Tình yêu vĩnh cửu * Ngọc Yến

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 21960)

Tình yêu vĩnh cửu

 Ngọc Yến

 Nếu có điều gì vĩnh cửu được, thì em ơi, đó là tình yêu chúng ta…” Tiếng hát Từ -công-Phụng trầm buồn, thấm thía, như xoáy vào tim gan, làm lòng Hoàng tê dại. Bài hát ” mãi mãi bên nhau “ của người nhạc sĩ và ca sĩ tài hoa ấy thu hút sự chú ý của chàng và được nghe đi nghe lại nhiều lần, hầu như sắp thuộc lòng. Tuổi đời của người nhạc sĩ ấy cũng xấp xỉ với tuổi gần về hưu của Hoàng. Chàng cứ thắc mắc, kinh ngạc, với lớp tuổi ấy, mà ông ta vẫn tin tưởng vào một tình yêu vĩnh cửu hay sao? Lối trình diễn sống thoi_trang_3-large-contentđộng, sống thực với cảm xúc của con người qua DVD Thuý Nga, làm chàng ngạc nhiên. Làn nước mắt mờ nhạt trên đôi mắt đã gần sụp xuống của tuổi xế chiều, vẫn còn long lanh, như tiếc nuối quá khứ, như chơi vơi bao cuộc tình lỡ làng…Và trong con tim tan nát ấy, vẫn cứ mãi đi tìm một cái gì vĩnh cửu, sống mãi, không bao giờ tàn phai theo năm tháng. Phải chăng đó là kịch tính của người nghệ sĩ khi trình diễn, hay đó là cảm xúc thực sự của con người giầu tình cảm? Những thắc mắc ấy của chàng không phải chỉ nằm mãi trong lòng, mà đã có lần được giải đáp một cách mơ hồ. Tình cờ đi ngang qua một tiệm bán băng nhạc, CD của người Việt Nam trên đường Bolsa, gần bưu điện Việt nam, Hoàng đã gặp người nhạc sĩ ấy. Chàng không ngại ngùng gì, mà đặt ngay câu hỏi và lời khen:

 “ Ở tuổi này, mà ông cũng còn khóc được, kể cũng giỏi và tài tình đấy. Tôi rất phục ông.” Người nhạc sĩ không trả lời thẳng câu hỏi của chàng mà chỉ cười mỉm. Lối cười nhạt ấy mang ý nghĩa của một câu trả lời nước đôi:”muốn nghĩ sao cũng được.” Với người nhạc sĩ, bản nhạc mà mình sáng tác, cũng chỉ mong thính giả khắp năm châu chấp nhận, yêu thích …Đó cũng là nguồn an ủi lớn lao cho kẻ sáng tạo ra nó rồi.


 Với Hoàng, đã có lần xây mộng, tưởng như không bao giờ tan vỡ được, vậy mà nó cũng vụt bay…

 “…- Em mơ gì?

 - Em chẳng mơ mộng gì. Trong vòng tay của anh, em thấy thật ấm cúng.

 Hai kẻ yêu nhau đang rù rì những lời mật ngọt, đôi khi thật rời rạc và vô nghĩa.Trời vào xuân, nắng vàng rực rỡ. Những bông hoa pensée muôn sắc, muôn mầu, cánh hoa êm nhẹ, mềm như nhung, đang cố uốn mình, dang tay ôm lấy bầu trời trong vắt, sáng long lanh thuỷ tinh vàng. Những bông hoa anh đào, đầy ắp, sát cánh bên nhau, bao trùm lấy những nhánh cây, thân cây như che lấp những mầu nâu cũ kỹ, cằn cỗi. Mầu xanh tươi của lá cây, như nép mình khiếp vía dưới những tàng hoa anh đào rộ nở. Mầu hồng nhạt, phớt nhẹ, tạo cho hoa anh đào một vẻ dịu hiền, quý phái. Những hàng cây anh đào ấy uốn lượn, bao bọc lấy cả một ngọn đồi vĩ đại của trường đại học Đà Lạt, như tạo ra một thế giới riêng biệt, một khung cảnh thần tiên cho những cặp tình nhân đuổi bắt, ôm ấp, tình tứ…

 Hoàng, sinh viên năm thứ tư ban triết thuộc đại học văn khoa Đà Lạt, đã xuống quận Di Linh xin làm giáo sư dậy giờ tại trường trung học công lập Lê Lợi. Vì thiếu giáo sư và chỉ có một lớp đệ nhất, nên ngoài môn triết ra, Hoàng còn dậy nhiều môn khác nữa. Chàng tung hoành thập bát võ nghệ: từ sinh ngữ, Việt văn cho tới công dân giáo dục, sử địa, chàng đều bao thầu hết. Ngoại trừ môn toán là mù tịt, mặc dù chàng đã đậu bằng tú tài hai ban B. Chàng giáo sư trẻ trung, đẹp trai, tóc bồng bềnh, kính mát đen đặc to bản, áo veston xanh đậm đúng thời trang, trên cổ quàng hờ hững một chiếc phu la bằng hàng soa nhập cảng từ Paris. Trông chàng như là một công tử, một sinh viên hào hoa, chứ không nghiêm nghị, chững chạc như các thầy giáo mô phạm khác. Hình ảnh lạ mắt ấy thu hút, kích thích bao trái tim khờ dại của lớp học trò quận lẻ. Như bao nữ sinh và bạn bè cùng lớp, Hằng đã thầm ôm ấp hình bóng thầy giáo trẻ trung xa lạ kia. Đã nhiều lần, nhìn hình ảnh thầy Hoàng thoăn thoắt viết dàn bài trên bảng, nét phấn bay bướm, bồng bềnh như thu hồn Hằng. Nàng đã quên mình là học trò, đắm đuối nhìn thầy giáo mình như hình ảnh người yêu đầu đời mà nàng hằng mơ mộng ấp ủ. Buổi tiệc tất niên anhdao2-large-contentcuối năm, theo thông lệ, hầu hết các học trò đều tặng bích báo của lớp mình cho thầy, hát nhạc xuân, chúc tuổi thầy cô…Lần này, Hằng đánh bạo gửi tặng thầy Hoàng một kí lô cà phê Arabica thơm ngon, lấy từ kho hàng của nhà nàng, kèm theo hai cánh hoa pensée tím đậm, được xếp thành hình đôi môi âu yếm tỏ tình. Như bao phần quà khác, thầy Hoàng cười nói vui vẻ, mở từng món quà của học trò gửi tặng và khoe khoang với các thầy cô cùng đám học trò cười nói hát hỏng bên dưới. Khi bóc tới món quà của mình, nhịp tim nàng run rẩy, muốn ngừng đập. Cánh hoa pensée rung rinh, mời gọi, toả đầy hương tình. Như sợ kẻ khác để ý, thầy Hoàng lẹ làng mang gói cà phê lên mũi ngửi và hôn nhẹ, giả vờ khen mùi cà phê thơm ngon và nhanh tay đậy nắp món quà lại. Hằng sung sướng, mặt đỏ gay, nhắm mắt lại để tận hưởng cái hôn ngọt ngào vô hình, làm bộ khen thưởng của Hoàng. Cả hai người đều cố nấn ná ở lại sau tiệc tất niên. Hoàng làm bộ hỏi thăm, chúc tết hết em này tới em kia. Còn Hằng, cũng đóng kịch trong việc dọn dẹp mọi thứ để được rời lớp sau cùng. Khi chỉ còn lại hai người, Hoàng nhỏ nhẹ:

 -Cám ơn món quà đáng giá của em. Chúc em năm mới học giỏi, trẻ đẹp mãi.

 Hằng lí nhí trả lời:

 -Dạ, không có chi, cám ơn thầy. Em cũng kính chúc thầy luôn luôn khoẻ mạnh.

 Khi Hoàng đã lên xe đò để trở về Đà Lạt, Hằng cũng dùng xe đạp cùng với lũ bạn để trờ về khu đồn điền cà phê, cách xa trường hai, ba cây số. Về nhà lần này, sao Hằng cảm thấy chiếc xe đạp Peugeot nhẹ tênh, phóng vụt bay lên không gian như muôn ngàn cánh hoa tình ái đang rộn ràng đua hương sắc trong lòng nàng.

 An hưởng một cái tết âm lịch đầm ấm cùng bạn bè và mọi người thân, nhưng Hằng vẫn cảm thấy lạc lõng, thiếu thốn điều gì. Phải chăng tuổi thanh xuân kia đang sầu mộng, cô đơn vì thiếu vắng một bóng hình thân yêu nào? Tuổi dậy thì, cơ thể căng mọng sức sống của cô học trò lớp đệ nhị đang thèm khát, mộng mơ một chân trời xa lạ, quyến rũ, tạo cho Hằng cái cảm giác thẫn thờ, ghen hờn, buồn tủi vu vơ…

 Hơn hai tuần lễ nghỉ tết ta kéo dài lê thê, đằng đẵng như cả một thế kỷ cho hai kẻ chập chờn bước vào tình đầu êm ái thần tiên. Không phải chỉ có Hằng mới để ý tới Hoàng, mà chính chàng cũng âm thầm ngắm nhìn cô học trò khả ái, xinh đẹp, thuỳ mị ngay từ những ngày đầu chàng được phụ trách lớp nàng đang học. Chiếc áo dài trắng trong tinh khiết ôm lấy thân hình mảnh mai và mái tóc dài buông thả trên bờ vai hơi gầy của Hằng, như hình ảnh liêu trai kỳ dị, chập chờn, bao trùm lấy giấc mơ kỳ thú của Hoàng bấy lâu nay. Nhiều lần đi quanh lớp học để quan sát, giám thị các em làm bài, chàng đã từng đứng sau lưng Hằng, ngắm nhìn mái tóc mượt mà, bàn tay óng ả với những ngón tay thon gọn trắng hồng đang lướt nhanh trên tờ giấy học trò. Hơi thở trinh nguyên, thơm ngát, mắt nhìn e ấp, ngơ ngác khi Hoàng khảo bài nàng. Đôi mắt rướm lệ, nũng nịu, nhõng nhẽo khi không thuộc bài làm Hoàng đê mê, chất ngất. Đóng vai ông thầy nghiêm khắc, Hoàng đã phải cắn răng chịu đựng khi thấy Hằng bị chàng cho điểm xấu. Hằng, Hằng ơi, đừng trách anh. Hãy giúp anh ráng làm tròn bổn phận của mình. Chàng mỉm cười, đưa vở trả lại cho nàng, với đôi bàn tay đụng nhẹ vào nhau, như toa rập, che mắt đám học trò quái ác, tinh nghịch dưới kia. Hoàng tự nhủ, nếu không có đám học trò nghịch ngợm đó, Hằng ơi, anh đã ôm chầm lấy em, uống lấy những dòng nước mắt ấm áp và hôn đền bù em hàng triệu lần rồi…

 Biết cô học trò đã đền đáp, e ấp tỏ tình, Hoàng không còn lưỡng lự nữa, chàng phải chộp lấy thời cơ và tìm cách để gặp gỡ Hằng và gia đình nàng. Chàng năn nỉ ông hiệu trưởng dẫn chàng tới nhà nàng ngay cuối tuần, viện lý do là tạo sự thông cảm và gây mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Ông hiệu trưởng Bình, dù hơn chàng cả chục tuổi, nhưng vẫn còn độc thân, và cũng thích đứng làm mai mối, trung gian cho bao đòi hỏi của các thầy cô còn độc thân, trẻ trung. Trưa ngày chúa nhật, gia đình ông bà chủ đồn điền Hồng Quang-bố mẹ của Hằng-đón tiếp hai vị giáo sư của trường thật niềm nở. Những ly cà phê tự pha chế và nổi tiếng của gia đình, được đặc biệt mang ra mời hai vị khách. Chất cà phê đặc quánh như keo, phảng phất mùi rượu Cognac thơm nồng và chất béo ngầy ngậy của bơ Bretel, làm Hoàng ngất ngây, lảo đảo như người say rượu. Không hiểu chàng có say cà phê thật sự, hay đang choáng váng ngất ngư trong men tình, vì Hằng luôn luôn đứng bên cạnh chàng thù tiếp như khách quý của gia đình nàng. Những món thịt rừng thơm ngon, lạ miệng của vùng cao nguyên Trung phần, cũng được chủ nhân nấu nướng khéo léo, ngon miệng như: thỏ sốt vang, gỏi nai, heo rừng nướng trui…cũng được chủ nhân tận tình mời mọc. Những lần sau, tới thăm gia đình Hằng, Hoàng chỉ đi một mình. Chàng thân mật trò chuyện với hai đứa em trai của nàng-học sau chị hai lớp, cũng là học trò của Hoàng-như tạo mối giây bền chặt của mọi thành phần trong gia đình Hằng. Khung cảnh ấm cúng, cởi mở của một gia đình khá giả, hấp thụ nếp sống tây phương, làm Hoàng thấy thật thoải mái. Không tò mò nhiều vào đời tư của kẻ khác, nhưng Hoàng cũng nhận thấy nơi vóc dáng mượt mà, đơn giản nhưng thanh cao của bà mẹ Hằng, làm chàng kính nể và chàng thầm đoán là bà ấy cũng phải xuất thân từ một gia đình khuê các, hấp thụ một nền giáo dục cao. Bà mẹ ấy rất tinh tế. Bà hiểu rõ sự xuất hiện liên tục của Hoàng nơi gia đình nhà bà. Bà ta ít khi hỏi han đời tư của chàng, cũng như gốc gác, quê quán…, mà bà chỉ đưa ra những gợi ý về tương lai, cái nhìn về thời thế, quan niệm về địa vị, danh vọng…Chẳng hạn bà hỏi chàng: cậu có dự định học cao học, tiến sĩ không? Có mong ước đi du học ở ngoại quốc hay không? Hoặc cậu có muốn tìm địa vị nơi ban cao học hành chánh không? Những câu hỏi ấy, ban đầu làm Hoàng ngỡ ngàng. Vì chỉ những người đã từng tốt nghiệp đại học mới có những cái nhìn xa xôi ấy. Một nơi hẻo lánh, buồn tẻ này, mà lại xuất hiện những nhân vật kỳ lạ, tài học thâm sâu như vậy hay sao? Mà chuyện ấy lại xuất phát từ một người đàn bà, mới thật là kỳ thú. Sau này được thầy hiệu trưởng thông báo cho biết bà ta xuất thân từ một gia đình nổi tiếng khá giả ở miền Nam, đã từng du học bao năm trường ở bên Pháp. Không ai biết bà ta đã về đây sống khép mình như một cư sĩ ở ẩn, xa lánh trần tục, nhưng lại có hai cậu con trai khá bảnh giai và một cô nương xinh đẹp mà Hoàng đang trồng cây si khá nặng. Bố của Hằng cũng là người miền Nam, trông bình dị, xuề xoà. Nét phong lưu, tài học, không lộ ra ngoài, nhưng trông có vẻ chân chỉ hạt bột, biết chăm nom gia đình, trông coi vườn tược, đôn đốc chu đáo đám thợ Việt Nam và mấy chục người Thượng vạm vỡ, khoẻ mạnh. Đồn điền cà phê rộng mênh mông, hàng mấy trăm mẫu, nổi tiếng với loại cà phê nhỏ hột, khó trồng Arabica, thơm ngon, nức tiếng trong nước và ngoại quốc. Đồn điền ấy cũng đang cạnh tranh với mấy đồn điền vĩ đại khác của người Pháp kế cận.

 Đóng vai trò một ông thầy tại trường trung học công lập duy nhất tại Di Linh, Hoàng cũng như hầu hết các các thầy cô khác đều được mọi người biết mặt, biết tên. Thái độ dalat_bung_binh-large-contentniềm nở, kính trọng của phụ huynh học sinh, tự nhiên tạo cho giới giáo sư phải luôn luôn có thái độ thận trọng trong mọi hành vi của mình. Bởi vậy, dù yêu thương Hằng, Hoàng cũng không dám biểu lộ những cử chỉ yêu thương, thân mật khi gặp nàng tại trường học cũng như tại đường phố, hàng quán ở địa phương ấy. Nơi hò hẹn lý tưởng của hai người chỉ là thành phố Đà Lạt, cách xa Di Linh khoảng tám mươi cây số. Nhưng thường thường khi lên thành phố mộng mơ gặp Hoàng, Hằng luôn luôn có một cậu em trai đi kèm. Vì là học trò của Hoàng, nên cậu trai ấy cũng khá biết điều. Cậu ta luôn kiếm cớ đi mua sắm tại chợ Đà Lạt hoặc chui vào rạp xi nê Hoà Bình cả mấy tiếng đồng hồ để cho hai kẻ yêu nhau tự do tâm sự, âu yếm tỏ tình, giải toả bao khát vọng bị kìm hãm nơi quận lỵ nhỏ bé kia. Những nơi ghi đầy dấu vết yêu thương như sân Cù, quán Thuỷ Tạ chênh vênh bên bờ hồ Xuân Hương. Đuổi bắt hay nằm đè lên nhau dưới bóng mát của những hàng thông xanh ngát và những cây hoa anh đào đầy ngập bông hoa trên đồi đại học. Cùng nhau thưởng thức một vài bản nhạc tình tại quán cà phê Tùng. Dung dăng dung dẻ hay nép mình bên nhau trước những cơn gió lạnh thổi thốc vào mặt bên bờ hồ lạnh buốt…

 Cuối niên học, Hoàng lãnh bằng cử nhân và được gia đình Hằng chấp nhận cho làm đám hỏi, chính thức công nhận cho Hoàng làm con rể gia đình ông bà Hồng Quang. Đám hỏi thật thân mật ấm cúng, không ồn ào náo nhiệt như phần đông các nhà giầu có khác. Mấy thầy cô, bạn dạy tại trường đều xúng xính trong bộ đồng phục Việt Nam, ôm mâm quả khệ nệ, trông thật ngộ nghĩnh và tức cười. Bên đàng gái, ngoại trừ vài người bà con và bố mẹ của Hằng, còn toàn là học trò của Hoàng và bạn bè cùng lớp với Hằng. Mẹ của Hằng chưa muốn con gái mình làm đám cưới ngay chỉ vỉ muốn nàng tiếp tục học hết trung học và đeo đuổi thêm bốn năm đại học nữa. Điều ấy không làm đôi trẻ bận tâm. Cái quan trọng, với địa vị và tiếng tăm trong vùng của gia đình Hằng, đôi trẻ đã chính thức ra mắt họ hàng, để tránh những tiếng thị phi, làm mất uy danh nhà nàng. Đối với Hoàng, tuổi đời còn quá trẻ, mới hai mươi hai xuân xanh, chàng cũng muốn tiếp tục học cao hơn như cao học hoặc tiến sĩ cho thoả lòng mong muốn và ao ước bấy lâu nay. Nếu được đi du học ở ngoại quốc thì càng hay, cho mở rộng kiến thức. Mùa hè năm ấy, sau đám hỏi, hai người đã được tự do đi chơi đó đây. Họ đi thăm một số thành thị và thắng cảnh của đất nước như Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng. Dù đây không phải là tuần trăng mật, nhưng lại đầy ắp yêu thương ngút ngàn, tạo bao kỷ niệm êm đềm…

 Cuối tháng tám, khi hai người vừa từ Đà Nẵng trở về Di Linh, Hoàng nhận được một tin ít vui. Đó là lệnh gọi nhập ngũ từ nha động viên gửi tới. Tháng sau, chàng đã phải xa người yêu vào Thủ Đức ắc ê nghiệp lính. Chín tháng quân trường thay đổi con người thư sinh của Hoàng. Làn da đen xạm, rám nắng, tạo cho chàng vẻ khoẻ mạnh hùng tráng. Tóc tai cụt ngủn làm Hằng ôm chàng phì cười. Bao nhiêu mộng ước, kế hoạch xây đắp tương lai của hai người hầu như đứt đoạn. Chàng được điều động vào ngành pháo binh và đơn vị phục vụ tại một tỉnh miền Trung xa lắc. Đó là Qui Nhơn. Còn người vợ chưa cưới của chàng mới đậu xong tú tài hai và ghi danh học tại viện đại học Đà Lạt, cho gần gia đình nàng. Tuy hai người ở xa cách nhau, nhưng Hoàng cũng ráng tìm mọi cách để bay về Đà Lạt thăm nàng.

 Năm sau, năm 1975, tình hình chiến sự tại Việt Nam bùng nổ dữ dội, đe doạ sự sống còn của vùng đất tự do hiền hoà này. Tỉnh Phước Long mất một cách dễ dàng vào tay Cộng sản mà chính phủ ta không hề can thiệp. Mấy tháng sau, Cộng sản lại ồ ạt chiếm Ban Mê Thuột, đe doạ các tỉnh cao nguyên trung phần khác. Đà Lat, Di Linh, Lâm Đồng, dân chúng nhốn nháo. Một số người đã chạy ngay về Sài Gòn lánh nạn. Hoàng sốt ruột như lửa đốt, ngồi đứng không yên. Chàng cố đánh điện tín, khuyên gia đình Hằng phải di tản ngay về Sài Gòn cho yên dạ. Nhưng mọi thứ đều bị cắt đứt. Các phi trường dân sự đều đóng cửa. Khắp mọi nơi, từ tỉnh này tới tỉnh khác, dân chúng, rồi tới quân lính hỗn loạn, bỏ chạy. Không biết người ta sẽ chạy về đâu cho an toàn. Giữa tháng tư, các tỉnh miền trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…dần dần lọt vào tay cộng sản. Qui Nhơn cũng cùng chung số phận như các tỉnh khác. Hoàng khổ sở, khốn đốn, chuẩn bị thay đồ dân sự để len lỏi vào nhà dân chúng. Nhưng chàng chẳng quen ai. Tiếng nói miền Trung khác hẳn với giọng Bắc kỳ lai miền Nam của chàng, nên chàng hầu như lạc lõng, xa lạ với dân chúng địa phương. Chẳng lẽ đành ngồi chờ chết, bó tay đầu hàng cộng sản hay sao? Một số du kích địa phương đã bắt đầu xuất hiện. Hoàng bàn với một số sĩ quan cố liều tìm đường sống, bằng cách bơi ra biển xa xa, nơi đang có bóng dáng của một số tầu hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ. Một thách đố ghê gớm, vì chàng chưa bao giờ bơi ngoài biển, ngoại trừ bơi ở hồ tắm ngắn ngủi, an toàn. Đứng trước cái chết, ai cũng cố vươn lên để tìm đường sống. Chân tay chàng tự nhiên bơi thoăn thoắt, mạnh khoẻ hẳn lên.Vượt hơn hai hải lý ngoài biển cả, chàng đã may mắn được tầu hải quân Mỹ cứu vớt. Lên tầu, ai cũng nằm mệt nhoài, thở phì phào cả mấy tiếng đồng hồ. Mấy hôm sau, miền Nam sụp đổ hoàn toàn. Hoàng được tầu Mỹ đưa qua Subic Bay ở Phi Luật Tân lánh nạn. Tại đây, một số lều tạm cư đã được dựng lên từ mấy tuần trước. Đồng bào ta cũng khá đông đảo, lên tới mấy ngàn người. Nhìn gia đình người ta trò chuyện, bàn về cuộc sống tương lai tại Hoa Kỳ, Hoàng ngao ngán và chán nản. Hằng, Hằng ơi, bây giờ em đang ở đâu? Có tìm đường thoát thân hay không? Sống chết ra sao hở em? Hoàng than thân trách phận, gào thét trong giấc ngủ, kêu gọi người yêu. Nhiều lúc, chàng như lên cơn sốt, âm thần mê loạn… Trời tháng năm, nóng cháy, người ta lũ lượt rủ nhau ra biển ngụp lặn trong làn nước mặn. Hoàng cũng ra biển Subic để hóng mát, nhưng chàng lờ đờ như kẻ vô gia đình, không người thân, lặng lẽ như kẻ mất hồn. Chàng lê la, nằm vật vờ trên những bãi cát dơ bẩn, mắt thẫn thờ, rướm lệ. Tiếng sóng biển vỗ mạnh vào bờ như những tiếng súng trận, bắn đùng đùng vào con tim tan nát của chàng. Bên kia bờ đại dương xa thăm thẳm, là quê hương tan nát, đang bị dìm sâu vào một chế độ độc tài oan nghiệt…

 Hôm nay, Hoàng thấy một chiếc tầu thương mại Việt Nam cập bến. Đó là con tầu Việt Nam Thương Tín. Hàng ngàn người Việt đổ ào xuống trại để xin tỵ nạn.Chàng xấn xổ tới, để xem có ai quen biết, thân thuộc chăng? Biết đâu, chẳng có Hằng và gia đình nàng xuất hiện. Phép lạ, phép nhiệm mầu xẩy đến bất ngờ, nào ai có hay? Chẳng tìm được ai thân quen. Bao nhiêu hy vọng lại tan thành mây khói. Tuần lễ sau, chuyện lạ lại xẩy đến với con tầu định mệnh Việt Nam kia. Một số người, vì ra đi bất ngờ, không mang được người thân đi theo, nên họ đã quyết định lái tầu trở về Việt Nam. Hoàng phân vân, cũng muốn leo lên chiếc tầu định mệnh ấy trở về đất nước, hầu có cơ hội đi tìm người hoadaotet4_-_copy__2_-large-contentvợ chưa cưới, người yêu đầu đời cho đỡ nhớ thương. Chàng chuẩn bị một gói hành trang đơn giản để trở về quê hương như bao người khác. Sáng hôm sau, chàng đã có thể rong ruổi đại dương mênh mông để trở về nơi cũ tìm người yêu được rồi. Đâu có gì phải đắn đo, suy nghĩ nữa. Con người đâu cũng có một lần chết. Được chết bên cạnh người mình yêu cũng là một diễm phúc rồi. Đêm hôm ấy, chàng đi ngủ sớm hơn thường lệ, chắc khoảng mười giờ đêm.Từ ngày tới trại tạm cư này, chàng không bao giờ chợp mắt sớm được.Trung bình, phải hơn mười hai giờ khuya, mệt nhoài quá, chàng mới thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Vừa mới chợp mắt được hơn nửa giờ, Hoàng như bị ai lắc mạnh vào vai, đánh thức chàng dậy. Hình bóng áo trắng mờ nhạt của người yêu chập chờn xuất hiện, như thúc dục, nhắn nhủ chàng điều gì. Hoàng ngồi bật dậy, lắc đầu, lẩm bẩm, rồi lại đi ngủ tiếp, như xoá bỏ cơn mê sảng vừa rồi. Nhưng lạ lùng thay, cả đêm hôm ấy, chàng bị ám ảnh bởi hình bóng người yêu đánh thức chàng dậy nhiều lần. Hình bóng ấy không còn hiền hoà xuất hiện nữa, mà lại mang dấu vết đau khổ, khóc lóc, như van xin chàng. Hai giờ sáng, chàng tỉnh dậy, pha ly trà lipton nóng hổi, uống cho tỉnh táo. Chàng dùng lý trí để suy đoán những cơn mộng mị vừa qua, chập chờn đầy hình bóng kỳ dị của người mình yêu, đã nhắn nhủ, than van điều gì. Chàng đăm chiêu suy nghĩ. Không biết việc mình quyết định trở về Việt Nam có đúng hay không? Chẳng lẽ việc làm ấy sai lầm chăng? Thần giao cách cảm của hai người, xa cách nhau hàng vạn dặm, mà cũng thấu hiểu nhau hay sao? Hằng, Hằng ơi, anh phải làm sao đây? Sao anh có thể trốn khỏi quê hương, bỏ lại em đơn độc được? Tình yêu mình mới ươm nóng được hơn một năm, đã phải chia lìa, đứt đoạn hay sao? Tuy vậy, việc một số sĩ quan của chế độ cộng hoà có được sự chấp nhận dễ dàng hay không? Hay người ta lại nghi ngờ mình đã có một âm mưu nào đó trước khi về nước. Đám chính trị viên cộng sản có nghi mình là gián điệp CIA hay không? Nguy thật, điều này trước đây chàng không bao giờ nghĩ tới. Biết đâu, công an cộng sản sẽ dàn hàng ngang, đứng chờ tại hải cảng Sài Gòn để còng tay đám người ngu muội, đẩy vào nhà tù kinh khủng đoạ đầy. Làm gì còn cơ hội để đi tìm người yêu nữa. Tự do đang trong tầm tay, không biết trân quý nó, lại muốn chui đầu vào rọ hay sao? Bao năm trời học hành, mà lại ngu dốt quá như vậy hay sao? Hoàng mông lung suy nghĩ, uống hết ly trà này tới ly trà khác, không tài nào chợp mắt được.Tới bẩy giờ sáng, chàng quyết định ngủ vùi và bỏ luôn chuyện trở về Việt Nam, theo đám người ngờ nghệch kia. Chàng “ngủ ngày” một giấc thật dài, và không bị hình bóng người yêu đánh thức dậy nữa.

 Tại trại tị nạn Indian Town Gap, Hoàng được một nhà thờ tin lành bảo trợ, định cư tại một thị xã nhỏ xíu, cách Dallas khoảng một trăm miles. Đó là thành phố Longview, dân cư khoảng mười lăm ngàn người. Nơi đây có khoảng năm gia đình Việt Nam. Đạo Mormont khá thịnh hành, nên ngày chúa nhật muốn nhậu nhẹt phải lái xe mấy chục miles qua thị xã khác. Mới tới Longview được hơn tuần lễ, sponsor đã tìm cho ngay một việc lao động, tại hãng Kingtools, lương khoảng 4 đồng 25 xu một giờ. Ngày ngày thử mấy ống lọc dầu, xem có xì hơi chỗ nào không. Trời lạnh rét căm căm, mặc hai ba lớp quần áo dầy cộm, vẫn thở ra khói phì phào. Ăn lễ tạ ơn đầu tiên nơi xứ người, với gà tây nhạt miệng, cà phê chua lè làm chàng nao nao nhớ nhà, nhớ người yêu biệt vô âm tín của mình. Người thân thuộc của Hoàng bây giờ là mấy gia đình Việt Nam cùng thị xã. Tình đồng hương cũng mang lại một chút hơi ấm cho con người đơn độc như chàng. Cắm đầu cắm cổ làm việc và ráng dành dụm được ít tiền. Cho tới năm 1990, khi được phép về thăm Việt Nam, Hoàng đã hối hả bay về quê hương để tìm lại người yêu thủa nào. Về tới Di Linh, phố xá hoàn toàn xa lạ. Đồn điền của gia đình người yêu vẫn còn, nhưng đã đổi chủ, biến thành hợp tác xã cà phê Lâm Đồng, do nhà nước quản trị. Đi tìm mãi, cũng vớ được vài người học trò cũ. Nhưng không ai biết rõ gia đình của Hằng bây giờ ở đâu. Có người nói gia đình ông bà Hồng Quang đã về quê ngoại tại Cần Thơ. Có kẻ bảo họ đã qua Pháp định cư. Một số dư luận khác lại mách nước rằng họ bị kẹt trên đường di tản về Sài Gòn, có lẽ bây giờ họ đang sống tại Phan Rang, vì có người thân cư ngụ ở đấy lâu đời rồi. Lấy vacation một tháng trời không đủ, Hoàng phải xin phép hãng gia hạn thêm một tháng nữa, để cố gắng tìm cho ra chỗ ở của gia đình Hằng. Nhưng số kiếp vắn hạn, đi tới nơi đâu, chàng cũng không tìm ra manh mối gì. Trở về Mỹ, trong trạng thái chán nản ê chề, chàng đã bỏ nghề cũ, tìm về một thành phố đông đúc người Việt để biết đâu có thể tìm ra manh mối người yêu đầu đời của mình chăng! Về California nắng ấm, chàng đã tìm được một số người quen ở Di Linh. Nhưng tuyệt nhiên, không ai biết rõ gia đình Hằng bây giờ ở đâu. Nhắn tin trên đài phát thanh tiếng Việt, đăng báo tìm người nhà trên hầu hết các báo Việt ngữ cả mấy tháng trời, cũng chẳng rõ tông tích gì. Hằng, Hằng, bây giờ em ở nơi đâu? Sống chết thế nào cũng phải báo mộng cho anh biết chứ. Hoàng lẩn thẩn, lờ đờ như kẻ mất hồn. Mấy năm sau, không còn hy vọng gặp lại người yêu đầu đời, chàng gá nghĩa với một bà nạ dòng, đã có hai mặt con. Thôi, con người khác cũng như con mình. Ráng yêu thương, đùm bọc cho êm ấm gia đình. Mối tình lỡ làng ấy cũng kéo dài được vài năm. Thói ghen tương, dở chứng bất thường của người vợ mới này khi nhìn hình chàng chụp chung với Hằng năm nào, đã gây bao cảnh dở khóc dở cười. Làm sao Hoàng có thể quên được hình bóng cũ của người yêu đầu đời, đầy ắp kỷ niệm yêu thương ấy. Sự tan vỡ dĩ nhiên cũng xẩy ra sau hơn ba năm chung sống. Hoàng lại đơn độc, sống lủi thủi trong nhung nhớ hình bóng cũ của mình. Để giải khuây và tìm lối thoát, chàng đã tham gia vào một số phong trào thiện nguyện, đi thăm một số bệnh nhân không người thân quen, giúp đỡ và an ủi họ trong tuổi già, bệnh tật. Ngoài ra, Hoàng còn tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo của mình. Chàng dành tất cả thời giờ rãnh rỗi vào các công tác xã hội ấy.

 Tuổi đời chồng chất, từ một chàng sinh viên yêu đời, có người yêu xinh đẹp, ấp ủ bao mộng đẹp, bây giờ chàng sắp trở thành cụ già cô độc, lang thang nơi xứ người. Kể cũng tội nghiệp cho kiếp người lưu vong. Từ những bất hạnh và chán nản cùng cực ấy, chàng đã khám phá ra một tình yêu mới. Đó là tình yêu nhân loại. Có tình yêu trai gái nào lại không đam mê, không ích kỷ. Ai cũng cố bám víu lấy thần tượng, bảo vệ, che chở, đôi khi cố tình hãm hại kẻ khác, để đạt cho bằng được người yêu dấu của mình. Còn tình yêu đồng loại đầy vị tha, hoà đồng, nhuốm mầu sắc hy sinh. Giúp đỡ một cụ già xoa nắn đôi bàn chân tê bại, nhìn thấy nụ cười hé nở trên môi của họ, ta đã cảm thấy hạnh phúc, hân hoan. Đọc cho người bệnh một đoạn thánh kinh, một câu niệm Phật, họ đã rưng rưng giọt lệ mừng tủi. Đùa dỡn, giúp đỡ các em bé tật nguyền trong viện mồ côi cũng là niềm an ủi, khích lệ lớn lao cho các em bé bất hạnh ấy rồi.

 Hôm nay đi công tác, phái đoàn của Hoàng sẽ đi thăm bệnh nhân tại nhà thương Saint Joseph. Chàng đi chung với một số nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Nghe nói, có một số chị mới từ Việt Nam qua Mỹ công tác cũng đi cùng. Tới nhà thương, phái đoàn chia làm nhiều nhóm nhỏ khác nhau để thăm hỏi được nhiều bệnh nhân. Tám giờ tối, hai phái đoàn họp lại tại hội trường nhà thương để chào hỏi lẫn nhau trước khi chia tay. Qua ánh sáng mờ ảo của căn phòng rộng lớn, Hoàng nhác thấy một bóng dáng quen thuộc từ nhóm bà sơ áo đen đang trò chuyện xa xa ở góc phòng hội. Dù trời tối, sơ ấy vẫn đeo kính đen, làm chàng khó hiểu.Tới gần, Hoàng giật mình, vì sơ Khổ Hạnh-tên đeo trên ngực-có vóc dáng rất thân quen của Hằng năm nào. Tóc sơ cắt ngắn, lấm tấm nhiều sợi bạc phất phơ, nghiêm nghị và lớn tuổi, nếu so sánh với các sơ khác đang hiện diện. Hoàng đánh liều gạn hỏi:

 -Thưa sơ, xin phép cho tôi hỏi sơ một câu đường đột. Sơ có người bà con nào tên Hằng, sinh sống tại Di Linh trước năm 75 không?

 Hoàng chưa nói dứt lời, sơ Khổ Hạnh đã quay quả bước đi, nước mắt đầm đìa sau làn kiếng đen đoạ đầy. Hoàng chạy theo, bạo dạn nắm vai sơ, gỡ kiếng sơ xuống. Đúng, đúng là Hằng của chàng năm nào. Trời ơi, Hằng của anh đây mà. Gần ba chục năm đi tìm, bây giờ nàng đang đứng trước mặt mình. Phải chăng đây là phép lạ, sự thật chăng? Chàng cũng khóc đầm đìa, vai rung lên từng hồi, chân rủn ra như muốn khuỵ xuống. Sau những bàng hoàng cảm xúc, hạnh phúc pha lẫn khổ đau, Hằng mới tóm tắt cuộc đời bôn ba, tất tưởi của mình:

“…Cuộc chạy trốn của cả gia đình em từ Đà Lạt về Nha Trang thật đớn đau và bi thảm. Hàng trăm, hàng ngàn người bị thương vong, chết chóc vì đạn pháo kích và súng bắn tua tủa từ bìa rừng vào đoàn người lê thê, lếch thếch chạy giặc. Bố em bị tử nạn, mẹ em bị thương nơi chân. Chúng em không thế nào chạy theo kịp đoàn di tản được. Chỉ còn khoảng hai mươi cây số nữa, gia đình em đã tới gần nơi trú ngụ của cậu mợ Năm ở Phan Rang. Ba chị em cố gắng chôn vùi bố sơ sài bên vệ đường. Xé quần, xé áo để băng bó vết thương nơi chân mẹ, nhưng máu me ra nhiều quá làm mẹ hay ngất xỉu. Tuy vậy, khi tỉnh lại, mẹ cứ xua đuổi tụi em, hãy chạy đi cho lẹ, bỏ mẹ lại một mình. Mẹ không muốn tụi em bị nạn, rủi ro dọc đường. Nhưng làm sao các con có thể bỏ mẹ lại được. Mẹ la hét, chửi bới chúng em là không biết nghe lời. Cuối cùng, mệt mỏi quá, mẹ thiếp đi lúc nào không hay. Tiếng súng đạn vẫn nổ rần trời, bay ào ào vào con đường di tản khốn khổ. Tụi em lôi mẹ vào con lạch nhỏ bên vệ đường để tránh đạn và nghỉ ngơi. Cả ba chị em thiếp đi lúc nào không hay. Lúc em tỉnh dậy, thấy mình đã bị cột vào một gốc cây, quần áo bị xé rách tơi tả, hở hang. Nhìn chung quanh, em thấy cả đám phụ nữ khác cũng cùng chung số phận. Hai đứa em trai và mẹ thì biến đi đâu không biết. Đám người háu đói đàn bà, bắt nhốt chúng em, giọng nói tiếng Việt lạ hoắc, cánh tay đeo khăn đỏ, khoác súng AK lễ mễ trên vai, chung quanh bụng, nịt những bịch như những bao gạo nhỏ. Chúng hãm hiếp em cả hơn tuần lễ, hết đứa này tới đứa khác, như những lũ quỷ sa tăng khốn kiếp. Em xỉu đi, xỉu lại nhiều lần, không ngồi dậy nổi. Nước mắt đầm đìa van xin, chúng cũng không buông tha. Gần hai tuần lễ giam cầm, thấy em không dùng được nữa, chúng lôi em ra vệ đường để em chết khô, rữa nát, hoặc cho thú dữ ăn thịt. Ngày qua ngày ,em cố lê lết thân tàn ma dại, tìm được người thân ở Phan Rang. May mắn thay, cậu mợ Năm vẫn ở tại chỗ cũ, không chạy trốn đi đâu. Về đây, em đã gặp lại được mẹ, nhưng hai đứa em trai vẫn biệt vô âm tín. Cả mấy tháng trời được mợ Năm săn sóc kỹ lưỡng, em mới lại sức và tỉnh táo dần. Nhưng quái lạ thay, mấy tháng sau, cơ thể em tự nhiên ngứa ngáy nhiều chỗ. Đi tìm được bà y tá địa phương, mới hay mình đã mắc bệnh phong tình do lũ quỷ đỏ lan truyền. Thật khốn kiếp và xấu hổ. Đã mấy lần, em dùng thuốc quyên sinh, nhưng đều bị mợ Năm bắt gặp và ngăn cản. Nếu không, chắc giờ này em cũng chẳng còn gặp được anh và đã bị quỷ sa tăng giam cầm rồi. Ở với mợ Năm đươc hai năm, em rời nhà, đi tìm tin tức của anh ở Qui Nhơn, Sài Gòn và Đà Lạt, nhưng không ai biết anh ở đâu. Xấu hổ lẫn mặc cảm cho thân phận của mình, em vào dòng tu Mến Thánh Giá, xin theo chân chúa, phục vụ xã hội và con người. Hơn hai năm mong đợi tin tức hai đứa con trai vẫn không thấy gì, mẹ em chán nản, hết hy vọng. Nên, sau khi em đi tu, mẹ tìm về quê ngoại, đang sống ở Lyon bên Pháp, bảo trợ bà qua đó, sống thanh thản cho hết cuộc đời còn lại của bà. Mẹ em rất thù ghét bọn quỷ đỏ, đã giết hại chồng bà, hành hạ em, và bắt cóc hai đứa con trai đi biệt tăm, biệt tích. Mẹ thề, sẽ không bao giờ trở về mảnh đất khốn khổ này, nếu còn lũ quỷ đỏ tung hoành. Khi anh về Việt Nam tìm em và ra Phan Rang kiếm tìm gia đình cậu mợ Năm, cậu mợ ấy đã cố tình lánh mặt và có thông báo cho em biết. Đừng trách cậu mợ ấy, vì chính em đã dặn dò họ kỹ điều này. Khi được tin anh khoẻ mạnh, sống an lành tại Mỹ, em đã mừng mừng, tủi tủi. Nhiều lúc, em muốn cởi bỏ áo dòng, thông báo cho anh biết. Nhưng thân thể nhơ nhuốc, bệnh tật tầy đình, dơ bẩn như con điếm tồi tàn, em không thế nào còn xứng đáng với chân tình của anh được nữa. Xin anh hãy tha thứ cho em…”

 Chuyện của người yêu như một dấu ấn thê thảm, hằn sâu vào tâm khảm của Hoàng. Chàng thẫn thờ như kẻ mất hồn. Chàng không ngờ, người vợ chưa cưới của mình lại lãnh chịu những khổ đau, những bất hạnh ghê gớm như vậy. Phải chi, những cảnh khốn cùng ấy sao không trao cho chàng gánh vác? Trời ơi, thân con gái yếu đuối, quen sống trong nhung lụa, chiều chuộng, lại phải đoạ đầy như vậy hay sao? Hoàng khóc rống lên như kẻ điên dại, bất kể mọi đoàn viên đông đảo đang hiện diện. Chàng ôm chặt lấy vai Hằng, giọng thổn thức:

dalat_nha_tho-large-content -Chuyện dĩ vãng, đau khổ của cả một dân tộc, đâu có phải riêng một mình em bị nạn. Anh vẫn kính trọng và yêu thương em như thủa nào và mãi mãi. Anh sẽ bảo trợ cho em ở lại Mỹ, chúng ta hãy sống cho nhau, giúp đỡ nhau cho trọn cuộc tình.

 -Cám ơn anh, em bây giờ mới là kẻ sung sướng nhất đời. Tấm chân tình mà anh đã dành cho em từ mấy chục năm nay vẫn không thay đổi. Em rất hãnh diện và ôm ấp lấy nó. Tới ngày nhắm mắt xuôi tay, em vẫn còn trân quý. Như anh đã biết, bây giờ chúng ta già rồi. Những bồng bột đam mê của tình yêu trai gái không còn nữa, ngoại trừ việc an ủi, giúp đỡ nhau để sống những ngày còn lại. Em đã hiến mình cho chúa và dâng trọn cuộc đời mình trong việc phục vụ đức tin, cho tha nhân và xã hội. Em không thể bỏ được. Phải chăng, anh cũng đang phục vụ cho lý tưởng ấy? 

 Hoàng gật đầu trong làn nước mắt nhạt nhoà.


 Buổi tối thứ bẩy, sau thánh lễ tiếng Việt tại nhà thờ Thánh Linh thuộc thị xã Fountain Valley, người ta vẫn còn thấy một bà sơ, quỳ bên cạnh một người đàn ông đứng tuổi. Hai người ấy còn quỳ lậy bên bàn thánh, cầu nguyện rất lâu. Bộ mặt hai người rất nghiêm trang, thánh thiện. Họ đang cầu xin thượng đế giúp đỡ họ giữ mãi được tình yêu vĩnh cửu, tình yêu tuyệt đối nơi đức tin và tha nhân… “

Ngọc Yến

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn