Thông Điêp Mùa Giáng Sinh * Mục Sư Nguyễn Thí

10 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 53622)

Tấm Thiệp Giáng Sinh

 

Mục Sư Nguyễn Thỉ

(Học Trần Hưng Đạo từ 1957-1964 (B2). Học Thần Học ở Philippines từ năm 1969-1974. Phục vụ với Đài Phát Thanh Viễn Đông (Nguồn Sống) tại Philippines, Việt Nam và Hoa-kỳ từ năm 1970. Phụ trách Chương Trình Phát Thanh Tin Lành từ năm 1993. Hiện là Mục sư Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Orange và giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện tại Anaheim, California)


Giáng Sinh năm nay Bạn có nhận được nhiều thiệp chúc mừng không? Thiệp Giáng Sinh là một thông lệ tốt nhưng cũng có khi chỉ còn là thông lệ và không còn ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên một Giáng Sinh nọ tôi nhận được hai tấm thiệp thật hay và tôi muốn chia sẻ với Bạn.

jesuschrist-large-contentTấm thiệp Giáng Sinh thứ nhất có nội dung như sau:

Chúa đã đến để trả món nợ mà Ngài không mắc bởi vì tôi mắc món nợ mà mình không thể trả

Đây thật là một trong những câu tóm tắt đầy đủ nhất ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là nói đến niềm vui, tại sao lại nói đến nợ? Bạn có mắc nợ ai bao giờ chưa? Mắc nợ thật là khổ bởi vì lúc nào cũng có một gánh nặng canh cánh bên lòng. Nước Mỹ là nước giàu mạnh nhưng cũng là nước mắc nợ nhiều nhất. Người dân Mỹ cũng vậy, nhất là trong dịp Giáng Sinh, người ta có khuynh hướng dùng thẻ nợ thật nhiều để mua sắm rồi năm sau đi làm để trả nợ. Cứ hãy tưởng tượng mình mắc một món nợ mà suốt đời không trả nổi, thật là đau khổ.

Ở Mỹ đây mỗi người đều có nhà có xe nhưng hầu như mỗi người đều mắc nợ ngân hàng. Ngân hàng có thể lấy lại xe, lấy lại nhà bất cứ lúc nào nếu ta không có tiền trả. Trên một phương diện, mỗi chúng ta đều là những con nợ. Chúng ta mắc nợ vì chúng ta có tội. Tội lỗi giống như một món nợ đè nặng trên cuộc đời chúng ta, đi đâu chúng ta cũng bị nó đeo đuổi. Chúng ta muốn sống một đời thanh thản nhẹ nhàng nhưng không được vì bản tính tội lỗi trong ta, luôn luôn thúc đẩy chúng ta làm những việc không nên làm. Chúng ta không vượt thắng được mỗi khi bị cám dỗ và khi đã mắc tội, trong lòng chúng ta bối rối, không yên. Bất an bao giờ cũng đeo đuổi theo chúng ta, trong ta lúc nào cũng có một cái gì canh cánh bên lòng.

Chúng ta tìm nhiều cách để thoát khỏi gánh nợ tội lỗi đó nhưng không được. Con người chúng ta sống trong cái vòng lẩn quẩn, cố thoát ra mà không được. Càng cố gắng, chúng ta càng thất bại vì như lời Thánh Kinh dạy: “Mọi việc công chính của chúng ta khác nào một chiếc áo dơ bẩn.” Con người sinh ra với bản tính tội lỗi cho nên có làm gì đi nữa cũng chỉ sinh thêm tội. Như cây chanh ra bao nhiêu trái vẫn chua vì gốc rễ của nó là chanh. Con người tội lỗi thì dù cố gắng gì đi nữa cũng chỉ sinh ra tội lỗi. Đó là món nợ muôn đời chúng ta không bao giờ trả nổi. Có trả chăng thì đó là hình phạt đời đời nơi hỏa ngục. Nhưng dù cho Bạn không tin nơi hỏa ngục đi nữa thì ngay trên đời nầy, chúng ta cũng phải sống trong những tháng ngày khổ đau, dằn vặt. Bình an và thanh thản của tâm hồn không bao giờ có bởi vì món nợ tội lỗi ngàn đời ta không bao giờ trả nổi!

Giáng Sinh là ngày kỷ niệm Chúa Cứu Thế giáng trần để trả món nợ tội lỗi đó cho chúng ta. Chúa Giê-xu là Đấng vô tội, chỉ một mình Ngài mới có thể trả món nợ tội lỗi cho chúng ta. Thánh Kinh cho biết Ngài hủy bỏ giấy nợ và đem đóng đinh tại cây thập tự. Vâng, tại cây thập tự, nơi Chúa bị đóng đinh, Chúa đã trả mọi món nợ cho chúng ta. Tội lỗi đòi hỏi hình phạt và Chúa Giê-xu đã gánh lấy hình phạt đó thay cho chúng ta.

Sách vở ghi lại rằng một đêm kia A-lịch-sơn đại đế đi thăm doanh trại. Nhà vua đến một căn lều thấy một binh sĩ đang gục đầu trên một mảnh giấy dài. Nhìn vào nhà vua thấy đó là miếng giấy ghi những khoản nợ mà người đó mắc vì tính cờ bạc của mình. Cuối trang giấy nợ là hàng chữ: “Ai trả cho nổi những món nợ nầy?” Bên cạnh đó nhà vua cũng thấy thanh gươm mà người lính đã để sẵn để tự tử vì không có tiền trả nợ. Nhà vua yên lặng cầm lấy cây viết và viết vào bên dưới tờ giấy nợ. Một lúc sau, người lính giật mình tỉnh giấc, toan hại mình. Nhìn vào tờ giấy nợ lần chót, anh ngạc nhiên thấy dòng chữ: “Ta, A-lịch-sơn, có thể trả món nợ nầy!” Người lính sung sướng cầm tờ giấy nợ chạy đến nhà vua để nhận món tiền thanh toán nợ nần.

Trên một phương diện, chúng ta cũng chẳng khác gì người lính đó, mắc món nợ đời đời không thể trả vì quá lớn, quá nặng. Nhưng Thiên Chúa thương yêu chúng ta, đã đến trần gian trả món nợ đó cho chúng ta bằng cách chịu chết trên cây thập tự. Mùa Giáng Sinh là mùa nhắc chúng ta nhớ đến tình yêu cao cả đó, biết rằng Chúa đã giáng trần trả món nợ tội lỗi thế cho mình. Chúng ta cần mở rộng tâm hồn tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài.

Tấm thiệp Giáng Sinh thứ nhì mà tôi nhận được trong Mùa Giáng Sinh năm đó. Tấm thiệp có dòng chữ như sau:

jesuschrist3-large-contentChúa Giê-xu là sự sống mà chỉ thiên đàng mới có thể ban cho và Ngài là món quà mà chỉ tâm hồn nào rộng mở mới có thể tiếp nhận.

Câu nầy mang một ý nghĩa thật tích cực trong mùa Giáng Sinh vì nói đến sự sống và món quà, nói đến thiên đàng và tâm hồn chúng ta. Chúa Giê-xu đến trần gian nầy trong hình hài thể xác của một em bé nhưng Ngài chính là Thiên Chúa trong thân xác con người và Thánh Kinh cho biết, trong Ngài có sự sống. Chúa Giê-xu đã đến để đem sự sống và ban cho chúng ta sự sống. Sống thì ai trong chúng ta cũng đang sống cả nhưng sống như thế nào đó là một vấn đề khác. Bạn đang sống nhưng sống như thế nào? Sống một cuộc đời sung mãn, thỏa lòng hay Bạn đang kéo lê những ngày dài trên đất? Con người chúng ta chỉ sống thật khi chúng ta có sự sống của Chúa. Chúa phán: “Ta đã đến để cho chiên được sống và sống sung mãn.” Đời sống chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu. Bạn có biết mục đích của đời mình và có biết điều gì sẽ xảy đến cho mình sau khi từ giã cõi đời nầy không? Trả lời được hai câu hỏi đó mới là sống thật.

Chúa Giê-xu đã giáng sinh để ban cho chúng ta sự sống thật đó nếu chúng ta bằng lòng mở rộng tâm hồn tiếp đón Ngài. Đó là phần thứ hai của lời chúc trong tấm thiệp Giáng Sinh tôi vừa đọc cho Bạn. Chúa Giê-xu là món quà mà chúng ta chỉ có thể nhận được bằng tâm hồn của mình. Chúa Giê-xu đã đến trong đêm tối âm thầm mà chỉ những gã mục đồng với tấm lòng đơn thành mới được báo tin để đến tôn thờ Ngài.

Vì sao lạ đã xuất hiện bên trời Đông nhưng chỉ những tâm hồn tìm kiếm mới ra đi để gặp được Chúa. Chúa Giê-xu đã giáng sinh hơn 2,000 năm qua nhưng chỉ những ai mở rộng tâm hồn tiếp đón Chúa, người đó mới kinh nghiệm được sự sống thật của thiên đàng.

Chúa đã phán câu nầy: “Nầy, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, ta sẽ vào cùng người đó, dùng bữa với người và người với Ta.” Chúa so sánh tâm hồn chúng ta như một cánh cửa. Cánh cửa mà chỉ người bên trong mới mở được. Chúa không ngang nhiên đột nhập hay phá cửa mà vào nhưng Ngài chỉ yên lặng gõ cửa. Ngài đã gõ cửa lòng Bạn nhiều lần, nhiều cách và những dòng chữ Bạn đang đọc là một những tiếng gõ cửa đó. Bạn có nghe tiếng Ngài gõ cửa và có sẵn sàng mở cửa cho Ngài ngự vào tâm hồn Bạn không? Chúa bảo nếu chúng ta mở cửa Ngài sẽ ngự vào và tương giao thân mật với chúng ta như hai người bạn ngồi dùng bữa với nhau. Hãy nhớ Chúa Giê-xu là sự sống chỉ thiên đàng mới có thể ban và chỉ tâm hồn nào rộng mở mới có thể đón nhận.

Giáng Sinh nầy Bạn nhận được bao nhiêu tấm thiệp rồi? Nhưng dù là nhiều thiệp hay không có thiệp nào, tôi muốn gởi đến Bạn hai tấm thiệp nầy, ước mong Bạn sẽ dành thì giờ đọc và suy gẫm đến ý nghĩa của những lời trong hai tấm thiệp để có một Mùa Giáng Sinh thật hạnh phúc và ấm áp.

Tấm thiệp thứ nhất:

Chúa đã đến để trả món nợ mà Ngài không mắc bởi vì tôi mắc món nợ mà mình không thể trả

Tấm thiệp thứ hai:

Chúa Giê-xu là sự sống mà chỉ thiên đàng mới có thể ban cho và Ngài là món quà mà chỉ tâm hồn nào rộng mở mới có thể tiếp nhận

Tấm thiệp thứ nhất nói lên điều Chúa đã làm cho chúng ta: Ngài đã giáng sinh, chịu chết để chuộc tội, để trả nợ cho chúng ta. Tấm thiệp thứ hai nói lên điều chúng ta cần làm đối với Chúa. Điều duy nhất chúng ta có thể làm để đáp ứng tình yêu cao cả Chúa dành cho chúng ta là mở rộng tâm hồn tiếp đón Ngài. Ước mong Bạn sẽ làm điều đó hôm nay.

Trong Mùa Giáng Sinh nầy mời Bạn tìm đến một nhà thờ Tin Lành để tìm hiểu thêm về mục đích và ý nghĩa của lễ Giáng Sinh để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và mời Ngài ngự trị tâm hồn.


Mục sư Nguyễn Thỉ

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn