CHUYỆN LỚP 5: HỌC PHỤ ĐẠO

02 Tháng Năm 20188:50 CH(Xem: 3027)

CHUYỆN LỚP 5: HỌC PHỤ ĐẠO

(Luôn nhớ thầy Hiệu Trưởng, thương tặng các chị dạy lớp 5 và tất cả các em học sinh trường Trần Bình Trọng)

Vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước…

Trường tiểu học Trần Bình Trọng nằm trên con đường mang tên vị danh tướng có câu nói khẳng khái đi vào lịch sử: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc”. Trường được xây trên 70 năm, có chừng 800 học sinh chia làm 5 khối từ lớp 1 đến lớp 5. Học sinh là con em ở trong xóm Mỹ Thành, Vạn Thành, một số học sinh dân tộc Tây Nguyên nội trú của các sơ thuộc nhà thờ Cam Ly gần đó.


Thầy Nguyễn Công Tạo, nguyên trước là giáo sư toán trường Trần Hưng Đạo làm Hiệu trưởng. Thầy thân thiết, lo toan cho giáo viên như người trong gia đình. Mỗi khi phụ huynh lên trường phiền trách giáo viên. Thầy mời vào văn phòng, phân tích phải trái rồi nói:

-Con vua cũng phải ăn đòn nữa. Cô giáo muốn học sinh giỏi mới phạt, chứ không thương người ta bỏ mặc. Các vị phải biết ơn người ta.

Khi phụ huynh về, thầy mới la rầy giáo viên:

-Ai cũng xót con mình cả, mấy cô luôn nhớ điều đó.

Cô hiệu phó Kim Hương trái lại, yểu điệu, thướt tha, dáng cao, tóc dài, giọng hát liêu trai gợi nhớ đên ca sĩ Lê Uyên.

Giáo viên hơn 30 người gồm cả bộ phận hành chánh; đa phần sinh ra và lớn lên ở Dalat nên tính hiền lành. Nhà trường cử những người dịu dàng, kiên nhẫn dạy lớp 1 như Lê Vân, Gia, Mai Thúy.. các lớp khác có Thanh Thủy, Hồng Vân, Hạnh, Khoa, Chắc, Lan...giáo viên lớp 5 cần sự nghiêm khắc như Khánh Hồng, Lợi, Nguyệt, Mai Hương vì đây là lớp đi thi.

Vào đầu tháng 5, học sinh lớp 5 thi trước các môn như khoa học, lịch sử, địa lý, nhạc, vẽ, thể dục, tập đọc, chính tả chừa lại môn luyện từ và câu ( Văn Phạm), tập làm văn, toán để thi trong kỳ thi Tiểu học và xét tuyển vào trường công lập với học sinh toàn thành phố. 

Cuối tháng 5, toàn trường chờ kết quả của kỳ thi lớp 5 mới hoàn thành việc tổng kết năm học và phát phần thưởng.

Kỳ thi tiểu học và xét tuyển vào trường công lập được tổ chức quy củ.  Hội đồng coi thi đặt tại trường có công an bảo vệ. Giáo viên của các trường bạn được điều đến làm chủ tịch, thư ký, thanh tra, giám thị. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh, 2 giám thị phòng thi và 1 giám thị hành lang. Kết thúc ngày thi, bài thi được niêm phong và gởi về Hội đồng chấm thi.

Chừng 1 tuần lễ kết quả được công bố, học sinh có số điểm cao sẽ vào trường công lập như Lam Sơn (tuyến của trường Trần Bình Trọng), ít điểm sẽ vào trường bán công như Nguyễn Du, Phù Đổng. Em nào dưới 10 điềm sẽ phải học lại lớp 5.

Có thi cử là có đậu rớt và kết quả tốt nghiệp của học sinh ảnh hưởng đến thành tích thi đua của toàn trường nên thầy Hiệu trưởng dành cho  4 phòng học để dạy phụ đạo (dạy thêm cho học sinh) vào buổi chiều. Học phí không cao do nhà trường quy định, giáo viên tự thu nên không lấy tiền  học cho các em dân tộc ít người và miễn giảm cho các học sinh nghèo tùy theo hoàn cảnh; chỉ đóng lại cho nhà trường một phần để sửa chữa bàn ghế hư hỏng.

Một năm, thầy Tạo gọi 4 cô giáo vào văn phòng bảo:

-Buổi sáng các cô dạy học sinh lớp mình theo danh sách nhà trường đưa xuống. Buổi chiều, các cô chia các em làm 4 trình độ: giỏi, khá, trung bình, yếu rồi. Mỗi trình độ gom thành 1 lớp. Các cô chia nhau dạy 1 tháng sau đó lại luân chuyển.

-Dạ, thầy tính vậy khó quá, học sinh lớp nào giáo viên lớp đó dạy mới chắc được.

-Dạ. Làm vậy học sinh giỏi thì tự tôn, học sinh mang mặc cảm tự ty khi xếp vào lớp yếu sao thầy.

Thầy giảng giải:

- Mấy cô dạy cùng một trình độ thì sẽ dễ soan bài và các em làm bài cũng không phải chờ nhau. Học sinh giỏi, khá nếu không cố gắng thì tháng sau xuống lớp. Học sinh trung bình, yếu tiến bộ sẽ được lên lớp. Các cô thôi đừng bàn cãi nữa, dạy thử 1 tháng cho tôi.

Tuy ấm ức vì nghĩ học sinh lớp mình dạy là con ruột, còn học sinh lớp khác là con nuôi nhưng chúng tôi vẫn phải làm theo và chia lớp yếu ít học sinh đễ dễ kèm cặp.

Tầm nhìn của thầy Tạo quả xa và rộng, chỉ trong một thời gian đã có  nhiều kết quả không ngờ.

Tuy buổi sáng học 4 tiếng, buổi chiều học phụ đạo 3 tiếng nhưng lớp chiều lại khiến các em thân nhau hơn. Các em dễ cảm thông và chia sẻ nên lẫn lộn giữa lớp chính khóa và phụ đạo. Buổi trưa khi chờ đến giờ học, có em ở xa phải ở lại trường buổi trưa được bạn rủ về nhà bắt mẹ dọn cơm, các em san sẻ từ trò chơi đến thức ăn, có lúc dám vào tận Vạn Thành xuống hồ bắt cá. Gần 30 năm sau. Lớp 5C k 94-95 phải dựa vào tấm hình chụp chung ở sân trường mới tìm ra đúng các bạn trong lớp bởi nhiều bạn khác lớp nhận mình học 5C như Hữu Trí, Trần Long…ngược lại các bạn chính lớp lại phân vân không nhớ.

Giáo viên lớp 5 có 4 người, mỗi cô một sở trường: chị Nguyệt lớn tuổi, chín chắn, chuyên dạy học sinh cá biệt: những em đọc không thông, viết không thạo, 4 phép tính còn lẫn lộn đến cuối năm làm bài thi đủ điểm tốt nghiệp Tiểu học. Lợi, dịu dàng, thanh cảnh với những bài văn ý tưởng dồi dào, trau chuốt. Khánh Hồng nhiều kiến thức và tài năng tay trái: cắm hoa, nấu ăn, văn nghệ. Mai Hương tích lũy kinh nghiệm dạy môn toán nhờ những năm đã dạy cấp 2.

Bốn chị em thân thiết nhau như chị em. Những buổi trưa gần ngày thi, chúng tôi ở lại trường, ngồi chiếc bàn đặt cuối hành lang, chia nhau ổ bánh mì, gói xôi chia sẻ chuyện gia đình, trao đổi việc học hành của học sinh:

-Mai, mình vô Vạn Thành nghe. Trung lại trốn học rồi.

-Chị Nguyệt nhớ để ý giùm em Ha Thom. Nó chưa thuộc bản cửu chương.

Chú Ha Thom năm nào sắp tới ngày thi ngang ngược nghỉ học, khiến 4 cô bỏ bữa cơm trưa đến ngôi nhà lưu trú dành cho người dân tộc cuối đường Hoàng Diệu, to nhỏ khuyên em trở lại trường. Sau 30 năm Ha Thom  nhắc lại với ngữ điệu nhát gừng:

-Bọn bà cô 4 người dạy lớp 5, vô nhà tui, bắt tui đi thi nè. Tui còn nhớ mà.

Mặc dù chia lớp nhưng kiến thức căn bản vẫn phải rèn nhuần nhuyễn, giữa các lớp chỉ hơn nhau các bài toán giải ( toán đố hay toán có lời văn). Trời không phụ lòng người. Trường Trần Bình Trọng bắt đầu khiến mọi người nhìn bằng con mắt khác, phụ huynh giàu có trên đường Hoàng Diệu, Hải Thượng không gởi con ra trường Đoàn Thị Điểm, Trưng Vương, Lê Quý Đôn… mà cho con học trường gần nhà. Sau mỗi kỳ thi Tiểu học, các trường bạn cầm tờ kết quả của trường tấm tắc khen   

Lớp học sinh giỏi trở thành lớp chuyên của trường, những bài toán khó, toán sao được dạy song song với những bài tập làm văn ý tưởng sáng tạo nên số lượng những học sinh giỏi thành phố ngang với các trường điểm; học sinh vào trường công lập tăng cao và học sinh đậu tốt nghiệp 100% nhờ vào thực lực của các em.

Sự thành công tưởng như đơn giản nhưng với ngôi trường gồm khá nhiều con em lao động và dân tộc là một món quà lớn: nhiều em nhà nghèo nhờ vào được trường công lập nên không phải nghỉ học ngang; những giải thưởng cấp thành phố, tỉnh phụ thêm cho gia đình: học sinh nghèo học giỏi nhận được những học bỗng từ xa gởi về

Học sinh học phụ đạo dạy đến cuối tháng 3 thì trở về lớp chính để giáo viên rèn lại cho học sinh mình chắn chắc trước khi lên đường đến trường thi.

Chị Nguyệt ví von:

- Tụi mình giống mấy bà bầu: đầu năm mang thai, suốt 9 tháng dạy dỗ cực nhọc, cuối năm học sinh đi thi như mình đi sinh lo lắng đủ điều; nghỉ được ít lâu lại mang bầu.

Lớp học phụ đạo theo trình độ được tổ chức hơn chục năm. Khi trường phá ra để xây lại, không đủ lớp để dạy, giáo viên được phép đem học trò về nhà. Trường xây xong, lớp học dư dả nhưng lớp phụ đạo theo trình độ cũng không tổ chức lại nữa. Có lẽ lớp học phụ đạo theo trình độ duy nhất trong thành phố được tổ chức.

Đến giờ, thầy Tạo đã đi vào cõi hư vô; 4 cô giáo lớp 5 cũng đã về hưu, có người tuổi thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm. Nhớ lớp học năm nào, tôi vẫn hàm ơn thầy Tạo, thầy giúp chúng tôi thực tập bài học làm người: sống không để tâm phân biệt, san sẻ kiến thức, tình thương cho tất cả mọi người không vướng mắc. Việc tuy dễ nhưng khó thực hành.

Phạm Mai Hương 30.4.2018

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn