Ký Ức Mưa

09 Tháng Mười 201612:04 SA(Xem: 3533)

Kính chuyển đến thày cô và các anh chị moọt loạt 6 bài viết về Ký Ức Mưa của Như Luân - cựu nữ sinh Bùi thị Xuân 66-73

-------

Ký Ức Mưa
( 1 )

Không biết từ bao giờ với tôi mưa có một sức lôi cuốn kỳ lạ. Trong tiếng mưa rơi những cảm xúc cứ mênh mang mênh mang...dẫn đưa về những miền hoài nhớ xa vời. Rồi trong mưa bỗng nhiên mình lại khát khao muốn được viết một điều gì đó. Có lẽ bắt nguồn của sự lôi cuốn này là những ngày thơ ấu nằm nghe mưa, ngồi nhìn mưa và đắm chìm trong âm thanh đều đều rả rích của tiếng nước rơi nhiều khi tưởng như bất tận. Những ngày đó tôi chưa có khái niệm về thời gian, năm tháng hay sự đổi thay của các mùa, cũng như chưa từng biết lo âu mà chỉ luôn cảm thấy an toàn trong sự chở che của một mái nhà (mà sau này nghĩ lại tôi biết nó rất mong manh), và trong tình yêu thương đầm ấm của cả gia đình.
Chắc chắn rằng với vòng tuần hoàn của khí hậu cao nguyên thì Dalat của tôi phải có cả mưa lẫn nắng, nhưng sao trong vùng ký ức xa xăm của những năm tháng đầu đời ấy mưa lại phủ trắng cả đất trời như thế. Trong mưa, có tiếng Mẹ tôi đang nấu cơm chiều, tiếng chảo mỡ chiên một món ăn chơi nào đó reo sôi nhè nhẹ, rồi tiếng Bố tôi dựng chiếc xe đạp ngoài hiên, tiếng Người quay cái pédale cho nước bắn tung ra khỏi bánh xe, tiếng tôi " Thưa Bố đi làm về" và nụ cười luôn âu yếm của Người khi nhìn thấy con ra đón.
Có một cơn mưa chiều hạnh phúc, Bố không phải lặn lội trong mưa mà Bố nghỉ ở nhà, lúc đó anh tôi chưa đi học về nên chỉ có mình tôi với Bố Mẹ. Cả ba chúng tôi nằm chơi bên nhau. Bố Mẹ chuyện trò rất vui trong khi tôi nằm giữa hết ôm Bố lại ôm Mẹ. Rồi như những đứa trẻ hay làm, tôi úp mặt xuống gối nói chuyện một mình. Mẹ nghe tiếng thì thào của tôi, chọc cho tôi ngẩng mặt lên. Chúng tôi cười vui trong tiếng mưa rơi bên ngoài nhè nhẹ. Thế rồi Mẹ bàn đến những món ăn hấp dẫn trong trời mưa, cuối cùng khi mưa tạnh thì Bố lãnh nhiệm vụ đạp xe ra chợ, và tối đó cả nhà có một món ăn đặc biệt, nóng ấm...
Một cơn mưa chiều khác, cùng với tiếng Bố dựng xe trước cửa là tiếng reo vui của Mẹ. Tôi vừa ru em ngủ xong vội vã chạy ra,nhìn thấy trên tay Mẹ một chiếc túi nilon trong, ướt sũng. Mẹ đưa về phía tôi: "Ư...mẹ có con búp bê!" Tôi sung sướng đón lấy sau khi Mẹ mở giùm, một con búp bê xinh xắn màu hồng thơm mùi nhựa mới.Một món quà quá bất ngờ mà Mẹ bảo là "để thưởng vì con ru em giỏi". Vừa có em lại vừa có búp bê, còn sung sướng nào hơn! Hồi giờ toàn chơi "em bé" bằng cái gối, cái ghế nhỏ,-cái "đòn ngồi", theo tiếng thường dùng- hay cái ống thuốc đau tim của Mẹ ( mà cũng được mặc quần áo đàng hoàng!), nay mới có búp bê thứ thiệt, dù chỉ là thứ tầm thường của con nhà nghèo. Sau đó Mẹ tôi còn sang hàng xóm xin cây gai về ngâm nước, lấy sợi thắt cho tôi và cô bạn con nhà hàng xóm mỗi đứa một chiếc võng để búp bê nằm.Bố đóng cho tôi hai cái đinh vào hai chân bàn học,-chiếc bàn có hai ngăn, một cho anh tôi và một cho tôi- để tôi treo võng. Thế là hết ru em tôi lại ru búp bê, nấu nướng trong bộ đồ hàng cũng bằng nhựa cho búp bê ăn (có khi "nấu" xong còn mang mời cả Bố và Bố cũng nhiệt tình "ăn uống" với tôi, còn khen "Ngon quá!" làm tôi cứ muốn mời Bố mãi...)
Đôi khi trên dòng hồi tưởng của mình tôi cũng gặp lại những khoảnh khắc xa xôi hơn nữa. Như một buổi trưa nào Mẹ bế sang bên hàng xóm, đút cơm cho tôi ăn. Khi đó còn ở nhà thuê phía ga Dalat.Tôi nhìn những đốm sơn vàng trên cái nền xanh của vách nhà, và tối đó về khoe với Bố: "Hôm nay con thấy con vi trùng!" Bố bảo, vi trùng phải nhìn bằng kính hiển vi chứ mắt con làm sao thấy được.-"Con nhìn thấy thật mà Bố!" Mẹ phải giải thích cho Bố biết tôi đã thấy gì, và vốn từ ngữ của tôi từ đó có thêm chữ "kính hiển vi" đầy bí hiểm. Một lần khác, cũng ở nơi đó Mẹ dẫn anh và bế tôi đến ruộng mua rau.Tôi khấp khởi mừng khi nhìn con dốc dài dẫn lên nhà ga rồi khóc um lên khi thấy Mẹ quay về, vừa khóc vừa kêu "Đi ga!" thảm thiết.Thế là Mẹ bảo anh xách rau về trước , " để mẹ cho em lên ga một chút kẻo em khóc quá tội em". Không hiểu tại sao tôi mê cái sân ga đến vậy. Mê từ những bồn hoa tai tượng với cái mùi hăng hắc của nó, nơi tôi hay ngồi lê la một chút trên bờ xi măng lạnh ngắt, mê những cái cột to lớn sần sùi một cách đặc biệt của lối xây cất đó, mê không gian sẫm màu của nơi bán vé, quầy buffet, và đặc biệt là mê cái sân ga dài theo những hàng cột lớn phía sau.Anh tôi và tôi, mỗi khi đến đây bao giờ cũng cố tình dẫm mạnh chân hơn và nói to hơn để nghe tiếng vang vọng lại. (Từ mê nhà ga, sân ga,dần dần sau này tôi mê cả những đầu máy, những toa xe, những đoạn đường rầy giao nhau và những cái "ghi" quanh khu vực đó...!)
Trước khi về ở nơi mái nhà mong manh giữa vùng lau sậy gần Hầm Đất Sét, Bố Mẹ còn thuê nhà ở một nơi khác nữa. Ấn tượng còn lại của tôi về nơi này chỉ là một bà chủ nhà có răng vàng và một giọng nói rổn rảng.(Và một lần không hiểu vì lý do gì mà anh tôi đã được Mẹ cho một trận đòn khủng khiếp!)- Rồi sau đó là chuyện dọn về nơi ở mới.
.........
Ký Ức Mưa
( 2 )
Ôi cái chỗ ở mới này với tôi mới hấp dẫn làm sao! Trong một buổi mai nắng nhạt, tôi nhớ, mình được đặt ngồi trong một cái vỏ bánh xe hơi,trên đất, nhìn Bố Mẹ mang từng thứ về căn nhà mới. Căn nhà mà Bố đã gọi là " một túp lều cỏ của một người lính ngự lâm quân" được Bố Mẹ mua với giá năm trăm đồng vào thời điểm đó. Và rồi ở nơi này, tôi đã trải qua những năm tháng ấu thời thơ mộng với thiên nhiên bao la. Tâm hồn con trẻ của tôi cũng bát ngát theo với cây cỏ và đất trời...Và hẳn nhiên là cả với những cơn mưa mà tôi tưởng như đã làm cho cả vùng lau sậy đó lịm đi vì ướt. Trong mưa, tôi lắng nghe biết bao âm thanh kỳ diệu của những loài chim lâu lâu cất lên một tiếng lẻ loi, của tiếng gió rít trong lá, của những dòng nước đổ tràn từ trên những ghềnh đá cao xuống suối, khi dữ dội khi rì rào...và nhốt hết trong mắt mình màu xám buồn của mây trời, màu xanh thẫm của những rặng thông cao,của làn khói trắng mong manh lan ra từ ống khói một villa ở con đường phía trên thung lũng. Và buồn. Nỗi buồn vu vơ cứ mênh mang trong tâm hồn thơ dại của tôi, không hiểu vì sao.
Cơn mưa này đã kéo dài qua nhiều ngày lắm. Những đêm nghe tiếng mưa đều đều trên mái lại nhớ thời còn học Bùi Thị Xuân. Những ngày hè dài với những cơn mưa triền miên làm cho mấy chị em thấp thỏm lo hôm khai trường liệu trời có tạnh không, cứ ngớt tiếng mưa lại mở cửa nhìn lên xem trên bầu trời tối đen kia có một ánh sao lẻ loi nào để còn hy vọng... Ngày xưa, trong những ngày hè như thế hầu như chúng tôi không ra khỏi ngõ. Nhỏ Hồ Kim Thinh chỉ thấy chủ nhật tôi chẳng bao giờ ra phố là đã đòi "Tao phục mày quá !" rồi,thế mà tôi có thể ở nhà cả mùa hè thì nó còn kinh hoảng biết chừng nào nữa! Hồi đó không có chuyện gì để làm thì ngồi viết vẩn vơ, học một chút ngoại ngữ mỗi khi cảm thấy thích,và rồi đan áo. Có lẽ ít ai trong trường chúng tôi lúc đó lại không biết đan. Thế nên tự đan áo len để vào năm học mới là một niềm hạnh phúc với tôi khi ấy. Gọi là áo len đồng phục, màu bleue marine, nhưng trong cái đông đúc của những lưng áo len xanh ấy cũng có những "ton" đặc biệt. Nhớ ngày vào Đệ Thất, chú ý ngay một nhỏ có đôi mắt to chuyên đội cái "nón lá" bằng nhựa trắng và mặc chiếc áo len xanh kim tuyến. Nhỏ họ Bùi này chẳng bao lâu sau đã cùng với Tuyết Sơn trở thành..." cô giáo dạy kèm " cho tôi, Trần Vĩnh, Huỳnh Dung... Mỗi lần có giờ trống là cả bọn lại kéo nhau trèo lên mấy cái bàn cũ xếp chồng phía sau "Nhà trú mưa nắng" của trường để học Tiếng Pháp. Hai "cô giáo" là những bạn giỏi nhất lớp đã tận tình ôn từ vựng cho chúng tôi bằng những đoạn "dictée". Hồi đó thi tuyển vào trường công thật khó, vì cả tỉnh chỉ có một trường nữ và một trường nam. Ngày treo bảng, Bố đạp xe đi xem rồi về nhìn tôi cười rạng rỡ: "Con gái bố giỏi quá, Bố đọc mới đến thứ 5 đã thấy tên con rồi!" Thế nhưng con nhỏ đỗ thứ 5 ấy vào Trung Học thấy thế giới xung quanh bao la rộng lớn và gian khó quá!
Ngày đó chắc tôi còn lùn hơn bây giờ nhiều, nên giờ Toán nào Thầy Thế cũng gọi:
- Vân, lên xóa bảng cho thầy đi con!
Và Thầy hay nói với cả lớp:
-Để nó với lên cho nó mau cao.
Chẳng những thế Thầy lại hay xuống tận bàn 5 là nơi con bé đó ngồi mà nhắc " Con phải viết nắn nót cho chữ đẹp hơn nữa." Rồi gần cuối năm Thầy lại xem và bảo:
- Thầy nhắc hoài nên con Vân nó viết chữ đẹp rồi đó!
Bây giờ mỗi khi có ai khen chữ tôi đẹp tôi lại nhớ đến Thầy, người Thầy vắn số đã mất sau khi dạy chúng tôi mấy năm mà chúng tôi không biết vì Thầy chuyển đi nơi khác. Sau này nghe tin về Thầy mà tôi cứ ngậm ngùi. Môn Toán của tôi ngày Đệ Thất vẫn còn giữ được phong độ cũ, nhưng năm sau khó hơn, rồi lại khó hơn,dần dần đành phải chào thua. Cũng may cho tôi là ngày ấy mỗi người đi học không cần phải "luôn luôn đạt loại giỏi tất cả các môn" mới được thừa nhận. Những năng khiếu nổi bật có thể giúp mình được chấp nhận với những môn yếu hơn. Tôi có thể làm chemise cho những bài luận Việt Văn, Công Dân vào buổi sáng và xếp hạng chót môn Lý Hóa vào buổi chiều mà không phải lo sẽ hết được thầy yêu bạn mến. Vì cuối cùng thì mỗi đứa đều được tự do chọn lựa vào lúc chia ban, lên Đệ Tam, đánh dấu một giai đoạn trưởng thành và sẽ tiếp tục đi theo con đường riêng khi lên Đại Học.
Trời vẫn mưa, và gió.Bầu trời bên ngoài xám ngắt.Lại nhớ những giờ học vào mùa mưa bão, ánh đèn vàng và những cửa lớp đóng kín. Qua ô cửa chỉ có thể nhìn thấy thành lan can ướt sũng, những dòng nước rơi vội vã từ một ống máng vỡ tạt ra ngoài và một mảng trời buồn rưng rức. Trong cái buồn bã ủ dột đó, dáng dấp cô đơn của Cô Thanh Cầm trong chiếc áo khoác đen bên khung cửa sổ cạnh bàn giáo sư hiện rõ lên, đôi mắt đẹp buồn của Cô cũng đang nhìn ra màn mưa, xa xăm. Chỉ một năm Đệ Tứ với những giờ Pháp Văn của Cô êm đềm qua đi mà sao tôi nhớ mãi...
Đi học trời mưa, trừ một số đi "xe học sinh" hoặc đi xe tháng là đỡ phải lặn lội qua những đoạn đường dài, hầu hết phải đi bộ, bùn bắn lên đuôi áo dài lấm tấm, hôm nào về cũng lo giặt, áo quần không kịp khô trong không gian ẩm, mấy chị em hì hụi quạt than, ủi áo ủi quần. (Cái bàn ủi đồng có cái chốt hình con gà ấy thất lạc bao giờ không rõ, chứ không thì bây giờ có thể..."giàu lên" nếu đem bán cho người tìm mua, hoặc ít ra thì cũng được sở hữu một báu vật cổ đầy giá trị!!!)
Trong những đêm mưa như thế này, tôi nhớ tiếng Bố ngâm những bài thơ cổ, hay tiếng Mẹ đọc thơ Nguyễn Bính, đọc Truyên Kiều, trong căn nhà nhỏ có những bức tranh phong cảnh dán trên vách giấy, khi tôi còn bé. Thời anh tôi còn đi học hai anh em thường cùng nhau thức để...làm thơ! Ngồi lặng thinh ở hai góc bàn đối diện, mỗi đứa đi theo dòng cảm xúc của mình để rồi đến một lúc nào đó,thường là anh tôi trước, sẽ đưa "tác phẩm" của mình cho đứa kia xem. Không gian văn chương mà Bố Mẹ dệt nên quanh cuộc sống chúng tôi đã làm nảy sinh nhiều cảm xúc tuyệt vời cho những gì chúng tôi viết lại.

Một người bạn đã "comment" rằng sao tôi không đi theo nghiệp văn khi đọc một tùy bút của tôi. Thật ra tôi không biết sao anh tôi không theo đuổi nghiệp văn mới đúng. Từ khi tôi nhỏ xíu anh đã lấy giấy đẹp đóng từng tập mỏng viết cho tôi đọc những chuyện phiêu lưu. Nét chữ rắn rỏi đều và đẹp của anh trên những trang giấy nhỏ hình vuông ấy vẫn còn lưu lại trong trí nhớ của tôi, và lúc ấy đã dẫn dắt tôi vào một thế giới đầy tưởng tượng. Lên Trung Học thì anh quay sang viết truyện kiếm hiệp. Cũng những tình tiết lôi cuốn đi từ chương này sang chương khác thật ly kỳ, đến nỗi Bố sợ anh lơ là việc học đã cho anh một trận đòn để anh trở về thực tại. Hình như từ đó anh tôi thôi viết truyện dài mà chỉ còn là truyện ngắn, đoản văn và đặc biệt là thơ. Ít ai trong thế hệ chúng tôi ngày đó không làm thơ, và trong thế giới học trò anh được biết đến với những bài thơ tình rất đẹp mà về sau, ở những nơi tôi sống, tôi còn tình cờ nghe nhiều người nhắc đến anh với danh xưng "thi sĩ", và thấy họ chép thơ anh.
Ông anh giàu tưởng tượng ấy là một pho truyện kể ly kỳ, lôi cuốn mấy đứa em trong những buổi tối ấu thơ. Từ truyện người thợ săn sống ở bìa rừng với hai con chim nhỏ, cho đến một chuyến phiêu du lên Mặt Trăng mà nhân vật của anh đã tình cờ bắt đầu, chỉ vì mở phải cánh cửa cái ngăn treo áo của chiếc tủ Mẹ tôi vừa mua lại của người hàng xóm! Pho truyện của anh không bao giờ kết thúc, để cho mấy đứa em hôm nào cũng hào hứng lắng nghe . Chỉ cần những đêm Bố đi làm xa, năm mẹ con cùng ngủ trên chiếc giường lớn, -và anh hoặc tôi phải nằm ngang trên đầu giường cho rộng rãi- thì chiếc gối của Bố được dựng lên đã đủ tạo nên một không gian cho một câu chuyện xảy ra giữa những người láng giềng rồi. Hồi đó các em tôi bé xíu còn phải bế, và những đêm vắng Bố cứ êm đềm bắt đầu từ một trò chơi do anh tôi kể chuyện và chúng tôi là nhân vật. Anh lại còn vẽ thật nhiều kiểu nhà mà anh gieo vào ước mơ của tôi rằng, mình sẽ làm để thay thế cho mái nhà ọp ẹp này. Tiếc rằng tuy nhà đã được làm lại khi tôi học lớp Năm, nhưng chẳng có mẫu nào trong những kiểu đó được anh làm khi còn Bố Mẹ, và may thay con trai anh đã thành kiến trúc sư để bắt đầu sự nghiệp bằng việc xây lại ngôi nhà cho bố mẹ nó. Nhiều hình ảnh thân yêu xa xưa không còn lưu dấu một chút xíu nào trên vùng đất ấy nữa. Tôi đã rời bỏ ngôi nhà yêu dấu của Bố Mẹ để đến một nơi ở khác, mang theo toàn vẹn những kỷ niệm và ký ức một thời thơ ấu, một thời lớn lên trong bình an, trong gian khó, trong mộng mị và trong cả những bất ổn của một thời chinh chiến mà khi đó, ông anh hiền hòa và lãng mạn của tôi phải từ bỏ sách vở và khoác lên mình màu áo quân nhân... Rồi cuộc chiến tàn, rồi tất cả những mộng mơ xưa bị vùi chôn theo sự đổi thay của cuộc đời...
....................
Ký Ức Mưa
( 3 )
Mùa mưa năm trước qua đi. Lại đến mùa mưa năm nay và tôi lại được nghe tiếng mưa đêm rì rào trên mái. Ở căn nhà mới làm thêm này, mái tôn, nên tiếng mưa nghe rõ hơn trên nhà cũ mái fibro của Ông Bà Nội. Tôi nằm nghe tiếng mưa và nhìn thấy từng đoạn ký ức hiện về chập chùng. Lần này là những con đường ướt sũng nơi thành phố cũ, những con đường đầy lá thông phủ trên những dải cát,những đám cỏ ven đường hay cả trên mặt nhựa đen bóng mà tôi đi qua, cùng với một nhỏ bạn thân ở gần nhà. Những chiều sau cơn mưa hai đứa hay tìm đến nhau, đi bộ trên những quãng đường đẹp có những ngôi biệt thự nằm sau một khoảng vườn, để cùng sẻ chia cảm xúc thanh thoát mà đất trời mang lại. Dalat êm như một dòng thơ cứ nâng niu những bước chân như thế, để chúng tôi cùng nhau đi qua một thời mới lớn bình yên..
Rồi hình ảnh một sân trường,rồi hình ảnh những con đường nhỏ trong lòng Viện lại hiện đến, rõ ràng và dịu dàng, kế tiếp nhau liên tục kèm theo những ý nghĩ thì thầm về "một mối tình không có thực", những lời lẽ có thể là của một chàng trai dành cho những bước chân đi qua trong mưa của một người con gái. Cõi ảo ảnh mơ hồ mà lâu lâu tôi dừng lại phút giây để làm thơ cho thực tại đầy phiền muộn của mình.. Cái cõi đã tạo nên một con bé "rất thơ mộng và hạnh phúc" mà nhiều bạn bè bảo rằng thèm khát có được để bình yên giữa cuộc chiến bạo tàn đang diễn biến và cướp đi những người thân yêu của họ lúc bấy giờ.
Tôi nhớ Vinh trong đám tang Anh Long của nó. Vừa trông thấy tôi, nó ôm chặt lấy, hoảng hốt:
- Anh Nhân đâu? Gọi anh về ngay không đi lính nữa. Khủng khiếp lắm Vân ơi! Anh Long mất rồi, tao đi đón anh về, lạnh ngắt...!
Bàn tay nó co rúm bóp chặt tay tôi đến nỗi làm tôi đau.Người Mẹ hiền hậu của Vinh ôm lấy áo quan, hôn miệt mài trong nước mắt và gọi tên con thảm thiết. Sau đám tang Anh Long không lâu, anh tôi làm đám cưới, - "Để anh có vợ, kẻo nhỡ anh chết bất ngờ trong những cuộc hành quân thì Bố Mẹ chưa kịp có con dâu", anh tôi bảo vậy-, Vinh vẫn đến cùng tôi lo mọi việc. Nhỏ bạn kỳ lạ của tôi, nó đã nghỉ học từ khi xong Đệ Tứ để ở nhà giúp Bố Mẹ buôn bán chăm lo cho gia đình, thế mà khi tôi có nguy cơ phải nghỉ học luôn thì nó bảo: "Mày phải đi học Vân ạ. Mày nghỉ học tao buồn lắm".Nó "bắt tôi đi học". Nhờ nó mà tôi tiếp tục con đường lên Đại Học, tiếp tục những buổi tan trường có bước chân ai đó theo sau.
Tôi nhớ Viện Đại Học những ngày sau khi anh tôi nhập ngũ, những con đường nhỏ hoa vàng buồn bã và trống vắng khi tôi đi lặng lẽ bên "nàng thơ" của anh như để cùng chị tìm lại những ngày các giảng đường còn rộn rã...Viện Đại Học của tôi đã chứng kiến những mối tình thơ mộng dễ thương mà thời sinh viên tôi hay "mê mẩn" nhìn các đôi đợi chờ nhau hay đi cùng nhau dưới những con đường xanh bóng lá, như Quang Bê và Kim Anh của tôi. Ngày đó, vì Kim Anh đi làm thêm tôi với nó phải chuyển từ Văn Khoa Pháp sang Văn Khoa Việt, chưa bao lâu thì Kim Anh vào Sư Phạm "áo nâu" và Anh Bê lúc nào cũng kè kè bên nó ở giảng đường Đại Học. Thế nên tôi cứ trêu là "anh đã cướp mất con bạn thân của tôi", khi gặp lại. (Bây giờ chắc Anh trả nó lại cho tôi rồi, nhưng hai đứa lại ở quá xa nhau!)
...Ngày đó, chưa yêu dấu gì mà tôi cứ hay để ý trông mong anh lớp trưởng Văn Khoa Việt trên mình một năm, để rồi sau này đã về sống chung, cùng chồng nhắc lại ngày xưa tôi hay bảo, "Cái mãnh lực của "nửa kia" làm em hay chú ý đến anh thế đấy!..."Và, tôi bỗng nhận ra cảm giác mừng vui của mình vì sau bao lúc cỗi cằn trái tim tôi cũng còn những cảm xúc thật êm đềm.
...............
Ký Ức Mưa
( 4 )
Chiều nay trời lại mưa. Mưa ngay sau khi chúng tôi ăn xong bữa trưa. Dưới bầu trời bỗng nhiên tối sẫm như sắp về đêm, nước đổ xuống nhiều và gấp gáp tạo nên một âm thanh thật là dũng mãnh. Tôi nhớ dòng thác nhỏ bên nhà đột nhiên dữ dội sau cơn mưa lớn , ngày xưa. Nhớ những lúc nước tràn về mênh mông chảy ngang qua ngõ, qua vườn,nhiều khi làm sập cả những dải đất ven bờ mương bao quanh vườn làm cho Bố Mẹ phải vất vả lấy cây lấy gỗ ra kè lại sau khi mưa dứt. Ngày đó cứ ngạc nhiên tại sao mỗi lần nước về "hào hứng và lôi cuốn đến thế" mà không bao giờ Bố Mẹ cho chúng tôi lội ra xem. Bây giờ thì hiểu. Ai cũng muốn con mình ở một chỗ an toàn.
Cảm giác bây giờ của tôi cũng thật an toàn, khi ngồi trong nhà ấm áp và nhìn ra bên ngoài kia cơn mưa đã dịu hơn nhưng cái màn nước mỏng ấy còn giăng mọi lối. Mưa nhuốm ướt những vòm lá, nhuộm thẫm những thân cây trong công viên, còn thảm cỏ bên dưới thì trở nên xanh mướt. Tôi nhớ những đồi cỏ quanh ngôi trường nữ ngày nào. Hôm nay chúng tôi đang nhắc nhớ nhau về Cô Ấu Lăng, người đã ra đi cách nay vừa đúng năm năm. Tự nhiên trong cơn mưa này tôi nhớ thật rõ con đường dẫn về nhà Cô trên đồi cỏ sau trường, nhớ những đám lá thông mục nát viền theo chân cỏ trên lối đi bằng đất nhẵn đưa vào một cánh cổng thân quen mà tôi biết chỉ cần nhấn chuông là được đón ngay vào một không gian êm đềm với vườn hoa phía trước lúc nào cũng rực rỡ nhiều màu...( Tôi nhớ cả cái cảnh mấy em reo lên tên tôi rồi chạy túa ra, những gì trên tay tôi được mỗi đứa cầm lấy một thứ và đứa còn lại thì sẽ...cầm tay tôi cho...có việc làm!)
Sau ngày trình Cao Học, Cô bảo tôi đi dự giờ Cô ở Văn Khoa Việt năm thứ nhất. Hôm đó Cô giảng Trống Mái của Khái Hưng. Tác phẩm này ở Trung Học tôi đã học nhiều trích đoạn và đã đọc rồi,nhưng hôm ấy ngồi nghe Cô, nghe giờ dạy đầu tiên ở Đại Học Văn Khoa của Cô với tư cách một "học trò cưng" (đã cũ),- như Cô từng nói sau này với các con và cháu của tôi,- tôi mới nhận ra được tất cả vẻ đẹp và giá trị tiềm ẩn của tác phẩm.
Cô nắm tay tôi khi bước lên đồi cỏ, sau khi hai cô trò còn tiếp tục trao đổi về tác phẩm trên suốt quãng đường từ giảng đường Thượng Chí đến Đinh Tiên Hoàng:
- Em thấy giảng như vậy có xứng đáng để làm học trò của Vũ Khắc Khoan chưa?
Cô tôi. Người đã "hớp cả linh hồn" chúng tôi trong những bài giảng ngày nào ở trường Bùi mà cũng chỉ khiêm nhường hỏi thế.(Tôi chợt nhớ ngày học Đệ Nhị C và Cô giảng Thu Điếu của Nguyễn Khuyến. Chỉ một bài thất ngôn bát cú, Cô dẫn chúng tôi vào một vùng trời thu lãng đãng. Nụ cười trên môi với khóe răng xinh duyên dáng, ánh mắt sáng trong luôn ẩn chứa niềm vui, và viên phấn trên tay Cô cứ điểm dần từng nét theo từng ý thơ lên bảng. Khi Cô dứt lời, thì còn lại trên nền bảng đen là bức tranh "Thu Điếu", và một giọt nước mắt trên đôi mi đã mở lớn suốt cả giờ học của tôi rụng xuống. Cô giảng bài cuốn hút như thế đấy!)
Cánh cổng của ngôi nhà ven đồi ấy còn mở nhiều lần cho tôi sau này, cho đến khi Cô rời Dalat. Tôi cũng rời Dalat, nhiều lần.Tất cả những gì thuộc về vùng kỷ niệm dễ thương ngày xưa dường như đã mất, đã không còn một dấu tích nào để tìm về. Tôi thu nhặt lại trong ký ức của mình những hình ảnh của Thầy Cô, bè bạn, của những tình cảm nguyên vẹn thơ ngây nơi thành phố quê nhà xưa dệt thành ý tưởng cho một nỗi tiếc nhớ mà tôi mượn một vế trong câu thơ của người bạn tài hoa bạc mệnh để đặt tên là "Ngày hoa mộng cũ".
"Ngày hoa mộng cũ chưa phai nhạt
"Người đã xa như bóng mặt trời"
Hoài Thơ Yên Mơ. Trần Bạch Tuyết mà tôi ái mộ từ khi bước chân vào trường nữ vì Tuyết đỗ thủ khoa, cho đến lớp Đệ Tam cùng đi ban C mới học chung lớp và cho đến lúc Tuyết sắp sang Mỹ học năm cuối Trung Học hai đứa mới "nhận ra nhau". Sau này Tuyết về, chúng tôi vẫn chơi với nhau dù đi khác ban trên Đại Học. Và buổi chiều cuối cùng tôi gặp Tuyết, tay vẫn ôm cuốn "Kim Vân Kiều" để đọc cho đỡ buồn trong khi đứng bán hàng ở góc Hòa Bình, nó dặn, như mọi lần:
- Khi nào ra phố nhớ ghé chơi với Tuyết nữa nghe!
Sáng hôm sau đã nghe tin Tuyết không còn nữa. Hai câu thơ của Bạch Tuyết ám ảnh tôi. Tuyết đã "xa như bóng mặt trời", như cái thời hoa mộng của chúng tôi ngày nào. Mọi thứ cứ xa đi, xa đi như thế.
...Cho đến ngày tôi tới thăm Cô ở Saigon. Thầy mở cửa. Vẫn ánh mắt đầy nhiệt tình như thời Thầy dạy Đại Học Khoa Học ở Dalat.
- Thầy thấy em quen lắm.
Và Thầy gọi Cô. Cô bước ra đầu cầu thang, gọi cả họ tên tôi và ôm tôi vào lòng.
- Em đã tìm Cô suốt mấy mươi năm.
Tối đó Cô giữ mẹ con tôi ở lại dùng bữa. Cô nhắc về tôi và mấy em đều nhớ ra. Tôi nhắc về chồng tôi để Cô nhớ đến cậu sinh viên Đại Học Sư Phạm ngày nào Cô đã hướng dẫn đi thực tập...
- Bây giờ gặp lại cô rồi, mình sẽ không để mất liên lạc nữa.
Cô nói thế. Rồi trong những lần sau Cô nói với tôi về Hoa Tâm, về cái "quỹ thời gian" mà không phải chỉ của Cô, -của cả chúng ta- còn rất ngắn.
Học trò trường Bùi có rất nhiều người thành đạt, làm nên danh phận. Còn tôi, "em chẳng có gì để khoe Cô."
- Sống một cuộc sống như em đã là thành đạt rồi.
Tôi cười. Tôi nghĩ đó là một lời an ủi. Trong một lần gặp gỡ khác có cả chồng và các con tôi, Cô trích lại một lời của Bố tôi và kết luận rằng:
- Bố rất sâu sắc khi nói lên điều đó. Còn cô, cô khâm phục em.
Cô đâu biết rằng ngoài những gì mà Bố Mẹ đã cho tôi để tôi có được con người và nhân cách này, thì cách sống của Cô đã góp một phần không nhỏ để tôi có thể đi qua những gian nguy trong đời sống một cách an nhiên.
- Đời sống, cứ như những quả bóng mà người ta ném về phía cô, và cô cứ bắt lấy, từng quả một.
Trong những lần gặp, những lần Cô gọi điện thoại cho tôi hoặc tôi gọi Cô, Cô hay trao đổi với tôi về cuộc sống, về nhân sinh quan, về cách "đối diện với cuộc đời". Cô nói một cách vui vẻ mà kiên quyết:
- Với cô, không có "thú đau thương". Không có ngồi đấy mà khóc than rên rỉ. Đời làm mình vấp ngã hay gây trở ngại cho mình thì cứ đứng lên mà đi tiếp.
Ánh mắt của Cô, giọng nói của Cô cứ giữ được nét vui khi tiếp xúc với học trò dù Cô chiến đấu với cơn bệnh hàng lúc một.
- Cô sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và đi học ở Huế, rồi dạy học ở Dalat, những thành phố tuyệt vời như thế...Cô có một tình yêu và một gia đình hạnh phúc. Dù trải qua bao gian nan nhưng các em đã có được ngày nay...thì cô bệnh là lẽ công bằng của cuộc đời.
Cô nhìn đời sống lạc quan và bình an thế đấy. Cô nói với tôi về căn nhà nghỉ ở Nam Cát Tiên. Mỗi lần sắp lên thì Cô lại gọi "xem em có xuống được không". Tôi chẳng bao giờ đến đó, nhưng Cô hài lòng vì cô hiểu tại sao tôi không bao giờ có thể để anh một mình. Cô hiểu cái "hạnh phúc mong manh mà ngay khi đang có mình cũng không hưởng được trọn vẹn vì lo lắng" của người vợ có chồng mang nhiều bệnh nạn. Rồi thay vì đợi tôi xuống chơi thì từ Nam Cát Tiên Cô đến thăm tôi. Cô đi cùng mấy người em họ và một người bạn ở xa về. Chúng tôi đã trải qua những giờ phút gặp gỡ " rất văn chương" trong một ngày thu đẹp đẽ...
Tôi có được niềm hạnh phúc nghe tiếng Cô ngọt ngào bên kia đầu dây, nhiều lần. Nghe tin Cô mệt nặng, tôi gọi, thì lại được Cô nói chuyện văn chương và quan niệm sống của người xưa, say sưa như khi cô đứng trên bục giảng ngày nào. Tôi nhắc chừng:
- Cô ơi, em có làm Cô mệt vì nói chuyện không?
Tiếng Cô cười:
- Tự nhiên hôm nay nói chuyện văn chương với em cô lại quên hết mệt.
Không có lần nào trò chuyện mà Cô quên nói về chồng con và các anh chị em tôi là những học sinh ở trường Bùi. Nhất là những sẻ chia, những lời khuyên về việc tôi chăm sóc sức khỏe của anh. Những quan tâm sâu sắc như thế làm sao tôi quên được.
Sau lần trò chuyện thân tình về cuộc sống, về cuộc đời,mà tôi nghe giọng Cô yếu hẳn không lâu thì Cô ra đi. Tôi mất đi một người đáng kính và đáng tin cậy để chuyện trò, nhưng cũng như những gì đã qua, tôi vẫn giữ lại được rất nhiều những "tài sản tinh thần" mà Cô trao gửi.
Tôi là một cô giáo may mắn có những học trò nhớ và sống theo những điều tôi chia sẻ trong khi đi dạy. Tôi là đứa học trò may mắn có rất nhiều Thầy Cô mẫu mực còn ảnh hưởng đến cách sống của tôi cho đến bây giờ. Trong cơn mưa chiều nay tôi nhớ nhiều về Cô là một trong những người khả kính ấy, và thấy mình hạnh phúc đã có những năm tháng trẻ thơ và những năm tháng trưởng thành với Cô như một sự đồng cảm diệu kỳ. Cô từng nói với tôi về lòng biết ơn đối với cuộc đời. Bây giờ tôi cũng cảm thấy biết ơn cơn mưa chiều nay đã gợi lại cho tôi nhiều điều như thế.
.................
Ký Ức Mưa
( 5 )
Một trong những giáo sư văn chương ảnh hưởng lớn đến năng lực của tôi là Cô Ngọc Đoan. Hình như tôi không biết gì về Cô qua những phương tiện liên lạc mà khóa tôi có được, nhưng tôi tin rằng nhiều người trong chúng tôi không thể quên Cô.Cô Đoan dạy chúng tôi năm Đệ Ngũ.Hồi đó Cô để mái tóc hơi dài, chải ngược phủ xuống sau lưng gần như cùng kiểu với Cô Quảng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Hai Cô cùng nói giọng Huế và hai Cô cùng nghiêm làm tôi rất sợ. Cô Đoan rất khó trong việc ra vào lớp. Tôi, con bé ở nhà xa, để đến trường thì ngoài một đoạn đi xe đò phải đi bộ đoạn đầu từ nhà ra chỗ đón xe và từ bến xe đến trường nên hay đi trễ. Trễ vài lần rồi Cô không chấp nhận nữa. Cô gay gắt về việc đó và bắt tôi phải ký giấy phép nghỉ hôm ấy thì hôm sau Cô mới cho vào học giờ Cô. Ngày đó mỗi học sinh trường tôi đều có một đơn xin phép in sẵn với chữ ký mẫu mà Phụ Huynh đã ký từ đầu năm học tại Phòng Giám Thị rồi, mặt sau kẻ các cột ghi ngày nghỉ, lý do xin nghỉ và chữ ký Phụ Huynh. Khi nghỉ Bố hay Mẹ đã ký mẫu phía trước chỉ việc ký vào rồi học sinh đưa trình cho Cô Giám Thị phụ trách khối lớp mình là sẽ được cấp giấy vào lớp. Ký thì dễ rồi, nhưng lý do xin nghỉ thì tôi không biết phải ghi làm sao vì tôi có nghỉ đâu. Thế là tôi ghi vào: "Có giấy vào lớp nhưng giáo sư không sửa trong sổ".Mấy đứa bạn ngồi gần bảo tôi thế nào cũng được Cô dành cho hình phạt khác,ai ngờ khi tôi đưa lên thì Cô đọc và thản nhiên bảo tôi về chỗ.
Sự khó khăn trong tương quan với học trò của Cô khiến chúng tôi cảm thấy giờ Việt Văn thật là khó thở. Một lần có giờ trống trước giờ Cô phải ra sân Thể Dục chơi thì cả lũ bàn nhau lúc chuông vào cứ từ từ từng nhóm nhỏ lên lớp. Đứa nào vào cũng lễ phép:
- Thưa Cô cho em vào lớp.
Cô kiên nhẫn ngồi chờ đến khi thấy khá đông mới hỏi:
- Các em lên hết chưa? Sao hôm nay lên chậm vậy?
Vài đứa nói lý do "chơi ngoài xa nên chuông reo không nghe". Cô dặn, dịu dàng:
- Lần sau nhớ chơi gần gần thôi hí!
Rồi Cô vào bài dạy thản nhiên như chẳng có gì đáng tiếc xảy ra. Hình như Cô biết cái bọn nhóc mười ba tuổi ấy cố tình trêu Cô bằng cách đó. Nhưng từ hôm ấy Cô không còn khắt khe với chúng tôi nữa. Cô tươi cười hơn và những giờ học của Cô cũng hấp dẫn hơn.
Trong sáu tiếng đồng hồ mỗi tuần của môn Việt Văn, Cô chia ra 2 giờ Cổ Văn, 2 giờ Kim Văn và 2 giờ Thuyết Trình, khác hoàn toàn với hai năm trước là hai giờ Luận. Không khí giờ học của Cô trở nên đặc biệt. Càng đặc biệt hơn nữa là Cô cho chúng tôi soạn các bài Giảng Văn tại lớp. Mỗi bài Kim Văn của Cô thường chẳng có trong sách nào chúng tôi đã biết.Cô hay cho học những bài mang tình yêu quê hương Tổ Quốc hay có tính chất văn hóa vùng miền mà tác giả thì chúng tôi ít biết. Thế là phần "thân thế và sự nghiệp của tác giả" nhiều khi phải chờ Cô cung cấp. Còn phần "giải thích từ ngữ" chúng tôi phải cầu cứu những cuốn Tự Điển Việt Nam bỏ túi. Có hôm tôi còn tha theo cuốn Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh nặng trịch trong cặp. (Chính phần giải thích này giúp chúng tôi hiểu rõ và viết đúng "lãng mạn" chứ không phải "lãng mạng", "xán lạn" chứ không phải "sáng lạng" như nhiều người nhầm tưởng. Đến cả sự khác biệt giữa "chữ Việt Nam" và "từ Hán Việt" thì chúng tôi cũng biết rõ có những trường hợp phát âm hoặc viết giống nhau mà ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn tả một người đàn ông mặt mũi tướng mạo đẹp đẽ thì ta dùng "phương phi", là tiếng Việt, đồng âm với "phương phi" có nghĩa là "cành hoa thơm" của từ Hán đọc theo âm tiếng Việt, - chứ chẳng có từ nào xưa nay được dùng sai như một hôm đọc báo mà chồng tôi bảo mở ngay tự điển ra xem lại để kiểm tra... trí nhớ của mình! - Nói thế rồi tôi nhớ có lần học trò hỏi:
- Sao mấy người lớn tuổi như cô nói giọng miền nào cũng viết đúng chính tả mà sau này dễ viết sai?
Tôi trả lời thế này:
- Thời cô đánh vần quê mùa lắm, đọc không sót một chữ cái nào rồi mới tới dấu, nên phải viết đúng thôi. Còn sau này ghép phụ âm nọ nguyên âm kia với vần này vần khác phức tạp quá, mà rồi "GH" hay "NGH" chỉ đi với " I ", " E" ' " Ê " nhưng có lúc chữ "ghế" lại quên 'h" mà chữ "ngành" thì lại cho đi cùng "ngh" một cách bình thường. Cô chịu!)
...Đến phần "nhận xét và phê bình" thì Cô Đoan chỉ cho mấy câu hỏi vô cùng cô đọng. Đến lúc ấy tôi mới hiểu vì sao năm Đệ Lục khi vào dạy thay Cô Cẩm Trang, Cô Vân Linh đã đặt vấn đề "Có mấy phương pháp giảng văn?" làm cho chúng tôi ngơ ngác, và rồi câu trả lời là " Mỗi người có một phương pháp giảng văn khác nhau để tìm ra cái hay cái đẹp trong tác phẩm!"
Thời tôi làm học trò, Thầy Cô có kiến thức rất bao la, ai dạy môn nào thì am tường về môn đó đến nỗi hầu như trước bất cứ vấn đề gì cũng có thể giải thích tường tận và dẫn chứng phong phú với nhiều khía cạnh. Bởi thế phải nói là học trò luôn "ngưỡng vọng" đối với Thầy Cô. Trường tôi thường có thêm cô giáo người Anh hoặc Mỹ dạy tiếng Anh và cô giáo người Pháp dạy tiếng Pháp. Các Cô này dạy những năm đầu, song song với các Thầy Cô dạy ngoại ngữ người Việt của các lớp đó. Tôi rất thích mỗi đầu giờ nhìn các Thầy Cô từ Phòng Giáo Sư đi ra để về các lớp, họ "đẹp" một cách lạ lùng trên những khuôn mặt sáng ngời tri thức. Và thích nhất là nhận ra, các giáo sư không dạy ngoại ngữ nhưng cứ nói chuyện với các cô người ngoại quốc ấy thật tự nhiên, và hơn thế nữa là hôm nay nói chuyện với cô người Mỹ thì mai lại thấy nói với cô người Pháp. Ái mộ quá. Nhưng nghĩ lại thì đó là chuyện tất nhiên, vì chúng tôi sau bốn năm học "sinh ngữ 1" tự chọn thì lên Đệ Tam lại học thêm "sinh ngữ 2" rồi. Một giáo sư Pháp Văn ở Đại Học sau giờ dạy đã hỏi tôi:
- Hồi trước em học trường Pháp à? Tôi hỏi thế vì em có " một cái prononciation rất Pháp".
Tôi nói xuất thân của mình. Cô kết luận:
- Vậy thì không có gì lạ. Sinh viên mà từ Bùi Thị Xuân lên tôi thấy ai cũng nói rất hay.
( Hãnh diện ngầm về ngôi trường vôi đỏ của mình nhé! )
Để chuẩn bị cho những giờ thuyết trình, mỗi tháng Cô Đoan và lớp thảo luận đưa ra một chủ đề. Bốn nhóm trong lớp sẽ chọn đề tài theo chủ đề đó và công bố trước lớp để mọi người cùng tham khảo tài liệu liên quan. Hôm nào đến giờ thuyết trình chúng tôi cũng hào hứng hơn hẳn những giờ học khác.Đợi chờ thuyết trình viên hay thuyết trình đoàn xuất hiện được giới thiệu ra sao, xem vấn đề được đặt ra và giải quyết như thế nào, xem cách trình bày, giọng nói, vẻ mặt, phong cách của thuyết trình viên có chững chạc, có lôi cuốn không. Đến cả phần "chuyển đoạn" sang đề mục mới có được khéo léo uyển chuyển và gây được sức chú ý mạnh mẽ của cử tọa không nữa...
Hấp dẫn nhất là phần " chất vấn và giải đáp thắc mắc ". Lúc này không những thuyết trình viên hoặc thuyết trình đoàn và nhóm phụ trách đề tài phải làm việc mà cả lớp đã tham gia một cách sôi nổi. Chúng tôi tranh luận nhau, dựa trên những kiến thức đã được tham khảo của mình nhưng cũng phải " giữ gìn lời ăn tiếng nói " để mình và nhóm của mình không vấp phạm. Cô từ đầu giờ đã xuống ngồi ở cuối lớp, để nhường bàn và bục giảng cho nhóm thuyết trình và quan sát bao quát cả lớp. Khi nào vấn đề đặt ra không có ai giải quyết được Cô mới lên tiếng để làm cho sáng tỏ.
Một lần, theo chủ đề "Phong Tục Tập Quán", có nhóm chọn đề tài " Những Phong Tục Trong Dịp Tết Của Dân Tộc Ta Qua Các Thời Đại". Vấn đề lớn và hẳn là bài có trích những tư liệu từ đâu đó nên có câu "Nguyên kỳ thủy đặt ra phong tục này là vì....".Ba từ "Nguyên kỳ thủy" được đem ra chất vấn xem đó là..."ai?" Rõ ràng theo vị trí trong câu thì đây hẳn là "chủ từ" của động từ "đặt ra" rồi, nên nhóm thuyết trình trả lời ngay rằng đó là..."Cái ông đã đặt ra phong tục ấy". Cả lớp không ai chú ý đến nghĩa của chính ba từ đó, lúc Cô giải thích lại là "do từ lúc bắt đầu của nó" thì cả lớp cười như vỡ chợ. Cuối năm Đệ Tứ, viết lưu bút cho tôi Song Mai còn nhắc :" Nhớ đến những giờ thuyết trình là phải nhớ đến "Ông Nguyên Kỳ Thủy" của tụi mình", làm cho lần nào đọc lại tôi cũng cười một mình đến chảy nước mắt.
Một ngày gần Tết, để tránh khỏi phải ngồi soạn Giảng Văn, chúng tôi xin Cô cho làm Luận. Cô ra đề :"Hãy thay lời một đứa bé mồ côi nói lên tâm trạng của mình khi nhìn thấy cảnh mọi người rộn ràng đón Tết". Thật là một đề tài ý nghĩa, nhưng không phải mỗi đứa viết một bài, mà mỗi bàn. Quả là một thách thức! Thế nhưng cũng như việc soạn bài thuyết trình, Cô đã tạo cho chúng tôi thêm cơ hội để làm việc trong một nhóm. Tất nhiên thế nào cũng có tranh cãi giận hờn ( vì đều là con gái! ) nhưng cuối cùng sẽ nổi lên một đứa đứng đầu để điều khiển cả cái nhóm bất đồng ấy và đưa ra ý kiến chung. Tôi vừa được làm chemise bài thi Việt Văn nên các bạn cho viết lại những điều cả bàn vừa góp ý kiến. Bài đó bàn tôi được điểm cao nhất cùng với một bàn khác nên các bạn rất hài lòng. Hiện giờ tôi vẫn còn giữ nguyên cả xấp bài của các bàn khác vì Cô đã ưu ái dành cho tôi hân hạnh đó!
Tôi đặc biệt nhớ Cô Ngọc Đoan của chúng tôi, vì cách Cô ứng xử khi bị chúng tôi phản đối làm tôi khâm phục. Cô không "trù ẻo" tôi hay lớp tôi, trái lại Cô ngầm nhận lỗi và thể hiện sự phục thiện một cách hoàn hảo. Việc làm của Cô khiến sau này đi dạy tôi sẵn sàng nói lời xin lỗi với học sinh khi mình sai lầm. Cô cho chúng tôi cơ hội phát triển kiến thức và rèn luyện khả năng phát biểu trước đám đông, vì mặc dù bài thuyết trình vẫn để ngay trước mặt nhưng ai ít nhìn vào giấy và nói năng lưu loát, lôi cuốn hơn vẫn luôn được các bạn ái mộ và Cô khen ngợi. Vì thế chuyện " nhìn thẳng vào cử tọa và trình bày một vấn đề một cách trôi chảy" không phải là một điều quá khả năng của chúng tôi từ những ngày còn học lớp Tám ấy. Có lẽ vì thế mà nhiều người trong chúng tôi chọn nghề dạy học chăng?
...................

Ký Ức Mưa
( 6 )

Dalat ngày xưa, thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên khi ấy hiền hòa và lặng lẽ lắm. Chỉ có một khu vực được tôi gọi là " trên phố "có những cửa hàng đẹp đẽ và khu chợ là đông vui thôi. Thời Bố thuê xe lam để chạy ( diễn ra rất ngắn ) tôi hay theo Bố nên được đi qua nhiều con đường nhỏ vắng lặng, mới biết được vẻ u trầm của những rặng thông xen với những ngôi nhà xinh xắn, những con dốc dài quanh co. Một trong những lần đó, Bố giới thiệu Mộng Hằng với tôi. Hai đứa biết mặt nhau ở trường nhưng không biết " gốc gác " của nhau bấy giờ nhìn nhau cười. Bố vừa ghé ăn trưa nơi tiệm của Bố Mẹ Hằng, tiện thể đưa nó đến trường và gặp ngay tôi mới lên tới Hòa Bình. Bố Mẹ tôi có những tình bạn thật nhẹ nhàng mà bền chặt. Từ lúc mới có trí khôn tôi đã nghe Bố Mẹ nhắc đến " Bác Tự" ở trên Cường Để. Lâu lâu Hai Bác lái xe đến thăm gia đình tôi và lâu lâu Bố lại ghé thăm Hai Bác, sau khi đi làm. Mẹ và Bác Gái cùng tuổi và có vóc dáng rất giống nhau nên ngày nhỏ tôi cứ nghĩ đó là chị em của Mẹ. Trong album ngày xưa có cả tấm hình Hai Bác chụp chung với tất cả các con xếp thành vòng tròn trông rất hạnh phúc. Ở xa, nhưng hai nhà có gì đặc biệt Các Cụ cũng đến với nhau, chuyện trò bàn bạc. Ngày anh tôi cưới vợ, Hai Bác đi đón dâu. Các chị còn làm cho ổ bánh cưới xinh xắn. Ngày Dalat chạy tan tác vào cuối tháng ba Hai Bác lại chạy xe xuống xem gia đình tôi có vắng ai không... Sau này, cái xe đạp Peugeot " kinh điển " của Bố tôi bị mất cắp, Bố ít đi đâu nên lâu lâu Các Cụ mới gặp nhau...
Bố còn có một ông bạn thân khác, làm cùng nghề nên hay nhận việc làm chung. Bác Ba Long. Bác này sống một mình với mẹ già ở một nơi hẻo lánh gọi là " Suối Cát Nhà Thờ ". Ngày Tết Bố Mẹ tôi dẫn con cái đi thăm những bạn thân này như thăm viếng họ hàng. Sau này hơi lớn một chút Tết tôi ở nhà tiếp khách khi Bố Mẹ đi vắng nên mới có cảnh không biết Mộng Hằng là ai! Kỳ diệu nhất với tôi lúc nhỏ là lâu lâu Bố lại đón Mẹ của Bác Ba Long về để Mẹ tôi chăm sóc, tắm gội cho Bà ...như thể mẹ mình. Tôi thích những ngày có Bà đến chơi như thế lắm, vì Bà rất hiền, chỉ lặng lẽ ngồi giã trầu trong cái cối đồng và cười với tôi bằng đôi môi móm mém. Ngày Tết Bà còn tỉ mẩn gói những đồng bạc cắc vào giấy đỏ để " mừng tuổi" anh em tôi. Cách sống của Mẹ tôi, người mẹ quê hiền hòa nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, là bài học trầm lặng mà in sâu vào lòng các con về tình nhân ái khi Mẹ sống như thế, khi Mẹ sẵn sàng đón nhận bè bạn của chúng tôi lúc họ cần chia sẻ, cảm thông...
Ấn tượng của tôi về Bố và các bạn là sự chừng mực và lịch lãm trong ngôn ngữ của họ. Câu chuyện của Các Cụ ngoài đề tài công ăn việc làm, gia đình con cái...còn là những quan điểm về cuộc sống. Họ am tường nhiều vấn đề quốc nội và quốc ngoại, lịch sử, văn học...Các Cụ nói chuyện với nhau bằng giọng điềm đạm, hòa nhã, lúc nào cũng "anh, tôi" vừa lịch sự vừa thân thiết. Tôi nhớ lúc nhỏ lắm có lần đi cùng với Bố đến nhà Bác Tự. Bác đang có khách nên Bác giới thiệu Bố và người kia với nhau:
- Giới thiệu với anh, anh Đại, còn đây là anh... (tôi quên rồi!)
Hai ông bắt tay nhau, và Bố nói:
- Hân hạnh.
Trí khôn nhỏ bé của tôi bắt ngay lấy hai tiếng ấy, những từ mà sau này tôi chỉ đọc thấy trong... truyện Pháp!
Sống ở nơi như Mẹ vẫn dùng một thành ngữ, " tứ cố vô thân" kiểu gia đình tôi thì bạn bè hóa thành thân thích. Khi mới lưu lạc đến Dalat, Bố Mẹ gặp gỡ rồi kết thân với hai gia đình khác nữa, mà đặc điểm là hai ông cùng họ với Bố tôi nên họ kết anh em, theo tuổi tác thì Bố tôi nhỏ nhất. Sự thân thiết đó bền bỉ đến nỗi thế hệ sau vẫn còn gắn bó như thế hệ trước, như trong gia tộc của mình, cũng phân ngôi thứ mà gọi và có mặt bên nhau khi vui khi buồn. Đám cưới các con tôi vẫn có " bác Cúc " là con gái út của ông anh lớn nhất. Dalat ngày xưa giữ lại trong lòng người Dalat xưa nhiều điều kỳ diệu.
Cuộc sống sau này ngày càng gian khó hơn, nên Bố Mẹ hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà để giúp đỡ anh chị tôi. Lúc Bố nằm bệnh, tôi về và ở bên Bố suốt ngày. Có lần Bố bảo tôi:
- Bố có điều ân hận là cả Bác Ba Long và Bác Tự mất mà bố không biết để đến tiễn đưa.
Tôi thấy ánh mắt đã trở nên xa xăm của Bố lúc đó buồn lắm. Tôi hiểu nỗi niềm của Bố nhưng không biết nói sao để an ủi Bố. Rồi Bố mất trong ngày Tết, một dịp không thuận tiện để loan báo tin buồn. Nhưng đến ngày Mẹ tôi, rồi sau đó là Bác Tự Gái mất, cách nhau không bao lâu, thì con cái hai nhà đều đến viếng thăm, chia sẻ nỗi buồn như những người thân thuộc.
Những người thuộc thế hệ Bố Mẹ hầu như không còn nữa, các Thầy Cô nhiều người cũng đã ra đi, thế hệ chúng tôi cũng đã nhiều bạn từ bỏ cuộc đời này, nhưng những gì đã thấm sâu vào trong tâm khảm của chúng tôi, trở thành nhân cách, tình cảm và một phần cuộc sống tinh thần giá trị của đời mình thì cứ còn đấy mãi,làm ấm lòng lúc về chiều và làm vui khi được cảm thông.

Mùa mưa năm nay đang dần qua. Không biết còn bao nhiêu cơn mưa nữa đất trời mới chuyển qua mùa nắng, nhưng trong những buổi chiều này tôi đã nghe hơi lạnh nhuốm vào không khí. Không biết sẽ còn bao nhiêu mùa mưa trong quãng đời còn lại để tôi nghe mưa và lại thấy hiện lên trong tâm tưởng mình từng mảnh cũ của những tháng năm đã sống, chắp vá, tiếp nối...không thôi. Nhưng dù sao, trước khi hoàng hôn thật sự phủ xuống cuộc đời mình thì tôi vẫn thích từng buổi mai thức dậy, thấy ánh sáng phả đầy khung cửa, nghe tiếng chim chiêm chiếp trên giàn hoa trước phòng, nhìn những cái bóng bé xíu nhảy nhót dưới lá và lại thầm vui vì thằng cháu khi làm nhà đã dành một góc cho cô nó ngắm màu xanh mà thấy bình yên. Tôi vẫn thích ra bếp đun nước pha một tách cà phê rồi chia đôi cho anh với tôi, và nhớ...
Nhớ những sáng mai thức dậy, trong căn bếp nhỏ ngày xưa con bé bảy tuổi ấy học cách Mẹ pha cà phê cho Bố bằng cái vợt. Tráng nước sôi cho cái bình gốm nóng lên, rót một ít nước cho bột cà phê thấm và nở đều rồi sau đó mới thêm cho đủ nước. Hương cà phê thơm nồng nàn trong hơi lạnh buổi mai trở thành một ký ức êm đềm. Con bé đó cũng được cho một ít trong cái cốc bé bé. Thế là nhóc con mà đã biết uống cà phê, - với thật ít đường, theo cách uống của Mẹ nữa chứ! - Sau này ở xa, lâu lắm mới về hỏi Bố có uống cà phê không con pha thì Bố không uống được nữa. Đến cả trà Bố cũng không uống được luôn. Bộ đồ trà đơn sơ một lần nào tôi tặng Bố trở thành quên lãng.
Ký ức luôn luôn có cả niềm vui và nỗi buồn, cũng như giữa những ngày mưa là những hôm rực nắng. Những chậu cúc trà trước hiên dưới mưa đang đơm lá xanh tươi, chờ nắng lên để sẽ căng đầy nụ. Tôi tự nhủ năm nay nếu nhiều hoa tôi sẽ ngâm một ít rượu, để nhớ Bố Mẹ tôi với những mùa thu nhè nhẹ gió xa xưa.

Bảo Lộc, cuối tháng 9.2016
Như Luân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn