Một thoáng Bồng Lai * Phạm Mai Hương

08 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 43169)

Một thoáng Bồng Lai


 Người về người ở nỗi buồn ngây

Sợi nhớ vương theo với tháng ngày

Sáng lạnh nhành lan hong cửa sổ

Chiều sương chiếc nhạn lạc đường mây

Đã hay phận đá mồ hôi rịn

Mới rõ trần gian nước mắt đầy

Biết có ai về ngang xứ bạn

Tiếng lòng mình gởi muộn màng đây!

 

Đậu xong tú tài, sau khi học bảy tháng tại trường Sư Phạm Đalạt, tôi được bổ nhiệm về trường tiểu học Bồng Lai, thuộc huyện Đức Trọng, cách Dalạt 25 cây số, trên đường quốc lộ 20 hướng về Sài Gòn.

Từ giã gia đình với hai hàng nước mắt, tôi ôm túi hành lý lên xe đò xuống trường với tâm trạng khó tả, nửa mừng vì may mắn hơn các bạn phải vào tận Thiện Chí, Dammer với nỗi ám ảnh nạn Fulro, nửa lo vì không biết mình sẽ xoay xở thế nào ở một nơi xa xôi hẻo lánh không một bóng người thân khi tuổi đời còn quá trẻ và kiến thức chỉ lưng bàn tay. Mặc dù phải đợi hơn nửa ngày mới mua được vé nhưng chỉ chạy hơn nửa tiếng xe đã dừng lại bên chiếc cầu Bồng Lai bắc qua nhánh sông nhỏ của con sông Đa Dung, thượng nguồn sông Đồng Nai. Tôi bước xuống xe, hỏi thăm đường đi đến trường.

Trường Bồng Lai cách con đường quốc lộ chừng nửa cây số. Đường lớn nhưng chưa lát nhựa, đang mùa hanh khô nên bụi đỏ mịt trời, phủ một lớp mỏng trên chiếc áo gió tôi đang mặc. Một tấm bảng tên trường cũ mèm, rỉ sét gắn lỏng lẻo trên hai cây cọc cao. Phía trong có hai dãy lớp dài bằng gỗ, mái lợp tôn, qua khe hở, bóng những mái đầu học tro nhấp nhỏm nhìn người lạ. Một thầy giáo bỏ lớp chạy ra đón tôi đưa vào văn phòng. Đó cũng là ông hiệu trưởng của trường, người ông thấp nhưng khoẻ mạnh rắn chắc, mái tóc bạc trắng dù chưa qua tuổi ba mươi. Ông vốn là một huynh trưởng hướng đạo và là người gốc Dalạt nên tiếp đón tôi niềm nở như một người thân. Ông bảo:

-Các anh chị khác đang lên lớp. Tạm thời em qua nhà tập thể chờ các chị về rồi xem chia nhau chỗ ở. Ngày mai em hãy lên lớp. Anh phân công em dạy lớp một. Bây giờ em là người trẻ nhất trường.

 Ông đưa chùm chìa khoá cho tôi đoạn quay vào lớp dạy tiếp. Ngôi nhà cách đó chừng vài chục mét, rộng bằng một lớp học. Dọc hai bức vách đối diện nhau là hai liếp gỗ xếp mùng mền ngay ngắn, phía trên đóng đinh treo quần áo. Tôi đoán đây là chỗ ăn ở của giáo viên, một chiếc bàn dài có hai băng ghế đâu vào nhau đặt ở giữa ngăn cách chỗ ngủ của thầy cô dùng để soạn bài. Một tấm màn mỏng vắt lên, có lẽ sẽ che kín phần liếp ngủ của các cô. Phía sau có bếp lò củi với một thùng phuy nước. Đặt chiếc xắc xuống bàn, tôi không biết mình từ trên trời xuống khoảng nào dưới đất. Chung quanh tôi đồng không mông quạnh, đất đỏ phủ đầy, cái nóng của mái tôn hắt xuống làm nước mắt và mồ hôi quện với nhau. Khóc chán chẳng lấy một ai dỗ dành và cũng dường như chẳng có cái gì xấu hơn xảy ra, tôi thay quần áo ra phuy nước rửa tay chân, nhẩn nha chờ tiếng trống trường bãi học.

 &&&&&&

Tiếng học trò la hét,ồn ào một lúc, thoắt cái đã thấy chúng lấp ló tuốt ngọn đồi bên kia. Các anh chị giáo viên có lẽ thấy tôi qua khe lớp, vào nhà đã vồn vã:

-Em tên chi?

-Dạ! Em tên Vân.

-Em ở đâu?

-Dạ! Em ở Hoàng Diệu.

Một chị có dáng người cao, mảnh khảnh, mái tóc ngang vai, mặc chiếc áo dài lụa vàng màu hoa cúc, giọng nói hơi Huế nhè nhẹ reo lên:

-A! Em ở Hoàng Diệu hả! Hèn chi chị nhìn chiếc áo em treo sao thấy quen quen.

Trong một phút, tôi nhận ra ngay đôi mắt đẹp ánh nụ cười với khuôn mặt hao hao giống nhau trong một gia đình trong xóm.

-Chị có phải là chị Mai Trang, con bác Triếp, phải không? Nhà chị có lò phở phải không?

Như gặp người thân thuộc, hai chị em huyên thuyên với nhau khiến các chị khác phải buồn cười. Quay lại đã thấy các chị thay xong quần áo, một chị cầm chiếc mền quây tròn cho một chị khác chui vào trong thay quần áo. Chị Mai Trang xếp cho tôi một chỗ nằm gần chị: túi sắc để trên đầu sát vách, tiếp đến mùng mền.

Sau đó cả bọn cùng xuống bếp nấu cơm. Các anh xách thùng lấy nước, một chị ra vườn khoai lang gần đó ngắt đọt khoai, chị khác vo gạo, một chị gầy bếp, củi lửa bốc cao bập bùng. Trong chốc lát, cơm chín cùng lúc màn đêm buông xuống.

Nồi cơm không độn bo bo như ở thành phố mà độn bằng khoai lang khô, món canh rau khoai với nồi cá kho khô được dọn lên. Dưới hai ngọn đèn dầu lửa chập chờn, không ai thấy mắt tôi rớm lệ, chén cơm nuốt không trôi mà các anh chị cứ ngỡ tôi đi đường xa mệt.

Chén bát dọn xong, các anh chị bày giáo án ra chiếc bàn giữa phòng soạn bài. Chị Mai Trang và tôi ngồi trên liếp gỗ thì thầm nói chuyện. Một sự gắn bó đột nhiên hình thành giữa tôi và chị vì chị và tôi cùng là chị cả của cả một đám em đông đến hơn mười đứa, cũng cao và ốm và có một chút điệu đàng con gái giống nhau. Tôi bảo chị giống Khánh Ly, chị khen tôi có nét của Phương Dung rồi cả hai chị em cùng cười cho cái ngớ ngẩn của mình.Tôi chợt nhớ:

-Em có nghe tiếng bác Triếp làm thơ hay lắm.

Chị gật đầu:

-Nhiều người thường tới học thơ đường của ba chị. Ông lấy bút hiệu Việt Trang, tên hai đứa con đầu. Mỗi đứa con cũng có một chút máu văn nghệ của ông nên đứa nào cũng có một tài vặt riêng.

Chị Mai Trang lôi trong chiếc va li những bản nhạc chép tay làm bằng giấy croky dài bằng nửa tờ giấy học trò nhuộm mực tím, những giòng kẻ và nốt nhạc được viết bằng ngòi bút lá tre chấm couleur trắng đều đặn, mềm mại đến thán phục.

-Đẹp quá! Em chưa thấy ai tỉ mỉ như chị. Chị hát cho em nghe bản nhạc này đi.

Không chút ngần ngừ, chị hát ngay. Giọng ấm khoẻ, truyền cảm. Một thầy giáo dừng tay viết, nhấc chiếc đàn guitar lên đệm.

………..đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dịu muôn tiếng tơ, không gian trầm lắng như âu yếm ru bao nhiêu ước mơ……..

Mọi người, mọi vật dường như dừng lại lắng nghe. Ngoài sân, cánh đồng rộng mênh mông đẫm ánh trăng, không một bóng người như cảnh hoang sơ của đất Bồng Lai tiên cảnh. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một mái gia đình thứ hai đầy ắp tình tin yêu.

 &&&&&&

Trường có chừng chục lớp, mỗi lớp có vài chục học sinh gồm dân từ tỉnh Quảng Ngãi di dân đến. Các em nói rặc giọng địa phương, sống trong bốn xóm xung quanh trường: xóm trung, xóm thượng, xóm trên, xóm dưới. Cả hiệu trưởng và giáo viên cũng chừng mười người, đều là người miền nam, có người từ Dalạt xuống, có người là dân địa phương quanh đó. Ai cũng độc thân trừ chị Mai Trang. Ngoài tài năng văn nghệ, chị đúng mẫu người con gái Huế, đảm đang, không nề hà việc bếp núc, việc gì làm cũng gọn gàng chu đáo. Tuy trường nằm một nơi hẻo lánh nhưng giáo viên lên lớp vẫn chỉnh tề áo dài. Ở một nơi không điện nước, than củi, chị bày tôi cách vuốt áo dài cho thẳng nếp, đặt dưới gối nằm đề mai rủ ra thẳng nếp như mới được là.

Đám học sinh học không giỏi nhưng mộc mạc chất phác. Buổi tối, thỉnh thoảng bóng môt học sinh lấp ló bên cửa:

 -Dạ! Cha mẹ con mới đào khoai đầu mùa, cha mẹ con có luộc một ít. Cha mẹ con nhờ cô Mai Trang mời các thầy cô qua ăn. 

 Mặc dù có nhiều anh chị lớn tuổi hơn nhưng chị Trang dường như được phụ huynh dành cho nhiều sự ưu ái. Chúng tôi gác giáo án qua bên, men theo đường đồi vào nhà phụ huynh ăn củ khoai nóng đầu mùa ngọt như đường. Phụ huynh không biếu khoai sống mà luộc chín mời qua ăn, có lẽ họ muốn thầy cô thấy được tình cảm ấm áp của cả gia đình mình.

 &&&&&&

 Mỗi tối, chúng tôi chia phiên nhau cầm đèn dầu qua trường dạy bổ túc văn hoá. Dưới ánh đèn dầu lửa, khuôn mặt những người dân khắc khổ, dãi nắng dầm mưa cả ngày, để cầm được cây bút trên tay quả là một điều khó khăn nhưng lớp học vẫn tiếp diễn đều đặn, đôi lúc thầy trò cất tiếng hát để át cơn buồn ngủ. Tan lớp, hai chị em thủ thỉ nằm kể chuyện cho nhau nghe. Tôi kể chuyện tình với một người trùng tên với mình, đó là chàng trai sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia. Chị tâm sự chuyện gia đình:

-Chị học Sư Phạm Qui Nhơn xong được bổ nhiệm dạy ở Quảng Đức . Quảng Đức tuy là tỉnh nhưng buồn và vắng vẻ. Đường đi lên không an toàn, phải đi bằng máy bay. Ba chị phải đưa chị lên nhận nhiệm sở. Lên đó được mấy tháng , chị quen anh Quỳnh. Anh lớn hơn chị cả chục tuổi, người Sơn Tây nên có đôi mắt đẹp.Chị với anh Quỳnh lấy nhau chưa được một năm thì anh ấy đi học tập. Tính anh khó lắm, chị đi thăm nuôi mà chỉ được mặc chiếc áo ba ba màu tím mà thôi.

Tôi bất giác chạnh lòng, gia đình chị khá giả, chị là một tiểu thư được cưng chiều vậy mà vẫn sống dung dị được giữa một nơi heo hút.

-Khi anh Quỳnh đi học tập, chị về Dalạt xin đi dạy, cũng may,họ nhận liền, được một năm thì em gái chị cũng là giáo viên, lúc đó nó bằng em bây giờ, nó bị đưa xuống huyện. Chị thương nó, rủi xuống vùng bị sốt rét thân tàn thì chết, nó lại chưa bao giờ xa nhà chịu cực không nổi, vả lại nó cũng chưa quen ai, xuống vùng quê, toàn nông dân ít học, không gặp được ai, lỡ thì cũng tội.

Tôi nằm nghe chị kể mà cảm phục sự hy sinh của chị dành cho em gái. Trong chăn ấm nệm êm, không biết cô em có cảm được nỗi nhọc nhằn của người chị gái mỗi khi đứng đón xe về thăm nhà ngày thứ bảy: giữa trưa nắng cháy da, túi xắc trên tay, thấy bóng xe nào là cắm đầu chạy lại, bất kể đó là xe chở khách hay xe chở heo từ Quảng vào.

 &&&&&&

Tôi dạy ở trường Bồng Lai đến tết thì đđược chuyển ra ngay Phòng giáo dục Đức Trọng. Các anh chị đều mừng cho tôi. Đêm chia tay, chị Mai Trang thủ thỉ:

-Vân may mắn lắm, có cơ hội ra được thị trấn là tốt rồi, ở trong này hiu quạnh quá. Chị chắc chôn chân ở chỗ này suốt đời ở đây.

Một thời gian dài, tôi không gặp chị, hoá ra chị đã bỏ dạy về Sàigòn. Khi được trở lên Dalạt, tôi dạy cùng trường với cô em gái dạo nào chị Mai Trang đi xuống huyện thay. Đúng như ước mong của chị, hai năm sau khi chị xuống huyện, cô em gái gặp được một anh lính chế độ cũ đi học tập về và họ lấy nhau.

Phạm Mai Hương  


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn