KHÁNH ƠI! MÀY ĐÃ ĐI RỒI ...* Phan Công Tôn

09 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 57279)

KHÁNH ƠI! MÀY ĐÃ ĐI RỒI ...

Phan Công Tôn

 

Cái computer của chúng tôi ở nhà bị hư cả 10 ngày rồi, bà xã tôi gọi Comcast để hỏi và sửa nhưng vẫn chưa được, (chuyên viên Comcast sau nhiều lần hướng dẫn qua điện thoại để sửa nhưng vẫn không được, cuối cùng họ “phán” một câu ... xanh dờn: “Máy bị hư vì ‘virus’!” )

Hôm 19 tháng giêng/2009 bà xã tôi đành phải gọi xuống nhà anh Thanh (một người bạn thân của chúng tôi, cũng sống tại Salt Lake City, Utah, cách nhà chúng tôi hơn 4 miles), cho anh biết “password” để nhờ anh mở inbox, xem chúng tôi có nhận những tin tức hay những emails nào quan trọng hay không? Nhờ đó chúng tôi mới biết tin Lê Văn Khánh đang nằm trong bệnh viện (qua tin tức của Ban Đại Diện/Hội Thân Hữu Khóa 9/ Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức thông báo cho bạn bè cùng khóa qua email) 

Chiều hôm đó, mới đi làm về, được bà xã báo tin; tôi vội gọi qua chị Khánh ở Virginia để hỏi thăm tin tức. Chị Khánh cho biết tình trạng sức khỏe của Khánh trong thời gian vừa qua: Khánh bị lao phổi, bị cao máu, bị Cholesterol và tiểu đường (Diabetes) ... Mấy tháng vừa rồi, Khánh thường nhịn ăn nên bị sụt cân, chỉ còn khoảng hơn 140lbs. Hôm 8 tháng giêng/2009, Khánh được đưa vào phòng cấp cứu ở FairFax Hospital, mấy hôm sau được ra ngoài, sau đó trở nặng, phải đưa trở vào phòng cấp cứu.

Từ 2 hôm nay, Khánh bị rơi vào tình trạng hôn mê ...

Sau khi nói chuyện với chị Khánh xong, tôi gọi cho Đinh Văn Cương ở Maryland. Cương cho biết đã cùng các bạn Khóa 9 Thủ Đức (ở Virginia và Maryland) như Trần Đình Châm, Nguyễn Công Thái Dương và Võ Minh Vỵ vào thăm Khánh ở bệnh viện cách đây hai ngày.

Sau đó tôi gọi báo tin cho Nguyễn Văn Phước ở Maryland (người bạn tù cùng chung trại K3 Gia Rai, Xuân Lộc với Khánh và tôi năm 1985).

Tôi cũng gọi cho Nguyễn Văn Giàu, Không Quân, ở California (người bạn cùng vượt biên chung một ghe với Khánh và tôi, từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng giêng/1987).

Tôi cũng đã gọi anh Nguyễn Bế (đương kim Hội Trưởng/Hội Ái Hữu Khóa 9 Đoàn Kết) ở California và bạn Nguyễn Văn Phán, cùng Khóa 9, đang ở Houston, TX để bàn về những việc có thể sắp xếp và chuẩn bị trước liên quan đến tình trạng của Khánh ...

Ngoài ra tôi cũng đã báo cho các niên trưởng và các bạn bè trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến và các bạn học thời còn ở Trung Học tại ĐàLạt như Đoàn Văn Phụ ở Garden Grove, CA; Hùynh Kim Tắc ở Burbank, CA; Vũ Thị Thư và Vũ Hữu Ứng ở Sacramento, CA; Đoàn Bích Liên ở Long Beach, CA; Nguyễn Đình Hùng ở San Jose, CA và Thái Văn Duy ở Melbourne Beach, FL; Đỗ Anh Hào, ở Paris, Pháp biết về tin của Khánh ...

Ngày 24 tháng giêng/2009 Lê Văn Dương, Không Quân, em ruột của Khánh từ Úc sang. Dương đã vào bệnh viện thăm Khánh, hội ý với các bác sĩ liên hệ và với chị Khánh để chuẩn bị cho một quyết định cuối cùng về tình trạng của Khánh.

Tối 26 tháng giêng/2009 (nhằm ngày mồng 1 Tết Kỷ Sửu), tôi gọi nói chuyện với Dương (đang ở nhà anh Xuân, một người bạn cùng Khóa với Dương trong Binh Chủng Không Quân, đang ở vùng Maryland).

Dương cho biết sau khi đã hội ý với các bác sĩ liên hệ đến bệnh trạng của Khánh, sau khi đã hội ý với mọi thân nhân trong gia đình và với chị Khánh; cái quyết định cuối cùng đã được xác lập: Khánh sẽ được “rút ống” vào ngày mai, tức là ngày mồng 2 Tết Kỷ Sửu!


Mọi diễn tiến về việc “rút ống” và “ra đi” của Khánh tuần tự diễn ra như dự trù:

. Ngày 27 tháng giêng/2009 (nhằm ngày mồng 2 Tết Kỷ Sửu): Khánh được “rút ống” lúc 1:25pm và tắt thở lúc 2:25pm (giờ Virginia).

. Linh cữu được quàn tại nhà quàn FairFax Memorial Funeral Home tại địa chỉ: 9902 Braddock Road, FairFax, VA 22032.

. Chương trình thăm viếng tại nhà quàn:

. Thứ Năm, 29 tháng giêng/2009 từ 3pm đến 9pm.

. Thứ Sáu, 30 tháng giêng/2009 từ 10am đến 12pm. Sau đó Khánh được hỏa táng (cũng tại nhà quàn này).. Sau thất tuần, chương trình dự trù: tro của Khánh sẽ được chị Khánh và Hà (cậu con nuôi của Khánh) đem về Việt Nam và sẽ được rải xuống Hồ Xuân Hương, ĐàLạt

khanh5-large-contentkhanh1-large-content

 

khanh4-large-content


Đám táng Khánh tại nhà quàn Fairfax. Người đứng cạnh quan tài là Nguyễn Văn Phước, người bạn tù chung trại K3 Xuân Lộc


Thời gian còn nằm tại nhà quàn và thời gian cử hành tang lễ, Khánh đã được đông đủ bạn bè (trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, bạn bè cùng Khóa, bạn bè muôn phương trong thời gian sống ở hải ngoại, kể cả các bạn bè kết nghĩa và các con nuôi) đã đến thăm và tiễn đưa để tỏ lòng thương tiếc một người đã ra đi ...

Bạn La Trinh Tường (cùng Khóa 9 Thủ Đức) đã thu lượm và đúc kết tất cả các tin tức và hình ảnh về đám tang Khánh để làm một phóng sự đặc biệt gởi đến cho tất cả các bạn bè liên hệ. [Một số hình ảnh đám tang do bạn Nguyễn Văn Phước (đang ở Maryland), người bạn cùng trại tù với tôi và Khánh năm 1985 ở K3 Gia Rai, Xuân Lộc gởi qua email cho tôi và tôi chuyển tiếp cho Tường].

Khi nhận được phóng sự này, tôi đã gởi email cho người cháu chị Khánh (cùng ở chung với chị), đồng thời tôi cũng đã gọi để chị Khánh biết để người cháu mở email cho chị xem phóng sự này.


Vài kỷ niệm và ghi nhớ đậm nét về Khánh và chung quanh Khánh:

. Họa vô đơn chí.

Trước hết, xin mở một cái dấu ngoặc để nói về chị Khánh, người Việt mình ai cũng nhớ nằm lòng câu: “Phước bất trùng lai, Họa vô đơn chí”. Câu này, ứng với trường hợp của chị! Hôm 28 tháng giêng/2009 (nhằm ngày mồng 3 Tết Kỷ Sửu), chị mang bộ đồ của Khánh, định đem tới nhà quàn để nhân viên nhà quàn mặc cho Khánh khi làm lễ tẩn liệm. Vừa bước ra cửa trước khu Condominium, chị bị trợt té (do tuyết đóng thành băng), cú té này làm nứt xương bên cánh tay mặt. Chị phải chạy tới clinic của bác sĩ Vinh để được mỗ và băng cánh tay (phí tổn sơ khởi là một ngàn hai trăm đô), thành ra suốt thời gian ở nhà quàn, qua tất cả các hình chụp, chị Khánh vẫn phải treo cánh tay mặt. Hỏi thăm thì chị nói, vết thương làm chị rất đau và càng gây thêm khó khăn vì phải xử dụng tay trái, là tay không thuận! Khổ một nỗi là vết thương không ổn, phải đến bác sĩ Vinh mỗ lại hôm 18 tháng 2/2009 và một tháng sau sẽ trở lại tái khám.

. Khánh Bánh Bò:

Khánh và tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Để tôi quay lại vài cảnh của thuở còn đi học: năm Đệ Thất, tại Trường Phương Mai, ĐàLạt (lúc bấy giờ trai gái còn chung trường). Vào dịp Tất Niên, có chương trình văn nghệ; lớp chúng tôi có đóng góp một vỡ kịch vui; Khánh thủ diễn vai một anh ba Tàu bán bánh bò, Khánh đã biểu diễn vai này qua giọng một anh ba Tàu nói lơ lớ tiếng Việt thật là xuất sắc. Cả trường, kể cả học sinh và các thầy cô, ai cũng khen; và từ đó Khánh mang cái chết tên “Khánh Bánh Bò” suốt những năm ở Trung Học! (Và ngay cả mấy năm sau, khi đổi qua học ở Trần Hưng Đạo, toàn nam sinh, cái tên “Khánh Bánh Bò” vẫn còn đó!)

Thuở còn đi học, Khánh thon thả, dong dỏng cao, (chứ không phải mập phệ như sau này với cái tên Khánh Voi hay Khánh Mập!) và là một trong những cầu thủ xuất sắc (môn bóng tròn) của Trường Phương Mai và Quang Trung!

Thầy Thuần, giáo sư Anh văn của Trường, rất “khoái” những cú đá độc đáo của Khánh. Thầy Thuần gần như bị liệt một phần bên trái, chạy “cà xịch cà đụi”, vậy mà trận banh nào Thầy cũng ra cổ võ.

Khánh đá vai trung phong, thường xuyên làm bàn cho Đội. Nhưng, cái độc đáo hơn là Khánh có cú đá “rót dầu” (mà Thầy Thuần không tiếc lời ca tụng). Khi nào Khánh có banh, ngay cả đang ở ngoài vùng cấm địa; mọi người đều thích thú khi nghe tiếng Thầy Thuần la tướng: “Khánh Bánh Bò! ‘Dzót dzầu’ vào! ‘Dzót dzầu’ vào!”

Và cú đá “rót dầu” độc đáo của Khánh lửng lơ treo trước khung thành đối phương, tiếp theo đó Trần Văn Ba (một cầu thủ xuất sắc khác, cặp bài trùng với Khánh) không bỏ lỡ cơ hội, đã tung lưới!

. Cứu mạng:

Sau khi Khánh và tôi cùng về Thủy Quân Lục Chiến và khi thấy tôi bắt đầu “ăn chơi, bay bướm”, lúc nào gặp tôi, Khánh cũng giảng “mô ran” và “lên lớp” một cách rất chí tình: “Mình còn cha mẹ và em út đông. Mi phải tiêu pha tằn tiện để có thể giúp đỡ cho gia đình. Phải cẩn thận lại. Dạo ni tau thấy mi ‘hoang’ lắm rồi đó!”

Đặc biệt thời gian Khánh và tôi đang theo học Khóa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Quantico, VA vào năm 1963, thấy tôi “tung hê” dữ quá, Khánh cứ chàng chạc “lên lớp”. Hễ khi nào đi chơi bình thường thì tôi rũ Khánh cùng đi, còn nếu có “mục gì đặc biệt” thì cứ y như rằng tôi phải “trốn” Khánh; cho dù có “trốn” đi chơi, nhưng khi trở về, thì vẫn bổn cũ soạn lại: Khánh lại “giũa” tôi thê thảm, “giũa” đến te tua! Tôi chỉ còn biết ầm ừ cho xong chuyện và cười cười cầu tài cho qua ... truông! Tôi cũng biết, Khánh là thằng bạn thân nên nó mới nói như vậy và trong thâm tâm, tôi cũng coi Khánh như là một cái thắng, để có thể cản bớt những cái quá đà trong tôi!

Có một dạo, suốt mấy weekends liền, tôi “trốn” Khánh để đi chơi với Jim, một anh bạn Mỹ cùng trung đội với tôi. Jim có cái xe sport màu đỏ (2 chỗ ngồi), khi đi chơi hai đứa thay phiên nhau lái. Chiều thứ Sáu rời trường là đi “mút chỉ” cho đến khuya Chủ Nhật mới mò về trường để sáng thứ Hai đi học!

Hai đứa đi chơi rất hạp “gu” và rất là vui! Khi thì đi lên hướng Bắc tận miệt New York hoặc Vermont, lúc thì đi về hướng Tây như West Virginia hoặc Kentucky, khi thì đi về hướng Nam, qua North Carolina, South Carolina đến tận Atlanta, Georgia v..v..

Thuở đó, tôi quan sát thấy người Mỹ họ lái xe rất là luật lệ, họ tôn trọng triệt để các dấu hiệu đèn đường (vàng, xanh, đỏ v..v..) và các bảng dấu hiệu khác như “Stop” và ngay cả “Yield” ... Còn Jim, anh ta hoàn toàn khác biệt: Jim tự cho mình là một “freeway speeder”, anh ta lái xe rất là “bạt mạng”, chạy quá tốc độ nhưng cứ coi đó là chuyện ... thường tình! Tới phiên anh ta lái, ngồi kế bên, chân tôi cứ như đạp thắng ... gió và lúc nào cũng có cảm tưởng: “thót ... lên càng cổ!” Ấy vậy mà anh ta chưa bao giờ bị các “ông bạn dân” chận lại để “hỏi thăm sức khỏe” mới là điều ngạc nhiên!

Gần một cuối tuần, Khánh “ra lệnh” cho tôi: “Suốt cả tháng ni, mi với thằng Jim đi chơi bưa rồi, weekend ni, mi phải đi với tau. Mi mà còn trốn tau để đi với hắn, thì đừng dòm mặt tau nữa. Nhớ nghe!”

Một phần, suốt mấy tuần đi chơi với Jim, tôi thấy “oải” nhiều và gần như là “cạn láng”, phần nữa, cứ “trốn” Khánh đi chơi riêng như vậy, lỡ khi hết tiền, đến mượn tiền nó thì sức mấy mà nó chịu xì ra, chưa nói tới việc còn bị nó xỉ vả này nọ ... Thành ra weekend đó, Khánh và tôi đi chơi chung với nhau ở miệt Baltimore, Maryland! Chiều Chủ Nhật chúng tôi về trường, sáng thứ hai đi học. Khi vào lớp, được trường chính thức thông báo một tin đầy bất ngờ và gây chấn động cho cả trường: một khóa sinh của trường vừa bị tai nạn lưu thông trên Freeway 95, cách trường hơn 10 dặm vào lúc gần 2 giờ sáng, sáng thứ Hai, trên đường về trường. Khóa sinh này, chắc trong tình trạng DUI (Driving Under the Influence), ủi vào phía sau một xe truck lớn, khóa sinh này đã chết ngay tại chỗ và cảnh sát đã tìm thấy nhiều lon bia (đã uống cạn) trong xe. Xe này là một xe sport màu đỏ. Khóa sinh đó là ... Jim, người bạn tôi đi chơi cùng suốt mấy weekends trước đó!

Tôi chới với và khóc thật nhiều qua cái tin Jim chết đường đột như vậy! Khánh cứ phải vỗ về và an ủi tôi: “Thôi mi đừng quá buồn. Đó chỉ là số phận. Cũng may cho mi. Nếu weekend ni, mi đi chơi với hắn, thì mi đã bỏ mạng, không phải ở sa trường, mà ở xa ... lộ với hắn rồi!”...

Mấy hôm sau, trường xin được cái xe sport màu đỏ của Jim (đã bị thun lại nhỏ xíu) đặt ở một thế đất cao bên lề đường ra vô cổng trường để cảnh giác những khóa sinh ... “yên hùng xa lộ”!

. Mượn tiền:

Cũng tại Quantico, VA năm 1963: vào một chiều thứ Bảy, một số bạn thân trong trung đội chúng tôi hẹn nhau sẽ ra nhà Bob để tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho anh ta. Bob đã có vợ nên không được ở tại “khu độc thân” trong trường mà mướn nhà khu cách trường khoảng 5 dặm. Hôm đó, Daniel, cũng là một bạn thân cùng trung đội với tôi, rũ tôi đi cùng. Vì Daniel có hẹn với người bạn gái tên là Jennifer (Jennifer cùng đi với một cô bạn tên là Lindsey). Họ sẽ bay từ Chicago đến một phi trường ở D.C.(sau này đổi tên là phi trường Reagan) vào buổi trưa; do đó Daniel và tôi cùng lên phi trường để đón Jennifer và Lindsey cùng về nhà Bob chơi luôn thể. Tiệc dự trù vào lúc 5 giờ chiều, nhưng mới hơn 3 giờ mà chúng tôi đã đến nhà Bob thành ra có nhiều thời gian để tán gẫu và nhâm nhi lai rai với nhau. Khi tất cả bạn bè tựu lại đầy đủ, tiệc mừng sinh nhật cho Bob được tuần tự theo đúng nghi thức tặng quà, chúc tụng rất là thân mật và rất ư là ... Mỹ!

Tiếp theo đó là màn ăn uống, cụng ly và “quậy” của đám độc thân, kể cả màn “nhảy đầm” qua nhạc cassette. Mấy chàng độc thân mà không có bạn gái cũng nhào vô gạ và tán Lindsey rất ư là ... “dza dziết”! Nhưng có lẽ tôi đã “làm quen” với Lindsey trước và qua câu chuyện đã hẹn với nhau sẽ đi coi đua ngựa ở Maryland vào ngày hôm sau (có một cuộc đua ngựa quốc tế gồm nhiều nước ở Châu Âu đến), Lindsey coi tôi như “thân” hơn so với mấy bạn sau này nên mấy chàng kia không “vô cơ” được!

Đến khoảng nửa đêm thì tiệc tàn, tạm biệt gia chủ và tan hàng ... cố gắng!

Daniel đưa nguyên nhóm 4 người, gồm Jennifer, Lindsey và tôi ra một hotel ngoài phố. Trước khi đi ngủ, bàn nhau lần cuối về việc ngày mai đi coi đua ngựa; rồi chia tay. Jennifer và Daniel vào phòng đối diện với phòng chúng tôi, cách nhau cái hall. Đó là một đêm thật đặc biệt, rất vui và nhiều điều để nhắc và nhớ!!!

Tuy nhiên, mới hơn 8 giờ sáng, tôi đã vùng dậy. Lẳng lặng thay đồ để chạy vội vào trường trong lúc Lindsey đang còn ngủ như chết. Tôi có để một cái note cho Lindsey biết, tôi chạy vào trường để lấy thêm một ít đồ dùng cần thiết. Thật ra, tôi muốn chạy vào trường để mượn Khánh vài trăm dằn túi đi chơi hôm nay vì sau khi trả tiền hotel, tôi chỉ còn khoảng hơn chục bạc.

Ngồi trong taxi trên đường về trường, tôi suy nghĩ mông lung và dự đoán sẽ phải đối đầu với rất nhiều bầm dập và khó khăn khi hỏi mượn tiền Khánh hôm nay, nhất là khi Khánh biết tôi có cô bạn gái đang đợi ngoài hotel; thế nào Khánh cũng eo sèo, bắt chặt bắt lỏng đủ điều!

Và đúng “y chang” như vậy ...

Tôi tới phòng Khánh khi Khánh đang sửa soạn đi ăn Brunch (để giúp cho khóa sinh được thoải mái và thuận tiện trong hai ngày nghỉ cuối tuần, thay vì cho ăn Breakfast và Lunch, trường tổ chức cho ăn Brunch, từ 9 giờ sáng cho đến 1 giờ trưa trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật).

Qua vài câu chào hỏi chiếu lệ, tôi đi ngay vào vấn đề then chốt và cấp bách: mượn tiền. Khánh vốn “đủng đỉnh” và “rề rà”, hôm nay lại càng đủng đỉnh và rề rà thêm lên, như cố tình “câu giờ” trong khi trong lòng tôi như đang bị lửa đốt! Khánh bảo tôi đi theo lên khu Cafeteria để ăn brunch, tôi còn lòng dạ nào để mà ăn uống, nhưng cũng đành đi theo. Tôi chỉ uống một ly cà phê nhưng nghe sao đắng chát ... Sau khi ăn xong, Khánh đủng đỉnh đi về phòng, tôi lẳng lặng đi theo. Và trong suốt hơn nửa giờ, từ phòng ăn trở về phòng ngủ, Khánh đã lôi ra không biết bao nhiêu điều trong “Quốc văn giáo khoa thư”, “Sách học làm người” v..v.. để “phán dạy” tôi!

“Tau nói với mi hoài mà mi không nghe, mi ‘hoang’ lắm!”

Tôi nghe cái “điệp khúc” này của Khánh đã nhiều lần lắm rồi và tôi tự nói thầm trong bụng: “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi!”

Tôi chỉ biết nói thầm trong bụng vậy thôi chứ nào dám hé răng. Tôi biết rằng trong giờ phút căng thẳng như vầy, nếu tôi nói điều gì, lỡ làm Khánh phật lòng thì hắn sẽ không xì tiền ra đâu, và nếu như vậy thì coi như ... “bỏ bú”!

Sau khi giảng những bài “mô ran” dài sườn sượt và khi thấy tôi gật đầu cứ như là đồng ý một trăm phần trăm “những điều Khánh giảng dạy”. Thấy Khánh có vẻ hài lòng về việc tôi nín khe khi nghe các điều “giáo lệnh”, tôi bèn nhắc tới việc đang cần mượn tiền và lập đi lập lại những câu “nói khó” để Khánh ... rũ lòng thương! Dù quá “gian nan” và “vất vả” nhưng tôi mừng húm vì cuối cùng, Khánh đồng ý chịu “xì” tiền. Tôi hỏi mượn 500 nhưng Khánh “phán” gọn lỏn: “Tau cho mi mượn 100 thôi!” Lời “phán” này làm tôi chới với. Thế là bắt đầu một cuộc “kỳ kèo” năn nỉ mượn thêm từ một phía và “cắt bớt” tiền cho mượn từ phía bên kia ...

Mất thêm hơn 5 phút để “mặc cả” và “kỳ kèo”, cuối cùng Khánh đồng ý cho tôi mượn 300. Tôi mừng húm trong bụng với lời tự an ủi: có còn hơn không!

Nắm được mớ tiền, tôi chạy như bay lên khu cafeteria để xem có thể tìm được anh bạn nào cho quá giang ra phố, chứ gọi taxi thì mất thì giờ nhiều lắm! May quá, có một anh bạn sắp đi chơi xa, anh ta vui vẻ cho tôi quá giang ra hotel ...

. Lại mượn tiền:

Năm 1964, sau khi mãn khóa học ở Quantico, Virginia, toán 5 người chúng tôi trở về Việt Nam. Sau khi nghỉ ở Hawaii, trên đường về chúng tôi có một đêm nghỉ tại một phi trường quân sự ở Manila, Philippines. Trừ 1 bạn ở lại trong căn cứ, bốn người còn lại ra phố “mua vui cú chót” trước khi về quê.

Sau màn ăn uống và nhảy nhót ở phòng trà, chúng tôi đi tìm mục “chị em ta”. Gái Phi giá rẻ, chỉ có 2 đô la so với ở Mỹ, gái Mỹ đen 6 và Mỹ trắng 13 đô la! Hơn 1 giờ sáng, chúng tôi trở về phi trường.

Hấn là người đầu tiên móc bóp để trình giấy tờ vào cổng mới la toáng lên là mình bị móc túi hết tiền. Hùng cũng móc bóp ra và la lên “Tui cũng bị móc túi!”. Tôi không tin mình cũng bị như vậy, vì tôi có mua một cái bóp có một “ngăn bí mật”, phải kéo cái “fermeture” ra mới lật được vào “ngăn bí mật” đó. Khi mở bóp, tôi mới biết mấy chục đô la lẻ (để ở ngăn ngoài) đã bị mất, chỉ còn đúng 2 tờ mỗi tờ 1 đô la. Muốn cho chắc ăn hơn, tôi mở “ngăn bí mật” để xem sự thể như thế nào và nghe chới với trong lòng vì 4 tờ một trăm đô tôi dấu trong “ngăn bí mật” cũng mất biến!

Tôi biết các bạn khác trong toán còn rất nhiểu tiền. Thời gian chuẩn bị về nước, họ đã “ém” tiền (bằng nhiều cách rất “bí mật và bất ngờ” khác nhau, mục đích là để qua mặt Quan Thuế ở phi trường Tân Sơn Nhất).

Tôi đã thành “vô sản” từ lâu thì có tiền đâu nữa mà “ém”, “gia tài sự sản” tôi “dành dụm” được sau lần “xuất dương” này chỉ còn vỏn vẹn 400 dấu tận trong “ngăn bí mật” cũng bị “gái” cuỗm mất rồi!

Cả 3 người (bị móc tiền) quay sang nhìn Khánh để xem Khánh có bị móc tiền hay không? Dưới ánh đèn sáng choang nơi khu cổng gác, mọi người thấy Khánh đang cười cười một cách khoái chí và chậm rãi nói: “Sức mấy mà tau bị móc tiền. Tau bỏ tiền trong chiếc vớ và ngay cả khi chơi bời, tau vẫn mang vớ thì mầng răng mấy ả nớ móc tiền của tau được!”

khanh8-large-content

Nhân dịp đi dự Đại Hội TQLC ở Virginia năm 2003, Tôn ghé nhà thăm

 Khánh (đang dưỡng bệnh sau tai nạn lao động ở Washington Post)


Cả 3 mạng bị móc túi đều “à” lên với đầy ngạc nhiên và tự trách mình sao không làm như Khánh đã làm. Nhưng dĩ nhiên, đã quá muộn!

Hùng (người Phan Thiết), giả giọng “trọ trẹ” của Khánh rồi nói: “Răng mà eng chơi bời kỵ rựa?” Cả bọn cùng cười khi bước qua cổng trại để về khu phòng ngủ của mình ...

Tôi chỉ còn 2 đô la, sáng hôm sau ghé qua PX mua 1 lố thuốc hút (1 đô la 20 xu) thành ra “gia tài” của tôi còn lại đúng 80 xu. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, nhân viên quan thuế nhìn vào tờ khai, nửa tin nửa ngờ, hỏi vặn lại tôi: “Bộ Thiếu Úy chỉ còn có 80 xu tiền Mỹ?” Tôi nói: “Tôi chỉ còn có bấy nhiêu thôi!”.

Hôm đó Khánh cho tôi mượn 500 đồng (tiền VN) dằn túi nên tôi mới có tiền để đi taxi từ phi trường Tân Sơn Nhất về phòng ngủ Thiên Lợi Thành (gần nhà ga Thủ Đức).

khanh10-large-content

Năm 2003, cũng tại nhà Khánh: Chị Khánh (trái), Yến -bà xã Tôn- (giữa),

chị Hà -bà xã Phán- (phải) và Tôn (đứng phía sau)

 

. “Tiền Sanh Tiền Tự”:

Vợ chồng tôi có hai dịp đi Virginia (vào năm 1998 và 2003), chúng tôi ở tại nhà Nguyễn Văn Phán (Khóa 9/TĐ). Trong hai dịp này tôi mới có cơ hội gặp và đến nhà Khánh để thăm, để “bù khú” với nhau hoặc nhắc lại những kỷ niệm của một thời, ngay cả đề cập đến lãnh vực văn chương (hồi trước 1975, Khánh rất thích làm thơ qua bút hiệu Hành Khất, thường đăng trong các đặc san của Thủy Quân Lục Chiến).

image012-large-content


Tôn (bên trái) và Khánh trước khu Eden ở Virginia, 1998

 

Tháng giêng năm 1987, tôi và Khánh vượt biên chung một chuyến ghe từ Rạch Giá đến Thái Lan (đường giây của Khánh). Hơn 11 năm sau (năm 1998), lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau tại Mỹ.

khanh16-large-contentkhanh14-large-content

Các bạn Khoá 9 Thủ Đức và các hiền nội tại nhà anh chị Đinh Văn Cương ở Maryland, 1998

 

Một lần, khi nhắc đến những kỷ niệm trong trại tỵ nạn Phanat Nikhom ở Thái Lan, Khánh nói với bà xã tôi: “Chị biết không, thằng Tôn ni, tánh khí hắn nguyên tắc và lạ lùng lắm. Thời gian ở Thái Lan, hắn làm thông dịch cho Phái đoàn Cao ủy Tỵ nạn, hắn giúp đỡ nhiều cho bà con, cố vấn cho họ trong việc khai báo v..v.. Bà con thương hắn vì sự nhiệt tình giúp đỡ của hắn, họ đem quà tới tặng hắn. Vì hắn đi làm cả ngày ngoài Phái đoàn, mình tui ở nhà, nên tui nhận quà cho hắn. Chiều đi làm về, thấy có quà (thường là thức ăn), hắn la tui, bắt tui đem trả cho người ta. Tui cũng làm bộ đi trả, nhưng chỉ đi một đoạn, tới khúc quanh, khuất mắt hắn là tui dừng lại, mở ra đớp hết. Bửa mô, có quá nhiều quà, tui đem dú chỗ khác để hôm sau ăn tiếp ... Bộ ngu sao mà trả lại cho người ta! Khi mô đi làm về, thấy tui nhận quà, hắn lại bắt tui đem trả. Và tui cứ bổn cũ soạn lại ... Hắn có biết chi mô!!!”

khanh_18-large-content

Khánh (bên trái) trên đường đi học Anh văn và

Tôn, trên đường đi làm cho Phái đoàn Cao Ủy

Tị Nạn ở trại Phanat Nikhom, Thái Lan, 1987


Có lẽ thời gian bên trại tỵ nạn, tôi “bao giàn” cho Khánh, cho Khánh tiền dằn túi và tiền để ra quán ăn uống thêm ... Cho nên, hai dịp gặp lại, mỗi lần Khánh “dúi” cho tôi 500 đô la! Khánh còn hứa: “Khi mô có dịp về Việt Nam chung một chuyến, tau sẽ bao và mua vé máy bay cho mi!” (Chưa có dịp cùng về VN một chuyến thì bây giờ Khánh đã “về quê” mất rồi!)

Cũng trong hai dịp này, Phán kể cho vợ chồng tôi nghe những chuyện vui về việc Phán mượn tiền Khánh. Khi nào bị kẹt tiền, Phán đành phải “nói khó” để Khánh cho mượn tiền. Dĩ nhiên, không tránh khỏi bị Khánh “càm ràm” và “xài xể chút đỉnh”. Và lần nào cũng vậy, khi đưa tiền cho Phán mượn, lúc nào Khánh cũng nói câu thòng: “Đây là ‘tiền sanh tiền tự’ của tau đó mi nợ, nhớ mà trả lại cho tau sơm sớm!” Chắc Khánh có nhiều kinh nghiệm trong việc cho mượn và trả nợ của thiên hạ: người cho mượn tiền thì nhớ răng rắc từng ngày, còn kẻ đi mượn tiền thì cứ “ầu ơ dí dầu” hoặc đôi khi cứ làm bộ quên lửng để ... “phe lờ”!

. Gặp nhau lần cuối:

Nhân dịp về dự Ngày Họp Khóa của gia đình Khóa 9 Đoàn Kết, buổi họp mặt chính vào tối ngày 7 tháng 10 năm 2007 tại nhà hàng King Harbor ở California, đây là lần cuối cùng tôi gặp lại Khánh. Hôm đó Khánh đã gọi và mời Giàu đến dự chung với anh em Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.

(Giàu là một cựu Trung Úy Không Quân, cùng vượt biên chung một ghe với Khánh và tôi từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng 1/1987 và Giàu cũng tự nguyện phụ lái ghe với chú tài công, nói chính xác hơn, Giàu đã phụ trách lái ghe hầu hết thời gian trong cuộc hải trình đầy gian nan và trắc trở này!).

khanh20-large-content

Khánh, Giàu và Tôn (từ trái sang phải) gặp nhau trong dịp họp mặt Khóa 9 Thủ Đức tại Nam California, 2007

 

Hôm đó Khánh đem theo mấy chai rượu whiskey để đãi anh em. Giàu ngồi chung bàn với Khánh, tôi ngồi bàn khác nhưng cũng “xẹt tới xẹt lui” để trò chuyện với Khánh và Giàu cũng như cụng ly để mừng ngày gặp lại Giàu kể từ lúc chia tay từ trại Phanat Nikhom ở Thái Lan vào năm 1987 cho đến lúc đó! Sau những buổi họp mặt với các bạn cùng khóa ở Cali, Khánh và vài người bạn kéo nhau qua Las Vegas chơi vài ngày, trước khi trở về Virginia.

Tháng 11/2007 Khánh và bà xã về thăm gia đình ở ĐàLạt, Việt Nam trong 3 tháng (đây là lần thứ 6 Khánh về thăm quê hương).

. Người bạn “cùng”:

Trong truyện ngắn “Vùng trời quê bạn” mà tôi viết từ hơn 10 năm về trước, tôi có đề cập đến Khánh, một người bạn có rất nhiều cái “cùng” với tôi: cùng học chung ở Trung học Phương Mai, Quang Trung, Trần Hưng Đạo ĐàLạt; cùng đi Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức; cùng tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, cùng một khóa đi Mỹ huấn luyện vào năm 1963; cùng đi “tập trung cải tạo” ở miền Bắc; cùng chung một trại tù “cải tạo” năm cuối cùng (1985) tại trại K3 Gia Rai, Xuân Lộc; cùng được ra tù một ngày; cùng vượt biên (thành công) chung một chuyến ghe từ Rạch Giá tới Thái Lan năm 1987: sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, với 2 ngày đêm bị bão và ghe bị bể, nước biển tràn vào, phải luân phiên nhau tát nước ngày đêm để ghe không bị chìm; khuya ngày cuối cùng, khi ghe còn cách bờ Thái Lan hơn 300 thước, bị mấy đợt “sóng cọp” phủ chụp, Khánh và tôi cùng bị ném xuống biển trong đêm khuya lạnh cóng, cùng phấn đấu bơi giạt vào bờ và cùng sống sót ...

Cũng may, 26 người còn lại trên ghe (kể cả phụ nữ và trẻ em) cũng được sống sót khi ghe bị đánh chìm cách bờ hơn 50 thước! (chỉ cứu được người thôi, còn tất cả trang bị và “gia tài vượt biên” đều bị chìm dưới nước).

Khi nghe tin Khánh qua đời, bà xã tôi nói đùa: “Mấy anh ‘cùng’ cái gì cũng OK, nhưng đừng ‘cùng’ rủ nhau về QK IX (Quân Khu Chín) một lượt, đó nghe!”. Tôi cũng đùa lại: “Anh đã nhờ thằng Khánh rồi. Lâu lâu liếc vào ‘Sổ Thiên Tào’ để xem có thấy tên anh trong Sự Vụ Lệnh đổi về QK IX hay không? Nếu có, thì mau mau gởi email xuống cho anh biết cùng với ngày N và giờ G luôn thể!”


Thay lời kết:

Ngày 18 tháng 3/2009 tôi gọi thăm chị Khánh, hôm nay là ngày chị đi tái khám và bác sĩ Vinh đã cắt băng tay cho chị rồi. Chị cho biết hôm 15 tháng 3 chị đã làm lễ cúng 49 ngày cho Khánh và ngày hôm sau, 19 tháng 3, Hà Lai (cậu con nuôi của Khánh) sẽ mang tro Khánh về ĐàLạt (chị Khánh sẽ không cùng về với Hà chuyến này).

Chị Khánh đã nói chuyện với các chị và em của Khánh bên Việt Nam (Chị Bồng -chị Ba-, cô Gái –em thứ 7 của Khánh-, chú Hữu –em trai Khánh-), mọi người đã quyết định: sẽ đem hủ tro của Khánh chôn cạnh mộ ông thân sinh của Khánh tại “nghĩa địa số 4 ĐàLạt” thay vì rải tro Khánh xuống Hồ Xuân Hương như dự trù lúc đầu.


Khánh ơi! Viết tới đây, tao nhận biết được đôi mắt mình đang cay cay, tao đang nghĩ tới mày và thương mày biết mấy! Tao thấy mày đang bay bay trên vùng trời Hồ Xuân Hương, đang bay bay trên những đồi thông hướng về đồi cù của Trường Phương Mai ngày nào, tao thấy mày đang đóng vai anh Ba Tàu bán bánh bò trong dịp trình diễn Văn nghệ Tất niên, tao thấy mày đang vờn banh với lũ bạn với tiếng hét cổ vũ của thầy Thuần: “Khánh Bánh Bò! Dzót Dzầu vào. Dzót dzầu vào!”, tao thấy mày đang bay bay ngang nhà mày trên đường Phan Đình Phùng rồi chuyển hướng về phía Trường Trung Học Trần Hưng Đạo và mày đang từ từ đáp xuống “Nghĩa địa số 4” cách trường non cây số...

Mày được gặp lại và sum vầy với mọi người trong gia đình: được gặp lại Chú Mạ (Khánh gọi Ba Má như vậy), gặp lại anh Hai (người anh cả), gặp lại 2 em trai Ngự và Trang và đặc biệt, gặp lại người vợ đầu tiên, Kim Phú và thằng con trai duy nhất (hai mẹ con bị chết vì trúng đạn pháo kích của địch, bắn vào khu gia binh ở Biên Hòa trong tháng 11/1974) ...


Khánh ơi! Như vậy là mày đã chính thức “về quê” mất rồi!

Chữ “về quê”, tao muốn bao hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghĩa đen: mày được trở về với quê hương ĐàLạt của chúng mình từ thuở ấu thơ.

Nghĩa bóng: mày đã không còn trên cõi đời này nữa, mày đã ra đi vĩnh viễn, mày đã “khuất núi”, mày đã chết!

Thôi, cho tao gởi tới mày lời chào vĩnh biệt!

Bây giờ.

Chắc hẵn.

Mày đang được thảnh thơi và đang thênh thang trên vùng trời yên bình nào đó ... 

 

Phan Công Tôn


 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn