Má ơi má, con về đây má ơi!

20 Tháng Tám 20171:59 CH(Xem: 2866)

Má ơi má, con về đây má ơi!

 

Tác giả có lần trở về Đà Lạt, nơi ông ở 31 năm, đứng chỗ nào cũng chảy nước mắt, không cách nào cầm được. May là ông còn có một chỗ để về.

Tác giả có lần trở về Đà Lạt, nơi ông ở 31 năm, đứng chỗ nào cũng chảy nước mắt, không cách nào cầm được. May là ông còn có một chỗ để về. Ảnh: TL

Tôi rời Việt Nam đi đến chỗ ở mới chưa được ba năm thì nhận được tin má tôi qua đời. Tôi còn mỗi má thôi để, hồi xưa, vài ba năm tôi có về thăm thì người trả tiền xe xích lô cho tôi là má tôi!

Tôi tự lấy làm lạ sao mỗi lần tôi về thăm nhà, thăm nơi mình được sinh ra đời, lớn lên học chưa tới đâu thì đi tỉnh khác, mỗi dịp nghỉ hè, xuống ga xe lửa về nhà thì… trong túi hết tiền! Má tôi lần nào cũng phải trả tiền xe xích lô cho tôi mà bà không la rầy tôi một tiếng, trái lại thấy như vui vì tôi về…

Đó, là thời tôi còn nhỏ (không nhỏ lắm, hơn 17, 18 rồi). Tôi có tính xấu là luôn luôn dựa hơi má tôi, tôi xài tiền dọc đường, bạn bè cần tôi đưa, tôi tin tôi không bơ vơ khi vào nhà. Tôi đi dạy học, tôi có lương, tháng tháng tôi có gửi cho ba má tôi một ít cho vui. Có lẽ cũng vì lý do này mà tôi về nhà là má mừng và chi cho tôi mấy thứ lặt vặt?

Ba má tôi chưa la rày tôi bao giờ, chỉ có một lần, hồi ba tôi làm việc ở Sài Gòn, tôi từ Đà Lạt về thăm, tôi mang giày dơ, ba tôi có hỏi tôi sao con không chịu đánh giày? Đó là một lần duy nhất ba tôi để ý cách phục sức của tôi, tôi càng thương thời mình ở quân trường luôn luôn giữ giày cho sạch bóng để không bị phạt.

Ba tôi mất năm 1972, sắp sửa có hiệp định Paris ký kết (27/1/1973), ba tôi không kịp thấy hoà bình… Má tôi mất sau ba tôi 20 năm, có hoà bình mà… Con trai má, ba đứa, một tôi bầm giập, hai đứa em tôi đỡ hơn vì tụi nó “nhỏ”.

Tôi biết thân biết phận, cực khổ sáu năm, tôi thảnh thơi tìm cách xa má. Má lột chiếc nhẫn vàng y hai chỉ cho tôi… Và tôi xa má tôi thiệt từ năm 1989.

Má tôi không có gì cho tôi thêm, vợ tôi gửi má cái áo len cũ, tôi đưa má cái poncho light của tôi, hai đứa con tôi để lại cho bà nội hai cái áo dài trắng chúng mặc hồi đi học, tụi nó nói: “Nếu tụi con không còn dịp về thăm nội nữa thì hai cái áo này coi như khăn tang con tưởng nhớ nội ngày nội qua đời; mà nội ơi tụi con sẽ về, nội đừng làm sao hết nhen, nhớ giữ mấy trái lựu cho tụi con…”

Từ đầu năm 1990, tôi có gửi về cho má và cho anh chị em. Má tôi được tổng cộng ba trăm đô, nhất định má không xài, cứ giữ đó, thỉnh thoảng lấy ra nhìn và khóc. Má tôi sống nhờ lương tháng dành cho người có công với cách mạng, ít nhưng có cái tình người… Má tôi mất khi tôi ở xa, một mình, giữ nhà cho bạn, không lương, trên San Jose.

Tôi nhận được tin má tôi mất, không biết làm sao, gửi tin cho vài tờ báo, tôi tha thiết xin họ chia sớt với tôi nỗi buồn. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi thấy tôi cần được san sẻ từ bạn bè… Tôi vội vàng gửi về hai trăm dành dụm cho em tôi lo cuối đời của má, cả chiếc nhẫn vàng y hai chỉ sắm mới để gắn vào miệng má trước khi liệm. Các em tôi nói đã lo cho má chu toàn và… chu tất. Tôi tin. Cả đời tôi cả tin!

Mới đây, em tôi, thằng Nhàn, mất đột ngột, tôi có cớ về thăm quê. Tôi lên Đà Lạt không làm sao dám về con đường cũ, lạ hoắc… mà loang lở, trồi sụt hết trơn. Nơi tôi ở 31 năm, đứng chỗ nào cũng chảy nước mắt, không cách nào cầm được. Lạ quá! Lạ quá! Ôi một nơi quen thuộc mà thế này.

Tôi không vào nhà bất cứ người quen nào bởi nhà nào cũng hai lầu, ba lầu, kín cổng cao tường. Tôi biết bổn phận của người đi là gửi về chớ không phải đi về.

Tôi xuống Phan Thiết, ghé lên thăm mồ mả ông bà, có ba má tôi trong phần đất đó, ở Bình Lâm. Rồi lên xe xuống nhà má tôi hồi sinh tiền – tôi nhớ như in bao nhiêu đám ruộng, trống vắng… mà bây giờ không thấy gì cả, phố mọc lên san sát.

Thằng em ở phía trong, thằng em ở phía ngoài, ngôi nhà mới xây đây mà, không thấy cửa vào vì quá nhiều nhà cất chen hai bên đường. Hoàn toàn không thấy đám ruộng nào, cả đám ruộng có phần mộ thật lớn nơi an nghỉ của ông bà ngoại, chừ mô? Mắt tôi ráo hoảnh rồi. Tôi nói với tài xế xe bao: Thôi em chạy xuống bến xe đưa tụi anh vào thành phố mang tên Bác Hồ yêu quý đi em…

Trời ạ! Lên xe, xe giường nằm, tôi nhớ mấy câu hát của Trần Văn Trạch, ca sĩ tài danh, em ruột của giáo sư Trần Văn Khê, bài Chuyến xe mồng năm: “Má! Má ơi má con về đây má ơi…” Mới nhắc một câu, lòng đã nghe tái ngắt. Xe chạy. Đường êm như mơ. Đường êm như ru. Tôi nhớ má tôi quá, má tôi ru con gái lớn của tôi ngày nào, xưa lắm, năm 1963…

Trần Vấn Lệ
Theo TGTT
Nguồn: Tiếp Thị Thế Giới

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn