Thư Gửi Các Bạn Mình * Phong Châu

04 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 5231)

Thư Gửi Các Bạn Mình

 Các bạn thân mến,

 Thư này đến với các bạn thì những ngày lễ lớn đã đi qua. Đó là các này Lễ Tạ Ơn cuối tháng 11, Lễ Chúa Giáng Sinh cuối tháng 12 và năm Mới 2015. Thiên hạ trên khắp thế gian đã đổ ra hàng tỉ đô là để mua sắm những thứ hàng quà để tặng cho người thân trong những dịp lễ này. Họ mua sắm những gì? Phải có một list dài hàng trăm trang mới liệt kê đủ các món hàng. Nói chung chung thì trong các cửa tiệm có bất cứ món hàng gì thì cũng có người thò tay đụng đến để mua về làm quà, từ quần áo giày dép, son phấn phụ nữ, đồ chơi trẻ em, các mặt hàng điện tử…là những món rất thông thường, còn có những món hàng đắt giá mà những kẻ “low income”chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Chưa hết, còn những bữa tiệc linh đình trong gia đình, nơi quán ăn với rượu thịt rau trái ê hề mà người Việt ta hay nói là “cao lương mỹ vị”. Trong khi đó, cũng trong những ngày lễ này, không ít người phải vất vả để có được dăm ba món quà mọn cho con cháu và một bữa ăn đạm bạc cho cả gia đình. Nhưng niềm vui của cả hai thành phần xã hội nói trên, người dư thừa kẻ thiếu thốn có lẽ cũng không kém gì nhau, mà đôi khi niềm vui của “con nhà nghèo” lại gấp bội kẻ dư thừa tiền bạc quà cáp. Dù là ở trên đất nước Hoa Kỳ, những sai biệt nói trên cũng không phải là xa lạ.

 Xin kể câu chuyện mà người viết nghe được trong một bản tin trước ngày Lễ Chúa Giáng Sinh xảy ra tại một thành phố ở tiểu bang Alabama. Có một phụ nữ đến chợ mua một hộp trứng nhưng xem lại túi tiền thì thấy thiếu 50 cents. Người phụ nữ trong thoáng chốc, đã dấu hộp trứng vào trong áo và vội ra bước ra cửa tiệm. Nhưng không may, một nhân viên trong chợ trông thấy bèn gọi cảnh sát đến bắt. Anh cảnh sát hỏi chuyện người đàn bà thì biết chị đang có ba đứa con ở nhà chờ chị đi chợ mua trứng về nấu cho chúng ăn nhưng chị không đủ tiền. Nghe vậy, người cảnh sát chẳng những không còng tay chị mà đã trả tiền hộp trứng cho chị, xong chở chị về đến tận nhà để chứng kiện tận mắt cảnh ba đứa con nhỏ của chị đang chờ mẹ. Người cảnh sát dặn chị đừng bao giờ có hành động lấy hàng trong chợ nữa. Chị ta vô cùng xúc động và cám ơn người cảnh sát. Chưa hết, hai ngày sau người cảnh sát trở lại nhà người đàn bà và chở theo một xe thức ăn mà anh quyên góp của bạn bè mang đến cho chị.

 Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra trong mùa Giáng Sinh này trên xứ Mỹ, có một người đàn ông, nghe nói hàng năm đến giáp ngày Lễ Giáng Sinh là ông ta cầm tiền đi phát cho những người khách qua đường trong khu vực ông ở. Năm nay mùa Giáng Sinh đến, ông không tự tay mang tiền biếu bà con, ông mang số tiền $ 100,000.00 đến sở cảnh sát địa phương nhờ họ làm công việc cho tiền thay ông. Thế là cảnh sát chia nhau lái xe chận đường và phát cho mỗi người một tờ trăm đô. Ai cũng hoảng hốt khi xe bị cảnh sát chận lại và rồi ngac nhiên khi nhận được tờ giấy bạc mới toanh để về ăn mừng Giang Sinh.

 Đó là chuyện ở Mỹ. Còn chuyện ở xứ Trung hoa lục địa hay xứ xã hội chủ nghĩ, cũng chuyện tiền bạc đã xảy ra như sau. Vào đêm giao thừa năm dương lịch dân chúng thành phố Thượng Hải đổ xô nhau ra đường vui chơi, xem đốt pháo mừng năm mới, có đến vài trăm nghìn người trong số triệu triệu người sống ở thành phố được coi như là một thành phố tiêu biểu cho sự lớn mạnh và phát triển kinh tế vào bậc nhất của Trung Hoa lục địa. Trong khi dân chúng đang vui vẻ chờ đón giây phút đầu năm thì người ta bỗng thấy từ trên các tầng cao ốc rơi xuống vô số đồng tiền đô la Mỹ. Thế là mọi người chen lấn xô đẩy nhau để nhặt tiền rơi. Đám đông hỗn loạn, già trẻ lớn bé chen lấn nhau, đạp lên nhau để nhặt tiện rơi từ trên trời xuống. Hâu quả là có gần bốn chục người bị dẫm chết. Đã hỗn loạn lại càng hỗn loạn thêm. Cuối cùng người ta phát hiện ra rằng những đồng tiền từ các cao ốc rơi xuống đều là những đồng đô la giả. Đây là một trong những trò nghịch ngợm “thiếu giáo dục” tại nước cộng sản lớn như Tàu cộng hay sao?

Cũng chuyện đã xảy ra cuối năm. Những ngày giáp tết dương lịch, chiếc máy bay Airbus A 320 của hàng hàng không AirAsia mang số hiệu 8501 cất cánh từ thủ đô Indonesia để bay đi Singapour đã bị rơi xưống cùng biển thuộc đảo Java. Trên chuyến bay có 155 hành khách và 7 nhân viên phi hành đoàn, tất cả đều đã thiệt mạng vì thời tiết xấu nên máy bay gặp nạn. Sau gần một tuần tìm kiếm, người ta chỉ mới vớt được 30 xác chết từ lòng biển. Thân nhân của những người gặp nạn vô cùng đau khổ trong những ngày cuối năm. Sự mất mát chẳng có gì bù đắp lại được. Có đúng như câu “tai trời ách nước” như ông bà ta thường nói hay không?. Có lẽ phải nói cho nó khác đi một chút là “bay trên trời rớt xuống nước”. Đó cũng là một trong những tin buồn cuối năm 2014 và còn kéo sang 2015.

Còn chuyện cuối năm ở Việt Nam ta thì sao? Có lẽ phải viết lên vài trang giấy mới hết chuyện đã xảy ra ở Việt Nam trong những ngày giáp tết dương lịch. Nếu viết ra đây thì hẳn các bạn mình cũng đã biết rồi. Sợ bạn mình rầy rà “biết rồi! khổ lắm! nói mãi” nên kẻ viết bài này chẳng dám viết gì ngoại trừ một chuyện mà kẻ viết bài này coi như là món quà của chính quyền tặng cho nhân dân thành phố cổ Hội An và du khách đến thăm trong những ngày gần tết dương lịch. Đó là chuyện mấy cái đầu vĩ đại nằm trong bộ máy cai trị thuộc chính quyền tỉnh Quảng Nam đã âm thầm và tích cực làm một việc mà họ đã từng làm như cơm bữa. Chữ nghĩa của họ dùng là “xả lũ”, có nghĩa là họ tháo nước từ những con đập ở đầu nguồn cho nước tràn xuống thành phố mà không thèm báo cho dân biết trước. Hậu quả là cả thành phố cổ Hội An bị ngập chìm trong nước, người ta lội bì bõm trong biển nước mênh mông từ dân địa phương cho đến những du khách nước ngoài. Người ta chẳng biết duyên cớ vì đâu. Mùa này là mùa có mưa bão thường đánh vào các tỉnh miềm Trung là chuyện thường. Nhà nước có cả một cơ quan nuốt rất nhiều tiền gọi là cơ quan “phòng chống bão lụt”. Khi thiên tai sắp tới thì người ta báo động để dân chúng biết trước mà tránh. Còn “nhân tai” do các quan gây ra thì chắc nhân dân đã “thấm nhuần” và quen chịu đòn rồi nên chẳng cần báo động làm gì! Nói như thế các bạn mình thấy có “lô gích” không nhỉ?

Các bạn thân mến,

Trong hai Thư Gửi Các Bạn Mình kỳ trước, kẻ viết bài lấy bút hiệu là nickname Châu Đen. Có vài bạn bên Cali gọi qua yêu cầu đừng lấy bút hiệu là Châu Đen nữa. Kẻ viết bài biện bạch, nói, đó là cái tên cúng cơm mà chính các bạn đã đặt cho mình nên dùng nó để nhớ lại những ngày xưa còn cắp sách gò lưng đạp xe đến trường, có sao đâu! Cuối cùng thì mấy anh bạn mình nói rõ lý do tại sao không nên lấy bút hiệu Châu Đen. Lý do là: Sợ Châu Đen trong một buổi đẹp trời nào đó lại kê khai một lô nickname của bạn bè mà trong đó có những nickname nghe nó kỳ quặc lắm…Chiều theo ý các bạn, bắt đầu hôm nay, kẻ viết bài này không dùng bút hiệu Châu Đen nữa mà lấy bút hiệu vẫn thường dùng là Phong Châu và vài tên khác nữa cho các bạn vừa lòng. Nhưng cũng có chuyện hơi nghịch lý là khi nói chuyện thì các bạn cứ xưng là…tao và thằng Châu Đen… nói chuyện với thằng Châu Đen, thằng Châu Đen sẽ sáng Cali vân vân và vân vân…khó hiểu quá các bạn ạ…

Hôm nay là ngày 4 tháng 1 – 2015. Đã qua bốn ngày của năm mới. Năm nay mình hơi bận rộn vì liên tục dự mấy cái đám cưới và tiếp bạn bè từ các nơi đến Houston. Đêm giao thừa cũng không có thì giờ để mở Tivi xem thiên hạ count down và đốt pháo mừng năm mới ở thành phố New York. Đáng lẽ thư này phải viết vào những ngày cuối năm để tiện thể chúc tết các bạn mình luôn mới phải. Trễ còn hơn không, xin chúc các bạn mình bước (hoặc nhảy) sang năm mới với gia đình vợ con cháu chắt (có bạn nào có chắt chưa nhỉ?) thật hạnh phúc, công việc đều hanh thông, sức khỏe thật dồi dào và nếu có dịp ghé Houston chơi dăm ba bữa thì cho Phong Châu biết để mời đi ăn một bữa và sau đó đến thăm quán cà phê Ông Già mà thư trước Phong Châu đã đề cập tới.

Hẹn các bạn mình thư sau

Phong Châu

che_hang_1-large-content che_hang_2-large-content

Đố Các Bạn:

1/ Người ngồi trên giường là ai ? 
2/ Người ngồi bên phải của PC là ai ?

Xin gọi: 832-782-2839

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn