THẦY ƠI ! * Nguyễn Quang Tuyến

26 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 15771)

TRUYỆN NGẮN

THẦY ƠI !

moc_lan_3_2_13_121-large-content

 NGUYỄN QUANG TUYẾN

 

- Tao đi sát nó, tao phập cây kim cúc vào mông nó mà nó còn nhấp nháy mắt nhìn tao cười tỉnh bơ. Ha!Ha!Ha!… Tao biết ngay chóc! Ha!Ha!Ha!…

 Cậu quản lý thị trường đeo băng đỏ bên tay áo, cười ngặt nghẽo cùng đám bạn trong gian phòng vách tôn phía cổng trạm kiểm soát. Anh bộ đội trẻ, đứng phía sau chồm lên hỏi tò mò :

- Sao mày dám chích kim vào mông bà ta? rủi trúng thịt nó đau, nó hét toáng lên thì chết tía!

- Đồ ngu! Khi hai bà vừa leo xuống chuồng cu xe tải là tao đã nghi nghi rồi. Ai đời, mặt choét, vai nhỏ mà ngực, bụng, mông xề xệ như cái thúng...Nếu bụng mang dạ chửa thì chân đi xoạc, bụng nảy, chứ ai lại chân bước lúm túm, bụng thì căng cứng … tao nghi nghi. Ha ha! tao lảng vảng đến sát, chích một phát vào mông, bà tỉnh queo quay lại nhìn tao cười … vậy là tao đưa vào phòng kiểm tra nữ cho chị Sáu. Mày biết không? Bà chị có chửa, ngực mông, bụng đùi là 12 kí cà phê nhân, còn cô em chỉ ngực và mông không mà 7 kí lô đó mày. Ha ha... Tao tức cười nhất là phập kim vào mông mà miệng mắt bả cười cười! Ha ha ha!

Tôi và anh tài xế xe tải ngồi trên băng ghế gỗ chờ xử lý vụ việc “chở con buôn hàng cấm, thông đồng với bọn phe phẩy”. Gió mùa Nôen vù vù thổi từ sườn núi đèo Bảo Lộc lùa qua trạm kiểm soát đỉnh đèo. Nắng hanh hoe vàng như mật mà quay quắt lạnh, buồn tê tái. Hàng dãy xe khách, xe tải chờ lục soát, kiểm tra. Những xe “không có vấn đề” phập phồng chạy qua, khói đen cuộn tung trong gió. Mấy chiếc xe khách đeo thùng than sau xe như những người dân tộc đeo gùi xuống núi, mấy đóm lửa và bụi than theo gió lất phất bay như pháo hoa cải ngày tết. Những khuôn mặt mệt mỏi, trơ trơ, xếp hàng đi qua trạm kiểm soát giống hệt hình ảnh đám dân Do Thái bị lùa vào cổng trại tập trung: mệt mỏi, ngơ ngác và cam chịu!

----- 0O0 -----

Mới sớm nay, co ro, ngồi góc quán cà phê Cương- râu ở gần rạp Ngọc Hiệp Đà Lạt chờ tài xế xe tải xin đi “cải thiện chút chút “ rồi sẽ trở lại đón để đưa xe vòng qua các xưởng gỗ bốc hàng chở về thành phố. Tôi là áp tải xe quản lý hàng gỗ mỹ-nghệ của hợp-tác-xã, vừa là công nhân bốc xếp. Anh tài xế xe tải loại xe bốn tấn cũng là người Đà Lạt, quen biết nhau cả.“Cải thiện” là cách nói của cánh tài xế, họ đi mua ít rau cải, xếp “ếm” vào các hốc thùng xe trước khi chất hàng chính lên xe che đậy lại, để khi vượt qua trạm kiểm soát ngăn cách giữa các tỉnh thành, bán kiếm thêm để có tiền ăn cơm dọc đường.

 - Ông chờ tôi đi vòng vòng quơ quào chút chút, cải thiện kiếm bữa cơm trưa có chút “thịt kho nuớc dừa” ở quán “Cây Vú Sữa” nghen! … Anh tài xế nhanh nhẩu nói, vừa tợp nhanh hớp cà phê nóng rồi vội đi, khi ngoài trời mưa bụi lất phất lạnh.

Đà Lạt lạ thật, đất trời cũng giống như con người nơi này, mưa bão nơi đâu, nơi đây cũng sụt sùi gió mưa tê cóng, dù vui buồn, đau khổ nơi đâu rồi người Đà Lạt cũng “cố bay về” mà ru trong ký ức để loãng bớt vết thương đau. Ngồi co ro, cố nép sát vào tránh từng làn mưa bụi tạt qua, khói thuốc lá Đông Nam khét lẹt, đặc quến trong ẩm ướt. Phố xá vắng đìu hiu, gió và mưa lạnh chạy bương bương trong âm vang của mấy chiếc loa phóng thanh đang mở hết công suất các bản hùng ca chen vào giọng lanh lảnh… “chiến thắng vĩ đại nhất là ta! và “ hạnh phúc và vui sướng biết bao quê hương ta!!...”

Đã gần mươi năm rồi, bên ngoài biết bao thay đổi, nhưng đời mỗi con người vẫn âm thầm câm nín như vậy. Sợ hãi, câm nín và chịu đựng hình như đã trở thành bản năng sống của con người từ thời hồng hoang, lũ vượn người chen chúc nhau trong hang tối, hấp hé mắt qua khe hang đá nhìn thiên nhiên cuồng nộ và các giống loại khác lăm lăm nhai cả xương và da!! Chỉ có sợ hãi, câm nín và chịu đựng rồi may ra mọi sự sẽ qua đi, sẽ qua đi… Cả một bầy đàn, qua bao kinh nghiệm máu xuơng của đồng lọai, để tồn tại sống đuợc như giun dế, không có gì hơn là lòng sợ hãi và nếu cần thì đổi màu da để ẩn nấp như con tắc kè trốn trong tán lá rừng. Xã hội ta đang sống, luôn luôn tạo cho mọi người điều kiện để học bài học sinh-tồn cổ sơ này.

Xe xuống đèo Prenn sau khi đi vòng các hợp tác xã tre, gỗ … chất mấy mươi thùng các sản phẩm mỹ nghệ tỉa tót trau tria, bao công phu mong lấp đầy đói khổ và tuyệt vọng. Cái đẹp tạm bợ kia là cơm áo, là hy vọng, là đời sống. Gỗ bạch tùng lát mỏng dùng điện trở chà cho cháy xém tạo hình lãnh tụ, hình phong cảnh gọi là tranh bút lửa. Tre nứa cắt mỏng, dán thuyền buồm, đánh bóng, gỗ lát ghép hình cầu kỳ, công phu, gỗ cà-chí cưa thành lát dày rồi đục đẽo, chà láng làm khay chén, muỗng nĩa … nuôi thỏ làm thịt, lấy da thuộc làm nón áo ... tất cả xuất khẩu qua các nước Liên Xô, Đông Âu để trả nợ. Công phu và tỉ mỉ nhưng các loại keo dán, dầu bóng lại là loại tự chế nên chỉ thời gian ngắn là rã rục ra, nếu không kịp xuất hàng. Tôi đã chở hàng đi giao và đã chứng kiến các thùng hàng bị trả về vì chất lượng. Biết làm sao được! Mọi người đã cố hết sức, nhưng vật tư nguyên liệu chỉ có vậy. Tôi còn nhớ khi giao nón, áo da thỏ cho công ty xuất khẩu, chỉ chậm tàu chở hàng xuất bến hai tháng, khi mở ra đã có từng mảng lông tróc ra, áo nón lầy bầy những miếng da bèo nhèo khủng khiếp. Rồi phải mang về đổ đi, rồi phải vẫn vậy tiếp tục làm, vì đó là gạo, là đời sống của mấy chục gia đình hàng ngày ngâm, giặt, là, may, ghép …và tôi nghĩ những nơi nhận hàng trong gia đình xã-hội-chủ-nghĩa họ sẽ làm gì với các sản phẩm đẹp mã ngắn ngày này? Một cuộc múa may vô vọng vẫn mang danh sản xuất, xuất khẩu. Cứ thế tiến lên!

Anh tài xế kéo hộc trước ca bin xe lấy cái cassette nhỏ, thay băng nhựa, quay qua tôi cười hề hề:

-Tụi mình nghe chút “vàng vàng” cho nó mềm mềm chút nghen. Tôi chỉ thoải mái nghe nhạc này khi ở trong ca bin chạy xe đường trường thôi anh. Nghe nhạc vàng ở đâu cũng sợ bị vồ lắm.

-Ê Bảy, anh quay lại cậu phụ xe, mày đẩy sát mấy giỏ rau cải, kéo thùng hàng mỹ nghệ nhẹ lên che kỹ chưa mày ?

-Kín hết biết luôn, vô tư! Tay phụ xe cười toét miệng, kéo cái nón vải xệ xuống trán.

-Cơm cháo dọc đường có chút đó, xuống dưới kiếm chục ký gạo mua về cho bầy nhỏ nghe mày!

-Anh khỏi lo, vô tư!

Anh tài xế quay qua tôi giả lả :

-Anh thông cảm, anh em mình cơm cháo ngủ nghê trên lộ cũng ở mấy đùm rau cải đó thôi anh ạ. Có bề gì anh nói giúp mấy ông ở trạm là mấy giỏ quà gửi cho cửa hàng ở chỗ mình giao hàng. Nghen anh!

Tôi cười gật đầu. Im lặng…

Đi xe nào cũng vậy, tuyến đường nào cũng vậy, mình chỉ là người giao hàng, khi lên xe ăn theo với tài phụ. Muốn được vui vẻ sống cùng nhau trên đường trường thì phải ngó lơ cho tài phụ dấu cất đâu đó trong góc xe, trên thùng nước, trên mui xe, trong chỗ ngủ, trên chuồng cu … chút ít hàng “ngăn sông cấm chợ”. Những ngày tháng “ ngăn sông, cấm chợ” ấy, chở được một giỏ rau củ, vài ký trà, cà phê qua trạm kiểm soát lằn ranh giữa hai tỉnh là đủ để có một bữa cơm thịnh soạn.

Cái chuồng cu xe tải là chỗ để tài phụ ngủ khi xe ngừng nghỉ trên đường vận chuyển. Với diện tích không quá 3 mét vuông được gác hai tấm ván, với một tấm chiếu cáu bẩn dầu nhớt. Chiếc cửa tò vò đủ cho từng người lom khom chui vào, trên cái chuồng cu đó có lúc xe tải chở được sáu bảy người ngồi bó gối, ken chật. Ở thời buổi muốn có một vé xe đò đi từ Đà Lạt – Sài Gòn, phải thức dậy từ 3 giờ sáng xếp hàng chờ mua vé, xe nhồi nhét như nêm. Xe đò chạy dậm dựt hàng 10 tiếng đồng hồ chưa chắc đã đến được. Trong khi đón xe tải dọc đường, được bác tài cho lên phòng “cải thiện” trên chuồng cu của xe tải, đó là hạnh phúc. Dưới hai tấm ván gác ngang của chuồng cu là thùng đồ nghề, là mấy tấm bạt rách, là lủ khủ giỏ xách, phế phẩm … tất cả “vải thưa” đó là đồ trang trí để che mấy giỏ rau, củ quả hoặc vài ký trà khi xuống, và vài chục cân gạo đi lên cho lũ nhỏ ở nhà đỡ trợn mắt nhướng cổ nuốt bo bo trệu trạo!

Tôi đi áp tải giao hàng, lắm khi cũng “ăn theo” đùm rau quả làm quà cho mấy người bà con khi xuống và khi về thì cùng “kèm cặp” năm ký gạo, vài ký cá khô, đôi khi gói kín một con vịt quay mua ở Ngã tư Hàng Xanh và mấy ổ bánh mì để về nhà cho vợ con một bữa tiệc.

Áp tải chịu trách nhiệm về hàng hóa chuyên chở trên xe cho đến khi giao xong hàng cho khách hàng. Trách nhiệm thì có vẻ lớn nhưng quyền lực trên xe là do tài xế, phụ xe xếp đặt, áp tải như lão vua già ngủ gà gật trên xe, giấy tờ trình báo qua trạm đều giao cho tên phụ xe hay tài xế lo. Chỉ khi cần phải ký biên bản vi phạm hay biên bản bảo lãnh hàng hóa vi phạm … lão vua già ngất nguởng nhảy xuống xe kí giấy khi cần, rồi tót lên ngồi lim dim gà gật chờ đến quán cơm có thịt cá dậy mùi trong giấc mơ ngầy ngật quanh quẩn trong đầu gã.

Ông tài xế xe người dân Nam bộ, đậm người, da ngăm ngăm, râu quai nón lún phún ôm quanh nụ cười trắng nhởn, dễ gần

Anh bắt chuyện :

-Nghe nói, trước “ ngày chạy dài” anh cũng đi dạy ở Đà Lạt? Nghe nói.. anh cũng đốt hơn hai cuốn lịch trong trường cải tạo? Hề hề … nghe chút cho vui, cho bớt căng cái đầu. Hắn ấn hộp băng cassette vào đầu máy trên xe. Hắn cười hềnh hệch, nhìn tôi như dò hỏi … Giọng ca Duy Khánh bản Thương Về Miền Trung ngọt như mật quanh quẩn trong cabin xe.

-Nói thật với anh, ông tài xế tiếp tục, lứa tuổi tụi mình thiệt khó mà gọt cho sạch cái thứ nhạc vàng đặc quánh, thiết tha ngọt ngào này. Trời ạ, tôi cứ lên cabin xe, rê rê lái, rê rê nghe cái chất giọng ngọt lịm, xao xuyến, ngộp thở nó rót vào tai – Phê lắm anh ạ! Cũng lạ thiệt ông anh có thấy không, tui cũng chỉ là anh lính nghĩa quân truớc 75, vậy mà tui chẳng hiểu sao cả chế độ đồ sộ, tuớng tá, máy bay, súng ống … tự nhiên thoắt cái chạy đi đâu mất tiêu, mất sạch hết …rồi bây giờ chỉ còn mấy lời ca nhạc vàng này là còn lại, quanh quẩn an ủi bao ngừơi sống ngơ ngơ ngác ngác trong chế độ mới…Không có nó thì chắc buồn chịu sao nổi, ông anh !

Tôi biểu đồng tình, im lặng. Tôi nhắm mắt nghe vùng âm thanh mật ngọt thiết tha tan loãng vào từng thớ thịt da. Mới đó mà đã chín năm trôi qua, mỗi thân phận dân Miền Nam như một cộng rác vật vờ, tuôn xối xả trong cơn lũ lớn.

Tiếng cậu phụ xe nói lớn làm tôi giật mình tỉnh giấc chập chờn trong tiếng nhạc.

-Anh Ba à, “giớt” hai người khách lên, kiếm thêm cơm, thêm thịt hè?

Xe tải rề rề tấp vào lề, anh tài xế dặn:

-Mày coi chừng mấy bà quãng đường này là chuyên đi trà, cà phê đến trạm kiểm soát nó lục lọi, giam xe là ná thở đó, nghe mày.

-Ôi mấy bà bụng lặt lè, mang bầu đi lạch bạch như vịt bầu này mà buôn lủi cà phê, trà cái nỗi gì anh Ba .

-Ờ, vậy thì lẹ lên!

Cậu phụ nhảy phốc xuống, ra giá với hai người đàn bà, một bà bụng bầu, lụng thụng trong cặp đồ vải quần đen thụng áo bầu màu bả trầu sậm, một cô dáng trẻ hơn núng nính xách túm mấy túi lát kẹp lép. Anh phụ xe giúp cho họ leo lên bậc thang sắt để chui vào ô cửa nhỏ vào chuồng cu xe.

-Tui ngán khách đón quá giang ở vùng Lộc Châu này, họ chỉ cần cất dấu năm ký cà phê qua trạm là mua được vài chục ký gạo mang về nuôi con ,nhưng xe mình thì bị giam lại, cả anh và tôi đều bị gởi giấy về cơ quan. Anh coi kìa, bây giờ người ta trồng chen giữa hàng cà phê là khoai lang, bo bo, bắp …Người ta quơ cào mọi chỗ miễn sao có cái ăn … Ôi chào!

Anh tài xế vặn lớn âm thanh bài hát “Nổi Buồn Gác Trọ” của một nữ ca sĩ biệt danh “Con Nhạn Trắng Gò Công” nổi tiếng ngày nào …

Xe chạy xập xình trên đường đầy lỗ trũng và đá cục, tôi chợt nghĩ đến người đàn bà mang bầu bì đang ngồi bó gối trên hai tấm ván gỗ đầu chạm trần xe, phải chịu những cú xóc kinh người. Trời đã ngả bóng chiều, mây trôi ùn ùn lạnh âm u. Xe dừng nơi trạm kiểm soát đỉnh đèo Bảo Lộc. Lại xét giấy tờ, lục soát. Hai người đàn bà ì ạch leo xuống, vào trạm theo yêu cầu của cán bộ quản lý thị trường …

 ---oOo---

 

-Tao phập cây kim cúc vào mông mà bả còn nháy mắt cười với tao. Ha!Ha!Ha!

 Anh tài xế ngồi cạnh tôi trên ghế gỗ dài truớc phòng làm việc, chờ cán bộ trưởng trạm ra xử lý. Anh kéo tôi sát lại, nói thì thầm:

-Anh ký xong biên bản rồi “zọt” về quán Cây Vú Sữa ăn cơm. Mấy cô “phe phẩy” cà phê tố loạng quạng mấy ổng lật ván chuồng cu thì chết cả lũ!

Tôi khẽ gật đầu đồng tình, nhìn mười mấy người ngồi trên ghế bơ thờ, mệt mỏi chờ đến phiên cán bộ gọi. Mấy cán bộ quản lý trẻ mang băng đỏ có ghi chữ KS màu trắng, cười đùa qua lại, nhìn ngắm từng người như bác sĩ soi rọi bệnh trạng từng người trong ổ dịch!

-Tài xế và áp tải xe số … vào làm việc. Một anh cán bộ mở cửa phòng kêu lớn.

Chúng tôi vào phòng, một cán bộ lớn tuổi, cúi đầu đọc, không ngẩng lên hỏi:

-Ai áp tải?

-Tôi áp tải xe hàng gỗ mỹ nghệ. Tôi nói.

-Thân nhân anh là hai phụ nữ chở hàng cấm. Anh ký vào biên bản xử lý.

Anh tài xế nhanh nhẩu:

-Dạ em là tài xế xe. Dạ thưa cán bộ không phải thân nhân của anh áp tải đâu ạ. Đó là khách hàng đón xe quá giang ở Lộc Châu. Em chở xuống Đồng Nai kiếm chút cháo, anh thông cảm!

Anh cán bộ ngẩng đầu lên nhìn tôi, giọng chậm rãi:

-Hai cô gái là chị em, người chị bảo họ là người thân của áp tải xe hàng, anh giúp cho họ đi bán ít cà phê nhà trồng để chữa bệnh cho mẹ đang nằm viện ở thành phố .

-Chữa bệnh cho mẹ? Tôi hỏi lại.

-Tôi đọc lại lời khai của hai cô, anh nghe cho rõ: “Tôi là người thân của ông áp tải xe hàng. Ông ấy thông cảm hoàn cảnh của tôi cho đi nhờ xe, tôi giấu ít cà phê vườn nhà đem bán, để thăm mẹ đang trị bệnh nặng ở Thành phố… ». Đáng lẽ hành vi lấy bọc vải bó cà phê vào người thì tôi tịch thu tang vật và xử lý nhưng hai cô gái khóc xin tha, tôi cần anh xác nhận. Đó, người ta khai là thân nhân của anh.

Tôi tần ngần nhớ đến hình ảnh hai người đàn bà, nón len đen lụp xụp, đón xe ở Lộc Châu, hình ảnh nặng nề, xơ xác, tiều tụy với đôi mắt van xin, sợ hãi, hình ảnh này tôi đã thấy đầy rẫy khắp nơi, tôi đã thấy nườm nượp qua gần mười năm thống nhất đất nước. Còn nhớ trong khu đất trại cải tạo, ba lớp kẻm gai vây quanh, người ta dựng kín những vỉ sắt cao bóc gỡ từ phi trường dã chiến đem về. Nắng hừng hực cháy bỏng trong cái lồng sắt to lớn nhốt hàng ngàn tù binh bại trận đó, hàng ngàn sĩ quan ngóng nhìn qua hàng vỉ sắt bít kín bưng mong chờ ân huệ học tập tốt trở về như lời hứa. Họ bó gối ngồi đó chờ ân huệ bên chiến thắng. Nắng vẫn hừng hực nung đốt, trên tháp bót gác cao ở bốn góc cái hộp sắt đó ,anh bộ đội nón cối và AK đang lườm lườm canh gác. Để thấy được người yêu khi nghe tiếng kêu réo ngoài hàng rào vỉ sắt dựng đứng vọng vào, người sĩ quan tù cải tạo phải giả vờ đi cầu, leo lên vỉ sắt nhà xí cao một mét rưỡi trên mặt đất làm sát cạnh hàng rào vỉ sắt, vừa tuột quần, vừa lom khom nhướng nhìn ra ngoài tìm người thân, hét to: “Em ơi về nuôi con đi, anh nhớ em!..”. Bên ngoài rào sắt , các bà các cô áo quần lụp đụp, nón lá sờn cũ (có vẻ phải làm như thế mới vui lòng người chiến thắng!), ngẩng đầu lên nhìn “chàng” áo vải bố rách, trên tầng cao vỉ sắt. Những ánh mắt ấy, những màu áo quần ấy, những dáng đi với nỗi sợ hãi khốn cùng ô nhục ấy … Tôi đã thấy khắp nơi!

-Hai cô ấy tôi không quen biết cán bộ à! Tôi khẳng định.

Ông tài xế nhanh nhẩu kéo tay tôi:

-Không biết thì ký biên bản, để hai bà ấy với tang vật lại cho cán bộ xử lý anh áp tải à. Đi kẻo trễ, sáng sớm mai giao hàng rồi xe còn quay về.

-Anh ký và xác nhận vào bản khai này của hai cô gái, anh cán bộ chìa tờ giấy vở ra trước mắt tôi.

Chữ viết của cô gái tròn và rõ đều đều như một bầy gà con mơn mởn xếp hàng líu ríu sau lưng mẹ. Nhìn vào tờ khai viết rõ, cân và sạch đẹp như một bài luận của cô nữ sinh chăm lo bài viết trên trang giấy học trò, như cẩn thận từng đường kim mũi chỉ trên khung vải thêu màu trắng tinh nguyên. Thương qúa, khi nhìn trang giấy nhỏ; chỉ là một bản tự khai « mua bán gian lận » mà sao ùa đến trong tôi, như lâu lắm rồi, được đọc lại bài luận của các cô nữ sinh mình dạy ngày nào. Tôi ghi vào góc dưới chứ không đuợc ở lề trên như ngày nào người thầy phê bài luận, mà nay là một người áp tải hàng từ khước cứu giúp một thân phận thấp bé: « Tôi không hề quen biết hai người này, họ là khách quá giang của tài xế xe số … Bởi vậy, tôi không thể bảo lãnh được. »

Tôi ký xong và quày quả bước ra. Anh cán bộ nhận lại biên bản với lời xác nhận của tôi, gọi với theo:

- Khoan đã, mười mấy cân cà phê không phải là số lượng lớn, nhưng nếu đúng anh không bảo lãnh đuợc cho người ta thì tôi nghĩ anh nên theo tôi xuống gặp họ. Được không vậy ?

Tôi đọc trong ánh mắt người cán bộ lớn tuổi này có chút áy náy và lòng thuơng hại về việc tội phạm bán ít cà phê thăm mẹ đang đau nằm viện.Tôi vừa dợm quay mình đi theo ông cán bộ thì ông tài xế đã ghì sát tay tôi xuống thì thầm như van :

-Đi nhanh cho xe qua trạm cho xong đi anh ơi! Mình cũng có « chút chút »… Mấy... tiếng anh ta như tiếng rít lên với cặp mắt lo âu nhìn đám kiểm soát trẻ đang đùa giỡn trước đầu xe anh đang tấp bên cạnh sân trạm kiểm soát.

-Anh cố chờ tôi một chút! Tôi vội vã nói .

Tôi quay lại dãy nhà tôn vách ván phía sau sân bóng chuyền. Trong phòng thẩm tra, chiếc ghế gỗ dài sát vách, hai cô gái giờ đây xụ xuống, áo quần thùng thình rủ quanh thân thể ốm o. Họ cúi đầu dưới hai chiếc mũ vải trên mái tóc trễ xuống, che khuất khuôn mặt chỉ có hai vai ốm gầy giật nhẹ theo tiếng khóc nấc.

Cô cán bộ ngồi đầu bàn, chỉ tôi tang vật là mấy bịch vải cắt vụng về may sơ sài từng bịch nhỏ dẹp dẹp chứa cà phê hạt. Hai cô gái trút bỏ các bao cà phê bó sát thân thể, cặp áo quần thâm quá cỡ giờ đây chùng xuống thùng thình như cặp đồ rủ nước móc trên giá áo là đôi vai gầy gò nhô lên trong mớ tóc rối bời bời xỏa xuống.Trong góc mờ mờ của phòng kiểm sóat, hai cô vẫn cúi xuống, hai bàn tay xoắn vào nhau, áo quần xô lệch như thừa thải làm người mặc thẹn thùng, xấu hổ như lộ bày chút thầm kín giữa đám đông …Mấy người khách hàng khác đang chờ đến phiên thẩm vấn, cùng mấy anh cán bô trẻ tập sự thập thò truớc khung cửa sổ nhìn vào chỉ chỏ, lầm rầm bình phẩm, cười khúc khích. Hai cô gái khóc thút thít, thỉnh thoảng giật nấc như cố đè nén mà vẫn sơ sẩy bật ra sự khốn khổ khôn cùng. Đầu cúi sát xuống đầu gối, như rủ ra giữa hai lọn vải nhàu màu sẫm bó lấy đôi vai gầy! Trong bóng lờ nhờ đó, tôi thấy rõ hai nón len đen như màu tóc xệ xệ chụp lên che khuất khuôn mặt, hai đôi vai giật nhẹ theo từng cơn nấc nghẹn. Cô cán bộ trạm kiểm soát nguớc mắt nhìn tôi sau một hồi lâu cắm cúi vào mấy tờ giấy chi chít chữ .

 -Anh là áp tải hàng mỹ nghệ xe số …? Anh đã ký xác nhận không quen biết mấy cô này? Anh có biết hoàn cảnh của các cô này, theo lời các cô khai, là chị em cô cất dấu ít cà phê nhà trồng đem đi bán để thăm mẹ bị đau đang nằm viện ?

 -Tôi hoàn toàn không quen biết các cô và cũng không biết đuợc hoàn cảnh khó khăn của các cô ấy, các cô là khách quá giang trên xe.

Ánh nắng xiên khoai hắt một vệt nhàn nhạt vàng chạy dài trên tờ giấy học trò với từng hàng chữ tròn trịa của hai cô gái, ánh nắng như chảy xuống và tan nhòa trên hàng chữ tôi viết ở cuối trang, nét chữ sắc cạnh như hàng đinh đóng , cắt đứt mọi hy vọng : “Tôi không hề quen biết hai người này!”.

Tôi quay lại nhìn hai cô gái vẫn đang rấm rức khóc, xấu hổ lẫn khổ đau bó trọn hai tấm thân xơ xác gầy, vai rung lên theo từng cơn nấc.Ngoài kia tiếng còi xe của tài xế Ba giục giã, tiếng máy xe rú lên, từ từ lăn bánh, đứng nơi đây nghe rõ tiếng lạo xạo của sỏi đá dưới bánh xe . Tiếng cậu Bảy phụ xe vừa chạy ùa vào, vừa la bai bải :

-Anh áp tải ơi, lẹ lên… xe đã qua trạm …

-Thôi, xong rồi, anh đi đi …Cô cán bộ ngước lên nhìn tôi nói.

Tôi vừa quay đầu dợm buớc ra khỏi phòng thì cô chị ngước mặt lên, khuôn mặt trong bóng nhờ nhờ ngược ánh sáng. Tôi không thấy rõ, chỉ thấy hai trũng đen đôi mắt nhập nhòe nuớc, nấc lên, âm thanh khàn đục, tắt nghẹn :

-Thầy ơi! Thầy ơi! Em đây mà thầy …Em là T h...ư. ơ.ng đây mà thầy.

Tiếng em nấc nghẹn ngào, nuớc mắt nuốt chửng những âm thanh. Tôi không nghe rõ tên em là Thương, hay Hương, hay Sương …(chỉ nghe đuợc vần ương). Tôi đứng khựng lại, lòng đang rối bời lóng cóng chưa biết quyết định ra sao thì cậu phụ xe chạy ùa vào kéo tay tôi chạy ra xe. Tôi lúp xúp chạy theo, trong đầu vẫn còn oang oang mấy từ :”Thầy ơi! Thầy ơi …em là..ương …ương đây mà thầy …”

Xe từ từ lăn bánh qua trạm đèo Bảo Lộc, chầm chậm bò xuống dốc trong nắng chiều, từng hàng lau trắng nhấp nhô trên nền xanh núi biếc như những cánh cò trắng tan tác bay.

Tài xế Ba và tên phụ xe cười hể hả thoát nạn, họ đang bi bô mô tả món thịt kho tàu với củ cải trắng ngọt lịm kẹp với giá hẹ ngâm chua.Tôi cứ như nghe văng vẳng tiếng kêu thảng thốt, thảm thuơng, chờ mong tôi cứu giúp. Tiếng kêu càng thống thiết tuyệt vọng bao nhiêu tôi càng ray rức thấy mình hèn mọn bấy nhiêu. Cảnh ngộ thật trớ trêu cho hai thầy trò, tôi tự hỏi lòng mình, nếu tôi biết em sớm hơn, liệu tôi có dám bảo lãnh em? Nếu tài xế Ba không năn nỉ vì vài giỏ rau củ trong xe, liệu tôi có bỏ mặc em cho tình cảnh đẩy đưa? Gần mười năm rồi, tôi đã làm gì giúp cho các em học trò của tôi? Con gà mái mẹ đã làm gì với bầy gà con trong cảnh ngộ bầy quạ đen đâm bổ xuống bầy gà con khiếp đảm tan tác ? Là người dạy dỗ, người dìu dắt đám trẻ trong cơn loạn lạc của một thời, tôi và các bạn đồng nghiệp của mình đã giúp gì đuợc cho các em ? Chúng tôi cũng lủi nhủi theo đám đông chạy tán lọan, gà mẹ lắm lúc chạy nhanh hơn đám gà con, ô nhục hơn nữa trong chúng tôi lại có những con gà mẹ vội nhuộm lông đen, quang quác kêu cho giống giọng đàn quạ! Chúng kêu quang quác, gào lên xưng danh mình vốn là giống quạ nhà nòi, nếu lâu nay đã là gà mẹ lúp xúp dẩn con đi ăn chẳng qua là đuợc sắp xếp để đóng cho tròn vở kịch! Nếu trời không mưa rửa sạch màu mực, thì mực đen vẫn ưu ái cho chúng là một con quạ mẫu mực trong đám quạ!

Tiếng kêu “Thầy ơi” thảng thốt, cùng cực tuyệt vọng, vang lên trong cảnh ngộ trớ trêu của hai thầy trò. Em là ai, Sương, hay Hương, hay Thương …em học lớp nào, năm nào, trường nào… trong những trường tôi đã dạy…tôi chẳng thể nào nhớ ra. Khi đón xe dọc đuờng, em hóa trang thành bà bầu phì nộn cà phê; khi bỏ hết cải trang trong trạm kiểm soát em lại rủ xuống trong mớ vải thừa thải, luộm thuộm. Em cúi mặt trong góc lờ nhờ của phòng kiểm tra. Em là ai trong đám học trò các truờng mà tôi đã dạy hơn mười năm truớc? Đâu có như ngày xưa ấy, còn đâu những đôi mắt trong veo các em huớng lên nghe thầy giảng bài? Những đôi mắt ấy nay ở nơi đâu, đang nhập nhòa nuớc mắt cơ cực trong vạn nẻo gian truân ?

Tôi nào biết làm gì đuợc cho các em khi tôi cũng như em quấn quanh mình biết bao “ bao bì” che dấu, để “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” mà sống qua ngày trả nợ áo cơm!

Em ơi, cả em và thầy làm đuợc gì đây em ?

-Ha!Ha!Ha! Ha!Ha!Ha! Cậu phụ xe cười phá lên cắt đứt giòng suy nghĩ của tôi, cậu nhại lại giọng anh cán bộ quản lý thị truờng trẻ tuổi : “Tao phập cây kim cúc vào mông bà ta mà bả … Ha!Ha!Ha! còn quay lại nhìn tao cười duyên nữa chứ! Ha!Ha!Ha!”

-Cậu im đi!.Tôi nói như hét lên trong tiếng xe gầm rú…

Anh tài xế từ tốn: 

-Thằng Cu, mày đừng cười đùa như vậy! Dù sao các cô ấy cũng quá cơ cực, khốn cùng … Tụi mình đâu có đẹp mặt, đẹp mày gì cho cam, tụi mình cũng luồn lách chở chút ít rau củ, kiếm chút cơm cháo cho gia đình mà.

Từng đợt sương chiều ùa từ các khe núi, sà thấp xuống mặt đường.Tôi bâng khuâng thầm nhủ: “Các em hoc trò của tôi ơi, các bao bì cà phê các em dùng để bao che thân thể mảnh mai của mình như mặt nạ để vuợt qua khúc ngặt nghèo của cuộc sống. Những ngày tháng qua, đám cùng dân chiến bại có ai mà không có một mặt nạ mỏng hay dày để vuợt qua truông ô nhục. Có ai mà chẳng bị một mũi kim gút cắm phập vào thể xác hay tâm hồn mà vẫn thản nhiên nhoẻn miệng cười giả lả. Mỗi ngày, mỗi tháng năm bao nhiêu người chịu bao mũi kim cắm phập vào da thịt và tâm hồn mình đã được lớp bao bì thỏa hiệp dầy cộm che chắn ?

Tôi nào có hơn gì các em, cũng ngày tháng lầm lũi bó chặt bao nhiêu mặt nạ để mong yên thân. Mỗi ngày vẫn nghe tiếng văng vẳng cười Ha!ha!Ha! đâu đó về những mũi kim phê phán cắm phập, xé nát sĩ khí của đám trí thức chiến bại đang cố câm nín để được sống an thân.

Đúng em ạ, lũ chúng tôi những người có học và đuợc đào tạo trước đây, bây giờ hằng ngày vẫn miệng mỉm cười không thấy đau xót gì trước mọi sự ác độc, mưu chước dối trá, lừa bịp. Chúng tôi xem đó như là sự thật hiển nhiên của xã hội mà ta đang sống, không có một phản ứng nào. Nay việc cam chịu ấy đã biến thành tính cách hèn kém, yếu đuối của mình.Thói quen sống chung với môi trường giả trá nay đã thành nhân cách sống của bản thân mình lúc nào không hay, rồi lúc nào đó chẳng ai còn nhớ mình đã được giáo dục ra sao, thời trẻ tuổi mình đã mơ uớc gì, và đã đem ước mơ đó dạy cho đám môn đồ ngày ấy tin và yêu điều gì? Ta đã quên hết rồi sao?

Ta vẫn thuờng ngày bơi lội trong dòng chảy giả dối và lường gạt với những cú kim gút phập vào người mà vẫn hể hả nói nói cười cười! Ờ nhỉ, ta vẫn bình an sống, ta nào có mất gì đâu ?

Chiếc xe lừ lừ cài số nhỏ rì rầm xổ dốc, nắng vàng trở màu tím tái một dòng đục quánh từ thung lũng sâu sẫm dần …Tôi như cứ mãi thấy đôi mắt nhòe nhoẹt nuớc mắt tuyệt vọng cầu xin của em.Tôi cứ như nghe vang vang tiếng kêu nghẹn ngào của em trong tiếng nấc :

-Thầy ơi! Em đây mà thầy …

-Em ơi, còn bao năm nữa tôi mới quên được tiếng kêu thảng thốt này? Biết còn bao nhiêu năm nữa em ơi !

 

Nguyễn Quang Tuyến

(Đà Lạt 04 – 2012)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn