Người Dalat : Chủ nhân Lê Nguyễn gia trang
Việt Trang
Khi
anh Phong Vũ Lê Xuân Lợi từ Bình Định bước chân lên Dalat, anh chưa giàu phải
nhờ nhiều vào mẹ của mình. Anh lập nghiệp bằng cách xây lò làm gạch, mở một
xưởng cưa dưới đèo Prenn và muốn được yên ổn anh phải mua gạo , thuốc men cho
những người mặc bộ đồ bà ba đen sống trong những hang đá trong núi Voi gần đó .
Anh làm kinh tế tài giỏi như làm thơ nên trong thời gian ngắn, anh trở
nên giàu có. Nhưng con người dẫu tài giỏi cũng không qua số mệnh, anh dốc hết
số tiền của mình mượn thêm của mẹ một ngàn cây vàng để xây một tòa biệt thự mục
đích làm khách sạn, tòa nhà tuyệt đẹp nằm ngay đầu đèo Prenn, lấy tên Lê Nguyễn
gia trang. Tòa nhà vừa xây xong chưa kịp khánh thành thì cuộc chiến năm 1975
xảy đến , bao nhiêu đồ đạc trang trí nội thất, vật dụng trang bị cho khách sạn
anh cho xe chở về cất giữ trong một kho hàng ở Cam Ranh bị đạn của quân đội Việt
Nam Cộng Hòa pháo kích cháy trụi tiêu tan. Khi Cộng Sản tiếp thu Dalat, anh
không bị tịch thu nhà vì không chạy di tản, một phần anh không dính vào chế độ
cũ và có công tiếp tế cho Cách Mạng. Sau một thời gian, ông Ba Dư, chủ tịch Ủy
Ban Nhân Dân Thành phố Dalat mời anh lên và yêu cầu :
- Ông là nhà đại tư bản, ông bóc lột công nhân nên mới có một tài sản lớn như thế, nhưng vì anh có công tiếp tế cho Cách Mạng nên Đảng và nhà nước cân nhắc giữa công và tội bởi vậy khoan hồng không truy xét. Nhưng bây giờ nhà nước cần căn nhà của anh để làm việc
Anh Phong Vũ đáp :
-Nếu Đảng và nhà nước cần thì Đảng và Nhà nước cứ trưng dụng. Chúng tôi không có ý kiến gì.
Ông Ba Dư thẳng thừng :
- Đảng và nhà nước không lấy không ngôi nhà của ông, Đảng không tơ hào một cây kim sợi chỉ nào của nhân dân, Đảng và nhà nước sẽ mua lại ngôi nhà của ông với giá 5 cây vàng.
Vậy là từ một đại gia có căn nhà trên một ngàn cây vàng , anh gần như trắng tay, anh về cuối đèo Prenn nơi mảnh đất cũ dựng một ngôi nhà gỗ thấp lè tè, mỗi khi vào phải cúi người để khỏi bị đụng đầu. Nhưng căn nhà cũng trở thành nơi lý tưởng cho nhóm Trà Sơn ngâm vịnh và bàn chuyện mưu sinh mặc dù việc kiếm cơm cũng chỉ có một cách là vác cuốc vào rừng, tôi bàn với anh :
-Tôi có hai mảnh đất trong Quảng Thừa, hai anh em mình vào đó trồng trọt
Hai chúng tôi đạp xe đạp vào tận Saint Jean, gần Tân Bình , tìm lại mảnh đất trồng légume ngày nào, nhưng cả hai lặng người khi thấy nó đã trở thành một khu rừng với chằng chịt cây cối và nhìn lại mình với dáng dấp thư sinh suốt gần cuộc đời chỉ biết cầm bút, hai chúng tôi chẳng nói nổi lời nào, vác cuốc đạp xe quay về.
Rồi ngày qua ngày, dù có phải kiếm tiền nuôi con, anh vẫn hứng thú làm thơ
Thơ Phong Vũ phảng phất một triết lý nhân bản, vị tha mà không ưu thời mẫn thế, vương víu một nét bâng khuâng cố hữu mà không bi lụy, bao giờ cũng nhẹ nhàng như gió thoảng, than thản tợ mây bay.
Tất cả đều chảy xuôi dòng Chân Thiện Mỹ
Trong cuộc sống đời thường, anh thỉnh thoảng tiêu dao đây đó. Mỗi chuyến đi có một bài thơ để lại, đúng hơn, mỗi bài thơ là dấu ấn một chuyến nhàn du.
Thời gian sau gia đình anh cũng được cháu Cam Ly bảo lãnh qua Canada. Tuy cách nhau nửa vòng trái đất nhưng tình cảm giữa chúng tôi luôn vẫn đậm đà. Mỗi lần anh báo ngày về , tôi trông ngóng từng ngày , rồi về Saigon ra sân bay đón anh. Phong Vũ tuổi con ngựa, thua tôi ba tuổi nhưng sức khỏe không còn như xưa. Năm nay anh bị mổ, phải về Việt Nam tĩnh dưỡng thời gian. Thật thương anh vô cùng
THUỞ ANH VỀ, THUỞ ANH ĐI
Thuở anh về, gió tàn đông bớt lạnh
Xứ ngàn hoa nắng ấm dệt trời xuân
Xứ ngàn sương núi rừng xanh sắc thắm
Và cỏ cây cũng lặng trút bâng khuâng
Anh đã về trong niềm thương nỗi nhớ
Biển sông nào ngăn được bước hồi hương
Anh đã về dạo cung đàn luân vũ
Với quê nhà, với bạn hữu thân thương
Con bướm vàng chào anh quanh khóm cúc
Lá trạng nguyên cười đón nở môi hồng
Duyệt Ứng hiên xưa đong đầy hạnh phúc
Dốc Nhà Làng sỏi đá hết rêu phong
Vẫn người bạn chìa cho ta điếu thuốc
Ngồi bên nhau vụn vặt chuyện đời thường
Phố côi cút mà ngựa xe xuôi ngược
Trôi về đâu như mây khói lang thang
Sáu mươi ngày, sáu mươi đêm, giấc mộng
Đã qua đi chao động một tinh cầu
Như những người tình sống trong huyễn tượng
Vần thơ nào mình xóa vết buồn đau
Mai anh đi làm gió mưa viễn xứ
Gặp Mộng Lệ An sưởi ấm tâm hồn
Dòng Saint – Laurent nhớ thả chùm tuyết trắng
Tôi mãi chờ trắng lạnh cả Trà Sơn
Dalat 28. 2 . 93
TÌNH LỄ NGUYỄN
Cùng tha phương, xa Huế từ lâu
Phiêu lãng sông hồ mới gặp nhau
Em giữa đô thành quên cát bụi
Tôi trên phố núi lạnh hao hao
Cách biệt sông xưa và núi cũ
Lòng em chút nhớ, chút thương vương
Đêm cùng hoá bướm trong mê ngủ
Một thoáng tìm về thăm cố hương
Mười ba năm như ngọn gió vèo
Nghe trên vầng trán nếp nhăn theo
Tóc thêm sơi bạc, vai gầy guộc
Vẫn dáng thư sinh tấm lụa điều
Thơ em chưa biết? Buồn hay vui
Có trải lòng son cảm niệm đời
Mang kiếp thân tằm thôi chịu vậy
Dẫu phong lưu mãi cũng trần ải
Lá rụng thềm hiên chiều vắng lặng
Núi rừng Dalat tím vào đêm
Vọng qua sương gió tình Lê Nguyễn
Gởi tiếng thơ về với trái tim.
Dalat 30.11.1991
Việt Trang