NỬA CHỮ CŨNG LÀ THẦY

11 Tháng Mười 201810:11 SA(Xem: 2945)

TRƯỜNG VĂN HỌC DALAT- NỬA CHỮ CŨNG LÀ THẦY
(Kính tưởng nhớ thầy cô Chử Bá Anh, Hiệu trưởng trường Văn Học Dalat)
Lên 6 tuổi, tôi học lớp năm trường tiểu học Trần Bình Trọng. Từ nhà chỉ băng qua con đồi nhỏ nằm giữa đường Trần Nhật Duật và Yagút là đến trường. Học sinh chỉ học 1 buổi nên buổi chiều tôi qua nhà bác Tư Cúp nằm sau lưng nhà, học với bạn Mai Thị Phụng và được anh Long cháu bác kèm thêm. 
Năm 1964, tôi lên lớp nhất B do cô Bùi Thị Ninh hướng dẫn. Cuối năm, học sinh phải qua kỳ thi trung học đệ nhất cấp để được vào trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân. Vào trường công không phải đóng tiền học còn là một niềm hãnh diện nên để chắc chắn anh Long dẫn tôi và bạn Phụng lên trường Văn Học để xin học luyện thi.
Thưở đó Dalat là trung tâm văn hóa hơn là du lịch. Ngoài 2 trường công lập lớn là Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo còn có nhiều trường Pháp dành cho giới thượng lưu từ khắp miền Nam về học như  Grand Lycee’, Couvent des oiseaux. Adran…những trường tư thục có tiếng: Trí Đức của nhà thờ chánh tòa nằm trên dường nhà Chung,  Bồ Đề thuộc chùa Linh sơn trên đường Võ Tánh, Tân Sanh dành cho người Hoa, Cam Ly cuối đường Trần Bình Trọng dạy riêng người dân tộc thiểu số, ngoài có trường Việt Anh và Văn Học …
Trường Văn Học nằm đầu đường Hoàng Diệu, trên sườn đồi Quan Thuế, đối diện với căn nhà “ Bảy Gian” nổi tiếng với con ma cây mít và quán mì quảng.  Nói hơi dài dòng để biết vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ở xóm Lò Gạch, trường Văn Học thân thuộc với cư dân ở đó như nhà ông Võ Đình Dung nằm chếch bên cạnh, hay bác Viên Cò cách đó mấy căn, hoặc ông Tôn Cao trên đồi Quan Thuế phía sau.
Từ nhà, tôi chỉ đi chừng 20 mét đến đường Hoàng Diệu rẽ trái đi thêm chừng 200 mét tới trường. Tôi nhảy lóc cóc lên hơn 60 bậc cấp đến dãy nhà làm lớp học bên cạnh ngôi biệt thự lớn là nơi ở của nhà thầy Hiệu trưởng. Lớp luyện thi của tôi có chừng hơn 20 học sinh, gồm 2 dãy lớp và một chiếc bàn dành cho thầy Trần Bất. 
Thầy Trần Bất dạy chúng tôi môn quốc văn và toán mặc dù kỳ thi có môn Khoa Sử Địa. Thầy nói giọng Bắc, giảng bài rất hay. Thầy truyền cho tôi niềm yêu thích môn văn, thầy cho chúng tôi chép những đoạn văn hay, ý đẹp vào cuốn sổ và khuyến khích đọc sách. Quyển sách nằm lòng của tôi lúc bấy giờ là “ Dưới mái học đường” do Hà Mai Anh dịch. Khi thi đề bài tả buổi tập thể dục, tôi tả cảnh một bạn tay bị liệt đu trên sàn ngang nhờ vậy mà tôi đỗ với thứ hạng 8 trên gần 300 học sinh.
Thầy Hiệu Trưởng Chử Bá Anh cao dong dõng, thỉnh thoảng ghé qua lớp, vui vẻ và thưởng kẹo cho học sinh giỏi. Cô Hiệu Trưởng, nhà thơ Vi Khuê, trắng trẻo, lịch thiệp là  đồng sự và bạn thơ của ba tôi, cô yêu hoa cúc nên chọn màu vàng làm đồng phục cho nữ sinh. Thầy cô có 4 người con nhỏ hơn tôi vài tuổi, các bạn ấy cùng tên Anh chỉ khác chữ lót mà cũng dễ nhớ: Nhất, Nhị, Tam, Tứ và được chú Thanh tài xế đưa đón đi học. 
Khi vào trung học, trong thời gian dài tôi không có dịp leo lên bậc cấp cao, nhưng mỗi lần đi học tôi nhìn ngôi trường thấp thoáng khi  mùa đông cây quỳ dại mọc vàng cả phần đồi phía trước 
Anh em chúng tôi đông, con gái học Bùi Thị Xuân, con trai học Trần Hưng Đạo, 1 đứa vào  Kỹ Thuật la San , 4 đứa nhỏ học Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương và Lạc, đứa em thứ 6 học trường Văn Học từ lớp đệ thất đến năm 1975. Sau tết Mậu Thân, em Toàn mất cha phải lên Dalat nương náu và được ba tôi xin vào đó học.
Trường Văn Học mở các lớp đệ Thất đến lớp đệ. Riêng đệ nhị cấp thì từ lớp đệ Tam đến lớp đệ Nhất có đủ cả ba ban A (sinh vật), B (toán lý hóa) và C (Việt văn, sinh ngữ.)Thầy Chử Bá Anh mời nhiều giáo sư danh tiếng từng dạy học ở Saigon hoặc tại những tỉnh thành khác. Một số là giảng viên văn hóa tại trường Võ Bị Quốc Gia Dalat. 
Mặc dù là trường tư thục nhưng nội quy khe khắc không kém trường công Thầy Hiệu trưởng dễ gần nhưng cũng rất nghiêm: học sinh trốn học sinh hay phạm kỷ luật bị thầy cho ăn roi mây. Thầy nhớ rất rõ từng học sinh của mình nên đang lái xe thầy thấy học sinh nào đi lang thang trốn học, vào quán bi da, thầy ngừng xe, chở về trường cho mấy roi rồi bắt về lớp học. Học sinh nam theo thời trang để tóc dài, thầy gọi lên văn phòng, cầm cái kéo sởn một đường cho về nhà cắt ngắn. Trường còn có phần thưởng khuyến khích  học sinh giỏi hay trợ cấp học sinh khó khăn. 
Trường Văn Học được nhiều người biết đến khi mở lớp luyện thi Tú Tài I và II. do thầy Phạm kế Viêm và Thân Trọng Bình đảm nhiệm. Hai thầy dạy trường Võ Bị Quốc Gia nên thường lên lớp trong bộ quân phục oai hùng và hào hoa, khiến nhiều học sinh ngơ ngẩn.Thầy Viêm dạy môn toán, thầy vẽ hình học không gian trên bảng rất đẹp. hai tay có thể vẽ 2 vòng tròn chính xác. Thầy Bình dạy lý hóa.  Anh Việt, chị Mai Trang và các bạn của họ đều học luyện thi ở đây. Chị Mai Trang viết chữ đẹp, trình bày vở không chê vào đâu, được thầy Viêm mượn cuốn tập để làm tài liệu.
 
Năm tôi học thi tú tài 1, tôi trở lại căn phòng học năm nào, phòng chỉ có bàn cho học sinh, giáo sư đứng dạy đến hết tiết rồi về. Tôi cố tìm thấy Bất nhưng thầy có lẽ về trường Văn Khoa, là ngôi trường thứ hai của thầy Chử Bá Anh ở tận Chi lăng. Học sinh lớp luyện thi đa phần từ trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân. Tôi cùng bạn Qua, Hạnh đi sớm chọn bàn đầu học để khỏi phải đi ngang những dãy bàn dài toàn con trai. Hai năm luyện thi ở trường Văn Học để lại nhiều kỷ niệm bởi đây là lớp mà nam nữ được học chung. Dù không có dịp tiếp xúc nhưng chúng tôi cũng biết sau lưng mình nhiều bạn nam học rất giỏi. 
Lớp luyện thi có kết quả rất cao tuy nhiên danh tiếng lại thuộc về trường gốc. nên khi cầm mảnh bằng trong tay, chúng tôi hãnh diện mình là con cháu Bùi Thị Xuân quên rằng trường Văn Học góp sức vào rất nhiều. 
Sau năm 75, ngôi trường được chia cho những người ở ngoài kia vào, ngọn đồi sạt bằng với mặt đường và trở thành dãy nhà phố cao tầng, chừa lại con dốc bậc cấp cao ốm o. Thầy cô lẫn học trò tan tác khắp nơi.
Hơn 40 năm sau, bất chợt tôi gặp vị sư trụ trì ngôi chùa Mỹ Thiện nằm ngoại vi Phan Rang, thầy nhớ lại những ngày đi học:
-Tôi là ở Phan Rang, vì ham học muốn tới trường, tôi trốn lên Dalat. ở chùa Lâm Tì Ni tận Dốc Nhà Bò, và đi học trường Văn Học. 
-Ôi. Con tưởng thầy tu Phật thì học trường Bồ Đề chứ.
-À, Vì sao tôi là thầy tu mà lại không học trường Bổ Đề mà lại học Văn Học. Ừ, thì lúc đó, chùa thì xa trường Bồ Đề, mà trường Văn Học cho học không lấy tiền. Tôi nhớ ơn này .
Thầy lại cười kể:
-Một sáng thứ hai, giờ chào cờ, thầy Hiệu trưởng nói: học sinh nào học giỏi hơn con tôi và học sinh nào phát hiện tôi thuê giáo sư kèm riêng cho con, tôi miễn học phí. Câu nói này làm động lực cho tôi gắng học hơn. Đó là kỷ niệm đi theo năm tháng trong tôi. Tôi nghĩ người ta làm được thì mình sẽ làm được và học được.
Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, những người học sinh học luyện thi năm nào vẫn nhớ  những buổi học trên ngôi trường cao nằm đầu đường Hoàng Diệu, trên sườn đồi Quan Thuế, đối diện với căn nhà “ Bảy Gian” nổi tiếng với con ma cây mít và món mì quảng. Nhớ thầy Hiệu trưởng dáng cao dong dõng, cô Hiệu trưởng lịch thiệp và 4 người con học giỏi cùng tên Anh.
Tháng 10/2018
Phạm Mai Hương
1614001618500981336&th=166615ebb1a81258&view=fimg&sz=s0-l75-ft&attbid=ANGjdJ__wUiWqBR9X-NT3kT1GC--aUU1KpM95QHuZpFXb7uejPBpktwL7CSqWqQftWjHEGOLMIWIp53AuyF3FViXrk2ahuJr4QE1LTN9kUJhXMITX1QFn55vyRp5dQI&disp=emb&realattid=166615e62cf76e77f321
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn