Triển Lãm và Hội Thảo về Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn * Nguyên Huy & Hà Giang/Người Việt

25 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 72126)
TuLucVanDoan
WESTMINSTER (NV) – Hơn 200 người đã đến, và hầu như toàn bộ đã ở lại đến phút chót, trong ngày đầu tiên của chương trình hội thảo về Phong Hóa-Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn, và những người chủ trương – những người đã có ảnh hưởng không nhỏ lên mọi mặt đời sống Việt Nam cách đây 80 năm. 
Th%E1%BA%BF+h%E1%BB%87+H%E1%BA%ADu+du%E1%BB%87+c%E1%BB%A7a+nh%C3%B3m+T%E1%BB%B1+L%E1%BB%B1c+V%C4%83n+%C3%90o%C3%A0n
Hậu duệ của thế hệ Tự Lực Văn Đoàn trong ngày hội thảo tại Nhật Báo Người Việt. Từ trái: Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang (con trai nhà văn Thạch Lam), nhà văn Doãn Quốc Sĩ (con rể nhà thơ Tú Mỡ), ông Trần Khánh Triệu (con nuôi nhà văn Khái Hưng), nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà văn Thế Lữ), nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất Linh), bà Minh Thu (con gái nhà văn Hoàng Đạo). (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Đúng 10 giờ 30 sáng ngày 6 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, hai vị, nhà văn Doãn Quốc Sĩ và con trai trưởng của nhà văn Nhất Linh, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Việt, cắt băng khai mạc triển lãm và bắt đầu chương trình hội thảo.
Dọc theo các bức tường của phòng sinh hoạt, khách tham dự thích thú lần theo hai bức tường lớn để nhìn lại được những dấu tích của một thời văn học lớn, ảnh hưởng đến không chỉ văn chương nghệ thuật sau này mà còn làm thay đổi sâu rộng đến nếp sống trong xã hội Việt Nam thời kỳ “tiền thức tỉnh.”
Trong căn phòng này, khách tham dự có thể được xem thủ bút của nhà văn Nhất Linh và những họa phẩm, phụ bản lừng danh của các họa sĩ lớn trong ngành hội họa thời Tự Lực Văn Đoàn. Khách cũng có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh của báo Phong Hóa, những tác giả và tác phẩm lừng danh của Tự Lực Văn Đoàn, những khai phá của báo Phong Hóa & Ngày Nay về y phục của phụ nữ Việt Nam, về âm nhạc, kịch nghệ và chương trình “Nhà Ánh Sáng” để cải tiến cuộc sống của người dân nghèo.
Mở đầu hội thảo, nhà văn Doãn Quốc Sĩ đăng đàn kể những kỷ niệm về nhạc phụ của mình, là nhà thơ trào phúng lừng danh một thời, Tú Mỡ.
Chuyện kể của nhà văn Doãn Quốc Sĩ khiến khán thính giả vui thích không nén được những tràng cười liên tục khi ông kể về lễ Tơ Hồng của ông với ái nữ của nhà thơ trào phúng. Ông vốn là một thanh niên đã theo Tây học nên khá “lớ ngớ” trước bàn thờ gia tiên cần đến những thủ tục nghi lễ truyền thống. Nhưng rất may, “mọi chuyện đều qua được và trở thành giai tế của nhà thơ trào phúng lừng danh.”
Nhà văn Doãn Quốc Sĩ cũng cho biết Tú Mỡ không phải chỉ làm thơ trào phúng mà còn có một số bài thơ tình cảm được nhiều người nhắc nhở, như bài “Khóc Người Vợ Hiền” rất cảm động. Tú Mỡ tuy sống trong chế độ cộng sản, nhưng ông không hề vào đảng.
Nếu cử tọa khúc khích cười, mà vẫn thấm thía về hình ảnh thật sống động của buổi giao thời, qua lối nói chuyện dí dỏm của nhà văn Doãn Quốc Sĩ về nhạc phụ mình, qua bài thơ “Tú cưỡi xe bình bịch”:
“Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch
Máy nổ vang sình sịch chạy như bay
Bóp còi toe như quát tháo giương vây
Khách đường cái vội rãn ngay tăm tắp
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp
Một thứ xe chậm chạp hiền lành
Trên đường dù chuông bấm liên thanh
Khách đủng đỉnh làm thinh không chịu tránh…”
Thì họ cũng ngậm ngùi, xót xa khi nghe tâm sự của Giáo Sư Trần Khánh Triệu về kỷ niệm với cha nuôi là nhà văn Khái Hưng. Nhất là cảnh “con tiễn cha,” hình ảnh cuối cùng của cậu bé Trần Khánh Triệu nhớ về “papa” của mình: “Thế rồi bố cứ đi đi mãi về phía cuối sông Hồng. Bố thì thiểu não gầy gò, bên cạnh người công an lực lưỡng. Tôi thất thểu bước về mà không biết bố có nhớ ăn mấy trái cam và đọc bài kinh khổ mẹ gói cho hay không.”
IMG_3987
Hơn 200 người đã đến tham dự và lưu lại đến phút chót của ngày hội thảo đầu tiên, 6 Tháng Bảy, 2013. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Những thanh niên ưu tú nhất của thời ấy, những khuôn mặt trẻ cùng quan tâm đến xã hội, đất nước ấy, đã dồn hết tâm trí và con tim của mình vào tờ Phong Hóa-Ngày Nay, và dùng tờ báo như một phương tiện để phát động và đẩy mạnh được một phong trào cách mạng xã hội toàn diện, nâng sinh hoạt của người dân Việt Nam đến gần hơn với xã hội văn minh.
Chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng của họ lên trang phục phụ nữ thời ấy. Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, người đã dùng tài vẽ của mình để thiết kế nhiều kiểu áo dài tân thời cho phụ nữ Việt Nam đương thời. Nhưng không phải chỉ là áo dài, mà còn là quần, là giày, là áo lót, là phép vệ sinh, là cách sống sao cho phụ nữ Việt Nam được góp mặt với đời về cả phương diện dung nhan lẫn trí tuệ. Phải đọc nhiều bài viết và xem các kiểu mẫu y phục của ông được đăng trên Phong Hóa-Ngày Nay mới hiểu được ảnh hưởng của tờ báo lên xã hội thời đó!
Về âm nhạc, diễn giả Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết tờ Phong Hóa-Ngày Nay cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền tân nhạc Việt Nam. Ông kể rằng những bài nhạc được xem là những bài tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, sau khi được đăng trên báo Phong Hóa-Ngày Nay vào Tháng Chín năm 1938 và mỗi tuần sau đó đã tạo hứng khởi sáng tác cho giới yêu nhạc, thời đó mới chỉ dịch nhạc Pháp để thưởng thức.
Không chỉ nói về những bài nhạc, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn cho cử tọa thưởng thức nhiều bài nhạc như Chào Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát, Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh, qua phần trình diễn của các ca sĩ nghiệp dư.
Bộ môn kịch nói cũng được nhóm Tự Lực Văn Đoàn, khởi đầu là nhà văn Thế Lữ, người bị bộ môn này thu hút trước nhất, đẩy mạnh.
Bằng một lối nói chuyện hết sức nhẹ nhàng mà lôi cuốn, nhà văn Phạm Thảo Uyên, con dâu nhà văn Thế Lữ, nói về việc phát triển môn kịch nói của nhóm Tự Lực Văn Đoàn: “Thanh niên say mê kịch nói sau này đông lắm, không chỉ có Thế Lữ, nhiều người không ở nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng thích kịch nói.”
Sự thành công của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong việc phát triển bộ môn kịch nói không phải chỉ nhờ họ có tờ báo trong tay, mà còn là vì mọi thành viên đều đóng góp. Nếu Thạch Lam, Khái Hưng có những bài phê bình kịch rất được nhiều người ưa chuộng thì các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân của tờ Phong Hóa-Ngày Nay cũng góp phần bằng cách xăn tay áo vẽ phông, thiết kế sân khấu, may trang phục.
IMG_4894
Các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn được dịch sang tiếng nước ngoài trong buổi triển lãm tại Nhật Báo Người Việt. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Trong phần hội thảo buổi chiều, họa Sĩ Ann Phong trình bày những cái hay, cái đẹp qua những hình vẽ, màu sắc bố cục trong tranh trên báo Phong Hóa-Ngày Nay. Ann Phong nhận định tranh trên các báo Phong Hóa-Ngày Nay đều tạo ra một sức sống, nhìn biết ngay là sức sống của người Việt Nam. Những nét trào phúng trong tranh đi thẳng vào những cảnh sống, cuộc đời đáng chê trách trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chẳng kể đến ai, đến giai cấp nào, dù là quyền quý, thế lực. Về nghệ thuật thì bức nào các tác giả cũng thể hiện được điểm chính của bức tranh mà tác giả muốn gửi đến cho người xem tranh. Đó là một nghệ thuật đòi hỏi khả năng thực sự của họa sĩ.
Ann Phong nhấn mạnh: “Cái Đẹp của tranh trên báo Phong Hóa-Ngày Nay là cái Ý trong tranh mà đường nét, màu sắc dù chỉ là đen trắng cũng đã dẫn dắt được người xem.” Sau cùng Ann Phong đưa ra một vài hình ảnh của báo chí Mỹ, Nhật, Trung Hoa lúc bấy giờ để mọi người so sánh với Phong Hóa-Ngày Nay. Kết luận: “Không thua kém một báo nào của ngoại quốc.”
Nhà báo Đỗ Quý Toàn thì trình bày một vấn đề không phải là văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Đó là “Phong Trào Nhà Ánh Sáng” do Hoàng Đạo và Tự Lực Văn Đoàn chủ trương.
Vấn đề này quả thật từ trước đến nay, nói đến Tự Lực Văn Đoàn, ít ai đề cập đến. Theo nhà báo Đỗ Quý Toàn thì phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn do Hoàng Đạo trực tiếp trông coi đã nhanh chóng trở thành một phong trào mạnh mẽ và rộng lớn từ Bắc đến Nam. Điều đó cho thấy xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vào đầu thập niên 30s là một xã hội đang thức tỉnh, mọi người đều mong muốn người dân cải thiện được mức sống nghèo nàn lạc hậu; hậu quả của hơn 80 năm bị người Pháp đô hộ. Mục đích của phong trào Nhà Ánh Sáng là nhằm chỉ bảo cho người dân biết cách sống vệ sinh và giúp đỡ gia đình nghèo cải thiện được sự sống tối tăm của mình.
Phong trào đã thu hút được rất đông giới trí thức, nhân sĩ như Vũ Đình Hòe, Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu và cả các phụ nữ nữa, như bà Vũ Ngọc Phan, bà Trịnh Thị Thục Oanh, Đốc Học Hà Nội… tham gia.
Diễn giả cuối cùng của ngày đầu hội thảo là cô sinh viên người Nhật, Aki Tanaka. Cô là sinh viên khoa ngoại ngữ của Đại Học Tokyo, từng sống 13 năm tại Việt Nam, và nói tiếng Việt khá nhuần nhuyễn. Cô Tanaka cho biết cô từng ở Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Nguyên nhân cô được biết đến Tự Lực Văn Đoàn là do nhà thơ Huy Tưởng, một láng giềng của cô ở Saigon, cho mượn những cuốn truyện của Tự Lực Văn Đoàn với lý do là “nếu muốn giỏi tiếng Việt thì nên đọc Tự Lực Văn Đoàn vì tiếng Việt rất chính xác.” Cô đọc thử và thấy dễ đọc, rồi mê ngay.
Khi thầy dạy của cô giảng về tác phẩm “Đời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh, cô được phân công dịch sang tiếng Nhật một phần nên càng có dịp tìm hiểu thêm về Tự Lực Văn Đoàn. Cô nói :”Đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn bao giờ cũng khiến tôi thèm muốn quay ngược về thời 1930 để gặp và nói chuyện với các thành viên trong nhóm TLVĐ, cũng như để tiếp xúc văn hóa thời đó.”
Kết thúc phần phát biểu của mình, cô cho biết là “sau khi tham dự cuộc hội thảo này, kiến thức của tôi về Tự Lực Văn Đoàn đã được tăng lên rất nhiều.”
Kết luận của Aki Tanaka cũng là kết luận của một số lớn khách tham dự cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày này về Tự Lực Văn Đoàn. Hơn nữa, đối với người Việt Nam, Tự Lực Văn Đoàn không chỉ là một giai đoạn văn chương học thuật được đại chúng hóa mà còn là giai đoạn lịch sử người dân Việt được đánh thức bằng văn chương nghệ thuật sau khi các cuộc vận động chính trị, bạo động của thế hệ Nguyễn Thái Học đã không thành công.
HÌNH ẢNH NGÀY KHAI MẠC TRỂN LÃM VÀ HỘI THẢO BÁO PHONG HÓA NGÀY NAY VÀ VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
C%E1%BA%AFt+b%C4%83ng+khai+m%E1%BA%A1c+ph%C3%B2ng+tri%E1%BB%83n+l%C3%A3m+v%C3%A0+h%E1%BB%99i+th%E1%BA%A3o.+T%E1%BB%AB+tr%C3%A1i;+Nh%C3%A0+v%C4%83n+Do%C3%A3n+Qu%E1%BB%91c+S%E1%BB%B9+%28%C4%91%E1%BA%A1i+di%E1%BB%87n+nh%C3%A0+v%C4%83n+T%C3%BA+M%E1%BB%A1;+nh%C3%A0+v%C4%83n+Ph%E1%BA%A1m+Ph%C3%BA+Minh+%28Tr%C6%B0%E1%BB%9Fng+ban+t%E1%BB%95+ch%E1%BB%A9c%29;+nh%C3%A0+v%C4%83n+Nguy%E1%BB%85n+T%C6%B0%E1%BB%9Dng+Vi%E1%BB%87t+%28con+trai+tr%C6%B0%E1%BB%9Fng+nh
Đại điện Ban tổ chức và gai đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn cắt băng khai mạc phòng triển lãm
IMG_3658
Giáo sư Trần Ngọc Ninh đang xem tranh biếm họa của Tú Mỡ
IMG_3678
Quan khách ngoại quốc đến xem triển lãm
IMG_3776
Từ trái: nhà văn Phạm Phú Minh, trưởng ban tổ chức; nhà văn Nguyễn Tường Việt, trưởng nam nhà văn Nhất Linh; nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đại diện cho gia đình nhà văn Tú Mỡ
IMG_3798
IMG_3812
Nhà văn Doãn Quốc sỹ,
IMG_3830
IMG_3833
IMG_3844
Nhà văn Phạm Thảo Nguyên đại diện gia đình Thế Lữ
IMG_3865
Giáo sư Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản:
Tự Lực Văn Đoàn và Văn học Cận đại Việt Nam.
IMG_3939
Nhà văn Đặng Thơ Thơ
IMG_3967
IMG_3979
IMG_3987
Quang cảnh phòng hội ngày đầu tiên, 6 tháng 7, 2013
IMG_4008
GS Nguyễn Hưng Quốc, đến từ Úc châu
IMG_4025
Nhà văn Phạm Quốc Bảo
IMG_4084
IMG_4119
IMG_4270
GS Lê Văn Khoa
IMG_4278
IMG_4347
Bà Kiều Loan, ái nữ của cố thi sĩ Hoàng Cầm
IMG_4433
Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng
M%E1%BB%99t+c%E1%BA%A3nh+tr%C3%ADch+%C4%91o%E1%BA%A1n+k%E1%BB%8Bch+do+th%E1%BA%A7y+Nguy%E1%BB%85n+L%C3%A2n+tr%C3%ACnh+di%E1%BB%85n+t%C3%A1c+ph%E1%BA%A9m+
Nguyễn Lân trong trích đoạn kịch “Hận Nam Quan”
Quan+kh%C3%A1ch+ngo%E1%BA%A1i+qu%E1%BB%91c+tham+d%E1%BB%B1
Quang+c%E1%BA%A3nh+ng%C3%A0y+%C4%91%E1%BA%A7u+ti%C3%AAn+tri%E1%BB%83n+l%C3%A3m+v%C3%A0+h%E1%BB%99i+th%E1%BA%A3o+v%E1%BB%81+b%C3%A1o+Phong+H%C3%B3a+Ng%C3%A0y+Nay+v%C3%A0+T%E1%BB%B1+L%E1%BB%B1c+V%C4%83n+%C3%90o%C3%A0n
Quang+c%E1%BA%A3nh+ng%C3%A0y+%C4%91%E1%BA%A7u+ti%C3%AAn+tri%E1%BB%83n+l%C3%A3m+v%C3%A0+h%E1%BB%99i+th%E1%BA%A3o+v%E1%BB%81+b%C3%A1o+Phong+H%C3%B3a+Ng%C3%A0y+Nay+v%C3%A0+T%E1%BB%B1+L%E1%BB%B1c+V%C4%83n+%C3%90o%C3%A0n_1
Quang+c%E1%BA%A3nh+ng%C3%A0y+%C4%91%E1%BA%A7u+ti%C3%AAn+tri%E1%BB%83n+l%C3%A3m+v%C3%A0+h%E1%BB%99i+th%E1%BA%A3o+v%E1%BB%81+b%C3%A1o+Phong+H%C3%B3a+Ng%C3%A0y+Nay+v%C3%A0+T%E1%BB%B1+L%E1%BB%B1c+V%C4%83n+%C3%90o%C3%A0n_3
TuLucVanDoan_2
Hậu duệ của thế hệ Tự Lực Văn Đoàn trong ngày hội thảo tại Nhật Báo Người Việt.
Từ trái: Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang (con trai nhà văn Thạch Lam), nhà văn Doãn Quốc Sĩ (con rể nhà thơ Tú Mỡ), ông Trần Khánh Triệu (con nuôi nhà văn Khái Hưng), nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà văn Thế Lữ), nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất Linh), bà Minh Thu (con gái nhà văn Hoàng Đạo). (Hình: Triết Trần/Người Việt)
===========================
Tự Lực Văn Đoàn, nền tảng của văn học hiện đại Việt Nam Sunday, July 07, 2013 7:14:19 PM Hội Thảo Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
Hà Giang & Nguyên Huy/Người Việt
 
WESTMINSTER (NV) - Hội Thảo về Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn bước sang ngày thứ hai, nói về, và cũng để tái khẳng định, vai trò tiên phong của Tự Lực Văn Đoàn đối với thơ văn Việt Nam. Mở đầu buổi hội thảo, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út nhà văn Nhất Linh, ngỏ lời cảm tạ ban tổ chức, tất cả đồng hương đến tham dự buổi hội thảo, được tổ chức đúng vào ngày giỗ của Nhất Linh, mà ông xem như một lễ tưởng niệm trang trọng nhất cho thân phụ.
168982-kawaguchi-400
GS Kawaguchi: “Đóng góp lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Đoàn.” (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Rồi tâm tình với cử tọa về hành trình “Đi Tìm Nhất Linh” của mình, nhà văn Nguyễn Tường Thiết mở lời: “Cách đây đúng 60 năm, cũng vào một buổi trưa Chủ Nhật như trưa nay, bố tôi tâm sự với người con trai út của mình rằng công việc tốt đẹp nhất, đóng góp lớn nhất của ông cho đời là việc thành lập Tự Lực Văn Đoàn.”

Hành trình đi tìm Nhất Linh, với ông, là một hành trình dài và lặng lẽ, vì khi “muốn tìm hiểu thì cha đã không còn trên dương thế.”

Sự kiếm tìm miệt mài, cuối cùng đã đưa đến cho nhà văn Nguyễn Tường Thiết một kết quả hài lòng, tạm trả lời được câu hỏi tại sao một con người đa tài như thân phụ của ông, đã bỏ một cuộc sống có thể sung túc hơn nhiều, gác một bên trách nhiệm gia đình, để chọn hướng đi “canh tân đất nước bằng văn hóa,” theo đuổi vẻ đẹp cao cả của cách mạng, làm cho cuộc đời đẹp lên - đời ông và đời của tất cả bao người khác.

Bài nói chuyện của Nguyễn Tường Thiết chấm dứt trong tràng vỗ tay vang dội, và cử tọa cùng nhau đứng lên trong một phút mặc niệm Nhất Linh.

Hình ảnh của nhà văn Hoàng Đạo trở nên gần gũi hơn khi mọi người được nghe Giáo Sư Minh Thu, con gái đầu lòng của ông, kể lại những kỷ niệm gia đình với cha mình, một người mà theo bà, bị nhiều người cho là “dè dặt lạnh lùng” nhưng với gia đình rất vui vẻ, thân thiết.

Tương tự như hoàn cảnh của Giáo Sư Trần Khánh Triệu, con nuôi nhà văn Khái Hưng, lần cuối Giáo Sư Minh Thu gặp thân phụ là lần bà chứng kiến dịp cha mẹ mình chuyện trò trước khi nhà văn Hoàng Đạo lên đường đi lo việc nước.

Bà Minh Thu tâm sự: “Hôm ấy, nhìn vào khuôn mặt ba trong gương, tôi không ngờ là ông không bao giờ trở về nữa. Chuyến tàu Hồng Kông-Quảng Châu đưa ông ra đi với tôi luôn là một điều bí ẩn.”

Phần nói chuyện của Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai út nhà văn Thạch Lam về bố có lẽ làm mọi người xúc động nhất: “Nói về cha với tôi là một điều thật khó, vì khi ông mất tôi mới có ba ngày tuổi” và “là một đứa trẻ mồ côi, tôi không biết mình thương bố hay không thương bố nữa.”

Cử tọa cảm thương hơn khi Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang tâm sự rằng trước khi ông ra đời, cha ông đã bị lao phổi nặng, và một người xem tử vi đoán rằng nếu mẹ ông hạ sinh con gái thì chồng sẽ khỏi, còn nếu sinh con trai thì phải lo chuyện tang ma vì “đứa con này khắc cả cha lẫn mẹ.”
168982-nguyenTuongThiet-400
Ông Nguyễn Tường Thiết cảm động về phát biểu của nhà thơ Trần Mộng Tú, nói về thân phụ ông, nhà văn Nhất Linh. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Vì không có kỷ niệm với cha, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang đã mượn bài viết “Bố Tôi - Thạch Lam” của chị ruột là bà Tường Nhung để kể vài nét về nhà văn vắn số Thạch Lam, qua đời lúc mới 32 tuổi.

Phần thảo luận bước qua không khí của một giảng đường với bài thuyết trình hoàn toàn bằng tiếng Việt của Giáo Sư Kawaguchi Kenichi. Ông Kawaguchi học tiếng Việt từ năm 1990, giảng viên môn Văn Hóa và Văn Học Việt Nam tại đại học Ngoại Ngữ Tokyo, cũng là người dịch tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, và Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, qua Nhật ngữ.

Đánh giá vai trò của Tự Lực Văn Đoàn trong Văn Học hiện đại Việt Nam, Giáo Sư Kawaguchi khẳng định: “Những nhà văn đóng góp công lao lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có thành viên Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.”

Giáo Sư Kawaguchi đánh giá cao lối dựng chuyện rất đặc trưng trong tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, nhưng cho rằng tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân mới là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Về nhà văn Nhất Linh, Giáo Sư Kawaguchi cho rằng tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là cuốn “Đoạn Tuyệt,” qua đó, sự đối lập và xung đột tư tưởng giữa mới và cũ được miêu tả sống động qua hai nhân vật Loan và Dũng.

Giáo Sư Kawaguchi chấm dứt bài thuyết trình bằng cách nhắc lại vai trò quan trọng của Tự Lực Văn Đoàn trong văn học hiện đại Việt Nam.

Uyên bác nhưng không kém phần dí dỏm, lôi cuốn là phần trình bày của Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư Đại Học Victoria, tại Melbourne, Australia với đề tài “Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn.”

Đồng ý với nhận định của Giáo Sư Kawaguchi, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc khẳng định rằng từ năm 1932 đến năm 1940, nhóm Tự Lực Văn Đoàn “gần như đóng vai trò thống trị” trên văn đàn Việt Nam vì năm lý do chính, hay năm đóng góp lớn nhất của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn học Việt Nam.

Thứ nhất, dưới thời Tự Lực Văn Đoàn, giới viết văn làm thơ mới bắt đầu kiếm sống được bằng tác phẩm của mình, và nhờ đó có điều kiện ngày càng trau dồi nghề nghiệp, liên tục tạo ra phong cách mới cho ngòi bút.

Tự Lực Văn Đoàn cũng đã nâng nghệ thuật tiểu thuyết lên thành những gì có giá trị tồn tại bằng cả kỹ thuật lẫn ý tứ.

Việc “quảng bá và đưa thơ mới đến vị trí toàn thắng” là đóng góp thứ ba của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Việc đề cao vai trò cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân là đóng góp thứ tư.

Nhưng đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của Tự Lực Văn Đoàn, theo Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, là công trình nâng cao trình độ văn xuôi của Việt Nam, một đóng góp mà ông cho là “tất cả những ai cầm bút thời nay đều phải mang nợ.”

Tại sao, vì trước thời Tự Lực Văn Đoàn, văn xuôi miền Bắc thì “nặng nề với chữ Hán” và văn xuôi miền Nam thì “ngô nghê như kể chuyện.” “Chỉ đến thời Tự Lực Văn Đoàn mới có lối viết văn trong sáng giản dị, bớt cả nặng nề lẫn ngây ngô.”

Ông kết luận: “Tất cả chúng ta, những người cầm bút, dù thích hay không thích Tự Lực Văn Đoàn thì cũng đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của Tự Lực Văn Đoàn.”

Nói về ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn lên phong trào thơ mới, Giáo Sư Trần Huy Bích đưa ra ba thi sĩ nổi danh là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ.
168982-dangThoTho-400
Hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn nữ Đặng Thơ Thơ, cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo, tại buổi thuyết trình. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Giáo Sư Bích trích dẫn những nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng như Hoài Thanh, cho rằng Thế Lữ là người có công đầu trong thơ mới. Để chứng minh điều này, giáo sư Bích đọc lại bài Nhớ Rừng và phân tích nhiều câu thơ thể hiện rõ được ý nghĩa bi hùng của tình trạng sa cơ thất thế nhưng vẫn không mất đi cái uy dũng. “Sự thể hiện đó là cái mới trong thơ mà trước đó không bao giờ thấy.”

Nhà thơ thứ hai là Xuân Diệu, Giáo Sư Bích cũng nhắc lại lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan rằng Xuân Diệu đã đem lại cho thi ca Việt Nam nhiều sự mới lạ từ ngôn ngữ, ý ưởng cho đến cách thể hiện khiến tuổi trẻ bước vào nền thơ văn đại chúng.

Với Tú Mỡ, Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc đến cách thể hiện của nhà thơ qua một thể thơ khác trước mà nhà thơ gọi là “Thất ngôn thập bát cú.” Nhìn chung, Tú Mỡ đã đem nhiều thể văn thơ cũ như Hát Xẩm, Văn Tế, Phú... cho nó một cái hồn mới trong sự thể hiện. Và theo giáo sư Bích, Tự Lực Văn Đoàn đã dùng hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay chuyển đến cho mọi người những sự đổi mới trong văn chương, cũng là những khai mở vào một cuộc sống mới trong giai đoạn “đánh thức” người dân Việt trước sự độ hộ của người Pháp đang đến thời suy tàn.

Diễn giả kế tiếp là nhà văn Trần Doãn Nho. Với phong thái tự tin nhuốm chút hài hước, ông xin làm thay đổi không khí bằng giọng nói miền Trung sau hơn một chục cuộc thuyết trình từ hôm khai mạc đến giờ toàn là... giọng Bắc. Cả hội trường đều cười ồ thích thú khiến cho câu chuyện của ông về “Văn phong trong Tự Lực Văn Đoàn” đã thu hút được nhiều tràng vỗ tay tiếp theo.

Đưa hai nhà văn Nhất Linh và Thạch Lam ra để nhận định “văn phong” của hai nhà văn này, mà theo trích dẫn từ các lời phát biểu của hai nhà văn, thì một người - Nhất Linh - cho rằng văn phong không cần thiết; người kia thì ngược lại. Cuối cùng, sau nhiều trích dẫn những phát biểu của một số nhà văn nổi tiếng trên thế giới về văn phong, ông Trần Doãn Nho kết luận, “Tự Lực Văn Đoàn đã sáng tạo lối viết mới, trong sáng, đơn giản trong diễn tả sự việc, tâm tình, đã tạo được ảnh hưởng lâu dài, cho đến ngày nay nó vẫn còn phảng phất trong văn chương Việt Nam.”
 
Hai diễn giả kế tiếp nữa thuộc nữ giới: nhà thơ Trần Mộng Tú và nhà văn trẻ Đặng Thơ Thơ.

Trần Mộng Tú nhũn nhặn chỉ xin nói về tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Nhà thơ nhận định “tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn là những vấn đề về giai cấp, tự do luyến ái, đem tình yêu vào tôn giáo, v.v... mà trước đó chưa hề được nhắc đến hay đặt ra trong văn chương Việt Nam.”

Nhà văn nữ Đặng Thơ Thơ thì nói về ông ngoại mình, nhà văn Hoàng Đạo. Cô nói về sự nghiệp của ông mình mà từ trước đến nay chỉ được nhắc đến như một nhà cải cách xã hội. Thực sự ông là một nhà văn, viết những tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề như trong cuốn “Trước Vành Móng Ngựa” hay trong những phóng sự xã hội trong đó ông nêu ra những tư tưởng cấp tiến soi rọi vào xã hội Việt Nam dưới chủ nghĩa thực dân.

Nhưng các tác phẩm của Hoàng Đạo hầu hết chưa được xuất bản. Phóng sự “Bùn Lầy Nước Đọng” của ông được xuất bản năm 1938 nhưng đã bị nhà nước thực dân Pháp thu hồi ngay. Đặng Thơ Thơ sau cùng kết luận, “Hoàng Đạo là một nhà văn đích thực qua những phóng sự, biên khảo. Văn chương của ông là những phán đoán thôi thúc người ta phải bàn thảo về bất công xã hội. Văn chương của ông cũng như của Tự Lực Văn Đoàn là những canh thức báo động cho xã hội.”

Cuộc nói chuyện của hai diễn giả sau cùng là nhà văn Ngự Thuyết và nhà văn nữ Phạm Thảo Nguyên đã khép lại toàn bộ cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, một cuộc hội thảo hùng hậu về số thuyết trình viên, về số người tham dự đông đảo, say mê và ít có ai bỏ về như trong nhiều cuộc hội thảo khác.
=============
'Y Phục Phụ Nữ Tân Thời Le Mur' trên sân khấu SBTN
Sunday, July 07, 2013 4:21:19 PM
Thiên An/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - Lần đầu tiên, hậu duệ họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, người cách tân tà áo dài Việt Nam, tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang may theo các thiết kế xưa của ông, có tên “Y Phục Phụ Nữ Tân Thời,” tại studio thu hình đài truyền hình SBTN, Garden Grove, vào tối Thứ Bảy, 6 Tháng Bảy.
168971-DP-130707-LeMur-01-400
Các mẫu áo dài Le Mur thập niên 1940. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
“Chúng tôi rất vui vì đây là buổi trình diễn từ thiết kế Le Mur đầu tiên trên thế giới,” ông Nguyễn Trọng Hiền, người con thứ của họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và cũng là người tổ chức buổi trình diễn, cho biết. Trang phục được may theo các kiễu vẽ, các bức hình cổ, và theo các bài viết luận về thời trang của cố họa sĩ để lại trước khi ông biệt tích vào năm 1946. Sau nhiều thập niên tìm kiếm, công trình sưu tầm y phục Le Mur vừa thu thập thêm một số thông tin quý từ những nguồn lưu trữ ở Úc và Nhật. Có mặt trong buổi thu hình là thân nhân nhiều đời gia đình ông Le Mur Nguyễn Cát Tường, nhiều tên tuổi lớn trong các lĩnh vực văn hóa, và những người có liên quan đến các tờ báo đầu tiên của Việt Nam như Phong Hóa, Ngày Nay, và Tự Lực Văn Đoàn. Chung quanh họ là gần 200 khán giả đến ngồi kín studio từ rất sớm. Trên sân khấu, các cựu nữ sinh trường Trưng Vương khoác lên mình những tà áo dài tha thướt, độc đáo của thập niên 1930, 1940 và 1950. Phía sau họ, màn hình hiện lên những bức hình trắng đen các mẫu thiết kế cổ, và những dòng tiểu sử của người họa sĩ đã gắn liền tên tuổi ông với văn hóa và thời trang Việt Nam.
168971-DP-130707-LeMur-02-400
Áo cổ bèo đặc trưng của thiết kế Le Mur. Phía sau là thiết kế của chính ông. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Ông Nguyễn Cát Tường sinh năm 1911 tại Sơn Tây. Ông tốt nghiệp ngành mỹ thuật trường Mỹ Thuật Đông Dương. Trong thời gian cộng tác với tuần báo Phong Hóa, ông phụ trách mục “Vẻ Đẹp Xin Tặng Các Bà Các Cô,” vẽ các mẫu y phục mới cho phụ nữ Việt, trong đó có các tà áo dài từ tứ thân, ngũ thân được cách tân chỉ còn hai vạt dài. Ông cũng thêm các chi tiết khác như cổ bèo, tay ngắn, đi với giày cao. Ông gọi tên thiết kế của mình là Le Mur, nghĩa là “Tường” trong tiếng Pháp. Mẫu thiết kế của ông tạo tiếng vang lớn. Tuy vậy, vì quá mới mẻ đến mức vừa bị thành phần Nho giáo phản đối, vừa được cho là bất khả thi, chính người họa sĩ đã phải hướng dẫn cách cắt, may. Ông hợp tác với hiệu dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông để bán ra thị trường những áo Le Mur đầu tiên. Y phục Le Mur, những tà áo dài gọn gàng, cá tính, từ đó được phổ biến từ Bắc chí Nam, từ nữ sinh đến các quý bà đều mặc. Theo thông tin của hậu duệ của họa sĩ, những người hầu hết hiện ở California, ông Nguyễn Cát Tường biệt tích vào năm 1946. Khi về nhà lấy thuốc cho người vợ đang có mang, ông bị dân quân bắt. Buổi trình diễn thời trang được chia làm năm phần, đan xen với những bài hát man mác gợi nhớ Hà Nội xưa.
168971-DP-130707-LeMur-03-400
Áo dài Xuân -Hạ -Thu -Đông theo thiết kế Le Mur. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Y phục xuất hiện đầu tiên trên sân khấu là tà áo ngũ thân của những năm 1900, trước giai đoạn Le Mur. Áo nâu đất, người mẫu cầm nón quai thao, thắt dây xà tích, đi dép mũi cong. Y phục Le Mur nối tiếp ngay sau đó. Mẫu thiết kế vào năm 1934 được đặt song song với chiếc áo ngũ thân, cho thấy sự cách tân táo bạo của người cố họa sĩ trên tay áo ngắn tới khuỷu tay, hai tà áo phía trước ngắn hơn phía sau, cổ nhún bèo. Phần một chỉ với hai chiếc áo trên, vừa tương phản tân cổ, vừa đồng điệu dịu dàng làm thướt tha vóc dáng phụ nữ Việt. Phần hai là những mẫu “áo Tây” của Le Mur. Chất liệu vải mềm như vải áo dài. Áo quần đồng màu. Áo tay ngắn, quần ống loe đặc trưng cho cái tên Le Mur. Phần ba là “Pyjama mặc ngoài bãi bể” và “Mấy mẫu áo cánh mặc trong nhà” được may từ các mẫu vẽ trên tờ Phong Hóa khi xưa, vẫn bằng chất liệu lụa, phin, màu nhã nhặn. Phần bốn là thời trang áo dài Xuân-Hạ-Thu-Đông, cũng là điểm chính của chương trình. Họa sĩ Le Mur khi xưa không chỉ chú ý về mặt mỹ thuật, mà còn hướng dẫn sử dụng tà áo dài theo thời tiết, theo dáng vóc mỗi cá nhân cho đúng mực thước của phụ nữ Việt Nam. Phần cuối có lẽ là phần mang lại nhiều thú vị nhất, với hai chiếc áo dài cưới bằng ren trắng, một được may theo đúng hình cưới của họa sĩ Le Mur và vợ, một được may theo bức hình cũ của một cô dâu diện áo Le Mur. Giữa các phần trình diễn, hình ảnh và tư liệu về cuộc đời của họa sĩ Le Mur hiện lên trên tấm phông của sân khấu. Khán giả được biết rõ hơn về quá trình biến các mẫu thiết kế áo dài, từ những kiễu vẽ trên tờ Phong Hóa, trở thành hiện tượng thời trang của cả nước thời bấy giờ. Những khó khăn mà ông gặp phải những ngày đầu, và những ngày cuối đời trong thời loạn lạc cũng được kể lại chi tiết. Mười bốn “người mẫu” cựu nữ sinh Trưng Vương đưa ông Nguyễn Trọng Hiền tiến ra chào khán giả, khép lại một chương trình văn hóa ý nghĩa. Từ phía khán giả, những bó hoa rực rỡ và tràng pháo tay như không dứt được dành tặng cho ban tổ chức hiện diện trên sân khấu.
168971-DP-130707-LeMur-04-400
Ông Nguyễn Trọng Hiền, con thứ của họa sĩ Le Mur và là người tổ chức buổi trình diễn, cùng các "người mẫu" chào khán giả. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Ông Nguyễn Trọng Hiền nói với nhật báo Người Việt: “Chúng tôi rất vui vì đây là buổi trình diễn từ thiết kế Le Mur đầu tiên trên thế giới. Các tài liệu vừa tìm được đã chứng minh ông không phải ‘thợ may’ hay ‘lai Tây,’ mà ông thực sự yêu nền y phục Việt Nam, làm đủ mọi phương cách giúp cho phụ nữ mình đẹp hơn.” Ông Hiền cũng lấy dẫn chứng qua việc cha ông chọn người mẫu không chỉ đẹp mà còn phải có tri thức, ví dụ như Luật Sư Nguyễn Thị Hậu, sau này là nữ thị trưởng thành phố Đà Lạt. Cô Lê Bảo Sơn, trưởng nhóm trình diễn của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, chia sẻ: “Ngày xưa nhờ có y phục Le Mur mà nữ sinh chúng tôi sau này theo đó mặc áo dài đi học. Nhiều kỷ niệm lắm. Hôm nay được khoác lên các kiểu áo của mẹ mình ngày xưa, tôi rất hãnh diện và cảm động.” Cô cũng cho biết quá trình nhóm chuẩn bị mất khoảng ba tháng, một phần chi phí “tự bỏ ra may vì tình yêu với y phục Le Mur năm xưa,” một phần do gia đình người cố họa sĩ yểm trợ. Về buổi trình diễn tại studio của SBTN, cô Bảo Sơn nói đài “tận tình giúp đỡ kỹ thuật.” Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài SBTN, cho biết: “Chúng tôi hân hạnh đóng góp một bàn tay vào chương trình để cùng giúp bảo tồn văn hóa Việt Nam.” Từ phía sau hội trường cùng nhân viên kỹ thuật, nhạc sĩ Trúc Hồ nói buổi trình diễn bộ sưu tập “Y Phục Phụ Nữ Tân Thời” sẽ được SBTN chiếu trong hai tuần tới, khoảng 20 Tháng Bảy.
--
Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com

Giới thiệu Phong Hóa Ngày Nay

Bắt đầu từ ngày 22/09/1932, Phong Hóa số 14 ra tám trang khổ lớn, trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta. Mục đích của báo được quảng bá lần đầu trong Phong Hóa số 13 là: “Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết: Xã hội, chính trị, kinh tế, nói rõ về hiện tình trong nước…”
 
Phong Hóa và Ngày Nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới năm 1940, dưới chế độ Bảo Hộ, thuộc Pháp. Thoạt đầu tuần báo Phong Hóa do ông Phạm Hữu Ninh làm chủ, đã ra 13 số báo không có độc giả, sắp sửa phải đình bản (Khái Hưng và Nhất Linh có viết và vẽ cho tờ báo này dưới tên Trần Khánh Giư và Đông Sơn). Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã mua lại và làm chủ bút nhưng vẫn giữ trên mặt báo tên ông Phạm Hữu Ninh, Gérant và ông Nguyễn Xuân Mai, Directeur Politique. Ông cùng một nhóm anh em bạn hữu gồm có Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới.
Bắt đầu từ ngày 22/09/1932, Phong Hóa số 14 ra tám trang khổ lớn, trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta. Mục đích của báo được quảng bá lần đầu trong Phong Hóa số 13 là:
Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết:
Xã hội, chính trị, kinh tế, nói rõ về hiện tình trong nước
…”
Đó chính là sự thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng trong tư tưởng, văn chương, báo chí. Sau này tờ báo thực sự đã nổi bật ở tính thời sự giọng châm biếm. 
Năm 1933, Phong Hóa có thêm Thế Lữ Nguyễn đình Lễ, một nhà thơ, nhà văn mới.
Tới giữa năm 1934, Tự Lực Văn Đoàn được thành lập với sáu thành viên: Nhất Linh, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ. Phong Hóa số 87, 1934 viết:
coupure
 
Sau này Tự Lực Văn Đoàn có thêm thành viên thứ bẩy là thi sĩ Xuân Diệu.
Các thành viên Tự Lực Văn Đoàn với phong cách viết khác nhau, nhưng đều sử dụng một loại văn mới mẻ, giản dị nhẹ nhàng dễ đọc, trong những tác phẩm có nội dung mới, súc tích, lý thú, hợp khẩu vị dân chúng, đã nhanh chóng thu hút độc giả. Văn Đoàn đã thực sự cải tiến cách viết chữ Quốc Ngữ, giữa lúc lối văn biền ngẫu sáo rỗng vẫn còn thống lĩnh văn chương Việt Nam, với quá nhiều từ Hán - Việt, và chứng tỏ rằng chữ viết mới có đủ khả năng diễn tả tất cả mọi tình huống của cuộc đời. Các thành viên Tự Lực Văn Đoàn mỗi người đều tự tạo ra một sự nghiệp văn chương lừng lẫy trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay, họ được ca tụng là những văn hào, thi bá xứng đáng của dân Việt.
Văn hào Nhất Linh, người cầm đầu, hoàn thành một kho tàng văn học đồ sộ, sáng chói, đồng thời điều khiển văn đoàn rất thành công. Là một thủ lĩnh văn chương có biệt tài, Nhất Linh nhận xét, sử dụng tài năng, sở trường của các tác giả rất bén nhậy, sắc sảo. Ta có thể đọc được ít bài trên Phong Hóa và Ngày Nay như: “Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới” phê bình Thế Lữ vào năm 1933, khi nhà thơ chưa là thành viên của báo, và nhiều bài viết cua Thế Lữ còn ở trong dạng bản thảo (1). Hay bài công bố giải khuyến khích về thi ca Tự Lực Văn Đoàn năm 1939: nữ sĩ Anh Thơ, và thi sĩ Tế Hanh (2).
Nhất Linh là người có “cặp mắt xanh”, sớm nhìn ra từng sở trường, sở đoản của anh em, nên tạo điều kiện giúp anh em tiến nhanh, tiến vững trong nghề nghiệp. Cụ thể, Tú Mỡ là bạn thân của Nhất Linh, nhưng khi đọc bài phóng sự của Tú Mỡ, Nhất Linh phê bình ngay: “Dở quá, anh nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn!”(3). Cho nên Tú Mỡ chỉ tập trung viết thơ trào phúng, phụ trách chuyên mục Dòng Nước Ngược. Và thơ trào phúng của Tú Mỡ được nhiều thế hệ yêu thích. (Lâu lâu Tú Mỡ cũng có một bài phóng sự vui!)
Có lần Thế Lữ kể lại (theo trí nhớ): Khi làm việc trong tòa báo, ông phải lọc các bài gửi đăng, có lần thấy một bài dở đã loại ra. Nhưng khi báo in, lại thấy bài đó xuất hiện! Hỏi ra, thì chính là Nhất Linh nhặt lại, với lời bình: “Độc giả thích loại này!” Kiểm lại, đúng thật, bài đó được nhiều lời khen của người đọc. Riêng với Thế Lữ, việc ông trở thành tác giả viết truyện trinh thám là do Nhất Linh! Vì Nhất Linh đưa ý kiến: “Bây giờ là lúc báo cần có truyện trinh thám để thay đổi món ăn, anh Thế Lữ viết được loại này. Anh nên viết đi!”
Những phần chính của tờ báo là:

VĂN HỌC:

Các thành viên Tự Lực Văn Đoàn sáng tác rất nhiều tiểu thuyết dài, ngắn với cách hành văn cũng như cấu trúc tác phẩm mới mẻ, phong phú, đã thay đổi hẳn không khí văn học thời bấy giờ. Trong đó, nổi bật là tình yêu trong trắng, lãng mạn, lý tưởng, và xung đột giữa cái mới và cái cũ... Đặc biệt, những tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng về “luận đề cũ mới” làm sôi sục xã hội thời đó. Nếu cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng mở đầu cho sự đổi mới văn chương của nước nhà; Nửa chừng xuân cho người đọc thấy sự xung đột giữa cũ và mới trong xã hội, thì cuốn tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh lên đến đỉnh điểm của cuộc xung đột. Nhan đề truyện đã được nhắc lại như một tuyên ngôn: “Đoạn Tuyệt với cái cũ!” Đâu đâu trong nước ta cũng thấy nói tới, tranh luận tới truyện này, ngay cả diễn kịch Đoạn Tuyệt nữa!
Bên cạnh đó, Nhất Linh viết tiểu thuyết dài, ngắn, ngay trước khi có báo Phong Hóa như Nho Phong và Người Quay Tơ. Những tiểu thuyết luận đề của ông, ngoài Đoạn Tuyệt, cuốn Lạnh Lùng cũng gây nhiều tranh cãi và được độc giả ham thích. Sau đó Nhất Linh chuyển sang viết truyện tâm l‎‎‎ý như Bướm Trắng... Suốt đời ông, viết văn bao giờ cũng là một niềm vui tri thức, trân trọng và say mê. Sau này ông viết cuốn Xóm Cầu Mới, viết đi viết lại nhiều lần, mà lần nào cũng long trọng, cũng đắm đuối như “thuở ban đầu”. Với số lượng tác phẩm to lớn, với văn phong trong sáng, đẹp đẽ, với tri thức chín chắn trong văn học, Nhất Linh là một văn hào lỗi lạc của chúng ta.
Về Khái Hưng, khi về làm việc với Nhất Linh thì vụt sáng lên như sao buổi sớm. Với vốn sống và kiến thức đông tây uyên thâm, Khái Hưng là người kể chuyện rất có duyên, viết truyện rất thu hút, rất nhân bản, ẩn tàng một ý muốn nâng cao dân trí, tìm lý tưởng cho thanh niên. Ông có tài viết nhanh, viết dễ dàng, gần như số báo nào ông cũng có truyện dài, truyện ngắn, kịch, hay truyện vui, phê bình văn học… Khối lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ. Đọc Phong Hóa và Ngày Nay, các bạn sẽ được thấy rất nhiều bài ông viết, chưa từng được in ra sách. Khái Hưng là tác giả được ngưỡng mộ nhất thời đó, ông đáng mặt văn hào hàng đầu của chúng ta. Ngoài ra, Khái Hưng còn là tay vẽ ký họa rất khéo. Ông có nhiều bức ký họa trên báo Phong Hóa.
Bên cạnh, Thạch Lam là một cây viết kín đáo, kén người đọc. Ông viết truyện tâm lý tình cảm thâm trầm giản dị, nhẹ nhàng mà thấm thía tuyệt vời. Văn ông đi vào hồn người. Thạch Lam có một tấm lòng quê thật sâu xa. Nguyễn Tuân gọi đó là: “(Ông)… vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cùng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến, cả bên ngoài lẫn bên trong mình” (Tiểu Luận và Chân Dung Văn Học, Tuyển Tập Nguyễn Tuân, trang 353, nhà xuất bản Văn Học, 1982). Thạch Lam là một văn hào hàng đầu của Việt Nam về sự tinh tế. Trong bài tựa cuốn Gió Đầu Mùa, Khái Hưng viết: “Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn, ở Thạch Lam, sự thành thực lại trở nên sự can đảm. Đọc nhiều đoạn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực (nhất là trong truyện Ngày Mới) (4)…”. Ta hãy đọc quan niệm của chính Thạch Lam về văn chương trong Lời Nói Đầu của tập truyện ngắn Gió Đầu Mùa: “…Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối vừa tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú.”
Nhiều bài trong Hà Nội 36 phố phường của ông là những áng văn hay về Hà Nội được nhiều thế hệ sau này nhắc đến và chắc sẽ được tiếp tục nhắc đến khi nhớ về Hà Nội một thời thanh lịch. Thạch Lam viết nhiều thể loại kể cả phê bình văn học, mỹ thuật… Giữ chức chủ bút báo Ngày Nay khá lâu, Thạch Lam quán xuyến công việc một cách tốt đẹp, phát triển được đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, nhất là số lượng phát hành ngày một tăng. Đó cũng là cái tài của chủ bút Thạch Lam.
Riêng Thế Lữ, ngoài thơ ca, là một cây viết rất cuốn hút, văn phong khác lạ, lý thú, mạnh mẽ, sắc nét… với tinh thần rõ ràng khúc triết và tài dàn xếp câu chuyện thật ly kỳ. Thế Lữ nổi tiếng nhất về những truyện đường rừng như Vàng và Máu, Một Đêm Trăng,… truyện kinh dị như Bên Đường Thiên Lôi, Cái Đầu Lâu… Ông còn nhiều loạt bài phóng sự vui như Lê Ta Làm Báo, Lê Ta xuống Hải Phòng… nhiều truyện trinh thám, nhiều kịch bản, cùng nhiều bài phê bình thơ, kịch... chưa ra sách. Thỉnh thoảng Lê Ta cũng có ký họa đăng báo.
Nhìn chung, những sách truyện của Tự Lực Văn Đoàn đã được nhiều thế hệ người đọc yêu thích, góp phần nâng cao dân trí, giúp cho câu văn tiếng Việt rõ ràng, mềm mại, giúp cho nhiều thế hệ người đọc yêu quê hương, đất nước... Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhiều người đã bàn về những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Dù thích hay không thích, các nhà nghiên cứu văn học đều thừa nhận có một dòng văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Đây là văn đoàn đầu tiên của nước nhà và cũng là văn đoàn góp phần to lớn làm nên cuộc cách mạng văn học trong thế kỷ XX.

BÁO CHÍ

Ngoài tư cách nhà văn, các thành viên Tự Lực Văn Đoàn còn là những nhà báo. Họ đi lấy tin, tường thuật, bút chiến…,bằng dọng hài hước họ diễu cợt các thói xấu của giới quan lại, trưởng giả… Trong các tiết mục như: Câu chuyện hàng tuần, Điểm thời sự, Đọc sách, Trả lời bạn đọc, Ngày Nay nói chuyện… mọi thành viên đều viết, và thường được bạn đọc phục vì tài và nể vì tư cách. (Ngay cả những bức tranh khôi hài Lý Toét nhiều khi cũng được tạo thành do sự góp ý của nhiều thành viên và họa sĩ. Những bức tranh này thường không ký tên tác giả).
Người viết những bài lý luận thời sự về xã hội, chính trị, kinh tế… điều khiển linh hồn tờ báo là Tứ Ly Hoàng Đạo. Qua các loạt bài như: Từ Nhỏ Đến Lớn, về người, Từ Cao Đến Thấp, về việc, Bàn Ngang, nói ngược mà hiểu ra xuôi, cũng như loạt bài Hậu Tây Du Ký, Đi Thăm Khổng Tử… Hoàng Đạo không đả phá thẳng vào Mẫu Quốc và chế độ thuộc địa mà bắt đầu tấn công vào các quan lại người Việt bằng cách viết văn châm biếm và chế diễu. Thêm vào đó, trên cả hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay, ông đã viết ra một khối lượng tài liệu rất lớn về pháp luật, về quyền lợi cũng như nghĩa vụ người công dân, như: Trước Vành Móng Ngựa, Công Dân Giáo Dục, Có Cứng Mới Đứng Đầu Gió..…giúp người dân hiểu luật pháp, không sợ bị đe dọa, bị bắt nạt. Cũng như loạt bài Bùn Lầy Nước Đọng, viết về thực tế khốn cùng của nông dân VN, chứng tỏ Tự Lực Văn Đoàn rất quan tâm đến xã hội, đến việc “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh…” như tinh thần của nhà ái quốc Phan Chu Trinh đã bàn đến hồi đầu thế kỷ XX. Sau này, rõ ràng nhất là Thuộc Địa Ký Ước, đã phân tích chế độ thuộc địa và những biện pháp cai trị của thực dân Pháp áp dụng ở nước ta.
Những phóng sự về mặt trái của xã hội, do Trọng Lang, cây bút phóng sự sắc nét lúc bấy giờ, phụ trách.
Khi báo Phong hóa bắt đầu năm 1932, đa số những người trong tòa soạn còn rất trẻ. Nhất Linh mới có 26 tuổi, Hoàng Đạo 25, Thế Lữ 25, Thạch Lam 22, Tô Ngọc Vân 26, Nguyễn Gia Trí 24, Lemur Nguyễn Cát Tường 20. Ta thấy trong nội bộ tòa báo, các đoàn viên đối xử với nhau thật thân ái, vui vẻ hay đùa rỡn, kết nên những tình bạn xâu xa, bền vững. Bà Khái Hưng nhận xét vui rằng chồng mình mê các bạn Tự Lực Văn Đoàn như…mê gái! (theo Ba Tôi, Trần Khánh Triệu). Thế Lữ cũng nói: “ Không có báo Phong Hóa, Ngày Nay, không có bạn bè Tự Lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau… thì không có Thế Lữ”. Sau này từ những năm sau 1946 đến khi mất, Thế Lữ và Tú Mỡ vẫn là đôi bạn chí thiết. Và mấy chục năm sau, ngay cả khi các thành viên đã khuất núi, các bà Nhất Linh, Cát Tường, Gia Trí … vẫn thăm viếng nhau, các con cháu dù ở xa, dù chưa biết nhau, khi gập lại vẫn có tình thân như anh em trong nhà.
Chúng ta có thể ghé mắt vào tòa soạn báo Phong Hóa, xem một buổi làm việc chung, qua ngòi bút của Thế Lữ trong bài Phóng Bút của Lê Ta đăng năm 1935 trên Phong Hóa số 154 (5). Tú Mỡ sau này cũng kể lại cung cách làm việc chung của nhóm Tự Lực rất vui. Trong cuốn sách Tiếng Cười có đoạn nói về cuộc họp tối thứ bẩy trên căn gác ấm cúng số 80 đường Quan Thánh: “Anh em ngồi chầu ngọn lửa ấm áp, tán chuyện thời sự, nảy ra đề tài viết bài cho số báo mới… Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Đời Mưa Gió, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì, rồi đột nhiên trái chứng trái khoáy, mỗi kỳ mỗi anh thay nhau chấp bút. Công việc sáng tác tập thể của các anh là như vậy”(6)
Chắc có độc giả còn nhớ bức tranh Trăng Xưa của Khái Hưng? Nguyên là: sau khi tiễn Nhất Linh thoát ra nước ngoài vì chính trị, Khái Hưng quay về vẽ bức tranh tả nỗi buồn nhớ bạn. Thi sĩ Huyền Kiêu viết bài thơ cảm khái Tương Biệt Dạ bên bức tranh, xin trích ra đây vài câu:
Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê…
…Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ,
Có giống như mình lưu luyến chăng?
…Sớm biệt ly nhau, không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh, bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó ai tâm sự
Anh đã xa rồi, anh biết đâu.

THƠ MỚI

Hai báo Phong Hóa và Ngày Nay đã cống hiến cho người đọc những vần thơ mới, ngay từ khi Thơ Mới bắt đầu hé nở, khởi đầu bằng bài “Tình Già” của Phan Khôi. Sau đó, Thế Lữ bước lên vững vàng, ngời sáng khi sáng tác những bài thơ phong cách hoàn toàn khác lạ, từ lối dùng chữ, đến âm điệu, đến ý tưởng,… làm ngây ngất người đọc. Thi sĩ được Nhất Linh công nhận chất sáng tạo mới, trong bài giới thiệu năm 1933 (1). Sau khi tập Mấy Vần Thơ của Thế Lữ ra đời, địa vị thơ mới nổi bật. Danh tiếng của Thế Lữ nổi vững vàng như là người khởi đầu cho dòng thơ mới. Trên báo ông bắt đầu khám phá, giới thiệu các thi sĩ trẻ:
Mở đầu là Xuân Diệu. Sự xuất hiện những bài thơ mới của thi si trẻ này trên báo Phong Hoá và Ngày Nay lập tức đã làm mê hoặc người đọc: Những bài thơ tràn ngập tình yêu tuổi trẻ chưa bao giờ say đắm đến thế, những rung động tinh tế rất riêng của thi sĩ, viết ra bằng những văn t


Nguồn: Người ViệtNews/GS Nguyễn Đình Cường chuyển
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn