Mạ tôi- Cư dân xóm Lò Gạch * Phạm Mai Hương

12 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 64651)

Mạ tôi- Cư dân xóm Lò Gạch

(Thương tặng Mạ và tất cả những ai đã ở xóm Lò Gạch)

alxhd_20-content

Tháng 8 năm 1950, ba tôi rời xa Huế, một mình lên Đàlạt – mảnh đất hoàng triều cương thổ – lập nghiệp và nhận đó làm quê hương thứ hai. Nửa năm sau, mạ tôi mới chừng 25 tuổi, tay dắt anh Việt mới biết đi chập chững, tay bồng ẵm chị Trang lên theo

Ban đầu ba mạ tôi thuê nhà ở đường Phan Đình Phùng, sau khi sinh anh Hoàng ở nhà thương Tôn Thất Chí, đối diện khách sạn Mimosa. Ba mạ tôi dọn lên nhà 31 đường Hoàng Diệu nằm trong xóm Lò Gạch. Hai năm sau, ba tôi được nhà nước cấp cho căn nhà số 8 đường Trần Nhật Duật. Tôi và tám đứa em sau này được chào đời tại ngôi nhà ấy.

Được gọi là xóm Lò Gạch nhưng chẳng còn dấu tích nào của nơi làm ra gạch thời Pháp. Xóm nằm dọc một phần con suối lớn chảy từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly - con thác duy nhất nằm trong thành phố-. Phần nằm dọc theo con suối thường bị nước dâng lên, bồi thành vùng đất gọi là xóm Sình. Phía ngoài chạy dọc từ đầu đường Hoàng Diệu đến một buôn làng người K”Ho. Buôn làng chiếm một ngọn đồi rộng bao quanh thác Cam Ly chạy dài từ cuối đường Hoàng Diệu đến chân lăng Nguyễn Hữu Hào – cha của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại –. Người Kinh ít khi bén mảng vào đây, họ gọi vùng đất đó là huyện Mọi. Bản chất người Thượng hiền lành chất phác. Mỗi sáng, từng đoàn người xếp thành hàng một, người nọ nối tiếp người kia theo thói quen đi trong rừng, họ ra chợ lớn trao đổi thức ăn. Đàn ông đóng khố hay mặc quần dài , cầm xà gạc. Đàn bà quấn sà rông địu con trên lưng, họ gùi hàng trong những chiếc sọt .Hàng hóa của họ thường là con gà ốm nhom, chân dài lêu khêu; con heo mọi đen ngòm, nhỏ như chiếc bình tích, thịt ăn ngon, ít mỡ; những trái dưa gang to đùng, nhiều nước mà không thơm, những bó ngo đầy nhựa thông tươi… Chiều đến họ trở về với gùi gạo, cá khô, mắm muối…

Em bao nhiêu tuổi? Tên em xinh

 Sống giữa cô đơn quên thị thành

 Không điểm kiêu sa, tình diễm lệ

 Rừng xanh đất đỏ phủ vây quanh

 

Xóm tuy nhỏ nhưng có cả trường tiểu học. Mọi kỷ niệm thời bắt đầu cắp sách đến trường của chúng tôi đều nằm trong ngôi trường Trần Bình Trọng thân yêu

 Em là em nữ học sinh

 Trường Trần Bình Trọng: gia đình tuổi xanh

 Trừơng em xa vắng thị thành

 Bên đồi thông biếc bức tranh tuyệt vời

Đi hết con đường Yagút thì đến cửa bệnh viện của thành phố, còn gọi là nhà thương thí, nơi chữa miễn phí cho người dân.Ngoài bác sĩ chuyên trị, bệnh nhân còn được sự chăm sóc tận tình của các bà Phước của nhà thờ Domain De Marie gần đó.

Đầu đường Trần Nhật Duật giáp ranh với đường Hoàng Diệu có một ngôi chợ xỏm. Chợ nằm hai bên lề đường kéo dài hơn chục mét và chỉ họp vào buổi chiều nên có tên ”Chợ Chiều”, cái tên chết cứng dẫu sau này có họp thêm vào buổi sáng và đặt tên chính thức : Chợ Mỹ Thành . Người ta bày thịt cá, rau dưa, trái cây.. trên chiếc sạp cố định, gồm vài miếng ván thông ghép lại, bốn thân cây cong queo chống đỡ một miếng tôn rách. Đa phần là người quảy gánh từ nơi khác đến bán rong. Người buôn kẻ bán ngồi chồm hổm quanh cái mẹt hay quang gánh. Đôi khi có người chết tên cùng loại mặt hàng mình bán như chị Cấu bán lòng, bà Năm trái cây….

Bình minh dù mưa hay nắng

Tôi đi làm việc

Cuốc bộ từ nhà đến sở

Đường dài hơn năm cây số

Chân vui len qua xóm nhỏ chợ chiều

Chào mấy bà bạn hàng họp nhau buổi sáng

Xóm Lò Gạch có một ngôi đình thờ Thần Hoàng . Ngôi đình không lớn, kiến trúc đơn giản , gồm một nơi thờ tự rộng có tượng, bài vị. Vòm mái đình cong, phía trước có sân rộng nơi hội tụ dân đến lễ và một bức tường hoa vẽ hình con cọp oai vệ trấn áp ma quỷ. Vào dịp đầu năm hoặc ngày tế lễ. các vị lớn tuổi mặc áo dài khăn đóng lớn tiếng đọc bài sớ cộng trống chiêng rền vang khiến buổi lễ thêm trang trọng. Bên cạnh đình có một gian nhà gỗ nhỏ làm lớp học vỡ lòng cho con em cư dân Lò Gạch. Anh Việt tôi học ở đó một hai năm với thầy giáo Cương – con rễ bác An- và thầy Vàng. Sau đó khi trường Trần Bình Trọng được xây thì tất cả học sinh được dời lên đó.

Trên đồi cao chếch lên một chút có một khuôn hội Phật Giáo dành cho người mộ đạo. Mặc dù có thờ Thần Hoàng, có chùa nhưng ở Lò Gạch người ta vẫn sợ ma nhất là vào đêm tối khi đi ngang qua cây mít ở nhà Bảy gian đối diện gần trường Văn Học , cái am trước nhà bà chef Mi và cái máy nước công công ngay đầu đường Trần Nhật Duật. Câu chuyện con quỷ một giò, con ma bàn ủi… đem ra kể ban đêm khiến chúng tôi nhiều phen khiếp sợ .

Căn nhà của ông Võ Đình Dung cất đầu đường Hoàng Diệu , ông là một con người tài giỏi, có đầu óc kinh doanh nhà cửa và nổi tiếng có tấm lòng đức độ .Ông xây hàng trăm căn nhà khắp nơi trong thành phố cho giới thợ thuyền thuê với giá không cao . Ông cũng là một Phật tử thuận thành, bỏ tiền của xây cất nhiều chùa trong và ngoài thành phố

Căn nhà gỗ của bà Su làm nghề y ở cạnh đó , nhà xây của ông Viên Cò ở đối điện. Đi thêm chút nữa đến nhà bà Cửu Bé, nằm bên cạnh là nhà bà Xã Láo, ông mất sớm để lại bà vợ hiền lành, chất phác nói năng như đinh đóng cột bị mắc quai tên Láo do chồng để lại

Cùng dãy nhà với bà Su có nhà ông thầu khoán Tôn Thất Sanh. Bà Tôn Sanh là người hoàng phái đẹp , quý phái, Mặc dù giàu có, thương vợ nhưng tính ông keo kiệt, phát tiền chợ cho vợ hàng ngày.Về già, ông còn mắc thêm chứng sợ ăn trộm. Ông rào xung quanh ngôi nhà mình bằng ba lần kẽm gai, đêm thức giấc đi tuần sợ trộm lấy cắp dây kẽm gai. Mạ tôi rất thích xuống nhà bà Tôn Sanh để đánh tứ sắc .

Căn nhà mặt tiền của ông Hai Đưa gồm ba dãy ngang và khoảng đất rộng đến lò sát sinh, người dân hay gọi A Ba Toa ( Abatoir) nuôi đàn bò đến hàng trăm con.

Nổi tiếng thời đó có quán ăn Ba Cao. Món thỏ sốt vang, gà đút lò của ông chủ nổi tiếng thu hút khách người Pháp. Nhà hàng xây theo kiến trúc Pháp hình vuông có cửa chớp chung quanh, phía trên gác gỗ , mái đóng nhọn thành khối chóp. Sau căn nhà bếp rộng đến chiếc sân có dãy chuồng thỏ , gà .. mỗi chiều ông thường mở cửa vườn sau để cho những con gà tây ăn thêm ngọn cỏ non. Vài con ngỗng to vươn cổ dài kêu quang quác chực cắn những đứa trẻ đi ngang qua. Mấy con gà mái hoa mơ dẫn con bới đất dưới cây ổi bom, trái to và ngon.

Ba mạ tôi thuê nhà của ông Võ Đình Dung, ở cùng tầng với ông Tư Mạnh nhưng vì ông làm nghề hớt tóc nên người ta còn gọi ông là Tư Cúp ( coupeur) , bà vợ hiền lành bán cá ở chợ Dalat. Nhà bác An chuyên làm mui nệm ở tầng trệt.

 Khi gia đình tôi dọn về Trần Nhật Duật, phía sau nhà có mảnh đất trống , ba mạ tôi cho ông Tư Cúp phát quang và làm nhà ở . Điều lý thú, cứ mỗi lần mạ tôi sinh một người con thì nhà ông Tư Cúp cũng thêm một thành viên. Tình cảm hai gia đình thân thiết hơn nửa thế kỷ không chút mích lòng.

Ngoài ông Tư Cúp còn có mấy vị nữa cũng tên Tư là bác Tư Bờ, bác Tư Bụi . Họ là hai anh em, người này chuyên nghề thợ mộc, người kia thu mua chai bao. Ông Tư Rết ở cạnh nhà bà Bền.

Trong xóm có hai tiệm tạp hóa nhỏ , một của ông Vạn Hương, con ông là thầy giáo Thịnh dạy toán rất nổi tiếng. Tiệm chạp phô của bà xẩm ở bên kia đường, cạnh máy nước công cộng. 

Nhà ông trưởng ấp Năm Ân nằm cuối xóm. Ông có khuôn mặt hồng hào, phúc hậu. Vợ của ông là một bà mụ mát tay. Mạ tôi sinh em Lâm tôi, không kịp lên nhà thương, mời bà đến, bà đỡ mau mắn mặc dù em tôi nằm ngược thai. Người lớn trúng gió hay trẻ em bị sài đẹn, phong bạch điếng…. chỉ cần vài mảnh mẻ chai nhọn sát trùng bằng lửa hay dầu Nhị Thiên Đường, bà cắt vào các huyệt đạo trong người , nặn máu.. chỉ vậy mà bà cứu sống không biết bao nhiêu người. Chị Lê, người bạn chí cốt của chị Trang tôi là con gái áp út của họ có làn da trắng như gà bóc và đôi mắt to đẹp..

Ngoài các vị có tiếng làm nhà ở mặt đường như ông Tôn Cao, Bác Hai Dĩ… Xóm Lò Gạch sinh động thêm nhờ những người thợ, người lao động , người buôn bán như, ông Thắng bán phở, ông sáu Hố, bà Sẹo.. chả hiểu sao lại có người có tên : bà Bảy Cứt.

Mỗi sáng mạ tôi cùng bà Sắc, vợ ông chef ga, chịu sự giá lạnh của khí hậu, cái rờn rờn khi đi qua cây mít đến chợ lớn bán thịt heo. Người bán hàng ở Dalat mặc áo dài, đội nón lá dù gánh hàng rong. Dân lao đông như thợ mộc, thợ hồ phải đến chỗ làm sớm, khi về phải đi tắt những con đường mòn, nếu bị phú lít bắt sẽ bị phạt.

Ba mạ tôi lên Dalat không người thân thích, nhận hàng xóm làm bà con. Ba phần tư thế kỷ làm người dân Lò Gạch, với tấm lòng chân thật, ba mạ tôi không làm mất lòng một ai.Tình cảm của hàng xóm đối với ba mạ tôi ngoài sự thương yêu còn có sự quý trọng. Họ luôn gọi ba mạ tôi là : thầy, cô.

Ngày tháng qua đi, bác Hai Dĩ, ông Ba Cao, bác Tư Bờ..ngay cả ba tôi cũng đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Xóm Lò Gạch thay đổi nhiều đến ngay người dân mới tới ở cũng không biết mình là cư dân xóm Lò Gạch

Bà con thuở nọ thành xa hoắc

Làng xóm bây chừ chắc lạ ghê

Mạ tôi nay đã vào tuổi gần 90. Mạ vẫn còn khỏe, mạ thường đi tiệm gội đầu, uốn tóc, vẫn duyên dáng như ngày nào dù ba tôi không còn nữa. Mỗi sáng, mạ tôi thường lững thững đi dọc con đường Trần Nhật Duật lên đến chợ Mỹ Thành. Mỗi khi có người chào hoặc hỏi thăm, mạ tôi mỉm cười để lộ chiếc lúm đồng tiền trên má trái, đôi mắt vẫn còn sâu tuy không còn màu xanh biêng biếc và trả lời với giọng Huế nhè nhẹ.

Mạ tôi đó, một cư dân của xóm Lò Gạch, dẫu cả con xóm nhỏ được đô thị hóa nhưng mạ tôi vẫn ao ước:« kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo »

 Phạm Mai Hương ( 20.8.2013)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn