CHUYẾN ĐI MÙA XUÂN * Phong Châu

05 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 112802)

CHUYẾN ĐI MÙA XUÂN  

 (Phần Hai - Đài Loan Và Đại Hàn)

 

Thăm Đài Loan  

Sáng ngày 9 tháng tư, 25 trong số 46 người rời Osaka đến Taipei bằng chuyến bay của hãng Asiana. Số còn lại đi chuyến sau của hãng Blue Jet. Đoàn du lịch có 50 người nhưng sau khi thăm Nhật thì có 4 người rời Nhật để về Úc. Bốn trong tám người của nhóm Đà Lạt đi chuyến đầu của hãng Asiana là cặp Ón – Phương Anh và hai vợ chồng tôi. Cặp Hưng Cúc và Thái Thảo đi chuyến sau của hãng hàng không Blue Jet. Hành khách chuyến đầu ăn sáng cà phê cà pháo như thường lệ và đến Taipei đúng giờ. Xe đưa chúng tôi ra phố ăn uống rồi mới quay lại phi trường đón nhóm thứ hai. Khi những người đi chuyến bay của Blue Jet gặp lại chúng tôi thì mặt mày người nào trông cũng thảm não. Nghe kể rằng chuyến bay của Blue Jet không cho khách ăn uống gì cả, hành khách xin nước uống cũng không có. Người nào cũng tức giận vì đói, ngay cả anh chàng Tour guide đi chuyến này cũng cùng chung số phận “đói khát”. Nhóm đến trước được đón bên trong phi trường bởi một Tour guide khác là một thiếu nữ Việt Nam. Nghe kể lại rằng đường bay từ Osaka đến Taipei của hãng Blue Jet do người Pakistan làm chủ. Nếu quả đúng như vậy thì bà con ta đói khát là phải rồi. Dân Pakistan tại quê nhà của họ thì thế nào tôi không biết, nhưng dân Pakistan ở nước ngoài thì chúa keo kiệt nếu không muốn nói là “cực kỳ” bủn xỉn. Kẻ viết bài từng biết mấy anh keo kiệt này tại thành phố mình đang ở. Cũng may là họ không cho ăn chứ nếu cho mỗi người một dĩa bột với một thứ nước màu lỏng bỏng rồi bắt thực khách dùng “bàn tay năm ngón” mà hốt bỏ vào mồm thì thà chết còn sướng hơn. Lần sau có đi chơi thì nhớ đừng có leo lên máy bay do người Pakistan làm chủ. Xin chia buồn cùng Hưng Cúc Thái Thảo nhé. Xe chạy trong thành phố Taipei thấy quang cảnh chẳng khác mấy so với những thành phố có kiến trúc theo lối Âu Mỹ với những building cao tầng, mặt tiền sáng sủa. Không thấy có những nhà có mái ngói thấp lè tè đóng rêu chen vào giữa những building cao ngất ngưởng. Kiểu kiến trúc này được xây dựng theo lối Mỹ xứng đáng là thủ đô của một quốc gia đã từng là hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho đến khi bị Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt tay nhau đẩy ra bởi nghị quyết UN 2758 ngày 25 tháng 10 -1971. Ngoài Taipei (Đài Bắc), chúng tôi con đi xuống Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng trước khi bay tiếp sang Nam Hàn. Nơi nào cũng có lối kiến trúc theo kiểu tây phương, trừ những vùng nông thôn vì nhà cửa ở rải rác thoáng rộng chứ không dính liền như ở các thành phố. Đường sá và hệ thống xa lộ tuy không bằng Nhật Bản hay Mỹ nhưng cũng khá hiện đại. Đặc biệt, khi xe chạy ngang qua các vùng thôn quê hay lên miền núi cao, chúng tôi đều nhận thấy hệ thống giao thông rất tốt, đường tráng nhựa hoặc xi măng chạy thẳng vào các thôn ấp xa xôi, không ổ gà ổ vịt như Việt Nam (bây giờ thì đã tiến tới ổ khủng long rồi). Trước khi đặt chân đến Đài Loan, cá nhân tôi có ý nghĩ chắc nơi đây cũng giống như một Chợ Lớn của Việt Nam ngày nào. Nhưng không phải thế! Những thành phố lớn có nếp sinh hoạt của các đô thị tây phương. Xe cộ tấp nập nhưng tuyệt đối tuân theo luật giao thông, người đi bộ hoặc chạy xe hai bánh cũng vậy, dù trời nắng hay trời mưa. Những cửa tiệm buôn bán và dịch vụ trưng bày không giống những tiệm của các chú ba ở Chợ Lớn. Taipei tươm tất dễ coi chứ không màu sắc quá lòe loẹt chói mắt. Nhìn bề ngoài của một thành phố như thế khiến cho chúng tôi yên tâm khi phải giao tiếp với các chú ba thím ba ở đây. Không có kiểu chào mời chụp giật, không thấy rác trên đường phố, không nghe tiếng của đám đông inh ỏi, khạc nhổ như mấy chú ba mấy cô ba ở lục địa khiến cả thế giới phải kinh hãi lên tiếng than phiền. Nói chung là chúng tôi chưa thấy “những cái xấu xí” của người Tàu ở Đài Loan như những cái xấu đã được quảng bá khắp thế giới mà ông Tàu tên Bá Dương kê khai trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí”. Dĩ nhiên, cái xấu ở đây không phải là cái xấu ngoại hình mà là cái xấu từ bản chất do não trạng của họ - não trạng “phong kiến bá quyền hợm hĩnh hẹp hòi xã hội chủ nghĩa” của cả một dân tộc tự cho mình là có đủ mọi thứ quyền, ngay cả quyền xâm lăng nước khác dưới nhiều hình thức.

chuyen_di_mua_xuan_2-large-contentchuyen_di_mua_xuan_2b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_2c-large-content

Trên Đường Phố Taipei Cảnh Sắc Miền Quê Một Khu Buôn Bán Ở Nông Thôn

Formosa – Tainan – Taiwan – Republic of China – Chinese Taipei 

Trước khi có tên Taiwan (Đài Loan), đảo quốc này có tên là Formosa do những thủy thủ Bồ Đào Nha đến đảo vào năm 1544 đặt là “Lha Formosa” tức “Beautifull Island”. Đầu thế kỷ 17, công ty “East India Company” của người Hòa Lan đến đây lập một hải cảng đặt tên là “Tainan”, sau đổi thành “Taiwan” dùng cho toàn đảo. Đài Loan đã từng bị Hòa Lan, Tây Ban Nha và Nhật Bản cai trị. “Republic of China” là tên nước được đặt cho toàn lục địa vào năm 1912. Sau cuộc “vạn lý trường chinh” giữa hai phe Quốc – Cộng”, những người quốc gia rời lục địa chạy ra đảo Đài Loan năm 1949 và vẫn giữ tên nước là “Republic Of China”. Sau khi bị đẩy ra khỏi Liên Hiệp Quốc, Đài Loan được gọi dưới cái tên “Chinese Taipei” và vẫn tham gia vào nhiều tổ chức thế giới như dự Thế Vận Hội, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới…Những người Tàu quốc gia từ ngày chạy ra đảo ở Đài Loan luôn bị Tàu cộng sản ở lục địa đe dọa và cho đến nay, những lời đe dọa đó vẫn là mối lo cho những người dân đảo Đài Loan. Mới đây Trung cộng đã gửi một thông điệp cho người dân Đài Loan là họ sẽ tiến hành việc thôn tính đảo quốc nhỏ này vào năm 2020 với lực lượng 400 ngàn quân tinh nhuệ sẵn có trong tổng số quân là hai triệu ba trăm ngàn trong khi Đài Loan tổng cộng chỉ có hơn hai trăm ngàn quân. Về kinh tế, trước đây Đài Loan là quốc gia có nền kinh tế phát triển khá vững mạnh theo mô thức của tây phương, đời sống dân chúng khá cao và sinh họat chính trị đa đảng mà nghị trường nhiều lúc biến thành nơi đấu đá chẳng những bằng mồm mà còn bằng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” nữa.

chuyen_di_mua_xuan_3a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_3b-large-content

Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Tưởng Giới Thạch Tướng Douglas McArthur và TT Tưởng Giới Thạch

Chiều Tối Ở Taipei 

Buổi chiều đầu tiên ở Taipei, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm đại sảnh tưởng niệm cố tổng thống Tưởng Giới Thạch, trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc đời của hai vợ chồng họ Tưởng, người đã sát cánh với đồng minh trong trận đệ nhị thế chiến để cuối cùng thua cộng sản tại Hoa lục phải chạy ra đảo. Chúng tôi có mặt tại nhà tưởng niệm đúng vào giờ đổi gác nên được xem một phiên “đổi gác” của đội nghi lễ khá ngoạn mục. Sau đó kéo nhau đi ăn tối trong một nhà hàng Tàu với các món ăn nhiều chất béo (khác với thức ăn ở Nhật, rất ít chất béo) rồi về khách sạn nghỉ ngơi tắm rửa, đây là một khách sạn nằm ngay trung tâm Taipei khá khang trang dành cho du khách nước ngoài. Trời đổ mưa vào chặp tối, một số người trong chúng tôi rủ nhau kéo xuống phố cho biết không khí sinh hoạt về đêm. Trời mưa khá nặng hạt nên phải che dù mà đi. Vòng một lượt qua vài con đường thấy những khu buôn bán sầm uất, đèn màu rực rỡ trước những cửa tiệm quán hàng. Cũng có những tiếng rao mời của những người bán hàng, dĩ nhiên là bằng tiếng “Tàu” vì đây là khu tập trung buôn bán cho khách du lịch – kể cả khách du lịch người Đài Loan từ các tỉnh khác về. Chúng tôi đi lẫn lộn với đám khách du lịch đó nên dân buôn bán cứ tưởng chúng tôi cũng là dân Đài Loan nên cứ xổ tiếng Tàu với chúng tôi một cách thoải mái. Chúng tôi chỉ cười, dừng lại một vài phút ngắm những hình ảnh quảng cáo và các mặt hàng trưng bày bên trong các cửa kiếng. Nhìn quanh thấy có rất ít du khách người tây phương. Đảo quốc này không có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh hấp dẫn như trong lục địa nên vì lẽ đó mà ít thu hút du khách Âu Mỹ chăng? Từ lâu tôi đã có thành kiến nặng nề với người Tàu nhưng Tour du lịch mà chúng tôi chọn có cả Đài Loan nên phải ghé qua đây. Tuy vậy, ghé thăm Đài Loan rồi cũng nhận thấy có những điều hay lạ mà có lẽ trong lục địa với một tỷ tư con người không thể nào có được. Vì tính “ưu việt” có sẵn trong đầu các công dân đại cường quốc xã hội chủ nghĩa nên mới đây chính quyền Bắc kinh đã phải cho phổ biến một cẩm nang dày 64 trang để con dân của bác Mao bác Tập khi đi du lịch ra nước ngoài phải học thuộc như đã từng học “thánh kinh đỏ - tư tưởng Mao Trạch Đông” như: chớ có nói năng la lối ồn ào, chen lấn xô đẩy vô trật tự, khạc nhổ, cầm nhầm, vẻ bậy lên tượng các cổ vật, đứng cả đám chận các lối đi, đi bộ bất kể đèn vàng đèn đỏ…chớ có coi những các đô thị tây phương giống như là những cái ao nhà hôi thối của mình. Nhớ mùa hè 2004 kẻ viết bài này ghé thăm thành phố Toronto bên Canada, nơi tập trung mua bán của rất đông dân Á Châu, đặc biệt là người Tàu và Việt Nam, cứ mỗi lần mở cửa giữ cho người cùng đi với mình bước vào hoặc bước ra thì hết năm sáu trong số mười lần, các “chú ba cô ba” không biết ở đâu, vội vã bước vào bước ra xi xô thoải mái. Dĩ nhiên là chẳng nghe một tiếng “tố chè – tố cháo” gì cả… Đúng là Tàu. Mới đây, tại Bắc Kinh có cuộc chạy bộ Marathon. Sau khi chạy về đến đích, cả ngàn vận động viên phái nam đứng thành hàng ngang tưới vô các chân tường trông rất ngoạn mục. Tinh thần tập thể XHCN cao độ là thế!

chuyen_di_mua_xuan_4a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_4b-large-content

 

Cửa Tiệm Bán Trầu Của Tây Thi Chân Dài Vườn Cau Tây Thi

Tôi đã lạc đề và mang cái tội “nói xấu” con dân nước lớn là “đàn anh” của nước tôi – CHXHCNVN. Mặc dầu trời mưa nhưng du khách cũng chịu khó che dù đi viếng phố. Những con đường đầy các cửa tiệm bán đủ thứ như áo quần giày dép, nữ trang, máy móc và rất nhiều hàng ăn đặt ngay dưới lòng đường với tiếng rao mời “nị nị ngộ ngộ” nghe cũng rất vui tai. Khoảng mười một giờ tối người đi đã vãng và cơn mưa càng lúc càng lớn…

Tây Thi Bán Trầu 

Như đã nói ở trên, khi đến phi trường Taipei chúng tôi được đón bởi một nữ Tour guide người Việt. Cô này có tên là Anh Thư đã theo mẹ sang sống ở Đài Loan hơn mười năm. Anh Thư cùng một Tour guide khác tên là Thành theo đoàn từ Mỹ hướng dẫn đến các địa điểm thăm viếng đã định. Cả hai nói năng lưu loát, bày nhiều trò vui, ca hát kể chuyện suốt chuyến đi, giải thích cặn kẽ những gì du khách cần biết. Nói chung, họ làm việc rất tận tình, chu đáo và lo cho du khách tối đa. Ngày hôm sau, trên đường đi về hướng Nam để đến Đài Trung, xe chở chúng tôi chạy ngang qua một vùng cao. Trời vẫn mưa rả rích, xe chạy chậm. Trên đoạn đường này nếu để ý sẽ thấy những cái quán nhỏ nằm hai bên đường, nhìn vào bên trong thấy ánh đèn điện sáng trưng và bên ngoài có các bảng hiệu bằng đèn neon đủ màu sắc. Theo cô Anh Thư, đó là những quán bán trầu. Người ta có thể vào trong những quán ấy để ăn trầu. Xe đang chạy nên chỉ có thể zoom máy ảnh chỉa ngay vào một vài quán vừa kịp thấy để bấm. Ai ăn trầu? Thưa rằng: Ở đây chỉ có đàn ông ăn trầu. Đàn bà không ăn trầu như các cụ Việt Nam ta ngày xưa. Đấy là điều hơi lạ đối với chúng tôi. Những quán trầu “hạng sang” thường trực mở cửa đón khách dù mưa hay nắng. Các cô gái bán trầu được gọi là “Tây Thi”. Tại sao lại Tây Thi? Chỉ có những cô gái đẹp “đẹp như Tây Thi” mới đủ tiêu chuẩn mở quán để hấp dẫn giới mày râu. Thực vậy, khách vào xơi trầu chỉ toàn là thanh niên, đàn ông mà thôi. Khi được hỏi các đấng nam nhi vào xơi trầu vài ba miếng, trả tiền rồi ra đi hay sao? Cô Anh Thư vừa cười vừa trả lời lơ lửng… nếu chỉ có như vậy thì đâu cần các Tây Thi làm gì chứ!...Còn các mục linh tinh khác nữa…quý vị nào muốn biết thì cứ xin ghé vào…Xe vẫn chạy lên xuống mấy con dốc dưới cơn mưa cho đến khi xe dừng lại ở một quán nhỏ bên đường để cho du khách ghé thăm một quán trầu thuộc loại bình dân. Quán không có nàng Tây Thi chân dài mà chỉ có một chị Tàu sồn sồn mà tôi gọi là “mẹ Tây Thi” đang ngồi têm trầu với đôi tay khéo léo nhịp nhàng, têm mười miếng giống như một.Tay trái cầm lá trầu, tay phải cầm cây que quẹt một lớp vôi màu hồng lên lá trầu, xong gấp lại thành ba hoặc bốn lớp theo chiều dọc tùy theo lá trầu lớn hay nhỏ, xong quấn tròn bằng ngón tay cái có một khoảng trống ở giữa để nhét nguyên một trái cau vào bên trong. Cứ xong 10 miếng trầu lại cho vào một bịch nylon để bán với giá 50 won.Trầu têm cho khách mua ăn tại chỗ hoặc mang đi. Ở một chiếc bàn bên ngoài có hai anh “ba” tuổi cỡ trung niên đang ngồi nhai trầu uống rượu mặt mày đỏ gay nhìn chúng tôi cười cười rồi bi bô với nhau bằng tiếng Tàu khi nghe chúng tôi nói “tiếng lạ”. Chúng tôi lại lên xe đi tiếp. Trời vẫn mưa tuy không nặng hạt.

chuyen_di_mua_xuan_5a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_5b-large-content

Mẹ Tây Thi Đang Têm Trầu Hai Anh Ba Ăn Trầu Uống Rượu

Bộ Tộc Thao Và Cô Gái Việt Nam

Đến Đài Trung chúng tôi được đưa đi thăm hai nơi. Trước hết là thăm bộ tộc người Thao, thứ đến là xem hồ Nhật Nguyệt là thắng cảnh nổi tiếng của Đài Loan mà các Tour du lịch thường đưa du khách đến xem. Thao là tên của một bộ tộc nhỏ nhất và là một trong số 82 bộ tộc đã có mặt lâu đời trên đảo Đài Loan sống trên vùng núi cao, gần khu vực hồ Nhật Nguyệt thuộc tỉnh Đài Trung. Người Thao là sắc dân thiểu số theo như cuộc kiểm kê dân số năm 2008 chỉ có vỏn vẹn 626 ngươì. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 15 tổ tiên người Thao sống trên vùng cao nguyên quanh hồ Nhật Nguyệt chuyên về săn bắn và hái lượm. Người trưởng bộ tộc Thao lúc ấy, một hôm đang ngủ nằm mộng thấy một con nai hiện ra và nói sẽ dắt cả bộ tộc đến một vùng đất hứa. Chuyện kể rằng sau đó những người thợ săn khi săn đuổi theo một con nai trắng thì chính con nai trắng này đã dẫn dắt họ đến bên hồ Nhật Nguyệt. Nơi đây chẳng những có phong cảnh đẹp mà là nơi có rất nhiều loài hải sản dưới hồ. Từ đó người Thao kéo nhau về ở sống rải rác quanh hồ Nhật Nguyệt. Người Thao theo chế độ mẫu hệ nên đàn ông bộ tộc Thao rất khó lấy được vợ Đài Loan. Theo tập quán bộ tộc, con trai đến 12 tuổi được coi là đã trưởng thành. Người Thao đã tìm ra loại nấm linh chi từ lâu và biến chế thành dược thảo. Linh chi có bốn màu trắng đen nâu và đỏ đều ăn được. Ngày nay họ trồng rất nhiều và đem đi bán khắp nơi. Nấm linh chi mọc năm bảy tầng và phải mất từ năm đến bảy năm mới thu hoạch được (lưu ý: ngày nay tại Trung cộng, linh chi được trồng trong các căn nhà và nuôi bằng hóa chất nên thu hoạch rất nhiều và rất nhanh, dĩ nhiên là rất độc).

chuyen_di_mua_xuan_6a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_6b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_6c-large-content

Làng Văn Hóa Người Thao Giới Thiệu Bộ Tộc Thao Các Sản Phẩm Của Người Thao 

Sau chặng đường quanh co bò lên dốc, xe đưa nhóm du khách đến thăm trung tâm sinh hoạt tiêu biểu cuả người Thao. Nơi đây chúng tôi được tiếp đón niềm nở trong một căn phòng có gắn máy lạnh chứa khoảng 50 người. Chúng tôi được mời uống nước trà nóng được pha bởi một giống trà trồng tại địa phương mà lát nữa đây chúng tôi có thể mua ở phòng bày hàng ở phiá bên trong phòng tiếp tân. Một người đàn ông khoảng chừng 50 tuổi đại diện cho bộ tộc chào đón chúng tôi, nói về lịch sử của bộ tộc và những đặc tính tốt đẹp của người Thao. Người này nói tiếng phổ thông và được cô Anh Thư dịch cho du khách nghe. Trước khi đưa chúng tôi vào phòng trưng bày sản phẩm, một vũ điệu dân tộc được các thiếu niên nam nữ trình diễn với sắc phục sặc sỡ theo điệu nhạc phát ra từ một máy hát đặt ở bên trong. Các động tác của điệu vũ không có gì đặc sắc và nhạc điệu chừng như đã pha hơi hướm nhạc hiện đại rất nhiều. Nghe và xem cho vui mắt vui tai thế thôi…Chúng tôi bước vào phòng trưng bày sản phẩm và được các cô gái mặc sắc phục bộ tộc cười đón và một lần nữa, mời chúng tôi uống trà và giới thiệu các sản phẩm trà địa phương. Cá nhân kẻ viết bài đã lâu - kể từ ngày qua Mỹ, đã không còn uống trà thường xuyên nên uống thử vài ba chung cũng không còn phân biệt trà ngon trà dở gì nữa. Sản phẩm đặc biệt của bộ tộc Thao là nấm linh chi. Trên các tủ kệ, đủ loại nấm được trưng bày chung với những hộp linh chi đã được chế biến thành viên. Tại Mỹ, hằng ngày tôi nghe ra rả quảng cáo các loại dược thảo được chế biến từ nấm linh chi lấy trên vùng núi cao của Trung quốc, Tây tạng, Miến điện…thậm chí cả trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn chửa khỏi cả chục thứ bệnh nan y như ung thư đủ loại và được coi nhu thần dược do các lão lang băm Việt Nam chế biến. Kẻ viết bài này rất “dị ứng” với những chữ…linh chi…đông trùng hạ thảo…Thế mà người nhà của kẻ này cũng tậu một hộp thuốc linh chi và được tặng thêm một bịch năm sáu chiếc nấm to bằng bàn tay do cảm tình với một cô gái Việt. Số là khi bước vào phòng bán trà và dược thảo, tôi thấy năm sáu người phụ nữ trong sắc phục bộ tộc Thao sặc sở dàn sẵn trước các quày trà thuốc mời du khách uống thêm trà trong khi cô Anh Thư giới thiệu các sản phẩm bằng tiếng Việt. Từ xa cách khoảng năm mét tôi để ý nghe một trong số các cô người Thao nói tiếng Việt để chào hàng. Vì hiếu kỳ, tôi bước lại gần người phụ nữ khoảng hai lăm hai sáu tuổi và đứng nghe cô giới thiệu hàng và nói với du khách rằng cô ta là người Việt Nam. Cô nói giọng Nam, có vóc dáng cao thon, da trắng và mặt mày sáng sủa như những cô gái thành thị. Tôi đứng chờ cho đến khi cô hết bận bán hàng mới đến gần, tôi hỏi và cô gái đáp như sau: Cô nói cô là người Việt Nam? Dạ, cháu là người Việt Nam. Tại sao cô lại ở đây? Dạ, vì cháu lấy chồng là người ở đây. Chồng cuả cô là người Thao hay sao? Dạ, chồng cháu là người Thao. Cô ở đây được bao lâu rồi? Dạ, hơn 17 năm. Chồng cô có làm ở đây không? Dạ, chồng cháu đã chết…Cô có con cái gì chưa? Dạ, cháu có một đứa con 16 tuổi, con trai. Chồng cô tại sao chết vậy? Dạ, ngày nào ông ấy cũng uống rượu li bì từ sáng cho tới tối, bịnh rồi lăn ra chết. Bây giờ cô sống với ai? Dạ, với con. Ngày nào cô cũng đến bán hàng ở đây hay sao? Dạ, không…khi nào có du khách thì người ta mới kêu đi bán, còn thì ở nhà làm ruộng. Có đủ sống không? Dạ, cũng tạm tạm. Cô có muốn trở về Việt Nam không? Dạ không. Tại sao? Dạ, vì ở đây quen rôì. Cô còn cha mẹ ở Việt Nam và có nhớ nhà không? Dạ, còn mẹ và nhớ nhà lắm. Cô có về Việt Nam không? Dạ, có về hai lần thăm mẹ. Cô sống tỉnh nào ở Việt Nam? Dạ, cháu ở Sàigòn, bên Xóm Củi quận bảy…

chuyen_di_mua_xuan_7a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_7b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_7c-large-content

Vũ Điệu Dân Gian Bộ Tộc Thao Nấm Linh Chi Cô Gái Việt Lâý Chồng Bộ Tộc Thao

 Qua những câu trả lời ngắn gọn cuả cô gái lấy chồng xa quê, kẻ viết bài nghĩ có lẽ cô là người may mắn nhất trong số hàng vạn các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc, Đại Hàn…vì hoàn cảnh gia đình phải bỏ xứ theo chồng qua xứ lạ mà nhiều thảm cảnh đã xảy ra thật đau lòng. Xin cầu chúc cho cô gái Việt Nam gặp ở vùng núi cao được sống cuộc đời bình yên…

Hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake) 

Vùng núi non quanh hồ Nhật Nguyệt là quê nhà của thổ dân bộ tộc Thao như đã nói ở trên. Sở dĩ gọi là hồ Nhật Nguyệt vì phía đông của hồ có hình thể giống như mặt trời và phía tây thì giống như mặt trăng. Hồ Nhật Nguyệt là điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất tại Đài Loan. Hồ nằm ở độ cao 2454 feet trên mực nước biển và có chiều sâu 89 feet, diện tích 3.6 square miles. Quanh hồ có nhiều khách sạn đầy đủ tiện nghi từ ba đến năm sao, du khách có thể đứng từ khách sạn để nhìn ngắm mặt hồ mênh mông buổi bình minh sương mù hay xem cảnh mặt trời lặn chiều tà. Được nghe kể khi người Nhật chiếm đóng Đài Loan thì họ khai thác gỗ và dùng phương tiện di chuyển trên hồ để tải hằng hà sa số gỗ dùng vào việc xây dựng tại Đài Loan và số khác chở về Nhật. Năm 1919 hai đập thủy điện trên hồ được xây dựng và hoàn tất vào năm 1934. Một đường xe lửa cũng được thiết lập cùng năm 1934.

chuyen_di_mua_xuan_8c-large-contentchuyen_di_mua_xuan_8a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_8b-large-content

 Đền Nhật Nguyệt Hồ Chùa

Quanh hồ có nhiều đường mòn dành cho những người đi hiking rất an toàn. Hàng năm cơ quan phụ trách về thể thao đều có tổ chức đại hội thi đua bơi lội vào mùa thu, đường bơi dài ba cây số. Những năm gần đây có cả chục ngàn người ghi tên dự thi, trong đó có cả du khách từ các nước khác đến. Chúng tôi xuống thuyền để ngoạn cảnh trên hồ Nhật Nguyệt vào ban sáng lúc cơn mưa đổ xuống mặt hồ tạo thành một màn trắng đục huyền ảo với cận cảnh là những chiếc thuyền lớn nhỏ đủ loại nằm san sát bên nhau chờ du khách. Mặt hồ mênh mông được bọc quanh bởi những dãy núi chập chùng, mờ mờ trên đỉnh cao của những ngọn núi là những tháp được thiết lập làm nơi thờ kính những người mà nhân dân Đài Loan sùng bái như tháp Từ Ân thờ mẹ của Tưởng Giới Thạch, tháp thờ ngài Đường Huyền Trang và ngôi nhà nghỉ của Tưởng Giới Thạch…Thuyền cũng cập bến cho chúng tôi leo lên lưng chừng một ngọn núi để đến đền Khổng Tử, đền Quan Công, Nhạc Phi…Chúng tôi ghé thăm một đảo nhỏ có tên Lalu mà dân địa phương gọi là đảo Thần Linh thờ Cú Mèo.

Vài Ghi Nhận Đặc Biệt  

Chúng tôi rời Nhật Nguyệt Hồ để đi Đài Nam và Cao Hùng trước khi trở lại Đài Bắc. Trên đường đi, chúng tôi được hướng dẫn xem nhiều ngôi chùa, đền thờ và vài địa danh lịch sử. Ghi nhận thứ nhất là khi thăm một bảo tàng viện lớn, nơi trưng bày cả ngàn món đồ cổ và tài liệu quý giá của các triều đại Trung Hoa. Vào xem mới thấy có điều lạ, những tưởng rằng khi Tưởng Giới Thạch thua trận chạy ra đảo chỉ dẫn được đám quân bại trận phóng thuyền chạy ra đảo, có ai ngờ ông ta đã đưa ra đảo hằng bao nhiêu thứ quý giá. Hôm chúng tôi đến bảo tàng viện, lỡ xếp hàng rồi nên không lui ra được vì số người quá đông mặc dầu hôm ấy không phải là những ngày cuối tuần. Hơn một tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới vào được khu vực trưng bày đầu tiên. Cá nhân tôi hối hận vì đã vào đây, không phải vì không muốn xem mà lượng người quá đông mà hầu như trăm phần trăm là người Tàu đến từ lục địa, họ chen chúc như nêm, bên ngoài mưa lạnh nhưng vẫn toát mồ hôi. Tôi sợ mấy ông bà Tàu quá nhưng đã lỡ…Chưa hết, tiếng nói cười trò chuyện kêu gọi nhau của hàng ngàn con người tạo thành một thứ âm thanh loạn xạ làm nhức nhối cả tai. Tôi chẳng xem được gì và cũng chẳng muốn xem, cứ bước lần theo đám đông cho đến khi được thoát ra khỏi cái biển người mới thoát nạn. Đúng như ông Bá Dương đã mô tả trong “Người Trung Quốc Xấu Xí”. Xin trích nguyên văn một đoạn ông Bá Dương đã viết cho cả thế giới đọc: ”Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung quốc đến ở là các người khác phải dọn đi…”(trang 39 NTQXX bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ, NXB Văn Nghệ). 

Ghi nhận thứ nhì là, khi đi ngang qua nhiều đường phố tại Đài Bắc đều thấy có người của giáo phái Pháp Luân Công đứng hai bên đường đưa các khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng đàn áp giáo phái này trong hơn hai chục năm qua. Hình ảnh của nhiều nạn nhân được gắn trên tường cho thấy những cuộc đàn áp đẫm máu, nhiều người đã bị bắt bớ và đánh đập tra tấn cho đến chết. Họ lặng lẽ phân phối các tờ truyền đơn kêu gọi lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng. Hình như họ có nhiều toán thay phiên nhau để có mặt thường xuyên trên các đường phố dù trời mưa hay nắng, từ sáng sớm cho đến nửa khuya. Nói chung, những ngày ở Đài Loan không có gì đặc biệt lắm. Không thấy bất cứ một loại bông hoa nào vào mùa xuân ngoại trừ những cơn mưa rỉ rả từ ngày này qua ngày khác, thức ăn có nhiều chất béo. (Tàu mà…). Và một câu hỏi: Năm 2020 Trung cộng có thôn tính Đài Loan như họ đã hùng hổ tuyên bố hay không? 

chuyen_di_mua_xuan_9a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_9b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_9c-large-content

 Những Thức Ăn Vặt Trên Phố Đêm Teipei

Thăm Đại Hàn 

Trong chương trình Tour du lịch có ghi “đi thăm khu vực phi quân sự DMZ, khu đình chiến giữa hai miền Nam Bắc Hàn…”. Tôi rất muốn đến xem khu này mặc dầu trước khi lên đường, nhiều hãng thông tấn tại Mỹ đã liên lục đưa tin Bắc Hàn hăm dọa sẽ tấn công Nam Hàn nay mai. Đó là thời điểm giữa tháng ba kéo dài đến hạ tuần tháng tư. Có anh bạn cùng đi hơi lo sợ nên tìm kiếm địa chỉ, số điện thoại của tòa đại sứ Mỹ tại Nam Hàn để lỡ có chuyện xảy ra thì gọi cầu cứu. Tôi thì không. Lý do: Tôi quả quyết là Bắc Hàn không bao giờ dám tấn công Nam Hàn, chỉ là đòn hù dọa mà thôi, bổn cũ soạn lại đã sáu chục năm kể từ ngày đình chiến, thời Kim Nhật Thành đến Kim Chánh Nhật và cho đến nay dưới thời cai trị của chú lùn Kim Dong Ủn. Tôi sẽ viết về chuyến ghé thăm khu phi quân sự vào cuối bài này. Rời phi trường Teipei bằng chuyến bay OZ – 712 đến Seoul vào chiều thứ bảy, chúng tôi đi ăn tối trước khi về nghỉ ở khách sạn ngay trung tâm thủ đô Seoul. Trên đường từ phi trường vào thành phố, chúng tôi thấy hai bên đường cũng có hoa anh đào đang độ nở tuy không nhiều và rực rỡ như bên Nhật Bản. Thời tiết lạnh giá mặc dầu đã vào giữa tháng tư. Nhìn thoáng qua thì thấy Seoul tân kỳ sạch sẽ và lịch sự. Buổi tối chúng tôi cũng rủ nhau ra phố để biết một vài sinh hoạt về đêm của Seoul, dĩ nhiên là chỉ đi loanh quanh trong vài khu phố buôn bán mà thôi. Trời rất lạnh nên người nào cũng khăn áo ấm đầy người.

chuyen_di_mua_xuan_10a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_10b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_10c-large-content

Công Viên Mùa Xuân Hát Dân Ca Giúp Vui Cho Du Khách Xem Vẽ Tranh Ngoài Đường Phố

Có một hướng dẫn viên người Đại Hàn tên Jimmy khoảng năm chục tuổi nói tiếng Anh nặng giọng hầu như chỉ chăm chú vào việc quảng cáo cho một số cơ sở mua bán hơn là hướng dẫn cho du khách biết những nơi đến thăm. Anh ta đưa chúng tôi vào những cửa tiệm để mua hàng (dĩ nhiên anh ta ăn tiền cò). Tôi nhớ anh đưa chúng tôi vào các cửa tiệm bán sâm, đá quý và mỹ phẩm…Tôi theo đoàn vào cửa hàng bán sâm và thấy một phụ nữ nhỏ nhắn ăn mặc khá lịch sự ra chào hỏi. Cô ta nói giọng Bắc, nghe ra là giọng Bắc 1975 chính cống, giọng nói mà tôi không bao giờ muốn nghe. Cô ta tập cho du khách khoành tay cúi đầu chào theo kiểu của người Đại Hàn và giới thiệu sản phẩm bằng ngôn ngữ của quảng cáo Hà Nội hiện đại. Tôi đứng lùi về phía sau rồi bước ra khỏi cửa hàng đồng thời với một du khách khác cùng đoàn, anh Dũng. Anh Dũng nói với tôi…Tôi không chịu được cái giọng Bắc Kỳ đó. Anh Dũng cũng là người Bắc. Anh bảo đám VC đưa người của chúng vào đây để dụ du khách Việt Nam. Tôi và anh Dũng không vào những cửa hàng kế tiếp. Ngoài ra có một thanh niên Đại Hàn độ ngoài hai mươi tuổi, nhỏ người mà tôi không rõ anh chàng phụ việc cho tài xế hay cho hướng dẫn viên. Nhưng anh ta lanh lợi, vui vẻ và sẵn sàng giúp du khách lên xe xuống xe, phân phối nước uống và một vài chuyện lặt vặt mà du khách nhờ đến chẳng hạn như khi vào nhà hàng ăn, khách thiếu thứ này thứ nọ hoặc cần kêu thêm món gì thì anh chàng chạy luôn vô bếp mang ra. Thấy cung cách anh làm thật chuyên nghiệp và trên môi lúc nào cũng có nụ cười. Có lẽ anh làm công việc này đã khá lâu. Điều làm cho du khách ngạc nhiên là hôm đến thăm khu phi quân sự, anh chàng mang theo một máy ảnh loại của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiệu Nikon và cứ chỉa máy vào du khách chúng tôi chụp lia lịa khỏi cần hỏi ý kiến ý cò gì cả, anh ta còn lùa một số du khách đến đứng trước những nơi cần có ảnh và chụp thoải mái, chẳng thấy ai phản đối mặc dù mỗi cặp du khách đều có một máy ảnh. Trước khi rời Seoul anh ta mang một túi hình và tìm giao tận tay từng du khách. Du khách móc đô la trả tiền mà không phàn nàn gì cả. Tôi thấy anh ta tính 5 đô la một tấm cỡ 5x7. Tôi cũng dính chấu mấy tấm. Đó là một trong những chuyện nhận sự bên lề mà tôi còn nhớ. Viếng thăm thắng cảnh, chúng tôi được đến thăm Blue House tức dinh thổng thống, chỉ đứng ngoài đường nhìn vào, bảo tàng viện quốc gia, vườn hoàng cung, cung điện Gyeongbokgung, phim trường Nami Island….

Bảo tàng viện nằm trong khuôn viên của Gyeongbokgung được thành lập năm 1945 là bảo tàng viện duy nhất của quốc gia nhằm giới thiệu các di sản của dân tộc Đại Hàn. Bảo tàng viện có nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập và bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc Đại Hàn. Đến nay đã có hơn 4000 hiện vật lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Xem các hiện vật trong bảo tàng mới thấy được tính chất phức tạp trong quá trình hình thành một quốc gia từ thời kỳ phong kiến, bị trị cho đến một quốc gia độc lập tự chủ với một nền kỹ nghệ đứng vào hàng “top ten” trên thế giới mặc dầu phải thường trực đối đầu với một chính thể độc đoán phía Bắc lúc nào cũng muốn nuốt chửng miền Nam.

chuyen_di_mua_xuan_11a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_11b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_11c-large-content

Đến thăm vườn hoàng cung và cung điện hoàng gia Đại Hàn, du khách nhận thấy những nét kiến trúc giống như những kiến trúc của Trung Hoa và Việt Nam trong các cung vua phủ chúa thời phong kiến. Những đền đài cung cấm, vườn thượng uyển, hoàng môn, ngõ ngách, lối đi…được xây dựng bằng xương máu của nhân dân đã xuất hiện rất nhiều trong các phim lịch sử Đại Hàn, dĩ nhiên người ta phải tân trang thêm nhiều khu vực cho ra vẻ thời “phong kiến” thực sự khi lên phim. Thăm các khu này, cá nhân tôi thấy khung cảnh tiêu sơ, không khí kỳ bí, đượm vẻ trầm uất của bao linh hồn vất vuởng với bao nỗi oan khiên. Viết đến đây tôi lại nhớ nhiều lần đọc báo thấy có những bài viết kể rằng có nhiều người Việt Nam ở Mỹ - Pháp - Úc- Canada… về Việt Nam vào thăm các cung vua phủ chúa, đền đài lăng tẩm ở Huế thấy khung cảnh tiêu điều hoang phế, các cung phủ với mái ngói, tường vách cũ kĩ ẩm mốc hoen ố, nền móng nứt nẻ, những vật dụng như chiêng trống, kiếm cung (giả), áo quần vua quan (giả luôn), đàn sáo…vứt thành đống dưới đất, bụi bặm bám vào, chiếc ngai vàng (không biết thật hay giả) cũng đầy bụi…đến khi có du khách đến thì lôi ra cho họ mặc (phải trả tiền thuê) mà phần lớn là các ông bà gọi là Việt kiều (Phải gọi người Mỹ người Pháp…gốc Việt mới đúng) mang hia đội mão ngồi khoành tay trên “ngai vàng” chụp vài tấm ảnh để khi trở về Mỹ - Pháp – Canada - Úc… khoe với bạn bè bà con láng giềng. Những người này là những “khúc ruột ngàn dặm” đem cơm về nuôi chế độ. Một lần trong một phòng mạch, tôi chứng kiến cảnh một ông chủ tiệm vàng mang mấy tấm hình chụp ông ta ngồi trên ngai, đầu đội nón cối nhe hai hàm rằng vàng khè (không phải răng mạ vàng) cười ra bộ hả hê liền bị một bà bạn gặp trong phòng mạch chửi thẳng vào mặt rằng…cái nón cối chỉ để đựng “xê ư tê sắc” mà ông lấy đội lên đầu ông hả…Chuyện hoàng cung Đại Hàn lại bắt qua chuyện hoàng cung Việt Nam thật không phải phép. Mong quý độc giả thứ lỗi.

chuyen_di_mua_xuan_12c-large-contentchuyen_di_mua_xuan_12b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_12a-large-content

Trong số du khách đi chung với chúng tôi, có rất nhiều người háo hức mong được đến thăm phim trường của “Bản Tình Ca Mùa Đông – Winter Sonata (hay Winter Love Story hoặc Winter Ballad) ”. “Bản Tình Ca Mùa Đông” là tên của một phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng của Đại Hàn thực hiện năm 2002 mà lần đầu tiên tôi được nghe. Tôi là người dốt nát về phim ảnh nên rất lạ lẫm khi nghe nhiều người nói đến và khen cuốn phim này. Có mấy người bạn cùng đi với tôi cũng khen rằng phim hay…hay lắm và cảm động đến nỗi có mấy đấng nam nhi già khi xem phim khóc sướt mướt nên lúc nào trong tay cũng cầm sẵn một mớ napkin, chuyện này do các cụ vợ khai ra chứ chẳng phải mấy cụ chồng đâu. Thành thật mà nói, cá nhân tôi thỉnh thoảng cũng có ghé mắt vào màn ảnh TV xem vài đoạn phim Đại Hàn hoặc Trung Hoa mà nội dung tựu trung là chuyện tình nam nữ yêu nhau, trai tài gái sắc, rất nhiều vai nam nữ là tổng giám đốc, giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, nhà thiết kế…Cảnh trí thì có phòng ốc hội họp sang trọng, xe cộ đắc tiền, áo quần thời trang, có màn xe đụng, đánh đấm, bắn súng, có xe còi hụ đèn chớp đưa vô nhà thương và lắm nghịch cảnh éo le trắc trở kiểu tiểu thuyết Quỳnh Dao dễ làm cho nữ khán giả mủi lòng…Địa điểm chính để quay “Bản Tình Ca Mùa Đông” là Nami Island (hay Namisum) ở thành phố Chuncheon cách Seoul 60 km về hướng đông, có hình bán nguyệt. Đảo hình thành vào năm 1944 do nước sông Hán dâng lên do việc xây đập, đảo có đường kính 4 cây số, giữa đảo có thảm cỏ xanh 260.000 thước vuông được bao quanh bởi các cây dẻ và bạch dương. Đảo được đặt theo tên của tướng Nami, người có công dẹp loạn ở thế kỷ thứ 13 bị chết oan vì kết tội phản vua. Tương truyền không ai biết mộ ông chôn nơi đâu nhưng người ta tìm thấy một đống đá được cho là có xác ông bên dưới, người nào lấy đá nơi “mộ” sẽ gặp bất hạnh cho cả gia đình.

chuyen_di_mua_xuan_13a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_13b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_13c-large-content

Phà Đưa Ra Đảo Các Tài Tử Trong “ Winter Sonata” Chụp Với Ảnh Của Tài Tử

Tuy là mùa xuân nhưng cái lạnh của mùa đông vẫn chưa dứt. Du khách đều mặc áo ấm với khăn quàng cổ để chặn bớt cái lạnh. Đi theo con đường hai bên có hàng cây bạch dương cao vút lá xanh um treo đầy những chiếc bong bóng màu trắng phất phơ trước gió, du khách cũng cảm nhận được cái bối cảnh nên thơ trong phim Bản Tình Ca Mùa Đông. Ngược lại ở một con đường khác trong phim trường, hai hàng cây bên đường mang một màu ủ dột của mùa đông, thân cây cao vút, li chi đầy cành nhưng lại không thấy có một chiếc lá nào. Đó đây trong phim trường người ta treo những bức ảnh của các diễn viên đã đóng trong phim, mấy chiếc xe đạp đã dùng trong phim…và những dòng chữ lưu niệm trên gỗ của du khách đến viếng…rồi quán cà phê, quán kem, quán ăn bên trong những cabine bằng gỗ trang trí đủ loại hình ảnh để hấp dẫn du khách. Ngoài du khách nước ngoài đến thăm phim trường, có rất đông du khách Đại Hàn.

chuyen_di_mua_xuan_14c-large-contentchuyen_di_mua_xuan_14b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_14a-large-content

Trong gần ba ngày ở Đại Hàn và trải qua một số nơi được đến thăm, thì vùng phi quân sự nằm dọc vĩ tuyến thứ 38 và địa đạo số 3 mà chúng tôi được đi vào xem là nơi mà cá nhân tôi thích thú. Nhiều du khách cùng Tour với chúng tôi, khi đến khu phi quân sự thì họ chỉ chụp ảnh và đi vòng vòng xem cảnh và mua sắm kỷ vật chứ không xuống xem địa đạo. Chắc quý độc giả còn nhớ, trong vòng hơn một tháng, từ giữa tháng ba cho đến cuối tháng tư, nhà cầm quyền Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những lời đe dọa là sẽ tấn công Nam Hàn. Hơn thế nữa họ còn dọa sẽ xóa sổ luôn nước Mỹ bằng những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn hóa học, sẽ dùng cao xạ và tên lửa KN-02 có nhiên liệu rắn bắn thẳng vào Seoul. Thời gian đó là lúc chúng tôi sắp sửa lên đường du lịch ba nước Nhật – Đài Loan – Đại Hàn. Chúng tôi có mặt tại Đại Hàn ngày 15 – 16 và 17 tháng tư. Nói đến vùng phi quân sự - DMZ - Demilitarized Zone (hoặc Korea Demilitarized Zone) cũng nên nhắc lại cuộc chiến 1950-1953 mà Bắc Hàn là kẻ chủ mưu tấn công Nam Hàn với sự trợ giúp của hồng quân Trung Hoa. Chúng ta ắt còn nhớ, sau đệ nhị thế chiến, bán đảo Triều Tiên được độc lập từ Nhật Bản nhưng chia hai miền. Miền Bắc ảnh hưởng

chuyen_di_mua_xuan_15a_jpg-large-contentchuyen_di_mua_xuan_15b_jpg_png-large-contentchuyen_di_mua_xuan_15c-large-content

 Bản Đồ Nam Bắc Hàn Những Mẩu Vải Nhắn Tin Của Dân Nam Hàn Dòng Sông Cắt Chia Đôi Miền 

 

của Liên Xô, miền Nam ảnh hưởng của Mỹ. Hai miền ngăn đôi nơi vĩ tuyến thứ 38 nằm trong tỉnh Kangwon. Ngày 25 tháng 6 – 1950 Bắc Hàn bất ngờ tấn công Nam Hàn và được Trung Cộng đem quân vượt qua sông Áp Lục để trợ giúp Bắc quân. Đến ngày 27 tháng 7 -1953 hai bên ngưng chiến bằng một thỏa hiệp với sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc. Vùng phi quân sự được thành lập, mỗi bên phải lui quân cách vĩ tuyến 38 hai cây số. Từ Seoul đến vùng phi quân sự khoảng 60 cây số. Chúng tôi có mặt ở đó khoảng mười giờ sáng. Hai bên đường dọc theo sông Imjin là những đồn canh của quân đội Nam Hàn, với những bãi đậu xe quân sự, căn cứ của quân đội. Các trạm kiểm sóat đọc đường đều do quân nhân đảm trách rất nghiêm ngặt. Sông Imjin là một trong bảy con sông lớn của bán đảo Triều Tiên, chảy theo hướng Bắc Nam ngang qua vùng phi sự rồi nhập với sông Hán chảy về hướng Seoul. Tại vùng phi quân sự, ngoài những hình ảnh và tượng đài do chính phủ Nam Hàn lập dựng có tính cách tuyên truyền, còn có một chiếc cầu sắt mà dân chúng Nam Hàn khi đến thăm, đều gắn những mẩu vải đủ màu sắc trên những vòng giây thép gai có ghi những lời nhắn cho thân nhân ở phương Bắc. Du khách có thể lên bên trên ngôi nhà kiên cố có đặt nhiều kính viễn vọng để nhìn sang Bắc Hàn, chụp ảnh mọi hướng nhưng khi vào thăm địa đạo thì không được chụp ảnh. Sau khi xem phòng thông tin về vùng phi quân sự, chúng tôi bắt đầu đi xem địa đạo. Vào đầu địa đạo, mỗi du khách được phát một chiếc nón nhựa an toàn màu vàng để đội trước khi chui vô địa đạo số 3 là một trong 4 địa đạo mà quân Bắc Hàn đã đào từ năm 1970 cho đến 1990 là lúc mà Nam Hàn phát hiện được những đường hầm này. Một trong bốn địa đạo này chỉ cách Seoul 44 km, địa đạo rộng 2 mét, cao 2 mét, đào xuyên qua núi đá. Nếu không bị phát hiện thì Bắc Hàn dự tính khi tấn công Nam Hàn, mỗi một tiếng đồng hồ sẽ điều động mười nghìn lính với đầy đủ vũ khí trên người băng qua địa đạo để xâm nhập vào Nam Hàn. Tôi không tin Bắc Hàn có thể thực hiện việc chuyển một số quân lớn như thế trong vòng một tiếng đồng hồ. Bề cao của địa đạo là 2 mét nhưng khi chúng tôi đi dưới địa đạo thì lúc nào cũng phải khom người thấp xuống để đầu khỏi đụng vào lớp đá bên trên. Địa đạo đi xuống có độ dốc nghiêng khoảng 20 độ được lát đá lúc nào cũng ẩm ướt dễ trợt, cách khoảng độ mươi mét có treo lủng lẳng một ngọn đèn điện vàng soi lối đi, cách vài chục mét lại có một chiếc ghế đá dành cho du khách ngồi nghỉ nếu thấy mệt. Đoạn đường hầm chúng tôi xuống thăm chỉ dài 350 mét. Cuối đường hầm phía Nam có vách ngăn, du khách có thể nhìn qua phía Bắc của đường hầm nhưng chẳng thấy gì cả. Có lẽ phía bên kia thuộc phạm vi quản lý của Bắc Hàn nên họ không cho phép bất cứ ai vào địa đạo và tôi tin rằng cho đến giờ này nhân dân sống ở Bắc Hàn cũng chưa bao giờ nghe đến trên đất nước của họ có những địa đạo như thế. Khi nhìn dòng sông Imjin chia cánh hai miền Nam Bắc Hàn, tôi lại nhớ có dòng sông Gianh chia cắt đôi miền nước Việt vào thế kỷ 17 và dòng sông Bến Hải chia đôi bờ Nam Bắc giữa thế kỷ 20. Khi vào xem địa đạo vùng phi quân sự ở Nam Hàn tôi không quên ở miền Nam Việt Nam cũng đã có địa đạo Củ Chi là đường hầm mà cộng sản Bắc Việt dùng để chuyển quân đội, vũ khí và cả nền văn minh Bắc Bó vào Miền Nam Việt Nam.

chuyen_di_mua_xuan_16a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_16b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_16c-large-content

Trạm Kiểm Soát Vùng DMZ Đền Tưởng Niệm Trong Vùng DMZ Nhìn Bắc Hàn Bằng Viễn Vọng Kính

Sau khi thăm vùng phi quân sự và địa đạo, chúng tôi lên xe trở về Seoul để ăn trưa và viếng thăm một vài nơi khác của thủ đô Seoul.

Để chấm dứt phần tường trình “Chuyến Đi Mùa Xuân” thăm ba quốc gia Nhật – Đài Loan và Nam Hàn, cũng xin nhắc lại là: Chúng tôi gồm 5 cặp cựu học sinh Bùi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo Đà Lạt cùng rủ nhau đi gồm cặp Nguyễn Vương Thái (THĐ 63, Houston), Hoàng Kim Châu (THĐ 63, Houston, TX), Diệp Nữ Hạc Cúc (BTX 70, Houston, TX), Phún Tắc Ón (THĐ 64, Simi Valley, CA) và Phạm Bá Đức (THĐ 63, Westminster, CA) nhưng vì trục trặc lúc ghi danh nên Phạm Bá Đức phải đi chuyến sau với một số các bạn khác. Chúng tôi thực sự đã trải qua những ngày đi chơi bên nhau thật vui và hữu ích khi thấy những điều mà mình mới chỉ được nghe. Hơn nữa, chuyến đi đã kết chặt thêm tình bằng hữu, tình đồng môn và nhất là tình đồng hương Đà Lạt. Đặc biệt là có thêm nhiều bạn bè mới đáng yêu và tốt bụng. Mong quý anh chị cùng đi du lịch với nhau. Tuổi già vẫn còn có nhiều niềm vui…

Phong Châu

chuyen_di_mua_xuan_17a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_17b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_17c-large-content 

Quảng Cáo Beer Ngoài Đường Phố Seoul Cảnh Sát Đường Phố Seoul Trò Chơi Gì Đây? Vui Thế!

chuyen_di_mua_xuan_18a-large-contentchuyen_di_mua_xuan_18b-large-contentchuyen_di_mua_xuan_20-large-content

Trong Quán Cà Phê Trên Phố Tàu Anniversary Ngày Cưới Của Ón & P.Anh

chuyen_di_mua_xuan_21-large-contentchuyen_di_mua_xuan_22-large-contentchuyen_di_mua_xuan_18c-large-content

Đi Shopping… Nâng Ly Chúc Sức Khỏe Và…Phong Châu

chuyen_di_mua_xuan_19-large-content

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn