NGƯỜI MẸ THỨ HAI * Phạm Gia Cẩn

12 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 10852)

NGƯỜI MẸ THỨ HAI


Mùa Vu Lan 2014, thương nhớ Thím Hai 

 "...Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, 
phút xưa qua qua rồi..." ( HTT)

  


Số phận của tôi kỳ lạ và có phần may mắn hơn những đứa trẻ cùng tuổi khi tuổi thơ tôi có tới 2 bà mẹ cùng thương yêu, chăm sóc, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Một người tôi gọi là Mạ, người sinh thành ra tôi, người mà tôi mãi mãi ngưỡng mộ vì đầu óc thông minh, nhạy bén vô cùng dù bà chỉ học hết bậc tiểu học. Người thứ hai tôi gọi là Thím. Thím Hai. Người dành hết cả tình thương yêu cho tôi, một “người dưng” của thím - khi từ một cơ duyên vô định, Thím bước chân vào gia đình tôi lúc tôi mới 4 tháng tuổi, và ở lại đến 28 năm sau mới rời xa tôi trong niềm thương nhớ khắc.

Thím Hai là 1 phụ nữ gốc Huế, không chồng, không con, theo dòng đời nổi trôi đã lạc bước lên Dalat sinh sống. Và nhờ Trời, Phật tạo duyên may để Thím ở lại và sống cùng gia đình tôi với vai trò là Vú em. Nghe mạ kể, lúc đó tôi mới 4 tháng tuổi, và trên tôi mới chỉ có ... 9 anh chị thôi! Chắc vì một mình bà không thể chăm nổi đám con năm một sát sạt nhau, nên Thím Hai được ưu tiên chăm sóc riêng tôi ( và sau này thêm 3 đứa em tôi nữa!). Ký ức tuổi thơ tôi là những bữa ăn của 4 anh em tôi với bàn tay chăm sóc của Thím: 4 đứa ngồi vòng cung trên chiếu. Trước mặt mỗi đứa là một chén cơm, hay chén cháo to ụ.Tay Thím thoăn thoắt đút cơm cho từng đứa. Thằng em còn đang nhai chóp chép, thằng anh đã hả miệng đòi đút. Thế rồi bửa cơm nhanh chóng kết thúc, gọn gàng, không như bây giờ nhiều ông bố bà mẹ phải bế con chạy quanh khắp nhà, bật TV ca nhạc inh ỏi mới đút được muỗng cơm. Trước giấc ngủ trưa, mỗi đứa sẽ được một bình sữa lót dạ trước khi mơ màng đi vào giấc ngủ. Ba đứa em thì được sao hưởng vậy. Nhưng tôi thì không. Tôi đòi Thím Hai mở nắp bình sữa để kiểm tra mức sữa có ngang với miệng bình hay không. Nếu thấp hơn, Thím Hai phải đổ thêm tý nước sôi cho đầy ngập miệng bình, tôi mới chịu cho đậy nắp. Còn không thì tôi vùng vằng, sẵn sàng ném cái bình sữa thủy tinh xuống đất vỡ tan! Như vậy mà có còn yên đâu! Một bình đầy sữa chưa đủ làm tôi căng rốn. Nút lấy nút để đến sạch bình, tôi quay sang Sâm, chú em kế ốm yếu từ nhỏ vì bệnh tim còn đang nhơi nhơi phần của mình. Tôi dằng lấy bình sữa của em, lịch sự đổi lại bằng bình sữa trống rỗng của mình, mặc nạn nhân gào khóc inh ỏi. Khi trật tự được vãn hồi, cả đám chìm dần trong giấc ngủ, Thím Hai cũng không nghỉ ngơi. Thím soạn áo quần bọn tôi ra may, vá, đan, thêu... Tôi còn nhớ 1 chiếc áo laine thật đẹp của tôi do Thím đan. Chiếc áo rất nhiều màu sắc, mỗi màu được vài hàng xen kẽ nhau bởi Thím gom laine vụn, rồi cất công đan áo cho chúng tôi.

Từ khi có Thím Hai, mạ tôi bớt lo toan, cực nhọc khi bao nhiêu bận rộn, vất vả chăm con nhỏ, Thím Hai đã nhận lãnh hết với lòng tự nguyện yêu thương con trẻ vô bờ. Nhà tôi đông con nít như... nhà trẻ mà bọn tôi lúc nào cũng tươm tất,sạch sẽ nhờ bàn tay khéo léo, đảm đang của Thím. Mùa lạnh, ngoài áo, vớ, mũ laine do Thím tự tay đan. Trong túi tôi bao giờ cũng có 1 lọ dầu Con Sóc. Thím dặn tôi thỉnh thoảng lấy ra bôi 1 tý lên cổ áo để thêm ấm áp, thơm tho. Một mùi hương nữa mà hồi nhỏ tôi rất mê, đó là mùi dầu dừa. Mỗi lần Thím gội đầu bằng bồ kết, sau khi hong tóc xong, Thím chải tóc bằng dầu dừa. Mái tóc dài quá lưng được Thím chải chậm rãi, cẩn thận đến khi tóc bóng sáng lên và sực nức mùi thơm. Tôi dụi mặt vào tóc của Thím hít hà, khoan khoái thưởng thức hương thơm ngọt đến mê mãi.

Có lẽ vì không có con cái, người thân ruột thịt nên bao nhiêu tình thương Thím dành hết cho anh em tôi. Mà chính xác hơn là dành phần nhiều, nếu không muốn nói là dành hết cho riêng tôi. Tiền công hàng tháng, hàng năm dành dụm được, Thím dành cho bọn tôi hết. Tôi thích món quà nào, thích món đồ chơi nào, Thím mua ngay mà không 1 chút đắn đo, suy nghĩ. Tuổi nhỏ, đôi khi bị người lớn cho ăn roi vì quấy phá, nghịch ngợm, nhưng chưa bao giờ tôi bị Thím đánh đòn. Thím chỉ khuyên răn nhẹ nhàng, nhỏ to tâm sự để chỉ cho tôi biết cái sai trái để sửa mình. Mỗi lần chị Hương cho tôi ăn roi, chị phải nhốt tôi vào phòng học, khóa cửa lại mới ngăn được Thím. Bên trong là tiếng gào khóc, tru tréo để cầu cứu hơn là bị đau của thằng tôi. Còn bên ngoài, là tiếng kêu sốt ruột, xót xa của Thím: Hương ơi! Con muốn giết em hay sao hả? Hương ơi, tha cho em đi!

Ngoài những lúc ở nhà chăm anh em tôi, khi có việc phải ra ngoài, như bao người phụ nữ Huế, bao giờ Thím cũng bận áo dài rất đàng hoàng, lịch sự. Phong cách đẹp đẽ đáng ca ngợi đó ngày nay đã phai tàn theo thời gian, theo lối sống hiện đại, thật là đáng tiếc thay. Thím còn là một phật tử siêng năng, thường đi lễ chùa, có trách nhiệm với khuôn hội nơi mình sinh sống. Tôi còn giữ được nhiều tờ công đức liễm của khuôn hội xác nhận phần tiền mà Thím đều đặn đóng góp cho nhà chùa. Thật đáng trân trọng cho tấm lòng của một phật tử nghèo, đơn côi phải phiêu bạt kiếm sống nơi xứ người. 

Thỉnh thoảng khi có 1 đoàn hát cải lương nào lên Dalat diễn, Thím cũng xin phép ba mạ tôi đi coi. Đương nhiên là tôi cũng được đưa đi theo để thưởng thức bộ môn âm nhạc dân tộc đặc biệt này. Thường thì Thím bế tôi trên tay, đứng chen chúc phía sau mọi người. Khi mỏi tay, Thím nhờ mấy anh lính bế dùm. Và đa phần các thanh niên khỏe mạnh này có cách giải quyết rất gọn gàng, linh hoạt, đó là nhấc bỗng và cho tôi ngồi hẳn trên 2 vai. Một suất ghế đặc biệt không ai có được. Nhưng tôi không đủ sức để thưởng thức hết buổi diễn khi cơn buồn ngủ ập đến. Và thường Thím phải cõng tôi trên lưng trên đường về nhà sau buổi diễn. Nhờ vậy mà đến nay, khi chuyển kênh TV, đôi lúc gặp 1 vở diễn cải lương hay, tôi có thể ngồi nghe mà đa phần lứa tuổi tôi.

Tuổi thơ của tôi tràn đầy hạnh phúc với tình yêu thương, chăm sóc của cả hai bà mẹ. Thật là một may mắn quá lớn lao, không phải ai cũng có diễm phúc gặp được. Nhưng buồn thay, trong những ngày tháng êm đềm đó cũng có những chớp bể mưa nguồn ngắt quãng chuỗi hạnh phúc này. Chung quy chỉ vì một thủ phạm duy nhất. Đó là rượu. Có lẽ cuộc đời của Thím trước kia gặp trắc trở, buồn tủi ghê gớm lắm nên khiến 1 người phụ nữ hiền lành, giỏi giang phải nhờ đến rượu để tìm quên. Tim tôi bao nhiêu lần thắt nghẹn, đau đớn, mắt tràn lệ nhìn Thím dọn đồ đi khỏi nhà khi ba mạ tôi không chịu được cảnh Thím say rượu. Những ngày vắng Thím sao mà buồn quay quắt, nghẹn ngào. Bốn đứa nhỏ nhìn nhau, không nói như những kẻ mất hồn. Không ai có thể thay thế Thím để hiểu, để thương yêu, để chìu chuộng chúng tôi như một người mẹ đích thực. Thím đi làm chỗ khác cho người ta chắc còn vật vã, đau đớn hơn chúng tôi nhiều lắm. Làm sao mà chịu đựng nỗi cô đơn, hụt hẵng khi đột nhiên cách biệt đàn con đang thương yêu, chăm sóc hàng ngày với tất cả sức lực, tình cảm của mình. Vì thế, Thím chỉ làm loanh quanh trong Dalat. Cũng chăm sóc con trẻ cho nhà người ta. Tôi có một thằng bạn cùng tuổi, con nhà khá giả, cũng được Thím chăm sóc chu đáo, cẩn thận khi Thím làm ở nhà nó, nhưng nó không được hưởng tình cảm như Thím dành cho tôi. Bởi vì bao nhiêu thương yêu, Thím đã trót dành hết cho anh em tôi rồi. Thi thoảng nhân lúc hiếm hoi rãnh rỗi, Thím quay về thăm anh em tôi. Ôi thôi, sao mà rộn ràng, vui vẻ khi mỗi lần Thím về nhà. Thím ôm, nựng từng đứa con của Thím. Thím đổ ra bàn bao nhiêu là bánh kẹo, đồ chơi. Còn bọn tôi vỡ òa hạnh phúc trong tình thương của Thím. Rồi khi thấy ba mạ tôi nguôi ngoai, Thím lại xin về với anh em tôi. 

Chuyện đi đi, về về như vậy của Thím làm tan nát tim anh em tôi bao lần, ơn trời, đến năm 1975 thì chấm dứt hẳn. Sau khi dòng đời lịch sử đổi thay cả đất nước, Thím ở lại và sống luôn với gia đình tôi.

Từ năm 1967, mạ tôi mở lò tráng bánh phở mới đủ chi phí nuôi cả đàn con đông đúc, khi mà lương công chức của ba tôi, dù là Trưởng Ty, cũng không kham nổi. Hàng ngày, sau khi chăm sóc bọn tôi xong, Thím Hai lại bù đầu trong một núi công việc hoàn toàn mới mẻ. Nhà tôi lúc đó rất nhiều người giúp việc, và Thím trở thành quản gia cho ba mạ tôi. Thím chăm sóc bọn tôi, Thím nấu ăn cho cả nhà, rồi Thím lăn vào công việc: hết vo gạo, xay bột, rồi tráng bánh phở, kể cả thái bánh phở bằng dao ( trước khi có máy cắt sợi bánh ra đời). Buổi chiều, Thím quang gánh trên vai, bán lẻ từng ký phở một ngoài chợ vì khách chưa biết nhiều về lò phở của mạ tôi. Không lúc nào thấy Thím ngơi tay, và mọi việc quan trọng hầu như đều phải qua tay, Thím mới an tâm. Thím vui với niềm vui của mạ khi lò phở ngày càng đắt khách. Thím lo âu khi có lúc bánh phở gãy nát, khách hàng than phiền.Thím chia sẻ lo lắng cùng ba mạ khi anh Hoàng đi quân dịch Thủ Đức. Thím rớm lệ ngày chị Trang lên xe hoa về nhà chồng. Thím mừng vui khi chị Hương thi đậu tú tài...Và thật tự nhiên, Thím trở thành 1 thành viên của gia đình tôi qua từng buồn vui, thăng trầm hồi nào không hay.

Khi tôi đã lớn khôn, Thím vẫn thương yêu chăm sóc tôi như những ngày thơ ấu êm đềm, đẹp đẽ. Buổi trưa đi làm về, tôi biết chắc bao giờ trong tủ lạnh cũng có 1 ly cà chua dầm đường to đùng, ngọt ngào hấp dẫn mà Thím luôn để sẵn cho riêng tôi. Còn không, thể nào cũng có 1 bịch chè hay 1 cái bánh cam thế chỗ. Thời bao cấp, khi mua thịt mỡ theo tiêu chuẩn tem phiếu để thắng mỡ xài dần. Thím cũng để dành cho tôi cả chén tóp mỡ ăn cho đã thèm. Sự thiên vị của Thím dành cho tôi rõ ràng, không dấu diếm lâu ngày trở thành 1 điều bình thường đối với cả nhà tôi. Nếu có bình luận về điều này thì thường là 1 câu ngắn gọn, đủ ý: “cậu” Cẩn là con Thím Hai mà!"

Niềm vui ít ỏi mà tôi mang lại cho Thím, làm Thím vui, hạnh phúc và hãnh diện nhất chắc là lần tôi lấy vợ. Tôi có tâm sự với ba mạ trước ngày cưới, khi ba tôi lên 1 danh sách người được sang nhà gái rước dâu. Và khi Ba tôi nói: Thím Hai chuẩn bị áo dài ngày mai đi cưới vợ cho nó hỉ! Không thể diễn tả nỗi hạnh phúc, rạng rỡ của Thím khi ba mạ tôi đã mặc nhiên công nhận tôi là 1 đứa con đặc biệt của Thím. Mà đã là Mẹ thì ngày trọng đại, đáng nhớ của con thì không thể không có mặt. Đó cũng là niềm an ủi cho riêng tôi, khi tôi thể hiện được lòng biết ơn của mình đối với Thím trong suốt quãng đời dài Thím sống cùng tôi.

Đúng một năm sau, khi tôi đang học ở Saigon về nhà ăn Tết năm 1989. Mồng 5 Tết, Thím bị tai biến não. Thương Thím thắt cả ruột, nhưng mồng 10 Tết tôi phải quay về trường tiếp tục học. Cầm tay Thím trước khi đi, Thím không nói được nữa, chỉ nhìn tôi chảy nước mắt. Tôi nghẹn ngào nhận biết mình sắp mất đi một điều gì quý giá, thiêng liêng. Ngày rằm tháng giêng, tôi nhận được điện tín: Thím Hai mất, về ngay. Cả bầu trời sụp đổ trong tôi. Hối hả ra bến xe đón được một chiếc Karosa về Dalat. Ngồi trên xe, cảm giác buồn tủi dày vò tôi khi Thím ra đi mà tôi không có mặt vào giây phút cuối. Tôi lặng lẽ khóc trong niềm ân hận khôn nguôi. Và thật trùng hợp, cay đắng làm sao khi xe bắt đầu vào đèo Prenn, tiếng nhạc từ chiếc casette làm tan nát cả lòng tôi khi bài Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ được cất lên. Tôi nghiến răng, cố ghìm tiếng thổn thức nhưng không thể chịu nổi khi nghe những câu:

...Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng, 

Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về,

Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời

Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ

Tôi òa khóc nức nở như một đứa con nít, mặc kệ mọi người trên xe tò mò, ngạc nhiên nhìn. Hết rồi, Thím Hai ơi. Con đã chậm mất rồi, Thím ơi. Con đã mất Thím rồi. Thím Hai ơi! Tôi đi như chạy mê mãi về nhà trong tiếng khóc, nước mắt chảy tràn trên mặt. Cả nhà đợi tôi, im lặng trong đau buồn. Mạ lên tiếng: mấy đứa vuốt mắt mà không được. Thím Hai đợi con về đó! Tôi bước tới, nhìn khuôn mặt hiền hòa của Thím, đôi mắt hơi mở hé. Tôi đưa tay lên trán Thím kéo nhẹ xuống mắt, thổn thức: con về đây rồi, Thím ơi! Lạ lùng thay, mắt Thím khép lại nhẹ nhàng như đang 1 giấc ngủ say.

Đám tang của Thím được gia đình tôi tổ chức tình cảm, nhẹ nhàng, cảm động như dành cho một người thân thiết, ruột thịt thiêng liêng trong nhà. Bà con hàng xóm tới viếng và đưa Thím đi khá đông. Sau xe tang là cả gia đình tôi, trong đó có 4 mái đầu được chít khăn tang. Ơn nghĩa quá đậm đà nên ba mạ cho tôi và 3 đứa em được chịu tang Thím, ghi nhận tấm lòng của một người đã sống trọn cả cuộc đời cùng một gia đình xa lạ lúc đầu, đã trở thành mái ấm thương yêu đến khi nhắm mắt xuôi tay. Bây giờ ở trên Trời, nhìn xuống trần gian, chắc Thím vui lắm khi thấy đại gia đình tôi đầm ấm, hạnh phúc với con đàn cháu đống. Chắc Thím yên lòng khi thấy 4 anh em út nhà tôi, những đứa con của Thím nâng niu chăm sóc từ thuở lọt lòng, nay đã yên bề gia thất, sống bình yên, yêu thương lẫn nhau.

Và ở trên Trời cao kia, Thím là người hạnh phúc nhất khi biết rằng dưới trần gian, trong 1 gia đình “người dưng” kia mà mình đã sống trọn đời, trọn nghĩa, cũng luôn thương nhớ đến mình. Tôi cũng tin chắc như thế. Bằng chứng là có đến 2 bàn thờ để thờ cúng, tưởng vọng đến Thím. Một, ở ngôi nhà đầu tiên Thím bước chân vào sống cùng gia đình tôi. Và một bàn thờ nữa ở nhà đứa “con trai trưởng” Thím, luôn nhớ thương Thím như tình cảm của đứa con dành cho người Mẹ. Thím Hai ơi!

 Mùa Vu Lan 2014

Thương tặng Thím Hai và gia đình Phạm Gia.

 

 Phạm Gia Cẩn

Nguồn: anhdaogroups/ Phạm Mai Hương chuyển


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn