THỜI GIAN…LẮM CHUYỆN *

03 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15074)

THỜI GIAN…LẮM CHUYỆN

Phong Châu


 Không phải cho đến bây giờ tôi mới mở miệng để thốt lên những lời như “Thời gian đi quá nhanh, thời gian qua mau quá…” hay nói theo kiểu sách vở “bóng câu qua cửa sổ…thời gian như thể tên bay…” vân vân và vân vân… Thời gian đối với tôi thực sự là một bóng ma cứ theo đuổi tôi từ ngày này sang ngày nọ, hết tháng này qua tháng khác…nó luôn chạy theo tôi phía đằng sau lưng cho nên lúc nào tôi cũng thầm van xin nó đừng quật ngả tôi bất ngờ. Ngược lại tôi cũng đánh giá nó cao qua hai hình ảnh tương phản nhau: Nó là bạn và nó cũng là thù. Nó thật sự là một người bạn đồng hành đã đi theo tôi trong suốt hơn sáu mươi năm với những hạnh phúc lẫn khổ đau, may mắn lẫn bất hạnh. Tôi vô cùng biết ơn nó. Nó lại là kẻ thù duy nhất cứ mãi rình rập quanh tôi để chờ cơ hội là đánh gục tôi để không cho tôi có cơ hội đứng dậy nữa. Tôi biết điều đó nên cuộc sống của tôi ngày càng phải tăng tốc, không phải để kiếm những lợi nhuận cho đời sống cá nhân nữa, mà trong giai đoạn này là để làm hết những gì mà mình đã tự nguyện phải làm. Thời gian của trời đất cho tôi đã cạn dần. Ngoài trách nhiệm của một gã đàn ông trong gia đình, còn phải trả những món nợ mà mình đã tự nguyện gánh vác đối với những người chung quanh…Có một số người cho tôi là kẻ đa đoan, làm nhiều chuyện vô bổ. Tôi không buồn về những lời đó. Tôi có những việc phải làm. Tôi biết việc gì tôi phải và nên làm để mang lại niềm vui cho người khác. Đơn giản thế thôi! Chắc không cần phải giải thích gì thêm…

 hkc_tan_mao-large-content Khi tính nhẩm trong đầu còn khoảng hơn tháng là đến tết, tôi đã tự hứa sẽ viết bài gửi cho trang nhà Anh Đào trong dịp tết nhưng rồi cứ việc này dồn đến việc nọ, mãi đến chiều hai mươi ba tháng chạp mới ngồi gõ bài Sớ Táo Quân để bà con Đà Lạt đọc cho vui (gõ bằng bốn ngón chứ không phải mười ngón). Nhớ lần qua Cali gặp bạn bè vào tháng chín năm ngoái tại nhà Nguyễn Mùi, người bạn chí thân và từ tâm nay đã thành người thiên cổ, mười anh em đều là dân Trần Hưng Đạo đã tự nguyện góp tài chánh để thực hiện trang nhà www.anhdao.org. Bắt tay vào việc Phạm Bá Đức lãnh thiết kế và trông coi trang nhà, rồi thông báo, hô hào bà con đóng góp bài vở. Giáo sư Nguyễn Đình Cường và ban biên tập gửi thư mời quý vị giáo sư và anh chị em viết bài. Có những đáp ứng nhiệt tình và cũng có những hờ hững như một cố tật đáng yêu… Những đóng góp của Trần Ngọc Toàn, Tiểu Thu, Việt Trang, Hoàng Kim Châu, Phạm Bá Đức, Mai Thái Lĩnh… Những bài và hình ảnh góp nhặt về thành phố Đà Lạt, về hai ngôi trường trung học ở cao nguyên cũng đã mang lại một niềm vui nhỏ cho những ai ghé thăm trang nhà. Chỉ mới bốn tháng thôi và thời gian trước mặt còn dài…

 Đầu xuân Canh Dần 2010 dân Đà Lạt ở hải ngoại vô cùng bàng hoàng và tức giận khi nghe tin và thấy cả những hình ảnh hồ Xuân Hương đã bị nhà cầm quyền tháo hết nước, phá cầu Ông Đạo nói là để vét nạo hồ và xây lại cầu. Nhiều nghi vấn được đặt ra và không ai giải đáp được thỏa đáng. Một số người từ nước ngoài về ghé thăm Đà Lạt chụp những tấm hình cho thấy lòng hồ khô cạn nứt nẻ với con đương tạm băng ngang hồ bụi mù trời. Người Đà Lạt ở trong cũng như ngoài nước chờ đợi. Nhà cầm quyền giải thích việc làm của mình. Cầu Ông Đạo và đập nước bị phá và gặp khó khăn trong việc tái xây dựng phải cầu cứu sự giúp đỡ kỹ thuật của Pháp. Đến tháng chạp năm Canh Dần thì được tin hồ Xuân Hương đã được bơm nước vào, nước lấy từ một cái hồ khác – hồ Chiến Thắng ở miệt ấp Thái Phiên. Tuy nhiên, cầu Ông Đạo vẫn chưa hoàn thành và vẫn còn đang tiếp tục giai đoạn cuối cùng. Như lần nạo vét hồ cách nay mười ba năm, lần này số tiền chạy vào tư túi một số cán bộ không dưới bạc triệu đô la!

 Mùa hè năm ngoái 2010, tôi tình cờ lọt vào đôi mắt “đen” của Trương Sỹ Thực ở Canada và được giao việc là tiếp tay với các chị Bùi Thị Xuân ở Houston để tổ chức đại hội lần thứ III cựu học sinh trung học Bùi Thị Xuân -Trần Hưng Đạo. Trên hai trăm người vừa giáo sư vừa học sinh mọi nơi về thành phố nơi tôi ở để làm thành một cuộc họp mặt lớn. Tôi gặp lại một số bạn bè cùng lớp cùng trường sau gần cả nửa thế kỷ. Đâu có ngờ thời gian trôi qua nhanh như thế! Gặp lại người ngày xưa áo trắng áo xanh học trò mà khi đó tôi là một gã học trò chỉ biết viết những câu thơ vụng về bày tỏ mà chẳng dám gửi cho ai. Tôi có thể trích một câu trong bài hát Phượng Hồng “Ai cũng hiểu chỉ mình tôi không hiểu…” để tự thú với chính mình. Chuyến du thuyền năm ngày trên biển cho tôi sống lại những kỷ niệm của Đà Lạt ngày nào. Sáng thức dậy trên boong thuyền đã gặp những người Đà Lạt, dù có những anh chị chưa hề quen biết trước đây. Một Đà Lạt thu nhỏ trên chiếc du thuyền. Tôi thật sự hạnh phúc, một thứ hạnh phúc cảm nhận được ngay trong khoảng thời gian và không gian tuyệt vời đó. Những nụ cười tươi, những ánh mắt thân thiện, những lời ca tiếng hát của các anh chị đã mơn trớn ký ức của tôi. Tôi nhớ lại những sáng những chiều dạo quanh phố Hòa Bình theo sau những tà áo tung bay trong gió, những buổi chiều lang thang trên Đồi Cù trải dài mộng mơ của thuở mới lớn mười lăm mười bảy. Tôi thật vui khi được gặp lại một số giáo sư, trong đó có những vị không dạy lớp tôi ngày xưa. Các Thầy Cô nay đã lớn tuổi, tóc Thầy tóc trò cũng đều bạc hết cả rồi. Thời gian đã nhuộm trắng xóa tuổi đời nhanh đến thế sao? Tôi bắt gặp những ánh mắt trìu mến ân cần của các Thầy Cô và tất cả đều mong có những lần hội ngộ đầy ắp tình người tình Đà Lạt như thế nữa.

 Tôi đã mạnh dạn đưa ra đề nghị về cuộc họp mặt lần tới thì không ngờ nhận được những phản ứng hết sức thuận lợi của quý vị giáo sư và anh chị em có mặt trên du thuyền. “Việc gì làm được hôm nay thì đừng để qua ngày mai”. Có lẽ đó là câu cách ngôn tôi áp dụng triệt đễ nhất trong đời sống. Tôi rất mừng khi có các chị tình nguyện nhận đứng ra tổ chức đại hội lần tới. Buổi họp đầu tiên tại nhà giáo sư Nguyễn Đình Cường và Đỗ Thị Tiến ở Nam Cali vào tháng 10-2010, có cả giáo sư Trần Phương Thu và anh Trương Sỹ Thực từ Canada và tôi từ Texas. Chị Đặng Kim Tuyến và anh Nguyễn Quốc Quân là đồng trưởng ban tổ chức đại hội với sự cộng tác của rất nhiều anh chị em có mặt trong buổi họp hôm đó. Lần họp kế tiếp ngày 9 tháng 1-2011 không đông bằng lần họp trước nhưng anh chị em cũng quyết tâm làm những gì có thể làm được ngay từ bây giờ vì “thời gian như bóng câu qua cửa sổ…” Nghe nói sẽ có một buổi họp mặt vào cuối tháng hai để bàn định công việc. Tôi hy vọng nhận được nhiều tin thật vui trong những ngày tới.

 Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch. Tính theo sổ lưu vong cho đến năm nay-Tân Mão, tôi đã ăn hai mươi cái tết trên đất khách quê người. Nhớ cái tết đầu tiên trên đất Mỹ thật là buồn. Đến Mỹ được vài tuần là đụng ngay tết Con Khỉ (Nhâm Thân, khỉ thật!), không thân nhân không bạn bè. Trời lạnh căm căm, chiều ba mươi tết hai vợ chồng và bốn đứa con mặc áo không đủ ấm lội bộ đi chợ Mỹ gần apartment mua ít thức ăn, mấy nhánh bông và ít trái cây về cúng ông bà. Đó là cái tết đầu tiên xa quê hương, xác đang “trụ trì” trên đất Mỹ mà hồn thì cứ quẩn quanh ở Đà Lạt ở Sài Gòn với những gương mặt thân quen của mẹ cha, anh em, bà con bạn bè…Tâm trí cứ lẩn quẩn ở các góc phố con đường, lục lạo vào những nơi mình đã sống đã đi qua, nhớ vô vàn những kỷ niệm của thời thơ ấu, thời thiếu niên, thời thanh niên mới lớn với các giảng đường đại học, thuở lao vào đời với lý tưởng và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Đến nay không có gì ân hận và hối tiếc. Dòng thời gian vẫn trôi…

 Đoạn trên viết vào chiều ba mươi. Lại phải chạy việc nhà việc người. Đoạn kế sau đây viết vào trưa mồng một tết Tân Mão. Suôt mấy ngày qua, cứ vài tiếng đồng hồ lại mở máy đọc email, gửi lời chúc tết đến những người thân, bạn bè ở Việt Nam và hải ngoại. Đọc được nhiều lời chúc tết từ các nơi gửi về, trong đó có nhiều điện thư chúc tết của anh chị em cựu học sinh Bùi Thị Xuân -Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Trưa hôm qua, ba mươi tết là đêm giao thừa ở Việt Nam gọi về Đà Lạt nói chuyện với mấy người bạn thân trong đó có vợ chồng Mai Thái Lĩnh-Nguyễn Cảnh Chi Minh. Đây là cặp vợ chồng mà tôi vừa mến vừa phục trong số những bạn bè còn ở Việt Nam. Lĩnh là người đã viết nhiều bài rất giá trị về các đề tài chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử…Mới đây Lĩnh có gửi cho tôi bài nói về Đà Lạt rất có giá trị về phương diện địa lý-chính trị-lịch sử-văn hóa…bài này đã được Phạm Bá Đức đưa vào anhdao.org. Cám ơn Lĩnh. Cám ơn Đức.

 “Thời Gian…Lắm Chuyện” viết vào ngày cuối năm và đầu năm âm lịch tại thành phố Houston, Texas. Trước tết, bản tin thời tiết báo động tối hai mươi chín tết nhiệt độ sẽ rớt xuống dưới 20 nên một số cây và hoa đã được đem vào patio và được trùm rất kỹ, ra Home Depot mua mấy thước foam chống lạnh để bọc các ống dẫn nước. Sáng ba mươi ống dẫn nước bị đông đá cho mãi đến trưa và khi có nước thì một đầu ống bị bể…Ra khỏi nhà, đụng phải gió và nước mới biết thế nào là lạnh. Tôi vẫn từng huênh hoang về việc chịu lạnh của mình với vợ con. Tôi bảo tôi là dân Đa Lạt nên chịu lạnh rất giỏi. Thời gian gian gần đây tôi không còn dám nói những lời ấy nữa. Tại sao? Vì tôi biết “tôi đã già !”. Đây là lần đầu tiên tôi nói “tôi già” như là một chân lý bất biến trong cõi nhân sinh vũ trụ. Và rồi, cũng thời gian gần đây, tôi hiểu thế nào là “lực bất tòng tâm” và trí nhớ cũng kém đi nhiều. “Thời Gian…thật…Lắm Chuyện…” khiến cho con người phải điêu linh với chính mình!

 Nói quanh nói quẩn chắc các bạn thắc mắc là không biết tôi muốn nói điều gì. Tôi không thể trả lời câu hỏi của các bạn được đâu. Mồng một tết ngồi nhà ôm cái lạnh, bốn ngón tay gõ lên bàn phím quanh co với chữ nghĩa chẳng ra hồn, trải lòng ra nói ba chuyện tầm phào trước sau bất nhất. Nhớ Việt Nam. Nhớ Đà Lạt quá! Sáng một một nào cũng có những hạt mưa bụi lất phất. Ra trước sân nhà nhìn về phương Bắc thấy rặng Langbian xanh rì với chùm mây trắng quyện trên đỉnh núi. Cái thuở xa xưa áo xanh áo tím áo vàng sáng mồng một đến chùa lễ Phật có thằng bé theo chân người lớn để nhận tiền lì xì. Đến trưa nắng lên hương khói vàng bạc bay đầy Mã Thánh…Qua mồng hai, thằng bé theo bạn bè rong chơi thỏa thích ba bốn bữa mới trở về nhà. Còn đâu những ngày xuân vui ấy!

 Theo dự báo thì nơi tôi ở trời còn lạnh ba bốn hôm nữa, có mưa, có tuyết rơi. Chắc là chỉ loanh quanh ở nhà với mấy đứa cháu, xem tivi, đọc báo, mở đọc email và nếu có hứng thì gò lưng trước computer để lay out thêm vài trang báo Hướng Đạo đang làm dở dang. Bài viết “Thời Gian…Lắm Chuyện” phải được chấm dứt nơi đây với vài câu thơ không dính dáng gì đến mùa xuân như một lời tâm sự. Nếu không thì các bạn lại phán cho rằng: cái lão Châu già “Lắm Chuyện”.

 

 Nhớ về phố núi hao gầy

 Nghe sương tan giữa những ngày lưu vong

 Em mùa xuân hay mùa đông

 Cho ta gặp lại giữa lòng phố xưa

 Em đi sáng nắng chiều mưa

 Ta về gọi gió cho vừa nhớ mong

 Em xưa guốc mộc sách hồng

 Ta phiên trầm tích bềnh bồng chân mây

 Em từ lạc dấu chim bay

 Ta ngồi ôn lại những ngày thẩn thơ

 Trời cho chi kẻ dại khờ

 Yêu người sao mãi ngu ngơ thế này

 

 Phong Châu

  Mồng Một Tân Mão

 Ngày 3 tháng 2-2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn