bất cứ hình thức mua
phiếu nào. Việc vận động tranh cử cũng được hạn chế thí dụ như không được phép
phát truyền đơn lẻ tẻ từng nhà. Tuy nhiên LS Tuyên đã được sự đắc cử và giữ chức
Dân Biểu Quận Ba từ năm 1971 cho đến 30.4.1975 và được bầu làm trưởng khối
Dân-Tộc Xã-Hội trong Hạ-Viện, đối lập với các chính phủ quân-sự. Các Tướng
Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn-Văn-Thiệu đã từng mời LS Tuyên giữ chức Đại-Sứ tại Anh
quốc, nhưng vì tình hình quốc nội thời đó sôi bỏng ông quyết định ở lại trong
nước dù đã được chính-phủ Anh chấp thuận. Vào ngày 26.4.1975, trong khi lưỡng
viện quốc-hội còn đang bỏ phiếu trao quyền hành-pháp cho Tướng Dương-Văn-Minh để
thành lập chính-phủ lâm-thời thì LS Tuyên đã được Tướng Minh mời giữ chức vụ
Đại-Diện Việt-Nam tại Liên-Hiệp-Quốc, nhưng trong hoàn cảnh dầu sâu lửa bỏng
trong nước, ông cũng đã khước từ lời mời đó.

Từ Hiệp Định Paris 1972/1973 Tới Chiến Dịch Hồ Chí Minh 1975

LS Trần-Văn-Tuyên đã từng giữ nhiều chức vụ trong các tổ-chức hành-pháp quan
trọng hơn chức-cụ dân-biểu. Khi được hỏi, LS Tuyên giải thích rằng quyết định
tranh cử vào quốc-hội nhằm mục đích để tạo một cái thế đối-lập hợp-hiến hợp-pháp
với chính-phủ quân-nhân và để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh chính-trị công
khai với Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam (MTGPMN) mà ông tiên đoán rằng dù muốn hay
không tình hình đất nước đòi hỏi một giải pháp chính trị mà phe quốc-gia bị áp
lực phải công nhận vai trò của MTGPMN trong chính trường của miền Nam. Nhận định
rằng chính sách của các chính-phủ quân-nhân trong thời-gian 1965-1975 đưa đất
nước đến chỗ bất ổn và tình trạng này của Miền-Nam trong năm năm cuối càng trở
nên trầm-trọng hơn. Trong khi đó tại Hoa-Kỳ, phong-trào phản-chiến càng ngày
càng lan rộng với con số thương vong của binh-sĩ Mỹ càng ngày càng cao. Bốn năm
sau khi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà-Nẵng, chính sách của Hoa-Kỳ
đã hoàn toàn thay đổi với quyết định rút quân ra khỏi Việt-Nam bằng mọi giá. Vào
năm 1969, lần đầu tiên số binh sĩ Hoa-Kỳ không tăng lên mà còn giảm đi 60,000
người, xuống còn còn 480,000 người [26]. Sau đó việc giảm quân số tiếp tục. LS
Tuyên tin-tưởng rằng giải pháp trung lập hóa miền Nam là một giải-pháp thực
tiễn, khôn ngoan và khả thi ở thời điểm đó để cứu vớt tình thế, mở đường cho
quân Mỹ rút khỏi miền Nam, tránh sự tàn phá thêm của chiến tranh, tái lập
hòa-bình cho Việt-Nam.
Ngày 28.1.1973 Hiệp-Định Paris được ký-kết đòi hỏi thành lập tại miền Nam
Việt-Nam một chính phủ liên-hiệp gồm ba thành phần: chính-phủ VNCH, chính phủ
Cách-Mạng Lâm Thời của Mặt Trận GPMN và lực lượng thứ ba [27]. Hai năm sau
(1975) giải pháp trung-lập của Pháp mang ra thử nhưng đã quá trễ. Ngày
28.4.1975, sau khi đi dự lễ nhậm chức Tổng-Thống của Tướng Dương-Văn-Minh tại
Dinh Độc-Lập trở về với tư cách Trưởng Khối Đối Lập của Hạ Viện, LS Tuyên đã nói
với một người đồng chí của mình như sau: “Lá bài trung-lập của Trần-Văn-Hữu
không thành, Pháp đã thất bại. Con cờ Dương-Văn-Minh chỉ là ngày giờ! Chuyện lỡ
rồi, bàn cờ đã bị xóa. Chúng ta đã thua trận! Chúng ta là nạn nhân của các siêu
cường vì chúng ta ngu dại! Thật đáng tiếc” [28]. Đây không phải là lần đầu tiên
LS Tuyên chứng tỏ sự hiểu biết về chính trị và thời cuộc. Vào năm 1970, Tướng
Nguyễn-Cao-Kỳ ngỏ ý muốn được giới thiệu ra tranh cử chức tổng-thống, LS Tuyên
đã tuyên bố: “Đây là một trò chơi dân chủ. Mỹ sẽ đưa Nguyễn-Văn-Thiệu lên làm
tổng-thống” [29].
Trong mùa xuân 1972, ba sư-đoàn CSBV đã thử lửa trong cuộc tấn công vào Kontum
từ tháng 4.1972 đến tháng 7.1972 [30] cùng một lượt với cuộc tấn công đại quy mô
vào Quảng-Trị và An-Lộc với tổng-cộng thêm chín sư-đoàn ở hai mặt trận này, một
cuộc trắc nghiệm đầu tiên về kế-hoạch Việt-Nam hóa chiến-tranh, trong khi cuộc
hoà-đàm ở Paris đang tiếp diễn [31]. Năm 1974, nhắc lại chiến-lược của Tướng
Võ-Nguyên-Giáp là ưu-tiên dành quyền kiểm-soát Cao-Nguyên, LS Tuyên báo-động các
giới chức quân-sự là Cộng-Sản Bắc-Việt (CSBV) có thể sẽ đánh Ban-Mê-Thuột. Quả
thật, trận chiến then chốt này thực tế xẩy ra vào 4.3.1975 – 3.4.1975 trong
chiến dịch Tây-Nguyên [32] mở đầu cho sự suy sụp toàn bộ của miền Nam Việt-Nam
vào ngày 30.4.1975. Vào những năm 1952-1954, LS Tuyên đã làm cố vấn về cả hai
phương diện chính-trị và quân-sự cho Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc và tướng Trình
Minh Thế với chức Đại Tá Quân Hàm. LS Tuyên được cử vào trong Ủy-Ban Quân-Sự của
phái-đoàn QGVN tại Hội-Nghị Genève 1954 cũng vì sự hiểu biết quân-sự của mình.
Cuốn sách “Hồi-Ký Hội-Nghị Genève 1954″ của LS Tuyên đã trình bầy rất đầy đủ về
thế trận, vị trí đóng quân và tiến quân của các phe liên hệ.

Tình Bạn Với Tướng Võ Nguyên Giáp

Ô. Võ Nguyên Giáp, xấp xỉ tuổi của LS Tuyên, sinh vào năm 1912 tại làng An Xã,
tỉnh Quảng-Bình, một vùng nghèo nhất nước dưới thời Pháp đô-hộ. Ô. Giáp bắt đầu
học tại trường Quốc-Học Huế vào năm 1924, cùng trường với các ông Hồ-Chí-Minh và
Ngô-Đình-Diệm. Sau khi đậu tú-tài ở Huế, ô. Giáp ra Hà-Nội, học một năm tại
trường Trung-Học Albert Sarraut, rồi sau đó theo học trường Đại-Học Luật Khoa
Hà-Nội và tốt nghiệp cử nhân vào năm 1937. Sau đó Tướng Giáp tiếp tục học thêm
một năm cao-học [33]. Trong khoảng đầu thập niên 40, ô. Võ-Nguyên-Giáp và người
bạn đồng nghiệp Trần-Văn-Tuyên cùng dậy học tại trường Tư-Thục Thăng-Long. Ô.
Giáp chuyên dậy về sử-ký và địa-dư, nhưng lại ham mê đọc sách về quân-sự. Hai
người rất thân nhau vì cùng theo học ngành luật khoa, cùng lý-tưởng chống
thực-dân Pháp. Gia-đình của hai người cũng rất thân nhau, nhưng ô. Giáp không
bao giờ mê hoặc được LS Tuyên về chủ-thuyết vô-sản của Karl Marx. Có một lần ô.
Bùi-Diễm đưa cho LS Tuyên coi cuốn sách Tư-Bản Luận do ô. Giáp cho mượn, LS
Tuyên có nói với ô. Bùi Diễm: “Khó nghe lắm đấy. Chú đọc thì cứ đọc. Cần gì thì
anh giảng cho chú nghe” [34]. Trong lần cuối cùng gập gỡ nhau nhân hội-nghị sơ
bộ với Pháp khai mạc vào ngày 19.4.1946 tại trường Yersin, Đà-Lạt để chuẩn bị
cho hội nghị Fontainebleau, Tướng Giáp thuộc phái đoàn Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa
(Việt-Minh) còn kêu gọi LS Tuyên trở về hợp-tác với ô. Hồ-Chí-Minh. Sau khi bị
từ khước Tướng Giáp còn nói với LS Tuyên một câu bằng Pháp ngữ nguyên văn như
sau : “Alors, tu restes toujours mon ami “. (Dù sao anh cũng sẽ mãi mãi là bạn
của tôi). LS Tuyên và Tướng Giáp vẫn kính mến nhau mặc dù hai người ở hai chiến
tuyến khác nhau. LS Tuyên đã nhắc lại kỷ-niệm đó với một ký giả của tờ báo the
Korea Herald trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9.1972 [35].
LS Tuyên hi-vọng một ngày nào đó sẽ được tiếp Tướng Giáp tại căn biệt-thự trắng
thuê tại 198 đường Hồng-Thập-Tự, trước vườn hoa Tao-Đàn, Saigon. Ước mong đó
không bao-giờ thành. Tướng Giáp không bao giờ bước chân tới căn nhà trắng của LS
Tuyên. Nhưng ông đã nhờ người tới địa chỉ đó để liên-lạc với LS Tuyên. Trong
những năm 1954-1956, sau khi Việt-Nam bị chia cắt ra làm hai miền, Tướng Giáp
vẫn liên-lạc với LS Tuyên qua một vài sĩ-quan trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát
Đình-Chiến. Có lần LS Tuyên nhận được cành đào của Tướng Giáp gửi từ Hà-Nội vào
tặng gia-đình ông nhân một dịp tết. Sau khi Miền Nam thất thủ, Tướng Giáp cử một
sĩ-quan cao cấp vào Saigon đưa thư đề nghị LS Tuyên viết thư cho Bộ Chính-Trị
tại Hà-Nội để khỏi đi học tập cải tạo. LS Tuyên đã cám ơn Tướng Giáp nhưng không
chấp thuận đề nghị của ông. Ít lâu sau, theo lệnh của nhà nước LS Tuyên đi trình
diện để học tập cải tạo và không bao giờ trở lại căn nhà 198 đường Hồng-Thập-Tự
nữa.

Sinh ở Đây Thì Chết Cũng ở Đây

Vào năm chót của nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa, LS Tuyên được bầu làm Thủ-Lãnh Luật-Sư
Đoàn của Tòa Thượng-Thẩm Saigon (1975). Trong những giờ phút cuối cùng các luật
sư đến xin giấy giới thiệu để di tản ra ngoại quốc, LS Tuyên sẵn sàng ký cho họ,
nhưng cũng nói với các đồng nghiệp là mình quyết định ở lại. Bà Trần-Đạm-Phương
theo chồng sống tại Mỹ đã được ít lâu, vào ngày 29.4.1975 điện thoại về để
thuyết phục cha dời Viêt-Nam. LS Tuyên đã trả lời: “Thà chết vì bàn tay của kẻ
thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của bạn bè, của
đồng chí và đồng minh”. Khi ô. Bùi Ngọc Lâm, một đồng chí, cùng hai người con
trai của LS Tuyên là Trần Tử Thanh và Trần-Vọng Quốc đến trao công điện của bộ
Ngoại Giao Hoa-Kỳ xác nhận đã dành đủ chỗ cho cả gia-đình di tản, LS Tuyên đã
khẳng định rằng mình “…không phải là người đi làm bồi cho Mỹ. Sinh ở đây thì
chết cũng ở đây…” Tuy nhiên LS Tuyên cho phép các con được tự do quyết định theo
ý muốn của mỗi người.
Ngày17.6.1975, nhà cầm quyền Hà-Nội đã bắt LS Tuyên vào “trại cải-tạo” tại
Long-Thành. Khi bị bắt buộc viết bản tự kiểm thảo, LS Tuyên vỏn vẹn chỉ viết có
mấy hàng chữ dưới đây:

“Tôi không có tội gì với tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ
là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công”

Khi những hàng chữ này lọt ra ngoài lãnh thổ VN và xuất hiện trên các báo chí
ngoại quốc, Ký giả Theodore Jacqueney trên trang nhất của tờ báo New York Times
ra ngày 17.9.1976 đã gọi LS Tuyên là “Solzhenitsyn của Quần Đảo Ngục Tù Việt
Nam” (Solzhenitsyn of Vietnam’s Gulag Archipelago). Đến ngày 5.10.1975, nhà cầm
quyền Hà-Nội đã đưa LS Tuyên về một trại giam ở Thủ Đức. Đến tháng 4.1976 LS
Tuyên được di chuyển bằng máy bay ra miền bắc và bị giam trong trại Hà Tây sau
này đổi tên là Hà Sơn Bình. LS Tuyên chết đột ngột trong trại giam này vào ngày
26.10.1976. Khi qua Pháp vào tháng 6.1977 để xin viện trợ, Thủ Tướng
Phạm-Văn-Đồng tuyên bố là ô. Trần-Văn-Tuyên vẫn sống và khoẻ mạnh vì sợ công
luận thế giới. Năm 1977, Hội Ân Xá Quốc Tế tuyên xưng LS Tuyên là một tù nhân
lương tâm. Đến ngày 19.5.1978, tòa Đại Sứ Hà-Nội tại Hòa-Lan chính thức trả lời
các tổ chức nhân quyền quốc tế là ô. Trần-Văn-Tuyên đã chết vì băng huyết ở
trong não bộ. Trong số những người chứng kiến và đã mô tả cái chết đột ngột của
LS Tuyên đã di tản khỏi Việt-Nam và đã sống ở hải ngoại là các ông Phan Vỹ,
Thái-Văn-Kiểm [36], BS Trần Vỹ [37] và BS Nguyễn-Văn-Ái [38].

Kết-Luận

LS Trần-Văn-Tuyên đã dành cả cuộc đời của mình để tranh-đấu cho nền độc-lập của
đất nước và quyền tự do và hạnh-phúc của dân-tộc. Một cuộc tranh-đấu bền bỉ,
mãnh-liệt, nhưng lại ôn hòa dựa trên căn bản dân quyền và nhân quyền, lấy ngòi
bút, tiếng nói, diễn đàn quốc-hội và luật-pháp làm công cụ để đấu-tranh. Chỉ
tiếc rằng khi chết đi, ước mộng của ông chưa thành. Sự ra đi của LS Tuyên là một
mất mát to lớn cho tổ quốc Việt-Nam. Ông đã để lại trong lòng mọi người, cả bạn
lẫn thù, một niềm tôn-kính sâu sa. Ông đã đi vào lòng đất mẹ do sự chọn lựa của
chính mình, đã đi theo Nguyễn-Thái-Học và để lại tấm gương oai hùng muôn đời cho
các thế-hệ mai sau. Tác giả xin mượn lời nhắn-nhủ của chính LS Trần Văn-Tuyên
viết trong Hồi-Ký Hội-Nghị Genève 1954 để kết thúc bài tiểu-sử này:
“Nhắc lại quãng lịch-sử quá khứ … tôi mong các bạn nhớ bài học lịch-sử để hiểu
sự việc ngày nay và chuẩn bị công-việc ngày mai, để sẵn sàng ứng phó với những
biến cố lịch-sử “.
 
Nguyễn Quốc Khải
10-2005
Chú thích:

[1] Nguyễn Tường Bách là em của nhà văn Nguyễn Tường Tam, bút hiệu là Nhất Linh
trong nhóm Tự-Lực Văn-Đoàn.
[2] Chính-Đạo Vũ Ngự Chiêu, “Việt Nam Niên-Biểu 1939-1975″, Văn-Hóa, 1996. Cũng
theo tài liệu này, vua Bảo Đại vào ngày 15.6.1945 xuống dụ thành lập Hội-Đồng
Thanh-Niên, chỉ định ô. Hoàng-Đạo-Thúy làm chủ-Tịch, ô. Trần-Duy-Hưng và ô.
Tạ-Quang-Bửu làm Phó Chủ-Tịch.
[3] Nguyễn-Ngọc-Bích, “Trần-Văn-Tuyên và Lý Tưởng Nhân Quyền ở Việt-Nam”, diễn
văn đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm cố LS Tuyên tại George Mason University,
Law School, Virginia, 1996.
[4] Hương-Giang Thái-Văn-Kiểm, “Việt-Nam Gấm Hoa”, Làng Văn, Canada, 1997.
[5] Trần-Văn-Tuyên, “Người Khách La”, Sáng Tạo, Saigon, 1968.
[6] Bà Trần-Thị-Phúc mất năm 1959 tại Saigon. Bà Phạm-Thị-Côn là người vợ thứ
hai của LS Tuyên.
[7] Paul Hendrickson, “The Living and the Dead – Robert McNamara and Five Lives
of a Lost War”, Alfred A. Knopf Publisher, New York, 1996.
[8] Viện Vận-Động Dân-Chủ Cho Việt-Nam, “Tiểu-Sử Trần-Văn-Tuyên”, Washington
D.C., Mùa Đông 1988.
[9] Jean Sainteny, “Histoire d’une Paix Manquée”, Amiot-Dumont, Paris 1954 (t.
171).
[10] Theodore Jacqueney, “They Are Us, Were We Vietnamese”, WorldView April
1977.
[11] Ô. Võ-Thành-Minh bị mất tích trong biến cố Tết Mậu Thân, 1968 tại miền
Trung.
[12] Trần-Văn-Tuyên, “Hồi Ký Hội-Nghị Genève 1954″, Nhà Xuất Bản Chim Đàn,
Saigon, 1954.
[13] Ô. Hoàng-Nguyên làm thông-dịch-viên cho phái-đoàn Dân-Chủ Cộng-Hòa
Việt-Nam.
[14] Xin xem xuất xứ ở chú-thích 10.
[15] Bùi-Ngọc-Lâm, Bút Ký “30 Năm Với Lãnh-Tụ Cách-Mạng Trần-Văn-Tuyên”, Đặc San
Vận-Động Dân Chủ Cho Việt-Nam, Washington, D.C., 1988.
[16] Tôn Thất Thiện, “Anh Tạ Quang Bửu “, Bạch Mã, Cypress – California, 1996.
[17] Ô. Ta Quang Bửu (1910-1986) từng giữ chức vụ Thiếu tướng Quân đäi Nhân Dân,
Thứ trưởng Quốc Phòng và Bộ-Trưởng Bộ Đại-Học.
[18] Thành Tín Bùi Tín, “Hoa Xuyên Tuyết”, Nhà Xuất Bản Nhân Quyền, Saigon
Press, Irvine, California 1991.
[19] Stanley Karnow, “Vietnam : A History” , Penguin Books, New York 1997.
[20] Nguyễn-Hữu-Chung, “Nhớ Anh Trần-Văn-Tuyên”, Báo Tiếng-Chuông, Montreal,
Canada 5.1997.
[21] Báo chí gọi là nhóm Caravelle.
[22] Ô. Bùi-Diễm có mặt trong buổi họp ở khách-sạn Caravelle, tham dự vào việc
soạn thảo nhưng không ký vào lá-thư gửi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm.
[23] Trái với một số tài liệu đã viết sai rằng LS Tuyên bị đầy ra Côn-Đảo.
[24] Bui Diem with David Chanoff, “In the Jaw of History”, Houghton Mifflin
Company, Boston 1987.
[25] Xin xem xuất xứ liệt kê ở chú-thích số 15.
[26] Xin xem xuất xứ ở chú thích 19.
[27] Tiziano Terzani, “Giai-Phong – The Fall and Liberation of Saigon”, St.
Martin’s Press, New York 1976.
[28] Xin xem xuất xứ liệt kê ở chú-thích số 15.
[29] Trích trong diễn-văn của ô. Tạ-Quang-Trung đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20
năm cố LS Tuyên Tuyên được tổ chức tại George Mason University Law School,
Virginia, 1996.
[30] Lý-Tòng-Bá, “Hồi-Ký 25 Năm Khói Lửa, của Một Tướng Cầm Quân Tại Mặt Trận”,
1996.
[31] Xin xem xuất xứ ở chú thích 24.
[32] Văn-Tiến-Dũng, “Our Great Spring Victory – An Account of the Liberation of
South Vietnam”, Monthly Review Press, New York 1977.
[33] Vo-Nguyen-Giap, “The Military Art of People War, Selected Writings of
General Vo-Nguyen-Giap”, edited by Russell Stetler, Monthly Review Press, New
York 1970.
[34] Trích trong diễn văn của ô.Bùi-Diễm đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm cố
LS Tuyên được tổ chức tại George Mason University, Law School, Virginia, 1996.
[35] Korea Herald, September 27, 1972.
[36] Xin coi chú-thích số 9.
[37] P.V. Tran, “Prisonner Politique Au Viet-Nam,1975-1979″ , Editions
L’Harmattan, Paris, 1990.
[38] Văn-Uyên (Nguyễn-Văn-Ái), “Luật Sư Trần-Văn-Tuyên – Tấm Gương Bất Khuất”,
trong Thư Mục Y Giới.
 
CHẾT TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN
Cái chết của LS Trần Văn Tuyên, một phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Thông Tin, một
Giáo Sư Dân Luật Luật Khoa Đại Học Đường Sài Gòn , một Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Sài
Gòn, một Luật Sư tên tuổi và cuối cùng một Dân Biểu Lãnh Tụ Khối Dân Tộc Đối Lập
Hạ Viện VNCH dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, mãi đến bây giờ mới được công bố sự
thật qua ngòi bút hồi ký tả chân và sống động của Cố Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Trần
Vỹ, nguyên Bộ Trưởng Y Tế Đệ I Cộng Hòa, một sáng lập viên Lực Lượng Nhân Dân
Kiến Quốc đối lập với tên đại gian Nguyễn Văn Thiệu, trong đại tác phẩm trường
thiên hồi ký viết bằng Pháp ngữ “Prisonnier Politique Au Việt Nam” (Người Tù
Chính Trị Tạ Việt Nam) mà tôi xin trích dịch hầu độc giả sau đây.
LS Trần Văn Tuyên là Giáo Sư Dân Luật của tôi năm thứ I ở trường Luật khi tôi
còn theo học Y Khoa ở Sài Gòn. Giáo sư thạc sĩ Trần Vỹ là thầy dạy tôi các năm
thứ I, II, III ở Y Khoa Đại Học Đường Sài Gòn về các môn Sinh Lý Học
(Physiologie) và Y Học Thực Nghiệm (Médicine Expérimentale) .
Sau ngày mất nước 30/4/75, cả hai thầy lẫn trò đều phải đem theo “một tháng tiền
ăn” và “đăng ký cải tạo tẩy não” tại trường Trưng Vương để rồi xuống ở tù tại
làng Cô Nhi Long Thành tọa lạc trên Quốc Lộ 15 đi Vũng tàu, cách Sài Gòn 35 cs.
Tại đây, bọn cộng sản đã chia “ngụy quân, ngụy quyền” thành 4 khối: khối 1 gồm
công chức và quân nhân, cao cấp biệt phái từ quận trưởng trở lên, khối 2 gồm Phủ
Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, khối 3 thuộc Cảnh Sát Quốc Gia, và khối 4 thuộc các
Đảng phái “phản động” (nghĩa là không phải cộng sản.)
Thầy Tuyên và tôi thuộc khối 1, ở tại nhà 1 (khối này có tất cả 17 nhà). Thầy
Tuyên lại ở trong tổ 9 do tôi làm tổ trưởng. Còn thầy Vỹ ở tổ 4 (vì thầy đi
trình diện theo diện đảng phái mặc dầu các giáo sư Đại Học Y Khoa Sài Gòn vào
giờ chót đã được miễn đi cải tạo vì chúng nó đang cần chuyên viên để giảng dạy
tại lớp và bệnh viện, nhưng thầy Vỹ đã không thèm hưởng đặc ân đó).
Cuối mùa đông năm 1975, thầy Tuyên và thầy Vỹ và một số lớn khác bị phân tán lên
Thủ Đức để cải tạo khắc khe hơn.
Trong thời gian ngắn ngủi chung sống tại Long Thành với hai thầy (mà tôi đã viết
trong bộ trường thiên hồi ký “Đêm Vượt Biên” sẽ xuất bản) tôi đã có nhiều kỷ
niệm lao tù trong những giờ cuốc đất đào rãnh và xách nước tại nhà bếp. Một
trong những kỷ niệm đẹp đó là tôi đã làm thế cho thầy Tuyên các “lao động nặng”
và xách nước tắm cho thầy Vỹ trong giờ nghỉ.
Khi hai thầy bị đày đi xa, tôi đã mất liên lạc từ đó cho đến ngày vượt biên.
Trước khi từ trần vào đâu 1995 thầy Vỹ đã hoàn thành cuốn sách quý giá nói trên
mà tôi đã được đọc với bao bồi hồi xúc cảm tìm lại được những dư âm trong những
năm nghe thầy giảng bài tại “28 Testard” cũ.
Cuốn sách là một bản cáo trạng tố giác hùng hồn tội ác tày trời của bè lũ tập
đoàn khát máu cộng sản Hà Nội (CSHN). Thầy cũ này đã nhắc đến thầy cũ kia một
cách tình cờ, trong cùng một thời điểm, tại một giao điểm cả hai Thầy đã về nước
Chúa. Chúng tôi mạnh dạn thách đố những ông trong Bộ Chính Trị CSHN nếu có can
đảm hãy trả lời trước công luận thế giới về cái chết phi lý và vô nhân đạo của
Thầy Tuyên. Chúng tôi yêu cầu những người cầm bút chân chính ở hải ngoại hãy
tiếp tay với chúng tôi vạch trần lòng hoang da thú của bọn CSHN thâm độc giết
người không dao.
Với lòng tôn kính tuyệt đối của một người học trò cũ đối với hai vị Thầy khả
kính trọn đời trong tâm khảm, tôi đốt nén hương lòng soi sáng tâm tư để lược
dịch hai khúc phim sống động về một cái chết vô cùng dã man trong lao tù CSHN mà
vô số nạn nhân miền Nam đã trải qua nhưng chưa bao giờ được nhắc tới (!), để
tưởng niệm hai nhà Đại Trí Thức từng bất khuất trước gông cùm bạo lực của bọn
độc tài vô sản chuyên chính. – Phụng Hồng


CHẾT TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN

Nguyên tác: cố Giáo Sư Trần Vỹ
Bản Dịch: Phụng Hồng


[...] Chúng tôi nhất loạt đồng ý rất mau về việc tán thành chỉ định người báo
cáo hôm đó là Trần Văn Tuyên, một cựu luật sư nổi tiếng tài ba xuất chúng rất
quen thuộc đối với chúng tôi.
Tuyên cám ơn tấm thịnh tình tin tưởng của chúng tôi và nói rằng ông rất sung
sướng được có cơ hội để chứng minh cho người cộng sản thấy rằng người trí thức
miền Nam không bao giờ phản bội Tổ Quốc họ, rằng họ đã đấu tranh và giành độc
lập cho Việt Nam theo quan niệm về dân chủ tự do của họ, một quan niệm đánh giá
đúng mức những kẻ khác!
Ba ngày sau đó, Tuyên suy nghĩ nhiều về bản báo cáo của ông ta, ông không đi ra
ngoài trong những giờ nghỉ giải lao, ban đêm thì ông ngồi trong mùng để tiếp tục
viết…
Qua sáng sớm ngày thứ hai đầu tuần, mặc dầu trời lạnh, Tuyên vẫn giữ thói quen
cố hữu là tắm trong một máng chậu lớn đặt cách dãy nhà chúng tôi nằm chục thước,
nơi mà chúng tôi thường làm vệ sinh.
Trước 8 giờ, tên quản giáo phụ trách chính trị cho tất cả mọi người, kể cả những
người bạn ở gian bên cạnh trong cùng dãy nhà với chúng tôi lên lớp và ra lệnh
cho chúng tôi ngồi thành dãy hàng hai người một, trên chiếu của mình. Tôi ngồi
trên chiếc chiếu của tôi, gần bức tường để có thể dựa lưng trong lúc “người
khách được mời của tôi ở phòng kế cận” ám chỉ ông Trần Văn Tuyên, chú thích của
người dịch) lại ngồi gần ở lối đi ở giữa. Tuyên ngồi ở phía bên kia của lối đi
đó, không xa tôi mấy. Ơû đầu cùng, gần cửa đi vào, người ta đã kê một cái bàn
nhỏ trên một tấm vải điều và ba cái ghế. Chừng vài phút sau 8 giờ, một nhóm cán
bộ chính trị bước vào, tên đại diện Bộ Nội Vụ đứng thẳng đàng sau bàn, mời tên
phó giám đốc đặc trách cải tạo của trại ngồi xuống trên cái ghế bên cạnh bàn, ở
phía trái trong lúc những đứa khác thì đến ngồi ở giữa những hàng đầu của những
người bạn chúng tôi. Tên đại diện tuyên bố khai mạc khóa học tập, cám ơn tên
giám đốc trại đã giúp tổ chức lớp học, xong ngồi xuống và bắt đầu nói về những
lợi ích đặc biệt mà Bộ Nội Vũ đã chú tâm đến lớp này, những cố gắng mà Bộ Nội Vụ
đã làm và sẽ làm để giúp chúng tôi hoàn thành tốt công cuộc cải tạo…
Ngay chính lúc đó tôi bỗng chú ý có một vài giao động ở phía bên kia của lối đi
giữa: chắc rằng có một người nào đó vừa té ngất xỉu và những người bạn đang xúm
lại để tiếp cứu. Trong thời gian này, với những cơn lạnh đầu mùa, những người
bạn cải tạo đều quá yếu đuối trầm trọng bởi thiếu dinh dưỡng, thường hay ngã quỵ
mỗi khi phải gắng sức cho dù tối thiểu.
Mãi cho đến bây giờ, điều này đã xảy ra như cơm bữa và quá tầm thường đối với
chúng tôi cũng như những người khác, không có một ngất xỉu nào mà không đưa đến
sự chết chóc! Tên báo cáo viên cứ tiếp tục nói và các bạn tôi và bản thân tôi
tiếp tục nghe một cách lơ đãng; độ năm hay sáu phút sau đó, tôi nhận thấy ở phía
bên kia của lối đi chính, nhóm người tụ lại chung quanh “người bệnh” vẫn tiếp
tục kéo dài. “Chắc phải có một cái gì bất thường đã xảy ra” tôi tự nhủ thầm và
liền rời chỗ tôi ngồi để tới xem xét. Người đó chính là Tuyên đã nằm duỗi thẳng,
nhịp thở hơi đều, nhưng lại không phải là một cơn ngất xỉu, ông ta đang bị hôn
mê trầm trọng! Vì tôi đã biết ông ta bị chứng cao huyết áp, ở Thủ Đức đã nhiều
lần ông ta nhờ tôi đo áp huyết, tôi liền làm một chẩn đoán bệnh ngay tức khắc là
“kích xúc thuyên tắc mạch”. Tôi yêu cầu mọi người thôi đừng thoa bóp ông ta nữa
mà vực ông ta đến cuối phòng, họ liền làm tức khắc và tôi ngồi cạnh Tuyên để
canh chừng: nhịp thở đều nhưng đã thấy bán thân bất toại và phản xạ duỗi thẳng
những ngón chân được ghi nhận rõ rệt. Đối với những tên cán bộ quản giáo, chính
trị của tổ chúng tôi vừa hỏi tôi vì sao lại xảy ra như thế, tôi trả lời là Tuyên
vừa bị vỡ một động mạch nhỏ trong não và phải di chuyển ông ta đi bệnh viện
ngay. Nó bỏ đo không nói gì và một lát sau, y trở lại cùng với một nhân viên y
tế của trại chúng tôi. Tên này lại hỏi lại xem tôi có lầm lẫn trong lúc chẩn
đoán không, tôi xác nhận lại lần nữa rằng tôi quả quyết là đúng chắc, rằng tôi
đã biết hết về bệnh trạng tăng huyết áp của đương sự từ khi còn ở Thủ Đức, rồi
tôi bảo hắn ta lo di chuyển Tuyên đi bệnh viện và trong lúc chờ đợi tôi yêu cầu
hắn cho tôi mượn một máy đo huyết áp. Tên này cũng như tên hồi nãy nghe xong bỏ
đi không nói gì rồi sau một giờ thì trở lại với một ống chích đựng đầy một chất
lỏng trong veo mà nó bảo tôi chích cho Tuyên.
_ Thuốc gì vậy?
_ Sinh tố B 1, hãy chích cho nó!
_ Nhưng không có tác dụng gì công hiệu cả!
_Thì hãy cứ chích cho nó!
Tôi chích xong, nói với y:
_Cán bộ Chính Trị! Hãy đưa người bệnh đi bệnh viện ngay, ở đây ta đành chịu bó
tay, không làm gì được cho ông ta!
_Chúng tôi không được quyền cho ông ta ra khỏi trại!
_Vậy hãy đưa ông ta lên bệnh xá!
_Lại không thể được! Vì không có chỗ! (sự thật thì trại chưa hề có bệnh xá).
_Ở bệnh xá hay bất cứ một phòng nào. Đang còn có tất cả những bạn hữu của tôi ở
đây. Anh không thể để cho họ nhìn thấy ông ta chết!
Tên y tá không trả lời, nó đứng suy nghĩ một lát rồi bỏ đi.
Buổi học tập vừa mới chấm dứt; vả lại chúng nó cũng không thể tiếp tục vào buổi
chiều này hay ngày mai được…. Rất nhiều bằng hữu tiến lại gần chỗ chúng tôi đứng
nhìn một cách buồn thảm người bạn chúng tôi đang nằm mê man, nói vài câu thương
tiếc, rồi giải tán… Đã đến giờ sửa soạn bữa ăn trưa!
Chung quanh Tuyên, chỉ còn lại mình tôi, với độ sáu, bảy người khác, tất cả đều
là cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng cả, Tuyên cũng ở trong đảng này.
Hơn một giờ sau, tên y tá trở lại đem theo hai người tù làm việc chung-sự,
khiêng một cánh cửa thế cái cáng.
“Chúng tôi di chuyển ông ta đi bệnh viện!”, tên y tá nói.
Cùng với những người bạn cũ tôi di chuyển Tuyên trên cái cáng tự chiếc biến, đắp
mền cho ông ta và nhét thêm vài bộ quần áo của ông ta ở bên cạnh; những người
“lo chung sự”nhấc bổng cái cáng lên và chúng đi theo tiễn Tuyên cho đến tận cửa
ra vào mà sau đó cái cáng Tuyên nằm mất hút với tên y tá áp tải.
Tên cán bộ quản giáo của tổ chúng tôi trở lại giữa lúc đó, báo cho chúng tôi hay
rằng chính hắn ta và tên y tá đã lên gặp tên giám đốc trại từ lúc 9 giờ để thông
báo bệnh tình của Tuyên; tên giám đốc liền điện thoại cho Bộ Nội Vụ ngay tức
khắc để xin chỉ thị. Nhưng bộ chỉ cho lệnh di chuyển Tuyên đi bệnh viện Hà Đông
mới cách đây nửa tiếng. Hắn cũng yêu cầu chúng tôi thành lập một tiểu bang gồm
ba người để kiểm kê hành trang cá nhân của Tuyên còn lại trong túi đồ và vali
của ông.
Một trong những người bạn của Tuyên đã cho tôi hay rằng Tuyên có một người con
gái đời vợ trước, ở lại miền Bắc từ 1954 với chế độ cộng sản và hiện là kỹ sư
trong một hãng thầu của nhà nước ở ngay tại Hà Nội. Ngày hôm sau, tên y tá trở
lạiphòng chúng tôi và báo cáo với chúng tôi rằng Tuyên vẫn luôn luôn ở trong
tình trạng hôn mê, tôi đã nói với hắn về người con gái của Tuyên mà tên và địa
chỉ thì rất dễ tìm trong các bản tự khai của Tuyên, về đời sống dân sự và các
người liên hệ trong gia đình; tôi cũng đề nghị với hắn là nên cho cô ta về ở
cạnh đầu giường của Tuyên tại bệnh viện. Cũng như moị lần, hắn không trả lời!
Qua ngày hôm sau, thứ tư, tên cán bộ quản giáo của tổ chúng tôi báo cho chúng
tôi biết rằng Tuyên đã từ trần cùng sáng hôm ấy, lúc 4 giờ sáng và thi hài sẽ
được đem về lại trại buổi chiều. Hắn cũng nói thêm là tên giám đốc trại đã cho
phép chúng tôi cử một phái đoàn gồm 8 người để tham dự vào việc tẩm liệm và chôn
cất. Chúng tôi dành vinh dự ấy cho những đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân
Đảng mà Tuyên là đảng viên. Vào xế trưa, trước 16 giờ, một cai ngục đến tìm tám
thành viên của chúng tôi và dẫn ra khỏi phòng giam; những người này đã trở về
rất muộn, sau giờ giới nghiêm.
Ngày hôm sau, họ đã kể lại cho chúng tôi nghe những gì đã thấy và làm. Họ đã làm
những gì đáng tự hào! Thi hài của Tuyên đã được đem về trại lúc 14 giờ và đặt ở
“nhà hội của những người tù”. Khi họ tới, thi hài đã được đặt trong một cỗ quan
tài đóng bằng gỗ tạp ván không ngay ngắn nhưng dày, đóng ngay sáng hôm đó tại
trại mộc của trại. Canh chân quan tài có một bàn thấp trên đó có để những chén
đựng cát để cắm những nén hương (đã có nhiều cây hương cắm trước đó rồi), hai
chén cơm, một đĩa đựng quả trứng luộc, một đôi đũa tre còn nguyên cắm vào chén
cơm; bên cạnh hòm, còn kê thêm một cái bàn với vài cái ghế chung quanh và trên
mặt bàn, một bình trà và vài tách nhỏ. Một tên cán bộ chính trị, đóng vai kẻ đại
diện gia đình người quá cố đã tiếp đón phái đoàn và hướng dẫn họ đến bên quan
tài; họ nhận thấy rõ một cách dễ dàng gương mặt rất tươi sáng của người quá cố
đơn giản như khi ông nằm ngủ; họ cũng còn thấy rõ thân hình của Tuyên được mặc
bộ đồ lớn Việt Nam bằng lụa; và thi hài được đặt trên một tấm vải “mùng tuyn” mà
hai đầu được xếp lại và bọc trên đầu và tới cuối dưới chân. Họ đứng nhìn Tuyên
lâu lắm, cho đến khi được bảo dịch xa ra để những người “chung sự” phụ trách
chôn cất xáp lại gần, vực hai đầu tấm vải “mùng tuyn” đang úp măt và chân lên và
phủ trên thi thể những áo quần mà chúng tôi đã nhét bên cạnh Tuyên khi ông được
cho đi bệnh viện. Nắp quan tài được đậy lại và đóng đinh. Người ta đã đặt lên
trên hòm chén đựng cát có cắm những cây nhang và bát com với đôi đũa rời và dĩa
đựng cái trứng luộc; ban đại diện chúng tôi thắp những nén hương mới và cúi đầu
vái hai lần trước linh cửu. Tên công an “đại diện gia đình người quá cố” mời họ
ngồi vào bàn bên cạnh và uống trà. Chừng mười phút sau, một chiếc xe vận tải mui
trần đến đổ ngay trước nhà hội, mọi người đứng lên, và sáu “người chung sự”, sau
khi đã cúi lại hai lần trước linh cửu, nhấc bổng quan tài lênvà đặt xuống trên
sàn xe. Những người đại diện của chúng tôi cũng leo lên xe với 6 người ” âm
công” và ngồi chung quanh quan tài; một tên bộ đội đeo súng leo lên xe với họ,
trong lúc một tên khác ngồi đàng trước buồng lái với tên tài xế. Màn đêm đã
buông xuống từ lâu nên bọn chúng phải mang theo một cây đèn bão.s
Chiếc xe vận tải ra khỏi trại và tiến một cách thận trọng trên con đường thật
xấu không trải đá lương khúc quanh co giữa những cánh đồng. Nó chạy rất chậm và
sau gần nửa giờ thì dừng lại ở bên vệ đường. Mọi người xuống xe, xong đến lượt 6
người “âm công” vác trên vai cổ quan tài và đi theo tên bộ đội đi trước cầm cây
đèn bão; ban đại diện chúng tôi đi theo sau quan tài với tên bộ đội đeo vũ khí
kia. Sau khi vượt một quãng đường khá dài băng qua giữa ruộng lúa, những người
này đến tại một thửa đất hơn cao và ở đó, giữa những nấm mồ khác, có sẵn một cái
huyệt mà những “âm công” đã đào trước từ sáng hôm đó. Họ hạ quan tài xuống huyệt
và lấp đất lên trên làm thành một mô đất nhỏ. Những người trong ban đại diện
chúng tôi kính cẩn nghiêng mình nhiều lần trước mộ, những người “âm công” cũng
làm theo như thế. Xong những người này chia nhay bát cơm và quả trứng mà họ đã
đặt một lát ở trên mộ…Đó là đồng tiền lương đền bù lại công lao của họ!
Sau câu chuyện này do những người bạn trong ban đại diện kể, tất cả chúng tôi
đều nhận thức rằng ban giám đốc trại đã biểu lộ chút ít tình cảm kính trong cái
chết của đồng đội chúng tôi : một cổ quan tài, vài phẩm vật cúng dường, đôi nén
hương, một thằng tù chính trị trong một nước cộng sản không thể hy vọng có được
nhiều hơn thế được nữa khi chết đi!
“Ước gì những tên cộng sản vô thần tôn trọng truyền thống tinh thần cổ truyền
của chúng ta. Đó là điều không thể tưởng tượng được và …đáng khâm phục!”
Nhưng một người khác cũng nói thêm vào:
“Chắc có lẽ để cho phép chúng mình hưởng lợi những đặc ân của chúng sau khi chết
mà chúng nó đã ban phát cho chúng mình Đói và Lạnh chăng?”
Sự mâu thuẫn kỳ dị này giữa những nghi thức tôn giáo cổ truyền và những điều
kiện về đời sống bần cùng của những tù cải tạo đã đưa đến một thảm cảnh phũ
phàng nhưng cảm động kinh khủng mà tôi đã chứng kiến vài tháng sau đó: Một buổi
trưa, khi đi lên bệnh xá để xin thuốc cho các bạn tôi, tôi đã thấy tận mắt, cách
vài thước trước lối đi vào, một người tù trong ban chung sự gầy ốm teo giơ
xương, đang ngồi ngay trên đất bụi, không ngớt kêu nài van xin bằng giọng ai
oán:
“Cán bộ chính trị ơi! Ôi cán bộ chính trị! Hãy thương hại tôi! Hãy cho tôi ngay
bây giờ đi bát cơm và quả trứng mà ông sẽ đặt lên quan tài của tôi sau này…”
(Trích dịch từ tác phẩm Prisonnier Politique Au Việt Nam, trang 104 – 109)

Tác giả: BS Trần Vỹ
Dịch giả: Phụng Hồng

Nguồn: nhabaovietthuongblocspot.com/2009/07

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn